Đầu tháng 8/2022, thế giới nín thở trước nguy cơ một xung đột mới, có thể bùng phát thành đụng độ vũ trang tại vùng eo biển Đài Loan, với việc chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ quyết định công du Đài Loan, hòn đảo độc lập trên thực tế, nhưng không được Trung Quốc chấp nhận. Bắc Kinh hứa hẹn trả đũa mạnh. Rút cục Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận quy mô chưa từng có, bao vây Đài Loan.
Trong thời gian những năm gần đây, đã có nhiều dự báo về nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan, nhưng dường như chưa bao giờ nguy cơ này lại gần đến như vậy. Trung Quốc có khả năng tấn công Đài Loan như thế nào ? Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác sẽ phản ứng ra sao ? Chiến tranh liệu có phải là điều không thể tránh khỏi ? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
****
Hai kịch bản chính
Đài Pháp France 24 có bài tổng hợp về chủ đề này, với tiêu đề ‘‘Phong tỏa, tấn công từ xa, xâm nhập ồ ạt : các kịch bản Trung Quốc chống Đài Loan’’. Theo France 24, khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan ‘‘dường như xa vời với nước Pháp và châu Âu, nhưng vấn đề này lại rất sát sườn với các trung tâm tư vấn Hoa Kỳ, coi xung đột liên quan đến Đài Loan có ý nghĩa quyết định đối với ưu thế của Hoa Kỳ tại vùng Tây Thái Bình Dương’’.
Nhiều kế hoạch hành động được thảo ra xoay quanh chủ yếu hai kịch bản chính. Kịch bản thứ nhất là bao vây, và siết chặt dần dần hòn đảo, để buộc Đài Loan phải ‘‘tái thống nhất theo chủ trương của Bắc Kinh’’. Kịch bản thứ hai là trực tiếp xâm chiếm Đài Loan.
Về kịch bản thứ nhất, cuộc tập trận diễn ra hồi tuần trước, từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 8, với 6 khu vực biển, cho thấy Đài Loan có thể hoàn toàn bị cô lập trên thực tế. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ, trên Wall Street Journal, khẳng định là cuộc tập trận vừa qua củng cố kịch bản Bắc Kinh phong tỏa Đài Loan để buộc Đài Bắc phải thương lượng về việc tái thống nhất. Một báo cáo của viện tư vấn Rand Corporation, công bố hồi tháng 2/2022, cho thấy kịch bản phong tỏa có thể diễn ra tương tự như việc phong tỏa Cuba cuối tháng 10/1962 (do Mỹ tiến hành để phản ứng lại việc Liên Xô quyết định điều tên lửa hạt nhân đến Cuba).
*****
Kịch bản phong tỏa, bóp nghẹt
Bản báo cáo của Rand Corporation nêu khả năng chính quyền Trung Quốc có thể ‘‘kiểm soát việc ra vào không phận và hải phận’’ Đài Loan, mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hay hàng không, cũng như hành khách. Một điều tra về chủ đề này, của Reuters, cho biết cụ thể là ‘‘trong vòng 24 giờ, một hạm đội lớn của Trung Quốc, bao gồm Hải quân, Tuần duyên, tàu dân quân biển, được triển khai xung quanh Đài Loan để kiểm tra việc thực thi lệnh phong tỏa, nhằm chặn bắt các tàu thuyền tìm cách đến Đài Loan dù không được Bắc Kinh cấp phép. Phi cơ chiến đấu của Trung Quốc và các hệ thống tên lửa phòng không cũng được lệnh tấn công mọi phương tiện thâm nhập trái phép vào không phận Đài Loan’’.
Việc phong tỏa một vùng lãnh thổ có thể coi là một hành động chiến tranh, nhưng Bắc Kinh tự cho phép làm điều này. Chính quyền Trung Quốc thường viện ra thực tế là Liên Hiệp Quốc chỉ thừa nhận ‘‘một nước Trung Hoa’’ duy nhất. Cũng trong kịch bản này, Quân đội Trung Quốc có thể đi xa hơn một nấc với việc xâm chiếm một số đảo nhỏ, mà Đài Loan kiểm soát, như hai nhóm đảo Kim Môn (Kinmen) và Mã Tổ (Matsu). Quân đội Đài Loan không thể bảo vệ được hai nhóm đảo này, vì nằm sát Hoa Lục.
