Ảnh minh họa (từ trái sang phải) : Các ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Nga Sergei Lavrov, Cam Bốt Peak Sokhonn, Malaysia Saifuddin Abdullah và Indonesia Retno Marsudi sau cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 55, tại Phnom Penh, Cam Bốt, 04/08/2022. AP - Heng Sinith
Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan theo lập trường trung lập của ASEAN, không lên án đích danh Nga xâm chiếm Ukraina theo lời kêu gọi của Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, sau một thời gian thận trọng, ba nước này bắt đầu thắt chặt quan hệ hợp tác với Nga để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong khi Matxcơva cũng “hướng Đông” để tránh trừng phạt của phương Tây.
Việt Nam “tôn trọng” và “hy vọng tăng cường quan hệ với Nga”
“Việt Nam vẫn là đối tác thân thiết nhất của Nga ở châu Á - những mối quan hệ được phát triển từ thời Liên Xô”, theo nhận định của Reuters, song song với việc Hà Nội muốn tăng cường quan hệ với châu Âu và Hoa Kỳ. Đây là chủ trương “xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ”, “tích cực trong các sáng kiến đa phương, trong đó có các mối liên hệ kinh tế cấp vùng và liên vùng” của Hà Nội, được thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông Vladivostok 2022 qua hình thức trực tuyến hôm 07/09.
Hà Nội đã khéo léo tránh chọn phe, kể cả khi Nga gây chiến tại Ukraina và bị phương Tây cấm vận, mà nhấn mạnh vào việc “đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương”. Điều này giải thích cho việc Hà Nội “tôn trọng” và “hy vọng tăng cường hợp tác giữa hai nước” Việt Nam và Nga, vẫn theo phát biểu của ông Phạm Minh Chính.
Ngoài việc duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự truyền thống (chuyến công du của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov ngày 06/07, phái đoàn quân sự cao cấp Việt Nam dự Hội thao Quân sự Quốc tế 2022 (Army Games 2022), Hội nghị An ninh Quốc tế Matxcơva lần thứ 10 vào giữa tháng 08), hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga được thắt chặt trong thời gian gần đây. Theo ông Oleg Deripaska, doanh nhân kiêm chủ tịch Hội đồng Hành chính Viện Tăng trưởng Kinh tế Stolypin, “sự hợp tác đa diện, trong đó có các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, nông nghiệp là nền móng vững chắc cho hai nước quảng bá mối quan hệ”.
Tuyến vận tải trực tiếp Việt Nam - Vladivostok - Matxcơva
Thương mại song phương từ 4,85 tỉ đô la năm 2020 đã lên thành 7,1 tỉ đô la năm 2021, tăng 25%. Nga có 151 dự án đầu tư ở Việt Nam, trị giá hơn 950 triệu đô la. Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok đã dành riêng một buổi tọa đàm về triển vọng quan hệ kinh tế Việt-Nga, được nhiều nhà thuyết trình tỏ ra “lạc quan”, theo trang Vietnam+ ngày 07/09. Quy mô kinh tế và sức tăng trưởng nhanh khiến thị trường Việt Nam với 99 triệu dân trở nên hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Nga.
Ngoài ra, trao đổi hàng hóa giữa hai nước từ giờ trở nên thuận lợi hơn nhờ tuyến vận tải trực tiếp đường biển - đường sắt Việt Nam - Vladivostok - Matxcơva, được chính thức khai trương ngày 06/09 bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông. Thực ra, tuyến vận tải biển trực tiếp hai chiều Việt Nam - Vladivostok đã hoạt động từ cuối tháng 05. Tại lễ kết nối đường biển-đường sắt, chủ tịch Hội đồng Quản trị Đường sắt Nga (RZD) Oleg Belozerov cho rằng việc kết nối hai lộ trình giúp giảm thời gian - yếu tố quan trọng trong ngành vận tải - và thủ tục hành chính khi vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến phía tây nước Nga.
Như vậy, hai nước sẽ không phải trung chuyển qua một nước thứ 3, cụ thể là Trung Quốc. Điểm đặc biệt là toàn bộ lộ trình sử dụng cơ chế an ninh kỹ thuật số để khách hàng và các cơ quan liên quan có thể theo dõi hàng di chuyển trên toàn lộ trình theo thời gian thật và giúp thông quan hàng hóa ngay cả ở điểm cuối tại Matxcơva. Ông Arkady Korostelev, chủ tịch tập đoàn vận tải đường biển Nga FESCO (Far Eastern Shiping Compagny), cho biết đã vận chuyển khoảng 5.000 containor giữa hai nước và có ý định tăng tần suất trên tuyến đường này.
