Header Ads

  • Breaking News

    Từ Pakistan đến Texas, hạn hán xen kẽ lũ lụt mang đến thảm họa cho nhiều quốc gia



    Mọi người lội qua dòng nước lũ khi Quân đội Pakistan cứu những người bị ảnh hưởng lũ lụt bằng một chiếc thuyền ở vùng lũ Johi ở huyện Dadu, tỉnh Sindh của Pakistan, hôm 01/9/2022. (Ảnh: Adeel Abbasi/Anadolu/Getty Images )

    Trong khi người dân Pakistan đang vật lộn với một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất của đất nước, mưa lớn đổ bộ vào tây nam Trung Quốc, thì thành phố Dallas của Texas đang dần hồi phục sau trận lũ lụt chưa từng có hồi tháng trước. Các nhà khoa học nhận định rằng, xu hướng nóng lên toàn cầu kết hợp với sự xáo trộn của luồng phản lực có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan kép.

    Mỗi thảm họa do mưa gây ra đều kéo theo một đợt nắng nóng, cho thấy các khu vực đang dao động dữ dội giữa hai thái cực trái ngược nhau. Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ cực cao và lượng mưa cực lớn có liên quan mật thiết với nhau – và được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu.

    Nhiệt độ mùa xuân oi bức ở Nam Á, lên tới 50 độ C, có khả năng đã làm cho Ấn Độ Dương ấm lên. Nước ấm sau đó sẽ thúc đẩy thứ mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi trong tuần này là “gió mùa steroid” ở Pakistan – đổ lượng mưa nhiều gấp ba lần so với mức trung bình trong 30 năm vào tháng 8 và làm ngập một phần ba đất nước.


    Ảnh chụp từ trên không này cho thấy một khu dân cư bị ngập lụt ở thị trấn Dera Allah Yar sau trận mưa gió mùa lớn ở huyện Jaffarabad, tỉnh Balochistan, Pakistan, hôm 30/8/2022. Mưa lũ đã nhấn chìm một phần ba đất nước và cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người. (Ảnh: Fida Hussain/Getty Images)

    Hơn 1.100 người đã thiệt mạng, mùa màng bị tàn phá và nhà cửa bị phá hủy, khiến người dân Pakistan phải khẩn cấp kêu gọi viện trợ.

    Sẽ mất vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng để xác định chính xác tác động của biến đổi khí hậu đến trận lũ lụt năm nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhất trí cho rằng đó là hiện tượng cực đoan đang gia tăng. Các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên toàn thế giới, làm tăng lượng bốc hơi từ đất liền và đại dương. Bởi vì một bầu khí quyển ấm hơn cũng có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, hơi nước sẽ tích tụ cho đến khi các đám mây cuối cùng ngưng tụ và gây ra mưa lớn hơn.

    Nhà khoa học khí hậu Deepti Singh tại Đại học bang Washington cho biết: “Những nơi tương tự có thể trải qua cả lũ lụt và hạn hán trong điều kiện khí hậu nóng hơn”.

    Lũ quét và hạn hán xảy ra đồng thời

    Khu vực xung quanh Dallas đã khô cằn trong ba tháng. Hơn một nửa Texas bị hạn hán nghiêm trọng. Những bông lúa khô héo trên cánh đồng. Những người chăn nuôi buộc phải giết không ít gia súc của họ vì thiếu thức ăn. Đất cứng và nứt nẻ, tạo thành một bàn cờ khô trên diện rộng – thiết lập một điều kiện hoàn hảo cho lũ quét.

    Cuối cùng trời đổ mưa vào ngày 21/8, tăng gần 10 inch (25,4 cm) trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, mặt đất quá cứng và khó có thể hút nước từ cơ lũ, khiến phần lớn nước chảy qua thành phố. Giao thông giữa các tiểu bang tắc nghẽn. Các chuyến bay buộc phải hủy. Và các căn hộ trong khu vực lịch sử của Old East Dallas đã bị biến thành đầm lầy.


