Bảy bị can bị khởi tố trong vụ án Việt Á
Trong những năm qua có 3 loại vụ án thường gặp ở VN: thứ nhất là những phiên tòa hình sự cướp, giết, hiếp bình thường mà xã hội nào cũng có. Thứ hai là những phiên tòa về các vụ án tham nhũng, xử các quan chức, tư bản Đỏ, với mức độ ngày càng nhiều, càng quy mô, kể từ khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng chiến dịch gọi là “đốt lò” chống tham nhũng từ năm 2016. Thứ ba là những vụ án có yếu tố chính trị, tôn giáo, bị nhà nước che giấu dưới cái vỏ hình sự hoặc những điều luật mơ hồ nhằm răn đe, đàn áp người dân.
3 vụ án gần đây tiêu biểu cho loại thứ hai, thứ ba đó là vụ án Việt Á, vụ án Đồng Tâm và vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ hay còn gọi là Tịnh Thất Bồng Lai.
Trước hết là về vụ đại án tham nhũng Việt Á. Án tham nhũng ở VN thì rất nhiều, không kể xiết. Nhưng chúng ta chọn Việt Á để phân tích, không chỉ vì đây được xem là “một vụ án đặc biệt nghiêm trọng về các tội: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan”; mà như nhiều người đã chỉ ra, vụ án phơi bày mức độ kinh hoàng của nạn tham nhũng có hệ thống tiến đến mức lũng đoạn chính sách, lũng đoạn nhà nước, với sự tham gia, dính líu của rất nhiều ban ngành khác nhau trên cả nước, với sự tiếp sức của truyền thông.
Chúng ta còn nhớ khi đó sản phẩm Test kit của Việt Á đã được sự “nồng nhiệt” tiếp sức, tâng bốc của một số cơ quan truyền thông, cơ quan nhà nước trước khi sự việc được phanh phui, toàn những báo đảng, báo Nhà Nước như báo Điện tử chính phủ, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân…Rồi còn được Giải thưởng Techmart Quốc tế Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Huân chương Lao động Hạng ba về thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. (huân chương này đã bị thu hồi) v.v…
Một sản phẩm “đểu”, mua lại từ Test kit Trung Quốc, của một công ty nhỏ bé vô danh đã được bơm thổi lên, tất cả chỉ nhờ vào tiền, đồng tiền có thể mua mọi thứ ở VN, mua báo chí, truyền thông, mua giải thưởng, hối lộ quan chức…
Tính đến ngày 30.6.2022 đã có gần 80 cán bộ quan chức các ban ngành, địa phương bị khởi tố, bị bắt vì có liên quan đến vụ Việt Á.
Tham nhũng thì ở nước nào cũng có nhưng trong một chế độ dân chủ, chính phủ bị kiểm soát, kiềm chế bởi nhiều cách nên tham nhũng vì vậy cũng bị hạn chế: đó là sự phân chia và kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa ba nhánh Luật pháp, Hành pháp, Tư Pháp, các đảng phái đối lập tối ngày soi mói, chỉ chờ cơ hội là chỉ trích, hạ bệ chính phủ, báo chí truyền thông độc lập sẵn sàng khui ra mọi vụ việc sai trái của chính phủ, các tổ chức dân sự cũng sẵn sàng lên tiếng nếu chính quyền làm gì sai, và người dân có quyền tự do ngôn luận, có quyền dùng lá phiếu để bầu cho cá nhân, đảng phái nào trong sạch, làm được việc, cũng như loại bỏ cá nhân, đảng phái tham nhũng, không làm được việc.
Có thể nói một cách chắc chắn, trong một chế độ dân chủ có nền pháp trị vững mạnh, một vụ tham nhũng ở mức độ kinh khủng như vụ Test Kit Việt Á không thể xảy ra được.
