Võ Thái Hà tổng hợp
Triều Tiên tuyên bố là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân
09/9/2022
Nguồn hình ảnh, KCNA
Chụp lại hình ảnh,
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi đây là quyết định “không thể đảo ngược”
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thông qua luật tuyên bố trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gọi đây là quyết định “không thể đảo ngược” và loại trừ khả năng tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào về phi hạt nhân hóa.
Luật cũng quy định quyền tấn công hạt nhân phủ đầu để tự bảo vệ mình.
Bất chấp các lệnh trừng phạt làm tê liệt, Bình Nhưỡng đã có sáu lần thử hạt nhân từ năm 2006 đến năm 2017.
Nước này tiếp tục nâng cao khả năng quân sự – vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – để đe dọa các nước láng giềng và thậm chí có khả năng đưa lục địa Hoa Kỳ vào tầm tấn công.
Ông Kim tiến hành các vụ phóng tầm xa và thử hạt nhân năm 2019, sau hai hội nghị thượng đỉnh gây nhiều chú ý nhưng không có kết quả với Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa hai nước này đã bị đình trệ. Chính quyền Joe Biden cho biết sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng chưa cho biết liệu Tổng thống Joe Biden có gặp ông Kim hay không.
Nhà Trắng cũng cho biết có liên lạc với Bình Nhưỡng và đề nghị giúp đỡ khi dịch Covid bùng phát, nhưng không nhận được phản hồi.
Hoa Kỳ xem xét lại chính sách đối với Triều Tiên vào năm ngoái và nhắc lại rằng mục tiêu sẽ là “phi hạt nhân hóa hoan toàn” bán đảo Triều Tiên.
Ông Biden cho biết sẽ theo đuổi mục tiêu bằng cách kết hợp giữa ngoại giao và “răn đe nghiêm khắc”.
Ông Kim đáp lại rằng đất nước ông sẽ phải chuẩn bị cho cả “đối thoại và đối đầu”.
Trong khi đó, căng thẳng tăng cao ở bán đảo Triều Tiên năm nay với việc Bình Nhưỡng bắn số lượng tên lửa đạn đạo kỷ lục.
Hàn Quốc và Mỹ đã đáp trả bằng loạt tên lửa và các cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trên bán đảo trong nhiều năm.
Quan hệ Trung-Anh dự báo nhiều sóng gió với tân thủ tướng "diều hâu" ở Luân Đôn
Tân thủ tướng Anh Liz Truss rời khỏi số 10 phố Downing, Luân Đôn, Anh Quốc, 08/09/2022. REUTERS - PETER NICHOLLS
Tân Hoa Xã vào hôm qua, 07/09/2022, cho biết thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi điện chúc mừng đến tân thủ tướng Anh Liz Truss vừa được bổ nhiệm trước đó một hôm. Thông điệp của phía Trung Quốc có phần khô khan, phản ánh mối ưu tư của Bắc Kinh trước khả năng quan hệ với Luân Đôn sẽ xấu đi thêm với một người nổi tiếng là “diều hâu”, từng để lộ những quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc.
Nhận xét về tân thủ tướng Anh, hãng tin Anh Reuters (ngày 06/09) không ngần ngại đánh giá Liz Truss là “một trong những người chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ nhất” trên chính trường Anh hiện nay, coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn chi phối nền thương mại và ngoại giao sau Thế Chiến Thứ Hai, và tin tưởng rằng sứ mệnh của bà là xây dựng một bức tường thành chống lại mối đe dọa đó.
Kênh truyền hình Pháp France 24 (ngày 05/09) cũng cho rằng, so với người tiền nhiệm Boris Johnson, nữ thủ tướng Anh Liz Truss chủ trương một cách tiếp cận “diều hâu” hơn đối với Trung Quốc, và bà có thể công khai cho thấy điều đó với một quyết định mang tính biểu tượng: Chính thức tuyên bố Trung Quốc là một “mối đe dọa” (threat) đối với an ninh quốc gia Anh.
