Header Ads

  • Breaking News

    Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 14



    Chương V – Vĩnh Yên

    Vĩnh Yên, thủ đô của khu giải phóng thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, tức Đệ Tam Khu thời kỳ 1945-1947, gồm các tỉnh và thị xã Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và một phần tỉnh Lai Châu – tuy chỉ là một thành phố nhỏ thuộc miền trung du Bắc Việt nhưng đã đi vào lịch sử. Một phần vì những trận đánh ác liệt giữa Việt Quốc và Việt Minh, phần khác vì nó là mối đe doạ thường xuyên đối với thủ đô Hà Nội, lúc ấy do Việt Minh kiểm soát.

    Vĩnh Yên chỉ cách Hà Nội hơn bốn mươi cây số. Nói đến Vĩnh Yên, không thể không nhắc đến tên những người anh hùng đã giải phóng Vĩnh Yên và góp công không nhỏ trong việc tạo lập Đệ Tam Khu. Lê Ninh, tên người chiến sĩ đã vượt muôn ngàn sự hiểm nguy để tạo dựng và bảo vệ tỉnh Vĩnh Yên, là một trong những tên tuổi huyền thoại.

    Còn có Đỗ Đình Đạo, người trấn thủ khu vực đồn điền Tam Lộng và vùng đồi núi bao quanh thành phố Vĩnh Yên với quân số nhiều khi ở thế một chọi mười. Trương Cẩm Bình tức Trương Bảo Sơn, người chiến sĩ anh hùng, mặc dù chỉ với vũ khí thô sơ và quân số ít ỏi, đã đẩy lui và đánh nhiều tiểu đoàn Việt Minh để bảo vệ Tam Lộng và thị xã Vĩnh Yên. Vinh hay còn gọi là Vinh Rỗ, người chỉ huy gan dạ, đã cùng với Đệ Tam Khu Bộ Trưởng Lê Ninh, gần như tay không cướp chính quyền tỉnh Vĩnh Yên.

    Vĩnh Yên là một thiên anh hùng ca, đòi hỏi sự sưu tầm tài liệu đầy đủ và mất nhiều thời gian, không thể thu gọn trong mấy chục trang giấy. Người viết tài liệu này cũng chỉ ở Vĩnh Yên một thời gian ngắn ngủi, nên chỉ ghi lại được một số sự việc tương đối quan trọng.

    Đầu năm 1946, tại Hải Phòng chúng tôi đang chuẩn bị xuất bản nhật báo Sao Trắng, anh em trong tòa soạn đề nghị tôi nên đi Vĩnh Yên làm phóng sự về thành phố thủ đô của vùng giải phóng Đệ Tam Khu. Lúc ấy Vĩnh Yên là một thành phố đang bị Việt Minh bao vây chặt chẽ, các loại xe cộ từ Hà Nội lên Vĩnh Yên hay ngược lại đều bị công an Việt Minh khám xét rất ngặt để tìm bắt cán bộ Quốc Dân Đảng. Vừa may lúc tôi đến tòa báo Việt Nam ở đường Quan Thánh thì gặp một đại úy người Việt trong quân đội Trung Hoa còn rất trẻ. Anh cho biết ngày hôm sau anh sẽ tháp tùng một đại tá đi xe hơi lên Vĩnh Yên công tác, nếu có ai cần đi Vĩnh Yên anh cho đi nhờ xe. Khi tôi ngỏ ý nhờ anh giúp, anh vui vẻ nhận lời và tự giới thiệu là đại úy Kim.

    Y hẹn, sáng hôm sau, khi đến ga xe lửa Hàng Cỏ, tôi đã thấy xe của anh đại úy đậu ở đây. Trên xe, ngoài anh Kim, có một tài xế mặc quân phục, một đại tá và vệ sĩ của ông đeo súng “Pooc-Hooc” (tức Mauser nòng dài, tự động có thể lắp thêm báng súng bằng gỗ dùng làm bao súng luôn). Trước lúc lên xe, tôi đã cải trang thành một phóng viên nhà báo Trung Hoa, mang hiệu PRESS hẳn hoi.

