Chào các bạn,
Nếu bạn là người trí thức – tạm định nghĩa đơn giản là có cử nhân trở lên – bạn cần biết về mọi vấn đề lớn của đất nước và thế giới. Biết không có nghĩa là chỉ biết cái tên, như là “Biển Đông có vấn đề”, mà là biết những nét căn bản về vấn đề và những nét căn bản về các cố gắng giải quyết vấn đề, như là: Những nét căn bản của luật biển (UNCLOS) về territorial waters (lãnh hải), EEZ – exclusive economic zone (vùng độc quyềnkinh tế, mà thiên hạ đã quen nói sai là vùng đặc quyền kinh tế), và continental shelves (thềm lục địa), những tranh chấp giữa các nước và Trung quốc, TQ đang làm gì và các nước – nhất là VN – đang làm gì mỗi ngày trong các tranh chấp đó, thế giới đang làm gì với những tranh chấp đó… Bạn không thể nói rằng Biển Đông là việc của nhà nước để nhà nước lo, mình chẳng có phần gì trong đó.
Các bạn có biết các khái niệm “dân trí” (people’s knowledge) và “tư duy tập thể” (collective thinking) không?
Dân trí là trình độ kiến thức chung chung của mọi người dân. Nếu mọi người dân, nhất là giới trí thức, chẳng biết gì về một vấn đề, thì đất nước sẽ yếu kém về vấn đề đó, dù nhà nước vẫn có chuyên gia làm việc đó.
Nếu dân trí thấp về một vấn đề thì tư duy tập thể (collective thinking) của tất cả mọi người trong nước yếu về vấn đề đó, và đất nước sẽ yếu về vấn đề đó, dù nhà nước vẫn có chuyên gia làm việc đó.
Dân trí và tư duy tập thể của cả nước định hình kiến thức và trí tuệ của cả nước. Vấn đề không phải là có chuyên gia hay không, mà là cả nước nói chung có trí tuệ hay không.
Khi nói về tập thể, như là thành phố, đất nước, thế giới, chúng ta phải nói về cả tập thể, tức là tất cả mọi người trong tập thể. Không thể chỉ nói về một thành phần của tập thể, như là lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia, mà thôi. Một tập thể yếu kém về tư duy thì tập thể yếu kém về tư duy, dù trong tập thể đó có thể có một vài thành phần khá.
Cũng như nói về gia đình. Khi chúng ta nói một gia đình khá hoặc giỏi có nghĩa là cả gia đình đó khá hoặc giỏi, dù rằng trong đó có vài người rất dốt. Hoặc gia đình tồi, cũng có thể có người tốt trong đó, nhưng cả gia đình thì tồi.
Khái niệm dân trí và tư duy tập thể này cực kì quan trọng cho phát triển đất nước – chúng xác định rõ ràng và cụ thể rằng vận mạng của đất nước nằm trong tay mọi người dân và mỗi người dân. Bạn không thể có một đất nước mạnh nếu chỉ có vài lãnh đạo rất giỏi và đại đa số dân thì dốt được.
Cho nên, mỗi người trong giới trí thức chúng ta cần biết rõ rằng trí tuệ của chính mình trực tiếp ảnh hưởng đến trí tuệ của đất nước, cũng như trí tuệ của thế giới, nếu chúng ta nói đến thế giới.
Lỗi lầm lớn nhất của nhiều trí thức là: “Ối chào, tôi chỉ là phó thường dân, chẳng làm gì được cho ai điều gì. Để các quan lớn lo, mình trùm mền nằm ngủ sướng hơn.” Đó là thái độ “trí thức trùm mền” rất là… thiếu trí thức.
Cho nên, các bạn, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề của đất nước – biết khá rõ về những vấn đề lớn – để giúp đất nước phát triển mạnh. Bạn chỉ cần có trí tuệ, và chẳng cần phải làm gì với trí tuệ đó, chỉ việc nói chuyện với bạn bè trong quán cà phê hay trên Facebook hoặc email là đủ để bạn đóng góp vào sức mạnh trí tuệ của cả nước. Không có chuyện “tôi chẳng làm gì được”.
Tóm lại, chân lý cuộc sống vẫn là: Nếu ta quan tâm đến cuộc sống, ta tự nhiên sẽ làm cho cuộc sống tốt hơn. Nếu ta không quan tâm đến cuộc sống, ta sẽ làm cuộc sống tồi hơn.
Không phải là chuyện chức vụ hay quyền lực, mà là chuyện của tinh thần trách nhiệm và phát triển tư duy tập thể.
Chúc các bạn thấy chỗ đứng của mình trong đất nước và thế giới.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
https://dotchuoinon.com/2022/08/17
Không có nhận xét nào