Header Ads

  • Breaking News

    Joseph Stiglitz*: Nước Mỹ có thể đang trên con đường tiến tới chủ nghĩa phát xít

    Nguồn: Anja EttelHolger Zschäpitz, “Atomkraft zurückholen, Fracking starten – Deutschland muss pragmatisch handeln”, WELT, 25/08/2022

    Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

    31/8/2022

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/08/Stiglitz.jpg

    Trong một cuộc phỏng vấn với WELT (Thế giới), Joseph Stiglitz khuyên nước Đức nên cởi mở hơn về các giải pháp năng lượng thay thế và để giảm nhẹ nỗi lo lắng của người tiêu dùng. Ngoài ra, người đoạt giải Nobel cũng giải thích điều gì sẽ xảy ra ở châu Âu nếu Mỹ thực sự đang trên con đường tiến tới chủ nghĩa phát xít.

    Trước đó chúng tôi chỉ đề nghị một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng 15 phút với Joseph Stiglitz tại cuộc họp năm nay của những người đoạt giải Nobel Kinh tế ở Lindau. Nhà kinh tế Hoa Kỳ được trao giải Nobel năm 2001 đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với chúng tôi về chiến tranh và lạm phát.

    Đáng ngạc nhiên là Stiglitz lại tin vào châu Âu hơn là về quê hương Hoa Kỳ của ông. Ông khuyên chính phủ Đức hãy hành động một cách thực dụng hơn.

    Hỏi: Ngân hàng Trung ương Đức và các tổ chức khác cho rằng tỷ lệ lạm phát của Đức đến mùa thu này sẽ ở mức hai con số. Điều này có làm ông ái ngại lắm không?

    Đáp: Tất nhiên, không ai muốn lạm phát cao như vậy. Một trong những lý do quan trọng nhất cho điều này là chiến tranh, mà không ai biết khi nào nó sẽ kết thúc. Nhưng khi nó kết thúc và nguồn cung năng lượng bắt đầu tăng trở lại, không có lý do gì khiến lạm phát không tiêu tan.

    Hỏi: Điều đó nghe có vẻ thoải mái một cách đáng ngạc nhiên. Ông đã cảnh báo vào tháng 5 rằng đợt lạm phát này có thể còn tồi tệ hơn hồi những năm 1970.

    Đáp: Đúng thế. Nhưng ở Mỹ, tỷ lệ lạm phát tính theo tháng gần đây đã giảm về 0, và chúng tôi đã vượt qua đỉnh lạm phát. Điều này là do các động lực quan trọng nhất dẫn đến lạm phát từ lâu đã giảm, hơn hết là trong lĩnh vực xe ô tô. Ngay cả khi giá không giảm, chẳng hạn như với lương thực, Hoa Kỳ và Châu Âu có thể điều chỉnh các chính sách nông nghiệp để sản xuất nhiều hơn. Điều này cũng sẽ có tác động làm giảm giá.

    Hỏi: Ông không sợ rằng sẽ có một vòng xoáy giá cả và tiền lương leo thang sẽ diễn ra trước đó?

    Đáp: Tôi thấy một loạt động lực giảm giá ngày càng phát huy tác dụng. Ngay cả trên thị trường tài chính, kỳ vọng lạm phát hiện đang dao động trong khoảng 3 đến 4%. Mức này cao hơn trước đây, nhưng cũng tương đương những gì chúng ta đang thấy về lạm phát.

    Hỏi: Nếu vậy thì có vẻ như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không cần làm bất cứ điều gì để chống lạm phát? 

    Đáp: Tôi không có vấn đề gì với việc đưa lãi suất về mức bình thường. Nhưng các cơ quan quản lý tiền tệ không nên cố tìm cách chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Điều đó sẽ phản tác dụng vì nó làm tăng nguy cơ suy thoái. Ngoài ra, các khoản đầu tư quan trọng sẽ không còn được cấp vốn vay nếu lãi suất cao hơn. Việc đầu tư là cần thiết vì rõ ràng chúng ta đang gặp vấn đề về nguồn cung. Với Hoa Kỳ điều này có phần dễ dàng hơn: điều kiện làm việc và xã hội của chúng tôi quá tệ hại nên chỉ một vài thay đổi trong luật, chẳng hạn như những gì chính phủ Hoa Kỳ đã lên kế hoạch, là đã có thể có tác động lớn [về mặt đầu tư].

    Hỏi: Cái đó có thể được áp dụng đối với Lục địa già không?

    Đáp: Châu Âu nói chung và Đức nói riêng gặp khó khăn hơn nhiều, lý do chính là Đức quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ngay từ năm 2006, tôi đã cảnh báo chính phủ Đức rằng thật ngu ngốc khi phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga, vì Nga không phải là một đối tác đáng tin cậy.

    Hỏi: Ông có nhận được sự phúc đáp của bà thủ tướng Angela Merkel hồi đó không?

    Đáp: Tiếc là không. Khi đó tôi đã có một bài viết phân tích rất kỹ về điều này.

    Hỏi: Ông có lời khuyên nào cho thủ tướng hiện nay Olaf Scholz?

