Võ Thái Hà tổng hợp
Zelenskyy: Nga tấn công nhà ga Ukraine, ít nhất 15 người chết, 50 người bị thương
25/8/2022
Một khu nhà bị Nga tấn công phá hủy tại Chaplyne, vùng Dnipropetrovsk, Ukraine, ngày 24/8/2022.
Rốc-két của Nga tấn công một đoàn tàu chở khách tại một nhà ga ở miền đông Ukraine hôm 24/8 khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy loan báo.
Trong một video phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, ông Zelenskyy cho biết rốc-két đã bắn trúng đoàn tàu ở thị trấn nhỏ Chaplyne, cách Donetsk 145 km về phía tây, và bốn toa tàu bị bốc cháy.
Ukraine đánh dấu ngày độc lập của mình hôm 24/8 và ông Zelenskyy từng cảnh báo trước rằng Nga có thể tìm cách gây gián đoạn lễ kỷ niệm.
Ông Zelenskyy nói: “Bốn toa xe chở khách bốc cháy. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 15 người đã thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương”.
“Lực lượng cứu hộ đang làm việc, nhưng thật không may, số người chết có thể tăng lên.”
Nga đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm vào các mục tiêu dân sự. Hồi tháng 4, ít nhất 57 người chết khi phi đạn của Nga bắn trúng ga xe lửa ở thị trấn Kramatorsk, quan chức Ukraine cho hay.
Ukraina : Sáu tháng chiến tranh, Vladimir Putin vẫn làm chủ cuộc chơi
Xe tăng của quân Nga bị tàn phá : chiến lợi phẩm được phô trương tại thủ đô Kiev trong ngành lễ Quốc Khánh Ukraina 24/08/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Hôm nay, 24/08/2022, là đúng sáu tháng tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành « chiến dịch quân sự đặc biệt » chống Ukraina. Một cuộc chiến mà cho đến giờ không ai biết được mục tiêu của Nga là gì. Cũng không ai có thể biết được cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bao lâu. Nhưng theo giới quan sát, có một điều chắc chắn là trong bối cảnh bất định này, chủ nhân điện Kremlin vẫn đang làm chủ cuộc chơi.
Sáu tháng chiến tranh, hàng triệu người Ukraina phải di tản. Từ 70 – 80 ngàn binh sĩ Nga thiệt mạng, theo thẩm định của Lầu Năm Góc và hơn 9.000 lính Ukraina tử trận, theo tuyên bố của Kiev. Sáu tháng chiến dịch, quân Nga dường như không tiến được nhiều và chiến tuyến vẫn không mấy dịch chuyển.
Đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch viện Themiis, trên đài truyền hình CNEWS của Pháp phân tích, tuyên bố « tạm ngưng chiến dịch » của Vladimir Putin có thể vì ba lý do : Thứ nhất, cuộc chiến này đã giết chết 15 ngàn binh sĩ Nga (theo như tình báo phương Tây) và ông Putin có thể lo ngại phản ứng của công luận. Thứ hai là trên bình diện ngoại giao. Nga bảo toàn thắng thế về lãnh thổ (Donbass, Crimée) để có được lợi thế thương lượng và phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi… Giả thuyết thứ ba là về mặt quân sự : Quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề và cần hồi phục sức mạnh.
Tuy nhiên, theo CNN, điều làm cho một số nhà quan sát ngạc nhiên nhất chính là khả năng « xuyên tạc », bóp méo thực tế của Nga.
Thứ nhất là trên bình diện tuyên truyền, theo đó, các tầu chiến của Nga không bị tên lửa của Ukraina đánh chìm và các căn cứ của Nga bị nổ là do tai nạn. Chính vì vậy, các số liệu thăm dò cho thấy sự ủng hộ của công luận Nga đối với « chiến dịch quân sự đặc biệt » và với chủ nhân điện Kremlin là rất cao. Cả hai viện thăm dò, một của nhà nước (WCIOM) và một cơ quan độc lập (Levada – Center) đều đưa ra một con số là trên 80%, bất chấp việc kiểm duyệt gắt gao báo chí độc lập cũng như việc bắt bớ những người phản đối chiến tranh.
