Tít bài viết này được đặt theo tên bộ phim "Saving Private Ryan" (Phải cứu binh nhì Ryan), do đạo diễn Steven Spielberg thực hiện năm 1998.
Saving Private Ryan
Bộ phim kẻ lại cuộc đổ bộ hào hùng nhưng rất đẫm máu của binh sĩ Mỹ trên bờ biển Normandy, miền bắc nước Pháp. Trong cuộc đổ bộ này, Bộ tham mưu quân đội Mỹ nhận được thông tin gia đình Ryan có 4 người con trai, tất cả đều gia nhập quân đội Mỹ, và 3 người đã chết : trong đó hai anh em đã cùng tử trận trong cuộc đổ bộ mang tên Overlord ngày 6/6/1944 trên bãi biển Omaha Beach và Utah Beach (Normandy), một người khác bị tử thương trên quần đảo New Guinea, Thái Bình Dương, trong cùng năm. Người con cuối cùng còn sống sót, tên James Francis Ryan, thuộc Sư đoàn 101 Dù, đã nhảy xuống bán đảo Cotentin trong chiến dịch Overlord ngày 6/6/1944 nhưng không ai biết lúc đó đang ở đâu.
Hay tin này, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ tại Washington, đại tướng George C. Marshall, cử một toán đặc nhiệm nhảy vào vùng giao tranh tìm cho bằng được người lính mang tên James Francis Ryan đem về Mỹ để nối dõi tông đường. Nhưng James Francis Ryan không phải là một người lính tầm thường, khi toán đặc nhiệm tìm được, anh từ chối về Mỹ và ở lại với đơn vị tiếp tục chiến đấu chống quân Đức đông hơn gấp nhiều lần trên một chiếc cầu chiến thuật chặn đà tiến của họ ở làng Ramelle…
Qua bộ phim này tôi liên tưởng đến phế binh Ngô Duy Thế hiện đang cư ngụ tại Làng Phế binh Thủ Đức, Việt Nam.
Phế binh Ngô Duy Thế - Ảnh tự chụp ngày 07/09/2022
Phế binh Ngô Duy Thế là ai ?
Ngô Duy Thế năm nay 72 tuổi (sinh ngày 21/10/1950 tại Hải Phòng). Anh đã cùng cha mẹ và anh em di cư vào Nam trên chuyến tàu há mồm cuối cùng đến cảng Sài Gòn tháng 7 năm 1954. Cả gia đình anh đã được chính quyền Ngô Đình Diệm cho định cư tại Gia Định.
Khi lên đường vào Nam, chắc hẳn cha mẹ anh, ông Ngô Duy Thanh và và Nguyễn Thị Mận, đều mong muốn những đứa con trai của mình được lớn lên và thành đạt trên quê hương mới miền Nam như tất cả những thanh thiếu niên khác thời đó. Và đúng như vậy, cả ba người con trai của ông bà Ngô DuyThanh và Nguyễn Thi Mận đều được ăn học và hưởng trọn vẹn cuộc sống tự do ở miền Nam.
Nhưng cuộc sống của gia đình phế binh Ngô Duy Thế đã không dễ dàng. Cha mẹ anh đã cố gắng hòa nhập vào cuộc sống mới với những công việc làm vặt vãnh, nhưng rất chật vật. Cả ba anh em của phế binh Ngô Duy Thế đã gần như bỏ học để phụ cha mẹ trong sinh kế thường ngày. Cuộc chiến chống quân xâm lược miền Bắc vào Nam gia tăng cường độ, cả ba anh em phế binh Ngô Duy Thế đều lần lượt đi vào quân ngũ, hai người anh lớn gia nhập các binh chủng không quân và hải quân. Riêng Ngô Duy Thế vào binh chủng bộ binh.
