Một người sử dụng Internet truy cập một trang Facebook của chính phủ tại Hà Nội.
Việt Nam đang chuẩn bị các quy định mới để hạn chế các tài khoản mạng xã hội nào có thể đăng tải nội dung liên quan đến tin tức, ba nguồn tin biết rõ việc này cho biết.
Các quy định, dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm và chi tiết chưa được đúc kết, sẽ thiết lập cơ sở pháp lý để kiểm soát việc phổ biến tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube trong khi đề ra gánh nặng kiểm duyệt đáng kể cho các nhà cung cấp các nền tảng này, hai trong số ba nguồn tin vừa kể cho hay.
Các nguồn tin yêu cầu không tiết lộ danh tánh vì các cuộc thảo luận về các quy định mới vẫn còn giữ bí mật.
Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp tức thì yêu cầu bình luận.
Một nguồn tin biết rõ về tiến trình bàn thảo này cho hay: “Chính phủ muốn chỉnh sửa những gì mà họ coi là ‘báo hóa’ trên mạng xã hội”.
‘Báo hóa’ là một thuật ngữ được các cơ quan chức năng sử dụng để ám chỉ việc khiến người dùng mạng nghĩ rằng các tài khoản truyền thông xã hội là các trang tin có giấy phép hoạt động.
Các nguồn tin cho hay các quan chức chính phủ đã tổ chức các cuộc họp mật với các công ty truyền thông xã hội và các công ty internet phổ biến để thông báo cho họ biết loại tài khoản nào sẽ được phép đăng nội dung tin tức theo quy định mới.
Nhà chức trách có thể ra lệnh cho các công ty truyền thông xã hội cấm các tài khoản vi phạm các quy tắc đó, họ nói.
Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam vốn kiểm duyệt gắt gao về truyền thông và không dung chấp bất đồng chính kiến. Việt Nam có một trong những chế độ kiểm duyệt internet cũng như mạng xã hội nghiêm ngặt nhất thế giới.
Hai nguồn tin biết chuyện trực tiếp nói với Reuters rằng nhiều quy định nữa trên các nền tảng truyền thông xã hội và internet sẽ được đưa ra vào khoảng quý 4 năm nay đến đầu năm sau.
Khi giới trẻ Việt Nam hiểu biết công nghệ ngày càng chuyển sang sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, những nền tảng đó đã trở thành mục tiêu cho các nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế luồng tin tức từ các nguồn trái phép.
Việt Nam là thị trường nằm trong top 10 trên toàn cầu của Facebook với 60-70 triệu người dùng, theo số liệu năm 2021, và các nguồn thạo tin cho biết số lượng này tạo ra khoảng 1 tỷ đô la doanh thu hàng năm cho Facebook - vượt qua Pháp.
YouTube có 60 triệu người dùng ở Việt Nam và TikTok có 20 triệu, theo ước tính của chính phủ năm 2021. Twitter vẫn là một nguồn ít được sử dụng hơn.
Công ty Meta, chủ sở hữu của Facebook và Twitter, từ chối bình luận. Google và YouTube không trả lời yêu cầu bình luận.
TikTok cho biết trong một tuyên bố rằng họ giải quyết các nội dung vi phạm dựa trên luật hiện hành và tuân thủ các nguyên tắc của luật hiện hành, nhưng không bình luận về các quy định đang chờ ban hành của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam vào tháng 7 đã thông qua một bộ hướng dẫn về các điều kiện đủ tiêu chuẩn làm một trang tin, bao gồm các tiêu chí để phân biệt các hãng tin “thật” và “giả”, cảnh báo rằng một số mạng lưới truyền thông xã hội có các tài khoản khiến người dùng hiểu nhầm là các trang báo.
Những hướng dẫn đó dự kiến sẽ được đưa vào các quy định mới, sẽ có giá trị ràng buộc pháp lý.
Nhà chức trách cũng dự kiến sẽ thực thi các quy định mới yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội gỡ bỏ ngay lập tức nội dung bị coi là gây tổn hại đến an ninh quốc gia và xóa nội dung bất hợp pháp trong vòng 24 giờ, các nguồn tin thông thạo cho biết.
Các nguồn tin nói với Reuters vào tháng 4 rằng các quy định mới, thoạt đầu được lên kế hoạch cho tháng 7, phản ánh sự không hài lòng của chính phủ đối với tỷ lệ gỡ bài của các nền tảng truyền thông xã hội.
Điều này sẽ được thực hiện thông qua các sửa đổi đối với luật internet chủ chốt của Việt Nam.
Việt Nam vào tháng 8 cũng đã ban hành một quy định mới, có hiệu lực từ tháng 10, yêu cầu các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu của người dùng trong nước và đặt văn phòng tại địa phương.
Không có nhận xét nào