Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 19 tháng 8 năm 2022

     Võ Thái Hà tổng hợp

    G20 ở Bali: Cả Tập Cận Bình và Vladimir Putin ‘sẽ tới dự họp’

    Putin and Xi Jinping

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói với báo chí là hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nga “sẽ tới dự Thượng đỉnh G20 ở Bali” tháng 11 tới. 

    Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, tổng thống nước chủ nhà đăng cai G20 năm nay cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình “sẽ tới, và Putin cũng nói với tôi là ông ta sẽ đến”. 

    Đây là lần đầu tiên từ khi Nga xâm lăng Ukraine có một hội nghị thượng đỉnh quốc tế cấp cao, và cũng là lần đầu tiên ông Putin tới dự một sự kiện như vậy. 

    G20 ở hòn đảo của Indonesia vào tháng 11 tới cũng sẽ là dịp đầu tiên Chủ tịch Tập của Trung Quốc xuất ngoại, kể từ khi nước này đóng biên giới chống Covid vào tháng 2/2020.

    Tháng 7 vừa qua, ông Tập chỉ ra khỏi đại lục một lần với chuyến đi bằng xe lửa sang Hong Kong.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ dự G20, nhưng không rõ ông có tiếp xúc người tương nhiệm Nga hay không.  

    Tuy thế, có tin tức nói về khả năng ông Biden sẽ gặp ông Tập trước G20 hoặc bên lề thượng đỉnh.

    Trong tháng 8 này, các bộ trưởng của nhóm G20, tập trung các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã họp ở Bali. 

    Thế nhưng kỳ họp cũng có căng thẳng khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Antony Blinken không nhìn vào ông Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Nga tại hội nghị. 

    Họ cũng tránh nhau ở lễ tiếp tân sau đó, và Bộ trưởng Ngoại giao TQ, Vương Nghị được mô tả là đã bỏ lễ tiếp tân khi ông Blinken bước vào.

    Câu hỏi về Ukraine

    Cuộc chiến Nga tiến hành tại Ukraine chắc chắn sẽ là chủ đề được các nhà lãnh đạo bàn đến ở Thượng đỉnh G20 chính thức hoặc không chính thức.

    Tuần này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến thăm tới Ukraine và họp với Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Lviv.

    Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông “lo ngại về sự an toàn” tại nhà máy điện nguyên tử của Ukraine, hiện bị Nga chiếm.

    Tại các cuộc trao đổi với báo chí, ông Erdogan, người gặp Tổng thống Nga Putin mới hai tuần trước, nêu ra một ý gây ngạc nhiên, rằng “Nga muốn hội đàm hòa bình với Ukraine”. 

    Đáp lại, ông Zelensky nói để hội đàm hòa bình, việc đầu tiên là Nga phải “rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine”. Tổng thư ký LHQ Guterres cũng cho biết ông ngạc nhiên khi nghe “lời nhắn” từ Kremlin về việc hòa đàm nào đó với Ukraine. 

    Hôm nay 19/08, ông Guterres sẽ tới Odesa để đánh giá việc mở lối cho tàu chở ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine ra thị trường quốc tế.  

    Đây là một thành công của chính ông và LHQ sau khi vận động được Nga chấp nhận không tấn công các cảng và tuyến hàng hải chở ngũ cốc ra thế giới, giúp giảm bớt vấn đề thiếu lương thực toàn cầu, nhất là tại châu Phi. 

    Trước các cuộc gặp ở Lviv, giới chức Ukraine cho hay chuyến tàu hàng thứ 25 chở 33 nghìn tấn ngũ cốc đã rời cảng tới Ai Cập.

    Quốc đảo Salomon vay 66 triệu euro từ Trung Quốc để xây tháp viễn thông

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và đồng nhiệm Salomon Jeremiah Manele trong cuộc họp báo chung tại Honiara, Quần đảo Salomon, ngày 26/05/2022. AP 

    Chính phủ Salomon hôm nay 19/08/2022 thông báo đã được Trung Quốc cho vay 66 triệu đô la để xây 161 tháp viễn thông. Việc xây dựng các tháp đều sẽ do tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi đảm nhiệm. 