Thứ hai, trong bối cảnh Matxcơva bị cô lập đối với nền kinh tế toàn cầu do các lệnh trừng phạt, và phần lớn các nguồn đầu tư của phương Tây vào Nga đã rời đất nước, làm ảnh hưởng nhiều lĩnh vực kinh tế như hàng không… nhưng hệ thống tài chính của Nga vẫn chưa sụp đổ và sự lo lắng của người tiêu dùng cũng chưa biến thành bất ổn chính trị như dự báo của lãnh đạo Viện Yale School of Management gần đây.
Đó là vì từ nhiều năm qua, nguyên thủ Nga cùng với các nhà kỹ trị đã nghiên cứu tìm cách chống đỡ các trừng phạt kinh tế, cho thay thế nhập khẩu bằng cách phát triển các sản phẩm nội địa, « cây nhà lá vườn » và một hệ thống thanh toán để tránh bị cô lập về tài chính. Và đặc biệt là cho dù ông Putin có thể là người quyết định mọi việc, bất kể hậu quả kinh tế có ra sao do các lệnh trừng phạt, thì hàng ngũ các nhà tài phiệt Nga ủng hộ ông Putin vẫn không hề tan rã.
Trước những khả năng kháng cự cũng mạnh mẽ không kém gì người dân Ukraina, những nước ủng hộ Ukraina và cả chính quyền Kiev đành phải chuyển sang gây khó với người dân Nga mà một trong những biện pháp đang được nhắm tới là ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Nga. Liệu rằng giải pháp này có thể làm thay đổi hành vi của người dân Nga hay không ? Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một phát biểu tại Oslo cảnh báo các lãnh đạo châu Âu nên tách bạch rõ ràng về vấn đề này vì hành động gây chiến với Ukraina là « cuộc chiến của ông Putin » chứ không phải là từ « người dân Nga ».
Trong bức tranh ảm đạm này, theo CNN, rõ ràng Vladimir Putin vẫn sống sót trước sự hắt hủi, tẩy chay của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Nguyên thủ Nga sẵn sàng chơi một trò chơi dài hơi với Mỹ và phương Tây. Ông Putin tin rằng trong sáu tháng tới, người dân châu Âu sẽ phải trả giá năng lượng cao hơn, có khả năng gây áp lực với các chính phủ của họ trong việc thúc đẩy Ukraina phải tuân theo một thỏa thuận hòa bình theo ý của Nga.
Chiến tranh Ukraina: Nguy cơ khan hiếm phân bón toàn cầu
Một công nhân nông trường dỡ phân bón sản xuất tại Ukraina để sử dụng trên cánh đồng lúa mì gần làng Yakovlivka, ngoại ô Kharkiv, Ukraina, ngày 05/04/2022. REUTERS - THOMAS PETER
Trong sáu tháng qua, kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, mọi người chú ý nhiều đến tác động của cuộc xung đột này đối với giá khí đốt và lương thực, nhưng ngoài hai tác động đó, còn có nguy cơ khan hiếm phân bón, mà Nga là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.
Chưa bao giờ giá của các loại phân tổng hợp gọi là NPK (loại phân bón chứa các nguyên tố dinh dưỡng chính là đạm, lân, kali) lại cao như thế: giá trên thị trường thế giới đã tăng gấp ba trong thời gian từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022.
Riêng tại châu Âu, theo hãng tin AFP, giá của phân bón NPK tăng cao lên đến mức “lịch sử”, bởi vì giá phân bón gắn liền với giá khí đốt, vốn chiếm đến 90% chi phí sản xuất các loại phân đạm như phân amoni hay phân urê. Giá khí đốt tự nhiên thì cứ tăng liên tục theo diễn tiến của cuộc chiến tranh Ukraina, vì cuộc xung đột khiến nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu bị chặn lại.
Để không bị lỗ vốn, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà sản xuất phân bón ở châu Âu đã ngưng sản xuất phân amoni nitrat, có nguồn từ khí đốt tự nhiên. Theo ông Nicolas Broutin, giám đốc chi nhánh Pháp của tập đoàn Na Uy Yara, tập đoàn số một châu Âu về phân đạm, giá khí đốt hiện nay đã lên tới 300 euro/MWh, so với mức trung bình 20 euro trong thời gian 10 năm qua, tức là tăng 10-15 lần.