    Đường đi rất xấu, đầy ổ gà và ổ voi. Sau gần hai tiếng đồng hồ vượt đoạn đường hơn bốn mươi cây số, xe ngừng lại ở trạm kiểm soát Hương Canh, biên giới của khu giải phóng Vĩnh Yên, vừa công an vừa quân đội Việt Minh đóng chốt trong một gian nhà lợp lá ở bên cạnh đường. Xe chúng tôi còn cách trạm chừng năm mươi thước đã thấy lố nhố ba bốn tên công an đứng giàn ngang giữa đường, ra hiệu cho xe ngừng lại.

    Tài xế hãm thắng, chúng hùng hổ vây quanh xe, nhìn vào trong xe và ra lệnh mở cửa xe. Mọi người phải ra hết khỏi xe, xuất trình giấy tờ, để chúng khám xe. Tôi đảo mắt nhìn về phía xa xem có thấy Quốc Dân Quân không, nhưng tuyệt nhiên không thấy có ai cả (sau này mới biết các chiến sĩ Quốc Dân Quân đang quan sát từ một trạm canh lưu động ở phía sau một lùm cây).

    Trước thái độ hung hăng của bọn công an Việt Minh, súng ngắn và tiểu liên lăm lăm trong tay, mọi người ngồi trong xe không ai nhúc nhích. Bầu không khí cực kỳ căng thẳng. Bỗng nhiên ông đại tá Trung Hoa mở cửa xe, bước ra, rút súng ngắn chĩa vào bọn công an Việt Minh, văn tục “ma ni ca pi” (một câu chửi thề bằng tiếng Quốc Ngữ của Trung Hoa) rồi hầm hầm bước lên xe, ra lệnh cho tài xế mở máy. Xe lao về phía trước, bọn Việt Minh vội tránh giạt sang vệ đường. Một lát sau, tôi chợt thấy ông ta cười sằng sặc. Hỏi anh đại úy Kim, mới rõ bao giờ đi qua các trạm kiểm soát của Việt Minh, ông cũng làm như vậy, vì theo lời ông, “bọn cộng sản nó không ưa ngọt, trình giấy tờ cho chúng xem, chúng càng làm khó dễ mà thôi”.

    Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi vào thành phố Vĩnh Yên, thành phố nhỏ nhưng người đi lại ngoài đường tấp nập. Có lẽ dân ở các vùng phụ cận vào thành phố mua bán. Lâu lâu một cảnh sát viên mặc đồng phục, đội mũ ca lô có lưỡi trai ở phía trước, đi bộ hoặc đi xe đạp.

    Xe ngừng trước Tỉnh Đảng Bộ, một tòa nhà lớn, kiểu thuộc địa cũ, có lẽ trước kia là dinh công sự Pháp, bên trong có nhiều văn phòng, người ra vô đông đảo. Vừa bước vào, tôi gặp ngay anh Phạm Thảo, anh chính là người tôi đang cần gặp. Thảo là bạn học cũ của tôi ở trường trung học Đỗ Hữu Vị, Hà Nội và chính anh đã chứng kiến lễ tuyên thệ vào Đảng của tôi hồi còn ở trong bóng tối. Thấy tôi, anh mừng rỡ chạy ra bắt tay và hỏi tôi lên Vĩnh Yên có việc gì, hiện anh đang giữ nhiệm vụ ủy viên tuyên truyền và báo chí trong Tỉnh Đảng Bộ. Anh nói giỡn:

    –Tao vẫn phải ôm cái việc này vì chưa có thằng nào giỏi hơn tao cả!

    Sau khi trò chuyện, tôi hẹn gặp lại anh Thảo để kiếm một ít tài liệu tuyên truyền cho báo Sao Trắng. Vừa lúc ấy tôi nghe có người gọi tên, ngoảnh lại thì là anh Tạo, cũng là bạn học cũ (sau này anh Tạo là đại tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa). Chính anh Tạo là người đã kể cho tôi nghe những giai thoại rất thú vị về những ngày đầu Việt Nam Quốc Dân Đảng cướp chính quyền và giải phóng Vĩnh Yên, vì chính quê anh ở Vĩnh Yên.

    Trước 2 Tháng Chín 1945, ngày Việt Minh lợi dụng cuộc biểu tình của công chức để cướp chính quyền tại Hà Nội, Quốc Dân Đảng đã giải phóng nhiều tỉnh ở miền Bắc Việt Nam khỏi sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản như Móng Cái, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Riêng Vĩnh Yên lúc ấy đang bị lụt. Cả thành phố và các làng phụ cận đều bị nước ngập, mọi sự giao thông đều tắc nghẽn, nên việc giải phóng bị chậm trễ.