    Đáp: Trong chiến tranh thì phải thực dụng. Lúc này không phải là lúc thi hành các biện pháp nửa vời. Châu Âu lẽ ra phải nhận ra điều này từ sáu tháng trước, nhưng vẫn có thể hành động ngay bây giờ để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế.

    Hỏi: Ông đang muốn nói đến điều gì, công nghệ fracking [để khai thác khí đá phiến]?

    Đáp: Fracking thực sự là một khả năng. Tất nhiên, chúng ta không được đánh mất tầm nhìn về mục tiêu chính là trung hòa carbon vào năm 2050. Nhưng cái hay của fracking là, nó là một biện pháp ngắn hạn, có thể bắt đầu nhanh và kết thúc cũng mau lẹ.

    Năng lượng hạt nhân cũng là một khả năng khác. Tôi không phải là người yêu thích công nghệ này, nhưng nếu bạn có thể giữ cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động lâu hơn, hoặc thậm chí khôi phục lại các nhà máy đã ngừng hoạt động mà vẫn an toàn, thì bạn nên làm điều đó ngay bây giờ. Tại sao ở đây không nghĩ đến việc sử dụng tất cả các tấm pin mặt trời mà chúng ta có, hãy khởi động tất cả các tuabin gió mà chúng ta có. Đức có nhiều gió mà. Vấn đề là biết cách sử dụng nó.

    Hỏi: Đức nên ưu tiên cái gì: hỗ trợ các doanh nghiệp, hay hỗ trợ người tiêu dùng?

    Đáp: Đó là một quyết định thực sự khó khăn. Tôi thực sự phản đối việc cứu trợ cho các doanh nghiệp không đề phòng đầy đủ cho các rủi ro thực sự đã rõ ràng. Nhưng nếu bạn định thực hiện các gói cứu trợ, thì nhà nước cũng nên nhận được cổ phần từ các doanh nghiệp này, để nhà nước có thể rút ra khi mọi thứ cải thiện trở lại.

    Hỏi: Vậy ông sẽ làm gì đối với người tiêu dùng?

    Đáp: Thật tốt nếu chính phủ giúp ổn định giá thông qua giảm thuế hoặc các biện pháp khác. Rốt cuộc, người dân không thể phòng ngừa việc giá tăng cao. Đây cũng là một kiểu thất bại của thị trường. Nếu có bảo hiểm thì có thể đổ lỗi cho người tiêu dùng nếu họ không mua bảo hiểm, rằng đó là lỗi của họ. Nhưng nhà nước phải có nhiệm vụ thế vai nhà bảo hiểm và đảm bảo giá cả ổn định.

    Hỏi: Đồng Euro yếu cũng làm cho lạm phát ở Đức tăng lên. Châu Âu cần làm gì để chặn tình trạng này?

    Đáp: Tôi thận trọng với việc cho rằng đồng Euro yếu là nguyên nhân của lạm phát. Đồng tiền yếu hơn cũng có điều gì đó tích cực vì nó hỗ trợ xuất khẩu, do đó làm giảm nguy cơ suy thoái. Nếu thực sự đồng euro yếu đang góp phần đáng kể vào việc tăng lạm phát, thì tôi sẽ thà can thiệp vào thị trường ngoại hối còn hơn là tăng lãi suất.

    Hỏi: Ông muốn toàn cầu can thiệp vào thị trường ngoại hối, như trường hợp của các lần trước, chẳng hạn như các hiệp định Louvre hoặc Plaza, hay ECB nên hành động một mình?

    Đáp: Phối hợp hành động luôn tốt hơn, nhưng không phải lúc nào cũng có thể làm được: Thật khó tưởng tượng về một thỏa thuận Plaza dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, với chính phủ Hoa Kỳ hiện tại, điều này là có thể. Ví dụ, Mỹ và châu Âu có thể bàn bạc với Nhật Bản rằng đồng euro yếu là một vấn đề gây lạm phát và rằng Mỹ không phụ thuộc nhiều vào [giá trị] đồng đô la vì đây là một nền kinh tế khép kín nhiều hơn.

    Hỏi: Là một kinh tế gia, ông có định đầu tư tiền bạc của mình ở châu Âu?

    Đáp: Tôi đánh giá tích cực về châu Âu. Đây cũng là vì tôi rất bi quan về nước Mỹ. Một bộ phận lớn dân chúng, dù không phải là đa số, nhưng mà là một bộ phận đáng kể, không còn tin vào nhà nước pháp quyền, không còn tin vào dân chủ. Nói nghe có vẻ cường điệu, nhưng dường như chúng tôi đang trên con đường tiến tới chủ nghĩa phát xít.

    Hỏi: Điều đó nghe thực sự đáng lo ngại.

    Đáp: Chỉ cần nhìn vào cuộc tranh luận năm 2020, khi một đảng tuyên bố cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, mặc dù mọi thẩm phán đều nói không phải như vậy. Và điều đó diễn ra trong một hệ thống chính trị chỉ có hai đảng.

    Hỏi: Tại sao nước Mỹ lại phân cực mạnh mẽ như vậy?

