Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 05 tháng 9 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Đặc sứ Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry bắt đầu chuyến thăm Việt Nam

    Đặc sứ Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry bắt đầu chuyến thăm Việt Nam

    Đặc sứ Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry tại một họp báo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ, hôm 24/5/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP 

    Đặc sứ Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry vào ngày 2/9 bắt đầu chuyến thăm năm ngày đến Việt Nam từ 2 đến 6/9.

    Đây là chặng chót trong chuyến thăm đến ba quốc gia của ông John Kerry mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo vào ngày 26/8 vừa qua.

    Tin cho biết, tại Việt Nam, Đặc sứ John Kerry sẽ có những cuộc gặp với quan chức Chính phủ và đại diện doanh giới nhằm thảo luận về hợp tác giữa hai phía trong các vấn đề về biến đổi khí hậu và năng lượng.

    Trong ngắn và trung hạn, chuyến thăm của Đặc sứ Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry được nhận định nhằm củng cố mối quan hệ đối tác Việt- Mỹ trong công cuộc chống biến đổi khí hậu; mang lại thêm cơ hội cho doanh giới Hoa Kỳ muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam.

    Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) hiện đang thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam trong lĩnh vực cổ xúy cho các nguồn năng lượng sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại các khu vực đô thị. Bên cạnh đó, USAID cũng có những dự án bảo tồn thiên nhiên tại Đồng bằng Sông Cửu Long và đưa khu vực tư nhân vào cùng tham gia để tăng thêm nguồn lực.

    Hoa Kỳ duy trì thuế quan thời ông Trump đối với Trung Quốc, dù đang tiếp tục đánh giá 

    Tác giả Alex Wu 

    05/9/2022

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/09/GettyImages-936578422-700x420-1.jpg

    Ông Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ đường thời, ký lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc tại Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 22/03/2018. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images) 


    Hôm 02/09, chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục áp thuế đối với hàng trăm tỷ dollar hàng hóa Trung Quốc, mặc dù đang tiếp tục đánh giá theo luật định đối với những mức thuế được khởi xướng dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. 

    Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết trong một thông báo liên bang rằng họ đã nhận được yêu cầu từ hơn bốn trăm công ty Hoa Kỳ và các bên quan tâm vào mùa xuân và mùa hè này để duy trì mức thuế quan “Mục 301” áp dụng đối với các sản phẩm Trung Quốc trong năm 2018 và 2019. 

    Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra vào năm 2018 khi cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định gây tranh cãi về việc trừng phạt đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) vì các hành vi thương mại không công bằng bao lâu nay, bao gồm cả việc hưởng lợi từ lao động cưỡng bức người dân Trung Quốc. Chính phủ ông Trump đã liên tiếp áp đặt các mức thuế trừng phạt từ 7.5 đến 25% đối với hơn 360 tỷ USD sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc. 

    Theo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974, thuế quan sẽ tự động hết hiệu lực sau 4 năm, nếu không có sự phản đối từ các công ty trong nước. Các mức thuế đối với Trung Quốc vẫn được giữ nguyên trong khi USTR chờ các bình luận như một phần của cuộc đánh giá chính thức theo lịch trình. Việc đánh giá theo luật định đã bắt đầu vào tháng Năm năm nay và có thể mất đến vài tháng. 

    Đáp lại quyết định của USTR, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), phương tiện truyền thông chính thức của chế độ cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài báo hôm 03/09. Họ nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã chính trị hóa vấn đề thuế quan, “coi nó như một ‘đòn bẩy’ chống lại Trung Quốc,” điều này cũng đã gây ra tình trạng lạm phát ở Hoa Kỳ. Bài báo cho rằng quyết định này cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang “đi xuống.” 

    Cổng tin tức trực tuyến 163.com lớn của Trung Quốc cũng đăng một bài báo cùng ngày, nói rằng quyết định của USTR là “đồng thời gây hại cho người khác và chính bản thân họ”. Trang web này đã dẫn bình luận của Tổng thống Nga Putin rằng “Hoa Kỳ đang đi trên con đường của Liên Xô [cũ], và dáng đi của họ thật tự tin và vững vàng,” để nói rằng Hoa Kỳ “tạo ra những vấn đề không cần thiết cho chính họ cho đến khi họ không thể đối phó với chúng nữa” bằng cách giữ nguyên mức thuế quan với Trung Quốc. 

    Trong nước, mặc dù một số công ty Hoa Kỳ được hưởng lợi từ thuế quan này, nhưng những công ty khác dựa vào hàng nhập cảng từ Trung Quốc tiếp tục phản đối do giá nhập cảng cao hơn. 

