Header Ads

  • Breaking News

    Lam Giang* - Ông Tập Cận Bình khó có thể điều chỉnh đường lối kinh tế sau Đại hội Đảng 20



    Chính sách Zero Covid nghiêm ngặt đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc. Bức ảnh cho thấy những con đường vắng vẻ của Thượng Hải trong thời gian thành phố phong tỏa hôm 19/4/2022. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg/Getty Images)

    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khai mạc vào Chủ nhật (16/10), song ông Tập Cận Bình không còn nhấn mạnh vào việc lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm. Ngày càng có nhiều nhà phân tích thất vọng với tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, cho rằng ông Tập khó có thể điều chỉnh đường lối kinh tế sau sự kiện này.

    Theo tờ Reuters, so với Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại hội 20 có một sự thay đổi đáng kể, đó là không còn tập trung vào phát triển kinh tế và cải cách kinh tế.

    Giáo sư tài chính Zhiwu Chen (Trần Chí Vũ) tại Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong nói rằng: “Từ đại hội Đảng lần thứ 14 đến lần thứ 19, lần nào cũng nói rõ rằng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của đảng, trong khi lần này thì không được đề cập đến, thay vào đó là phát triển ‘hoàn chỉnh’ và ‘toàn diện’. Nghĩa là không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là phát triển chính trị, xã hội, môi trường và văn hóa”.

    Chuyên gia Matthew Brooker của tờ Bloomberg cho hay, có rất nhiều đồn đoán đổ dồn vào khả năng điều chỉnh chính sách kinh tế sau Đại hội 20 trong tháng này, nhưng khả năng đó dường như đang ngày càng thu hẹp lại.

    Về lý thuyết, sau khi củng cố quyền lực nhiệm kỳ thứ ba thành công, ông Tập có xu hướng xoa dịu một số chính sách trước đó và quay trở lại chủ nghĩa thực dụng vốn rất có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, hy vọng đó giờ đây trở nên mong manh, ông Brooker nói.

    Trong quá khứ, nền kinh tế được điều hành bởi nhân vật số hai trong ĐCSTQ – Thủ tướng Quốc vụ viện. Tuy nhiên, khi ông Tập Cận Bình tập trung quyền điều hành các chính sách kinh tế vào tay mình, vai trò của Thủ tướng đã bị thu hẹp.

    Nhà báo Katsusuji Nakazawa của tờ Nikkei Asia cũng dẫn các nguồn tin cho rằng, ông Hồ Xuân Hoa có thể trở thành tân Thủ tướng, nhưng ngay cả khi như vậy thì các chính sách kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ ngày càng thủ cựu hơn vì sự kiểm soát quyền lực của ông Tập Cận Bình.

    Đồng thời, ông Tập đồng ý để ông Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng với tiền đề rằng Ủy viên Thường vụ mới được đưa vào Bộ Chính trị phải là người của ông. Trong trường hợp đó, ông Hồ Xuân Hoa chỉ có thể trở thành một Thủ tướng bình phong, bởi vì ông bị bao quanh bởi các thân tín của ông Tập.

    Ông Fraser Howie, đồng tác giả cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản đỏ: Nền tảng tài chính mong manh của sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc”, cho biết những người như Thủ tướng Lý Khắc Cường và ông Lưu Hạc (Liu He) – cố vấn cấp cao của ông Tập Cận Bình là người theo chủ nghĩa tự do trên phương diện kinh tế, nhưng họ lại không có sức ảnh hưởng thực tế nào.

    Về khả năng thay đổi chính sách kinh tế Trung Quốc trong tương lai, ông Howie cho rằng điều này gần như bất khả thi.

    Đường lối chính sách bị chặn, các quan chức thâm niên của phe cải cách sắp nghỉ hưu

    Đối mặt với những khó khăn về kinh tế của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang hy vọng tìm ra cách đối phó với tình trạng giá nhà tiếp tục sụt giảm và giảm bớt thiệt hại từ chính sách Zero Covid của ông Tập.

    Nhưng do “sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc bị hạn chế bởi bảng cân đối kế toán”, các dấu hiệu hiện tại cho thấy Bắc Kinh không có cách nào để giải quyết vấn đề kinh tế, ông Nicholas Borst cho hay. Ông Borst từng là nhà phân tích của Fed tại San Francisco, hiện là Phó chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư Seafarer Capital Partners.

    Ông nói với tờ Financial Times rằng các chính sách “thận trọng” hiện tại của Bắc Kinh “không có quá nhiều khả năng” cải thiện tình trạng khó khăn về thanh khoản mà các nhà phát triển bất động sản tư nhân đang phải đối mặt, đồng thời cũng không mong đợi sự phục hồi đáng kể của bất động sản trong trung hạn.

    Ông cảnh báo: “Đối với đội ngũ quan chức cấp cao phụ trách quản lý nền kinh tế và tài chính, triển vọng của họ không mấy sáng sủa”.

