Phần 1 : Các Đặc Điểm Của Từ Ngữ Tiếng Việt.
Phần 2 : Các Phương Thức Làm Giàu Từ Ngữ Tiếng Việt.
----------
I) Các Phương Thức Làm Giàu Từ Ngữ Tiếng Việt.
Với hành trang từ vựng rồi rào bao gồm từ Nôm và từ Hán Việt cùng với tính đơn giản, mềm dẻo của văn phạm, các biện pháp tu từ nhằm tạo từ ngữ mới dùng những phương thức sau:
1) Nhập Từ. Là sáp nhập từ của một cặp từ đôi để tạo một từ đôi mới, súc tích.
Vd: ‘Kích cầu’ = kích thích nhu cầu. Các thí dụ khác: ‘Danh giá’ là danh tiếng và giá trị. ‘Truy tra’= truy xét + tra hỏi. ‘Kính ngưỡng’ = kính trọng và ngưỡng mộ, ‘Tham tàn’ = tham lam + tàn bạo. ‘Phòng chống’ = phòng ngừa + chống trả. Quan ngại = quan tâm và lo ngại.
Gần đây nhất là một số từ phức mới : ‘Chuyên cơ’ = phi cơ chuyên biệt, là biệt cơ. ‘Thu dung’ = tiếp thu và dung nạp. ‘Tinh chỉnh’ là tinh vi + chỉnh tu. ’Di biến động’ = di dịch (xê dịch) về biến động. ‘Thận mật’ = thận trọng và cẩn mật. ‘Trang dung’ = trang điểm dung nhan (makeup). ‘Điều nghiên’ = điều tra + nghiên cứu, ‘Điều chuyển’ = điều động + chuyển công tác, ‘Trải nghiệm’ = những kinh nghiệm đã trải qua, ‘Bản ngữ’ = ngôn ngữ của dân bản địa, tiếng mẹ đẻ…
Phải có trình độ thâm nho để kết hợp các từ phức Hán Việt đã có nhằm tạo ra những từ mới.
2) Giản Từ. Là làm đơn giản một cặp từ đôi có cùng chung một từ đơn để tạo một từ phức mới, ví dụ: ‘thầy giáo’ và ‘cô giáo’ = ‘thầy cô giáo’, tương tự trong toán học: ax + bx = abx. Các thí dụ khác: ‘y bác sĩ’, ‘anh chị sui’, ‘thư họa sĩ’, ‘công nông lâm nghiệp’…
3) Giảm Từ. Là giảm bớt từ trong một từ phức mà vẫn giữ ý. Thí dụ: ‘Du sinh’ là du học sinh, ‘tiếp viên’=tiếp đãi viên, ‘tuyển VN’=đội tuyển VN, ‘vào viện’=vào bệnh viện, ‘bệnh viện nhi’ = bệnh viện nhi đồng, ‘tiền tuất’=tiền tử tuất, ‘thu phí’=thu lệ phí, ‘kính cận’ = kính cận thị, ‘vấn lớn’= vấn đề, vấn nạn lớn, ‘xe tải’ = xe vận tải, ‘theo chuẩn mới’ = theo tiêu chuẩn mới…
4) Hợp Từ là khâu quan trọng nhất. Là kết hợp 2 từ đơn làm thành một từ ghép hoặc một từ láy. Điều này đã được đề cập ở mục 1.2a và 1.2b phần 1.
+ Từ ghép ‘chính chính’. Điều nói thêm là có rất nhiều trường hợp ghép trong đó 2 từ miền Bắc và miền Nam đồng nghĩa đứng chung. Thí dụ : thóc lúa, lanh lẹ, điên khùng, khỏe mạnh, dẫm đạp, đón rước, lừa gạt, ngất xỉu, thuê mướn, dơ bẩn, cưng chiều, hù dọa, hư hỏng, khờ dại, kêu gọi, nón mũ, ô dù, tập dượt, sợ hãi, chà xát… Các từ miền Nam được gạch dưới.