Ngô Duy Thế gia nhập quân ngũ năm 18 tuổi, ngày 2/7/1968. Sau vài tháng huấn luyện, anh được cử đến Bộ chỉ huy Sư Đoàn 25 Bộ binh đóng tại Tây Ninh. Binh nhì Ngô Duy Thế được xung vào Trung Đoàn 50, KBC 4204, đóng quân tại Bến Kéo - Tây Ninh. Mục đích của Sư Đoàn 25 Bộ binh là ngăn chặn sự xâm nhập của quân cộng sản vào Sài Gòn. Trong một cuộc hành quân vào cuối năm 1968 ở Suối Sâu - Suối Cụt (căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam của quân đội cộng sản ở Tây Ninh), đơn vị của anh bị địch quân phục kích với những trận pháo dồn dập trong nhiều giờ. Hỗn loạn. Những chiến hữu trong trung đội của anh, người bị chết, kẻ bị thương rất nhiều. Lúc đó binh nhì Ngô Duy Thế đang ngồi trên chiếc GMC mui trần cùng 32 binh sĩ khác ra chiến trường. Bất thình lình khi quẹo vào một khúc quanh, chiếc GMC chở các anh bị trúng pháo và nổ tung, 26 người chết và bị thương. Thân thể những binh sĩ cùng ngồi xe với anh bị hất tung lên không nhiều mét và rớt xuống nền đất đá kế bên. Anh Thế bị bất tỉnh nhân sự và chỉ tỉnh dậy vài giờ sau đó, khi một quân y sĩ vỗ mạnh vào cặp má của anh để đánh thức. Anh Thế lúc đó chỉ biết ú ớ kêu đau và thấy cơ thể của mình bị băng bó khắp nơi. Hỏi ra mới biết những người bị thương được quân đội Mỹ đến cứu viện và chở bằng trực thăng về Bệnh viện 3 Dã Chiến cấp cứu rồi chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tại đây viên y sĩ nói anh bị gãy xương sống, cột tủy bị chấn thương nặng.
Trong suốt hai năm điều dưỡng tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, ngoài sự may mắn là được sống sót, cuộc đời của Ngô Duy Thế mang đầy tủi nhục. Từ một thanh niên tràn đầy sức sống, tươi vui và tin tưởng vào một ngày mai xán lạn… tất cả đã biến đi sau tiếng nổ long trời cùng với mùi khét lẹt của thịt cháy và khói đen mịt mù. Màn trời xám đen ập xuống đời anh. Ngô Duy Thế chỉ tìm được yên ủi qua những nam nữ y sĩ và y tá ngày đêm tận tụy chăm sóc những thương phế binh trong Tổng y viện, anh tránh những ánh mắt tò mò hay thương hại của những thân nhân đến thăm. Đau khổ và đau đớn nhất là những buổi ủy lạo thương bệnh binh do các hội phụ nữ và các trường nữ trung học Sài Gòn và Thủ Đức tổ chức. Mặc cảm tật nguyền, thua thiệt và thù hận cuộc đời bất hạnh bám chặt tâm trí anh trong suốt thời gian nằm viện.
Cuối cùng thì phế binh Ngô Duy Thế cũng đã được cặp mắt xanh của nữ sinh Đỗ Thị Bích chiếu cố (cf. Cuộc đời tưởng đẹp như bài thơ). Nhờ đó những ý nghĩ đen tối như tự tử hay trốn ẩn dật ở đâu đó giảm dần trong suy tưởng của anh. Trong suốt thời gian điều trị, Ngô Duy Thế được ban cán sự y tế Tổng y viện tập ngồi xe lăn, đi đứng bằng nạng chống và đã dần dần tự túc di chuyển một mình.
Trong phiên họp ngày 9/1/1970, Hội đồng Miễn dịch xác nhận anh Ngô Duy Thế, số quân 70/119.796, cấp bậc Binh Nhì, được hưởng trợ cấp hưu bỗng vĩnh viễn vì anh thuộc diện phế binh bị tàn phế 40%, cột tủy sống bị chấn thương nặng (Névrose hypocondriaque post traumatisme avec trait hystérique). Sau hai năm được chữa trị tại Quân Y viện Cộng Hòa và các trại hồi sức trực thuộc Trung tâm Quản trị Trung ương Bộ Quốc phòng, Ngô Duy Thế giải ngũ ngày 1/5/1970, vừa đúng 20 tuổi.