    Khoảng 11 giờ sáng ngày 3 Tháng Chín 1945, viên Tuần phủ Vĩnh Yên mà tôi chỉ nhớ tên là Tân (không nhớ họ) triệu tập thân hào, nhân sĩ trong tỉnh đến dự một phiên họp khẩn cấp tại dinh Tuần Phủ. Chờ cho mọi người an tọa, Tuần phủ Tân, nét mặt đăm chiêu, chậm rãi nói:

    -Chắc quý vị cũng đã biết, Hoàng đế Bảo Đại vừa mới tuyên bố thoái vị tại Huế. Tình hình rất rối ren, chưa biết rồi đây ra sao? Tôi mới nghe tin đài phát thanh cho biết Mặt trận Việt Minh đã cướp chính quyền tại Hà Nội. Chẳng lẽ tỉnh nhà đứng chơ vơ, độc lập. Chúng ta biết theo ai bây giờ?

    Trầm ngâm một lát viên Tuần phủ nói tiếp:

    –Hay chúng ta theo Việt Minh…

    Quan Tuần phủ mới nói đến đây, bỗng nhiên trong đám thân hào, nhân sĩ có một người mặc áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, khoảng trên ba mươi tuổi, đứng phắt dậy rút súng lục bắn chỉ thiêng:

    –Đoàng!

    Tiếng súng nổ nghe chát chúa trong phòng họp. Quan Tuần phủ vội chui tọt xuống gầm bàn, run lẩy bẩy, mặt tái mét. Mọi người trong phòng họp nhốn nháo, có người nằm xuống đất, một số khác chạy tuôn ra cửa.

    Người bắn súng nhanh nhẹn chạy lên bàn chủ tọa, kéo viên Tuần phủ từ gầm bàn ra rồi lớn tiếng nói:

    –Không được theo Việt Minh, phải theo Việt Nam Quốc Dân Đảng!

    Tuần phủ Tân run cầm cập, chắp tay vái người cầm súng, miệng nói:

    –Tôi xin theo! Tôi xin theo!

    Người vừa đơn phương, độc mã cướp chính quyền tại dinh Tuần Phủ ấy chính là chiến sĩ Lê Ninh, một cán bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa ở biên giới về. Thật ra còn một chiến sĩ cao cấp nữa là anh Vinh Rỗ, nhưng vì không còn ai khác nữa nên anh Vinh Rỗ phải đứng ở ngoài cửa phòng họp để đề phòng bất trắc.

    Sau đó, chờ cho mọi người bớt nhốn nháo, chiến sĩ Lê Ninh ôn tồn yêu cầu các thân hào, nhân sĩ bình tỉnh trở lại phòng họp rồi nghiêm trang nói:

    –Gần tám mươi năm bị thực dân Pháp đô hộ, dân ta phải sống cuộc đời tủi nhục của người nô lệ. Nay dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đảng cách mạng đã oai hùng cầm đầu cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, dân ta đã vùng dậy thiết lập chính quyền cách mạng ở khắp nơi để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và phú cường. Vậy chúng tôi hy vọng quý vị sẽ ủng hộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, cùng góp sức, hăng hái xây dựng chính quyền cách mạng tại tỉnh nhà!

    Ra khỏi dinh Tuần Phủ, anh Lê Ninh và anh Vinh Rỗ đảo bước tới trại lính Khố Xanh, không cách xa dinh Tuần Phủ bao nhiêu. Trại lính này có một đại đội lính đồn trú. Trước đây do một thiếu úy Pháp chỉ huy, nhưng từ ngày Nhật đảo chính Pháp, trại này do một chánh quản người Việt điều khiển. Thời kỳ Pháp đô hộ, sở dĩ gọi người lính này là lính Khố Xanh là vì họ quấn xà cạp màu xanh ở bắp chân.

