Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Trần - Chống đâu xiêu đó

     vn court


    Truyện dài chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam đã được thi hành từ Trung ương xuống địa phương, nhưng tham nhũng cứ trơ ra là vì sao? Thắc mắc này không phải đến thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có mà từ khuya lắm rồi, ít nhất cũng từ khóa đảng VII thời ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư (28 tháng 6 năm 1991 - 26 tháng 12 năm 1997). Nhưng tại sao tình trạng này cứ kéo dài mãi và không có dấu hiệu suy giảm mà còn biến chứng, lan nhanh mặc dù nhà nước đã tung ra nhiều biện pháp phòng ngừa và chữa trị.

    Căn cứ vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, với tính chất mức độ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở một số lĩnh vực như: y tế, đất đai, chứng khoán, đấu thầu, đấu giá.” (Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ngày 15/09/2022)

    Ông Cường nói: “Công tác PCTN năm 2022 vẫn còn những hạn chế; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nơi, có lúc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Tình hình tham nhũng còn có những diễn biến phức tạp, với tính chất mức độ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực như: y tế, đất đai, chứng khoán, đấu thầu, đấu giá…, ở cả trong khu vực công và khu vực tư, gây bức xúc trong xã hội.”

    Nguyên nhân được coi như cơ bản vì, theo Báo cáo của Chính phủ: “Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực còn có mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu tự giác chấp hành pháp luật, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực còn chưa được phát huy đúng mức; còn có trường hợp phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất “tống tiền”, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cán bộ nhà nước…”

    Như vậy là “xôi hỏng bỏng không” rồi còn gì? Luật phòng, chống Tham nhũng đã có hiệu lực từ ngày 20 tháng 11 năm 2018 mà 4 năm sau, Luật này vẫn chưa được thi hành nghiêm chỉnh bởi các cấp chính quyền thì tham nhũng vẫn trơ ra là điều tất nhiên. Thậm chí có cả phóng viên báo chí, được vinh dự là “tai mắt của nhân dân” mà cũng tham ô trong khi nhiều cán bộ ngành Thanh tra từ Trung ương xuống địa phương cũng vướng vào Tham nhũng thì những kẻ tham nhũng vẫn sống nhăn là việc phải xẩy ra.

    AI CÓ TRÁCH NHIỆM?

    Báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội còn nhìn nhận: “Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp…”

    Nhưng ai trong Lãnh đạo đảng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm về những bất cập này? Từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đền Chủ tich nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ai chịu trách nhiệm trước nhân dân không? Nếu không biết ai là người phải bị khiển trách hay kỷ luật thì nhà nước đâu còn tôn ti trật tự, hay “pháp quyền” gì nữa?

    Sự thật là nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam không còn xứng đáng được mệnh danh là “nhà nước pháp quyền”, nếu chỉ căn cứ vào thất bại của công tác chống tham nhũng từ năm 2018.

    Bằng chứng này đã do Chính phủ thừa nhận trong Báo cáo gửi Quốc hội: “Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động và trách nhiệm giải trình; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng yêu cầu; Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; việc phát hiện các trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử gia tăng đáng kể; tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực; hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời…  Vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.” (Tạp chí Xây Dựng Đảng, ngày 3/3/2022)

    CÓ MẤY LỌAI THAM NHŨNG?

    Nên biết Công tác Xây dựng, chỉnh đốn đảng đã bắt đầu từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền khóa Đảng XI năm 2011, đến năm 2022 đã được 11 năm. Vậy mà “tại báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. (Tạp chí Xây Dựng Đảng, ngày 11/08/2022)

    Báo đảng nêu bằng chứng: “Mỗi khi người dân, doanh nghiệp đi xin giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất, đi khám bệnh, xin cho con đi học, hoặc chuyển trường, xin vốn đầu tư, dự án xây dựng… đều phải có “lót tay”, “bôi trơn” thì mọi việc mới nhanh chóng.”

    Vậy có mấy loại Tham nhũng đang hành dân trong guồng máy cai trị ở Việt Nam?