    Sông Trinity chảy qua một khu vực ngập lụt ở Dallas, Texas, Hoa Kỳ, hôm 22/8/2022. (Ảnh: Emil Lippe/The Washington Post/Getty Images)

    Tại một khu vực bị hạn hán, “mặt đất gần như bê tông trong môi trường đô thị”, nhà khoa học khí hậu Liz Stephens tại Đại học Reading ở Anh cho biết.

    Không giống như lũ lụt từ các con sông gây tràn bờ, lũ quét gây ra bởi những trận mưa dữ dội trong thời gian ngắn – thường là dưới sáu tiếng. Lũ quét cũng có nhiều dấu hiệu cảnh báo trước khi biến thành một dòng nước dữ dội. Ở trung tâm dân cư đô thị là có nguy cơ lũ quét cao nhất. Nó cũng thường xé toạc các hẻm núi sa mạc ở Utah và Arizona, đe dọa những người đi bộ đường dài. Đất ngập trong nước lũ gần sông Trinity sau một trận mưa lớn ở Dallas, Texas, Hoa Kỳ, hôm 23/8/2022.


    Một trận mưa lớn ở Bắc Texas đã nhấn chìm một phần khu vực Dallas-Fort Worth, kích hoạt cảnh báo lũ quét và khiến ít nhất một người thiệt mạng. Các chuyên gia gọi đây là sự kiện 200 năm mới có một lần. (Ảnh: Shelby Tauber/Bloomberg/Getty Images)

    Đã có bốn trận lũ quét lớn khác ở Hoa Kỳ kể từ tháng Bảy – ở Kentucky, phía đông Illinois, Thung lũng Chết của California và thành phố St. Louis của tiểu bang Missouri. Mỗi trận mưa đủ để được coi là sự kiện 1.000 năm mới có một lần.

    Không rõ tần suất đó sẽ tăng lên bao nhiêu khi thế giới tiếp tục ấm lên.

    Sự xáo trộn của luồng phản lực

    Trải qua mùa hè bởi đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong sáu thập kỷ, lưu vực sông Dương Tử bị hạn hán của Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện và nước. Tuyệt vọng vì mưa, một số tỉnh trong lưu vực đã bắt đầu “gieo hạt mịn” để gây mưa nhân tạo.

    Gieo hạt đám mây là một hoạt động điều khiển thời tiết, được giải phóng bởi các chất như bạc Iotua trong đám mây, xúc tác quá trình ngưng tụ của các giọt nước và tạo ra mưa nhân tạo.

    Iodua bạc hoạt động như một “giàn giáo” mà các phân tử nước có thể bám vào cho đến khi chúng trở nên nặng đến mức rơi xuống bề mặt Trái đất. Bằng cách này, về mặt lý thuyết, những đám mây đơn giản có thể biến đổi thành những cơn bão thực sự, có khả năng chống lại hạn hán.


    Phù sa nứt trên bờ sông Phù, một nhánh của sông Dương Tử, được nhìn thấy vào ngày 25/08/2022 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

    Tuy nhiên, khi những cơn mưa cuối mùa hè đến, các quan chức đang lo lắng về việc có quá nhiều nước. Hơn 119.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ lũ lụt ở tây nam Trung Quốc, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.


    Một chiếc ô tô chạy dọc theo con phố ngập lụt trong trận mưa lớn do cơn bão Ma-on mang lại vào ngày 25/8/2022 tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Bão Ma-on, cơn bão thứ 9 trong năm nay, đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông. (Ảnh: VCG/Getty Images)

    Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp hôm 29/8 cảnh báo rằng các khu vực của Trung Quốc đang “xen kẽ giữa hạn hán và lũ lụt”, đồng thời kêu gọi tăng cường cảnh giác trong tuần này trong việc giám sát các lòng sông khô cạn bị ngập do mưa dữ dội. Bộ cũng yêu cầu chính quyền địa phương tích trữ nước mưa, nhằm giúp “cứu” các khu vực bị hạn hán khác của đất nước.