    Theo thỏa thuận, toàn bộ dự án xây 161 tháp viễn thông do Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ. Thời hạn cho vay là 20 năm. Chính phủ Salomon cho biết gần một nửa số tháp viễn thông sẽ được hoàn thành trước khi Thế vận hội các đảo quốc ở Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 11/2023.

    Đây là khoản tài trợ đầu tiên mà đảo quốc Salomon nhận được từ Bắc Kinh kể từ hồi tháng 04/2022, khi hai bên ký kết một hiệp ước an ninh mà giới quan sát cho là không rõ ràng.

    Chính phủ Salomon đánh giá khoản cho vay lần này là thuộc “quan hệ đối tác tài chính lịch sử” sau khi Salomo khôi phục quan hệ với Bắc Kinh vào năm 2019.

    Theo AFP, mối quan hệ ngày càng được thắt chặt về tài chính và an ninh giữa đảo quốc Salomon và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại và nhiều nghi vấn từ Mỹ và các nước đồng minh của Washington, nhất là Úc. Các nước Tây phương cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng hiệp ước an ninh ký với Salomon để thiết lập căn cứ quân sự tại đảo quốc ở Thái Bình Dương, điều mà thủ tướng Salomon, Manasseh Sogavaren, đã nhiều bác bỏ.

    Chính quyền quân đội Myanmar sẽ nhập khẩu dầu của Nga 

    18/8/2022 

    Reuters 

    Xe cộ xếp hàng dài chờ mua xăng ở Yangon, Myanmar.

    Xe cộ xếp hàng dài chờ mua xăng ở Yangon, Myanmar. 

    Người phát ngôn của chính quyền quân đội Myanmar cho biết nước này có kế hoạch nhập khẩu xăng và dầu nhiên liệu của Nga để giảm bớt lo ngại về nguồn cung và giá cả tăng cao.

    Quốc gia Đông Nam Á này vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Nga, ngay cả khi cả hai nước vẫn đang chịu một loạt các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây - Myanmar bị trừng phạt vì có cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân bầu hồi năm ngoái, còn Nga là vì cuộc xâm lược Ukraine, mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt".

    Nga đang tìm các khách hàng mới cho mặt hàng năng lượng của họ trong khu vực vì thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ, châu Âu, sẽ áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu của Nga theo các giai đoạn vào cuối năm nay.

    Người phát ngôn quân đội Zaw Min Tun cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 17/8: “Chúng tôi đã được phép nhập khẩu xăng từ Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng loại xăng này được ưa chuộng vì “chất lượng và giá thành rẻ”.

    Theo các phương tiện truyền thông, các chuyến hàng dầu nhiên liệu sẽ bắt đầu đến Myanmar từ tháng 9.

    Zaw Min Tun cho biết người đứng đầu chính quyền quân đội Min Aung Hlaing đã thảo luận về dầu khí trong chuyến công du tới Nga hồi tháng trước. Myanmar hiện nhập khẩu nhiên liệu thông qua Singapore.

    Ông nói rằng Myanmar sẽ xem xét việc khai thác dầu chung ở Myanmar với Nga và Trung Quốc.

    Quân đội đã thành lập Ủy ban Mua dầu của Nga do một đồng minh thân cận của Min Aung Hlaing đứng đầu để giám sát việc mua, nhập khẩu và vận chuyển nhiên liệu với giá cả hợp lý dựa trên nhu cầu của Myanmar, theo một tuyên bố đăng trên một tờ báo nhà nước hôm 17/8.

    Ngoài sự xáo trộn chính trị và bất ổn dân sự, Myanmar còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá nhiên liệu cao và nạn cắt điện, khiến giới lãnh đạo quân đội nước này chuyển sang nhập khẩu dầu nhiên liệu có thể sử dụng trong các nhà máy điện.