    Nhiệm vụ của lính Khố Xanh là bảo vệ chánh quyền. Khác với lính Khố Đỏ mang xà cạp màu đỏ, là lính chính quy, phụ lực cho các đơn vị chính quy thuộc địa người Pháp. Thấy hai anh Lê Ninh và Vinh Rỗ đường hoàng bước vào trại, lính gác cũng không ngăn cản. Hai anh yêu cầu gặp “Quan” chánh quản. Khác với thái độ ở Tuần Phủ, hai anh niềm nở bắt tay người chỉ huy và yêu cầu ông ta ra lệnh hạ cờ “Quẻ Ly” của Nam Triều ở cột cờ xuống và kéo cờ Sao Trắng lên.

    Ông chánh quản, sau một giây suy nghĩ, làm theo ý của hai anh. Trước khi kéo cờ của Việt Nam Quốc Dân Đảng lên, theo lệnh của anh Vinh Rỗ, ông ta cho một tiểu đội lính dàn chào theo lễ nghi quân cách. Từ chỗ chỉ có hai khẩu súng lục, nay anh Lê Ninh và anh Vinh Rỗ đã có cả trăm khẩu súng trường và một đại đội lính Khố Xanh, nay được đổi tên thành Quốc Dân Quân, dưới quyền chỉ huy của mình. Hai anh xứng đáng là chiến sĩ cách mạng gan dạ và anh hùng, chỉ có hai người mà dám cướp chính quyền một tỉnh! May mắn mà mọi việc đều diễn ra trót lọt, nếu gặp phải sự chống cự, chắc chắn tính mạng của anh Lê Ninh và anh Vinh Rỗ không còn.

    Tình hình Vĩnh Yên chưa kịp ổn định thì đã có tin Việt Minh sắp tấn công. Việt Minh đã không cướp được chính quyền ở Vĩnh Yên nhưng khi nghe tin Việt Nam Quốc Dân Đảng chiếm Vĩnh Yên, cộng sản quyết dùng vũ lực giành lại thành phố này. Mặc dù nước lụt vẫn chưa rút, cán bộ Việt Minh đã huy động hàng trăm chiếc xuồng để chở dân, đặc biệt là đàn bà, con nít định tiến chiếm Vĩnh Yên. Chiến thuật biển người, xua đàn bà, con nít đi trước làm bia đỡ đạn, cộng sản đã học được của Trung Cộng. Mũi tấn công mạnh nhất là từ phía Tam Lộng.

    Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang của Quốc Dân Đảng là anh Lê Ninh ra lệnh tập hợp những tay súng giỏi nhất ra ngoại ô Vĩnh Yên, giáp ranh với Tam Lộng, bố trí trên một ngọn đồi thấp. Đơn vị này khoảng gần hai trung đội, nhưng vũ khí chỉ gồm toàn súng trường Mousqueton và Fusil Indochinois, không có trung liên. Khi còn cách vị trí của Quốc Dân Quân độ ba trăm mét, bọn Việt Minh ra lệnh cho đồng bào bỏ xuồng, kéo lên một con đường đất nhỏ, tương đối khô ráo. Chúng dùng loa giấy hô hào đồng bào tiến lên “giải phóng” Vĩnh Yên, còn các đơn vị vũ trang của chúng hoặc đi lẫn với đồng bào, hoặc đi ở phía cuối đám biểu tình. Bỗng nhiên tiếng loa của Quốc Dân Quân vang lên:

    –Hỡi đồng bào, hãy dừng lại, đừng làm bia đỡ đạn cho cộng sản!

    Thay vì trả lời, hàng chục khẩu súng trường từ đám biểu tình đồng loạt khai hỏa. Khói súng bốc lên trong những tiếng hô:

    –Tiến lên, đồng bào hãy tiến lên!

    Đoàn biểu tình mỗi lúc tiến gần hơn. Bên phía Quốc Dân Quân, tiếng loa lại vang lên:

    –Đồng bào dừng lại, nếu không chúng tôi bắt buộc phải nổ súng!

    Chỉ còn hơn một trăm mét nữa, những tiếng súng đầu tiên của Quốc Dân Quân bắt đầu nổ vang từ trên đồi, tuy nhiên vẫn bắn chỉ thiên để cảnh cáo.

    Đoàng! Đoàng!

    Ngay khi ấy, ngoài tiếng súng trường của Việt Minh nổ lẻ tẻ phát một, tiếng súng trung liên bỗng nổ hàng tràng, tưởng chừng không bao giờ dứt.

