Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Kim Thêm - Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên Âu trong cuộc chiến về kỹ thuật số

    Trong thời đại kinh tế toàn cầu hoá dựa vào tri thức và thông tin, thì kiến thức trở thành sức mạnh và internet là phương tiện kết nối. Các kiến thức mới đang được phổ biến tự do trên khắp thế giới và mọi người có thể truy cập được dễ dàng hơn.

    Trước các chuyển biến giông bão này, tình hình cạnh tranh giữa các cường quốc không chỉ còn nằm trong các lĩnh vực  chính trị, kinh tế và an ninh mà còn canh tân kỹ thuật và nhiều quốc gia cảm thấy đang bị đe dọa bởi sự tụt hậu về kiến thức và trang bị kỹ thuật số.

    Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc và Nga tìm mọi cách có thể để giới hạn việc sử dụng internet, và internet trở thành splinternet, một khái niệm mới được đề cập gần đây.

    Là một mạng thông tin mở rộng và phổ quát được kết nối trong toàn cầu, nhưng internet đã bị chính quyền các nước độc tài  ngăn chặn truy cập qua các rào cản và tường lửa, làm cho người sử dụng chỉ tiếp nhận nội dung trong một khuôn khổ nhất định. Splinternet không chỉ có ở Trung Quốc hoặc Nga mà còn nhiều nước khác. Dù thế, vì có nhiều lý do nhau, Spliniternet rất khó đạt được mục tiêu.

    Các kỹ thuật mới trong công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược, mối liên hệ này được công nhận từ lâu. Nhưng ai được hưởng lợi từ internet, ai mất lợi thế khi không thể kết nối? Qua việc trang bị kỹ thuật số, trật tự thế giới đang tạo ra những liên minh nào, chính trị, an ninh hay kỹ thuật? Những quốc gia, khu vực và nền kinh tế nào sẽ định hình cho tương lai của internet? Các thách thức mới này làm cho số hóa trở thành mối quan tâm chính trong việc cân nhắc thuộc phạm vi địa chính trị toàn cầu và cần phải có giải pháp.

    Hầu hết các giải pháp trong tương lai đều cho là ai chiếm được ưu thế trong lĩnh vực kỹ thuật số, sản xuất các microchip hiện đại và quyết định các quy tắc của internet, đương nhiên sẽ có quyền quyết định về mặt địa chính trị. Cho đến nay, thực tế cho thấy thời kỳ thống trị kỹ thuật của phương Tây dường như sắp kết thúc.

    Cụ thể, nếu không có microchip, các máy computer, các phương tiện cũng như các thiết bị và hệ thống hiện đại khác đều không hoạt động, doanh nghiệp sẽ không sản xuất được điện thoại thông minh và các thiết bị chiến tranh hiện đại. Các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo cũng chủ yếu phụ thuộc vào chất bán dẫn với hiệu suất cao.

    Đứng trước việc số hoá  đang ngày càng phát triển, thì mức độ liên quan này đã gây ra một cuộc chạy đua chưa từng có trong ngành công nghiệp bán dẫn giữa các cường quốc mà Hoa Kỳ đang mất dần ưu thế, với thí dụ sau đây là một minh chứng.

    Hoa Kỳ và Luật Công nghiệp bán dẫn

    Cuối tháng Tám năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một đạo luật để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Với tổng trị giá gần 250 tỷ đô la, mục đích của đạo luật này là sẽ trợ cấp cho các dự án nghiên cứu và phát triển thuộc doanh nghiệp Mỹ, với điều kiện là việc sản xuất microchip ở châu Á sẽ đưa về lại Hoa Kỳ. Quan trọng hơn là nếu một doanh nghiệp muốn nhận trợ cấp sẽ cam kết là không đầu tư sản xuất ở Trung Quốc trong tương lai.

    Trong bài phát biểu nhân dịp ban hành đạo luật này, Biden nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của microchip, tức là các chip có kích thước cấu trúc nhỏ trong phạm vi một chữ số nanometer.

    Hiện nay, Trung Quốc đang cố gắng vượt qua phương Tây khi đang tạo ra những chất bán dẫn phức tạp và dùng mọi thủ thuật gian manh để vận động cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ chống lại luật này.