    Theo XDĐ thì “Tham nhũng về kinh tế” đứng đầu. Báo này viết: “Đây là dạng tham nhũng rất phổ biến diễn ra mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, từ quan chức cấp cao đến cấp thấp. Nhưng dễ nhận biết, họ dùng chức vụ và quyền hạn được giao, hạch sách, nhũng nhiễu, gây khó khăn để thu về tiền bạc, vật chất… Dạng này thể hiện từ tham nhũng vặt, nhận phong bì, đến tham nhũng lớn, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, biệt thự, đất đai, ô tô…”

    Thứ đến là “Tham nhũng quyền lực”, một dạng tham nhũng mà người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vị thế để đưa những người thân tín, họ hàng, cánh hẩu và người đút lót hối lộ vào giữ những chức vụ, vị trí quan trọng trong bộ máy của các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm vụ lợi. Đây là dạng tham nhũng rất nguy hiểm và khó phát hiện. Khi họ sắp xếp người không có đạo đức, năng lực chuyên môn vào những vị trí quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà cả lâu dài, ảnh hưởng cả thế hệ mà khó khắc phục hậu quả.

    Thứ ba, “Tham nhũng chính trị”: Là dạng tham nhũng của người có quyền lực tác động vào các quyết định về cơ chế, chính sách, những quyết định lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thu lợi cho bản thân, gia đình, hoặc một nhóm người. Họ có thể cấu kết với người cùng có quyền lực để thay đổi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm mưu cầu lợi ích cho ngành, địa phương, đơn vị mình hoặc nhóm người có cùng lợi ích. Như việc ra các quy định về chính sách thuế, tiền lương, tiêu chuẩn bổ nhiệm, hưu trí, hoặc ra các quyết định đầu tư dự án lớn: xây dựng sân bay, cảng biển, khu đô thị, …”

    Như thế là cán bộ, đảng viên đã tham nhũng toàn diện và tại mọi cơ quan trong và ngoài nhà nước. Hèn chi nguyên Phó Chủ tịch Nước, bà Nguyễn Thị Doan chẳng than: “Tiền của các cháu dân tộc thiểu số còn bị biển thủ đến gần 3 tỷ đồng, liều vacxin tiêm cho một cháu, lại san ra tiêm cho hai cháu… "Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11-9-2013.” (Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 11/09/2013)
     THÁCH THỨC TRƯỚC MẮT

    Trong một biến chuyển khác,  Ban Nội chính Trung ương đã công khai “Những thách thức đối với công tác PCTN, tiêu cực” ở Việt Nam trong bài viết ngày 06/02/2022, như sau:

     Một là, “thách thức đến từ sự tinh vi, phức tạp của hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hành vi tham nhũng, tiêu cực rất đa dạng, phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Nếu như trước đây, tham nhũng chỉ đơn giản là hành vi “ăn cắp vặt”, nhận “phong bì”, lợi ích vật chất nhỏ, tính chất riêng lẻ, đơn giản, manh mún, thì nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tham nhũng đã “biến hình”, khoản tiền tham nhũng ngày càng lớn hơn, hành vi có tính cấu kết, nhiều vụ có tổ chức, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “lợi ích nhóm” ngày càng chặt chẽ, khép kín, có sức mạnh “lũng đoạn” các quyết sách của cả tập thể, tổ chức. Lợi ích mà tham nhũng hướng đến không chỉ dừng lại ở vật chất nữa, mà còn phi vật chất, không chỉ diễn ra trong khu vực công, mà còn trong khu vực tư, có sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp... Không chỉ tham nhũng, hành vi tiêu cực còn đa dạng, tinh vi, phức tạp hơn, biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực công tác, đời sống chính trị của cán bộ, công chức, viên chức...