Trong năm nay, đã hai lần Yara phải tạm ngưng sản xuất tại nhà máy của tập đoàn này ở Ý và Pháp. Theo số liệu của ngân hàng Deutsche Bank, kể từ tháng Giêng năm nay, ở châu Âu, tập đoàn Yara sản xuất lượng phân bón amoni ít hơn 15% so với mức bình thường. Hôm nay, Yara vừa thông báo sẽ còn giảm hơn nữa sản lượng amoni và kể từ khi nay sẽ chỉ sử dụng 35% khả năng sản xuất của tập đoàn này.
Theo dự báo của ông Broutin, nếu toàn bộ châu Âu ngưng sản xuất phân amoni, có nguy cơ mặt hàng này sẽ khan hiếm, bởi vì các nhà máy vẫn sản xuất phân bón vào mùa đông để chuẩn bị cho mùa Xuân 2023.
Theo AFP, trích dẫn một nhà phân tích thị trường phân bón, các nông gia rất có thể cũng sẽ bị thiếu kali do các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Nga, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, và do các trừng phạt đối với Belarus, quốc gia chiếm một phần sáu sản lượng kali toàn cầu. Trước chiến tranh, Nga là nước xuất khẩu phân bón tổng hợp NPK hàng đầu thế giới.
Một nguy cơ khác khiến các nhà sản xuất lo ngại, đó là mức mức cầu bị giảm, vì các nông gia có thể sẽ hạn chế việc sử dụng phân bón, hoặc không còn sử dụng những loại phân bón mà giá trở nên quá đắt.
Tình trạng khan hiếm phân bón làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực thế giới trong năm 2023, với giá thực phẩm tăng cao và nạn đói thêm trầm trọng. Trước tình hình đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vẫn liên tục nhắc lại rằng phân bón và các nông sản phải được miễn trừ trong các trừng phạt của phương Tây đối với Nga và những mặt hàng này phải được tự do tiếp cận các thị trường thế giới mà không gặp cản trở nào.
Theo lời ông Broutin, để không còn phụ thuộc vào phân bón của Nga, ngay từ cuối năm 2021, các nhà sản xuất châu Âu đã quay sang nhập amoni từ bắc Mỹ và Úc. Trong khi chờ đợi, nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, tập đoàn Canada Nutrien, sẽ tăng sản lượng kali để bù đắp cho sự thiếu hụt từ nguồn cung cấp Nga và Belarus.
Căng thẳng với Trung Quốc, Đài Loan dự trù tăng 13 % ngân sách quốc phòng
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) tới thăm các binh sĩ tại căn cứ quân sự Tân Bắc Thị, Đài Loan, ngày 23/08/2022. via REUTERS - TAIWAN PRESIDENTIAL OFFICE
Chính phủ Đài Loan hôm 25/08/2022 đề nghị nâng ngân sách quốc phòng năm 2023 lên tới 19 tỷ đô la Mỹ. Đây sẽ là mức cao kỷ lục, tăng thêm 13 % so với tài khóa 2022. Nếu Quốc Hội thông qua đề xuất nói trên, đây sẽ làm năm thứ sáu liên tiếp Đài Loan tăng ngân sách phòng thủ để đối phó với « đe dọa quân sự từ Trung Quốc »
Hãng tin Anh Reuters cho biết, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022 trung bình mỗi năm, ngân sách quốc phòng của Đài Loan tăng 4 %. Nhưng cho tài khóa 2023, chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn đề xuất một ngân sách hơn 586 tỷ đô la Đài Loan, tương đương với khoảng 19 tỷ đô la Mỹ, tăng 13 % so với năm nay, trong đó có hẳn một « khoản đặc biệt » để trang bị thêm chiến đấu cơ. Theo giải thích của bộ trưởng bộ Ngân Sách Kế Toán Thống Kê Đài Loan, Chu Trạch Miên (Chu Tzer Ming) « an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu ».