    Kể từ đại dịch Covid-19 bộc phát, chuỗi cung ứng chất bán dẫn trên toàn cầu bị tê liệt và trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tình thế đổi thay làm cho việc sản xuất microchip trở nên có ý nghĩa chính trị đặt biệt.

    Để đối phó, các nước phương Tây đang áp dụng chiến lược “onshoring”, nghĩa là, nỗ lực tránh lệ thuộc bằng cách đưa năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đang đầu tư ở Trung Quốc hồi hương.

    Thực ra, hầu hết các microchip hiện đại nhất đang được sản xuất tại Đài Loan, nơi mà Trung Quốc đang có âm mưu tái chiếm  để đưa ưu thế kỹ thuật của Đài Loan vào trong quỹ đạo chính trị của mình.

    Cạnh tranh với phương tiện bất thường 

    Vấn để không chỉ dừng lại ở các kịch bản đầy bi quan về địa chính trị. Hơn nữa, ám ảnh chiến tranh thế giới càng lan rộng vì tình trạng cạnh tranh kinh tế, cuộc chiến Ukraine, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu và gia tăng lạm phát trên toàn cầu. Do đó, các nước phải sử dụng các phương tiện bất thường mà đạo luật mới của Biden về công nghiệp chất bán dẫn là thí dụ.

    Từ nhận định cơ bản là Trung Quốc vẫn còn tụt hậu về công nghệ hiện đại mà Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc tìm cách ngăn trở Bắc Kinh sản xuất và phát triển microchip bằng nhiều cách khác nhau.

    Cụ thể, Mỹ ngăn trở Trung Quốc quyền truy cập vào thị trường của nhà cung cấp Mỹ. Các phương thức sản xuất phần mềm của Mỹ cũng cần một số microchip nhất định của Trung Quốc để có thể đạt được hiệu ứng cao nhất.

    Gần đây, chính quyền Biden tìm cách gây áp lực với Hà Lan, yêu cầu tìm cách can ngăn ASML, nhà cung cấp sản xuất chip lớn nhất thế giới, giảm bớt sự hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc.

    Chiến lược của Trung Quốc và Liên Âu

    Nhận ra được các thất thế này trong tiến trình sản xuất, Trung Quốc cũng đang tìm cách để đạt được một tư thế độc lập hơn.

    Theo một ước lượng gần đây, Trung Quốc sản xuất khoảng 15,3% chất bán dẫn trên thế giới, nghĩa là còn đứng sau Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng trước Mỹ, trong khi nhiều nước công nghiệp tiên tiến khác cũng không thể tự sản xuất microchip loại này. Do đó, Bắc Kinh vẫn chưa thể thâm nhập và khống chế thị trường thế giới.

    Trong cuộc cạnh tranh gay gắt này, châu Âu chiếm một vị thế khiêm nhường. Để thay đổi tình thế, Liên Âu dự định sẽ trợ cấp cho các dự án nghiên cứu và sản xuất microchip với kinh phí khoảng 40 tỷ euro. Theo kế hoạch này, doanh nghiệp Intel ở Magdeburg (Đức) có thể được tài trợ khoảng bảy tỷ euro của Đức và bảy tỷ euro khác của Liên Âu.

    Các chuyên gia cho rằng các chiến lược mới này khó đạt được hiệu quả, vì còn nhiều nghi vấn.

    Nhìn trong toàn cảnh, cho đến nay, số lượng các doanh nghiệp của châu Âu hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số vẫn còn quá ít và thị trường chủ yếu là nằm ở Mỹ và châu Á.

    Cho dù microchip chắc chắn sẽ đóng một vai trò nhất định và châu Âu luôn cần các loại microchip cho các sản phẩm của riêng mình, nhưng về trình độ kỹ thuật, châu Âu lại không đòi hỏi quá cao. Trong tương lai, trọng tâm vấn đề của châu Âu là cải thiện tiến trình sản xuất microchip loại cao cấp.

    400 thành phần cung ứng khác nhau là nhu cầu

    Nhiều chính trị gia cho rằng, để tránh lệ thuộc, đã đến lúc các quốc gia hoặc khu vực nên xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn theo phương thức tự cung cấp.

    Về cơ bản, ý nghĩ này cũng dễ gây hiểu lầm, vì thực tế ngược lại. Trong tiến trình sản xuất vào giai đoạn cuối, còn được gọi “Frontend”, thực ra chỉ là một phần nhỏ của chuỗi sản xuất dài.