+ Từ ghép ‘chính phụ’ luôn giữ vai trò tiên phong, chính yếu. Tiếng Việt dự trử nhiều từ đơn vô nghĩa như : ‘nàm, nảm, luôi, luối, luổi, chòn, chón, chõn’… song lại sử dụng các từ đơn đã có sẵn để đặt tên các sự việc, sản phẩm mới, Thí dụ : ‘Tủ lạnh’ (refrigerator), ‘xe cứu thương’ (ambulance), ‘lưỡi lê’ (bayonet), ‘tên lửa’ (rocket, missile), ‘nhà xác‘ (mortuary), xe ôm’, ‘cơm bụi’, ‘chém gió’, ‘tự sướng’, ‘ném đá’, ‘đấu đá’, ‘cháy chợ’...
Cách ghép từ này rất logic khiến từ điển Việt vẫn phong phú bất tận mà không cần tạo từ đơn mới. Điều này rất thuận lợi cho người nước ngoài học tiếng Việt.
Các từ đơn mới chính hiệu rất hiếm, vd: phượt, chảnh... song có nhiều nếu đến từ tiếng nước ngoài, vd: ba, băng, bi, bia, bo, bom, bót, bồi, bơ, ca, cáp, cú, ga, jíp, jin, kem, két, kit, líp, lốp, lô, lơ, meo, phanh, phim, pin, sạc, séc, sên, sếp, sốc, sút, tem, típ, tua, tuýt, van, vít, viu, web, xăng, xeo, xích… Các từ đơn đa âm nhiều gấp bội: bít tết, ca vát, ôm lét, pơ luya, pích cóp, osin, ra gu, rumba…
Các từ đơn nôm như: ‘ăn, nói, nhà, cửa…’ đã tạo được rất nhiều từ ghép đa số là chính phụ. Thí dụ : ăn ảnh, ăn khách, ăn sương… nói bóng, nói leo, nói suông, nói trạng… nhà cái, nhà chứa, nhà đòn, nhà pha… cửa tử, cửa ải… diễn tả thâm thúy mọi góc nét đời sống tinh thần và vật chất.
+Từ láy giữ số lượng hầu như không tạo thêm từ láy mới, hoặc không đáng kể.
II) Các Thành Tựu..
Trong các thập niên vừa qua tiếng Việt đã có thêm hàng loạt từ ngữ mới phản ánh các nhu cầu trong cuộc sống có nhiều thay đổi.
1) Một số các từ ngữ là dễ gặp, vd : Nhất trí, quán triệt, kiên định, quá trình, cảnh báo, tham quan, đối tác, nghị quyết, quyết sách, đề xuất, đả thông, thi đua, tất yếu, hộ khẩu (hộ=nhà, cửa), hộ chiếu (passport, hộ=hộ vệ, chiếu=chiếu cố), hạch toán, khẩn trương, quy trình, kiều hối, khắc phục, chỉ đạo, chỉ tiêu, tiêu chí, định hướng, dự kiến, ấn tượng, cơ bản, bài bản, đột phá, đánh giá, đẩy mạnh, học tập, nâng cao, tiếp thu, phát huy, trăn trở, rà soát, săm soi, nhạy cảm, nhanh nhạy, đong đếm, đơm đặt, đấu đá, đánh động, gán ghép, tháo gỡ, vướng mắc, bôi trơn, bước ngoặt, vô tư, bức xúc, sự cố, vấn nạn, kịch bản, đại trà, tư liệu, bươn chải, năng nổ, khiên cưỡng, nghiêm túc, đề cao, chủ quản, nội thất, lưu ban, cơ cấu, cơ chế, tồn tại, tác nghiệp…
Các từ đơn : kênh (băng tần), diện, khâu, chảnh, nổ, khủng, choáng, chui, bèo (rẻ như bèo) và các tiếng lóng của giới trẻ: bánh bèo (dễ khóc, nhõng nhẽo), gấu (người yêu), sửu nhi (cư xử như trẻ con), cá sấu (phụ nữ xấu)…
Nói chung những người có kiến thức nắm bắt dễ dàng những từ ngữ này, tuy mới song do những từ đơn quen cũ sắp ghép lại và nhiều từ cũng là từ cũ mà nay nổi bật được dùng thường xuyên.
