Võ Thái Hà tổng hợp
Phái đoàn AIEA rời Kiev để tới nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia
Phái đoàn cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA xuất phát từ trung tâm Kiev lên đường tới nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, Ukraina, ngày 31/08/2022. REUTERS - GLEB GARANICH
Phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) do tổng giám đốc Rafael Grossi dẫn đầu, đã đến Kiev chiều 30/08/2022 và được tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp đón. Sáng 31/08, phái đoàn lên đường đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, nơi liên tục bị oanh kích từ nhiều tuần qua trong khi Nga và Ukraina vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau.
Theo cơ quan thông tấn Nga TASS, trích thông tin của chính quyền địa phương, phái đoàn của AIEA sẽ đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia vào sáng thứ Năm 01/09. Còn tại Kiev, trả lời báo giới trước khi lên đường, ông Rafael Grossi cho biết « ý thức rõ tầm quan trọng của thời điểm này ». Phái đoàn gồm 13 người dự kiến ở lại nhà máy Zaporijjia « vài ngày » và « sẽ lập báo cáo sau chuyến thanh sát ».
Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev tường trình :
« Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã tiếp ông Rafael Mariano Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) vào cuối buổi chiều thứ Ba (30/08) và cam kết rằng Ukraina sẽ cố gắng tìm ra một con đường qua những hành lang được bảo đảm an toàn để phái đoàn của AIEA có thể đến được nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.
Nguyên thủ Ukraina nói rõ là cộng đồng quốc tế phải buộc Nga chấp nhận phi quân sự hóa ngay lập tức nhà máy điện hạt nhân : quân Nga phải rời nhà máy cùng với chất nổ, vũ khí của họ, Ukraina nắm lại quyền kiểm soát nhà máy và lập một vùng phi quân sự.
Cùng lúc đó, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và quân Nga tiếp tục bắn phá thành phố Nikopol, đối diện với nhà máy điện hạt nhân nằm ở bên kia bờ sông Dnipro. Ở Zaporijjia, thành phố có đến 800.000 dân trước khi xảy ra chiến tranh, người dân tiếp tục di tản đông đảo. Các viên iode cũng được phân phát cho dân.
Ở mặt trận miền nam, các cuộc giao tranh gia tăng cường độ và nỗi sợ hãi xảy ra sự cố hạt nhân lại lớn hơn bao giờ hết »
Nga lại tạm ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu
31/8/2022
Mỏ dầu khí Alexander Zhagrin do Gazprom Neft điều hành ở khu tự trị Khanty-Mansi – Yugra (Nga). Ảnh được Gazprom Neft công bố ngày 30/08/2022/. via REUTERS - GAZPROM NEFT
Hôm nay, 31/08/2022, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo tạm ngưng “hoàn toàn” việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream do phải bảo trì đường ống này trong 3 ngày.
Cụ thể, theo thông báo của Gazprom, được hãng tin AFP trích dẫn, tập đoàn phải tiến hành bảo trì một trạm nén khí, nằm ở Nga, của đường ống Nord Stream nối các mỏ khí ở vùng Siberi với miền bắc nước Đức, từ đó khí đốt được vận chuyển sang các nước châu Âu khác.
Gazprom khẳng định việc bảo trì trạm này phải được thực hiện cứ 1.000 giờ một lần và sẽ kéo dài đến thứ Bảy. Nhưng thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh giá năng lượng đang tăng vọt và phương Tây thường xuyên tố cáo Nga dùng khí đốt như là “một vũ khí” trong cuộc chiến tranh Ukraina. Trong những tháng gần đây, tập đoàn Gazprom đã giảm đến 80% lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream.
Đối với lãnh đạo cơ quan quản lý mạng lưới khí đốt của Đức, Klaus Muller, việc bảo trì theo như Gazprom thông báo là “không thể hiểu được về mặt kỹ thuật”. Theo ông Muller, kinh nghiệm cho thấy, “bảo trì” chỉ là một cái cớ để gia tăng áp lực với các đồng minh của Ukraina.
Theo AFP, khi được hỏi về việc tái lập cung cấp khí đốt sau 3 ngày bảo trì, phát ngôn viên chính phủ Nga Dmitri Peskov bảo đảm là “ngoài những vấn đề kỹ thuật do các trừng phạt của phương Tây gây ra, không có gì khác gây cản trở việc cung cấp khí đốt”.