Trong khi đó ở VN đảng cộng sản một mình một chợ đứng cao hơn tất cả, lãnh đạo, kiểm soát mọi thứ từ Luật pháp, Hành pháp, Tư Pháp, báo chí truyền thông, người dân thì không có quyền mở miệng cũng chẳng có quyền bầu chọn, loại bỏ ai hay loại bỏ đảng. Đảng cộng sản nắm quyền lực tuyệt đối. Sử gia người Anh thế kỷ XIX Lord Acton (1834–1902) đã từng nói “Power tends to corrupt; absolute power corrupts absolutely”, tạm dịch “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”
Vụ án thứ hai, Đồng Tâm bộc lộ một trong những mâu thuẫn, bất công lâu đời dưới chế độ độc tài do đảng CS lãnh đạo, đó là Luật sở hữu đất đai. Không có một quốc gia tự do dân chủ nào lại có cái điều luật sở hữu đất đai như nước Cộng hòa XHCN VN “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”. Có nghĩa là người dân chỉ có quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu, và nhà nước có quyền thu hồi nếu muốn. Chính cái luật sở hữu đó đã gây ra bao nhiêu thảm cảnh mất đất, người dân trở thành dân oan, rồi vì cùng cực, phẫn uất quá mà tự sát, tự thiêu hoặc vùng dậy chống lại nhà cầm quyền.
Danh sách những vụ án cưỡng chế đất đai ở VN và các nạn nhân cũng dài dằng dặc trong những năm qua. Vụ nào cũng tàn ác vì đền bù không thỏa đáng hoặc cướp trắng, đẩy người dân vào cảnh bần cùng, mất nhà cửa, mất ruộng vườn. Nhưng trong vụ Đồng Tâm, cái ác của nhà cầm quyền còn tăng thêm nhiều cấp độ. Sau một thời gian dài tranh chấp và giải quyết không ổn thỏa giữa hai bên, vào đêm 8 tháng 1 rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, Công an thành phố Hà Nội cùng một số đơn vị thuộc Bộ Công an, quân đôi có tới 3000 người kéo tới trấn áp dân làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội, giết chết dã man cụ Lê Đình Kình, nguyên bí thư xã với 55 năm tuổi, nhiều dân làng bị thương, bị bắt. Về phía chính quyền loan báo có 3 công an tử vong vì bị người dân đổ xăng đốt, những cái chết mà dư luận đặt rất nhiều dấu hỏi và đã có những bài phân tích, phản biện rất khoa học, như một chuyên luận khoa học hình sự, về sự vô lý của những lập luận từ phía nhà cầm quyền đưa ra, như loạt bài “Tội ác Đồng Tâm”, “Giải mã vụ Đồng Tâm”… của GS-TSKH Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng biên tập của Vietnam Journal of Mathematics (từ năm 2011).
Nhưng nhà cầm quyền vẫn cứ đem nhiều người dân Đồng Tâm ra tòa xử với những bản án nặng nề, riêng đối với gia đình cụ Lê Đình Kình, đây có thể xem là một vụ án tru di tam tộc vì cụ Lê Đình Kình thì bị giết, hai con trai Lê Đình Công, Lê Đình Chức bị tử hình, cháu nội Lê Đình Doanh bị kết án chung thân…
Toàn bộ vụ đưa quân trấn áp dân làng Đồng Tâm cho thấy sự tàn bạo của hệ thống công quyền và công an Việt Nam, các bản án lại càng cho thấy sự man rợ, bất chấp phải trái, bất chấp dư luận của đảng và hệ thống chính trị Việt Nam. Mà nguyên nhân chỉ vì đất. Tư bản Đỏ cấu kết với nhà cầm quyền cướp đất của dân. Đất, nguồn lợi lớn và sự bất công lớn nhất trong xã hội VN.
Chưa hết, có những người chỉ vì đưa tin trung thực về vụ án Đồng Tâm cũng bị tủ lây như ba mẹ con nông dân, dân oan, nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư 8 năm tù giam và 3 năm quản chế, con trai lớn Trịnh Bá Phương 10 năm tù, 5 năm quản chế; nhà báo tự do, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị 9 năm tù, một phần do đã hoàn thành cuốn “Báo cáo Đồng Tâm” (Report Đồng Tâm) bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để lưu lại tội ác của Chính quyền Cộng sản và để vận động quốc tế cho cuộc điều tra độc lập.
Vụ thứ ba là vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ. Ngày 21.7 vừa qua hội đồng xét xử phiên sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa, Long An đã tuyên phạt 6 người của Thiền Am bên bờ vũ Trụ tức Tịnh thất Bồng Lai tổng cộng 23 năm tù, trong đó chịu mức án cao nhất là ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) 5 năm tù.
Tất cả đều bị kết tội theo điều 331 tức là "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Chứng cứ cho "tội" "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" này là 5 đoạn video clip đăng ở 2 tài khoản Youtube của nhóm "Tịnh thất Bồng Lai" bị cho là xúc phạm đến Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ).