    Đoàng, đoàng, đoàng, đoàng, đoàng…

    Tiếng trung liên áp đảo tiếng súng của bên Quốc Dân Quân. Có nhiều tiếng la hoảng hốt:

    –Bọn Vẹm có súng máy, có trung liên!

    Thấy hàng ngũ quân mình bỗng trở nên núng thế vì tiếng súng trung liên của Việt Minh, anh Lê Ninh chợt nảy ra một sáng kiến. Anh ra lệnh cứ bảy khẩu súng trường bắn đồng loạt rồi lại tới bảy khẩu súng trường khác đồng loạt bắn tiếp, để giả đò làm trung liên vì phía Quốc Dân Đảng không có trung liên. Thế là tiếng súng nổ hết loạt này đến loạt khác, nghe đinh tai, nhức óc.

    Đám biểu tình nhốn nháo rồi khựng lại. Văng vẳng từ xa nghe vọng lại nhiều tiếng la thất thanh:

    –Chúng nó có súng máy, anh em ơi!

    Mặc cho bọn cán bộ tìm mọi cách ngăn cản, đồng bào bắt đầu tháo chạy. Cuộc tấn công của Việt Minh đã thất bại. Sau này Việt Minh vẫn tìm đủ mọi cách để mong chiếm được Vĩnh Yên nhưng không thành. Đối với Việt Minh, Vĩnh Yên bao giờ cũng là cái gai trước mắt, vì tuy nhỏ bé nhưng chỉ cách thủ đô Hà Nội chưa đầy năm mươi cây số. Còn phía Quốc Dân Đảng, muốn tồn tại phải luôn tìm cách mở rộng vùng kiểm soát của mình, dẫn tới việc giải phóng một số tỉnh khác về hướng Bắc, lên tới biên giới Việt Hoa như Việt Trì, Phú Thọ để nối liền với Yên Bái, Lào Cai.

    Hôm sau, y lời hẹn tôi đến phòng thông tin tuyên truyền, tìm anh Thảo. Tại đây tôi gặp một đoàn tuyên truyền lưu động vừa mới đi hoạt động ở tiền tuyến trở về. Đoàn này có độ hơn mười cán bộ tuyên truyền, anh ít tuổi nhất mới xấp xỉ hai mươi. Các anh đều mặc thường phục, ngoài trừ mũ calô bằng kaki có lưỡi trai, trên gắn huy hiệu sao trắng. Không người nào mang vũ khí, chỉ mang theo loa phóng thanh làm bằng bìa cứng và nhiều truyền đơn, dáng điệu có vẻ mệt mỏi, dường như mới đi hay chạy bộ một quãng đường khá xa.

    Anh trưởng đoàn báo cáo với anh Thảo về công tác tuyên truyền ngày hôm ấy. Theo anh cho biết, các anh đã ra khỏi thành phố chừng mười cây số, về hướng Phúc Yên, men theo bờ ruộng tới rìa một ngôi làng nhỏ. Mấy anh đã dùng loa phóng thanh kêu gọi dân làng tập hợp để nghe các anh nói chuyện. Lúc mới đầu, chỉ có dăm ba người thập thò bên lũy tre xanh, dần dần họ tụ tập khá đông, có tới gần ba mươi người, thái độ có vẻ thân thiện nhưng rụt rè, sợ sệt, có lẽ họ ngại bọn công an Việt Minh.

    Tuy thế, đoàn tuyên truyền lưu động của Quốc Dân Đảng cũng kêu gọi họ đừng ủng hộ và tiếp tế cho bộ đội Việt Minh đang tìm cách lén lút tấn công các lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đồng bào cần nhận định cho rõ đâu là chính, đâu là tà. Quân đội của Quốc Dân Đảng mới thật là bộ đội của nhân dân vì đó chính là con, em của đồng bào đang chiến đấu để chống lại bọn cộng sản vô thần, lừa bịp đồng bào bằng những khẩu hiệu dân chủ, tự do nhưng thật ra Hồ Chí Minh và đồng bọn chỉ là các tên độc tài, khát máu, chủ trương của chúng là vô sản hóa dân chủ…

    Quan sát phản ứng của dân làng đang nghe đoàn tuyên truyền nói chuyện, mấy anh nhận thấy số đông lộ vẻ ngạc nhiên, hình như từ trước tới nay họ chưa bao giờ được nghe ai nói như thế. Việc đó cũng dễ hiểu, vì cộng sản đã nhồi sọ họ quá nhiều bằng những danh từ và hứa hẹn lừa bịp. Dân chúng ngày, đêm chỉ được nghe luận điệu một chiều của Mặt Trận Việt Minh.