Riêng đối với nước Pháp, kể từ ngày mai, Gazprom sẽ ngưng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho tập đoàn Engie. Nhưng chủ tịch Ủy ban quản lý năng lượng của Pháp Emmanuelle Wargon hôm nay tin trưởng về khả năng của Pháp sống qua mùa đông năm nay mà không cần đến khí đốt của Nga.
Hôm qua, thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố là nếu có phải cắt khí đốt do thiếu hụt nguồn năng lượng này, chỉ có các xí nghiệp bị cắt, chứ các hộ gia đình sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một lần nữa bà kêu gọi dân Pháp, nhất là các doanh nghiệp, giảm mức tiêu thụ năng lượng, để tránh phải cúp khí đốt và điện.
Theo thông báo của điện Elysée, vào thứ Sáu tuần này, tổng thống Emmanuel Macron sẽ họp Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia để bàn về việc cung cấp khí đốt và điện ở Pháp.
Mỹ, Hàn Quốc tổ chức tập trận kết hợp lớn nhất trong nhiều năm
31/8/2022
Ảnh minh họa: Lực lượng của Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Cách biên giới Triều Tiên khoảng 30 kilomet, lực lượng kết hợp của quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật lớn hôm 31/8 với pháo binh, xe tăng và các loại vũ khí khác khi hai nước đồng minh này tăng cường thực hành chiến tranh, Reuters tường thuật.
Hàn Quốc và Mỹ đã nối lại các cuộc tập trận trên thực địa lớn nhất trong nhiều năm sau khi các nỗ lực ngoại giao và các hạn chế COVID-19 khiến nhiều cuộc tập trận bị thu hẹp lại.
Hai nước đồng minh coi các cuộc tập trận là một phần quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên và kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của nước này, nhưng Triều Tiên gọi đây là cuộc diễn tập cho chiến tranh và các cuộc tập trận đã vấp phải sự chỉ trích ngay cả ở Hàn Quốc và Mỹ.
Reuters là một trong số ít các cơ quan truyền thông hiếm hoi được phép vào chứng kiến cuộc tập trận hôm 31/8.
Đây là các cuộc tập trận cấp sư đoàn đầu tiên cho Sư đoàn Bộ binh số 2/Sư đoàn kết hợp Hàn-Mỹ, là sư đoàn đa quốc gia duy nhất của quân đội Hoa Kỳ được thành lập vào năm 2015.
Các cuộc tập trận bao gồm bắn đạn thật từ pháo, xe tăng, súng máy và súng cối của Mỹ và Hàn Quốc. Máy bay cường kích A-10 và trực thăng Apache cũng tham gia.
Đại tá Brandon Anderson, phó chỉ huy cơ động của sư đoàn, cho biết các cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ đối thủ nào, nhưng chúng rõ ràng là tính tới “lý do phải có liên minh Mỹ-Hàn” - ám chỉ đến Triều Tiên.
Các cuộc tập trận được thiết kế để mô phỏng việc chiến đấu với một kẻ thù “gần ngang hàng” có thể sánh ngang với các đồng minh về khả năng, ông Anderson nói.
Anderson nói: “Chúng tôi đang huấn luyện cho các hoạt động tác chiến quy mô lớn, đồng thời lưu ý rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy các bài học về sự cần thiết phải cải thiện khả năng giám sát và trinh sát của pháo binh tầm xa.
Nhiều cuộc tập trận lớn đã bị hủy bỏ bắt đầu từ năm 2018 trùng với giai đoan tổng thống của Hoa Kỳ khi đó, ông Donald Trump, đã cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Dịch bệnh COVID sau đó đã làm gián đoạn nhiều cuộc tập trận hơn.
Một cựu quan chức quốc phòng cấp cao nói với Reuters rằng trong nhiều trường hợp, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục huấn luyện nhưng không công khai.
Nhật Bản có kế hoạch phát triển tên lửa tầm xa hơn để chống lại Trung Quốc, Nga
Nhật Bản hôm thứ Tư (31/8) cho biết sẽ phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao, trong bối cảnh Tokyo muốn đạt được khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn như một phần của kế hoạch nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Kế hoạch trên đã được công bố trong yêu cầu ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng. Nó thể hiện một sự thay đổi rõ ràng so với giới hạn về tầm xa mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bị ràng buộc hàng thập kỷ trong hiến pháp, có nghĩa là họ chỉ có thể bắn tên lửa có tầm bắn vài trăm km.
“Trung Quốc tiếp tục đe dọa sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi hiện trạng và đang làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh với Nga”, Bộ cho biết trong yêu cầu ngân sách của mình.