Vẫn theo bộ trưởng Chu, ngân sách phòng thủ của Đài Loan tăng mạnh vì hai yếu tố. Một là do giá nhiên liệu tăng cao, các chi phí bảo trì tàu chiến và máy bay càng lúc càng tốn kém. Nhưng nguyên nhân thứ hai còn quan trọng hơn nữa. Đó là Đài Loan đã phải liên tục điều động máy bay và tàu chiến bảo vệ hải phận và không phận trong lúc các hoạt động quân sự của Bắc Kinh trong khu vực eo biển Đài Loan « ngày càng dồn dập ».
Trong thời gian gần đây Bắc Kinh liên tục mở các cuộc tập trận quy mô gần eo biển Đài Loan, chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không với một số lượng càng lúc càng lớn. Hãng tin Pháp AFP ghi nhận trong năm 2021, đã có 970 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Con số này cao hơn gấp đôi so với hồi năm 2020. Trong chưa đầy 9 tháng năm 2022 phái Đài Loan đã ghi nhận trên 980 vụ và nội trong tháng 8/2022 Trung Quốc đã 360 lần xâm nhập vùng nhân dạng phòng không của Đài Loan.
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan, « vào lúc mà chính quyền Cộng Sản Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự » trong những năm gần đây và muốn « bình thường hóa » việc điều tàu chiến và máy bay quân sự sách nhiễu Đài Loan, quân đội quốc đảo này tuy « không gây hấn trước nhưng hoàn toàn phải chuẩn bị đối phó với chiến tranh và để bảo vệ an ninh quốc gia bằng tiềm lực quân sự ».
Bộ Tư pháp công bố bản ghi nhớ về cựu TT Trump của Biện lý Đặc biệt Robert Mueller
Jack Phillips
25/8/2022
Bức ảnh ghép giữa Tổng thống đương thời Donald Trump và cựu Giám đốc FBI Robert Mueller. (Ảnh: Alex Brandon và Charles Dharapak/AP)
Hôm thứ Tư (24/08), Bộ Tư pháp đã công bố một bản ghi nhớ năm 2019, tiết lộ lý do tại sao cựu Tổng thống Donald Trump không nên bị truy tố vì cản trở công lý liên quan đến cuộc điều tra của biện lý đặc biệt đương thời Robert Mueller.
Được viết vào ngày 24/03/2019 bởi Trợ lý Tổng chưởng lý Steven Engel và Phó Tổng chưởng lý chính Ed O’Callaghan, bản ghi nhớ trên đã tuyên bố rằng không có hành động nào của ông Trump được ghi trong báo cáo của ông Mueller bị coi là cản trở công lý. Những hành động đó bao gồm việc sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey và yêu cầu một luật sư hàng đầu của Toà Bạch Ốc sa thải ông Mueller.
“Chúng tôi kết luận rằng, theo nhận định của chúng tôi, bằng chứng được mô tả trong Tập II của Báo cáo không đủ để hỗ trợ một kết luận vượt quá mọi nghi ngờ hợp lý rằng Tổng thống đã vi phạm các quy chế cản trở công lý,” tài liệu chưa được biên tập lại (pdf) — được công bố cho một số hãng thông tấn lớn và được đăng trực tuyến — cho biết. “Ngoài ra, chúng tôi tin rằng một số hành vi mà Biện lý Đặc biệt điều tra, theo quy định của pháp luật, không thể hỗ trợ cho cáo buộc cản trở công lý trong mọi trường hợp.”
Tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (Citizens for Responsibility and Ethics, CREW) của cánh tả, có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã đệ một đơn kiện theo Đạo luật Tự do Thông tin ba năm trước để công khai tài liệu này.
Phán quyết của tòa phúc thẩm
Một tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ các lập luận của Bộ Tư pháp và đã phán quyết hôm thứ Sáu (19/08) rằng bản ghi nhớ này phải được công bố cho công chúng. Một dị bản được biên soạn lại rất kỹ lưỡng của bản ghi nhớ này đã được công bố vào năm 2021.
“Sẽ rất hiếm khi các công tố viên liên bang đưa ra một vụ truy tố về tội cản trở mà bản thân nó không phát sinh từ một thủ tục liên quan đến một tội danh riêng biệt,” hai quan chức này cũng viết trong bản ghi nhớ.
