Header Ads

  • Breaking News

    Mai Hoa Kiếm - Nghi án “giết người diệt khẩu” trong vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/10/1-20-300x197.jpg

    Ảnh: Cáo phó cái chết của ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Phương Hồng. Ảnh trên mạng 

    Sau chuyến kinh lý của ông Nguyễn Phú Trọng đến thành Hồ ngày 23-9-2022, đã xuất hiện những tin đồn râm ran về các vụ bắt bớ trong giới kinh doanh có máu mặt của những người Hoa tại Chợ Lớn.

    Quả nhiên không sai, bà trùm tài phiệt từng một thời được xem là “bất khả xâm phạm” Trương Mỹ Lan và một số tay chân thân tín đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an triệu tập, thẩm vấn, liên quan đến các dự án đầu tư của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trên các nền tảng mạng xã hội đã lan truyền thông tin bắt người và đế chế Vạn Thịnh Phát sắp sụp đổ

    Ngày 7-10-2022, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin, ông Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1973, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đột tử. Tuy nhiên, có nguồn tin cho hay, ông Thành đã chết vì độc dược. Có điều, ông Thành uống thuốc độc tự vẫn hay ông ta bị ai đó bức tử, vẫn chưa thể xác định.

    Ngày 8-10-2022, Bộ Công an công khai bắt bốn người ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó có Chủ tịch tập đoàn là bà Trương Mỹ Lan. Ngay lập tức, khách hàng ồ ạt đi rút tiền trước hạn mà họ đã gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần SCB. Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, cũng như khuyên mọi người hết sức bình tĩnh. Thông cáo của SCB phát đi và các cơ quan truyền thông cũng đồng thanh cho rằng, SCB có thừa thanh khoản.

    Hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia đang lo sợ “hiệu ứng domino”, khi việc bắt người gây rút tiền biến động dây chuyền, làm gãy đổ kinh tế tiền tệ. Bởi vì ông Nguyễn Tiến Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Mà Vạn Thịnh Phát chính là cổ đông chi phối của SCB, nói thẳng ra rằng Vạn Thịnh Phát chính là chủ nhân thật sự của SCB.

    Sáng 10-10-2022, mặc dù một số tờ báo đưa tin bà Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984, người Việt gốc Hoa, giữ chức vụ Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã chết trong trại giam sau hai ngày bị công an khởi tố, bắt giam trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cùng bà Trương Mỹ Lan. Nhưng chẳng bao lâu sau, những tờ báo này nhanh chóng gỡ bỏ bản tin nói trên, tuy vậy dư luận xã hội vẫn có đầy đủ chi tiết tờ “Cáo phó” cái chết của bà Hồng.

    Rất nhiều đồn đoán về cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, như nguyên nhân tử vong, việc sửa chữa ngày chết và chân dung trên cáo phó gia đình không có nổi một tấm ảnh cá nhân Nguyễn Phương Hồng hay sao mà lại phải lấy ảnh chân dung từ trên trang web… nhưng phía công an chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn nào. Tại sao bị can một vụ án vừa bị khởi tố lại phải chết mà không có bất kỳ cơ quan nào nhận trách nhiệm?

    Trong khi đó, dân chúng ghi nhận, quanh khu vực đám tang bà Hồng, nhiều dân quân tự vệ, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cả công an phường tuần tra dày đặc. Xe cộ hay người dân nào dừng lại quan sát, chụp hình, đều bị đuổi đi ngay lập tức.

    Hai cá nhân được cho là nắm giữ nhiều bí mật quan trọng trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã chết đột ngột. “Luật im lặng” của mafia, phải chăng đây là vụ án “giết người diệt khẩu”? Nếu đúng như vậy, thì người của Vạn Thịnh Phát bịt đầu mối, hay là các đại quan dính dáng đến bà Trương Mỹ Lan đã ra tay tàn độc?

    Cũng nên nhắc lại, Bùi Cao Nhật Quân, con trai của tỷ phú Bùi Thành Nhơn, ông chủ Tập đoàn Novaland, có hợp tác làm ăn với Vạn Thịnh Phát. Quân từng là đặc vụ của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, anh ta là cặp bài trùng với thượng tá Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm). Còn con trai của “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải là Lê Trương Hiền Hoà, cũng từng là sĩ quan tình báo đối ngoại của Bộ Công an, anh ta mới chính thức ra khỏi ngành và giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM.

    ***

    Có nhiều phi vụ liên quan đến Vạn Thịnh Phát câu kết với quan chức thành Hồ để “sang tay” công sản. Bộ Công an thừa sức biết, bà Trương Mỹ Lan chính là chủ nhân thâu tóm khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), là nơi có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền, tổng diện tích khoảng 6.000m2. Khu đất này từng đẩy cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu thứ trưởng Hồ Kim Thoa và hàng loạt quan chức thành Hồ bị truy tố. Riêng con trai cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là Nguyễn Minh An, sinh năm 1973, Phó Tổng giám đốc Công ty bia rượu Sài Gòn (Sabeco) phải làm đơn xin nghỉ việc, bỏ của chạy lấy người.