Có những cung cách nói chữ cầu kỳ, văn vẻ, rất mới : người tham gia giao thông = người đi đường, lái xe đâm liên hoàn = đụng chuỗi nhiều xe, khu yêu cầu = phòng nằm trả tiền ở bệnh viện, khám dịch vụ khu chất lượng cao = trả nhiều tiền, mưa cực đại = mưa lớn kéo dài, nhiều xe bị thủy kích = ngập nước, giải phóng mặt bằng = giải tỏa đất, quan hệ đóng băng = lạnh nhạt, sự cố kỹ thuật = trục trặc, thuyền trưởng bóng đá = đội trưởng đội bóng đá, dẫn bóng solo, toát mồ hôi lưỡi...
Đồng thời có những lối nói hài, tếu, chơi chữ, láy vần : yết kiêu vừa chứ, lỗ tấn to rồi, chớ hồng lâu mộng, vô lý thường kiệt… hoặc: buồn như con chuồn chuồn, đau khổ như con hổ, sát thủ đầu mưng mủ, thất bại vì ngại thành công, cái khó ló cái ngu, bộ đội phải chơi trội, hoành tráng... nói túm lại tui bít rùi, bùn quá.
2) Có các từ ngữ được dùng với nghĩa rộng, vd : hải quan, chế độ, quản lý, xử lý, chạy sô, khẩn trương, bồi dưỡng, thống nhất, tranh thủ… ‘Tranh thủ’ là nhân tiện. ‘Thống nhất’ có thêm nghĩa là nhất trí. ‘Bồi dưỡng’ là cho tiền ‘tip’. ‘Khẩn trương’ ngoài nghĩa bức rức lo lắng, căng thẳng lại thêm nghĩa nhanh gấp. Hải quan nay bao gồm phi cảng, cửa khẩu.
Chế độ, xử lý, quản lý, chạy sô thì nay áp dụng vào mọi sự việc.
Điển hình nhất là các từ ngữ: ‘xử lý, hoành tráng, phản cảm’.
Trước chỉ là xử lý văn bản, nay xử lý đủ mọi thứ: ùn tắc xe cộ, xử lý nước thải, vết thương…
Hoành tráng để chỉ một kiến trúc, nay để chỉ một bữa tiệc, một đám cưới, một sai lầm…
Trước nói ăn mặc hở hang, nói năng tục tĩu, hành xử thô lỗ… nay gộp chung là phản cảm.
Cách dùng từ ngữ này là táo bạo song rất sáng tạo và gợi hình, gợi cảm khi đem từ ngữ trong địa hạt này qua sử dụng ở địa hạt khác, với các phép ẩn dụ, hoán dụ… trong thi văn.
Tuy vậy cần thận trọng, tránh dùng bừa bãi chữ nghĩa không phù hợp, chẳng hạn nói “mẹ tôi tranh thủ (cố sức) đi nhanh để kịp báo cáo (báo tin) cho chị em tôi…”, hoặc bà ‘quản lý’ (chăm nuôi) ông tốt, đang nằm viện, hay ngay cả là bà ‘bảo quản’ ông tốt...
