Theo Dõi Nhân Quyền: VN trả đũa LS Võ An Đôn vì dám dùng luật pháp bảo vệ các nhà hoạt động!
Tin từ sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, đêm ngày 27 Tháng Chín, gia đình của luật sư Võ An Đôn khi đang chuẩn bị đi qua cửa hải quan để lên máy bay cho chuyến định cư tại New York, Hoa Kỳ, đã đột ngột bị nhân viên an ninh giữ lại. Phía an ninh đưa gia đình của luật sư Võ An Đôn vào phòng chờ và ít lâu sau, thông báo rằng ông Đôn không được xuất cảnh. Khi luật sư Đôn chất vấn lý do và yêu cầu có biên bản, thì phía an ninh đã đưa ra biên bản số 1375/BBTHXC-TSN, vì “lý do an ninh”.
Sự việc diễn ra khá nhanh chóng vì lúc hơn 19g tối, ông Đôn còn đưa hình ảnh gia đình đã gửi xong hành lý và chuẩn bị qua hải quan, với lời nhắn cho bạn bè “Gia đình tôi chuẩn bị lên máy bay đi Mỹ định cư, khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đến bang New York. Xin chào tạm biệt anh, chị, em trong nước và hẹn gặp lại”. Hồ sơ xuất cảnh đứng tên luật sư Võ An Đôn, nên việc dừng ông Đôn, cũng khiến cả gia đình phải cùng ở lại.
Thế nhưng trong biên bản làm việc với công an hải quan, có ghi rằng “mọi việc kết thúc lúc 21g49 phút cùng ngày”. Điều này cho thấy công an đã theo dõi và chuẩn bị mọi thứ cho kế hoạch ngăn chận chuyến đi định cư của gia đình ông Võ An Đôn, cùng vợ và 3 đứa con nhỏ.
Như mọi trường hợp ngăn chặn không cho xuất cảnh rất quen thuộc của công an Việt Nam, trong văn bản xác nhận việc không cho gia đình ông Võ An Đôn lên chuyến bay EK393 của hãng hàng không Emirates vào lúc 23g55 phút, chỉ nói ngắn gọn là dựa theo Điều 36 của Luật 49/2019/QH14, quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo biên bản thì dường như cả gia đình ông Đôn vẫn còn giữ được Sổ thông hành chứ không bị tịch thu.
Vào lúc 2g sáng ngày 28 Tháng Chín, ông Đôn có nhắn cho những người quan tâm, qua facebook là “Gia đình tôi bị hoãn xuất cảnh: Sau khi làm xong thủ tục ký gởi hàng hoá, khi qua cổng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất gia đình tội bị công an cửa khẩu chặn lại không cho xuất cảnh vì lý do an ninh, theo đề nghị của công an tỉnh Phú Yên. Gia đình tôi đành phải trở về nhà khi cơn bão Noru đang ập đến”.
Facebook của ông Võ An Đôn cũng đăng hình ảnh cho thấy 3 con nhỏ của ông đang ngủ vật vạ tại ghế chờ ở sân bay, trong khi ông đang đi để lấy lại hành lý đã gửi hãng hàng không Emirates, để quay lại Phú Yên.
Theo kinh nghiệm của các trường hợp như luật sư Võ An Đôn, thì dù cho giấy tờ đầy đủ, hợp lệ, chuyện làm khó của an ninh Việt Nam thường có thể khiến việc ra đi bị chậm lại từ 6 tháng cho tới hai năm.
Võ An Đôn (1977) là một cái tên quen thuộc trong ngành luật, chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động nhưng ông đã để lại một dấu ấn đặc biệt về việc dám đối đầu với cơ quan công an và hệ thống chính trị Việt Nam bằng chính luật pháp đã ban hành. Năm 2014, ông gây chấn động trong giới luật sư bào chữa khi thắng kiện vụ 5 công an ở Phú Yên nhục hình làm chết công dân Ngô Thanh Kiều. Sau vụ án đó, Võ An Đôn được người dân yêu mến nhưng đồng thời theo giới bình luận thời sự, cũng khiến ông trở thành đích ngắm của những âm mưu trừng phạt vì đã bày ra hình ảnh công an bạo lực khắp cả nước.