    Doanh nghiệp cần đến khoảng 400 loại hóa chất và các thành phần cung ứng khác nhau. Hầu hết được cung cấp bởi các khu vực trên toàn thế giới và hơn 50 loại máy móc đủ loại riêng cho giai đoạn gọi là Frontend.

    Nếu giả định rằng một đạo luật Chip cho châu Âu được thông qua, châu Âu sẽ có được một lượng sản xuất tương đối lớn, nhưng trong mọi tình huống, chuỗi cung ứng vẫn sẽ còn phải phụ thuộc từ các khu vực khác.

    Liên Âu và Mỹ đã đồng ý trên nguyên tắc là không cạnh tranh trong việc trợ cấp cho doanh nghiệp có các dự án nghiên cứu và sản xuất microchip, vì nhận định rằng việc phối hợp hành động trong thực tế sẽ có hiệu quả cao hơn. “Hội đồng Thương mại và Công nghệ Liên Âu-Hoa Kỳ” là một diễn đàn mới được thành lập vào năm 2021 để thảo luận các chuyên đề này.

    Do hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine, việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương đã lấy lại tầm quan trọng. Trong  các biện pháp trừng phạt công nghệ đối với Nga sẽ có nhiều chuyên đề liên quan đến chính sách kỹ thuật số.

    Tuy nhiên, vấn đề đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong mối quan hệ các nước đang phát triển cũng nghiêm trọng không kém, đó là một phạm vi không chỉ giới hạn trong việc sản xuất microchip.

    Những nỗ lực mới đây của Trung Quốc được biết đến dưới cái tên “Con đường tơ lụa trong lĩnh vực kỹ thuật số”.

    Trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia nhiều dự án thuộc về xây dựng các cơ sở hạ tầng tại châu Mỹ La tinh, châu Phi và châu Á, chẳng hạn như việc đặt các đường dây cáp ngầm hoặc xây dựng mạng di động và trung tâm dữ liệu.

    Hiện nay, việc nâng cấp các mạng di động lên tiêu chuẩn 5G do các doanh nghệp Hoa Vi và ZTE đảm trách. Giá cung ứng của Trung Quốc thường rẻ hơn nếu so với giá của phương Tây. Nhưng âm mưu thâm độc của Bắc Kinh là liên kết các giá rẻ này với nhiều ràng buộc vô hình khác mà các nước đang phát triển phải chịu thiệt thòi trong lâu dài.

    Hầu hết các quốc gia, thí dụ như Lào, Campuchia hay Sri Lanka, đều chọn thiết bị của Trung Quốc vì không có lựa chọn nào khác, họ chỉ quan tâm trước mắt là chi phí đầu tư, còn Trung Quốc gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nền an ninh quốc gia là chuyện tương lai.

    Trái lại, do áp lực nặng nề của Mỹ, các nước công nghệ tiên tiến đã loại bỏ việc hợp tác với Huawei và ZTE hoặc ít nhất là giảm các thành phần cung ứng trong mạng 5G. Ngoài việc bị ràng buộc về kỹ thuật trang bị, lo ngại chính của các nước trong việc sử dụng thiết bị Huawei là phải giải quyết việc các gián điệp phá hoại.

    Phòng chống gián điệp qua kỹ thuật số

    Tình trạng nguy hiểm do gián điệp kỹ thuật gây ra không chỉ đến từ Trung Quốc cho các nước đối tác. Ngược lại, những tiết lộ của Cơ quan An ninh Quốc gia đã cho thấy, ngay cả đối thủ Hoa Kỳ cũng gặp phải.

    Ngoài việc xuất khẩu kỹ thuật mới với một số giá trị nhất định, về nội chính, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều biện pháp nghiêm khắc hơn để kiểm soát toàn diện các hoạt động của xã hội, khi nhận ra là internet gây nhiều bất lợi đáng kể.

    Trung Quốc tạo ra một “bức tường lửa vĩ đại”, mà không một nước nào khác có thể bắt chước. Nguy cơ này làm cho các quốc gia khác bắt đầu quan tâm, đặc biệt nhất là các ứng dụng mới trong trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt.