Theo giới phân tích Mỹ, kịch bản thứ nhất nhằm bóp nghẹt hòn đảo là sự nối tiếp của chiến thuật ‘‘chiến tranh vùng xám’’ (gray-zone wafare), một cuộc xung đột với cường độ thấp, tức không tuyên chiến. Theo các chuyên gia Mỹ, các cuộc diễn tập hiện nay và việc phi cơ Trung Quốc xâm nhập thường xuyên vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, nhằm thử phản ứng của hệ thống phòng ngự Đài Loan, là nằm trong kịch bản này. Lợi thế của kịch bản ‘‘chiến tranh vùng xám’‘ này, về phía Trung Quốc, là ‘‘đẩy quyết định nổ súng trước về phía Đài Loan và Mỹ’’.
****
‘‘Gót chân Asin’’ của kịch bản phong tỏa
Tuy nhiên, điểm yếu của chiến thuật này, theo France 24, là không bảo đảm là Đài Loan sẽ đầu hàng. ‘‘Ngược lại, việc phong tỏa hay tấn công các đảo cô lập có thể thổi bùng lên quyết tâm kháng chiến của dân chúng Đài Loan, của chính quyền Đài Loan, cũng như các đồng minh phương Tây’’. Tình huống này có thể đẩy nhanh viễn cảnh ‘‘ác mộng’‘ với Trung Quốc : Đài Loan tuyên bố độc lập và chính thức tham gia vào liên minh an ninh với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Các chuyên gia Mỹ nghĩ đến một kịch bản khác, cho phép Trung Quốc có thể nhanh chóng kiểm soát Đài Loan. Đó là ‘‘tấn công chớp nhoáng nhằm tiêu diệt đầu não chính quyền Đài Loan, nhằm loại trừ khả năng tổ chức kháng chiến, trước khi đổ bộ ồ ạt’’. Chuyên gia Mỹ so sánh chiến dịch kiểu như vậy với chiến dịch ‘‘Shock and Awe’’ tấn công Irak năm 2003, cho phép kiểm soát Bagdad trong vòng chưa đầy ba tuần lễ.
*****
Kịch bản tấn công đầu não, can thiệp ồ ạt
Cũng trên Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia về quan hệ quốc tế Hal Brands (đồng tác giả cuốn ‘‘Danger Zone : The Coming Conflict With China’’ (Vùng nguy hiểm : cuộc xung đột đang đến với Trung Quốc’’), ấn hành năm 2022, cho biết cụ thể hơn về kịch bản này. Quân đội Trung Quốc sẽ không kích Đài Loan, tấn công vào các hệ thống liên lạc vệ tinh, và kể cả một số căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Cùng lúc đó việc tiến hành các vụ ám sát, phá hoại. Đợt tấn công phủ đầu dữ dội này (‘‘go big and brutal’’) nhằm khiến đối phương choáng váng.
Phần thứ hai của kịch bản cũng gây choáng váng. Theo một số chuyên gia, quân đội Trung Quốc có thể sẽ huy động đến 1,2 triệu quân với hy vọng đè bẹp lực lượng phòng vệ 450.000 chiến binh Đài Loan. Theo cựu sĩ quan Hải quân Mỹ Thomas Shugart, nhà nghiên cứu thuộc CNAS (một trung tâm nghiên cứu về an ninh Mỹ), quân đội Trung Quốc có thể huy động hàng trăm phương tiện hàng hải dân sự cho mục tiêu chuyển quân này. Tuy nhiên, đài France 24 nhấn mạnh : vượt qua được 180 km eo biển dưới ‘‘làn mưa tên lửa, đạn pháo’’ trước khi chọc thủng hàng rào phòng ngự hiểm trở của Đài Loan, là chuyện hoàn toàn không đơn giản. Địa hình Đài Loan vốn rất thuận lợi cho các hoạt động phòng ngự.
