BB Ngô
07/9/2022
Cả hai, là những phụ nữ nhan sắc và tài năng. Họ là hiện thân của cái đẹp và danh vọng, là biểu tượng của một thời văn hoá nghệ thuật rực rỡ. Từ California, người ở lại – Người Tình Không Chân Dung Kiều Chinh nhớ về người nay thành thiên cổ – Người Đẹp Bình Dương Thẩm Thuý Hằng.
Khi điện ảnh Việt Nam vẫn còn phôi thai, Kiều Chinh và Thẩm Thuý Hằng đã đi vào thế giới màn ảnh rộng, trở thành những tên tuổi lớn của nghệ thuật miền Nam và châu Á. Một người của điện ảnh, một người của điện ảnh và kịch nghệ. Tình bạn của họ bắt đầu từ đó. Cả hai có nhiều cơ hội gặp nhau, và khi gặp nhau thì rất chân tình vì “Thẩm Thuý Hằng là người rất cởi mở, rất dễ thương, lúc nào cũng nở nụ cười” – theo lời nữ tài tử Kiều Chinh kể lại, vài giờ sau khi bà nhận được tin Thẩm Thuý Hằng qua đời tại nhà riêng ở Sài Gòn, ngày 7 Tháng Chín năm 2022.
Thẩm Thuý Hằng (trái) và Kiều Chinh. Hình: Kiều Chinh
Một trong những vở kịch cuối cùng minh tinh Thẩm Thuý Hằng diễn trên sân khấu kịch Kim Cương là vở Lôi Vũ, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà soạn kịch Tào Ngu. Trong đó, như định mệnh đã định sẵn cho cuộc đời một giai nhân, bà vào vai Phồn Y – một người đàn bà nhan sắc nhưng bạc số (không phải bạc mệnh.)
Chính nhờ tính cách thật thà, chân chất mà Thẩm Thuý Hằng đã xây dựng một Phồn Y “mang đậm chất Sài Gòn” – theo lời nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. “Đó là một Phồn Y cam chịu, Phồn Y nạn nhân, Phồn Y không dùng mưu mô để từ vai trò người vợ nhỏ đã yêu con trai riêng của chồng. Đó là một Phồn Y nằm ngoài hình dung của Tào Ngu nhưng lại rất Sài Gòn,” đạo diễn Minh Ngọc nói khi vừa trở về từ Ohio, cũng trong ngày nhận được tin Thẩm Thuý Hằng qua đời.
Không như những diễn viên khác phần lớn sợ nhận vai “đào độc” hay “đào lẳng”, cho dù là vai chính của vở diễn như nhân vật Phồn Y, Thẩm Thuý Hằng đã không từ chối. Bà đã cùng với đạo diễn Minh Ngọc gặp bà Bảy Phùng Há để được chỉ dạy thêm cách thể hiện Phồn Y.
Nữ đạo diễn Minh Ngọc nhớ rất rõ, cái chân chất của minh tinh Thẩm Thuý Hằng là cái chân chất thật sự của người miền Nam, không mưu mô, tính toán , trời cho mình đẹp, mình cứ đẹp. Từ đó, cứ để những thăng trầm, oan khiên, tự nhiên rơi vào vai diễn, và khán giả đã thương yêu, nhớ đến bà.
Từ đây, có hiểu hình dung được vì sao trong ký ức của nữ tài tử Kiều Chinh,“Thẩm Thuý Hằng là người rất cởi mở, rất dễ thương, lúc nào cũng nở nụ cười”
Không cần phải suy nghĩ, cứ như sự việc mới ngày hôm qua, Kiều Chinh nói ngay khi tôi hỏi về một kỷ niệm khó quên của hai người phụ nữ đẹp, đó là Liên hoan phim Á châu lần thứ 11 tổ chức tại Đài Bắc vào Tháng Sáu năm 1964. Thời đó, có hai hãng phim lớn của Sài Gòn là Alpha Phim của ông Thái Thúc Nha và hãng phim của ông bà Mỹ Vân – Lưu Trạch Hưng. Alpha Phim làm việc với Kiều Chinh. Ông bà Mỹ Vân – Lưu Trạch Hưng làm việc với Thẩm Thuý Hằng. Mỗi lần có đại hội điện ảnh, hai hãng phim lớn tham dự cùng với hai cô tài tử của mình. Chưa có cơ hội làm việc cùng nhau trong phim ảnh trước đó, tình bạn của Kiều Chinh và Thẩm Thuý Hằng chỉ bắt đầu từ Liên hoan phim Á châu lần thứ 11, nhưng theo lời Kiều Chinh, là “tình thân nảy nở rất hồn nhiên và tốt đẹp.”
Sau đó, họ mới dịp đóng phim cùng nhau. Cuốn phim mà Kiều Chinh nhớ nhất là “Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ”. Phim đó của hãng Mỹ Vân, gần như hội tụ đủ những gương mặt của điện ảnh Sài Gòn lúc bấy giờ. Không những quay phim ở Sài Gòn mà còn quay ở Đài Loan.