3) Đa dạng lối diễn tả. Thí dụ đã có nguyên nhân, nguyên do, nay thêm ‘nguyên lai’. ‘Phục thị’ thêm vào cho phục vụ. ‘Truy nã’ nay thêm truy vấn, truy bức, truy tra, truy xét, truy lùng, truy quét… ‘Giải’ thì có hòa giải, giải cứu, giải tỏa, giải trình, kiến giải, lý giải… ‘Quy’ thì thêm quy trình, quy hoạch, qui chụp, quy chuẩn, quy kết... ‘Chuẩn’ ngoài chuẩn bị, phê chuẩn cũ, nay thêm chuẩn mực, chuẩn mức, tiêu chuẩn (vd: chuyên cơ), chuẩn xác. Đã có sáng tạo, sáng tác nay thêm ‘chế tác’, công tác có thêm ‘tác nghiệp’, ‘đề nghị, đồng ý, hợp lệ’ có thêm đề xuất, nhất trí, đúng quy trình, đã có diễn đạt, thêm ‘diễn ngôn’, đánh thuế có thêm ‘áp thuế’...
Trăm hoa đua nở, từ vựng phong phú cho phép chọn từ ngữ phù hợp hoàn cảnh của sự việc.
Hãy xem Nguyễn Du viết truyện Kiều, từ ngữ rất phong phú, khéo chọn chữ.
4) Nhiều danh xưng được thay thế. ‘Hải quan’ thay thế Quan thuế. Hộ chiếu = sổ Thông hành. Chứng minh nhân dân nay đổi lại là Căn cước công dân. Hộ khẩu = sổ gia đình. Biên chế = chính ngạch. Diễu binh = diễn binh (diễu, từ thuần Việt=đi ngang qua, diễn=biểu diễn). Thuế thu nhập = thuế lợi tức. Kiều hối = ngoại tệ, đại trà = quy mô, kênh = băng tần, diện = thanh phần, khâu = bước, đề xuất = đề nghị, giáo vụ = học vụ, hộ lý = y công, chủ nhiệm bộ môn = trưởng khu, trợ lý = phụ tá, phòng tài vụ = phòng tài chính, bang = tiểu bang, lao động = công nhân, sàn diễn = sân khấu, ngoại hình = hình dáng, cò mồi = dắt mối, tàu ngầm = tiềm thủy đỉnh, tên lửa = hỏa tiễn. Từ ‘động viên’ trước kia là đi lính quân dịch = nghĩa vụ quân sự, được giữ lại song chuyển nghĩa là khuyến khích. Chữ ‘quân dịch’ thì bỏ hẳn.
Các thí dụ tất nhiên rất nhiều bởi vì cùng một ý, có nhiều cách diễn tả, huống hồ tiếng Việt có thêm các từ Hán Việt. Từ trước ‘vị tinh’ ngoài Bắc gọi ‘mì chính’, trong Nam là ‘bột ngọt’.
Bắc gọi : bắt nạt, giận, một giờ, đi đón con, ném quả bóng, viết thư, bao diêm…
Nam kêu : ăn hiếp, sùng, một canh giờ, đi rước con, thảy trái banh, biên thơ, hộp quẹt…
Một số từ và hỗn từ được ưa chuộng vd : ‘trải nghiệm’, nhiều lúc được dùng thay thế kinh nghiệm, thể nghiệm, ‘góa phụ’ thay thế quả phụ, ‘chỉnh sửa’ thay tu chỉnh. Và : giọng ca đẹp, xe ùn tắc, rét cực đoan, chạm sàn, đến đỉnh điểm, vượt đỉnh, chạm trần, chuẩn không cần chỉnh.…
5) Các từ ngữ về khoa học, kỹ thuật chuyên môn thuộc lãnh vực sử dụng của mỗi ngành, thí dụ Sinh vật học thì có các thuật ngữ như họ, loài, giống, bộ, lớp, ngành, đột biến, di truyền, kháng thể, kháng nguyên, miễn dịch, phân bào, đơn bào, đa bào…
Đặc biệt các từ ngữ về địa hạt vi tính và internet là phổ cập rộng rãi nhất trong mọi giới, dưới hình thức dịch thuật hoặc để nguyên trạng nếu đơn giản.