    Giá xăng đã tăng khoảng 350% kể từ cuộc đảo chính vào tháng 2 năm ngoái lên 2.300-2.700 kyat (khoảng 1 đôla)/lít.

    Trong tuần qua, các trạm xăng dầu đã ngừng hoạt động ở nhiều nơi trên cả nước vì tình trạng khan hiếm, theo tường thuật của các phương tiện truyền thông.

    Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Myanmar.

    (Reuters)

    TT Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lo ngại về « một thảm họa Tchernobyl mới » tại Zaporijjia

    Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G) hội đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (T) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, tại Lviv, Ukraina, ngày 18/08/2022. © Ukrainian Presidential Press Service/Handout via REUTERS 

    Ngày 18/08/2022, trong cuộc gặp tổng thống Ukraina Zelensky và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tại Lviv, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara ủng hộ Ukraina và báo động về mối nguy tại nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia sẽ xảy ra « một thảm họa Tchernobyl mới », tai nạn hạt nhân dân sự khủng khiếp nhất lịch sử. 

    Những phát biểu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh những ngày gần đây liên tục nổ ra các vụ tấn công xung quanh nhà máy điện Zaporijjia của Ukraina, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Đôi bên Nga và Ukraina đều bác bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho đối phương. Tổng thống Ukraina Zelensky hôm qua đánh giá cao phát biểu của đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, « một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ » dành cho đất nước Ukraina, bởi thổ Nhĩ Kỳ là « một nước rất quan trọng ».

    Theo AFP, trong cuộc gặp, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đặc biệt lo ngại về tình hình quanh nhà máy Zaporijjia, ông Antonio Guterres cảnh báo tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia là « tự sát » và một lần nữa kêu gọi « phi quân sự hóa » nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, « không sử dụng nhà máy này cho bất kỳ một chiến dịch quân sự nào ». 

    Cũng trong cuộc họp báo ở Lviv, tổng thống Ukraina Zelensky khẳng định « không tin vào Nga », bác bỏ mọi cuộc thương lượng với Matxcơva chừng nào Nga chưa rút quân khỏi lãnh thổ Ukraina. AFP trích dẫn phát biểu của tổng thống Zelensky : « Không thể có chuyện những người giết hại, cưỡng hiếp, tấn công vào các thành phố dân sự của chúng tôi bằng tên lửa hành trình mỗi ngày lại muốn hòa bình. Trước tiên, họ phải rút khỏi lãnh thổ của chúng tôi, rồi sau đó chúng tôi sẽ xem xét tình hình ». 

    Một thẩm phán liên bang ở Florida 

    Cho biết ông sẽ công bố một phần của biên bản nêu chi tiết các lý do mà FBI dùng để biện minh cho việc lục soát nhà riêng của ông Trump. Ông cho FBI một tuần để quyết định giữ lại phần nào. FBI nói việc công bố biên bản sẽ làm suy yếu cuộc điều tra vì làm lộ thông tin nhân chứng.

    Mỹ và Đài Loan tuyên bố sẽ khởi động đàm phán thương mại

    Theo một sáng kiến chung được đưa ra hồi tháng Sáu. Phó đại diện thương mại Mỹ Sarah Bianchi cho biết vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào đầu mùa thu. Trung Quốc phản đối đàm phán và cảnh báo Mỹ “ngừng phạm sai lầm.” Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang về vấn đề Đài Loan – mà Trung Quốc coi là lãnh thổ ly khai.