Giới thân cận với bà Truss đã tiết lộ với nhật báo Anh The Times (hôm 29/08) rằng bà sẽ làm điều này ngay sau khi lên làm thủ tướng, và giữa hai bên “sẽ không có thêm quan hệ đối tác kinh tế nào nữa”.
Quan điểm cứng rắn của bà Truss đối với Trung Quốc thể hiện trên cả hai lĩnh vực, quân sự và kinh tế. Theo ghi nhận của France 24, tân thủ tướng Anh từng nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa Nga và Trung Quốc, cũng như là giữa Ukraina và Đài Loan.
Bài học từ Ukraina đối với trường hợp Đài Loan
Tháng 6 vừa qua, trên một đài phát thanh, người sẽ trở thành nữ thủ tướng Anh cho rằng phương Tây cần “học những bài học của Ukraina”, và lẽ ra nên “đảm bảo sao cho Ukraina có năng lực phòng thủ sớm hơn”, để tạo ra được một “sức răn đe” đối với Nga. Do đó, theo bà Truss, “một cách tiếp cận tương tự” cần được thực hiện trong trường hợp Đài Loan.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat (ngày 05/09) nhắc lại, trong thời gian vận động tranh ghế lãnh đạo đảng Bảo Thủ, điều kiện cần thiết để lên làm thủ tướng Anh, bà Liz Truss đã nêu bật vấn đề Tân Cương và khẳng định rằng bà sẽ liệt những hành động tàn bạo của Trung Quốc ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng.
Đối với The Diplomat, rất có thể đó chỉ là một chiêu bài vận động tranh cử, và đến khi lên làm lãnh đạo, bà Truss có thể sẽ không thực hiện được lời hứa này, vì lẽ tuyên bố có tội ác diệt chủng ở Tân Cương sẽ đặt Vương Quốc Anh vào tình thế tế nhị, do các quốc gia có nghĩa vụ trừng phạt tội ác diệt chủng khi nó được thực hiện, điều mà Luân Đôn khó có thể làm với Bắc Kinh.
Anh Quốc và cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương
Dẫu sao thì đối với The Diplomat, lập trường cứng rắn chống Trung Quốc của bà Liz Truss sẽ có hệ quả là Vương Quốc Anh năng nổ hơn trong việc can dự vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để hạn chế đà bành trướng của Bắc Kinh, thúc đẩy nhiều liên minh theo kiểu AUKUS hơn, hay là nỗ lực củng cố các nhóm khu vực có sẵn như Thỏa Thuận Phòng Thủ Ngũ Cường tập hợp 5 nước Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore.
Điều đó sẽ góp phần gia tăng sức ép trên Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh không mấy hài lòng, và chắc chắn sẽ tìm cách chống phá. Tờ báo diều hâu Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cho thấy rõ điều này khi mô tả bà Truss là một người “dân túy cực đoan”, và kêu gọi bà nên từ bỏ “tâm lý đế quốc lỗi thời”.
Tên lửa Hellfire của Mỹ đang tới Ukraina khi chiến trường quan trọng ở Kherson đang nóng lên
Các tên lửa Hellfire do Mỹ sản xuất đang được Na Uy gửi tới Ukraine.
Các tên lửa Hellfire do Mỹ sản xuất đang được Na Uy gửi tới Ukraine trong bối cảnh lực lượng vũ trang của nước này đang thúc đẩy chiếm lại thành phố Kherson và khu vực do Nga chiếm đóng xung quanh nó.
Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết hôm thứ Năm: “Na Uy sẽ tặng các tên lửa Hellfire cho Ukraine. Khoản quyên góp này bao gồm khoảng 160 tên lửa, bệ phóng và các đơn vị dẫn đường. Ukraine cũng sẽ nhận được thiết bị nhìn ban đêm được lấy từ kho của Lực lượng Vũ trang Na uy”.
