Header Ads

  • Breaking News

    Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp trong khu vực


    Trình độ học vấn thấp là một trong các yếu tố khiến Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia có năng suất lao động thấp nhất khu vực.
    Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa đưa ra báo cáo nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022.

    Theo đó, cơ quan này nhận định năng suất lao động của Việt Nam đang đối mặt với xu hướng giảm và đình trệ trong thập kỷ qua. "Hơn nữa, khi tiền lương chắc chắn tăng, Việt Nam sẽ mất lợi thế so sánh hiện tại về lao động giá rẻ trong các ngành đòi hỏi kỹ năng thấp và thâm dụng lao động", báo cáo nhận định.

    JICA đánh giá năng suất lao động của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 13,817 USD, chỉ bằng 8,7% của Singapore, 10,3% của Brunei, 23,2% của Malaysia, 41,2% của Thái Lan, 56,6% của Indonesia và 63,3% của Philippines.

    Có thể thấy, năng suất lao động của Việt Nam từ năm 2010-2019 chỉ cao hơn Timor-Leste, Campuchia và Myanmar.Theo cơ quan nghiên cứu, sự chuyển dịch lao động kém năng suất từ các hoạt động nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là một yếu tố chính góp phần vào tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đóng góp cận biên vào tăng trưởng năng suất từ quá trình chuyển đổi này gần như đã cạn kiệt.

    "Bên cạnh đó, quy mô của các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng là một rào cản đối với tăng trưởng năng suất. Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp hộ gia đình có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, do đó họ thiếu phương tiện kinh tế đáng kể để đầu tư và cải tiến công nghệ, thiết bị, tổ chức hoặc sản xuất", báo cáo chỉ ra.

    Đồng thời, kỹ năng của người lao động cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất của doanh nghiệp. Năm 2020, lực lượng lao động tốt nghiệp THCS trở lên chiếm 61,2% tổng số lao động. Trong khi đó, số lượng lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%.

    Có thể nói, trình độ học vấn thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam gần đây được xác định là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất trong khu vực.

    Theo JICA, hiện, khả năng hội nhập của người lao động Việt còn chưa cao, trình độ tay nghề còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0 (GCI 4.0) năm 2019 chỉ ra Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia về chỉ số GCI 4.0, nhưng chỉ xếp thứ 93 về kỹ năng, thứ hạng thấp nhất trong 13 chỉ số.

    Như vậy, cơ quan nghiên cứu đánh giá kỹ năng thấp có thể được coi là rào cản của người lao động Việt Nam trong thị trường việc làm 4.0 và là rào cản để Việt Nam hướng tới hội nhập toàn cầu trong tương lai.

    Do đó, Việt Nam cần cải thiện công tác giáo dục và đào tạo cho lực lượng lao động vì mục tiêu tăng năng suất lao động và từ đó cải thiện hiệu suất công nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của đất nước trong hội nhập toàn cầu.

    "Nâng cao kỹ năng của người lao động và tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu là một vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có những thay đổi đáng kể trong hệ thống nguồn nhân lực Việt Nam", Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản khuyến nghị.

    Không có nhận xét nào