    Chính phủ ông Biden đã cân nhắc việc dỡ bỏ một số thuế quan hồi tháng Năm, cũng như một biện pháp để giảm lạm phát. Tuy nhiên, do phản ứng dữ dội của ĐCSTQ đối với chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi tháng Tám và các cuộc tập trận quân sự liên tục xung quanh Đài Loan, nên kế hoạch dỡ bỏ thuế quan Trung Quốc kể từ đó đã bị đình trệ. 

    Tân thủ tướng Anh: Liz Truss hay Rishi Sunak?

    Anh sẽ có thủ tướng mới vào thứ Hai sau khi 160.000 đảng viên Đảng Bảo thủ chọn ra lãnh đạo mới của đảng. Tất cả các cuộc thăm dò cho thấy Liz Truss, ngoại trưởng đương nhiệm, sẽ đánh bại Rishi Sunak để trở thành thủ tướng tiếp theo vào thứ Ba.

    Bà Truss hứa hẹn các thay đổi lớn trong chính sách kinh tế, với một gói cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng. Bà không lo ngại các đề xuất của mình chỉ có lợi cho những người giàu nhất. Lập luận của bà là việc quá tập trung vào phân phối công bằng thay vì tăng trưởng đã khiến Anh bị tăng trưởng thấp. Đây là một canh bạc chính trị: mùa đông này, người Anh sẽ chứng kiến ​​hóa đơn năng lượng tăng vọt vì khủng hoảng năng lượng. Và mặc dù không thích các chính sách phát tiền, vào Chủ nhật bà Truss lại hứa công bố một gói trợ giúp cho những người gặp khó khăn với hóa đơn năng lượng, trong vòng một tuần sau khi nhậm chức. Đảng viên Bảo thủ thích quan điểm nhà nước nhỏ của bà, dù hầu hết người Anh đều mong đợi một cái gì đó to lớn và nhanh chóng.

    Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng cao trong bối cảnh lạm phát

    Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng 7,6% trong ba tháng tính đến tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu có doanh thu ngoại tệ, làm giàu nhờ lãi suất thấp đến mức phi lý, người dân làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn. Đồng lira đã mất 27% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm, và gần 70% kể từ năm 2020. Tỷ lệ lạm phát năm lên tới 76,9%, và có thể sẽ vượt 80% khi Thổ Nhĩ Kỳ công bố dữ liệu kinh tế mới vào thứ Hai.

    Lạm phát phi mã là một trong những lý do khiến chỉ số tăng trưởng cao bất thường. Để đối phó lạm phát, tầng lớp trung lưu Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tiêu thu nhập và tiền tiết kiệm vào hàng tiêu dùng trước khi giá cả tăng cao hơn về sau. Dĩ nhiên đây không phải một mô hình tăng trưởng bền vững, báo hiệu chu kỳ giảm tốc sắp đến.

    Kết quả bầu cử tổng thống nhiều tranh cãi của Kenya

    Cuộc bầu cử tổng thống hôm 9 tháng 8 của Kenya được coi là một trong những cuộc bầu cử minh bạch nhất trong lịch sử đất nước. Nhưng Raila Odinga, ứng viên thua cuộc, tuyên bố có một âm mưu tước chiến thắng khỏi tay ông. Vào thứ Hai, tòa án tối cao Kenya sẽ ra phán quyết về các cáo buộc của ông.

    Các thẩm phán Kenya là một trong những thẩm phán độc lập nhất châu Phi. Năm 2017, giữa những tuyên bố về gian lận phiếu bầu, họ đã ra lệnh tổ chức lại bầu cử tổng thống. Lần này, các luật sư của ông Odinga đã phải vật lộn để chứng minh các máy chủ của ủy ban bầu cử bị tấn công mạng dẫn đến thay đổi kết quả có lợi cho đối thủ William Ruto của ông. Nhưng vẫn có khả năng các thẩm phán sẽ yêu cầu tổ chức bầu cử lại vì có sơ suất trong quy trình, đặc biệt khi ông Ruto, người cũng là phó tổng thống nhiệm kỳ hiện tại, thắng chỉ vừa đủ phiếu để tránh phải đi đến vòng hai.

    Bầu cử lại là một bài kiểm tra đối với Kenya. Theo luật, nó phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Nhưng rạn nứt trong ủy ban bầu cử, vốn xuất phát từ tranh cãi xoay quanh cuộc bỏ phiếu tháng 8, sẽ khiến họ khó có thể đáp ứng thời hạn, từ đó đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp — thậm chí là bạo lực.

    Thoát ám sát, phó tổng thống Argentina ra hầu tòa

    Thứ Năm tuần trước, một người đàn ông đã tìm cách ám sát Cristina Fernández de Kirchner khi bà đang trở về căn hộ của mình (rất may súng bị kẹt đạn). Người này xuất hiện từ trong đám đông những người ủng hộ đã dành nhiều ngày tụ tập trên vỉa hè để ủng hộ bà, người là cựu tổng thống và là phó tổng thống đương nhiệm, khi bà phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.

    Vào thứ Hai, phiên tòa xét xử bà sẽ bắt đầu. Tòa sẽ nghe lời bào chữa của 13 người bị cáo buộc tham nhũng, bao gồm Fernández. Bà bị cáo buộc cầm đầu một hoạt động tội phạm từ năm 2003 đến năm 2015, trong đó bà đã ưu ái các công trình công cộng cho một người bạn, khiến nhà nước thiệt hại 1 tỷ đô la. Âm mưu tham nhũng này được cho là bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống của Néstor Kirchner, người chồng đã qua đời của bà Fernández, và tiếp tục trong hai nhiệm kỳ của bà. Một công tố viên đã đề nghị bản án tù 12 năm và bị cấm giữ chức vụ chính trị (bà Fernández phủ nhận tất cả các cáo buộc). Nếu bà thua kiện và kháng cáo, vụ việc có thể sẽ kéo dài suốt nhiều năm.

    Chuyên gia: Ấn Độ chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc

    Huyền Anh

    05/9/2022

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/09/ntdvn_1-32j.jpeg

    Ngày 4/9/2022, Nga bắn đạn pháo trong cuộc tập trận “Vostok 2022” tại bãi tập Uspenovsky (đảo Sakhalin) bên ngoài thành phố Yuzhno-Sakhalinsk ở Viễn Đông Nga. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images) 

    Vào ngày 01/9, Ấn Độ và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quân sự  Vostok 2022 (Phương Đông 2022) do Nga đăng cai. Động thái này được dư luận đánh giá là thất bại của Hoa Kỳ trong việc “níu kéo” Ấn Độ. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong mối quan hệ Mỹ-Nga, nhưng rõ ràng Ấn Độ đã xích lại gần Mỹ hơn trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

    Ấn Độ không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí Nga trong ngắn hạn

    Từ ngày 01/9 đến ngày 07/9, cuộc tập trận quân sự thường niên Vostok 2022 do Nga đăng cai đã được tổ chức tại một số bãi tập và vùng biển liên quan thuộc Quân khu phía Đông của Nga. 13 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Syria đã cử quân đội tham gia cuộc tập trận. Tổng quân số tham gia vượt quá 50.000 người, với 5.000 thiết bị quân sự bao gồm 140 máy bay và 60 tàu đã được đầu tư.

    Ấn Độ đã cử một đơn vị quân đội nhỏ 75 người tham gia. Truyền thông Trung Quốc giải thích sự tham gia của New Delhi vào buổi biểu diễn là một thất bại của Hoa Kỳ trong việc “níu kéo” Ấn Độ, một động thái khiến Hoa Kỳ “tức giận”.

    Ông Harsh V. Pant, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược của Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF), nói với đài VOA rằng có những lý do lịch sử và thực tế cho việc Ấn Độ tham gia cuộc tập trận của quân đội Nga.

    “Quan hệ Ấn Độ – Nga dựa trên lợi ích riêng của Ấn Độ với Nga, phần lớn liên quan đến quốc phòng, nhưng cũng liên quan đến an ninh khu vực. Một lý do khác là Ấn Độ không muốn nhượng Nga hoàn toàn cho Trung Quốc. Vì vậy, có nhiều lý do để Ấn Độ tham gia cuộc tập trận. Mặc dù hiện tại Ấn Độ đang có vấn đề lớn với Trung Quốc, nhưng nước này vẫn quyết định tham gia vì lời mời của Nga”.

    Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đã mua hơn 4 tỷ USD vũ khí từ Mỹ và hơn 25 tỷ USD từ Nga trong thập kỷ qua. Từ năm 2017 đến năm 2021, 46% vũ khí và thiết bị nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Nga, 27% từ Pháp và 12% từ Hoa Kỳ.

    Ông Pant tin rằng mặc dù Ấn Độ đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, bao gồm việc gác lại kế hoạch hợp tác sản xuất cũng như hủy bỏ kế hoạch mua một số máy bay trực thăng từ Nga, nhưng nước này không thể thoát khỏi sự phụ thuộc của mình trong ngắn hạn. Do đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục để duy trì liên lạc với Nga.

    Các cuộc tập trận quân sự Ấn Độ-Nga không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Ấn

    Ông Michael Kugelman, Phó giám đốc chương trình châu Á và cộng sự cấp cao của Chương trình Nam Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, tin rằng việc Ấn Độ tiếp tục tập trận quân sự với Nga trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ và các nước phương Tây khác thể hiện “quyền tự chủ và nền độc lập mà Ấn Độ yêu quý”, cũng như “các nguyên tắc chính sách đối ngoại” mà không ảnh hưởng đến quan hệ Hoa Kỳ-Ấn Độ.

    “Tôi không nghĩ việc Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận do Nga tài trợ này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với Mỹ, mặc dù Mỹ rõ ràng rất không hài lòng khi Ấn Độ tiếp tục coi Nga là một đối tác an ninh. Tôi nghĩ Mỹ sẽ tiếp tục chính sách mà họ đã áp dụng trong những tháng gần đây, đó là từ từ thuyết phục Ấn Độ rằng Nga không còn là một đối tác an ninh khả thi đối với Ấn Độ về lâu dài”, ông nói. Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Ấn Độ không những không tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga do Mỹ khởi xướng mà còn mua một lượng lớn than và dầu từ Nga.

    Khi được hỏi về việc Ấn Độ tham gia cuộc tập trận do Nga đăng cai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Mỹ cũng nhận thức được rằng một số nước đã thiết lập quan hệ an ninh với Nga, bao gồm cả quan hệ an ninh lâu dài. Việc thay đổi hành vi của một quốc gia trong các lĩnh vực như ngoại giao, an ninh và quân sự không thể thực hiện trong một sớm một chiều”.

    Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre mới đây cho biết: “Vào thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ hoài nghi rằng sẽ có quốc gia nào đó tiến hành tập trận chung với Nga. Tất nhiên mỗi nước có quyền tự quyết về việc có tham gia hay không”.

    Cả Quân đội Ấn Độ và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đều giữ kín về việc quân đội nước này tham gia cuộc tập trận kể trên. Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 1/9 cho biết một đội quân Ấn Độ “đã đến địa điểm tập trận và sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung trong bảy ngày tới, bao gồm huấn luyện chung trên thực địa, thảo luận chiến đấu và diễn tập chữa cháy”.

    Mối quan hệ chặt chẽ Nga-Trung sẽ là thách thức to lớn đối với Ấn Độ

    Ông Pant chỉ ra rằng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn của Nga với Trung Quốc sẽ khiến Ấn Độ thận trọng hơn trong các giao dịch với Nga. Ông cho rằng việc Ấn Độ tham gia BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là nhằm làm suy yếu sự thống trị của Trung Quốc trong các tổ chức này. Tuy nhiên, cuộc chiến Ukraine có thể phá vỡ chiến lược của Ấn Độ.

    “BRICS” là tên gọi của một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa).

    “Rõ ràng là Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, đặc biệt là sau xung đột tại Ukraine. Sự phụ thuộc này sẽ dẫn đến một loạt hậu quả bất lợi cho Ấn Độ. Nước này cũng nhận thức được điểm này, do đó New Delhi đang phát triển mối quan hệ với Nga”, ông nhận định và nói thêm rằng, “Phải rất thận trọng khi giao dịch với Trung Quốc”.

    Ông cho rằng việc Ấn Độ quyết định không tham gia phần hàng hải trong cuộc tập trận là do nước này nhận thức được những thách thức đến từ các hoạt động chung của Nga và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

    Chỉ 48 giờ trước cuộc tập trận của quân đội Nga, Ấn Độ tuyên bố sẽ không tham gia phần hàng hải. Vị trí tập trận trên biển của Nga được bố trí gần quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga (cái gọi là “bốn hòn đảo phía Bắc” của Nhật Bản), điều này đã làm dấy lên sự bất mãn mạnh mẽ từ phía Tokyo. Một số nhà phân tích cho rằng động thái như vậy của Ấn Độ cũng là phản ứng trước những lo ngại của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Quân đội Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tiến hành các cuộc tập trận chung ở khu vực này. Vào năm 2021, các hạm đội của Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển Tsugaru, đi vào Biển Hoa Đông qua eo biển Osumi và vòng qua quần đảo Nhật Bản.

    Ông Pant lo ngại rằng khi mối quan hệ của Nga với Mỹ và phương Tây xấu đi, thì cách tiếp cận “đúng sai” của Ấn Độ giữa Mỹ và Nga là không bền vững. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Nga, Ấn Độ đã có dấu hiệu “nghiêng về phía Mỹ”.

    Ông nói: “Trong tam giác Mỹ-Ấn-Nga, Mỹ và Ấn Độ đang có chiều sâu đáng kể. Nhìn vào hai thập kỷ qua, Ấn Độ đã tiếp tục tăng đáng kể tỷ trọng nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Nhiều thập kỷ Nga là nguồn cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, nhưng tỷ lệ mua vũ khí từ Nga của Ấn Độ nay đã giảm dần. Không có quá nhiều hợp tác với Nga. Vì vậy, trong khi người ta nói rằng Ấn Độ vẫn đang bị giằng co giữa thân Mỹ và thân Nga, tôi cho rằng nước này đang nghiêng về phía Mỹ một cách tinh tế”.

    Ấn Độ đã bỏ phiếu phản đối động thái của Nga vào ngày 24/8 nhằm ngăn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cuối cùng, với việc Nga 1 phiếu chống và Trung Quốc 1 phiếu trắng trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an, ông Zelenskyy đã tham gia cuộc họp qua video.

    Ấn Độ không còn do dự về vấn đề Trung Quốc

    Cũng theo ông Pant, hai cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn hồi tháng 8 gần biên giới Trung Quốc cho thấy Ấn Độ không còn do dự về vấn đề Trung Quốc. Hơn nữa, các cuộc tập trận quân sự của Ấn Độ với Mỹ và phương Tây phức tạp hơn, có mục tiêu và thường xuyên hơn, bao gồm các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương.

    “Tôi cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ không còn do dự khi đề cập đến Trung Quốc, và Ấn Độ ngày càng sẵn sàng làm việc với Mỹ để nâng cao năng lực của mình, cũng như tận dụng những năng lực đó làm lợi thế cho họ. Vì vậy, khi nói đến Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng có bất kỳ sự mập mờ nào ở Ấn Độ”, ông nói.

    Ngoài các cuộc tập trận song phương, Ấn Độ còn tham gia cuộc tập trận không quân Pitch Black-2022 do Mỹ-Úc dẫn đầu. Cuối tháng 6 đầu tháng 8, Ấn Độ tham gia “Cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương” do Hoa Kỳ dẫn đầu.

    Điều khiến Bắc Kinh lo ngại nhất là vào tháng 6/2020, Ấn Độ đã tích cực xích lại gần Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Bộ Tứ (QUAD) gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tổ chức hai cuộc hội đàm cấp thượng đỉnh. Ấn Độ cũng đã mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar từ năm 2020, biến nó thành nền tảng trao đổi quân sự giữa các quốc gia thành viên của “Đối thoại An ninh Bộ Tứ” theo một phương diện nào đó.

    Ấn Độ có quan hệ chặt chẽ với cả Nhật Bản và Úc. Ba quốc gia này có cơ chế Đối thoại “2 + 2” giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao. Vào ngày 08/9, Nhật Bản và Ấn Độ cũng sẽ tổ chức Đối thoại “2 + 2” lần thứ hai tại Tokyo.

    Ông Kugelman cho rằng mặc dù Ấn Độ miễn cưỡng trở thành đồng minh quân sự chính thức của Hoa Kỳ, nhưng nước này không thể được coi là 100% theo phe của Hoa Kỳ. Mặc dù Ấn Độ vẫn buôn bán với Trung Quốc và hợp tác trong một số tổ chức quốc tế song nước này vẫn đang nghiêng nhiều về Mỹ”.

    Quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc ở giai đoạn khó khăn

    Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã đề cập trong bài phát biểu tại Bangkok ngày 18/8 rằng, tầm nhìn về “Thế kỷ châu Á” cần sự hợp tác của hai cường quốc châu Á để hiện thực hóa. Tuy nhiên, ông Jaishankar cũng cho rằng quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn “cực kỳ khó khăn”.

    Kể từ cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, hai bên đã tổ chức 16 vòng đàm phán cấp cao, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp nào được cả hai bên chấp thuận. Phía Trung Quốc cho rằng “hành động cố ý khiêu khích của Ấn Độ dẫn đến xung đột ở biên giới Trung-Ấn”, khiến cho “quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng rơi vào trạng thái căng thẳng”, trong khi New Delhi cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự Xung đột biên giới Trung-Ấn.

    Ông S. Jaishankar hôm 29/8 cũng cho biết quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc luôn phụ thuộc vào “quốc gia có biên giới”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa sô vanh hẹp hòi của châu Á chỉ có thể gây tổn hại đến lợi ích của chính châu Á”.

    Vào giữa tháng 8, làn sóng rạn nứt ngoại giao mới nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra, khi tàu nghiên cứu Trung Quốc “Yuanwang 5” đã đến thăm và cập cảng Hambantota ở Sri Lanka. Các nhà phân tích an ninh tin rằng tàu Yuanwang-5 là một trong những tàu giám sát vũ trụ tiên tiến nhất của Trung Quốc, được sử dụng để giám sát vệ tinh, tên lửa và các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ấn Độ bày tỏ quan ngại, trong khi Bắc Kinh chỉ trích New Delhi vì “sự can thiệp vô lý”. Cuối tuần qua, Cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka cáo buộc Bắc Kinh “quân sự hóa eo biển Đài Loan”.

    Huyền Anh

    https://vietluan.com.au/84945

    Conrad Black * -  Chuyện này có thể nào xảy ra tại Hoa Kỳ? 

    03/9/2022

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/09/DOJ-1242529976.jpeg

    Con dấu của Cục Điều tra Liên bang (FBI) bên ngoài trụ sở chính của cục ở Hoa Thịnh Đốn hôm 15/08/2022. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images) 

    Chúng ta đều từng có trải nghiệm quen thuộc về hiện tượng những tình huống rõ ràng là không thể chấp nhận được sẽ được chấp nhận nếu chúng trở nên ngày càng tệ hơn, chỉ là theo cách từ từ. Mọi người đều từng nhìn lại một trải nghiệm khó khăn và nghĩ rằng trải nghiệm đó là không thể chịu đựng nổi nếu cá nhân ấy biết tình huống sẽ trở nên khó chịu đựng như thế nào. Dẫu có quen thuộc với sự khủng khiếp của chế độ Đức Quốc Xã đến mức nào đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn không thể tưởng tượng được rằng nền văn hóa của Beethoven và Goethe lại có thể gây ra những tội ác như vậy. 

    Hoa Kỳ hiện đã đạt đến mức độ mà chuỗi các biện pháp thái quá và vi hiến đã xảy ra trong sáu năm qua có thể là điều không tưởng sáu năm về trước. 

    Không thể tưởng tượng được rằng bất kỳ ai từng được một đảng chính trị nghiêm túc của Hoa Kỳ đề cử làm tổng thống lại có thể trở thành điệp viên tình báo cho một thế lực ngoại bang. Giờ đây, chúng ta biết rằng chưa bao giờ có lấy mảy may một bằng chứng nào gợi ý dù chỉ ở mức độ thấp nhất rằng ông Donald Trump đã phạm bất kỳ tội nào như vậy, hoặc rằng ông có bất kỳ mối quan hệ không thích hợp nào hoặc thậm chí là sự ưu ái nào với chính phủ Nga. Tuy nhiên, trong hơn hai năm, người ta không ngừng đồn đoán rằng ông Trump đã bị các đặc vụ Nga “dụ dỗ” như Ứng cử viên Mãn Châu để đánh mất phẩm giá của chức vụ tổng thống Hoa Kỳ cho việc phục tùng lợi ích quốc gia của Nga. Các cựu giám đốc của các Cơ quan Tình báo Trung ương và Quốc gia, ông James Clapper và ông John Brennan, đã trịnh trọng nói với khán giả toàn quốc rằng ông Trump là một điệp viên tình báo Nga và đã phạm tội phản quốc để mang lại lợi thế cho người Nga. 

    Cả hai quan chức cao cấp này được cho là đã nói dối Quốc hội vài lần nhưng chưa bao giờ bị truy tố. Cựu Giám đốc FBI James Comey — người đã lấy đi tài sản của chính phủ khỏi văn phòng của mình một cách phi pháp, làm rò rỉ thông tin mật cho giới truyền thông trái với quy định, được cho là đã quyết định một cách không chính đáng rằng bà Hillary Clinton không nên bị truy tố vì đã hủy 33,000 thư điện tử bị Quốc hội ra trát lệnh yêu cầu — đã ký một bản khai hữu thệ gian dối làm cơ sở cho một lệnh FISA để tiến hành chặn nghe điện thoại bất hợp pháp đối với chiến dịch tranh cử của ông Trump, và ủng hộ màn kịch hồ sơ Steele khét tiếng — mà ông ta biết là một sản phẩm ngụy tạo đầy rẫy giả dối và phỉ báng — là thông tin tình báo xác thực cho thấy ông Trump có tội thông đồng bất hợp pháp với chính phủ Nga. Thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu trong ủy ban tình báo Hạ viện, Dân biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California), và các thành viên Đảng Dân Chủ khác đã nhắc đi nhắc lại đến nỗi phát ngán rằng họ có bằng chứng kết luận về tội của ông Trump. Họ đã nói dối. Tổng thanh tra Bộ Tư pháp đã ghi nhận 17 trường hợp riêng biệt về hành vi không thỏa đáng của các viên chức. Không có vụ truy tố nào phát sinh từ bất cứ việc làm nào trong số những hành động này. 