Bản ghi nhớ trên cũng khẳng định có bằng chứng đáng kể cho thấy ông Trump đã hành động trong năng lực thuộc vị trí chính thức của mình, kể cả thúc đẩy việc sa thải ông Mueller, “vì ông ấy tin rằng cuộc điều tra đó có động cơ chính trị và làm suy yếu nỗ lực điều hành của chính phủ ông ấy” mà “không vì một mục đích bất hợp pháp.”
Cuối cùng, cuộc điều tra của ông Mueller kết luận rằng ông Trump không thông đồng với chính phủ Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016.
Sau đó, Tổng chưởng lý William Barr đã xác định rằng báo cáo của ông Mueller đã “không đủ cơ sở để xác minh” rằng ông Trump đã cản trở công lý.
“Ngoài việc liệu các hành vi đó có gây trở ngại hay không, thì bằng chứng về việc không có động cơ tham nhũng này có sức nặng chống lại mọi cáo buộc cho rằng Tổng thống có ý định tham nhũng nhằm cản trở cuộc điều tra,” ông Barr nói hồi tháng 04/2019.
Cựu tổng thống từ lâu đã nói rằng cuộc điều tra của ông Mueller cũng như câu chuyện thông đồng với Nga là những trò lừa bịp được thiết kế để làm tổn hại đến triển vọng chính trị của ông. Ông Trump cũng khẳng định rằng chính tuyên bố và các chiến thuật này vẫn đang được sử dụng chống lại ông sau cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago hồi đầu tháng này (hôm 08/08).
Một ý kiến của Văn phòng Cố vấn Pháp lý (OLC) được ban hành vào năm 1973 và được tái khẳng định vào năm 2020 đã kết luận rằng không nên truy cứu các cáo buộc hình sự liên bang khi một tổng thống vẫn còn tại vị.
Cơn đau đầu Mar-a-Largo của cựu tổng thống Trump
Donald Trump đã gọi cuộc đột kích của FBI vào biệt thư Mar-a-Lago của ông hôm 8 tháng 8 là một cuộc tấn công chính trị phi lý. Đến nay FBI không tiết lộ nhiều về động cơ của họ. Nhưng nguyên nhân dẫn đến việc thu giữ các hồ sơ mật từ bất động sản Palm Beach của ông Trump có thể sẽ sớm được công bố. Một thẩm phán ở Florida, Bruce Reinhart, sẽ đưa ra phán quyết sớm nhất là vào thứ Năm về câu hỏi có cho phép công bố một biên bản của Bộ Tư pháp cho phép tiến hành cuộc lục soát hay không.
Ông Trump đã yêu cầu công bố toàn bộ tài liệu, nhưng lại không chỉ đạo các luật sư nộp đơn đề nghị lên tòa án. Các quan chức nói công bố biên bản sẽ làm đổ vỡ cuộc điều tra của họ. Tuần trước, ông Reinhart đã cho Bộ Tư pháp bảy ngày để quyết định giữ kín phần nào trên văn bản, cho thấy sẽ có ít nhất một phần của tài liệu được công bố. Nhưng đàm phán giữa tòa án và chính phủ về nội dung được công khai có thể sẽ tiếp tục làm trì hoãn lịch công bố.
Năm năm khốn khổ của người Rohingya
Năm năm trước, quân đội Myanmar đã dùng bạo lực để buộc gần 750.000 người Rohingya rời khỏi Myanmar. Nhưng dù Liên Hợp Quốc coi chiến dịch của Myanmar là diệt chủng, không hề có một hình phạt nào được đặt ra. Hầu hết những người Rohingya bị trục xuất giờ đây sống mòn mỏi trong trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh. Ngày thứ Năm này, các nhóm nhân quyền sẽ đánh dấu “Ngày Tưởng niệm Người Rohingya.”