Tên lửa Hellfire của Na Uy do Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Khoản quyên góp được đưa ra trong bối cảnh Lực lượng vũ trang Ukraine đang chiến đấu với các lực lượng Nga khi họ cố gắng giành lại quyền kiểm soát Kherson từ những người chiếm đóng. Người Nga đã chiếm đóng khu vực này ngay sau khi cuộc tấn công vào Ukraine bắt đầu vào cuối tháng Hai.
Phát biểu với báo giới trong tuần này, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Pat Ryder nói rằng Ukraine đã “tiếp tục các hoạt động tấn công” ở Kherson và “tiếp tục tiến lên”.
“Chúng tôi biết rằng họ đã chiếm lại một số ngôi làng”, Ryder nói.
Trong một tuyên bố về tên lửa Hellfire, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Bion Arild Gram cho biết, “Đây là loại vũ khí mà Ukraine đã yêu cầu, và nó sẽ hữu ích trong cuộc chiến chống lại lực lượng xâm lược của Nga. Tên lửa này rất dễ vận hành và có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu trên bộ và trên biển. “
Ông Grăm nói thêm, “Cho đến nay, chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi đã tài trợ các hệ thống và thiết bị quân sự từ nguồn dự trữ của chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cần hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng để duy trì việc cung cấp thiết bị quân sự cần thiết cho Ukraine. Ukraine cũng sẽ nhận được nhiều thiết bị hiện đại và hiệu quả hơn”.
Phát biểu với Newsweek vào tháng 8, Peter Rutland, giáo sư Nghiên cứu Nga, Đông u và Á- u tại Đại học Wesleyan, nói rằng “việc chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng của tỉnh Kherson ở bờ tây của Dnepr sẽ là một chiến thắng chính trị và tâm lý đối với Kyiv”.
“Thành phố Kherson là thủ phủ tỉnh duy nhất đã rơi vào tay Nga”, ông Rutland cho biết.
Hôm thứ Tư, đơn vị Tình báo Quốc phòng Ukraine thuộc Bộ Quốc phòng nước này đã đăng đoạn băng ghi âm cuộc gọi giữa một thành viên quân đội Nga và vợ của anh ta. Người đàn ông này đã được nghe nói về Kherson và cho biết, “Tất cả các cây cầu đều bị phá hủy, bọn anh ở đây đang hoàn toàn hỗn loạn”.
Mỹ viện trợ cho Ukraina đạn pháo dẫn đường chính xác nhất để đối phó Nga
Ngũ Giác Đài đã và đang viện trợ cho Ukraina dòng đạn pháo dẫn đường chính xác nhất trong kho vũ khí nước này,
Ngũ Giác Đài đã và đang viện trợ cho Ukraina dòng đạn pháo dẫn đường chính xác nhất trong kho vũ khí nước này, nhằm hỗ trợ lực lượng Kyiv đối phó với Nga.
Theo một tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ được Bloomberg trích dẫn, Washington đã quyết định viện trợ cho Ukraina đạn pháo Excalibur, dẫn đường bằng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) và vệ tinh.
Cụ thể trong một tài liệu về ngân sách của Ngũ Giác Đài, cơ quan này dự kiến chi 92 triệu USD nhằm “mua sắm đạn pháo M982 Excalibur thay thế cho số hỏa lực đã được chuyển cho Ukraina đối phó Nga”.
Excalibur là loại đạn thông minh, có thể sử dụng tọa độ GPS được các máy bay không người lái (UAV) trinh thám cung cấp để bắn vào mục tiêu quân sự quan trọng của đối thủ.
Thông thường, với đạn pháo không dẫn đường, các quân nhân phải chấp nhận bắn một vài phát không chính xác, sau đó căn chỉnh lại đường bắn để dò ra tọa độ chuẩn của mục tiêu.
Excalibur lần đầu được sử dụng ở Iraq hồi năm 2007 trong những kế hoạch nhằm tiêu diệt các nhân vật khủng bố khét tiếng, như lãnh đạo al-Qaeda Abu Jurah và tay chân thân tín. Theo Bloomberg, đây được xem là dòng đạn pháo chính xác nhất của Mỹ.
