Header Ads

  • Breaking News

    Du lịch và tự tìm hiểu về các trại tị nạn thuyền nhân Việt Nam


    Nghĩa trang trại Bataan philippines, tháng 4/2016 /RFA

    Tổng cục Du lịch Việt Nam hồi đầu tháng chín có văn bản thông báo cho các doanh nghiệp lữ hành không nên đưa khách du lịch đến một số hòn đảo thuộc các nước Đông Nam Á, nơi có các trại tị nạn của người Việt vượt biên sau năm 1975.

    Đảo Bidong thuộc Malaysia, Galang thuộc Indonesia và Palawan của Philippines là những địa điểm cụ thể được khuyến nghị không nên đến du lịch.

    Lý do được Tổng cục Du lịch nêu ra một cách ngắn gọn là “Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch và tránh phát sinh nhưng vấn đề phức tạp về chính trị, ngoại giao.”

    Cả ba hòn đảo trên đều có các trại tị nạn. Đó từng là nơi nương náu của hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt bỏ nước ra đi khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, từ sau 1975 đến đầu thập niên 90.

    Trong những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế, đi lại phát triển hơn, một số người trẻ tuổi ở Việt Nam tìm đến các trại tị nạn này, để tham quan cũng như tìm hiểu thêm về lịch sử câu chuyện thuyền nhân Việt Nam sau 1975.

    Anh Tuấn, chủ trang YouTube “Tung tăng TV”, từng chia sẻ một video ghi lại hành trình đến thăm trại tị nạn Pulau Bidong ở Galang, Indonesia vào cuối năm 2019. Đến nay video này đã có gần 250.000 lượt xem.

    Anh Tuấn nói với RFA rằng, ban đầu, trong một lần du lịch sang Singapore, anh có nghe đồn về trại tị nạn Pulau Bidong ở Malaysia. Anh quyết định đến nơi này chỉ với mục đích tìm hiểu, khám phá thêm những điều mới:

    “Trại Bidong đó nó gần với Singapore mà chúng ta hoàn toàn có thể đón tàu cao tốc từ Singapore đi qua đảo đó một cách rất dễ dàng. Quá trình nhập cảnh cũng rất dễ, chỉ cần có hộ chiếu là đi thôi.

    Trước khi đi thì tôi không hề biết về những thông tin của trại tị nạn, nhưng bởi tính tò mò của mình thì trước khi bắt đầu chuyến đi tôi mới tìm hiểu rồi quyết định đi qua bên Bidong để xem. Bởi vì các thế hệ trẻ của chúng tôi không hề biết gì những việc như vậy nên muốn tìm hiểu.

    Theo cảm nhận của tôi thì nó quá cực khổ và vất vả. Thấy người Việt Nam của mình ngày xưa đã phải rất khó khăn khi phải sống trên hòn đảo đó. Bởi vì nó quá biệt lập và thiếu thốn đủ thứ.

    Tôi cũng đi tham quan du lịch như mọi người vậy, cho nên cũng không cảm nhận được là chuyện này có gây tranh cãi hay không. Bởi vì mình là khách du lịch, cho nên mình có quyền mua vé vào tham quan thôi.

    Sau đó, tôi có tìm hiểu kỹ hơn thì mới biết được thông tin nhiều hơn, còn khi đi lên đó (trại tị nạn Bidong - PV) thì tôi chỉ chủ yếu là tham quan với tư cách là người khách du lịch thôi.”


    Người Việt tị nạn trước Đại sứ quán Mỹ ở Manila, Philippines vào năm 1996 yêu cầu được định cư ở Hoa Kỳ. Reuters

    Ngoài ra, kênh YouTube “Challenge Me - Hãy Thách Thức Tôi” có tới 3,8 triệu người đăng ký, cũng đăng tải một loạt bốn video về chuyến thăm trại tị nạn này. Tổng cộng, tính tới tháng 9/2022 đã đạt 3,3 triệu lượt xem.

    Một bạn trẻ ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, từng đến thăm trại tị nạn và “Làng Việt Nam” ở đảo Palawan, Philippines hồi năm 2015, nói với RFA rằng anh tìm đến các trại này là bởi anh có biết về thời kỳ người Việt Nam tìm đường vượt biển hàng loạt. Thế nhưng trong nước lại không có điều kiện để tìm hiểu nên đã quyết định sang tận nơi:

    “Tôi có biết, có nghe về các câu chuyện thuyền nhân liều mình vượt biển, nhưng do trong nước không có thông tin nên khi có điều kiện là tôi sang đó (Palawan - PV) ngay.

    Khi qua đó, người Việt mình đã đi hết, chỉ còn sót lại số ít những người không được nước nào nhận, vì nhiều lý do, nên họ vẫn ở đó.

    Tôi không nhớ rõ quang cảnh lúc đó đâu, chỉ nhớ là ở “Làng Việt Nam” vẫn còn những ngôi nhà nhỏ, hình như mỗi gia đình ở trong một nhà như vậy. Bây giờ cây mọc um tùm hết rồi.

    Còn trại tị nạn thì sau này bị san phẳng để làm sân bay thì phải.”

    “Làng Việt Nam” ở đảo Palawan, Philippines được thành lập sau năm 1995-1996, khi các trại tị nạn lần lượt đóng cửa, ngưng tiếp nhận người Việt vượt biên.

    Khi đó, người Việt chưa được định cư ở nước thứ ba bị buộc phải hồi hương. Người Việt từ các trại tị nạn phải dời qua khu “Làng Việt Nam” để sinh sống, tự mưu sinh.

    Cũng theo quan điểm của bạn trẻ giấu tên, những thế hệ sau này nếu có điều kiện hãy đến các khu trại tị nạn để tự mình khám phá, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử bị giấu kín ở trong nước:

    “Tôi thấy việc đến thăm những nơi như thế rất là bổ ích, không chỉ riêng các trại tị nạn, mà tất cả các di tích mà bị “ở trong góc kẹt” thì nên được tìm hiểu, vì đó là lịch sử mà.”

    Từ sau năm 1975 đến những năm đầu thập niên 90, nhiều trại các trại tị nạn mọc lên ở một số nước khu vực Đông Nam Á, gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, để tiếp nhận và cứu trợ người Việt Nam vượt biển.

    Theo số liệu từ Cao uỷ Tị nạn LHQ, trong khoảng 20 năm, Malaysia tiếp nhận 254.495 người, Indonesia là 121.708 và Philippines là 51.722.

    Làn sóng vượt biên và câu chuyện thuyền nhân Việt Nam chưa bao giờ được giảng dạy cho học sinh trong nước.

    Không có nhận xét nào