*****
Kịch bản xâm chiếm : Rất mạo hiểm, nhưng có thể
Theo chuyên gia Ian Easton, tác giả cuốn ‘’The Chinese Invasion Threat: Taiwan’s Defense and American Strategy in Asia’’, cuộc tấn công Đài Loan nếu nổ ra sẽ không hề giống với cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ và đồng minh lên bờ tây châu Âu tháng 6/1944, trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Một báo cáo hồi đầu năm 2021 của viện tư vấn chính sách đối ngoại Mỹ Council on Foreign Relations (CFR), kịch bản xâm chiếm đảo Đài Loan là ‘‘rất mạo hiểm’’, tuy nhiên, đứng từ quan điểm của một chuyên gia Trung Quốc, ‘‘lợi ích lâu dài’’ của giải pháp núi xương sông máu này là cho phép ‘‘giải quyết dứt điểm vấn đề chủ quyền Đài Loan’’. Còn theo chuyên gia Hal Brands, đồng tác giả cuốn ‘‘Vùng nguy hiểm : cuộc xung đột đang đến với Trung Quốc’’, kịch bản tấn công Đài Loan của Bắc Kinh sẽ ngày càng được củng cố, chừng nào mà chính quyền Trung Quốc nhận ra rằng họ sẽ ‘‘mất vĩnh viễn Đài Loan’’.
***
Trung Quốc tấn công Đài Loan: Chuyện không thể tránh khỏi ?
Thỏa hiệp Trung Quốc – Hoa Kỳ về Đài Loan từ gần nửa thế kỷ qua dựa trên quan niệm về ‘‘Một nước Trung Hoa’’, trong đó Đài Loan là một phần lãnh thổ không tách rời khỏi Hoa lục. Mẫu số chung trong quan niệm này là không thừa nhận một cách chính thức một nước Đài Loan độc lập với Hoa lục. Tuy giữa các cách hiểu giữa các bên về ‘‘Một nước Trung Hoa’’ lại rất khác nhau, thậm chí đối nghịch. Trong lúc Bắc Kinh ngày càng khẳng định chủ trương bằng mọi cách phải tái thống nhất Đài Loan với Hoa lục, nếu cần bằng vũ lực, thì đối với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia dân chủ, vùng lãnh thổ Đài Loan phải có tiếng nói trong tiến trình tái thống nhất giả định, và nhất thiết không thể để Bắc Kinh dùng vũ lực sát nhập trở lại hòn đảo dân chủ Đài Loan. Thỏa hiệp về ‘‘Một nước Trung Hoa’’ và Đài Loan không độc lập, nhưng được hỗ trợ để tự vệ, trước tham vọng thâu tóm của Bắc Kinh, là điều đã từng cho phép duy trì nền hòa bình mong manh, với điều gọi là ‘‘nguyên trạng’’ tại khu vực eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, sau bốn mươi năm tồn tại thỏa hiệp về ‘‘Một nước Trung Hoa’’ (cùng với điều mà giới chuyên gia thường gọi chính sách ‘‘mơ hồ về chiến lược’’ của Mỹ, hậu thuẫn Đài Loan, nhưng không ủng hộ độc lập, cũng không khẳng định rõ có trực tiếp can thiệp bảo vệ Đài Bắc hay không), đã từng cho phép tồn tại nền hòa bình mong manh này. Thế nhưng thời thế giờ đã thay đổi, tình trạng nói trên khó có thể kéo dài. Một số chuyên gia nói đến sự cáo chung không sớm thì muộn của quan điểm ‘‘Một nước Trung Hoa’’.
Viện tư vấn chính sách đối ngoại Mỹ Council on Foreign Relations có bài tổng hợp đáng chú ý về vấn đề này. Bài ‘‘Why China-Taiwan Relations Are So Tense / Vì sao các quan hệ Trung – Đài lại căng thẳng như vậy’’ (Council on Foreign Relations, 03/08/2022) nhấn mạnh: ‘‘Trung Quốc đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được sự “thống nhất” Đài Loan và ngược lại Hoa Kỳ cũng không loại trừ việc bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công’’, ‘‘Sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng và thái độ quyết đoán của Trung Quốc, cũng như tình hình xấu đi trong quan hệ hai bờ eo biển, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột (…)’’.
Một bên là hòn đảo Đài Loan, với một Nhà nước độc lập trên thực tế, không chấp nhận hy sinh nền dân chủ, bên kia là chính quyền Trung Quốc không chấp nhận sự tồn tại của một vùng lãnh thổ bị coi là ‘‘ly khai’’. Xu thế đối đầu không khoan nhượng dẫn đến xung đột phải chăng đã là điều không thể tránh khỏi ? Đã quá muộn để cứu vãn ?