“Họ cũng đang gây áp lực xung quanh Đài Loan bằng các cuộc tập trận quân sự và đã không từ bỏ việc sử dụng vũ lực quân sự như một cách để thống nhất Đài Loan với phần còn lại của Trung Quốc,” tuyên bố nói.
Báo động về mối nguy Trung Quốc đã tăng lên trong tháng này sau khi nước này bắn 5 tên lửa đạn đạo vào vùng biển cách Nhật Bản chưa đầy 160 km trong một cuộc phô trương lực lượng sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi thăm Đài Loan.
Bộ cũng đang đề nghị có thêm ngân sách để phát triển các loại đạn khác, bao gồm cả đầu đạn bội siêu thanh.
Bộ này không đưa ra tầm hoạt động của các loại vũ khí được đề xuất hoặc cho biết số lượng vũ khí dự kiến triển khai, nhưng chúng có khả năng chạm tới được các mục tiêu ở Trung Quốc nếu được triển khai dọc theo chuỗi đảo Okinawa gần phía tây nam của Nhật Bản.
Nhật Bản đã đặt hàng các tên lửa phóng từ trên không, bao gồm Tên lửa tấn công liên hợp (JSM) do Kongsberg của Na Uy chế tạo và Tên lửa phòng không đối đất liên hợp (JASSM) của Lockheed Martin với tầm bắn lên tới 1.000 km.
Bộ đã yêu cầu tăng 3,6% chi tiêu lên 5,6 nghìn tỷ yên (39,78 tỷ USD) cho năm bắt đầu từ ngày 1 tháng 4, nhưng cho biết con số này sẽ tăng lên sau khi họ tính toán chi phí của các chương trình mua sắm mới.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida được cho là sẽ chấp thuận yêu cầu gia tăng này vào cuối năm khi họ cũng sẽ công bố một chiến lược quốc phòng quy mô lớn và kế hoạch xây dựng quân đội trung hạn mới.
Ông Kishida đã mô tả an ninh ở Đông Á là “mong manh” sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Ông đã hứa sẽ tăng “đáng kể” chi phí quốc phòng để chuẩn bị cho Nhật Bản đối phó với xung đột khu vực.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông trong tuyên ngôn bầu cử thượng viện vào tháng 7 đã hứa tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm.
Điều này sẽ khiến Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau đồng minh lớn là Hoa Kỳ và nước láng giềng Trung Quốc.
Lê Vy (theo Reuters)
Toyota sẽ đầu tư 5.3 tỷ USD để sản xuất pin xe điện tại Mỹ và Nhật Bản
Toyota đầu tư nhà máy sản xuất pin ở Nhật Bản và Mỹ. (Ảnh: Steve Lagreca/Shutterstock)
Toyota Motor hôm thứ Tư thông báo rằng họ sẽ đầu tư tới 730 tỷ yên (5,3 tỷ USD) để mở rộng sản xuất pin cho xe điện ở Nhật Bản và Mỹ, nhằm đáp ứng nhu cầu về xe điện ngày càng tăng.
Theo đó, gã khổng lồ ôtô Nhật Bản sẽ đầu tư 400 tỷ Yên vào các nhà máy ở Nhật Bản của Toyota và Prime Planet Energy & Solutions Co, một liên doanh với Panasonic Holdings Corp, đặt tại thành phố Himeji, miền tây Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Toyota sẽ đầu tư thêm 325 tỷ Yên vào một nhà máy sản xuất pin dự kiến được xây dựng tại Bắc Carolina, Mỹ.
Công ty đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất pin giai đoạn năm 2024 đến năm 2026 với khoản đầu tư nhằm tăng cường năng lực sản xuất pin ở cả hai quốc gia lên đến 40 GWh.
Các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới đang chi hàng tỷ USD để tăng cường sản xuất pin và xe điện trước các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường.
CEO Tesla cảnh báo suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh
Đối với công ty xe điện Tesla, trong một email nội bộ gửi các lãnh đạo cấp cao của công ty này vào hồi đầu tháng 6/2022, CEO Elon Musk nói rằng ông có “cảm giác cực kỳ tồi tệ về nền kinh tế”.
Ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Internationale Nederlanden Group (ING), cho biết: “Rất nhiều người đồng tình với cảm giác tồi tệ của ông Musk.” “Nhưng chúng tôi không nói về suy thoái toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ hạ nhiệt vào trước cuối năm. Mỹ sẽ hạ nhiệt, còn Trung Quốc và châu Âu sẽ không phục hồi.”