    Đoàn tuyên truyền đang hăng say ngỏ lời với đồng bào, bỗng từ đàng xa có một số du kích hăm hở chạy tới. Bọn này chưa đến mười tên, vũ khí rất thô sơ, chỉ có vài khẩu súng trường, còn toàn là mã tấu. Vừa tới nơi, chúng lập tức lên đạn, bắn thẳng vào các cán bộ Quốc Dân Đảng. Cũng may mấy anh kịp thời nằm xuống đất, tránh đạn, nên không có thương vong. Tên chỉ huy hô lớn:

    –Xung phong!

    Rồi cả bọn ào lên, định bắt sống bọn “phản động”. Các anh cán bộ tuyên truyền Việt Quốc trong tay không một tấc sắt, đành chạy thục mạng về phía sau. Mấy tên du kích vừa đuổi theo, vừa bắn. Cũng may chúng bắn quá tệ nên không ai bị trúng đạn, chỉ chạy vắt giò lên cổ, thở không ra hơi!

    Cuối cùng cũng thoát nạn. Kể lại cuộc đụng độ này, anh trưởng đoàn chép miệng nói:

    –Giá mà chúng tôi có được một khẩu súng trường, nhất định chúng tôi không chạy mà dừng lại tặng cho chúng một ít đạn đồng!

    Nghe nói thế, anh phó trưởng phòng, tôi quên mất tên, phán một câu xanh rờn:

    –Có súng thì nói làm gì, không có súng mà dám tiếp tục tuyên truyền mới là anh hùng chứ.

    Một anh cán bộ trong đoàn tuyên truyền trừng mắt nhìn anh này, rồi bĩu môi:

    –Xin lỗi anh, da thịt tôi không phải bằng sắt.

    Thế là đoàn tuyên truyền đặt vấn đề từ nay đi tuyên truyền trong vùng địch kiểm soát, cán bộ của ta phải được vũ trang.

    ***

    Trong những ngày công tác tại Vĩnh Yên, tôi cũng có tham dự một buổi diễn thuyết của Đệ Tam Khu Bộ Trưởng Lê Ninh được tổ chức tại rạp chiếu bóng lớn nhất thành phố Vĩnh Yên. Vì đây là buổi nói chuyện chính thức đầu tiên của anh Lê Ninh, đồng thời cũng là lễ ra mắt của Bộ Chỉ Huy khu vực Vĩnh Yên với dân chúng trong tỉnh.

    Anh Lê Ninh đi xe hơi màu đen hiệu Citroen, có tài xế lái, cùng với anh Chủ Nhiệm Chính Trị Bộ khu vực Vĩnh Yên, người miền Nam, quê tại Vĩnh Long. Hai xe hơi khác cho mấy anh trong Tỉnh Đảng Bộ và Chỉ Huy Quân Sự. Anh Lê Ninh và tất cả người khác đều mặc đồ lớn, thắt cà vạt. Các anh là những cán bộ cách mạng đã bao năm tháng lặn lội, chiến đấu trong rừng, núi, chỉ quen mặc bà ba (miền Bắc gọi là áo cánh hay áo ngắn) nay vì nhu cầu ra mắt quần chúng nên phải lên khung, cũng là bất đắc dĩ thôi.

    Mấy chiếc xe hơi các anh đi đều là xe tịch thu được của viện Công Sứ và viện Giám Binh Pháp trước đây, khi Việt Nam Quốc Dân Đảng giải phóng tỉnh Vĩnh Yên. Có lẽ tình hình an ninh trong tỉnh yên ổn, nên ngoại trừ vài viên cảnh sát mặc sắc phục đứng trước rạp chiếu bóng, không thấy có công an hay quân đội tuần tiểu quanh rạp hát.

