Nhà xuất bản Người Việt Books giới thiệu tập Ký (xuất bản năm 2018) của Đinh Anh Quang Thái “như nén hương lòng thắp tạ những nhân vật của một thời”: Hồ Hữu Tường, Hoàng Cơ Trường, Trần Văn Bá, Nguyễn Tất Nhiên, Như Phong Lê Văn Tiến, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Kế Tường, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc, Trần Hồng Hà …
Tôi quen (hoặc biết) tất cả những tên tuổi vừa kể, trừ Đoàn Kế Tường. Huy Đức, đôi lần, có nhắc đến nhà báo này (trong Bên Thắng Cuộc) nhưng tôi không để ý vì chưa được đọc một tác phẩm nào của ông, và cũng chả bận tâm gì đến một ngòi bút quốc doanh.
Xem Ký Đinh Anh Quang Thái xong, tôi mới biết là mình hơi nông nổi. Đoàn Kế Tường không chỉ viết văn, viết báo mà còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đã xuất bản từ lâu – ở miền Nam :
– Mùa Hoa Phượng (thơ, 1971)
– Ngày Dài Trên Quê Hương (ký, 1972)
– Lòng Ta Lá Rụng Ven Đường (thơ, 1974)
Ông cũng đã từng trải qua một kiếp nhân sinh với không ít nhọc nhằn, và lắm nỗi đắng cay :
Đoàn Kế Tường là một trong số tù nhân chính trị bị bắt sớm nhất, sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam năm 1975. Anh bị bắt năm 1976, vì tham gia tổ chức phục quốc. Và một tội nữa: Làm báo trước 75, từng viết nhiều bài phóng sự chiến trường ca ngợi quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Đoàn Kế Tường tên thật là Đoàn Văn Tùng, sinh năm 1949 tại làng Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
Theo lời Tường, năm 13 tuổi, do bố từng là lính cho Pháp nên Tường được vào học Trường Thiếu Sinh Quân-Vũng Tàu, sau đó vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường chọn Lực Lượng Đặc Biệt, đóng ở Cao Nguyên, rồi đào ngũ về quê Quảng Trị, sau làm lính địa phương quân và do cơ duyên tình cờ, trở thành phóng viên địa phương của báo Sóng Thần. Tường gia nhập làng báo từ 1971 với các bút danh: Đoàn Kế Tường, Đoàn Thạch Hãn, Đoàn Thiên Lý, Đoàn Nguyễn, Cỏ Hoang…
Chúng tôi gặp nhau tại phòng 10 khu BC trại giam T30 Chí Hòa, khi tôi chuyển từ trại giam T20 Phan Đăng Lưu sang đây đầu năm 79. Đoàn Kế Tường hơn tôi 5 tuổi, bằng tuổi anh cả tôi. Dù vậy, không câu nệ, anh bảo “gọi nhau mày tao cho thân, anh anh tui tui nghe mệt thấy mẹ.” Tôi vẫn giữ lễ, nhưng ngày càng thân, nên sau tôi chỉ gọi anh là Tường. Và anh gọi tên tôi, xưng “tui”...
Sống chung lâu ngày, tôi biết Tường thường bị giằng co giữa thiện và ác. Lúc có thăm nuôi, Tường hào sảng lắm, đem phát cho những “con mồ côi” trong phòng. Tường bảo, “kệ mạ hắn, ăn cho đã rồi mai nhịn.” Đó là tính THIỆN của Tường.
Nhưng khi giỏ thăm nuôi trống không, Tường không nhịn được mồm. Lúc đó, tính ÁC lộ ra. Tường không ngần ngại “xoay sở” bằng nhiều cách để có tý muối, tý đường, tý thuốc lào. Tường còn táo tợn đến độ “kết bè” với vài bạn tù “bặm trợn” dọa nạt một số tù gốc Hoa có nhiều quà thăm nuôi hòng có thêm cái ăn chờ đợt nuôi kế tiếp...
Ra tù năm 84, tôi đi thoát, Tường vẫn đếm ngày tháng sau chấn song ở trại Chí Hòa. Và rồi Tường cũng được thả. Mừng bạn thoát tù, tôi gửi về chút quà nghèo cho Tường... Rồi nghe tin Tường làm cho báo Công An, ký tên Đoàn Thạch Hãn... Bạn bè còn lại quê nhà nhắn tin, Tường “bệ rạc quá, viết nhiều bài bôi nhọ anh em phục quốc.”
Tác giả ca khúc nổi tiếng “Trả Nợ Tình Xa”, nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết trong bài “Nhớ và Quên”: “Trong giai đoạn chỉ có một tờ báo với một giọng điệu nói mà không có nơi phản hồi, anh là một cây viết sáng giá, lấp lánh như một bảo đao. Văn của anh lạnh và khinh miệt khi nói về những người cùng thời với mình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, bỏ nhiều thời gian để đi tìm hiểu về sự sắc bén của anh Hãn, để cuối cùng tâm nguyện rằng, dù phải chết, tôi cũng không chọn nghề viết, như cách của anh.”
