Võ Thái Hà tổng hợp
Ấn Độ biên chế hàng không mẫu hạm mới vào khi mối quan ngại về Trung Quốc gia tăng
02/9/2022
Hàng không mẫu hạm do Ấn Độ chế tạo mang tên INS Vikrant trong chuyến chạy thử tới Kochi, Ấn Độ hôm 25/8/2022.
AP
Ấn Độ vào ngày 2/9 đưa vào biên chế chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do chính nước này chế tạo với mong muốn có thể đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.
AP loan tin cho biết tên gọi hàng không mẫu hạm mới của Ấn Độ là INS Vikrant. Vikrant trong tiếng Phạn có nghĩa ‘hùng mạnh’ hay ‘can đảm’. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai trong biên chế của Ấn Độ. Chiếc thứ nhất là INS Vikramaditya do Liên Xô chế tạo và Ấn mua lại từ Nga vào năm 2004 với mục đích bảo vệ Ấn Độ Dương và Vịnh Bengal.
Chiếc hàng không mẫu hạm mới INS Vikrant dài 262 mét được thiết kế và đóng tại Nhà máy Cochin ở miền nam Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi đã chứng kiến việc hạ thủy chiếc tàu và hoạt động này được xem là một phần để đánh dấu 75 năm đất nước Ấn độc lập khỏi sự đô hộ của Anh Quốc.
Hàng không mẫu hạm INS Vikrant được cho biết có thể mang theo đội ngũ chừng 1.600 nhân sự và đội máy bay 30 chiếc gồm chiến đấu cơ và trực thăng.
Hơn 75% những cơ phận của hàng không mẫu hạm INS Vikrant được chế tạo tại Ấn Độ do khoảng chục hãng công nghiệp lớn và hơn 100 doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp trang thiết bị, máy móc.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
Mới vào tháng tám vừa qua, Bắc Kinh đưa một tàu hải quân đến cập cảng do chính Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka. Việc này khiến New Delhi quan ngại vì sự hiện diện của tàu Hải quân Trung Quốc ngay vùng bờ biển Ấn Độ. Trung Quốc trấn an rằng đó chỉ là con tàu nghiên cứu; thế nhưng hoạt động đó bị cho là để ngụy trang công tác gián điệp, giám sát khu vực.
Thủ tướng Narendra Modi vào ngày 2/9 nhắc lại rằng mối quan ngại về an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đã bị lơ là suốt một thời gian dài.
Tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli của Mỹ đến Singapore sau khi đi qua Biển Đông
01/9/2022
Lính Mỹ lên máy bay MV-22 Osprey trên boong tàu USS Tripoli hôm 12/8/2022
Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli (LHA-7) của Hải quân Hoa Kỳ sau khi đi qua Biển Đông nay đang có mặt tại Căn cứ Changi của Singapore để tiến hành chuyến thăm tiểu quốc ngày.
Mạng USNI News loan tin ngày 31/8 như vừa nêu và cho biết đây là lần đầu tiên chiếc USS Tripoli của Mỹ cập cảng Singapore kể từ ngày 25/7 khi nó đến Căn cứ Hải quân White Clark ở Okinawa, Nhật Bản và tiếp nhận đơn vị Viễn Chinh Thủy Quân Lục Chiến số 31.
Tàu USS Tripoli hiện đang mang theo các chiến đấu cơ MV-22B Osprey và CH-53E Super Stallion. Trước đó, kể từ khi được điều động, tàu đã có các trực thăng MH-60S Knight Hawk. Trong chuyến điều động ở Thái Bình Dương, USS Tripoli cũng đã hoạt động theo dạng ‘tàu sân bay hạng nhẹ’ mang theo ít nhất 12 chiến đấu cơ F-35B.
Vào tháng tư vừa qua, viên chức chỉ huy USS Tripoli- Đại tá Joel Lang cho USNI biết, để phục vụ nhiệm vụ trong thời gian, tới boong lớn của tàu có thể được sử dụng như tàu sân bay hạng nhẹ hoặc cơ sở đế tấn công đổ bộ.
Miến Điện : Aung San Suu Kyi bị kết án thêm ba năm tù
02/9/2022
Ảnh tư liệu: Bà Aung San Suu Kyi, khi còn là lãnh đạo Miến Điện, chờ phát biểu trước Tòa án Công lý Quốc tế La Haye, Hà Lan, ngày 11/12/2019. AP - Peter Dejong
Một nguồn thạo tin hôm nay, 02/09/2022, cho AFP biết là cựu lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi, đã bị kết án thêm ba năm tù vì tội gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ LND của bà đã thắng lớn.