Excalibur, vốn do 2 nhà thầu Raytheon và BAE Systems sản xuất, tương thích với pháo dã chiến M777 cỡ nòng 155mm mà Mỹ đã chuyển cho Ukraina trước đó.
Loại đạn pháo này có tầm bắn 40km, cho phép các chỉ huy chiến trường tấn công mục tiêu chính xác hơn.
Khoản chi 92 triệu USD của Mỹ tương đương với 900 quả Excalibur, vì mỗi quả có giá từ 98.700-106.400 USD.
Dòng đạn pháo được trang bị tính năng GPS này có thể tấn công mục tiêu đối thủ trong rừng và những địa hình hiểm trở. Theo giới quan sát, Excalibur có thể cùng với giàn hoả tiễn phóng loạt HIMARS trở thành vũ khí để Ukraina đối phó với chiến thuật mưa hỏa lực áp đảo của Nga trên các chiến trường.
Trên thực tế, Ukraina sẽ khó có thể có đủ hỏa lực để cân bằng với Nga. Nhưng trên lý thuyết, họ có thể đạt được hiệu quả tác chiến cao lên rất nhiều khi sử dụng một lượng đạn hạn chế nhưng chính xác và mạnh mẽ hơn nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Nga.
Mặc dù vậy, hệ thống dẫn đường bằng GPS cũng được xem là một điểm yếu tiềm tàng của hệ thống vũ khí hiện đại. Trong kịch bản quả đạn bị đứt liên lạc với hệ thống vệ tinh dẫn đường, hoặc bị gây nhiễu trong môi trường tác chiến điện tử, hỏa lực sẽ không còn có thể tấn công chính xác mục tiêu như kỳ vọng. Tại Ukraina, Nga cũng đang khai triển các hệ thống tác chiến điện tử uy lực, dày đặc, nên rủi ro trên lại tăng cao hơn.
Tướng Mỹ công bố hiệu suất ‘hủy diệt’ của HIMARS ở Ukraina
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Mark Milley
Các lực lượng vũ trang Ukraine đã hạ hơn 400 mục tiêu của Nga với sự hỗ trợ của hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ. Điều này đã được Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Mark Milley, cho biết trong một cuộc họp tại căn cứ Ramstein.
Theo Reuters, vị tướng này nói: “Chúng tôi đang quan sát những thành công thực sự của Ukraine trong việc sử dụng các hệ thống này, những thành công có thể đo lường được. Ví dụ, người Ukraine đã bắn trúng hơn 400 mục tiêu với sự hỗ trợ của HIMARS, chúng đã có tác động hủy diệt rất lớn”.
Các hệ thống HIMARS đầu tiên được đưa vào trang bị cho quân đội Ukraine vào tháng 6. Với sự trợ giúp của Hệ thống phóng nhiều tên lửa Mỹ, Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 80 km, đặc biệt đã làm nổ tung nhiều kho đạn, sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và đường tiếp tế của Nga. Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng họ coi bất kỳ mục tiêu nào của Nga trên lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là ở Crimea, là mục tiêu hợp pháp của họ.
Tổng cộng, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine 16 hệ thống HIMARS.
“Người Ukraine đang sử dụng từng hệ thống tên lửa có độ chính xác cao với độ chính xác và hiệu quả kinh hoàng”, một nguồn tin của Ngũ Giác Đài nói với Washington Post.
Các nhà chức trách Mỹ nghi ngờ các báo cáo của Matxcova về việc phá hủy các hệ thống này. Các quan chức Tòa Bạch Ốc lưu ý rằng các nhà chức trách Nga tuyên bố đã hạ được nhiều HIMARS hơn số đã được gửi đến Kyiv, vậy nên các tuyên bố của Nga không đáng tin cậy.