Tuy nhiên khoảng 600.000 người Rohingya vẫn còn ở Myanmar. Nhiều người phải sống trong cái mà Fortify Rights, tổ chức vận động của Mỹ có trụ sở tại Đông Nam Á, gọi là “trại tập trung thời hiện đại.” Các trại này vô cùng ẩm thấp, có cấu trúc không chắc chắn và khả năng tiếp cận chăm sóc y tế hầu như bằng không. Hoàn cảnh của họ càng trở nên tệ đi kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào năm ngoái. Họ bị từ chối tiếp cận giáo dục và công việc được trả lương. Chính quyền quân sự cũng không cho các cơ quan viện trợ quốc tế đến thăm các trại và làng của người Rohingya. Bất kể người Rohingya có ở phía nào của biên giới, tình trạng của họ cũng vô cùng tồi tệ.
Úc xét xử người gốc Hoa bị nghi can thiệp chính trị
Năm 2018, Úc đã khiến Trung Quốc tức giận khi gấp rút thông qua các đạo luật ngăn chặn nước ngoài can thiệp vào nền dân chủ Úc. Thứ Năm này, người duy nhất cho đến nay bị buộc tội vi phạm các luật như vậy sẽ ra tòa ở Victoria. Vào năm 2020, Di Sanh Duong, một người Úc gốc Hoa 67 tuổi, đã quyên góp 37.000 đô la Úc (25.500 đô la Mỹ) cho một bệnh viện ở Melbourne. Các công tố viên cáo buộc ông làm vậy để có được sự ưu ái của Alan Tudge, một tân bộ trưởng liên bang mà Duong đã mời đến để bàn giao séc, thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Luật sư của ông Duong nói khoản quyên góp này chỉ là nỗ lực cải thiện hình ảnh công chúng của người Hoa ở Úc.
Phiên tòa sẽ phán xét cả ông Duong và các luật mới. Ông Duong bị cáo buộc là người “chuẩn bị” hoặc “lập kế hoạch.” Cơ quan công tố đã dùng bằng chứng về mối liên hệ của ông với chính phủ Trung Quốc để xây dựng vụ án. Nhưng hình sự hóa các liên hệ và ý định, thay vì hành động thực chất, là điều sẽ bị nhiều luật sư phản đối.
Hôm nay khai mạc hội nghị Jackson Hole
Dưới bóng của dãy núi Teton hùng vĩ, 100 nhân vật ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế trên khắp thế giới sẽ tề tựu về một khu nhà nghỉ ở Jackson Hole, Wyoming, vào thứ Năm. Ảnh hưởng của sự kiện này là vô cùng lớn: các tuyên bố miệng của những người tham dự đủ sức làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Năm nay, trọng tâm của hội nghị kéo dài ba ngày sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vào thứ Sáu.
Sau dữ liệu lạm phát nhẹ nhàng hơn ở Mỹ vào tháng trước, nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ nới lỏng lập trường diều hâu của mình. Họ quay lại tích trữ cổ phiếu, từ đó tạo ra đà tăng giá dài một tháng qua. Ông Powell có cơ hội điều chỉnh lại kỳ vọng với bài phát biểu của mình, trong đó ông có thể chọn báo hiệu chiến dịch chống lạm phát của Fed còn lâu mới kết thúc. Khả năng đó đã làm chao đảo các chỉ số chính trong tuần này.
Pháp muốn cải thiện quan hệ với Algeria
60 năm trước, Algeria giành được độc lập từ Pháp sau một cuộc chiến đẫm máu kéo dài 8 năm. Lịch sử đau thương này khiến mối liên kết giữa hai quốc gia trở nên phức tạp cho đến tận ngày nay. Vì vậy, chuyến thăm ba ngày của Emmanuel Macron tới quốc gia Bắc Phi, bắt đầu vào thứ Năm, đã được coi là cử chỉ “tình bạn.” Tổng thống Pháp mong muốn dùng chuyến thăm Algeria đầu tiên của ông trong 5 năm qua để củng cố liên kết giữa các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp và giới nghệ sĩ.