    Dính dáng đến đế chế Trương Mỹ Lan, ngoài Tập đoàn Novoland của tỷ phú Bùi Thành Nhơn, còn có Dương Công Minh, ông chủ Tập đoàn Him Lam và của Ngân hàng Sacombank cùng nhiều “cá mập” khác trong thượng tầng chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.

    Tiền ở đâu mà Vạn Thịnh Phát có thể gầy dựng nên thế lực tài chính hùng mạnh như vậy? Có thể nhận ra rằng, tiền đến từ rất nhiều nguồn, trong đó có việc phát hành trái phiếu, huy động vốn vô tội vạ. Hàng chục công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, từ năm 2018, liên tục phát hành trái phiếu, hút về dòng vốn hàng tỷ USD. Trong khi đó, quy mô trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp này đều cao hơn nhiều so với vốn điều lệ đăng ký.

    Điều lạ lùng là, các quan chức đứng đầu quốc gia về tài chính, ngân hàng, chứng khoán của đảng độc tài quản lý nhà nước kiểu gì mà chẳng bao giờ quan tâm, đặt dấu hỏi về dòng tiền gần 3 tỷ Mỹ kim, tương đương tài sản một ngân hàng bậc trung, mà nhóm doanh nghiệp trên huy động, đã được giải ngân hay sử dụng minh bạch hay không?

    Dòng vốn khổng lồ đổ vào các trái phiếu Vạn Thịnh Phát của gia tộc Trương Mỹ Lan đến từ các chủ nhân giấu mặt nào và đã được thu xếp ra sao?

    Trong khi đó, vợ chồng Trương Mỹ Lan từng phát biểu “sẽ làm cầu nối cho ‘Vành đai và Con đường’ (Belt and Road Initiative – BRI)) tại các nước Asean”.

    Nhiều nguồn tin cho hay, đế chế Vạn Thịnh Phát có liên quan mật thiết với một số nhà đầu tư, các trùm tài phiệt người Hoa ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

    Những năm gần đây chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng được xem như “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình. Diễn biến chính trường gần nhất ở Trung Quốc cũng có tác động ghê gớm đến việc thanh trừng nội bộ ở Việt Nam.

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/10/2-2-300x235.jpg

    Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Đảng CSVN 

    Ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba của ông ta. Tại Đại hội đảng CSTQ lần thứ 20, Tập chắc chắn sẽ thăng cấp cho hàng loạt thuộc cấp thân tín. Theo một số nhà bình luận, lý do chính khiến Tập tảo thanh hệ thống tài chính vào thời điểm này là để bảo vệ những người mà ông ta muốn đề bạt.

    Từ tháng 4-2022 đến nay, trước thềm đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc đấu đá nội bộ của những người trong đảng ngày càng dữ dội. Đó cũng là nguyên nhân Tập ra lệnh bắt giữ hơn chục giám đốc ngân hàng, cầm đầu các tổ chức tài chính và mở nhiều phiên tòa xét xử các quan chức cấp cao hơn. Bất chấp tất cả, sau khi thao túng quá trình bỏ phiếu và đe dọa các đối thủ của mình, Tập Cận Bình sẽ đắc cử nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba, cùng với đó là quyền tiếp tục làm người đứng đầu đảng và quân đội.

    Những người am hiểu chính trường bình luận, ông Nguyễn Phú Trọng được bên kia biên giới “bật đèn xanh”, cho phép thanh trừng các tỷ phú có liên quan đến dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc, nhưng thuộc phe nhóm của Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Hồ Cẩm Đào, Chu Vĩnh Khang, Lý Khắc Cường..

    Điều trùng hợp là, đảng Cộng sản Việt Nam khởi tố, bắt giam Trịnh Văn Quyết và san phẳng Tập đoàn FLC cũng vào tháng 4-2022. Tiếp theo là bắt giữ Đỗ Anh Dũng và phá nát Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 9-2022, thì hé lộ ra cả hai tập đoàn nêu trên đều làm ăn chung và có vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/10/3-2-300x200.jpg

    Trịnh Văn Quyết (phải) và Đỗ Anh Dũng, hai đại gia có vay vốn từ các ngân hàng Trung Quốc. Nguồn: Internet 

    Một số nhà nghiên cứu nhìn nhận, vai trò của Hoa kiều ở Việt Nam trong quan hệ Việt – Trung là quan trọng. Cuộc chiến biên giới Việt – Trung hồi năm 1979, vấn đề “đàn áp người Hoa” cũng là một nguyên nhân khơi mào. Vì vậy, vấn đề người Hoa ở Việt Nam thì vô cùng nhạy cảm.

    Nếu như không có “đèn xanh” từ bên kia biên giới, chắc chắn ông Trọng sẽ không đời nào liều lĩnh đích thân kinh lý chỉ đạo đả phá vào thành trì của giới Hoa kiều ở Sài Gòn, cũng như càng không dám đem hai đại tướng Công An và Quân Đội hộ vệ chuyến kinh lý như muốn hăm doạ “sẽ đàn áp đẫm máu” nếu người Hoa tại thành Hồ manh động hoặc xuống đường biểu tình.

    https://baotiengdan.com/2022/10/12


    Không có nhận xét nào