    Tân tổng thống Hàn Quốc muốn hòa giải với Nhật Bản

    Yoon Suk-yeol có tham vọng đổi mới quan hệ giữa nước ông với Nhật Bản. Hôm 17 tháng 8, tổng thống Hàn Quốc đã nói sự thù địch giữa hai nước, vốn xuất phát từ thời kỳ cai trị của thực dân Nhật ở Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945, có thể bị bỏ lại phía sau “một cách thiện chí và phù hợp.” Sự nhiệt tình của ông là điều dễ hiểu – quan hệ nồng ấm có lợi cho kinh tế và an ninh của hai nước, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

    Nhưng người ta không rõ vì sao ông lại lạc quan như vậy. Con đường đưa đến hòa giải là rất dài và gian nan, thậm chí có thể kết thúc từ trước khi nó bắt đầu. Hồi năm 2018, các tòa án Hàn Quốc đã cho phép tịch thu tài sản của một số công ty Nhật Bản, trên cơ sở người Hàn Quốc bị buộc nô dịch cho các công ty này trong Thế chiến II. Số tài sản tịch thu sẽ được trao lại cho các nạn nhân. Nhưng các công ty từ chối thanh toán, với quyết định cuối cùng của tòa án sẽ được công bố sớm nhất vào thứ Sáu tuần này. Buộc họ bồi thường sẽ khiến Nhật Bản phẫn nộ, và qua đó dập tắt luôn hy vọng hòa giải của ông Yoon.

    Nga muốn đóng cửa tổ chức đại diện của người Do Thái

    Thứ Sáu này, các luật sư của Cơ quan Do Thái vì Israel (JA), một tổ chức quốc tế thay mặt cho chính phủ Israel, sẽ ra hầu tòa ở Nga. Điện Kremlin muốn giải tán sự hiện diện của họ ở nước này. Nga cáo buộc JA, vốn có nhiệm vụ giúp người Do Thái chuyển đến sống ở Israel, thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của công dân Nga.

    Lời đe dọa dường như là lời cảnh báo Israel không nên thay đổi lập trường về cuộc chiến ở Ukraine. Israel cho đến nay vẫn giữ thái độ trung lập, một phần vì có dân số nói tiếng Nga lớn. Nhưng thủ tướng Yair Lapid đã lên án cuộc xâm lược của Nga từ trước khi ông nhậm chức. Quy mô di cư kể từ đầu chiến tranh cho thấy nhiều người Do Thái có vẻ đồng ý với ông Lapid. JA ước tính khoảng 20.500 người Do Thái tại Nga đã chuyển đến Israel kể từ tháng 3, chiếm hơn 12% dân số Do Thái ở Nga. Điện Kremlin có thể sẽ buộc được JA đóng cửa. Nhưng điều đó không thuyết phục được người Do Thái ở lại Nga.

    Mike Pence dường như sẽ tranh cử tổng thống Mỹ

    Hội chợ bang Iowa là một nghi thức phải làm cho bất kỳ ai muốn trở thành tổng thống Mỹ tương lai. Trong những năm vận động, các ứng viên thường đổ xô đến đây để mua hàng và tạo ấn tượng với các cử tri trước vòng sơ bộ ở Iowa, vốn luôn là phát súng mở màn năm bầu cử tổng thống. Dù cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo phải đến năm 2024, nhưng vào thứ Sáu này cựu phó tổng thống Mike Pence sẽ đến tham dự hội chợ ở Des Moines. Ông đến thủ phủ của Iowa thẳng từ New Hampshire, một tiểu bang khác cũng bỏ phiếu sơ bộ sớm.

    Tại đây, ông đã tuyên bố đảng Cộng hòa nên ngừng chỉ trích FBI xoay quanh cuộc đột kích vào nhà riêng của Donald Trump, và rằng ông sẽ cân nhắc hợp tác với ủy ban Hạ viện đang điều tra vai trò của ông Trump trong vụ bạo động 6 tháng 1. Ông Pence dường như đã hoàn toàn bất đồng với ông Trump; như các chuyến đi của ông cho thấy, ông cũng muốn tranh cử tổng thống. Lẽ nào mùa tranh cử tổng thống đã bắt đầu từ trước cả khi bầu cử giữa kỳ khép lại?