    Vào lúc 6 giờ chiều, cuộc nói chuyện bắt đầu, nhưng mới hơn 5 giờ rạp hát đã đông, không còn chỗ ngồi. Những ai từng sống dưới chế độ cộng sản đều biết mỗi khi có lãnh đạo nói chuyện, đồng bào đều bị công an phường, lùa đi, bắt buộc phải đi, nếu không đi sẽ bị để ý. Anh Thảo và các anh trong phòng Thông Tin cho tôi biết chuyện đó ở đây không bao giờ có, đồng bào ai muốn đi thì đi, không ép buộc. Tuy nhiên, vì ít khi có những buổi diễn thuyết hay nói chuyện nên đồng bào tò mò, muốn biết, thường đi khá đông.

    Hôm nay anh Lê Ninh là diễn giả duy nhất. Anh nói hơn một tiếng rưỡi và được đồng bào vỗ tay không ngớt, không thể nào đếm được bao nhiêu lần. Giọng anh trầm ấm, có một sức hút kỳ lạ, đúng như lời đồn “Quốc Dân Đảng Lê Ninh, Việt Minh Trần Văn Giàu, loan truyền trong dân gian…”

    Bằng một giọng nói bình dân, cởi mở, lúc chậm rãi, thân mật, lúc hùng hồn, anh lôi cuốn người nghe, làm mọi người say mê, cứ muốn nghe anh nói tiếp. Anh không đề cao Việt Nam Quốc Dân Đảng mà chỉ nói nhiệm vụ của Quốc Dân Đảng là cùng với đồng bào xây dựng Vĩnh Yên cũng như các tỉnh khác thành những khu vực thanh bình, trù phú, để cho người dân dễ thở, tự do buôn bán làm ăn, không bị công an và cán bộ Việt Minh tối ngày lùa đi học tập, hội họp. Tiếng vỗ tay như muốn vỡ rạp xen với tiếng la to:

    –Đúng lắm! Đúng lắm!

    Thế nhưng, nói đến đây, giọng anh đột nhiên trầm xuống:

    –Bọn Việt Minh do cộng sản lãnh đạo đâu có để cho chúng ta yên. Như đồng bào đã biết, ngay từ ngày đầu, tỉnh ta được sự giải phóng khỏi sự cai trị, áp bức của vua quan phong kiến, Việt Minh đã xua quân, dùng đồng bào làm bia đỡ đạn, hòng chiếm Vĩnh Yên, cưỡng bức đồng bào làm nô lệ cho chủ nghĩa Cộng Sản độc tài, khát máu của chúng. May thay, nhờ đồng bào cương quyết sát cánh với quân đội và cán bộ Quốc Dân Quân chiến đấu, đẩy lùi tất cả mọi cuộc tấn công của chúng.

    Ngừng lại giây lát, anh Lê Ninh bỗng hùng hồn nói tiếp, mắt sáng quắc:

    –Ta muốn nhắn bọn cộng sản, từ Hồ Chí Minh trở xuống, chúng bây không còn đội lốt người quốc gia được bao lâu nữa đâu, đồng bào đang vạch mặt, chỉ tên chúng bây thật sự không bao giờ tranh đấu cho Tổ Quốc Việt Nam mà chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của Cộng Sản quốc tế, làm tay sai cho Nga Sô và sắp tới, cho bọn Tàu Cộng. Đồng bào đang vùng lên tiêu diệt chúng bây, chúng bây đừng hòng trốn thoát. Muốn sống, chúng bây hãy mau mau rời bỏ hàng ngũ cộng sản vô thần, trở về với nhân dân.

    Có lẽ đây là lời gọi chiêu hồi cán bộ cộng sản đầu tiên trong lịch sử chống cộng ở Việt Nam, anh Lê Ninh định nói tiếp, nhưng tiếng vỗ tay không dứt và những tiếng hô: Đả đảo Việt Minh! Đả đảo Việt Minh! Đả đảo Cộng Sản vang dậy, làm anh phải ngừng nói khá lâu. Ngay sau đó đồng bào lại hô vang dội:

    –Hoan hô anh Lê Ninh! Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm!

    Tiếc thay, chưa đầy một năm sau đó, Đệ Tam Khu Bộ Trưởng Lê Ninh tức Lê Khang, mặc dù lúc ấy là đại biểu Quốc Hội trong chính phủ liên hiệp quốc-công hội bấy giờ, đã bị Cộng Sản hèn nhát bắt cóc và thủ tiêu khi anh đang nằm dưỡng bệnh tại bệnh viện Đồn Đất, tức bệnh viện Grall ở Hà Nội.

    Không có nhận xét nào