    Vào khoảng 16 giờ ngày 24/8, một đám cháy bùng phát ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, khiến một số tòa nhà dân cư bị lửa thiêu rụi. (Ảnh: chụp từ video)

    Các sự kiện thời tiết trên khắp bán cầu bắc cũng có thể được kết nối với nhau bằng luồng phản lực (polar jet stream), một dòng không khí chảy nhanh di chuyển các hệ thống thời tiết từ nơi này sang nơi khác của thế giới.

    Các luồng phản lực là các dải gió mạnh ở các tầng trên của khí quyển hình thành ở ranh giới của các khối không khí tương phản. Khi không khí ấm và lạnh gặp nhau, sự chênh lệch áp suất không khí của chúng làm cho không khí đi từ áp suất cao hơn (khối không khí ấm) xuống áp suất thấp hơn (khối không khí lạnh), do đó tạo ra gió lớn và mạnh.

    Sự xáo trộn của luồng phản lực tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan kép ?

    Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, xu hướng nóng lên toàn cầu kết hợp với sự xáo trộn của luồng phản lực có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan kép. Đặc biệt là ở Bắc bán cầu, nguy cơ thời tiết cực đoan kép có khả năng cao gấp 7 lần so với 40 năm trước, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 1 trên Tạp chí Khí hậu.

    Các vùng áp suất thấp có xu hướng hút không khí về phía chúng. Trong trường hợp này, vùng áp suất thấp đã liên tục hút không khí từ Bắc Phi về phía nó và vào châu Âu.

    Ông Kai Kornhuber, Nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia, cho biết: “Xu hướng nóng lên là động lực chính đằng sau sự gia tăng các đợt nắng nóng kép”.

    Nhà nghiên cứu Kornhuber lưu ý thêm, sự ấm nóng lên ở Bắc Cực, vốn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới, cũng có thể đóng vai trò phần nào. Khi Bắc Cực không ngừng ấm lên, chênh lệch nhiệt độ giữa khu vực và xích đạo giảm xuống dẫn đến giảm gió mùa hè, vốn có tác dụng điều hòa thời tiết.

    Hiện cũng có dấu hiệu về những thay đổi của một trong những dòng hải lưu chính trên thế giới – dòng ngược kinh tuyến Đại Tây Dương, có thể ảnh hưởng đến khí hậu của châu Âu. Theo tiến sĩ Rousi, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu khí hậu Potsdam (Đức), sự suy yếu của dòng hải lưu này khi thế giới ấm lên sẽ gây ra những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển, dẫn đến các mùa hè khô hơn ở châu lục.

    Cũng như ở những nơi khác trên thế giới, một đợt nắng nóng ở châu Âu có thể làm tăng nguy cơ xảy ra những đợt mới ở cùng khu vực, vì một thời kỳ nắng nóng khắc nghiệt làm đất đai trở nên khô cằn.

    Khi có một lượng độ ẩm nhất định trong đất, một phần năng lượng của mặt trời được sử dụng để làm bay hơi nước, dẫn đến hiệu ứng làm mát nhẹ. Nhưng khi một đợt nóng quét sạch gần như toàn bộ độ ẩm của đất, sẽ chỉ còn chút ít bốc hơi khi đợt không khí nóng tiếp theo ập đến. Vì vậy, lượng nhiệt lớn hơn từ mặt trời nung bề mặt đất càng thêm tăng cường sức nóng.

    Các nhà khoa học kết luận rằng, có nhiều bằng chứng, bao gồm cả nghiên cứu xung quanh luồng phản lực đủ để chứng minh rằng, động lực học trong khí quyển đã góp phần vào xu hướng ngày càng tăng các thảm họa kép trên thế giới.

    Lam Giang

    Không có nhận xét nào