    Một năm mất mát của các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Các nhân viên cứu trợ ở những vùng bất ổn hoặc bạo lực luôn sống trong hiểm nguy, nhưng năm 2021 vừa qua đã trở thành năm mất mát nhất trong gần mười năm qua đối với họ. Theo dữ liệu từ tổ chức tư vấn Humanitarian Outcomes ở London, có tới 141 nhân viên cứu trợ thiệt mạng trong năm 2021.

    Vào thứ Sáu, Liên Hợp Quốc sẽ kỷ niệm Ngày Nhân đạo Thế giới bằng một chiến dịch nâng cao nhận thức về tình trạng nguy hiểm của các nhân viên cứu trợ. Mặc dù 2021 có ít vụ bạo lực hơn so với hai năm trước đó, 268 vụ tấn công vẫn được ghi nhận, chủ yếu là xả súng và không kích, do đó gây thiệt hại nhân mạng nặng nề hơn, chưa kể 117 người khác bị bắt cóc.

    Nam Sudan vẫn là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhân viên cứu trợ. Afghanistan đứng thứ hai, mặc dù bạo lực tại đây đã giảm xuống kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền. Với cuộc chiến Ukraine, năm nay có thể sẽ còn tồi tệ hơn đối với những người đang làm việc vì các nỗ lực nhân đạo.

    Phi hạt nhân hóa đổi lấy viện trợ: Bắc Triều Tiên bác bỏ đề xuất của Hàn Quốc

    Ảnh minh họa: Màn hình TV tại ga xe lửa Seoul ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 17/08/2022, chiếu chương trình tin tức tường thuật về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên với đoạn phim ghi lại cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu. AP - Lee Jin-man 

    Một đề xuất « điên rồ ». Em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bà Kim Yo Jong, ngày 19/08/2022 đánh giá như trên đề nghị của Hàn Quốc hỗ trợ Bình Nhưỡng tái thiết kinh tế, nếu chính quyền Kim Jong Un ngừng phát triển hạn nhân. Seoul « lấy làm tiếc » về phản ứng của Bắc Triều Tiên. 

    Hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA trích dẫn lời bà Kim Yo Jong nhấn mạnh: « Đánh đổi hợp tác kinh tế lấy danh dự, vũ khí nguyên tử  là một giấc mơ, là hy vọng và kế hoạch của ông Yoon. Seoul có suy nghĩ thực sự thô thiển và ấu trĩ ».

    Người phụ nữ đầy quyền lực này trong chính quyền Bình Nhưỡng nói thêm: Bắc Triều Tiên hoàn toàn không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo bởi vì « không ai mang vận mệnh của mình để đổi lấy vài cái bánh ngô cả ». Em gái lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Yo Jong cho rằng trong mọi trường hợp chính quyền Hàn Quốc nên « câm miệng lại là hơn ». Bà đồng thời bác bỏ khả năng đối thoại với chính quyền của tổng thống Yoon Suk Yeol.

    Hôm 15/08/2022 tổng thống Hàn Quốc đề nghị một kế hoạch quy mô hỗ trợ Bắc Triều Tiên đổi lại thì Bình Nhưỡng phải có những tiến bộ cụ thể trên con đường phi hoạt nhân hóa. Cách nay hai ngày, Bình Nhưỡng lại cho bắn thử hai tên lửa hành trình về phía Hoàng Hải. Tuần trước, chính quyền Kim Jong Un tố cáo Hàn Quốc gieo rắc dịch Covid cho Bắc Triều Tiên.

    Seoul sáng nay đã có phản ứng về những lời lẽ của em gái lãnh tụ Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị hỗ trợ kinh tế. Phủ tổng thống Hàn Quốc « lấy làm tiếc » trước những lời lẽ « khiếm nhã » của một quan chức cao cấp trong chính quyền Bình Nhưỡng.

    Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc ông Lee Hyo Jung được hãng tin Mỹ AP trích dẫn, nói thêm: Thái độ hung hãn này « chẳng những đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà còn gây thêm khó khăn cho quốc gia phương Bắc này. Bang giao quốc tế và tình hình kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ xấu đi thêm ».  



    Không có nhận xét nào