Từ trái: Bà Mỹ Vân, Thẩm Thuý Hằng, bà Thái Thúc Nha, Kiều Chinh, ông Thái Thúc Nha tại Liên hoan phim Á châu lần thứ 11. Hình: Kiều Chinh
“Những chuyến đi xa như thế thì hai chị em chúng tôi rất gần nhau. Hằng rất hay cười, cứ luôn miệng ‘Chinh…Chinh…Hằng…Hằng…” Chị em chúng tôi gọi nhau bằng tên như thế” – nữ tài tử kể lại kỷ niệm ngày cũ bằng giọng nói của “những ngày vui bất tận”.
Thế rồi biến cố 1975 ập đến. Người Tình Không Chân Dung trở thành nghệ sĩ lưu vong. Người Đẹp Bình Dương chọn con đường ở lại. Họ không gặp nhau cho đến tận 20 năm. Năm 1995, Kiều Chinh về thăm quê hương, gặp lại Thẩm Thuý Hằng. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cho đến ngày Thẩm Thuý Hằng ra người thiên cổ.
Lúc đó, Thẩm Thuý Hằng gần như đã lui về ở ẩn, rời xa đèn sân khấu. Kiều Chinh nhớ lại, ra phi trường đón bà khi đó là Kim Cương, đạo diễn Lê Dân, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, nhưng không có Thẩm Thuý Hằng. Câu đầu tiên Kiều Chinh hỏi là “Hằng đâu?”
“Lát nữa Chinh sẽ gặp Hằng ở nhà Kim” – nghệ sĩ Kim Cương trả lời.
Lúc đó, Kiều Chinh biết bạn của mình sẽ không xuất hiện ở đám đông nữa.
Sự vắng mặt của biểu tượng nhan sắc Thẩm Thuý Hằng trong xã hội cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện nhiều “drama” về cuộc đời của bà. Báo chí từ lúc đó cho đến mạng xã hội bây giờ vẫn tìm cách khai thác cuộc đời và hình ảnh của bà bất cứ khi nào có thể. Những danh từ như “bi kịch”, “hậu quả”, “nỗi đau” được trao quyền thay bà nói lên cảm xúc của một người đã chọn pháp danh nhà Phật thay cho cái tên Thẩm Thuý Hằng trong những năm tháng cuối đời.
Kiều Chinh có thể nhắc, kể nhiều kỷ niệm với Thẩm Thuý Hằng, nhưng tuyệt nhiên bà hoàn toàn không nói đến những nỗi niềm đó. Nó như lời nguyện tâm giao, tôn kính của hai người bạn nghệ sĩ. Bà nói, “những gì xảy ra là một điều không may cho bạn của tôi, tôi không bao giờ muốn nói đến. Tôi chỉ nhớ về những kỷ niệm tốt đẹp của chúng tôi.”
Bà đặt câu hỏi, “nếu những điều không may đó xảy đến với chúng ta, chúng ta có muốn người đời, xã hội nhắc đến không? Hằng đã ở ẩn rồi, hãy để Hằng được yên.”
Năm đó, khi gặp lại Kiều Chinh sau 20 năm xa cách, khi được hỏi cuộc sống hiện tại, Thẩm Thuý Hằng đã nói bà chọn không xuất hiện trước công chúng nữa, thay vào đó là rút vào bóng tối cầu kinh niệm Phật. Kiều Chinh nhớ lại điều cuối cùng bà nói với Thẩm Thuý Hằng trước khi chia tay, đó là, “rất mừng vì Hằng có một niềm tin. Tất cả chúng ta, nhất là ở tuổi này, cần vô cùng phải có một niềm tin để dựa vào, cầu nguyện, hoặc để quên đi những gì không tốt đẹp trong cuộc sống.”
Trong tứ đại mỹ nhơn của Sài Gòn vàng son thưở đó, Thanh Nga là một tên tuổi lừng lẫy trong nghệ thuật cải lương. Kim Cương “cháy vé” trong làng kịch nghệ. Thẩm Thuý Hằng và Kiều Chinh là hai minh tinh màn bạc mà tên tuổi của họ, đặc biệt là tài tử Kiều Chinh, đã lan toả ở tầm vóc quốc tế. Nhưng, trên tất cả, giữa họ là một tình bạn chân thành và sâu lắng.
Như Kiều Chinh nói, “cái mà tôi nhìn lại, tôi thấy cái thời của chúng tôi đẹp lắm. Đối xử với nhau tử tế, quí mến, thành thật… Không biết nói làm sao, chỉ biết là khi nhìn lại dĩ vãng đó, mình thấy đẹp quá.”
Nếu tài năng và nhan sắc của họ vượt ra khỏi bản đồ nước Việt, thì những gì đẹp đẽ họ có với nhau, đã vượt không gian và thời gian, vượt cả cánh cửa của tuyền đài và trần thế.
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” từ ngàn xưa vốn là thế.
Không có nhận xét nào