Đến cuối tháng 6/2022, Elon Musk đã cho đóng cửa văn phòng ở San Mateo bang California (Mỹ) và sa thải khoảng 200 nhân viên ở đó làm việc trên hệ thống hỗ trợ điều khiển tự động (Autopilot) – một động thái được coi là giúp Tesla cắt giảm chi phí.
Giáo sư Raj Rajkumar chuyên về kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Carnegie Mellon nói với Reuters: “Chuyện (giảm nhân sự) lần này rất có thể cho thấy có nguyên nhân từ việc phong tỏa COVID-19 ở Thượng Hải Trung Quốc, khiến vấn đề (gián đoạn) về chuỗi cung ứng đi cùng chi phí nguyên vật liệu tăng, Quý II năm 2022 sẽ khá khó khăn đối với công ty này”.
Biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kiểu ‘Zero-COVID’ tại Thượng Hải Trung Quốc đã kìm hãm hoạt động sản xuất của Tesla tại đó.
Nhất Tín, theo Reuters
Guatemala cam kết ủng hộ Đài Loan, Trung Quốc cáo buộc ‘thao túng chính trị’
Lam Giang
Gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, ông Mario Bucaro nói rằng Guatemala và Đài Loan là “những quốc gia cùng chí hướng”, được thống nhất bởi một “liên minh dân chủ”. (Ảnh: Twitter/Tsai Ing Wen)
Bộ trưởng Ngoại giao Guatemala ngày 30/8 tuyên bố quốc gia Trung Mỹ này sẽ “luôn ủng hộ” Đài Loan, sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh hòn đảo tự trị vào đầu tháng này. Đáp lại, phía Bắc Kinh nói rằng Đài Loan đang tự “lừa mình dối người” bằng cách sử dụng “quan hệ ngoại giao để thao túng chính trị”.
Gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, ông Mario Bucaro nói rằng Guatemala và Đài Loan là “những quốc gia cùng chí hướng”, được thống nhất bởi một “liên minh dân chủ”.
Ông Bucaro nói: “Guatemala sẽ luôn ủng hộ Đài Loan vì chúng tôi có niềm tin vững chắc vào các nguyên tắc hòa bình, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
“Hòa bình là không thể mặc cả, nhưng đặc biệt chủ quyền là không thể thương lượng”.
Phát biểu được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bắc Kinh kết thúc một loạt các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan để đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo này vào đầu tháng 8. Theo báo chí Mỹ, Trung Quốc đã triển khai các tàu ngầm tàng hình mới đến Hạm đội Hoa Đông, và nhiều nước cũng đang bí mật giúp Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm.
Ngoại trưởng Guatemala không đề cập đến Trung Quốc trong phát biểu của mình nhưng nói rằng, chuyến thăm của ông tới hòn đảo tự trị là để “nói với thế giới tầm quan trọng của việc thể hiện sự đoàn kết với người dân Đài Loan cũng như niềm tin rằng chỉ có đối thoại mới có thể thắng lợi khi đối mặt với bất kỳ cuộc xung đột nào”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo hàng ngày rằng nhà chức trách trong Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan đang tự “lừa mình dối người” bằng cách sử dụng “quan hệ ngoại giao để thao túng chính trị” vốn “không thể ngăn chặn tính tất yếu lịch sử của sự thống nhất Trung Quốc”.
Ông Triệu thúc giục Guatemala đưa ra quyết định “phù hợp với xu hướng lịch sử”.
Trong phát biểu của mình, bà Thái Anh Văn lưu ý rằng Đài Loan là “quốc gia châu Á” đầu tiên mà ông Bucaro đến thăm kể từ khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, đồng thời bà cảm ơn Guatemala đã ủng hộ Đài Loan về mặt ngoại giao sau các cuộc tập trận của Trung Quốc.
Guatemala là một trong 14 quốc gia còn giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và cũng là một trong ba đồng minh còn lại của Đài Loan ở Trung Mỹ. Hai quốc gia còn lại là Honduras và Belize.
Trung Quốc coi Đài Loan là một trong những tỉnh của họ và không có quyền của một nhà nước, một quan điểm mà chính phủ Đài Loan phản đối gay gắt. Bắc Kinh đang tăng cường áp lực để giành lấy những người bạn còn lại của Đài Loan.
Vào tháng 12, Trung Quốc đã tái thiết lập quan hệ với Nicaragua và chính phủ đã công khai cho biết họ đang nỗ lực để hạ con số này xuống còn số không.