Năm 2015, ba gia đình ngư dân ở Bình Thuận là Trần Thị Lụa. Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Phúc dùng thuyền cá của gia đình vượt biên đến Úc bị trả về. Dù đã có cam kết giữa Úc và Việt Nam rằng những người này sẽ không bị trừng phạt khi quay trở về nguyên quán, thế nhưng ngay khi đặt chân về nước, công an đã kết án những người này nhiều năm tù. Ông Hồ Trung Lợi (chồng bà Loan) cũng tố cáo rằng trong thời gian bị giam giữ ông bị đánh đập đến mức tàn tật một chân. Luật sư Võ An Đôn tham gia vụ án này để bảo vệ những người dân bị tù, đồng thời là người yểm trợ pháp lý cho họ, trong lần vượt biên kế tiếp đến Úc. Nói với báo chí Úc, bà Lụa khẳng định “thà bị bắn chết” còn hơn là bị trả về Việt Nam lần nữa. Còn tất cả những người còn lại thì thề nếu bị đưa về Việt Nam để chịu tù đày tra tấn nữa, thì họ sẽ nhảy xuống biển chết tất cả chứ không chọn sống với cộng sản. Sự kiện của những người dân vượt biển tìm tự do này đã trở thành tai tiếng tầm quốc tế đối với chính phủ Úc, khiến họ phải đồng ý không trục xuất những người này quay trở lại Việt Nam. Đến Tháng Bảy, 2022, Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc đã cấp quy chế tị nạn cho những người này, cả 3 gia đình tổng cộng 20 người, qua Canada định cư. Đây cũng là một nỗ lực kéo dài từ năm 2016 của bà giáo sư người Úc Shira Sebban, để cứu giúp các gia đình này. Bà Shira Sebban cũng là người đứng ra nhận cấp dưỡng cho những đứa trẻ trong 3 gia đình, cho đến khi cha mẹ chúng hết án, ra tù ở Bình Thuận.
Võ An Đôn là người có câu nói nổi tiếng “Ở Việt Nam, các luật sư chỉ có thể chạy án chứ không có thể thực hành luật pháp đúng nghĩa”. Ông cũng là một trong những người đầu tiên công khai nói rõ khái niệm “án bỏ túi” với giới truyền thông bên ngoài, trong các vụ xử chính trị.
Năm 2018, ông Võ An Đôn bị rút giấy phép hành nghề luật sư. Sự kiện bức ép này đã khiến có hơn 100 chữ ký của các luật sư cả nước yêu cầu trả lại quyền hành nghề cho ông Võ An Đôn, nhưng rồi tất cả cũng thì ỉm đi ngay sau đó.
Theo Dõi Nhân Quyền: VN trả đũa LS Võ An Đôn vì dám dùng luật pháp bảo vệ các nhà hoạt động!
RFA
29/9/2022
Luật sư Võ An Đôn sau khi không được hành nghề luật sư chuyển sang làm nông
FB Võ An Đôn
Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền khẳng định, việc ngăn cản luật sư Võ An Đôn đi nước ngoài cho thấy chính phủ Việt Nam có thể dùng mọi thủ đoạn bẩn thỉu để bịt miệng số ít các luật sư còn lại dám bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến.
Ông Võ An Đôn, người bị tước bằng luật sư hồi năm 2017, bị cấm xuất cảnh cùng với vợ và ba con khi đang làm thủ tục bay sang Hoa Kỳ để tị nạn chính trị vào tối 27/9.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) ngày 29/9 ra thông cáo báo chí cho rằng:
“Việc ngăn cản chuyến đi của Võ An Đôn đến Hoa Kỳ cho thấy hành động phổ biến của hệ thống chính phủ Việt Nam, hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động dựa trên những tuyên bố mơ hồ về “an ninh quốc gia”.
Thực tế là Hà Nội không muốn Võ An Đôn đi nước ngoài để ông có thể thoải mái nói về các chuỗi dài bị sách nhiễu, phân biệt đối xử và lạm quyền mà ông phải chịu vì lựa chọn đại diện cho những khách hàng nhạy cảm về chính trị tại các phiên tòa bỏ túi của Việt Nam."
Luật sư Đôn là người đại diện quyền lợi cho thân nhân của ông Ngô Thanh Kiều, một người đàn ông 32 tuổi (có vợ và hai con nhỏ) bị năm công an Phú Yên dùng nhục hình đến chết trong trụ sở công an hồi năm 2012.
Trong vụ án này, năm công an bị tuyên từ chín tháng tù treo đến năm năm tù giam vì các tội danh dùng nhục hình và tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2017, ông Đôn bị xóa tên ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư Phú Yên vì cáo buộc "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư", điều này đồng nghĩa với việc ông không còn được hành nghề luật sư.
Tổ chức chuyên theo dõi tình hình nhân quyền ở các nước cho rằng, chính quyền Việt Nam buộc ông Đôn phải đối diện với các hành vi ngược đãi liên tục, bao gồm sách nhiễu, đe dọa và trả đũa pháp lý.
Ông Phil Robertson khẳng định trong tuyên bố:
"Chính quyền đã trả đũa Võ An Đôn vì dám sử dụng luật pháp để bảo vệ các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến trước những cáo buộc có động cơ chính trị, tước bỏ khả năng kiếm kế sinh nhai của ông ta với tư cách là một luật sư. Hiện chính quyền đang ngăn cản ông ta và gia đình tìm kiếm cơ hội bên ngoài Việt Nam.
Lệnh cấm đi lại này đối với Võ An Đôn và gia đình ông ta cho thấy chính quyền Việt Nam đã chuẩn bị dùng mọi thủ đoạn bẩn thỉu, lạm dụng để bịt miệng số rất ít luật sư còn lại trong nước dám đứng lên đấu tranh cho nguyên tắc mọi người đều xứng đáng có đại diện pháp lý (luật sư).”
Không có nhận xét nào