Mỹ viện trợ 2.7 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh
Lam Giang
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao Huân chương “Nhà thông thái Yaroslav” hạng Ba cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong cuộc gặp của họ tại Kyiv, Ukraine, hôm 08/9/2022. (Ảnh: Genya Savilov/Pool/AFP/Getty Images)
Chính phủ Mỹ đã công bố khoản viện trợ mới hơn 2,7 tỷ USD cho Ukraine và 18 quốc gia châu Âu khác, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo trong chuyến thăm đột xuất tới Ukraine hôm thứ Năm (8/9). Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố sẽ viện trợ thêm 675 triệu USD vũ khí hạng nặng và đạn dược cho Ukraine.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 9/9 đã đến thăm thành phố Irpin ở vùng Kyiv, Ukraine, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Nhà nước khu vực Kyiv Alexei Kuleba cho biết.
Gói viện trợ mới 2,7 tỷ USD
Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Kyiv, thủ đô Ukraine, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết quyền ông Biden đã thông báo với Quốc hội Mỹ về ý định cung cấp 2,7 tỷ USD cho Ukraine và 18 quốc gia châu Âu khác tài trợ quân sự nước ngoài dài hạn, theo hãng tin AP. Các quốc gia đó, bao gồm các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác an ninh khu vực, “tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị Nga gây hấn trong tương lai”.
Khoảng 1 tỷ USD tài trợ quân sự nước ngoài, đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua, sẽ chuyển đến Ukraine và phần còn lại sẽ được phân bổ cho các quốc gia: Albania, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Georgia, Hy Lạp, Kosovo, Latvia, Lithuania, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khoản tài trợ này sẽ giúp các nước này “răn đe và bảo vệ trước các mối đe dọa khẩn cấp đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ” bằng cách tăng cường hội nhập quân sự với NATO và chống lại “ảnh hưởng và sự xâm lược của Nga”.
“Sự hỗ trợ này tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với tương lai của Ukraine với tư cách là một quốc gia dân chủ, có chủ quyền và độc lập cũng như an ninh của các đồng minh và đối tác trong khu vực”, tuyên bố cho biết thêm.
Tài trợ quân sự nước ngoài (Foreign Military Financing – FMF), cho phép người nhận mua thiết bị quốc phòng do Mỹ sản xuất, thường dựa trên nhu cầu cụ thể của họ.
“Trong cuộc gặp, Tổng thống Ukraine đã trao tặng cho ông Antony Blinken bằng Huân chương “Nhà thông thái Yaroslav” hạng Ba, vì những công lao quan trọng của cá nhân ông trong việc tăng cường hợp tác giữa hai nước, ủng hộ chủ quyền nhà nước và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, văn phòng Tổng thống Zelenskyy cho biết trong một bản tường trình.
Cũng trong ngày thứ Năm (8/9), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 675 triệu USD khác cho Ukraine về vũ khí hạng nặng, đạn dược và xe bọc thép tại một cuộc họp tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, Đức. Kế hoạch đã được Tổng thống Biden thông qua hôm thứ Tư (7/9).
Gói vũ khí trị giá 675 triệu USD bao gồm pháo, đạn pháo, xe Humvee, xe cứu thương bọc thép, hệ thống chống tăng và hơn thế nữa.
Thông báo ngày 07/9 nâng tổng viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine lên 15,2 tỷ USD kể từ khi ông Biden nhậm chức. Các quan chức Mỹ cho biết những cam kết mới nhằm thể hiện rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine là không hề dao động khi đối mặt với sự hung hăng của Nga.
‘Mỹ kiên quyết hỗ trợ Ukraine như thuở đầu’
“Chúng tôi cũng kiên quyết hỗ trợ Ukraine như hồi tháng Tư khi chúng tôi gặp nhau lần đầu ở đây”, ông Austin nói. “Tôi biết rằng chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”, ông nói thêm.
“Mỹ đã làm rất nhiều và chúng tôi sẽ quyết tâm làm nhiều hơn nữa để giúp người dân Ukraine trong cuộc chiến giành tự do của họ”.