     

    Hai là, “thách thức từ chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng. Luật PCTN năm 2018 quy định “tham nhũng” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Khoản 1, Điều 3). Như vậy, chủ thể của hành vi tham nhũng rất đặc biệt, phải là những người có chức vụ, quyền hạn. Khoản 2, Điều 352 Bộ luật hình sự 2015 và Khoản 2, Điều 3 Luật PCTN giải thích: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Luật PCTN cũng chia thành 5 nhóm chủ thể có chức vụ, quyền hạn, trong đó điển hình nhất là nhóm cán bộ, công chức, viên chức. Xuất phát từ chức vụ, quyền hạn của mình, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng thường có nhiều quyền lực, quan hệ, kinh nghiệm, hiểu biết và họ có thể sử dụng quyền lực, quan hệ, hiểu biết, kinh nghiệm, tiền bạc để “ẩn mình”, “bọc lót”, che chắn cho việc vi phạm rất chắc chắn, kỹ lưỡng, thậm chí tác động ngược trở lại các công cụ chống tham nhũng để làm giảm hoặc vô hiệu hóa khả năng chống tham nhũng của các công cụ này. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn, thách thức lớn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực.”

     Ba là, thách thức từ sự suy thoái, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến khi người bàn về đạo đức cách mạng. Người luôn coi chủ nghĩa cá nhân, chứng bệnh tiêu cực là một loại giặc “nội xâm”, thứ bệnh nguy hiểm ẩn nấp trong lòng mỗi con người, nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, vì nó phá ta “từ trong phá ra”. Thứ bệnh này cũng được Đảng ta nhận diện, chỉ ra từ Đại hội VI, nhưng đặc biệt được quan tâm và đề cập rõ nét về tính chất diễn biến phức tạp, nhất là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đại hội XII, XIII. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra ngày 9/12/2021, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  đã thừa nhận: “Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự”. 

    Vậy nguyên nhân từ đâu, ông Trọng nói: “Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình… không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”.

    THAM NHŨNG NGAY TỪ PCTN

    Điều đáng nói hơn cả, theo Ban Nội Chính là: “Hiện nay, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một số cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng PCTN đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng gia tăng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, có không ít các vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng.”

    Bằng chứng được Ban Nội Chính công bố: “Đơn cử, trong ngành Thanh tra, trong giai đoạn 2013-2020, trong các cơ quan thanh tra nhà nước đã xảy ra 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trong đó 3 vụ việc xảy ra tại thanh tra cấp bộ, 16 vụ việc xảy ra tại thanh tra cấp tỉnh, 42 vụ tại Thanh tra cấp huyện và 9 vụ tại Thanh tra sở. Số cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có hành vi tham nhũng, tiêu cực là 105 người(7). Dân gian có câu “làm nghề nào ăn nghề ấy” để nói về nghề nghiệp của mỗi người, ai làm nghề nào thì sống bằng nghề đó, nhưng dân gian cũng có câu “làm nghề nào, xào nghề đó” để chỉ những người tham ô, tham nhũng, kiếm chác, lợi dụng vị trí công tác, nghề nghiệp của mình để trục lợi. Và điều này cũng không loại trừ tình trạng tham nhũng trong chính những cơ quan có chức năng chống tham nhũng.”

     Vì vậy, theo Ban Nội Chính, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải chống tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng”. Nhưng đảng cũng thú nhận: “Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải có biện pháp kiên quyết, toàn diện và triệt để trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhất là phải kiểm soát cho được quyền lực của những người có quyền lực, có trách nhiệm trong PCTN, không để sự tha hóa, biến chất, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lợi dụng, lạm dụng quyền lực để trục lợi.” 

    Như vậy là “cái kim trong bọc” đã lòi ra rồi. Tham nhũng đã đẻ ra từ công bộc của đảng, và là chuyện riêng của đảng vì chỉ có đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền mới có thể tham nhũng. Tham nhũng bắt nguồn từ hệ thống cầm quyền của đảng, không có bất cứ “thế lực thù địch” nào đã xen vào bôi xấu chế độ của đảng CSVN. Quốc nạn tham nhũng là của riêng Chế độ này mà thôi, vì ở Việt Nam không có lực lượng chính trị nào khác ngoài đảng CSVN. Đảng này không chấp nhận đa đảng và đã một mình độc quyền cai trị và kiểm soát quyền lực từ Trung ương xuống địa phương. Vì vậy đảng và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải trả lời trước nhân dân tại sao đảng không diệt nổi tham nhũng và nuôi dưỡng tham nhũng để làm gì?

    – Phạm Trần

    (09/022)

    https://vietbao.com


    Không có nhận xét nào