Xa quê nhà nửa vòng trái đất, tôi không thể phán xét gì về bạn mình. Chỉ thầm nghĩ, cái ÁC trong con người Tường lại lấn cái THIỆN rồi. Tường chết bệnh ngày 3 Tháng Chín, 2014 trong bệnh viện ở Sài Gòn. Nhà báo Huy Đức báo ngay tin này cho tôi, và nói sẽ đến viếng Tường lần chót trước khi thi thể được đưa về với đất ở Hải Lăng. Huy Đức cho biết, ngoài vài người cháu và bạn bè văn nghệ, không có ruột thịt nào bên Tường lúc Tường ra đi...
Đọc bài viết của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi mới biết Tường có lần tự phán “mình rất tiếc đã tự bôi đen đời mình quá nhiều”. Giá Tường được sống trong môi trường khác, tôi tin cái THIỆN trong anh sẽ lấn cái ÁC.
“Giá được sống trong một môi trường khác” thì rất nhiều người cũng khác, chứ chả riêng chi họ Đoàn. Nguyễn Khải, chả hạn, sẽ không đợi đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay mới dám mon men “đi tìm cái tôi đã mất.” Nguyễn Đình Thi cũng thế, cũng chả phải “tự phán” bằng những lời lẽ chua chát – vào lúc cuối đời :
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tương tự, Hoài Thanh – chắc chắn – cũng đâu đến nỗi “vị người ngồi trên” suốt nửa đời sau. Chế Lan Viên cũng vậy, cũng sẽ chả phải “lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc Phù Sa.”
Điều không may của những nhân vật thượng dẫn chỉ vì họ đã không được “sống trong một môi trường khác,” tử tế hơn – chút xíu!
Huỳnh Ngọc Chênh vừa cho phổ biến một bức ảnh chụp chung của nhiều văn nghệ sỹ rất tăm tiếng (và tai tiếng) của VN, hồi thế kỷ trước, cùng với lời bình phẩm: “Nhiều người trong số nầy là tinh hoa của đất nước ở thế kỷ trước. Lẽ ra họ sẽ tiếp nối phong trào Duy Tân, tiếp nối Tự Lực Văn Đoàn góp phần tạo dựng ra một nền văn học nghệ thuật lẫm liệt cho đất nước. Rất tiếc, chế độ đã biến họ thành phân, và họ cam chịu như vậy để được sống… mòn.”
Theo nhận xét của Văn Biển thì Họ chỉ sám hối khi đã về già, đã hưởng bao nhiêu bổng lộc triều đình. Lúc đó may ra bạn đọc chỉ có lòng thương hại. May là người viết cuối đời cũng được bộc bạch ít nhiều. Lúc sắp chết mới bớt đi được cái hèn và nhát.”
Trước cường quyền và bạo lực thì “hèn” và “nhát” để bảo vệ lấy thân là phản ứng chung của nhân loại, chứ chả riêng chi của một giới người hay dân tộc nào cả. Uy vũ bất năng khuất không phải là một chọn lựa dễ dàng, nhất là khi phải đối diện với thứ nhà nước toàn trị (cùng tất cả những thủ đoạn ti tiện, đốn mạt, đê hèn và tàn ác) như chế độ hiện hành ở VN.
Tuy thế, cứ đổ hết lỗi cho môi trường, hay thể chế e cũng khó được sự đồng thuận của tất cả mọi người.
Tuấn Khanh: “Tất cả chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của chính trị. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có một phần trách nhiệm, không thể chối cãi trong những bước đi của đời mình.”
Phạm Xuân Nguyên: “Vấn đề ở đây không nên hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh cho lãnh đạo. Nguyên nhân chính phải tìm ở trong mình … không một áp lực nào một quyền uy nào của bất kỳ ai bắt buộc được người cầm bút phải bẻ cong ngòi bút của mình nếu chính người cầm bút không tự bắt mình phải bẻ cong ngòi bút.”
Hữu Loan, cây gỗ vuông chành chạnh, có lẽ là minh chứng sống động nhất cho hai quan niệm vừa nêu. Phạm Duy lại là một minh chứng khác, hoàn toàn trái ngược.
Mà nào có riêng chi Phạm Duy. Sướng quá hóa tệ cũng là lẽ thường tình của thế nhân – theo như nhận xét của Lâm Bình Duy Nhiên về tập thể người Việt đang “tị nạn cộng sản” ở nước ngoài :
“Họ, bỏ mặc tất cả. Họ, có điều kiện vật chất nên chỉ chạy về vui chơi, hưởng thụ, mặc kệ đồng bào vất vả, bươn chải sống qua ngày trong cái nhà tù khổng lồ ấy… Tiếc thay, những kẻ như thế ngày càng đông.”
Tôi tự xét mình cũng không khác chi (nhiều) với cái số đông “phú quí năng dâm” này, và cũng chả phải là kẻ có thể sống bất khuất trước cường quyền nên hoàn toàn chia sẻ với sự thương cảm của Đinh Quang Anh Thái với người bạn cùng tù: “Thương Tường. Thương mình… Khốn nạn cái chế độ không có bộ mặt người đày đọa con người!”
Không có nhận xét nào