Bản cáo tri thương tật
Chứng chỉ giải ngũ
Ngày 13/5/1972, phế binh Ngô Duy Thế được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấp phát vô thường, nghĩa là miễn phí và vô hạn định, một căn nhà nhỏ tại số 243, đuờng 9, phuờng Phuớc Bình, quận 9, Sài Gòn, thường biết dưới tên gọi "Làng phế binh Thủ Đức". Tại đây phế binh Ngô Duy Thế đã chính thức lập gia đình cùng với chị Đỗ Thị Bích.
Giấy Cấp phát nhà cho phế binh
Sau nhiều năm cố gắng với một ý chí sắt đá, phế binh Ngô Duy Thế đã từ từ rời bỏ xe lăn và đi đứng bằng cặp nạng. Từ đó hai vợ chồng bươn chải, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Chị Bích ra chợ buôn bán, Ngô Duy Thế học nghề sửa xe gắn máy và tập lái xe gắn máy chở người hay chở hàng mướn quanh quẩn trong Làng phế binh Thủ Đức. Cuộc sống mới đã mang lại cho anh một niềm vui mới : vợ anh sinh hạ được một cháu trai tên Ngô Đỗ Duy Nguyên.
Vợ anh sinh hạ được một cháu trai tên Ngô Đỗ Duy Nguyên - Ảnh chụp năm 2015.
Đối với gia đình Ngô Duy Thế, Làng Phế binh Thủ Đức là gia đình mới của anh, một đại gia đình của những anh em thương phế binh hoạn nạn sinh sống tại đây. Sau một ngày làm việc, những bà vợ họp nhau nói chuyện gia đình, những em nhỏ tụ tập vui chơi, còn những thương binh ngồi tụm năm chụm sáu hàn huyên nói chuyện thâu đêm bên ly rượu nhỏ.
Ngô Duy Thế cùng (trái) và phế binh Dương Văn Lân (phải) hư mắt trái - Ảnh 07/09/2022
Cũng nên biết, Làng Phế binh Thủ Đức được chính phủ Tân Tây Lan và các hội đoàn thiện nguyên quốc tế như Hồng Thập Tự Quốc Tế tài trợ. Làng có khoảng ba ngàn nóc gia được xây dựng bằng vật liệu nhẹ từ năm 1969 và đến năm 1971 thì xong. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời đó dự trù sẽ đưa từ ba đến bốn ngàn người, gồm các thương phế binh và gia đình, vào đây cư ngụ. Trước ngày 30/4/1975, Làng Phế Binh đã qui tụ được khoảng hai ngàn người.
Có thể nói Làng Phế binh Thủ Đức là một đại gia đình, với những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến từ khắp nơi gồm đủ mọi binh chủng : từ hải quân, không quân, bộ binh, địa phương quân, pháo binh đến những lực lượng chuyên nghiệp như nhảy dù, biệt kích, biệt động quân, thủy quân lục chiến, thiết giáp, truyền tin…
Nhưng không hạnh phúc nào kéo dài lâu. Như một qui luật, hết hồi thái lai tới cơn bỉ cực. Tháng Tư đen chụp xuống bầu trời miền Nam, quân cộng sản tràn vào Làng Phế binh Thủ Đức ngày 30/4/1975. Những ngày sau đó, quân du kích cộng sản và bộ đội miền Bắc vào chiếm đóng những ngôi nhà vắng chủ, họ cho tụ tập những gia đình còn lại và thông báo phải rời bỏ khu làng này trong thời gian ngắn nhất, vì đây là nơi chính quyền "ngụy" đã "cướp đất của dân xây nhà cho những tay sai phục vụ đắc lực cho chế độ ngụy cư ngụ bị thương tật".