    Ông lấy ví dụ rằng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người được cho là theo phe cải cách, tới đây sẽ nghỉ hưu và ông có thể bị thay thế bởi một quan chức chỉ hiểu về nền kinh tế kế hoạch của nhà nước. Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương (Yi Gang), Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn (Liu Kun) và Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing) cũng là những nhà hoạch định chính sách theo định hướng thị trường, cũng có thể nghỉ hưu. Các nhà cải cách khác, chẳng hạn như cựu thống đốc ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) và cựu Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) đã nghỉ hưu sớm.

    Ông Barry Naughton, Giáo sư kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, cho hay những cố vấn thân cận với ông Tập Cận Bình như ông Lưu Hạc sẽ không mất 100% ảnh hưởng trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, thực trạng chung là những người kế nhiệm sẽ có ít kinh nghiệm, ít danh tiếng trên trường quốc tế và ít ảnh hưởng hơn khi tham gia hoạch định chính sách kinh tế.

    Ông Logan Wright, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc của công ty nghiên cứu Rhodium Group, cho biết: “Nếu ông Tập Cận Bình coi trọng lòng trung thành hơn năng lực kỹ trị, đó sẽ là một trong những tín hiệu lớn về chính sách được phát ra sau đại hội, hệ quả là nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi theo hướng tiêu cực trong 5 năm tới”.

    ‘Ông Tập có tư tưởng sai lầm về cách điều hành’

    Chuyên gia Matthew Brooker của tờ Bloomberg nghi ngờ rằng ông Tập có tư tưởng sai lầm về cách điều hành nền kinh tế.

    “Ông Tập Cận Bình dường như đã đưa ra những kết luận hoàn toàn sai lầm từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông ấy cho rằng, năng lực kinh doanh của người dân Trung Quốc được giải phóng là nhờ vào sự chí cao vô thượng của đảng và sự đúng đắn của lịch sử, chứ không phải là do vai trò ngày càng tăng của thị trường”, ông nói.

    Ông Brooker cho biết ông Tập đã lặp lại vị thế ưu tiên của các doanh nghiệp nhà nước và can thiệp vào kinh tế tư nhân, đàn áp các công ty công nghệ cùng nhiều nguồn lực khác.

    Ông nói: “Những can thiệp này, kết hợp với việc ông Tập Cận Bình áp dụng chính sách Zero Covid một cách cứng nhắc, đã gây ra thiệt hại rõ rệt cho triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc và khiến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc rơi vào tình trạng lấp lửng”.

    Ông Tập Cận Bình được cho là “một cá nhân đã nắm giữ quá nhiều quyền lực trong một hệ thống chủ nghĩa Lenin khép kín”, đặc biệt là khi ông sử dụng các khẩu hiệu “thịnh vượng chung” và “phục hưng dân tộc” để thiết lập tính hợp pháp về mặt ý thức hệ. Theo ông Brooker, xét cho cùng, điều ngoại giới lo ngại là, cuối cùng những điều trên có thể khiến ông Tập trở nên “thờ ơ với các bằng chứng mâu thuẫn, các vấn đề tích tụ cuối cùng sẽ trở nên quá phức tạp và không cách nào giải quyết”.

    Kinh tế Trung Quốc khó khăn, đặc biệt là ngành bất động sản

    Hiện tại, gần 1/3 nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng suy thoái.

    Giáo sư kinh tế Barry Naughton ở California nói rằng, chính sách Zero Covid của ĐCSTQ nhằm xóa sổ dịch bệnh là mối đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chính sách này không phải là yếu tố duy nhất góp phần gây ra thảm họa kinh tế Trung Quốc.

    Hoàn cảnh kinh tế khó khăn của Trung Quốc được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp chưa từng có sau khi lao dốc vào tháng Tư. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lần đầu tiên cán mốc 19,9% trong tháng Bảy, giá nhà tại khoảng một nửa số thành phố (ngoại trừ Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc Thâm Quyến) bắt đầu sụt giảm và người mua nhà đã từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp ngân hàng.

    Theo dữ liệu cán cân thanh toán quốc tế của Trung Quốc, khoản lỗ ròng mỗi quý là hơn 100 tỷ USD, trong đó dòng vốn tháo chạy tương đương khoảng 3% tổng GDP.

    Các nhà đầu tư đặc biệt quan ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng đây là một “cuộc khủng hoảng tài chính diễn biến chậm” (slow motion) và đang “lan rộng thông qua cấu trúc sâu xa của nền kinh tế chính trị Trung Quốc”.

    Tờ Financial Times cho biết, cú sốc của cuộc khủng hoảng nợ năm ngoái tại Evergrande đã “làm lãng phí hàng tỷ USD được dùng để cho công ty này và các công ty cùng ngành vay, làm tê liệt hoạt động xây dựng trên khắp đất nước và để lại những dự án xây dựng dở dang, khiến người mua nhà giận dữ tẩy chay các khoản thế chấp”.

    Lam Giang

    Không có nhận xét nào