Header Ads

  • Breaking News

    Dự Thảo Nghị Quyết “Toàn Vẹn Lãnh Thổ Của Ukraine: Bảo Vệ Các Nguyên Tắc Của Hiến Chương Liên Hợp Quốc”


    Toàn cảnh phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tranh luận và bỏ phiếu Nghị quyết. Ảnh: UN Media

    Những nước đồng bảo trợ đầu tiên: Albania, Úc, Áo, Belize, Bỉ, Bosnia, Bulgaria, Canada, Costa Rica, Croatia, Síp, Séc, Đan Mạch, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Estonia, Phần Lan, Pháp, Georgia, Đức, Hy Lạp, Guatemala, Hungary, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Liberia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Montenegro, Hà Lan, Na Uy, Palau, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Cộng hòa Moldova, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Trinidad và Tobago, Quần đảo Marshall, Monaco, New Zealand, San Marino, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Ukraine

    (Danh sách các nước đồng bảo trợ còn được tiếp tục cập nhật cho tới trước giờ bỏ phiếu)

    —————

    Dự thảo Nghị quyết

    Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine: bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc

    Đại Hội đồng,

    Nhắc lại nghĩa vụ của tất cả các Quốc gia theo Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc là không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào, hoặc theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với mục đích của Liên Hợp Quốc, và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình không đe dọa tới hòa bình, an ninh và công lý quốc tế,

    Tái khẳng định nguyên tắc của luật tập quán quốc tế, như được nhắc đến trong nghị quyết 2625 (XXV) ngày 24 tháng 10 năm 1970, tựa đề “Tuyên bố về các Nguyên tắc của Luật Quốc tế liên quan đến Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác giữa các Quốc gia theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc”, theo đó không lãnh thổ nào bị chiếm đoạt do đe dọa hoặc sử dụng vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp,

    Nhắc lại các nghị quyết 68/262 ngày 27 tháng 3 năm 2014, tựa đề “Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ES-11/1 ngày 2 tháng 3 năm 2022, có tựa đề “Xâm lược Ukraine” và ES-11/2 ngày 24 tháng 3 năm 2022, có tựa đề “Các hậu quả nhân đạo của cuộc xâm lược nhằm vào Ukraine”,

    Lưu ý rằng các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine là những khu vực có một bộ phận, đã hoặc đang bị Liên bang Nga kiểm soát quân sự tạm thời, do hậu quả của hành động xâm lược, vi phạm chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,

    Cũng lưu ý rằng các quyết định ngày 21 tháng 2 và ngày 29 tháng 9 năm 2022 của Liên bang Nga liên quan đến tình trạng của các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine là một hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ,

    Lưu ý với lo ngại rằng cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp đã được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 9 năm 2022 ở các vùng này là những nỗ lực để sửa đổi các biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine,

    Ghi nhận tuyên bố của Tổng Thư ký ngày 29 tháng 9 năm 2022, trong đó nhắc lại rằng bất kỳ sự thôn tính lãnh thổ của một Quốc gia bởi một Quốc gia khác do đe dọa hoặc sử dụng vũ lực là hành vi vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương và luật pháp quốc tế,

    1. Tái khẳng định cam kết đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận, kéo dài đến lãnh hải của Quốc gia này;

    2. Lên án việc Liên bang Nga tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp tại các khu vực nằm trong biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine và nỗ lực sáp nhập bất hợp pháp các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine, sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở các khu vực nêu trên;

    3. Tuyên bố rằng các hành động trái pháp luật của Liên bang Nga liên quan đến cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 9 năm 2022 ở một bộ phận của các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine đã hoặc đang nằm dưới sự kiểm soát quân sự tạm thời của Liên bang Nga, và nỗ lực sáp nhập bất hợp pháp sau đó của các khu vực này, không có giá trị theo luật quốc tế và không tạo cơ sở cho bất kỳ sự thay đổi nào về tình trạng của các vùng này của Ukraine;

    4. Kêu gọi tất cả các Quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc không công nhận bất kỳ sự thay đổi nào của Liên bang Nga về tình trạng của bất kỳ hoặc tất cả các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk hoặc Zaporizhzhia của Ukraine, và không thực hiện bất kỳ hành động hoặc thỏa thuận nào có thể được hiểu là công nhận bất kỳ tình trạng thay đổi như vậy;

    5. Yêu cầu Liên bang Nga hủy bỏ ngay lập tức và vô điều kiện các quyết định ngày 21 tháng 2 và ngày 29 tháng 9 năm 2022 liên quan đến tình trạng của một số khu vực thuộc các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine, vì các quyết định này vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine và không phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, và rút tất cả các lực lượng quân sự của mình ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận;

    6. Hoan nghênh các nỗ lực của Liên Hợp Quốc, các Quốc gia Thành viên và các tổ chức nhân đạo nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn;

    7. Hoan nghênh và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực không ngừng của Tổng Thư ký và các Quốc gia Thành viên, đồng thời kêu gọi các Quốc gia Thành viên và các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu và các tổ chức quốc tế và khu vực khác, hỗ trợ giảm leo thang tình hình hiện tại và giải quyết hòa bình xung đột thông qua đối thoại chính trị, đàm phán, hòa giải và các biện pháp hòa bình khác, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận và phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương;

    8. Quyết định tạm nghỉ phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại Hội đồng và ủy quyền cho Chủ tịch Đại hội đồng tiếp tục các cuộc họp khi có yêu cầu từ các Quốc gia Thành viên.

    —————

    Không có nhận xét nào