Cũng theo nguồn tin nói trên, bản án thứ 12 còn kèm theo hình phạt « lao động cưỡng bức », và bà Aung San Suu Kyi, năm nay 77, tuổi xuất hiện trước tòa trong tình trạng sức khỏe tốt. Trước đó, giải Nobel Hòa Bình đã bị tuyên án tổng cộng 17 năm tù vì nhiều vụ tham nhũng khác nhau.
Tuy nhiên, theo AFP, Aung San Suu Kyi có nguy cơ ngồi tù đến hơn 120 năm vì nhiều tội danh khác mà tập đoàn quân sự cáo buộc, những bản án mà cộng đồng quốc tế tố cáo là có động cơ chính trị.
Từ hơn một năm nay, các phiên xử bà Aung San Suu Kyi đều diễn ra trong một trại giam. Phiên tòa lần này được xử kín, và luật sư bị cấm tiếp xúc với báo chí và các tổ chức quốc tế.
Tháng 8/2022, tập đoàn quân sự đã cam kết tổ chức một cuộc bầu cử mới vào mùa hè năm 2023 và sẵn sàng đối thoại với Aung San Suu Kyi một khi phiên xử bà kết thúc.
Hãng tin Pháp nhắc lại, cuộc đảo chính do tập đoàn quân sự tiến hành hồi năm 2021 đã đẩy Miến Điện trong hỗn loạn. Các cuộc đàn áp biểu tình phản đối đảo chính đã khiến gần 2.100 thường dân thiệt mạng, và hơn 15 ngàn người bị bắt, theo thẩm định của các tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện.
Hàn Quốc thề sẽ phản ứng cứng rắn nếu Triều Tiên thử hạt nhân
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han cho biết ông và những người đồng cấp từ Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý rằng sẽ có phản ứng cứng rắn nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, hãng tin Yonhap đưa tin hôm thứ Sáu (2/9).
Embed from Getty Images
Bình luận được ông Kim đưa ra tại Hawaii, nơi ông đang có các cuộc đàm phán ba bên với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Akiba Takeo của Nhật Bản trong bối cảnh Triều Tiên có dấu hiệu đã hoàn tất việc chuẩn bị để tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.
“Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, phản ứng rõ ràng sẽ khác với trước đây”, ông Kim nói với các phóng viên hôm thứ Năm (giờ Hawaii) sau cuộc đàm phán ba bên, theo Yonhap.
Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử tên lửa với tốc độ chưa từng có trong năm nay.
Vào giữa tháng 8, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa hành trình từ bờ biển phía Tây sau khi Hàn Quốc và Mỹ nối lại các cuộc tập trận thực địa lớn nhất trong nhiều năm. Bình Nhưỡng cáo buộc đó là một cuộc diễn tập cho chiến tranh.
Trong cuộc hội đàm mới nhất, ba quan chức cũng đồng ý hợp tác trong các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ông Kim cũng nêu quan ngại riêng về các quy định mới của Mỹ về trợ cấp cho xe điện, văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Ông Kim cho biết Hoa Kỳ đã hứa sẽ xem xét tác động của các quy tắc mới sau khi Seoul nêu lên lo ngại rằng chúng có thể làm tổn thương các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc.
Các biện pháp theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật vào tháng trước, sẽ bao gồm việc ngừng trợ cấp cho xe ô tô điện được thực hiện bên ngoài Bắc Mỹ, điều này có thể ảnh hưởng đến các công ty như Hyundai Motor và chi nhánh Kia Corp.
Cuộc họp tuần này đánh dấu cuộc họp đầu tiên của ba quan chức kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức vào tháng Năm.
Lê Vy (theo Reuters)
Khủng hoảng chính trị ở Iraq
Cho tôi gia nhập chính phủ, hoặc chấp nhận nội chiến giữa người Shia với nhau. Đó dường như là thông điệp của giáo sĩ giàu ảnh hưởng Muqtada al-Sadr, người mà các lực lượng ủng hộ ông đã xung đột trong tuần này với các phe phái Shia đối thủ ở khu hành chính Baghdad và những nơi khác. Hiện các đảng liên minh với Iran và nhiều dân quân của họ đang thống trị quốc hội và giữ quyền phủ quyết đối với việc thành lập chính phủ mới. Cơ quan tư pháp dường như cũng chống lưng cho họ. Điều này cản đường tham vọng của phong trào dân tộc chủ nghĩa của ông Sadr, vốn nổi lên như một khối lớn nhất từ cuộc bầu cử năm ngoái nhưng đã rút bớt các nghị sĩ của mình.