Chỉ một thời gian ngắn sau, những gia đình phế binh hàng xóm của anh trước kia, người thì bỏ về quê, người ra thành thị sinh sống, kẻ khác thì đi lên vùng Kinh tế mới. Còn những người khác, kẻ thì bị bắt hay mất tích, người thì biệt âm vô tín, hay đã chết.
Cho đến nay, hơn 41 năm sau (1975-2022), Làng Phế binh Thủ Đức chỉ còn lại vài gia đình phế binh, trong số đó, nhiều người đã hợp tác với chế độ mới để được yên thân, chấp nhận hóa giá nhà để được cho ở lại, nhiều người khác khá giả hơn không những đã hóa giá nhà mà còn được gia đình giúp đỡ xây được nhà cao cửa rộng. Riêng gia đình phế binh Ngô Duy Thế thì cư ngụ trong tình trạng "bất hợp lệ" vì không chịu hóa giá, do đó không được cấp giấy chủ quyền, tức Sổ đỏ. Lý do thực sự là gia đình không có đủ tiền để mua lại căn nhà của mình dưới danh xưng hóa giá, do đó căn nhà dù đã được cấp vô thường trước đó dưới thời Việt Nam Cộng Hòa không được chính quyền mới nhìn nhận và vẫn thuộc chủ quyền của Nhà nước. Chỉ khi nào chịu hóa giá, nghĩa là phải đóng một số tiền lớn cho chính quyền địa phương, thì chủ nhân cũ mới được quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, theo Chương 2, Điều 7 của Nghị định 61-CP ngày 5/7/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở : "Giá bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê gồm giá nhà ở khi chuyển quyền sử dụng".
Và đây là mục đích chính của bài mà tôi muốn gởi đến cộng đồng người Việt hải ngoại : Phải cứu phế binh Ngô Duy Thế !
Làng Phế Binh Thủ Đức ngày nay đang biến thành một khu phố sầm uất, không có chỗ cho một gia đình nghèo, nhà cửa ọp ẹp đang "làm mất mỹ quan khu phố" như căn nhà số 243 (bên trái)
Tại sao "Phải cứu phế binh Ngô Duy Thế" ?
Trước hết phải nói rõ : hiện nay ở trong nước còn khoảng vài ngàn gia đình thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, tại sao chỉ giúp một mình gia đình thương phế binh Ngô Duy Thế ?
Ngô Duy Thế không phải là người lính trong một gia đình có đông anh em như binh nhì Ryan. Anh là gia đình phế binh duy nhất còn cư ngụ trong Làng Phế Binh Thủ Đức, ngày nay đang biến thành một khu phố sầm uất, không có chỗ cho một gia đình nghèo, nhà cửa ọp ẹp đang "làm mất mỹ quan khu phố".
Trước áp lực của những người dư tiền ở Sài Gòn, Làng phế binh Thủ Đức đã trở thành mảnh đất béo bở mà những người có thế lực muốn chiếm hữu để xây thêm nhà cao cửa rộng. Những gì mang tính chất Làng phế binh xưa kia đều bị xóa bỏ, trừ căn chòi nhỏ bé và ọp ẹp của gia đình Ngô Duy Thế. Có thể nói căn chòi này là "Bảo tàng thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa" còn sót lại, và nếu chúng ta không làm gì cả thì vết tích của một thời yêu thương và thù hận sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn trong ký ức của những người miền Nam Việt Nam.
Giữ gìn "Bảo tàng thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa" còn sót lại này, do đó, là nghĩa vụ lương tâm và trách nhiệm chung của chúng ta, những người đã từng một thời sinh sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đã từng chiến đấu, xây dựng và đã cùng chia sẻ nỗi đau niềm vui trong suốt quãng đời đã qua.
Phải cứu phế binh Ngô Duy Thế để bảo vệ dấu tích của một thời đau thương và đùm bọc của chế độ Việt Nam Cộng Hòa !