Điển hình như sau : Mạng= In-tơ-nét (Internet, tiếng Trung= hỗ liên võng), trình duyệt, đăng nhập, truy cập, lập trình, giao diện, nhập mã, giải mã, căn chỉnh, cài đặt, hộp thoại, trực tuyến… net, tweet, insta, face book, câu view…
Một số từ ngữ về các dịch vụ phổ thông cũng dính dáng đến Internet: mua/học online, cà/quẹt thẻ, thẻ tín dụng, chạy xe grab, mua combo, tour du lịch, selfie, i-phone, viu (view) và linh tinh: xeo (sale), neo (nail), meo (mail), mu (move), wic kèn (weekend), đi gym…
III) Các Nhận Xét.
1) Trong quá khứ tiếng Việt đã chấp nhận một số từ Hán di dân theo diện ngôn ngữ. Kết quả là vô số từ phức hỗn hợp đã hình thành. Mới đây nhất có những thí dụ thời thượng liên quan đến các từ quen thuộc: ‘sĩ, tặc, cưỡng’.
+Từ ‘Sĩ’, đã tạo những từ phức hỗn hợp ‘sáo sĩ’, ‘ngâm sĩ’, ‘bầu sĩ’… để chỉ những nghệ sĩ thổi sáo, ngâm thơ, gảy đàn bầu... ‘Ngục sĩ’, tuy ‘ngục’ là từ Hán Việt.
+Từ ‘Tặc’có ‘vàng tặc’, ‘gỗ tặc’, ‘băng tặc’, ‘hôn tặc’ để chỉ kẻ cướp vàng, gỗ, nhà băng, hôn ẩu… ‘Đinh tặc’, ‘đinh’ cũng là từ Hán Việt song ‘đinh tặc’ chỉ kẻ rải đinh trên lộ. ‘Cẩu tặc’ từ trước vẫn là từ ngữ dùng để thóa mạ những kẻ phản bội, bất trung, nay đơn giản là kẻ trộm chó.
+Từ ‘Cưỡng’. ‘Cưỡng hôn’, từ Hán Việt chỉ sự cưỡng ép hôn nhân, nay là một hỗn từ có nghĩa là hôn bừa, hôn hít ẩu, (‘hôn’ là từ Nôm). Hôn nhân=hôn tặc là kẻ hôn ẩu, sách nhiễu tình dục.
+Hỗn từ cũng bao gồm các từ Pháp, Anh : băng tặc, trưởng ga’, ‘thụt két’, ‘bếp ga’, ‘cực sốc’, ‘siêu hot’, ‘trực gác’, ‘lướt Web’, ‘phim ảnh’, ‘bida ba băng’, ‘cơ thủ’. Từ ‘cơ’ là do chữ ‘queue’ (Pháp, đọc là ‘cơ’) hoặc ‘cue’ (Anh, là cái gậy dài để thọc quả bida), bộ test kit…
2) Không ít các từ đôi bị săm soi, phê phán. Chỉ kể một vài thí dụ :
--Từ đôi “Chung cư” bị chỉ trích vì ‘chung’ 終 chữ nho có nghĩa là cuối, hết, chết (chung kết, mệnh chung). “Chúng cư”众居, chúng = đông, nhiều người, cư = ở, được khuyến cáo sử dụng để thay thế.
Song le ‘chung’ là từ nôm. Chung cư, hỗn từ, là nhà ở chung, cư xá.
--“Câu kết” và ‘cấu kết’. Trong mọi từ điển Hán Việt đều viết ‘câu kết là đúng. Chữ ‘câu ’勾 gōu có nghĩa là đánh dấu móc và ‘câu kết’ là vào hùa với nhau, thông đồng. Chữ ‘cấu’ 构 gòu có một nghĩa là hòa theo, kết lại, cơ cấu.
Trong các từ điển tiếng Việt, vd: Từ Điển Tiếng Việt. Dictionary (vdict.pro) hoặc Từ điển Việt- tra từ.soha.vn, đều viết : “Câu kết là thông đồng, phe cánh. Đồng nghĩa với Cấu kết”.