Khoản tài trợ mới được công bố, nâng tổng cam kết tài chính của Mỹ đối với Ukraine lên 15,2 tỷ USD kể từ khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021.
Chính quyền Washington muốn có thêm nguồn tài chính cho nỗ lực chiến tranh. Tuần này, Quốc hội đã yêu cầu Quốc vụ viện chi gần 12 tỷ USD để hỗ trợ an ninh và kinh tế cho Ukraine.
Các thành viên Đảng Dân chủ hàng đầu cho biết họ sẽ thông qua gói mới nhất, bao gồm các ưu tiên khác và tổng cộng 47 tỷ USD.
“Ukraine cần được giúp đỡ nhiều hơn. Chúng tôi muốn trao nó cho họ”, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ-New York) nói với các phóng viên ở Washington.
Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa cho biết họ không đồng tình với gói viện trợ này.
“Đó là một câu hỏi lớn mà không cần giải thích nhiều”, Thượng nghị sĩ Roy Blunt (Cộng hòa-Missouri), một thành viên của ban lãnh đạo Thượng viện Đảng Cộng hòa, nói với các phóng viên.
Giao tranh tiếp tục leo thang
Giao tranh giữa Ukraine và Nga tiếp tục leo thang trong những ngày gần đây, với việc các lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc phản công lớn nhằm tái chiếm các khu vực do Nga nắm giữ ở miền nam và miền đông Ukraine.
“Cuộc chiến đang ở một thời điểm quan trọng khác, … và bây giờ chúng tôi đang thấy những bước tiến rõ rệt cho những nỗ lực kết hợp của chúng tôi trên chiến trường”, ông Austin nói.
Ông Austin phát biểu trong cuộc họp hàng tháng của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, có sự tham gia của Hoa Kỳ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và các quan chức quốc phòng đồng minh.
“Cục diện chiến tranh đang thay đổi, và nhiệm vụ của nhóm liên lạc này cũng vậy”, ông Austin nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Hà Lan cho biết trong cuộc họp rằng, hai quốc gia này sẽ cung cấp cho binh sĩ Ukraine khóa huấn luyện rà phá bom mìn và thiết bị rà phá bom mìn. Khóa đào tạo sẽ diễn ra tại Đức. Hai nước trước đó đã liên kết với nhau để gửi pháo tới Ukraine.
Về vấn đề này, ông Austin cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để huấn luyện quân đội Ukraine trong dài hạn cũng như tích hợp năng lực của Ukraine và tăng cường các hoạt động chung lâu dài. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nâng cấp nền công nghiệp quốc phòng của mình để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Chúng tôi sẽ cùng nhau sản xuất và đổi mới để đáp ứng nhu cầu tự vệ lâu dài của Ukraine. Chúng tôi phải phát triển khi cuộc chiến phát triển”.
Ông Blinken đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Kyiv. Trước đó, ông Dmytro Kuleba đã đến thăm Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bệnh viện Nhi chuyên khoa Quốc gia Ohmatdyt ở Kyiv, Ukraine. Tại bệnh viện, ông Blinken đã đến thăm những trẻ em bị thương trong vụ đánh bom của Nga, trong đó có Maryna, một bé gái 6 tuổi đến từ Kherson, miền nam Ukraine, đã bị trúng tên lửa của Nga tại nhà của mình.
Tại sảnh bệnh viện, ông Blinken cũng gặp Patron, một chú chó nghiệp vụ đã giúp quân đội Ukraine rà phá hơn 200 quả mìn. Ông Blinken nói rằng Patron giờ đây đã “nổi tiếng trên khắp thế giới”.
Trong một khu phố nọ, ông Blinken mang một giỏ đồ chơi sang trọng cho lũ trẻ, và bọn trẻ nhanh chóng cầm những món đồ chơi sang trọng trước mặt Patron để thu hút sự chú ý của nó.