Vấn đề này có ý nghĩa địa chính trị rộng lớn hơn trong lúc Hoa Kỳ lo ngại về việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động ở Trung Mỹ.
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 ở Honduras, một phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm đã nói rõ rằng họ muốn quốc gia Trung Mỹ duy trì quan hệ với Đài Loan.
Tổng thống Xiomara Castro từng có ý tưởng từ bỏ Đài Bắc để nghiêng về phía Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử, hiện nay đã đứng về phía Đài Loan.Lam Giang
IFJ lên án pháp lệnh mới của Việt Nam hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo tại tòa
30/8/2022
Các nhà báo và đại diện ngoại giao tham dự một phiên tòa xét xử Linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý tại một tòa án ở Huế năm 2007 qua màn hình TV trong khuôn viên tòa án.
Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam tránh xâm phạm quyền của các nhà báo được đưa tin về các phiên tòa sau khi Quốc hội ở Hà Nội thông qua một pháp lệnh mới gây tranh cãi về việc xử phạt nhà báo ghi âm ghi hình tại tòa nếu không được phép.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm 19/8 thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó quy định rằng các nhà báo có thể bị phạt đến 15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Quy định mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9, còn buộc các nhà báo phải xin phép mới được ghi âm hoặc ghi hình người tham gia tố tụng.
Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến hôm 15/8, Thường vụ Quốc hội còn đưa vào quy định phạt các nhà báo livestream phiên tòa mà không được phép của chủ tọa. Nhưng quy định này không được nhắc tới trong pháp lệnh được thông qua sau đó 4 ngày, sau khi vấp những phản đối từ công chúng và giới báo chí.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về pháp lệnh mới hôm 29/8, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết rằng nhà báo livestream ở phiên tòa sẽ bị xử phạt nặng hơn ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, theo cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. Không rõ quy định này đã được bổ sung vào pháp lệnh mới sắp có hiệu lực hay chưa.
IFJ, trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 25/8, nói rằng tổ chức này lên án các hành động có thể làm suy yếu quyền tự do báo chí và thúc giục chính quyền Hà Nội tránh xâm phạm quyền này của nhà báo trong nước.
Khi đưa ra dự thảo Pháp lệnh, ông Tuệ đã nói rằng việc ban hành một văn bản pháp luật như vậy sẽ “tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật” trước thực tiễn các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
Đã có những tranh cãi trong công chúng, chuyên gia, giới báo chí, luật sư và ngay cả các nhà lập pháp ngay từ khi dự thảo Pháp lệnh được đưa ra. Họ cho rằng việc xử phạt nhà báo ghi âm, ghi hình phiên tòa mâu thuẫn với các luật khác và cản trở quyền tác nghiệp của nhà báo.
Theo pháp lệnh mới, các nhà báo phải xin phép ghi âm, ghi hình tại tất cả các phiên tòa hành chính, dân sự và hình sự.
Luật Báo chí Việt Nam quy định nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn.
Theo ông Nguyễn Công Phú, nguyên phó chánh tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, được VnExpress trích dẫn nói rằng Luật Báo chí có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh vấn đề hoạt động báo chí. Nguyên phó chánh tòa này còn cho rằng hành vi “phát trực tiếp trên không gian mạng”, tức livestream, không có trong quy định trong tất cả các luật hay bộ luật cũng như không gây cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa.
IJF, tổ chức lớn nhất của các nhà báo trên thế giới, có trụ sở ở Brussels của Bỉ, nói rằng “các nhà báo đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông tin chi tiết của các phiên tòa vì lợi ích cộng đồng và phải có khả năng làm việc tự do và độc lập”.
Nhà báo Võ Văn Tạo nói với VOA trong cuộc phỏng vấn gần đây rằng pháp lệnh mới sẽ bóp nghẹt thêm quyền của báo chí vốn đã bị kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản cầm quyền và kiểm duyệt báo chí do nhà nước quản lý. Theo nhà báo có 15 năm làm việc cho báo nhà nước, “những quy định gây cản trở cho nhà báo tác nghiệp sẽ làm cho xã hội nhiễm phải những thông tin không đúng sự thật”.
Phó Chánh án Tuệ cho rằng pháp lệnh mới còn để “bảo vệ quyền con người, quyền công dân” của những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên theo Luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho các nhà báo bất đồng chính kiến và nhà hoạt động dân chủ, các nhà báo “cần phải ghi âm, ghi hình để phản ánh đúng sai” và tự bảo vệ mình sau này khi bị khiếu nại, kiện tụng liên quan đến hoạt động tác nghiệp của họ.