    Trước kia, Trung Quốc sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để chống lại người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, nay cũng đã bán kỹ thuật này cho Zimbabwe. Các hệ thống giám sát qua video đã được Trung Quốc xuất khẩu cho hơn 60 quốc gia.

    Gần đây, doanh nghiệp Hoa Vi bị cáo buộc là đã giúp các phương tiện kỹ thuật cho chính phủ Uganda và Zambia để theo dõi các đối thủ chính trị.

    Đối sách của G7 

    Trước các thách thức mới về kỹ thuật số, các nước thuộc nhóm G7 cũng lo tìm các đối sách khi tham gia vào việc hoạch định các chính sách về công nghệ cơ bản.

    Với chương trình “Cổng toàn cầu (Global Gateway), Liên Âu dự định sẽ đầu tư kỹ thuật số nhiều hơn vào các nước đang phát triển và đang thảo luận với Hoa Kỳ về việc cung cấp thiết bị mạng với giá thấp hơn.

    Một cơ hội khác để theo đuồi mục tiêu này cũng được tiến hành cùng lúc. Mỹ đang vận động cho Doreen Bogdan-Martin được bầu vào chức vụ Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunications Union, ITU), một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Geneva chịu trách nhiệm trong việc tiêu chuẩn hóa cho các công nghệ truyền thông. Đối thủ của Bogdan-Martin là Rashid Ismailov, cựu Giám đốc phụ trách điện thoại di động, cũng là Phó Giám đốc thuộc Bộ Phát triển Kỹ thuật số của Nga.

    Cuộc bỏ phiếu này không chỉ mang tính biểu tượng vì Mỹ chống Nga trong cuộc chiến Ukraine, nhưng lại cho thấy có một viễn cảnh khác, đó là ảnh hưởng trong các quyết định cơ bản thuộc lĩnh vực số hóa.

    Theo quan điểm của Nga và Trung Quốc, ITU cần có nhiều quyền lực hơn để thay đổi trọng lượng có lợi cho mình. Hiện nay, công luận tỏ ra quan tâm đến cuộc bầu cử  này.

    Giới quan sát lo ngại là tình hình sẽ bất lợi hơn cho phương Tây: “Những gì mà chúng ta thấy trong những năm gần đây là Trung Quốc và Nga đang theo đuổi chính sách về internet hoàn toàn khác biệt, họ tìm cách gây tác động đến các hoạt động của các cơ quan định chuẩn quốc tế để giúp cho họ dễ đạt được mục tiêu khống chế. Họ đang thay đổi quan điểm lãnh đạo trong các vai trò truyền thống bằng cách nắm các chức vụ quan trọng trong các tổ chức quốc tế này”.

    Tầm hoạt động hiện nay của internet là công khai, phổ quát và toàn cầu, nhưng ai sẽ định hình cho tương lai phát triển của internet lại là vấn đề ít được công luận biết đến. Đó là các cơ quan với những cái tên còn xa lạ như “World Wide Web Consortium” hoặc “internet Engineering Task Force“. Đại diện cho các chính phủ, tổ chức tư nhân và xã hội dân sự đang tham gia trong các tổ chức này và tìm cách gây ảnh hưởng trong khi ITU là tổ chức mà các chính phủ phương Tây đang chiếm ưu thế quyết định.

    Cảnh báo trước các biện pháp kiểm soát

    Một thỏa thuận được Nga-Trung Quốc ký kết vào năm 2021 có nêu rõ rằng các quốc gia phải có chủ quyền trong việc điều chỉnh các phạm vi hoạt động của internet. Trong việc kiểm soát các truy cập dữ liệu cá nhân khi cần thiết, Trung Quốc cho rằng các chính phủ với chủ quyền quốc gia tối thượng sẽ không bị lệ thuộc hoặc bị bất cứ hạn chế nào.

    Ngược lại, các chuyên gia cho là thực ra Trung Quốc muốn cắt giảm quyền tự do của người sử dụng. Cụ thê là việc giám sát, kiểm duyệt hoặc thậm chí các biên bản riêng của người sử dụng internet sẽ không còn là một nhân quyền cơ bản và phổ quát mà hoàn toàn là do các quyết định thuộc về quốc gia. Truy cập dữ liệu cá nhân trở thành xung đột chính trong việc kiểm soát nội dung thuộc về chính trị và xã hội.