“Tinh thần mạnh mẽ của con cái quý vị gửi một thông điệp rất lớn đến thế giới”, ông Blinken nói với cha mẹ của những đứa trẻ.
Hoa Kỳ gia hạn kết luận điều tra thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam
Ảnh minh họa thép cuộn không rỉ. Photo Steelvn.vn
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về cuộc điều tra chống bán phá giá và trốn thuế chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 4/1/2023, Bộ Công Thương Việt Nam (MoIT) đưa tin.
DOC bắt đầu điều tra đối với các sản phẩm này từ ngày 15/5/2020. Cụ thể, DOC đã tiến hành điều tra các vấn đề liên quan đến điều tra phạm vi để xác định liệu có phải các sản phẩm thép tấm không gỉ được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được gia công tiếp tại Việt Nam trước khi xuất khẩu đến Mỹ và liệu các sản phẩm này có thuộc đối tượng bị đánh thuế hay không; đồng thời điều tra hành vi lẩn tránh chống phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thông báo gia hạn của DOC được đưa ra vào ngày 2/9/2022, với kết luận cuối cùng đối với cả hai nội dung điều tra nêu trên sẽ đưa ra trước này 4/1/2023. Đây là lần thứ năm Hoa Kỳ thông báo gia hạn thời gian điều tra này.
Lần gia hạn gần nhất của DOC, cũng là lần gia hạn thứ 4, là ngày 5/5/2022, với dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng cho cuộc điều tra trước ngày 6/9/2022.
Được biết đây là cuộc điều tra do DOC tự khởi xướng và thực hiện, không dựa trên đơn đề nghị của bất kỳ bên thứ ba nào khác, bao gồm cả các ngành công nghiệp nội địa của Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương Việt Nam cho biết kể từ tháng 2/2017, DOC đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép không gỉ (mã HS 7219 và 7220) có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá từ 63,86 đến 76,64% và chống trợ cấp thuế từ 75,60% lên 190,71%. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ áp dụng cho thép tấm không gỉ của Việt Nam là 0%.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại của MoIT khuyến cáo các bên liên quan theo dõi sát diễn biến vụ việc, cập nhật các quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống trốn thuế của Mỹ.
Cục này khuyến cáo rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hợp tác thiện chí và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra.
Trong diễn biến liên quan, hôm 22/8/2022, DOC thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 28/11/2022, cũng theo MoIT.
Vụ việc được DOC khởi xướng từ tháng 3/2022 trên cơ sở cáo buộc của nguyên đơn cho rằng Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu ban đầu (tấm silicon) từ Trung Quốc, gia công, lắp ráp, “thay đổi không đáng kể” để sản xuất tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thái Bình Dương: Cặp đôi Trung Quốc âm mưu lập 'tiểu quốc' trong khu vực
Frances Mao
BBC News
08/9/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Một cặp vợ chồng Trung Quốc âm mưu thành lập một tiểu quốc trên Cộng hòa Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, hối lộ các nghị sĩ và quan chức ở đây, các công tố viên Mỹ cho biết.
Người đàn ông và người phụ nữ đã cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp thành lập "Khu vực bán tự trị" (SAR) trên một đảo san hô hẻo lánh.
Một khu vực như vậy sẽ mở rộng khả năng tiếp cận của nước ngoài tới quốc gia Thái Bình Dương, do Mỹ quản lý cho đến năm 1979.
Chính quyền Cộng hòa Quần đảo Marshall vẫn chưa giải quyết đầy đủ các cáo buộc, bất chấp lời kêu gọi từ các đảng đối lập.
Nhưng nhà chức trách Mỹ cho rằng các bị cáo - Cary Yan và Gina Zhou - đã phá hoại chủ quyền của đảo quốc.
Nỗ lực của họ đã chứng kiến các dự luật hỗ trợ việc tạo ra SAR được tranh luận tại quốc hội của Quần đảo Marshall vào năm 2018 và 2020.