Phải cứu phế binh Ngô Duy Thế để con cháu chúng ta còn có cơ hội đến thăm và tìm hiểu thêm sự hào hùng và nỗi lòng của người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Phải cứu phế binh Ngô Duy Thế để làm tròn trách nhiệm của lương tâm, của những người đã may mắn ra khỏi cuộc chiến một cách lành lặn và thành công trong cuộc sống mới tại các quốc gia tự do và dân chủ nhất trên thế giới. Số tiền mà vợ chồng anh Thế đã dành dụm được trong cuộc đời phế binh để nuôi con đều trút vào chi phí chữa bệnh cho chị Bích. Vợ anh Thế, chị Đỗ Thị Bích vừa qua đời tháng 11/2021 vì bệnh ung thư máu. Bây giờ gia đình anh Thế chỉ còn hai người : anh và cháu Ngô Đỗ Duy Nguyên. Anh Thế năm nay đã 72 tuổi, phế binh, không còn gì để nuôi con và chỉ mong được giữ lại căn nhà, "Viện bảo tàng Làng phế binh" của chúng ta.
Anh Thế năm nay đã 72 tuổi, phế binh, chỉ mong được giữ lại căn nhà số 243, đường 9, phường Phước Bình, quận 9, thành phố Thủ Đức, có thể được gọi "Viện bảo tàng Làng phế binh" của chúng ta.
Và sau cùng, phải cứu Ngô Duy Thế vì sự hào hùng bình dị của một người lính. Mặc dù bị thương ở tuổi 18 và trở thành tàn phế 40% vào tuổi 20, Ngô Duy Thế không hề trách móc số phận hay ganh tị với những người còn lành lặn. Anh đã sống như một người lính và sẽ chết như một người lính đã làm tròn phận sự của mình với tinh thần bất khuất. Sự bất khuất của dân tộc Ukraine đã làm thế giới ngưỡng mộ, sự bất khuất của phế binh Ngô Duy Thế đã và đang làm cho những người Việt miền Nam mến phục. Một mình chống chọi với phong ba, tay không đối phó với bạo quyền. Giúp phế binh Ngô Duy Thế là bảo vệ sự hào hùng chung của chúng ta.
Cứu giúp phế binh Ngô Duy Thế bằng cách nào ?
Chương trình cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã được Bác sĩ Phan Minh Hiển phát động năm 1992. Đến năm 1998, được phế binh Ngô Duy Thế hợp tác, chương trình cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành một phong trào trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Sau khi quyển sách viết về thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa được phát hành năm 1999, "Những Mảnh Đời Rách Nát", phong trào cứu trợ thương phế binh đã được những hội cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và những tổ chức từ thiện Công giáo và Phật giáo trong nước đứng ra đảm nhiệm. Những trợ giúp này đã phần nào mang lại niềm vui, nhất là niềm an ủi không bị bỏ quên, của những thương phế binh trong nước. Quan hệ gắn bó giữa người Việt hải ngoại và anh em thương phế binh trong nước ngày càng gắn bó.
Trở lại trường hợp gia đình Ngô Duy Thế. Từ năm 2015 đến nay, chính quyền địa phương làm áp lực liên tục buộc phế binh Ngô Duy Thế phải hóa giá căn nhà đang ở mới được cấp quyền sở hữu, tức phải trả cho Nhà nước một số tiền khá lớn để mua lại căn nhà của mình. Riêng trong năm nay, 2022, chính quyền thành phố Thủ Đức càng đốc thúc gay gắt hơn vì áp lực của những người có tiền muốn xây cất thêm nhà mới.
Giấy triệu tập lần 3 năm 2015 để hóa giá nhà
Ngày 18/07/2022, Công ty Dịch Vụ Công Ích Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, đã gởi Giấy báo số 252/GB-CTY yêu cầu ông Ngô Duy Thế thanh toán số tiền nợ thuê nhà từ tháng 1/1979 đến tháng 12/2022, với một tổng số tiền kinh hoàng là 81.558.402 đồng (cf. Giấy báo).
