Header Ads

  • Breaking News

    Cửu Long - Bạn đọc viết: Tôi ủng hộ độc đảng ở Việt Nam

    VNTB – Bạn đọc viết: Tôi ủng hộ độc đảng ở Việt Nam

    Với những gì đang diễn ra ở chính trường Anh Quốc, cho thấy Việt Nam rất đỗi bình yên, cho dù…

    Trước khi từ chức, Thủ tướng Anh Liz Truss đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi bà công bố kế hoạch cắt giảm thuế mới, khiến nền kinh tế Anh rơi vào trạng thái hỗn loạn.

    Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng nếu cũng có đa đảng phái chính trị thì với chuyện khan hiếm xăng dầu, thiếu hụt thuốc men trong y tế…, chắc chắn Thủ tướng Phạm Minh Chính phải hứng chỉ trích đến mức để bảo vệ hình ảnh Đảng Cộng Sản, ắt hẳn ông Tổng bí thư của đảng này phải tìm cách thay thế tương tự như việc rời chính trường của bà Liz Truss.

    Tin tức trên báo chí phương Tây viết rằng, trong 6 tuần làm thủ tướng, các chính sách của bà Truss đã khiến giá trị của đồng bảng Anh lao dốc, buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải can thiệp để ổn định nền kinh tế.

    Việt Nam cũng tương tự, khi mà đồng nội tệ và lãi suất đang khiến cả nền kinh tế lao đao, song chẳng ai bận tâm chất vấn về khả năng điều hành của người đứng đầu Chính phủ.

    Báo chí nước ngoài đăng tải việc một số nghị sĩ Quốc hội Anh đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ sự phản đối với đề xuất của của bà Truss về vấn đề năng lượng. Trong đó có ông Chris Skidmore, người từng giữ vị trí bộ trưởng dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May và Boris Johnson.

    Ở Việt Nam thì sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng tương tự khi mà Chính phủ sẽ sử dụng quyền lực của mình để buộc các trang mạng xã hội dù mang quốc tịch gì vẫn phải tháo bỏ các nội dung được cho là không có lợi cho Đảng, mặc dù các ý kiến này về sau cho thấy là đúng đắn – ví dụ như các vụ được nghi ngại lem nhem tài chính ở nhiệm kỳ Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ chẳng hạn.

    Lúc còn đương chức, dù ngắn ngủi chỉ có 6 tuần lễ làm Thủ tướng Anh Quốc, bà Liz Truss đã quyết định tái khởi động việc khai thác khí đốt bằng phương pháp thủy lực cắt phá tại Anh (*). Thay vì thuyết phục để có sự ủng hộ, đàng này bà Truss cảnh báo sẽ trừng phạt các nghị sĩ không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu chống lại quan điểm của bà. Lời cảnh báo của bà Truss đã thúc đẩy phong trào lật đổ vị trí thủ tướng của bà trong nội bộ đảng Bảo thủ.

    Ở Việt Nam thì không bao giờ xảy ra chuyện đó, vì một khi Bộ Chính trị đã đưa ra thì Quốc hội và Chính phủ cứ răm rắp mà thi hành; và sau này nếu có xảy ra các tai tiếng, bê bối gì đó – chẳng hạn như vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, thì cùng lắm là “rút kinh nghiệm”, chứ không dẫn đến xáo trộn nhân sự cấp cao như chuyện buộc Thủ tướng đương nhiệm phải chịu trách nhiệm đến mức rời chính trường…

    Người Việt Nam cũng không phải bận tâm về lá phiếu của quyền cử tri để mà đầu tranh ở nghị viện như đang diễn ra ở xứ sở sương mù. Vì hễ khi Đảng đã “giới thiệu” nhân sự nào vào bộ máy công quyền, thì dân chúng chẳng bận tâm lá phiếu nào khác nữa – đơn cử như bà Đào Hồng Lan là “dân bán báo hiểm” sang làm bộ trưởng y tế, ông Nguyễn Văn Thắng “cán bộ tín dụng” làm bộ trưởng giao thông…

    Như vậy rõ ràng với mỗi một đảng cầm quyền, Việt Nam sẽ có được sự ổn định ít nhất cũng là bề mặt hình thức về chính trị, qua đó tạo cảm giác ít nhiều bình yên cho người dân xứ Việt như một thứ “chủ nghĩa AQ” trong tiểu thuyết của nhà văn Lỗ Tấn tận bên Tàu.

     

    Chú thích:

    (*) Thủy lực cắt phá, tiếng Anh: hydraulic fracturing, thường rút ngắn thành fracking, là kỹ thuật khai thác mỏ bằng cách dùng áp suất chất lỏng để làm nứt các tầng đá trong lòng đất. Đường nứt sẽ chạy theo mạch đất thiên nhiên, khai mở những khoáng chất vốn bị nén chặt trong lòng đất.

    Bằng cách bơm chất lỏng trộn với một số hóa chất và cát dưới áp suất cao vào giếng mỏ làm nứt vỡ tầng đá, một số địa chất như khí đốt và dầu mỏ có thể bơm lên được.

    Kỹ thuật thủy lực cắt phá thường được dùng khai thác ở những vùng đá phiến dầu và khí đốt than để kích thích đất đá nhả và tăng lưu lượng khoáng chất. Thủy lực cắt phá còn có ưu điểm là có thể đâm ngang trong lòng đất thay vì bị hạn chế theo chiều dọc.

    Kỹ thuật thủy lực cắt phá hiện vẫn còn gây tranh cãi. Bên ủng hộ thì cho đây là động lực phát triển kinh tế bằng cách tăng hiệu lực khai thác mỏ và các chất hydrocarbon; bên phản đối thì lo hậu quả tai hại môi sinh, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí, cạn kiệt nguồn nước ngọt, và còn có thể gây động đất cùng những tác động xấu đến sức khỏe con người.

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào