Võ Thái Hà tổng hợp
Liên Âu kêu gọi tân thủ tướng Anh “tôn trọng hoàn toàn” các thỏa thuận hậu Brexit
Đương kim ngoại trưởng Anh Liz Truss, sau khi có kết quả thắng cử chủ tịch đảng Bảo Thủ để trở thành thủ tướng kế nhiệm Boris Johnson, Luân Đôn, ngày 05/09/2022. REUTERS - PHIL NOBLE
Bà Liz Truss chưa chính thức trở thành thủ tướng Anh, nhưng ngay sau khi bà được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo Thủ, bước cần thiết để lên lãnh đạo tân chính phủ Anh, rất nhiều nước trên thế giới đã gởi thông điệp chúc mừng đến Luân Đôn. Đáng chú ý là thông điệp chúc mừng của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong đó bà nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “tôn trọng hoàn toàn” các thỏa thuận Liên Âu-Anh Quốc.
Tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu không phải không có chủ ý. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet phân tích:
« Các định chế châu Âu lo ngại rằng bà Liz Truss sẽ thực hiện những lời đe dọa của bà đối với các thỏa thuận hậu Brexit. Một số người cho rằng bà đã có cam kết rất rõ ràng đối với thành phần cứng rắn nhất của đảng Bảo Thủ, do đó bà có thể yêu cầu thông qua dự luật hủy bỏ nghị định thư về Bắc Ireland.
Trong nhóm vận động tranh cử của bà Liz Truss, việc kích hoạt điều 16 nổi tiếng của thỏa thuận hậu Brexit đã được công khai gợi lên. Đây là một điều khoản dự trù việc khẩn cấp đình chỉ áp dụng thỏa thuận. Theo đảng Bảo Thủ, điều đó sẽ cho phép Anh đề ra những biện pháp đơn phương đối với Ireland.
Rủi ro sẽ là nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại thực sự với Liên Hiệp Châu Âu. Tại Nghị Viện Châu Âu, đồng chủ tịch của nhóm môi trường, Philippe Lamberts, cho rằng đó có thể là một cách để lái dư luận Anh ra khỏi các vấn đề thực tế vào lúc này.
Người duy nhất hơi lạc quan một chút là chủ tịch của nhóm xã hội, bà Iratxe García. Theo nhân vật này, bà Liz Truss đã quen với việc thay đổi lập trường. Thậm chí chính bà đã vận động chống Brexit vào thời điểm nước Anh trưng cầu dân ý ».
Matxcơva không hy vọng cải thiện được quan hệ với Luân Đôn
Với việc Liz Truss lên làm thủ tướng Anh, Nga không “mong đợi những thay đổi” theo chiều hướng tốt hơn trong quan hệ với Vương Quốc Anh, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.
Theo hãng thông tấn Nga Tass, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitri Peskov vào hôm nay, 06/09, đã khẳng định: “Nếu căn cứ vào những tuyên bố của bà Truss được đưa ra khi bà vẫn còn là ngoại trưởng Anh, có thể nói một cách chắc chắn rằng không nên chờ đợi những thay đổi theo hướng tốt hơn”.
Nga đưa ra tối hậu thư về việc mở lại đường ống Nord Stream 1
Nga đã đưa ra tối hậu thư về năng lượng cho châu Âu, nói rằng đường ống Nord Stream 1 sẽ không được nối lại cho đến khi “tập thể phương Tây” dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.
EU đã cáo buộc Điện Kremlin vũ khí hóa năng lượng để đạt được mục tiêu của mình.
Hôm thứ Hai, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Anh, Canada và EU về việc Nga đóng đường ống Nord Steram đưa khí đốt từ St.Petersburg đến Đức qua Biển Baltic.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Peskov cho biết: “Các vấn đề về cung cấp khí đốt xảy ra do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây đưa ra nhằm vào đất nước chúng tôi và một số công ty. “Không có lý do nào khác có thể gây ra sự cố này.”
Ông nói thêm rằng việc Nord Stream 1 có được nối lại phụ thuộc vào việc phương Tây có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow hay không.
Công ty dầu khí nhà nước Gazprom của Nga, đơn vị điều hành Nord Stream, vào tối thứ Sáu đã tuyên bố sẽ đình chỉ vô thời hạn nguồn cung cấp khí đốt do “trục trặc” đường ống. Gazprom ban đầu cho biết họ sẽ tạm dừng cung cấp để “bảo trì”, nhưng chỉ đến thứ Bảy. Công ty cho biết đó là do lỗi kỹ thuật do phải sửa chữa các tuabin do Đức sản xuất ở Canada. Đức và EU đã nghi ngờ về luận điểm này của Nga.
Người phát ngôn của EU, Tim McPhie nói với Newsweek: “Những thông báo mới nhất của Gazprom về việc họ không muốn tiếp tục dòng chảy qua Nord Stream 1 một lần nữa cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp. Đây lại là một ví dụ khác về việc Điện Kremlin ngừng cung cấp năng lượng. Và một lý do khác để chúng tôi theo đuổi nỗ lực loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu.”
Người phát ngôn nói thêm rằng không có trở ngại kỹ thuật nào đối với việc nối lại các dòng khí đốt dựa trên thông tin mà EU đã nhận được.
“Và chúng tôi xin nói rõ một lần nữa rằng không có lệnh trừng phạt nào của EU hạn chế bất kỳ việc sửa chữa nào. Chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng có nhiều hơn một đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu,” ông McPhie nói.
EU đã “chuẩn bị trong nhiều tháng” cho việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, bao gồm thông qua các nghĩa vụ lưu trữ khí đốt mới và kế hoạch giảm nhu cầu khí đốt một cách đồng bộ, ông nói.
Ông bác bỏ quan điểm cho rằng sự gián đoạn này gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với an ninh năng lượng của châu Âu, đồng thời nói thêm rằng trữ lượng khí đốt của lục địa này hiện ở mức 81%.
Ông nói: “Dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 đã rất nhỏ giọt trong những tuần gần đây và chỉ chiếm một phần nhỏ lượng khí đốt mà EU đưa vào kho chứa. Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng và cần được giám sát chặt chẽ”.
Ủy ban Châu Âu đã triệu tập một cuộc họp của Nhóm Điều phối Khí đốt vào sáng thứ Hai để thảo luận về Nord Stream 1 và nguồn cung cấp năng lượng của lục địa. Ủy ban cũng sẽ thảo luận về vấn đề này với các quốc gia thành viên tại Hội đồng Năng lượng Bất thường vào thứ Sáu.
Giá khí đốt toàn cầu đã tăng kể từ khi công ty dầu khí nhà nước Nga Gazprom ngừng cung cấp thông qua Nord Stream đến Tây Âu vào ngày 31 tháng 8. Giá dầu thô Brent đã tăng 4% vào thứ Hai khi 10 giờ sáng theo giờ ET. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất duy nhất từ Nga đến châu Âu và khi hoạt động hết công suất, có thể cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.
Châu Âu đang ở trong cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng vào ngày 24 tháng 2. Nhiều nước Châu Âu, bao gồm cả nền kinh tế lớn nhất lục địa là Đức, rất phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật cảnh báo người Ukraine và các đồng minh châu Âu của họ cần chuẩn bị cho một mùa đông ảm đạm. Ông cáo buộc Nga đang cố gắng vũ khí hóa ảnh hưởng của họ trên thị trường năng lượng và đưa châu Âu vào “nghèo đói và hỗn loạn chính trị”.
Liên minh châu Âu vào thứ Tư (31/8) đã quyết định thắt chặt các quy định đi lại đối với người Nga đến với khối 27 quốc gia, nhưng không áp đặt lệnh cấm du lịch toàn diện.
Ngân Hà (theo Newsweek)
Bất chấp trừng phạt, Nga kiếm được hơn 158 tỉ đô la nhờ xuất khẩu dầu khí
Logo của Gazprom tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 15/06/2022. © OLGA MALTSEVA / AFP
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì xâm chiếm Ukraina, Matxcơva vẫn thu được hơn 158 tỉ đô la từ xuất khẩu dầu khí trong quý 1/2022, nhờ giá bán tăng vọt. Trong báo cáo được công bố ngày 05/09, Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Khí sạch (CREA) nhấn mạnh phần lớn số lượng xuất khẩu được chuyển sang Liên Hiệp Châu Âu.
Tác giả chính của báo cáo Lauri Myllyvirta nêu « kể từ đầu cuộc chiến, ít nhất 43 tỉ euro đã vào ngân khố Nhà nước Nga (năm 2021, ngân sách liên bang là 230 tỉ euro) nhờ các khoản thuế và thuế hải quan ». Để so sánh, tác giả báo cáo lấy ví dụ « tổng thu nhập này cao hơn cả chi phí quân sự của Nga, được thẩm định khoảng 100 tỉ euro, trong khi thiệt hại về cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở Ukraina vào khoảng 110 tỉ euro ».
Theo báo Le Monde, Matxcơva đã biết khéo léo bù khối lượng xuất khẩu bị giảm do lệnh trừng phạt và chính sách giảm nhập khẩu của Liên Hiệp Châu Âu bằng giá bán tăng vọt, kể cả tại thị trường châu Âu. Ví dụ, chỉ trong hai tháng 07 và 08, khối lượng khí đốt xuất khẩu giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng thu nhập tăng 30%. Kết quả là « khối lượng nhập khẩu khí đốt của khách hàng giảm 70%, nhưng thu nhập từ xuất khẩu của Nga gần như không đổi ».
Trong quý 1/2022, Liên Hiệp Châu Âu vẫn là nhà nhập khẩu chất đốt lớn nhất của Nga (85 tỉ euro), tiếp theo là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Trong nội bộ Liên Âu, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga, sau đó là Hà Lan, Ý, Ba Lan và Pháp. Ngày 05/09, tổng thống Nga Putin thẳng thừng đe dọa Liên Hiệp Châu Âu là sẽ tiếp tục ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 chừng nào Bruxelles chưa dỡ hết các biện pháp trừng phạt.
Về dầu thô, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày 05/09 tại Vladivostok, bộ trưởng Năng Lượng Nikolai Chulginov cho biết Nga sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang châu Á nếu phương Tây áp dụng giá trần đối với loại nhiên liệu này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trước khi xảy ra chiến tranh Ukraina, Nga xuất khẩu khoảng một nửa khối lượng dầu thô sang châu Âu.
Thách thức chính trị của tân thủ tướng Anh
Vào thứ Ba, Liz Truss sẽ bay đến Lâu đài Balmoral ở Scotland, nơi Nữ hoàng Elizabeth II sẽ chính thức mời bà thành lập chính phủ mới của Anh. Sự kiện này được quyết định bởi 57,4% thành viên của Đảng Bảo thủ, những người đã chọn ngoại trưởng đương nhiệm lên làm lãnh đạo đảng thay vì đối thủ của bà, Rishi Sunak.
Bấy nhiêu là đủ để bà Truss có được vị trí mà bà mong muốn. Song tỷ lệ phiếu không ấn tượng như thăm dò trước bầu cử đã gợi ý. Kết quả của bà thậm chí còn tệ hơn những người tiền nhiệm. Boris Johnson thắng 66% số phiếu vào năm 2019; còn David Cameron thắng 68% vào năm 2005.
Tại vòng một trước đó, bà Truss chỉ được 32% số nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ. Xếp sau ông Sunak, tỷ lệ ủng hộ vòng một của bà là thấp nhất so với bất kỳ ứng viên chiến thắng nào kể từ khi các quy tắc hiện hành được áp dụng từ năm 1998. Một tỉ lệ ủng hộ nội bộ thấp như vậy là khá đáng ngại. Bà Truss sẽ cần phải lãnh đạo đảng ngày càng chia rẽ của mình vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây khó khăn khắp châu Âu. Cần phải lưu ý là các lãnh đạo Bảo thủ gần đây thường không có nhiệm kỳ dài lắm. Do đó, bà Truss sẽ phải làm việc chăm chỉ để đảm bảo vị thế của mình trong mắt các đồng nghiệp.
Tổng thống Israel sẽ phát biểu trước quốc hội Đức
Tổng thống Israel, Isaac Herzog, sẽ phát biểu trước Hạ viện Đức vào thứ Ba. Bài phát biểu là điểm nhấn cho chuyến thăm của ông, và diễn ra đúng dịp 50 năm vụ thảm sát 11 vận động viên và huấn luyện viên người Israel bởi khủng bố Palestine tại Thế Vận Hội Munich 1972.
Diễn biến trước ngày tưởng niệm thật căng thẳng. Hồi tháng 7, gia đình các nạn nhân đã từ chối đề nghị bồi thường của Đức và từ chối tham dự buổi lễ tưởng niệm vào thứ Hai. Sau một thỏa thuận vào phút cuối, bao gồm một lời xin lỗi chính thức về lỗi an ninh và các khoản bồi thường, các gia đình đã đổi ý. Frank-Walter Steinmeier, tổng thống Đức, nói “thật đáng xấu hổ” khi phải mất tới 50 năm để các bên đi đến một thỏa thuận.
Sau bài phát biểu tại Thượng viện, ông Herzog sẽ đến thăm nơi từng là trại tập trung Bergen-Belsen của Đức Quốc xã. Là một người lính trong quân đội Anh, cha ông, Chaim Herzog, đã giúp giải phóng trại này vào năm 1945, và về sau trở thành tổng thống thứ sáu của Israel. Tính biểu tượng trong chuyến đi của tổng thống thứ mười một, cả về tính cá nhân lẫn chính trị, là rất rõ ràng.
Nam Phi tiếp tục chìm trong khủng hoảng kinh tế
Nam Phi đáng lẽ là đầu tàu công nghiệp của cả lục địa. Nhưng hiệu quả kinh tế của nước này đã gây thất vọng suốt 15 năm qua. Mặc dù thu nhập của hầu hết mọi người đều tăng sau khi chế độ Apartheid chấm dứt vào năm 1994, chỉ 5% dân số giàu nhất có thu nhập thực tế tăng trong 10 năm qua. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã rất nghiêm trọng.
Vì vậy, người Nam Phi sẽ không quá quan tâm khi nước họ công bố số liệu GDP quý hai vào thứ Ba. Dữ liệu dự kiến cho thấy phục hồi chậm chạp sau hai năm đại dịch. Các công ty gặp khó khăn bởi mất điện kỷ lục do công ty điện lực nhà nước bị khủng hoảng, vì vậy hoạt động kinh tế khó có thể bật tăng trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp 34%, cao nhất trên thế giới, nhiều khả năng sẽ không thay đổi.
Thị trường bất động sản Úc hạ nhiệt
Tình trạng bùng nổ nhà đất ở nhiều thị trường đang phần nào được kiềm chế khi các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Thị trường bất động sản Úc, một trong những thị trường lạnh giá nhất thế giới, đang tiến vào đà giảm mạnh nhất trong gần 40 năm qua. Giá nhà trên toàn quốc đã giảm 3,4% kể từ khi ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 5, theo công ty dữ liệu bất động sản CoreLogic. Ở Sydney, giá nhà đang giảm gần 1.000 đô la Úc (680 đô la Mỹ) một ngày.
Đây có thể chỉ là khởi đầu. Lạm phát giá tiêu dùng năm đang ở mức 6,1%. Vào thứ Ba, Ngân hàng Dự trữ Úc sẽ tăng lãi suất tháng thứ năm liên tiếp, có thể là 0,5 điểm phần trăm, lên 2,35%. Các nhà kinh tế cho rằng giá nhà có thể giảm tới 20% so với mức đỉnh. Vì một số hộ gia đình Úc nằm trong số những hộ mắc nợ cao nhất thế giới, điều này chắc chắn gây tổn hại. Dù thế vẫn chưa có khả năng suy thoái; và ngay cả khi giá nhà giảm 1/5, chúng vẫn còn cao hơn trước đại dịch.
60% doanh nghiệp của Anh có nguy cơ đóng cửa vì chi phí năng lượng tăng với tốc độ tên lửa
Một bình chứa khí không sử dụng được chụp ở vùng ngoại ô Beswick của Manchester, phía tây bắc nước Anh vào ngày 21/09/2021. (Ảnh của PAUL ELLIS / AFP qua Getty Images)
Các nhà sản xuất của Anh đang cảnh báo rằng chi phí năng lượng của họ đã vượt quá tầm kiểm soát, với gần một nửa báo cáo rằng hóa đơn tiền điện đã tăng hơn 100% trong 12 tháng qua.
Make UK, tổ chức thương mại đại diện cho 20.000 nhà sản xuất, đang gây sức ép buộc chính phủ phải hành động ngay lập tức đối với cuộc khủng hoảng năng lượng, nói rằng các công ty phải đối mặt với việc cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa.
“Cuộc khủng hoảng hiện tại đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với một lựa chọn rõ ràng – cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn nếu sự trợ giúp không đến sớm”, Make UK cho biết trong một tuyên bố.
Tổ chức cho biết 12% các nhà sản xuất “đáng lo ngại” đã cắt giảm việc làm do kết quả trực tiếp của việc tăng hóa đơn năng lượng. Họ nói rằng nếu các hóa đơn tiếp tục tăng và giá tăng hơn 50%, điều mà họ mong đợi có thể xảy ra trong 12 tháng tới, thì các hành động quyết liệt hơn như đóng cửa và ngừng cung cấp dịch vụ dư thừa sẽ trở nên không thể tránh khỏi.
Ngành công nghiệp sản xuất, đã tạo ra việc làm cho 2,5 triệu người, là ngành công nghiệp gần đây nhất đã ra thông báo rằng nó đang chịu ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao.
Vào ngày 23/08, Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ đã cảnh báo về “một thế hệ doanh nghiệp bị phá sản, người dân mất việc làm, và cả tiềm năng kinh doanh” với các cửa hàng bán ‘fish and chips’ phải đối phó với mức tăng 52.000 bảng Anh (60.000 USD) chi phí tiện ích.
Các ông chủ của nhà máy bia và quán rượu ở Anh cho biết hóa đơn tiền điện và khí đốt sẽ ảnh hưởng đến họ nhiều hơn so với các cuộc phong tỏa đã làm. Một số quán rượu cổ ở Anh, một số đã rất chật vật để tồn tại sau phản ứng của chính phủ đối với COVID-19, có thể nhận được những đơn hàng cuối cùng của mình.
Giới hạn giá
Cung cấp máy cân từ năm 1715, John White & Son là công ty gia đình lâu đời nhất của Scotland.
Giám đốc Tài chính Bethan Onuonga nói với The Epoch Times rằng giới hạn giá trong vòng từ 12 đến 18 tháng sẽ giúp ích cho công ty.
Ông Onuonga cho biết: “Về mặt quản lý, chúng tôi vừa phải cân đối chi phí, sản phẩm, phạm vi để đáp ứng nhu cầu gia tăng chi phí tiện ích”.
Ông nói thêm rằng mọi thứ hiện tại đều có thể quản lý được nhưng “bây giờ là lúc để tạm dừng”.
“Chúng tôi sẽ làm việc theo một số giờ cố định và sẽ duy trì trong 8 tháng nữa. Nhưng các báo cáo số liệu mà chúng tôi nhận được chỉ còn 30–50% so với những gì chúng tôi có trước đây”, ông Onuonga nói thêm.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ mới Liz Truss sẽ chịu áp lực hỗ trợ để giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp đối phó với khó khăn này. Bà ấy hứa rằng bà ấy sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến chi phí năng lượng trong vòng một tuần sau khi trở thành cư dân mới của Số 10 Phố Downing.
Khi được phóng viên BBC Laura Kuenssberg hỏi vào Chủ nhật, rằng cô ấy dự định làm gì về các hóa đơn năng lượng, bà Truss nói: “Trước khi bạn được bầu làm thủ tướng, bạn không có đủ tiềm lực để hoàn thành công việc. Đây là lý do tại sao sẽ mất một tuần để sắp xếp các kế hoạch chính xác và đảm bảo rằng chúng tôi có thể công bố chúng. Đó là lý do tại sao tôi không thể đi vào chi tiết ở giai đoạn này. Càng chi tiết sẽ càng sai lầm”.
Để giúp các doanh nghiệp Vương quốc Anh, Make UK cho biết chính phủ mới cần khẩn trương thực hiện các hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tổ chức này gợi ý rằng việc loại bỏ Hỗ trợ Giá Carbon để giảm chi phí điện sẽ giúp các công ty tiết kiệm gần 90.000 bảng Anh (103.000 USD) mỗi năm.
Tổ chức Make UK cũng nói thêm rằng Giới hạn giá của ngành Khám phá, sẽ cố định giá ở một tỷ lệ đã thỏa thuận, có thể được tài trợ bởi chính phủ hoặc có thể bằng cách làm việc với các ngân hàng.
Minh Đăng
Thứ trưởng Mỹ chuyên trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế thăm Việt Nam
06/9/2022
Thứ trưởng về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế của Hoa Kỳ Bonnie D. Jenkins.
Thứ trưởng về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế của Hoa Kỳ Bonnie D. Jenkins sắp thăm Việt Nam trong chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á gồm cả Philippines và Singapore từ ngày 5 tới 14/9.
Theo Văn phòng Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Jenkins thực hiện chuyến thăm tới 3 nước để “gặp gỡ các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ nhằm mở rộng hợp tác về an ninh y tế toàn cầu, chống phổ biến vũ khí, tiêu hủy vũ khí thông thường, quan hệ đối tác hạt nhân dân sự, kiểm soát xuất khẩu, thương mại chiến lược và việc triển khai chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, tất cả đều là các yếu tố chính trong cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh khu vực tại một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Tin cho hay, tại Hà Nội, từ ngày 8 đến 10/9, bà Jenkins “sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao và các đối tác xã hội dân sự để thảo luận về an ninh hàng không và biên giới, không phổ biến hạt nhân, an ninh y tế toàn cầu, nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình và các nỗ lực hợp tác nhằm mở rộng hơn nữa sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong tất cả các giai đoạn xây dựng hòa bình”.
Văn phòng Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm rằng sau Hà Nội, bà sẽ tiếp tục đến Quảng Trị.
Tại đây, tin cho hay, bà Jenkins “sẽ thăm các địa điểm tiêu biểu cho sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về khảo sát và rà phá bom mìn chưa nổ còn sót lại”.
Trong thời gian thăm Quảng Trị, bà Jenkins sẽ “quan sát hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn chưa nổ, thăm Trung tâm Hành động Bom mìn Quảng Trị và gặp gỡ những phụ nữ làm công việc rà phá bom mìn”.
Bà Jenkins là quan chức ngoại giao cấp cao thứ hai của Mỹ thăm Việt Nam trong khoảng thời gian đầu tháng 9 này.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry có chuyến công du tới Việt Nam từ ngày 2 tới 6/9 để “gặp gỡ các quan chức chính phủ, đại diện các tổ chức xã hội và các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm xây dựng sự đồng thuận về các hành động chủ chốt để giải quyết khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch”.
Vostok-2022 : TT. Putin đến thị sát tập trận, một ngày sau cuộc diễn tập trên biển Nhật Bản
06/9/2022
Tầu hộ tống Thống Chế Shaposhnikov, ngày 05/09/2022, trong đợt tập trận chung Vostok-2022 do Nga tổ chức. © Anissa El Jabri / RFI
Điện Kremlin thông báo tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay, 06/09/2022, đã đến Vladivostok để thị sát các cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài từ nhiều ngày qua, với sự tham dự của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.
AFP dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết, tổng thống Nga đã đến khu vực huấn luyện quân sự Sergueievski, một trong những điểm diễn ra các cuộc tập trận lớn mang tên Vostok-2022 (Viễn Đông – 2022). Tại đây, chủ nhân điện Kremlin có « cuộc họp kín » với bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valeri Guerassimov. Sau cuộc họp này, tổng thống Nga quan sát « giai đoạn cuối cuộc tập trận », dự kiến kết thúc vào ngày mai 07/9.
Hôm nay, cũng là ngày thứ hai giới truyền thông được xem cuộc tập trận do Nga chỉ huy. Trong phiên bản năm nay, quân số Nga tham gia chiến dịch giảm đến 6 lần so với năm 2018, khi chỉ có 50 ngàn quân nhân hiện diện. Tuy nhiên, với Matxcơva , điều cốt lõi là ngay giữa lòng cuộc chiến Ukraina và dù đang bị phương Tây trừng phạt, cuộc tập trận quy mô lớn này vẫn có đến 14 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc, nhất là trong các bài tập ngày hôm qua trên biển Nhật Bản.
Từ Vladivostok, đặc phái viên đài RFI Anissa El Jabri tường thuật :
« Tầu hộ tống thống chế Shaposhnikov trong một cuộc xuất kích duy nhất, đã thực hiện nhiều bài tập phức tạp với sự tham gia pháo binh, tên lửa, hỏa lực phòng không với vũ khí chống tầu ngầm và hệ thống REP. Tất cả những nhiệm vụ này đã được hoàn thành xuất sắc, thiết bị khí tài được sắp đặt đúng vị trí ».
Đứng trên cầu tầu bình lặng dù sóng to gió lớn, thuyền trưởng tầu Merkulov không giấu được niềm vui : đại bác, thủy lôi phá mìn, trực thăng… chỉ trong vài giờ mọi thứ đã được kiểm tra suôn sẻ cho dù có báo động bão trên biển Nhật Bản. Hải quân Trung Quốc thì không thấy đâu nhưng trong suốt những ngày trước đó, hai bên đã có sự hợp tác.
Thuyền phó Roman Shilov giải thích : « Khi chúng tôi tập trận chung với Trung Quốc, chúng tôi hành động như một nhóm lực lượng thống nhất. Tôi đưa ví dụ so sánh một cách thô thiển : Nếu quan sát cuộc tập trận của NATO, các vị thấy là các tầu chiến của Anh, Pháp, Tây Ban Nha gặp nhau và hợp tác cùng nhau. Thì chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng làm như thế với đối tác Trung Quốc. »
Nga và Trung Quốc hiện chưa có tham gia một liên minh quân sự nào, và cũng chưa có dự kiến, nhưng việc đôi bên xích lại gần nhau hơn khiến phương Tây lo ngại. Và nhất là đối với Nga, cuộc tập trận 2022 còn là một kiểu thách thức những nước nào muốn cô lập Nga, và chứng tỏ rằng Nga cũng có thể gầy dựng một liên minh rộng lớn hơn.
Không có nhận xét nào