Giấy báo triệu tập ngày 18/07/2022
Ngoài ra, trước đó, UBND phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức, đã đến báo cho gia đình Ngô Duy Thế biết căn nhà của anh Ngô Duy Thế trước kia được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấp vô thường không có giá trị và thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, vì là tài sản do "ngụy quyền" cấp. Muốn được "hợp pháp hóa", căn nhà này phải được hóa giá, nghĩa là phải qui ra thành tiền theo giá thị trường hiện hành. Khi được hỏi phải trả bao nhiêu thì phế binh Ngô Duy Thế tá hỏa !
Số tiền mà anh Thế phải trả để hóa giá căn nhà còn kinh khủng hơn rất nhiều lần số tiền "thuê nhà" nợ với Nhà nước : 400.000.000 đồng (theo thời giá hiện nay, và sẽ còn tăng nữa trong những tháng sắp tới). Tháng 3/2019, họ nhắn tin đòi 308.000.000 đồng, hai năm sau họ tăng thêm 100 triệu. Một số tiền vượt hẳn mọi tưởng tượng, nhất là với khả năng hạn hẹp của một phế binh.
Như vậy tổng cộng số tiền mà phế binh Ngô Duy Thế phải có để trả nợ và hợp thức hóa căn nhà của mình ngay lúc này là 481.560.000 đồng, khoảng 20.000 USD.
Đây là một số tiền quá lớn đối với gia đình phế binh Ngô Duy Thế và không có hy vọng nào có. Mục đích của nhà cầm quyền địa phương là muốn cưỡng chiếm miễn phí căn nhà này để sau đó bán lại với giá thật cao, hiện nay giá thị trường tại Làng Phế binh Thủ Đức là 25.000.000 đồng một mét vuông. Sức khỏe của phế binh Ngô Duy Thế lúc này suy sút mạnh, huyết áp tăng giảm thất thường (185/101 175/100 rồi xuống 133/82, 126/71) và anh không thể tập trung làm được việc gì vì quá lo âu và lo sợ cho tương lai của hai cha con.
Đây cũng là một số tiền khá lớn để huy động sự hưởng ứng của cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là để chỉ giúp một người. Nhưng đây là một thách đố, chúng ta phải tìm cách vượt qua !
Phải cứu phế binh Ngô Duy Thế bằng tiền để căn nhà không bị cưỡng chế.
Tìm đâu ra 20.000 USD và có thể tin Ngô Duy Thế không ?
Nếu mỗi cá nhân hay gia đình người Việt hải ngoại cho 100 USD, thì chỉ cần 200 ân nhân là đủ.
Nếu mỗi hội đoàn, hay tổ chức từ thiện quyên góp được 1000 USD, thì chỉ cần 20 hội mạnh thường quân cho là đủ.
Vấn đề là không ai có thể bỏ thì giờ hay công sức ra kêu gọi quyên góp và gởi cho anh Ngô Duy Thế. Giải pháp hay nhất là gởi thẳng về cho phế binh Ngô Duy Thế. Nếu có Mạnh thường quân hay tổ chức nào đảm nhận đứng ra kêu gọi thì càng quí hóa.
Theo suy nghĩ riêng, cuộc sống của chúng ta tại hải ngoại đã tương đối đầy đủ, chúng ta có thể cho nhiều hơn, như vậy số lượng người hay tổ chức cho sẽ ít hơn. Hoa Kỳ, Canada, Úc và của quốc gia Châu Âu có truyền thống giúp người cùng khốn. Những người thành đạt và giới nghệ sĩ phương Tây rất tích cực trong những công tác từ tiện và thiện nguyện. Chắc chắn những người thành đạt và giới nghệ sĩ gốc Việt tại Mỹ, Canada, Úc và Châu Âu không thua kém gì. Tôi tin rằng cộng đồng người Việt hải ngoại xứng đáng với niềm tin mà những người cùng khốn trong nước đã và đang trông cậy cho mình.