    Hai quan điểm dị biệt này đang đưa đến một cuộc tranh chấp giữa một bên là Trung Quốc, Nga và các nước độc tài và một bên là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia khác.

    Cuộc bỏ phiếu về vị trí Giám đốc ITU sẽ cho thấy tầm quan trọng trong việc tìm ra một cán cân quyền lực. Vai trò mà Trung Quốc trong các cơ quan định chuẩn quốc tế có lẽ là phù hợp với những gì nước này tự cho là mình có quyển được hưởng do việc trỗi dậy trong nền kinh tế toàn cầu.

    Do đó, việc xung đột trong lĩnh vực kỹ thuật số sẽ còn tiếp tục trong hình thái mới, đó là khía cạnh địa chính trị.

    Vào cuối tháng Tư, Hoa Kỳ và  Liên Âu đã ký “Tuyên bố cho tương lai của internet”, cả hai cam kết về việc bảo đảm cho các luồng dữ liệu internet được tự do phổ cập trong toàn cầu. 32 quốc gia ngoài Liên Âu cũng đang cân nhắc sẽ tham gia chương trình này.

    Tuy nhiên, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, dù đang được G7 vận động tham gia, lại không có tên trong danh sách. Diễn biến này cho thấy là thời kỳ bá chủ của phương Tây sắp kết thúc và các quốc gia trên khắp thế giới sẽ công khai quyết định mô hình nào là phù hợp.

    Hiện nay, tình hình đang diễn biến phức tạp hơn. Thí dụ như Ấn Độ, một mặt cam kết theo phương Tây và thậm chí còn cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc, mặt khác, lại gây áp lực cho các doanh nghiệp Mỹ kiểm duyệt chặt chẽ việc phổ biến nội dung và tìm cách dịu giọng cho đảng đang cầm quyền.

    Quan tâm chính trong việc hợp tác về chính sách kỹ thuật số cũng đã được thảo luận, đặc biệt là ngay cả châu Âu và Mỹ cũng có những lợi ích khác nhau.

    Dị biệt lợi ích giữa Mỹ và Liên Âu

    Vấn đề bảo vệ dữ liệu hoặc quy định của các nền tảng cho kỹ thuật số là ví dụ thực tế. Trong việc hoạch định chính sách kỹ thuật số, Liên Âu chưa thể hiện đầy đủ với tư cách là một tác nhân địa chính trị cho sự hình thành và phát triển của thị trường thế giới.

    Châu Âu di động như một con lắc giữa cách độc đoán kiểu Trung Quốc và cách tự do hỗn loạn kiểu Mỹ. Để định hình cho tương lai của sự hợp tác quốc tế, nhiều quốc gia sẽ phải đấu tranh trong việc chọn lựa giữa hai mô hình này.

    Cho đến nay, Liên Âu đã thông qua việc quy định trong các lĩnh vực bảo vệ dữ liệu, hạn chế sức mạnh thị trường nền tảng hoặc xử lý các nội dung bất hợp pháp, mà “hiệu ứng Brussels” được đề cập gần đây.

    Châu Âu là một thị trường lớn với 550 triệu dân, nếu châu Âu đặt ra một quy tắc nào, hầu như chúng thường được áp dụng ở những nơi khác.

    Trong tiến trình số hóa, vấn đề gía trị nền tảng có khác hơn. Liên Âu đại diện cho các giá trị như bảo vệ quyền riêng tư, tính bền vững hoặc phát triển công nghệ, tất cả đều lấy con người làm giá trị trung tâm. Nhưng Liên Âu vẫn chưa thành công trong việc xuất cảng những giá trị này trên toàn thế giới, nhất là áp dụng trong các nền tảng và sản phẩm kỹ thuật số.

    Trung Quốc và Mỹ đang chiếm ưu thế trong trận tuyến kỹ thuật số, còn châu Âu thì chưa đạt vị thế như mong đợi. Trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến hoặc kinh phí dành cho việc nghiên cứu về rí tuệ nhân tạo, châu Âu còn tụt hậu sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Cho dù Liên Âu có thế mạnh nhất định, nhưng đây là một nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Một bất lợi trước mắt như vậy sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sự thịnh vượng và vai trò địa chính trị của châu Âu trên thế giới về lâu dài.

    https://baotiengdan.com/2022/09/13


    Không có nhận xét nào