    Đáp: Khế ước xã hội của châu Âu rất quan trọng. Kết quả là, xã hội có sự hiểu biết lẫn nhau hơn. Mặt khác, hệ thống bầu cử của Mỹ có một số điểm yếu và nó góp phần vào sự phân cực. Ngoài ra, xã hội của chúng tôi rất bất bình đẳng, và các phương tiện truyền thông xã hội, vốn có mô hình kinh doanh dựa trên sự phân cực, đang ngày càng phổ biến. Thêm vào đó là sự xuất hiện của Trump trên chính trường, biến dối trá thành chuẩn mực xã hội.

    Hỏi: Vậy liệu nước Mỹ có phải là kẻ thua cuộc trong trật tự thế giới mới?

    Đáp: Về mặt chính trị, Hoa Kỳ vẫn có thể xoay chuyển tình thế nếu chúng tôi vượt qua được sự phân cực. Khi tôi nhìn vào giới trẻ và sự thay đổi thái độ nhanh chóng trong xã hội, tôi vẫn còn hy vọng. Đặc biệt là kể từ khi đối trọng lớn, Trung Quốc, được dẫn dắt bởi một chính trị gia độc tài. Đối với tôi, thật khó để tưởng tượng làm thế nào mà một quốc gia với một chính phủ độc tài lại có thể duy trì được sự đổi mới và năng động mãi như vậy. Trong khi đó, thái độ của châu Âu đối với dân chủ và nhân quyền mới thực sự là sức mạnh của châu Âu. Nhưng việc đưa ra những dự báo như thế này là vô cùng khó khăn. Có rất nhiều kịch bản có thể đi đến kết thúc rất khác nhau. Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình có thể bị lật đổ, ở Mỹ, Trump có thể tái đắc cử, và sau đó nhiều người có trình độ học vấn cao sẽ di cư sang châu Âu. Đó sẽ là sự chuyển động ngược lại những gì chúng ta đã chứng kiến 75 năm trước. Những người thông minh không muốn sống trong một xã hội phát xít.

    Hỏi: Nhưng thưa ông, tại sao có thể có một đồng đô la mạnh như vậy nếu chủ nghĩa phát xít đang đe dọa Hoa Kỳ?

    Đáp: Thị trường luôn rất thiển cận. Thị trường đang nhìn nhiều hơn đến xu hướng lạm phát ngắn hạn. Người ta thấy châu Âu đang gặp khủng hoảng năng lượng vì chiến tranh. Còn nước Mỹ phải ba tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ. Có rất nhiều điều sai lầm có thể xảy ra.

    Hỏi: Có nghĩa là ông không đặt cược vào đồng đô la?

    Đáp: Tôi không bao giờ đặt cược vào tiền tệ. Đó không phải là điều tôi thích làm. Nhưng tôi cảnh báo các ngân hàng trung ương về các chính sách tiền tệ quá thắt chặt. Chính sách tiền tệ có tác dụng với độ trễ là 18 tháng. Các vấn đề về nguồn cung sẽ tiêu tan trong khoảng thời gian này. Tăng lãi suất quá nhiều như hiện nay là con đường chắc chắn dẫn đến suy thoái kinh tế.

    Hỏi: Nhưng các Ngân hàng trung ương cũng đang phải chịu áp lực cực lớn của dư luận phải làm một cái gì đó.

    Đáp: Áp lực này là không thỏa đáng. Không ai có thể dự đoán Nga sẽ xâm lược Ukraine, không ai có thể ngờ Trung Quốc lại quản lý đại dịch tồi tệ đến vậy. Và không ai có thể biết được cho đến lúc đó trật tự kinh tế của chúng ta đã trở nên mong manh như thế nào. Nước Mỹ chúng tôi thậm chí không thể sản xuất sữa công thức cho trẻ em. Điều đó nghe giống như một vấn đề ở Liên Xô cũ hơn là ở thế giới phương Tây hiện đại. Đơn giản là thiết kế của nền kinh tế nước Mỹ ẩn chứa nhiều yếu kém.

    *Joseph Eugene Stiglitz, sinh ngày 9 tháng 2 năm 1943, nhà kinh tế Hoa Kỳ và là giáo sư tại Đại học Columbia. Ông nhận giải Nobel Kinh tế năm 2001 và giải John Bates Clark năm 1979.

    Stiglitz là nhà kinh tế có ảnh hưởng đứng thứ 4 thế giới hiện nay dựa trên các trích dẫn hàn lâm,  vào năm 2011 ông được tạp chí Time đưa vào danh sách một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.  Các công trình của Stiglitz tập trung vào phân phối thu nhập, quản lý tài sản rủi ro, quản trị doanh nghiệp và thương mại quốc tế. Ông cũng là tác giả của 10 cuốn sách, cuốn mới nhất mang tựa đề Cái giá của sự bất bình đẳng (2012), được The New York Times đưa vào danh sách các cuốn sách bán chạy nhất. 

    Từ năm 2001, ông là giáo sư tại đại học Columbia, và  đồng chủ tịch của Ủy ban tư tưởng toàn cầu


    https://nghiencuuquocte.org/2022/08/31


    Không có nhận xét nào