Điều này chứng tỏ tiếng Việt sử dụng từ Hán Việt xử lý theo sở thích của mình. Thí dụ hay sửa đổi, tiếng Trung nói trước : ‘đồ thư quán, âm nhạc gia, âm nhạc giáo sư, nhạc đội chỉ huy’ thì tiếng Việt nói sau, rút ngắn gọn: ‘thư viện, nhạc sĩ, nhạc sư, nhạc trưởng’. Hoặc khác hẳn, tiếng Trung : điện thị, tuyển dân, sở đắc thuế… thì tiếng Việt là : truyền hình, cử tri, thuế thu nhập
Tiếng Trung dùng chữ ‘câu kết’, tiếng Việt tạo thêm chữ ‘cấu kết’ mạnh nghĩa hơn.
Tiếng Việt không cần thiết bám sát tiếng Trung, vd: ‘ấu trĩ viên’, mà chọn chữ ’mẫu giáo’.
--Các từ đôi ‘sử dụng’/‘xử dụng’, ‘phản ánh’/‘phản ảnh’, ‘chia sẻ’/‘chia xẻ’ rất thường gặp.
Chữ sử 使 có nghĩa đề cử, dùng, sai khiến. Chữ xử 处 có nghĩa đắn đo, xử, xử trí.
Chữ ‘ánh’ như trong ánh nắng, ánh trăng. ‘ảnh’ như trong hình ảnh.
Chữ ’sẻ’ từ nôm là chia, như chia/san sẻ ngọt bùi, ‘xẻ’ là cắt đứt để phân chia.
Thành ngữ là ‘nhường cơm sẻ áo’ không thể là ‘xẻ áo’, song sau Thế chiến 2, một nước Đức bị chia xẻ/cắt thành đôi. Mười hai sứ quân đã ‘chia năm xẻ bảy’ nước ta các năm 944-968. ‘Vầng trăng ai xẻ làm đôi - Kiều’.
Do đó tùy theo tình huống, mức độ mà từ ngữ thích hợp được chọn dùng. Thí dụ ta nói : bài viết phản ảnh đúng sự thật, xử dụng quyền làm cha. Đối xử công bằng. Xử dụng hình cụ...
‘Sử dụng’ là từ ngữ tiếng Trung. ‘Xử dụng’ là từ ngữ của tiếng Việt dùng thêm đã lâu. Các từ điển Hán Việt ra đời đầu tiên trong thập niên 1930 đều chép lại từ ‘sử dụng’ = dùng của tiếng Trung khiến từ đôi ‘xử dụng’ = dùng phải dần dà nhường bước. Đúng ra ít nhất khi có hàm ý đắn đo, xét xử thì nên dùng ‘xử dụng’. Từ ‘xử’ rất quen thuộc, có nhiều từ ghép : hành xử, cư xử, ứng xử, đối xử, xử thế, xử dụng, xử trí, xử sự, xử lý, phân xử... Từ ‘sử’ chỉ có sử dụng.
--Các từ đôi ‘sáp nhập’ hay ‘sát nhập’, ‘cứng cáp’ hay ‘cứng cát’? Tiếng Việt chấp nhận tất cả.
Tiếng Trung dùng từ ‘hội tính’ 合并 = sáp nhập, sát nhập. Các từ đơn: ‘hội’ là tụ họp, ‘tính’ là hợp lại, ‘sáp’= cắm vào, và ‘sát’= giết (diệt rồi nhập).
‘Cứng cát’ xem ra là một từ láy, ‘cứng cáp’ cũng vậy nên chọn thế nào cũng được.
--‘Xán lạn’ 灿烂 là từ Hán Việt thỉnh thoảng được dùng, phải cắt nghĩa : Xán = rực rỡ, lạn = sáng sủa. Nếu viết là ‘sáng lạn’ thì đó là một hỗn từ hợp lệ, ‘sáng’ là từ nôm + ‘lạn’ là từ Hán Việt.