Dù tình hình ở Baghdad đã dịu đi, giao tranh vẫn tiếp diễn ở Basra, thành phố lớn thứ hai Iraq và là cửa ngõ cung cấp dầu của cả nước. Ông Sadr hoàn toàn có thể lên tiếng huy động lực lượng ủng hộ nếu ông bị loại khỏi tiến trình thành lập chính phủ. Hàng triệu người Iraq giận dữ sẽ nghe theo lời kêu gọi của ông và nổi lên chống lại giới tinh hoa dầu mỏ của Baghdad.
Xuất khẩu của Đức gặp khó vì chi phí tăng
Destatis, cơ quan thống kê của Đức, sẽ công bố số liệu thương mại tháng 7 vào thứ Sáu. Hồi tháng 5, nước này chỉ ghi nhận thặng dư nhỏ 800 triệu euro (795 triệu USD). Xuất khẩu có phục hồi trong tháng 6 nhờ nhu cầu tăng từ Mỹ và Trung Quốc, giúp Đức đạt thặng dư (đã điều chỉnh theo mùa) 6,4 tỷ euro. Song các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa hết bi quan. Giá năng lượng cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng tạo ra nhiều khó khăn cho họ. Chỉ số kỳ vọng nhà xuất khẩu của viện Ifo, một tổ chức tư vấn của Đức, đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8.
Đối với một số công ty, chi phí sản xuất ngày càng trở nên nặng nề và đã buộc họ phải từ chối hoặc hủy đơn đặt hàng, theo khảo sát gần đây của nhà tư vấn FTI-Andersch. Các công ty không muốn chuyển chi phí sang cho khách hàng. Và với giá năng lượng cũng như các chi phí sản xuất cao, những tháng mùa đông sắp tới sẽ còn khó khăn nhiều.
Thị trường việc làm Mỹ dường như đã hạ nhiệt
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói vào tuần trước rằng thị trường lao động của Mỹ “rõ ràng là mất cân bằng.” Nhu cầu lao động đã vượt xa nguồn cung, khiến lương của khu vực tư nhân tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng cho dù Fed tăng lãi suất và thắt chặt các điều kiện tài chính – khiến giá cổ phiếu và bất động sản giảm, trong khi đồng đô la mạnh lên – thị trường việc làm vẫn nóng. Rất may là dữ liệu việc làm được công bố vào thứ Sáu sẽ cho thấy tuyển dụng chậm đi trong tháng 8. Giới quan sát cho rằng các nhà tuyển dụng đã thêm 300.000 việc làm, so với 528.000 của tháng 7.
Các điều kiện thị trường lao động sẽ quyết định liệu Fed có tăng một nửa hay ba phần tư điểm phần trăm lãi suất vào tháng 9 hay không. Họ có một nhiệm vụ đòi hỏi sự tinh tế: tăng tỷ lệ vừa đủ sao cho kiềm chế được việc làm và tăng lương, nhưng không gây sa thải hàng loạt và đẩy kinh tế vào suy thoái. Dữ liệu việc làm càng yếu, Fed càng được dễ thở.
Hội chợ điện tử tiêu dùng của châu Âu khai mạc
Internationale Funkausstellung, còn được gọi là IFA, sẽ mở cửa tại Berlin vào thứ Sáu. Đây là triển lãm công nghệ thường niên lớn nhất châu Âu, và năm nay đánh dấu lần tổ chức trực tiếp đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Nó chủ yếu là nơi cho các nhà sản xuất giới thiệu những gì mới nhất trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng.
Vì vậy, với World Cup bóng đá vào tháng 11 tới, những chiếc tivi có độ phân giải cao hơn bao giờ hết sẽ là nhân vật chính. LG dự kiến công bố màn hình TV OLED lớn nhất từ trước đến nay, với kích thước khổng lồ 97 inch. Các tiện ích khác có thể bao gồm nhà vệ sinh “thông minh” giúp trung hòa chất thải con người của Samsung, cũng như các hộp đựng giày có tác dụng tương tự đối với mùi hôi của bàn chân. Sẽ có nhiều điện thoại thông minh mới, nhưng không phải iPhone 14. Apple chưa bao giờ ra mắt sản phẩm tại hội chợ thương mại. Họ sẽ công bố thiết bị tại sự kiện của riêng mình, vào ngày 7 tháng 9 ở Thung lũng Silicon.