Sự khôi hài của phiên tòa, những lập luận bào chữa từ phía luật sư của "ông" thượng tọa Thích Nhật Từ như câu hỏi "Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao?" (xuất phát từ việc đơn tố cáo vì cho là bị xúc phạm của ông Trần Ngọc Thảo, nói rằng thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai đã nói "Thích Nhật Từ ngu như bò") v.v…những điều này mọi người đều đã nói nhiều.
VN từ lâu đã luôn luôn bị các nước dân chủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích, đánh giá thấp về tự do tôn giáo. Ngay cả quyền tu tập tại gia cũng có thể bị xách nhiễu nếu lại nổi tiếng, lại được nhiều nhà hảo tâm chú ý tặng tiền như Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Nhưng việc tòa án VN bỏ tù một người 90 tuổi chỉ vì những chuyện hết sức vớ vẩn như dám tu tại gia mà không đăng ký Giáo hội Phật giáo VN, dám có những lời xúc phạm đến Công an huyện Đức Hòa hay một cá nhân nhà sư, thì đúng là đã dấn thêm một bước mới trong trấn áp nhân quyền.
Cả 3 vụ án được nêu ra làm ví dụ này không thể xảy ra trong một chế độ dân chủ đa đảng pháp trị được. Không thể có một vụ như Việt Á có thể múa rìu qua mắt thợ, thao túng, lũng đoạn bao nhiêu ban bệ, chính quyền địa phương khắp tỉnh thành. Không có luật sở hữu đất đai phi lý phi nhân nên không có những tranh chấp, cưỡng chế đất như vụ Đồng Tâm. Càng không thể một tay vá trời, dàn dựng lên cả một vụ án xử tội người làng Đồng Tâm đã bạo loạn, chống phá chính quyền, giết chết 3 chiến sĩ công an với những chứng cớ ngụy tạo như vậy. Không có cái tội mơ hồ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” nên không thể kết tội những người trong nhóm Thiền Am, cũng không có chuyện thể vì tố cáo công an đòi ăn hối lộ, vì mắng một ông sư là “ngu như bò” mà bị tù trong khi báo chí vu khống ông Lê Tùng Vân và những người ở Thiền Am suốt một thời gian dài với những tội danh kinh khủng như tội loạn luân, lợi dụng tu hành để lừa đảo, trục lợi v.v... thì lại không hề gì!
Trong một xã hội dân chủ, những người trong Thiền Am bên bờ vũ trụ có thể kiện báo chí và tất cả những ai vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ. Và chắc chắn là họ sẽ thắng lớn.
Qua 2 vụ án Đồng Tâm và Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, chúng ta có thể thấy luật pháp ở VN nằm hoàn toàn trong tay nhà cầm quyền và kẻ mạnh, ở đây là tư bản Đỏ, là công an, là sư “lề phải”, và báo chí quốc doanh, ngược lại số phận của người dân còn thua cả con sâu cái kiến. Bất cứ ai cũng có thể bị kết tội danh "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" thuộc Điều 79 luật hình sự cũ nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự, "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự, "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ nay là Điều 331 trong Luật hình sự VN mới, thậm chí bị dàn dựng ngụy tạo thành tội giết người như trong vụ án Đồng Tâm.
Trong khi trên thực tế, dân làng Đồng Tâm luôn luôn giương cao khẩu hiệu tin vào đảng, vào chính phủ, cụ Lê Đình Kình mấy chục năm tuổi đảng, như lời cụ bà Dư Thị Thành nói “đến cuối đời chồng tôi vẫn tin vào đảng”… Còn những người ở Thiền Am thì không quan tâm đến chính trị, không hề có những lời nói, hành vi chống phá chế độ gì cả, còn nếu họ chỉ trích công an huyện Đức Hòa hay không muốn gia nhập Giáo hội Phật giáo VN, thì cũng là quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo của họ mà thôi.
Chính vì vậy, VN cần phải thay đổi thể chế chính trị, dân chủ hóa để chấm dứt những "khuyết tật" nghiêm trọng của một chế độ độc tài (thường được gọi là "lỗi hệ thống), để tiêu diệt tận gốc rễ nạn tham nhũng, hạn chế những vụ án phi lý phi nhân, để từ xã hội, tôn giáo cho tới văn hóa, nhân tính con người được phát triển một cách lành mạnh, không còn một hiên thực mà cái xấu, cái ác, điều không tử tế thì tràn lan, trở thành bình thường, trong khi cái đẹp, cái thiện, điều tử tế lại trở thành hiếm hoi, bất bình thường.
Không có nhận xét nào