Nhưng trước tiên, ông Macron sẽ giúp “xoa dịu ký ức,”sau nhiều thập niên hai bên sống trong hoài nghi và cáo buộc lẫn nhau. Quan hệ hai bên xấu đi từ năm ngoái khi ông Macron được cho là đã nghi ngờ tư cách quốc gia thời tiền thuộc địa của Algeria. Nhưng ông thừa nhận Pháp đã gây ra một số hành động tàn bạo trong lịch sử, và thành lập một ủy ban “ký ức và sự thật” để nghiên cứu vai trò lịch sử của nước ông ở Algeria. Giờ đây giữa hai bên có những câu hỏi mới, bao gồm làm thế nào để bơm thêm khí đốt tự nhiên từ Algeria, và làm thế nào để giảm bớt các quy định cho phép người Algeria xin thị thực Pháp.
Úc khẳng định tiếp tục tuần tra Biển Đông, bất chấp khiêu khích của Trung Quốc
(Ảnh minh họa) - Tầu chở trực thăng HMAS Parramatta của Hải Quân Úc tập trận với tầu đổ bộ Mỹ USS America, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Barry và tầu USS Bunker Hill, tại Biển Đông, ngày 18/04/2020. © REUTERS - Australia Department Of Defence
Trong phát biểu đầu tiên từ ngày nhậm chức, tân tư lệnh Không Quân Úc, tướng Robert Chipman, hôm 22/08/2022 khẳng định quân đội Úc sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra ở Biển Đông bất chấp những sự cố mà phía Trung Quốc gây ra.
Theo báo chí Úc, phát biểu tại Canberra, người đứng đầu lực lượng Không Quân Hoàng Gia Úc cho biết là các nhiệm vụ tuần tra của phi cơ quân sự Úc trên Biển Đông vẫn sẽ được tiến hành “như bình thường”, bất chấp một loạt sự cố thiếu an toàn đã xẩy ra trong khu vực, do phía Trung Quốc gây ra.
Nổi bật nhất là sự cố xẩy ra vào tháng 5, khi Úc tố cáo vụ một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc chặn đường một máy bay do thám P-8 của Úc bay trên Biển Đông, thả ra các mảnh kim loại gây nhiễu khiến động cơ máy bay Úc hút phải. Vài tháng trước đó, Úc cũng lên án Trung Quốc về vụ chĩa tia laser vào một phi cơ phản lực Úc ở vùng biển ngoài khơi miền Bắc Úc.
Đối với tư lệnh Không Quân Úc, quân đội Trung Quốc cần tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về "tính chuyên nghiệp". Bắc Kinh đã bác bỏ những phản đối của Úc, đồng thời cáo buộc ngược lại là quân đội Úc đã có những hành động “khiêu khích”.
Tư lệnh Không Quân Úc đã có những phát biểu như trên sau một cuộc hội đàm với bộ trưởng Không Quân Hoa Kỳ Frank Kendall ghé thăm Úc để thị sát các cuộc tập trận quân sự hỗn hợp Mỹ-Úc mang tên Pitch Black đang diễn ra ở vùng Lãnh Thổ Phía Bắc của Úc.
Quảng cáo
Theo một số nhà phân tích được nhật báo Hồng Kông SCMP hôm nay trích dẫn, việc Úc tiếp tục duy trì các cuộc tuần tra trên Biển Đông sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Canberra muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Úc và Trung Quốc gần đây đã nối lại các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng sau nhiều năm quan hệ không tốt đẹp. Các chính phủ Úc trước đây đã cấm thiết bị 5G của Hoa Vi, đồng thời kêu gọi mở điều tra về nguồn gốc của Covid-19 khiến Trung Quốc tức giận và áp đặt các biện pháp trả đũa về ngoại giao và kinh tế, thương mại.
Tuy nhiên, sau khi tân chính phủ của thủ tướng Albanese lên cầm quyền tại Canberra, vào tháng 7, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố với đồng nhiệm Úc Penny Wong rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng phục hồi quan hệ với Úc, trong lúc bà Wong cũng xác định rằng cả hai nước đều có lợi để ổn định trở lại mối quan hệ.
Alex Bristow, một chuyên gia quốc phòng từ Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI cho rằng: Mặc dù muốn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng Úc sẽ không đánh đổi lợi ích quốc gia của mình để lấy “một số triển vọng cải thiện quan hệ kinh tế”. Theo chuyên gia này, những lợi ích của Úc bao gồm sự ổn định trong khu vực và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Không có nhận xét nào