    Tại tất cả các thời kỳ trong lịch sử Mỹ trước thời ông Trump, đã có hai phiên tòa đàn hặc các tổng thống: phiên tòa của ông Andrew Johnson vào năm 1868 và phiên tòa của ông Bill Clinton vào năm 1998. Đáng lẽ cả hai phiên tòa này đều không nên xảy ra và cả hai đều đã thất bại, nhưng trong bốn năm qua, ông Trump đã bị đàn hặc hai lần, một lần vì một cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine, trong đó ông hỏi liệu gia đình ông Biden và đặc biệt là con trai tổng thống đương nhiệm Hunter Biden có phạm pháp ở Ukraine hay không. Ông không thúc đẩy việc đưa ra kết luận; ông không yêu cầu bất kỳ lời buộc tội nào đối với cha con ông Biden. Đây là một lý do hoàn toàn không thỏa đáng để đàn hặc một tổng thống nhưng ông ấy vẫn bị đàn hặc, và bị đàn hặc trong một cuộc bỏ phiếu mà 49 thượng nghị sĩ, gồm cả một cựu ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa là ông Mitt Romney, đã bỏ phiếu cho rằng ông Trump có tội, mặc dù tất nhiên là ông ấy được tuyên trắng án. Và vào cuối nhiệm kỳ của mình, ông lại bị đàn hặc lần nữa vì bị cho là đã kích động một cuộc nổi dậy mặc dù giám đốc FBI đã đứng ra làm chứng rằng không có bằng chứng nào cho thấy ông Trump hoặc tổ chức chiến dịch tranh cử của ông hoặc chính phủ của ông có liên quan dưới bất kỳ hình thức nào đến vụ xâm phạm và hành vi phá hoại xảy ra tại Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021, và ông Trump đã yêu cầu cũng như đề nghị tăng cường an ninh, nhưng điều này đã bị Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và thị trưởng Hoa Thịnh Đốn Muriel Bowser từ chối. 

    Nhiều bằng chứng toàn diện khác nhau được tích lũy về hành vi của ông Hunter Biden thúc đẩy suy luận mạnh mẽ rằng ông đã thực hiện một số hành vi bất hợp pháp và tổng thống đã nhiều lần nói dối công chúng về mối liên hệ của chính ông với các hoạt động của con trai mình. Xét đến các khoản hối lộ được trả cho gia đình ông Biden, không có bằng chứng cho thấy cách hành xử chính thức của Hoa Kỳ đã bị thay đổi đối với Ukraine, Trung Quốc, hoặc các quốc gia khác. Nhưng có vẻ như không còn nghi ngờ gì nữa rằng tổng thống đương nhiệm và gia đình ông đã tham gia vào một hoạt động không chính đáng không chỉ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật đáng kể của các thành viên trong gia đình, mà còn có vẻ như điều này đã bị che giấu thay vì được điều tra bởi FBI. Tuyên bố rằng FBI dường như đã gợi ý cho Facebook rằng những cáo buộc chống lại ông Hunter Biden có thể là thông tin sai lệch của Nga và yêu cầu công ty này không công khai chúng là điều không tưởng sáu năm về trước. Nhưng dường như nó đã được giới chính trị Hoa Kỳ đón nhận như một hành động hoàn toàn bình thường và có thể chấp nhận được. 