Theo Quốc hội Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao đã tính đến việc phải xây dựng những quy phạm về cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa và sắp tới sẽ phải có hướng dẫn về nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình.
“IFJ lên án bất kỳ hạn chế nào áp đặt cho các nhà báo khi tác nghiệp và kêu gọi chính phủ Việt Nam rút lại pháp lệnh mới”, tổ chức đại diện cho 600.000 người làm truyền thông chuyên nghiệp ở 140 quốc gia trên thế giới, nói trong thông cáo của họ.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả xếp Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai ở châu Á bỏ tù nhiều nhà báo nhất, sau Trung Quốc, trong khi tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam trong nhóm 3 quốc gia được xem là những “nhà tù” lớn nhất thế giới đối với các nhà báo.
Đài Loan bắn đạn thật vào máy bay không người lái ở đảo xa
Frances Mao
BBC News
31/8/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,
Kim Môn là một nhóm đảo chỉ cách Trung Quốc đại lục vài km
Đài Loan lần đầu tiên bắn cảnh cáo để xua đuổi các máy bay không người lái (drone) ở các đảo xa gần Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói nhìn thấy ba máy bay này quay trở về phía lục địa Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, Đài Bắc đã phàn nàn về drone của Trung Quốc bay gần các đảo nhỏ của mình gần Trung Quốc.
Căng thẳng xuyên eo biển vẫn ở mức cao sau chuyến viếng thăm Đài Loan của chính trị gia Mỹ Nancy Pelosi đầu tháng này.
Đài Loan nói đã gia tăng các cuộc xâm nhập của drone sau khi Trung Quốc tiến hành tập trận lớn nhằm phô trương lực lượng, đáp trả chuyến đi của bà Pelosi.
Tổng thống Thái Anh Văn gọi các chuyến bay qua tiền đồn quân sự là một chiến thuật “vùng xám”.
Bộ Tư lệnh Quốc phòng Kim Môn cho biết ba drone dân sự được phát hiện tối thứ Ba ở Dadan, Erdan, và Shiyu – ba đảo nhỏ của Kim Môn, chỉ cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc vài cây số.
Họ nói thêm rằng đã bắn pháo sáng cảnh báo trước khi bắn đạn thật vào một drone đang trở lại. Các drone cuối cùng hướng về Hạ Môn.
Chụp lại hình ảnh,
Bản đồ cho thấy vị trí của Kim Môn (Kinmen) và Hạ Môn (Xiamen)
Trung Quốc vẫn chưa đáp trả báo cáo mới nhất của Đài Loan. Tuy nhiên, hồi đầu tuần Bắc Kinh đã bác bỏ các khiếu nại từ hòn đảo khẳng định drone Trung Quốc liên tục quấy rối.
“Drone Trung Quốc bay trên lãnh thổ Trung Quốc, có gì phải ngạc nhiên?” Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói hôm thứ Hai.
Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ tức giận trước bình luận trên, và nói “Những kẻ không được mời, người ta gọi là ăn trộm”.
Giữa tháng Tám, đoạn phim bị rò rỉ từ drone cho thấy cảnh bị binh lính Đài Loan ném đá xua đuổi được lan truyền rộng rãi trên mạng. Đoạn video bị chế giễu và nhạo báng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Tổng thống Thái Anh Văn đã cam kết nâng cấp khả năng phòng thủ của hòn đảo. Tuần trước, chính phủ của bà đã công bố ngân sách quốc phòng kỷ lục là 586,3 tỷ dollar Đài Loan (tức khoảng 19 tỷ USD).
Hôm thứ Tư, Đài Loan cũng cho biết chuẩn bị “phản công” trong tương lai nếu máy bay và tàu Trung Quốc vào không gian lãnh thổ của mình.
Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh Đài Loan, để đáp lại chuyến thăm của bà Pelosi đầu tháng Tám. Trong thời gian hơn một tuần, Trung Quốc đã đưa tên lửa, máy bay chiến đấu, và tàu chiến vào không gian được Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Chính phủ Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các cuộc tập trận quân sự để chuẩn bị xâm lược.
Trung Quốc xem chuyến thăm của bà Pelosi là thách thức với tuyên bố chủ quyền của họ đối với Đài Loan, trong khi Đài Loan xem mình là quốc gia độc lập.
Không có nhận xét nào