Cũng nhờ tuyến đường biển trực tiếp này, xuất khẩu thủy sản sang Nga cũng được thuận lợi hơn. Tập đoàn vận tải Nga đã mở tuyến vận tải thẳng thành phố Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Vladivostok. Nhìn chung, theo trang Vasep ngày 07/09, “xuất khẩu thủy sản sang Nga đang đảo chiều”, đạt trên 94 triệu đô la tính đến hết tháng 08 : Riêng tháng 08 tăng 98%, sau khi bị đình trệ trong tháng 03 và 04 và được hồi phục dần từ tháng 07. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16% đạt trên 190 triệu đô la.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, trang Nikkei Asia ngày 06/09 trích thông tin từ chính quyền Nga, cho biết Việt Nam và Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày 18/08 về việc mở rộng xuất khẩu lúa mì. Khối lượng xuất khẩu sang Việt Nam đã giảm xuống dưới 190.000 tấn trong năm 2021 so với 2,6 triệu tấn vào năm 2018, sau khi phát hiện hạt cây kế lẫn trong lúa mì. Nga dự kiến xuất thử lô mới sang Việt Nam ngay tháng 09. Nhờ lúa mì nhập của Nga, Hà Nội hy vọng giảm được phần nào giá cả trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam, với tư cách là đối tác của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) từ năm 2015, cho biết sẵn sàng làm cầu nối quảng bá cho hợp tác ASEAN-Nga, trong đó có việc soạn thảo thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Nga công nhận tính chính đáng của tập đoàn quân sự Miến Điện
Tập đoàn quân sự Miến Điện, nắm quyền sau cuộc đảo chính vào tháng 02/2021, tìm được sự ủng hộ quý giá từ Nga trong những tháng gần đây. Một phát ngôn viên tập đoàn quân sự cho biết Miến Điện bắt đầu nhập khẩu dầu mazut của Nga ngay tháng 09/2022 theo một thỏa thuận được thảo luận trong chuyến thăm Nga vào tháng 7 của tướng Min Aung Hlaing. Giá xăng đã tăng gấp ba kể từ khi tập đoàn quân sự lên cầm quyền vì đồng kyat mất giá cùng với giá nhiên liệu thô tăng mạnh. Quân đội muốn kiềm chế lạm phát, tránh để người dân gia tăng phản kháng.
Trong chuyến thăm Matxcơva của tướng Min Aung Hlaing, Miến Điện đã ký với tập đoàn Nga Rosatom một thỏa thuận hợp tác năng lượng nguyên tử để sử dụng trong các ngành nghiên cứu khoa học, sản xuất dược phẩm, nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, chế biến thực phẩm.
Đến Nga lần thứ ba hôm 04/09 để tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông Vladivostok, báo chí Miến Điện cho biết tướng Min Aung Hlaing thảo luận với các quan chức Nga về tăng cường hợp tác kinh tế song phương và các lĩnh vực khác. Theo tóm lược của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 08/09, Nga trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Miến Điện về xe tăng, chiến đấu cơ, tên lửa, còn Miến Điện bắt đầu mua dầu khí Nga và trả bằng rúp.
Thái Lan nối lại đường bay trực tiếp Matxcơva - Phuket
Thái Lan cũng nhắm dến du khách Nga để bù cho số khách Trung Quốc vẫn bị kẹt vì chính sách Zero Covid của chủ tịch Tập Cận Bình. Du khách Nga chiếm số lượng du khách nước ngoài đông nhất tại Thái Lan trong tháng 01 và 02, trước khi xảy ra chiến tranh Ukraina. Để thu hút thêm du khách Nga, đang bị Liên Hiệp Châu Âu gây khó khăn trong việc cấp thị thực, Thái Lan cho phép hãng hàng không Nga Aeroflot nối lại tuyến bay thông thường Matxcơva - Phuket từ cuối tháng 10. Theo ông Yuthasak Supasorn, đứng đầu Cơ quan Du lịch Thái Lan, được Nikkei Asia trích dẫn, “việc nối lại đường bay sẽ có lợi cho ngành du lịch Thái Lan” và hướng đến mục tiêu đón 1 triệu du khách Nga trong năm 2022.
Trước đó, trong một cuộc họp vào tháng 05, Bangkok và Matxcơva nhất trí mở rộng thương mại song phương, đặt mục tiêu đạt 10 tỉ đô la vào năm 2023, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Hiện là nước chủ tịch thượng đỉnh APEC, Thái Lan xuất khẩu chủ yếu ô tô, thực phẩm sang Nga và nhập dầu thô, phân bón của Nga.
Không có nhận xét nào