Tiếng Việt không cứ phải theo sát tiếng Trung. Như đã biết, hiện giờ tiếng Việt không thể nói ‘đinh ninh’ là dặn dò, ‘khốn nạn’ là khó khăn, ‘tử tế’ là tỉ mỉ…
Từ ‘xán lạn’ khó rõ nghĩa, tiếng Việt đã sáng tạo từ đôi ‘sáng lạn’ nghe hay và dễ hiểu.
‘Tham quan’= đi thăm và ‘thăm quan’ cũng trường hợp như trên và như hỗn từ ‘chung cư’.
--‘Cục’ 局 jú đọc là ‘cục’ hoặc ‘cuộc’. ‘Rốt’ = cuối (một trai con thứ rốt lòng - Kiều) và ‘rút’ = lấy ra như rút kinh nghiệm. Rốt và rút đều là từ nôm. Do đó các từ đôi Hán Việt : chung cục/cuộc, kết cục/cuộc và từ đôi Hán Nôm : rốt cục/cuộc, rút cục/cuộc đều dùng được.
--Các phê phán đa số nhằm vào cách dùng sai nghĩa từ Hán Việt, thí dụ nhầm lẫn giữa ‘quá trình’ và ‘tiến trình’, ‘hoàn thành’ và ‘hoàn thiện’, ‘biểu diễn’ và ‘trình diễn, ‘chất lượng’ và ‘phẩm chất’… Song le lắm lúc dù sai nhưng được nhiều người dùng lâu ngày cũng thành đúng.
3) Sự tồn vong của các từ phức được tạo là tùy thuộc sự phán xét của công luận.
Thí dụ từ “Chung cư’ bị chỉ trích vì là một hỗn từ song rốt cuộc vẫn được dùng vì quen thuộc, đã đi vào tập quán. Từ ‘Chúng cư’ lạ lẫm, tuy đúng, được một số học giả và báo chí nhiệt tình khuyến nghị vẫn bị công chúng bỏ rơi, không đoái hoài.
Những từ khẩn trương, xử lý, quản lý, sự cố, vấn nạn… với nghĩa rộng đều được chấp nhận. Từ ngữ ‘hơi bị + tính từ’, vd: ‘hơi bị đẹp’ khiến câu nói có vẻ hóm hỉnh nếu dùng đúng lúc.
____
Kết luận.
1) Tiếng Việt tuy đơn âm tiết song khả năng làm giàu từ vựng rất lớn đáp ứng được tất cả mọi tình huống, chẳng kém một ngôn ngữ tiên tiến nào. Ngôn từ Việt Nam rất giàu chất biểu cảm.
2) Tiếng Hán Việt được kể như là một nửa tài sản của ngôn ngữ tiếng Việt.
Tuy nhiên tiếng Việt sử dụng từ gốc Hán khôn khéo và sáng tạo a) tạo từ ghép riêng, vd: ca sĩ thay vì ca thủ, b) kết hợp hài hòa từ Nôm và Hán để tạo những hỗn từ, vd: giảng dạy, xét xử.
Trên thực tế nếu biết nghĩa của mỗi từ đơn, dù không biết cách viết ra chữ nho thì cũng đã có khả năng chế tác ra những từ ngữ phức mới có liên quan đến các từ Hán. (1).
3) Thái độ của mỗi người nhiệt tình hoặc lạnh nhạt về sử dụng nhiều ít các từ ngữ cũ và mới có khác biệt. Có những yếu tố thời gian và không gian. Người Pháp hiện tại không dùng ngôn ngữ thời các đại văn hào Corneille, Molière thế kỷ 17. Vua Khang Hi (nhà Thanh) không thể đang xem truyền hình, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ đeo tay. Đó gọi là sai niên đại (anachronism).
Có những chuẩn mực về sử dụng từ ngữ tiếng Việt được sự đồng thuận.
Tránh lạm dụng sử dụng từ Hán Việt để đảm bảo độ thuần Việt và dễ hiểu trong tiếng Việt.