Trung Quốc phong tỏa thành phố Thành Đô 21 triệu dân
Tác giả Dorothy Li
02/9/2022
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bằng tăm bông cho một người đàn ông để tầm soát virus corona COVID-19 ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc hôm 01/09/2022. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)
Chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa 21 triệu dân ở siêu đô thị Thành Đô phía nam Trung Quốc. Đây là hành động kiềm chế dịch COVID-19 có quy mô lớn nhất kể từ đợt phong tỏa tại Thượng Hải.
Chính quyền thành phố cho biết trong một tuyên bố rằng toàn bộ cư dân phải ở nhà bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày 01/09. Các gia đình được phép cử một người ra ngoài mỗi ngày để mua nhu yếu phẩm, nhưng người này phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ. Không có tin tức gì về việc khi nào lệnh phong tỏa này sẽ được dỡ bỏ.
Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, là thành phố lớn nhất bị phong tỏa kể từ khi trung tâm tài chính Thượng Hải bị phong tỏa hai tháng hồi đầu năm nay.
Lệnh phong tỏa toàn thành phố này được áp dụng khi các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên khắp đất nước tăng cường các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 trong thời gian chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng vào tháng Mười — được xem là thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có được nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba chưa từng có trong Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ sẽ bắt đầu vào ngày 16/10.
Hàng triệu người ở các thành phố khác của Trung Quốc, từ thành phố Thâm Quyến ở phía nam đến Đại Liên ở phía đông bắc, đã bị phong tỏa trong tuần này. Chính quyền Trung Quốc siết chặt chính sách zero COVID, nhằm mục đích xóa sổ mọi sự lây nhiễm giữa các cộng đồng thông qua giám sát kỹ thuật số, xét nghiệm theo chu kỳ, cách ly nghiêm ngặt, và phong tỏa, bất chấp những thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội.
Theo Reuters, hôm thứ Năm (01/09), Volvo Cars thông báo sẽ tạm thời đóng cửa nhà máy của họ ở Thành Đô.
Thành phố phía tây nam này, cùng với các khu vực khác ở Tứ Xuyên, đang phải chống chọi với đợt hạn hán chưa từng có trong lịch sử và thời tiết nắng nóng cực độ, khiến sản lượng thủy điện của khu vực bị suy giảm, dẫn đến tình trạng cắt điện đối với các gia đình và nhà máy.
Mỹ: Biden lên án « tư tưởng cực đoan » của Trump và những người ủng hộ ông
02/9/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Philadelphia, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 01/09/2022. AP - Evan Vucci Chỉ còn 68 ngày nữa là đến bầu cử giữa kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua 01/09/2022, đã đến Philadelphia, bang Pennsylvania, miền đông nước Mỹ, nơi bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ được biên soạn. Tại đây, trong một cuộc mit-tinh vận động tranh cử, chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích « tư tưởng cực đoan » của người tiền nhiệm Donald Trump và những người ủng hộ ông ta.
Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington cho biết thêm :
« Kể từ ngày kỷ niệm một năm vụ tấn công đồi Capitol tháng Giêng năm 2021, Joe Biden chưa bao giờ tấn công mãnh liệt như vậy. Chỉ còn hơn hai tháng nữa là sẽ diễn ra cuộc bầu cử giành đa số ở Quốc Hội lưỡng viện và cho nhiều vị trí then chốt tại nhiều bang, tổng thống Mỹ lại lên đường vận động cho cuộc bầu cử khi tấn công trực diện vào những thành phần cử tri được cho là mang tư tưởng cực hữu, với chủ trương "Make America Great Again" và Donald Trump. Đối với Joe Biden, đây là những đối thủ nguy hiểm cho đất nước.
Tổng thống Mỹ phát biểu : "Sự trung thành mù quáng vào một thủ lĩnh duy nhất và ý muốn lao vào bạo lực chính trị gây nguy hại cho nền dân chủ. Trong một thời gian dài, chúng ta luôn cho rằng nền dân chủ Mỹ được bảo đảm, nhưng thực tế là không hề có. Chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ nền dân chủ, mỗi người và tất cả chúng ta phải đứng lên vì nền dân chủ".
Mọi người, có nghĩa là bao gồm cả những cử tri ôn hòa bên phe Cộng Hòa, mà theo Joe Biden, hiện vẫn chiếm số đông trong những cử tri của đảng hiện bị Donald Trump và những người ủng hộ ông ta thống trị. Chính việc huy động những thành phần cử tri ôn hòa của đảng Cộng Hòa, cùng với khối cử tri của đảng Dân Chủ mà tổng thống Mỹ và những người thân cận của ông hy vọng bảo toàn được đa số mong manh hiện nay vào mùa thu này. »
Không có nhận xét nào