****
Những chỉ báo từ cuộc tập trận lịch sử bao vây Đài Loan
Cuộc tập trận lịch sử 4 ngày, bao vây Đài Loan, vừa qua của quân đội Trung Quốc cung cấp nhiều chỉ báo đáng chú ý về xu thế thực tế. Nhật báo Pháp Le Monde có bài nhận định ‘‘Trong ba ngày tập trận, Trung Quốc thách thức Đài Loan nhưng không thay đổi nguyên trạng’’, ghi nhận: trái ngược với vẻ ngoài rầm rộ, và quyết liệt (khiến nhiều nhà quan sát khẳng định Trung Quốc đã ‘‘vượt qua lằn ranh đỏ’’, ‘‘thay đổi nguyên trạng’’), các lực lượng vũ trang Trung Quốc vẫn chưa hề xâm nhập vào trong vùng lãnh hải và không phận Đài Loan (“In three days of military drills, China threatens Taiwan without changing the status quo”, Le Monde, 08/08/2022).
Điều mà nếu xảy ra ắt hẳn sẽ dẫn đến các hành động trả đũa cứng rắn từ phía quân đội Đài Loan, nhiều khả năng dẫn đến đụng độ vũ trang. Trung Quốc chỉ gia tăng số lượng và cường độ các phi cơ và tàu thuyền vượt qua đường trung tuyến của eo biển, điều vốn dĩ đã từng xảy ra trong quá khứ gần đây.
Cuộc tập trận lịch sử gần như không dẫn đến thay đổi ‘‘nguyên trạng’’, nhưng có mục tiêu gây các áp lực về tâm lý rất lớn đối với xã hội Đài Loan. Đây là điều được nhiều nhà quan sát đặc biệt lưu ý. Theo Alessio Patalano, chuyên gia về quân sự và chiến lược ở Đông Á Đại học King’s College London, chiến thuật của Bắc Kinh với các cuộc diễn tập hung hăng nói trên là nhằm gây ‘‘cảm giác sợ hãi thường trực’’ với người dân Đài Loan, với thời gian các hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc sẽ dần dần ‘‘được coi là chuyện bình thường’’, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi (‘‘ ‘This is about striking fear’: China’s Taiwan drills the new normal, analysts say ‘‘, The Guardian, 10/08/2022).
****
‘‘Một nước Trung Hoa’’ vẫn cần, nhưng Mỹ cần ‘‘lật ngược thế cờ truyền thông’’
Theo nhiều nhà chuyên gia, để tránh xung đột vũ trang bùng phát tại eo biển Đài Loan, Hoa Kỳ cùng các đồng minh cần có các biện pháp để Trung Quốc nhận ra cái giá phải trả cho một cuộc xâm lăng liều lĩnh như vậy là lớn hơn rất nhiều so với kết quả hy vọng có được. Có các chính sách răn đe toàn diện (‘‘comprehensively deter’’) đối với chính quyền Bắc Kinh, về nhiều mặt, từ quân sự, chính trị, đến ngoại giao, truyền thông… là điều cần thiết.
Chuyên gia Ivan Kanapathy, Viện Center for Strategic and International Studies in Washington, D.C, cựu phụ trách mảng Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ,đặc biệt nhấn mạnh đến vế truyền thông. Theo ông, chính sách ‘‘Một nước Trung Hoa’’ là điều vẫn còn có thể được duy trì, với điều kiện Hoa Kỳ cần ‘‘lật ngược thế cờ về mặt truyền thông’’, nỗ lực yêu cầu Trung Quốc trở lại chính sách tìm kiếm việc tái thống nhất thông qua ‘‘giải pháp hòa bình’’. Đây là điều từng được hai bên thỏa thuận trong ‘‘Thông cáo chung Mỹ - Trung cuối cùng về Đài Loan vào năm 1982’’ (final U.S.-China Joint Communique in 1982) (bài Ivan Kanapathy, ‘‘The Collapse of One China’’, CSIS, 17/06/2022).
RFI
Không có nhận xét nào