Các công tố viên cáo buộc một số nhà lập pháp Đảo Marshall, không nêu danh tính trong bản cáo buộc, đã bỏ phiếu cho các dự luật sau khi nhận hối lộ từ 7.000 đến 22.000 USD.
Cặp đôi này bị giam giữ ở Thái Lan vào năm 2020 và bị dẫn độ về Mỹ vào tuần trước.
"Các khoản hối lộ của Yan và Zhou đã coi thường một cách trắng trợn chủ quyền của Cộng hòa Quần đảo Marshall và cơ quan lập pháp của nước này", Luật sư Hoa Kỳ Damian Williams tại Quận phía Nam của New York nói.
Quần đảo Marshall, một chuỗi các đảo nằm giữa Hawaii và Úc, giành độc lập vào năm 1979 sau khi chịu sự quản lý của Hoa Kỳ trong bốn thập niên.
Đây vẫn là căn cứ chiến lược quan trọng của Washington ở Thái Bình Dương, nơi Mỹ có một số liên minh an ninh nhưng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.
Làm thế nào mà âm mưu bị cáo buộc bị lộ
Các công tố viên cho rằng hai bị cáo điều hành một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, thông qua đó họ trả tiền và liên lạc với các quan chức Quần đảo Marshall.
Bắt đầu từ năm 2016, họ đã liên hệ với các đại diện của hòn đảo trong nỗ lực tạo ra một SAR trên đảo san hô Rongelap - một khu vực bị bỏ hoang sau vụ thử bom khinh khí của Mỹ vào những năm 1950.
Mỹ cho biết ông Yan và bà Zhao mục đích "thay đổi đáng kể luật pháp trên đảo", chẳng hạn như cắt giảm thuế và nới lỏng các hạn chế nhập cư, để thu hút đầu tư nước ngoài.
Họ cáo buộc cặp đôi này đã uống rượu và thiết đãi ít nhất sáu quan chức và nhà lập pháp của Đảo Marshall, trả tiền cho các chuyến bay và khách sạn ở New York cũng như ở Hong Kong, nơi các quan chức tham dự một hội nghị quảng bá SAR.
Một quan chức nhận tiền sau đó đã bổ nhiệm ông Yan làm cố vấn đặc biệt cho Quần đảo Marshall. Cặp đôi cũng trở thành công dân nhập tịch Đảo Marshall.
Năm 2018, các nhà lập pháp từng nhận hối lộ đã giới thiệu với quốc hội một dự luật hỗ trợ SAR được đề xuất, các công tố viên Hoa Kỳ cho biết.
"Các bị cáo đã đề nghị và cung cấp một loạt khoản hối lộ và các động cơ khác để có được sự ủng hộ của các nhà lập pháp cho dự luật", bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ viết.
Tuy nhiên, dự luật đã không được thông qua tại quốc hội sau sự phản đối kiên quyết từ tổng thống khi đó của hòn đảo, Hilda Heine. Bà Heine vào khoảng thời gian đó đã cáo buộc các đối thủ hoạt động nhân danh Trung Quốc và cố gắng bảo vệ đảo san hô để biến nó thành một "quốc gia trong một quốc gia".
Nhưng bà Heine đã thua trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Quốc hội mới vào năm 2020 sau đó đã thông qua một nghị quyết tán thành khái niệm SAR - mở đường cho một dự luật mới để thành lập nó.
Tuy nhiên vào cuối năm đó, ông Yan và bà Zhao đã bị giam giữ ở Thái Lan. Họ bị buộc tội ở Mỹ với các tội danh tham nhũng, rửa tiền và hối lộ nước ngoài.
Hôm thứ Hai, cựu tổng thống, bà Heine, cùng với nhiều người yêu cầu chính quyền Quần đảo Marshall giải quyết vấn đề.
"Nitijela [quốc hội] và chính phủ sẽ làm gì với 'vết nhơ' lớn này của Quần đảo Marshall?" bà hỏi, theo truyền thông địa phương
Không có nhận xét nào