Một đặc điểm khác của cộng đồng người Việt tại Mỹ là các hội đoàn, nhất là các hội đoàn văn hóa và cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Với truyền thống giúp đỡ và khả năng vận động của những hội đoàn này, tin rằng chúng ta sẽ quyên góp được nhanh số tiền mà phế binh Ngô Duy Thế mong ước được có để hợp thức hóa căn nhà của mình và cũng là "bảo tàng viện phế binh" của chúng ta.
Về sự trung thực và lương thiện của Ngô Duy Thế, tôi có thể lấy danh dự cá nhân ra bảo lãnh. Từ khi biết Ngô Duy Thế năm 1998 đến nay, qua trung gian cố Bác sĩ Phan Minh Hiển, tôi chỉ thấy anh Thế bỏ công ra giúp những thương phế binh khác nhiều hơn là nhận vào. Ngô Duy Thế đã góp nhặt được hơn 6.000 thư và bài viết lẻ tẻ để gởi qua cho Phan Minh Hiển và tôi biên soạn lại thành "Những Mảnh Đời Rách Nát". Một mình Ngô Duy Thế đã thay mặt Phan Minh Hiển mang tiền đến cho cả ngàn thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa khác trong suốt hơn 20 năm qua, tổng cộng lại cũng phải trên 200.000 USD, nhưng Ngô Duy Thế đã không tơ hào một xu nào, nhà cửa Ngô Duy Thế vẫn nghèo nàn xác xơ, gia đình anh vẫn ăn uống thiếu thốn, vợ anh qua đời do không đủ tiền chăm sóc. Do đó, chúng ta có thể tin tưởng vào sự trung thực và lương thiện của phế binh Ngô Duy Thế. Chiến dịch giúp đỡ lần này là một cơ hội để chúng ta thể hiện tình liên đới đùm bọc một người lính tật nguyền nhưng vẫn bất khuất dù đang sống trong cơn nguy khốn.
Hơn nữa, để kiểm chứng sự trung thực và ngay thẳng, tôi có thể bảo đảm rằng phế binh Ngô Duy Thế sẽ viết thư đến từng ân nhân để cảm tạ sự ưu ái đã dành cho gia đình anh mỗi khi nhận được.
Gởi bằng cách nào ?
1. Qua trương mục ngân hàng : quý ân nhân có thể chuyển tiền về cho anh Ngô Duy Thế và con trai Ngô Đỗ Duy Nguyên bằng các hệ thống SWIFT hay PayPal.
1.1. TP Bank (Tiền Phong Bank) của Ngô Duy Thế
Số tài khoản : 07346262901
Tên tài khoản : NGO DUY THE
1.2. TP Bank (Tiền Phong Bank) của Ngô Đỗ Duy Nguyên (con trai của phế binh Ngô Duy Thế)
Số tài khoản : 05397430201
Tên tài khoản : NGO DO DUY NGUYEN
2. Gởi tiền trực tiếp về địa chỉ riêng :
Quý ân nhân có thể gởi tiền qua Bưu điện, Western Union, hay các công ty dịch vụ chuyển tiền Hoa Kỳ-Vietnam, Canada-Vietnam, Australia-Vietnam (vừa nhanh, rẻ và an toàn hơn) về đia chỉ :
Ngô Duy Thế
Nhà số 243, đường 9
Phường Phước Bình, quận 9
Thành phố Thủ Đức, Việt Nam
Số điện thoại và WhatsApp : +84 98 996 92 53
Một lời sau cùng
Cảm ơn phế binh Ngô Duy Thế.
Cảm ơn những cựu quân nhân, những mạnh thường quân ở khắp nơi.
Cảm ơn những tấm lòng còn nặng với quê hương, đồng bào.
Nguyễn Văn Huy
(07/09/2022)
Không có nhận xét nào