Trong bài thơ ‘Thu Điếu’ (Mùa thu câu cá) tám câu bảy chữ, tổng cọng 56 chữ của Nguyễn Khuyến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…” chỉ có 3 từ Hán Việt: ‘ao thu, ngõ trúc, khách vắng teo’.
Nếu dùng tiếng Hán Việt với tỷ lệ cao thì ngôn từ sinh ra kiểu cách, phản cảm. Sự hiện hữu các hỗn từ giúp làm nhẹ ảnh hưởng các từ Hán : dùng chỉnh sửa thay vì ‘chỉnh tu’, trải nghiệm thay thế ‘kinh nghiệm’, sáng lạn thay thế ‘xán lạn’, thăm quan thay thế ‘tham quan’… Và đơn chiếc = ‘đơn độc’, in ấn = ‘ấn loát, sức lực = ‘lực khí’, tuyển chọn = ‘tuyển bạt’, vụ việc = ‘sự vụ’…
Nói tiếng Việt xen lẫn quá nhiều tiếng Anh, Pháp cũng thấy kỳ cục, nghe chói tai.
Các truyện dài ngắn đang xẩy hoặc có bối cảnh đủ xa trong quá khứ, tất nhiên phải viết sử dụng các từ ngữ phù hợp với thời điểm và không gian, tức là vùng, địa điểm đã xẩy ra câu chuyện.
Sử dụng các từ ngữ được gọi là mới cũng tuân theo các chuẩn mực trên.
Sử dụng đúng sắc thái biểu cảm, hợp phong cách, phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Chọn đúng chữ là mục tiêu trong những buổi ‘THẢ THƠ’ hào hứng. Các thi sĩ lắm lúc phải mất đến nhiều năm tháng để tìm ra được một chữ đắc ý cho bài thơ của mình.
4) Mọi người dân Việt đều mong muốn điều tốt cho tiếng Việt ngày càng phong phú, đa dạng.
Các từ ngữ tân tạo có thể rất tài tình, hình tượng, thâm thúy sống động song cũng có thể là tầm thường hoặc ngay cả lắm khi khó hiểu, lập dị, cường điệu, nói tóm lại là vô duyên, tào lao, phản cảm và nếu vậy sẽ bị công luận mổ xẻ nghiêm túc, sàng lọc, để rồi tự đào thải, lặng lẽ biệt tích.
Chúng ta luôn ghi công tất cả những người đã có đóng góp vào tiến trình làm giàu cũng như giữ gìn trong sáng tiếng Việt.
Lê Bá Vận.
Chú Thích.
(1) Một phương pháp tự học tiếng Hán lý thú.
Sách TAM THIÊN TỰ 三千字của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) soạn, dạy vở lòng cách viết, cách đọc và nghĩa của 3.000 chữ nho. Âm đọc và nghĩa tiếng Việt được viết thành những câu thơ 4 chữ theo vần, đọc lên như một bài vè khiến già, trẻ, lớn, bé ai nghe cũng dễ thuộc, dễ nhớ. Hiện nay sách vẫn được nhiều người sử dụng. Bắt đầu như sau :
天Thiên trời 地Địa đất. Cử cất Tồn còn. Tử con Tôn cháu. Lục sáu Tam ba. Gia nhà Quốc nước. Tiền trước Hậu sau. Ngưu trâu Mã ngựa... Sách kết thúc với: Cảnh răn Ác dữ. Tự chữ Từ lời.
Cũng có sách NGŨ THIÊN TỰ 5.000 chữ nho sắp xếp theo thể thơ Lục bát song học khó thuộc.
Thiên trời Địa đất Nhân người. Quần bầy Thứ mọi Loại loài Thành nên.
Phân chia Hạ dưới Thượng trên. Sinh sinh Kế nối Truyền truyền Cửu lâu.
Tự từ Tiền trước Hậu sau. Đạt thông Lý lẽ Thâm sâu Từ lời…
Không có nhận xét nào