    Có vẻ như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 — khi mà ông Trump có thể giành ưu thế trong Đại Cử Tri Đoàn nếu 50,000 phiếu bầu đảo ngược ở Pennsylvania và ở bất kỳ cặp tiểu bang nào trong các tiểu bang Arizona, Georgia, và Wisconsin —  rõ ràng là hàng triệu lá phiếu có khả năng đã được chuyển qua tay của những người không thể xác định được. Tất cả những điều này xảy ra ở các tiểu bang dao động nơi các quy tắc được thay đổi với lý do bề ngoài là nhằm tạo điều kiện cho việc bỏ phiếu trong thời kỳ đại dịch. Nhưng trong trường hợp của một số tiểu bang, trái với Hiến Pháp, những thay đổi này không được định ra bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang mà bởi các cơ quan hành pháp hoặc cơ quan tư pháp tiểu bang. Ở mỗi một vụ trong số 19 vụ kiện được đưa ra để tấn công những thay đổi đáng ngờ đối với các quy tắc bỏ phiếu và kiểm phiếu này, cơ quan tư pháp — kể cả trong vụ kiện tổng chưởng lý Texas chống lại các tiểu bang dao động được hỗ trợ bởi 18 tổng chưởng lý tiểu bang khác — Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đã từ chối xét xử bất kỳ vụ kiện nào trong số này dựa trên tính đúng sai của chúng; các vụ kiện đã bị bác bỏ vì những lý do kỹ thuật, một số trong số đó khá là giả tạo. 

    Giờ thì chúng ta đã có, theo khiếu nại của các nhân viên Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ liên bang, cuộc đột nhập và chiếm giữ nhà của cựu tổng thống trong chín giờ theo một lệnh khám xét được cho là chỉ vì tin rằng có hành vi phạm tội đã được thực hiện liên quan đến việc di dời và lưu trữ thông tin mật không đúng cách. Ông Trump đã luôn hợp tác với các nhân viên cục lưu trữ, có toàn quyền xử trí các tài liệu mật khi ông còn là tổng thống, và dù sao thì đây cũng không phải là một vụ án về tài liệu mật. Ông đã không tự mình đóng gói bất kỳ thứ gì trong số này khi rời Tòa Bạch Ốc, không đánh dấu hoặc sử dụng sai bất kỳ tài liệu nào trong số này, và đã 19 tháng trôi qua kể từ khi ông rời nhiệm sở. Đó là một vụ án về việc xử lý tài liệu. Không có lời biện minh nào có thể hình dung được cho một cuộc đột nhập giật gân như vậy khi không có bất kỳ tuyên bố chính đáng nào về hành vi sai trái nghiêm trọng — ngoại trừ sự lý giải rằng hành động đó là một việc làm chính trị ô nhục nhằm vào cựu tổng thống, và Đạo luật Hồ sơ Tổng thống không phải là một đạo luật hình sự. Đây chỉ là việc Đảng Dân Chủ chuyển đổi một lời phàn nàn của một thủ thư khó tính thành những lời bóng gió rằng cựu tổng thống đã phạm những tội ác không thể tha thứ. 

    Tổng thống Joe Biden đã mô tả một cuộc đào thoát thảm hại và đáng hổ thẹn khỏi Afghanistan là “một thành công mỹ mãn.” Tiến sĩ Anthony Fauci được về hưu với phẩm giá sau khi gây ra thiệt hại khủng khiếp cho đất nước với những điều vô nghĩa của ông ta — về việc đóng cửa các trường học, “các giọt bắn,” những thăng trầm của việc đeo khẩu trang, việc “xóa bỏ những cái bắt tay” — hầu hết tất cả những điều này giờ đây đã hoàn toàn được chứng minh là sai sự thật. 

    Sáu năm trước, không ai có thể ngờ rằng những những điều thái quá này sẽ xảy ra, chứ chưa nói đến việc những thứ này sẽ được chấp nhận bởi một Hoa Kỳ già nua, suy thoái, mất tinh thần, với chính phủ liên bang nằm trong tay của những-kẻ-ngụy-tạo-chuyện-hoang-đường không tôn trọng pháp luật và độc tài, được hoan nghênh bởi các hãng truyền thông chính trị đồng lõa của quốc gia. Đây có thể nào là Mỹ quốc?

    Conrad Black *

    Ông Conrad Black là một trong những chuyên gia tài chính nổi tiếng nhất ở Canada trong vòng 40 năm qua và là một trong những nhà xuất bản báo chí hàng đầu trên thế giới. Ông là tác giả của các cuốn tiểu sử đáng tin cậy về các Cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Richard Nixon, và gần đây nhất là tiểu sử “Donald J. Trump: A President Like No Other” (“Donald J. Trump: Một Vị Tổng Thống Chẳng Giống Ai”), đã được tái bản dưới dạng cập nhật. Quý vị có thể theo dõi ông Conrad Black cùng ông Bill Bennett và ông Victor Davis Hanson trên podcast Scholars and Sense của họ.

    Minh Ngọc biên dịch

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào