22/8/2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Một cảnh chiến tranh Nga-Ukraine (ảnh internet)
Hằng ngày nghe tin quân Ukraine đẩy lui quân Nga ở làng này, thành phố nọ… Hỏa tiễn Himars của Mỹ bắn xa trúng đích như lưỡi kiếm sắc bén đâm thủng phòng tuyến địch, tạo nên những chiến công cho quân Ukraine v.v. Nhiều tin Nga bắn hỏa tiễn bừa bãi vào thành phố giết chết trẻ em và người già vô tội, Nga pháo vào kho chứa ngũ cốc cháy rực sáng cả một góc trời ở thành phố cảng Odessa, bắn vào các nhà máy sản xuất nông cụ nhằm triệt hạ ngành canh nông của Ukraine. Nga chiếm phần lớn tỉnh Luhansk và nhiều nơi ở Donetsk, Nga dùng nhà máy điện nguyên tử của Ukraine để làm lá chắn và xử dụng như quân “khủng bố nguyên tử”. Sở dĩ Nga phải dùng vũ khí nguyên tử này chứ không phải bấm nút đỏ từ điện Kremlin vì sợ Mỹ và các nước NATO nhận đích thủ phạm và tức khắc đánh trả bằng hỏa tiễn nguyên tử!
Tin tức chiến sự Ukraine nhiều quá, đến nỗi nghe trên TV điếc tai, đọc trên báo mỏi mắt không hết…. Không lẽ Nga – Ukraine đánh nhau thêm vài năm nữa, báo chí, truyền hình thế giới sẽ chạy theo những tin chiến sự liên tục như thế này chăng?
Chúng ta cần nghe tin để để nắm tình hình chiến sự, chứ đừng để bị thu hút vào những tin của báo chí (họ làm chuyện thời sự vì thương mại), còn chúng ta có nhiệm vụ đối với dân tộc Việt Nam phải dành thì giờ cho việc làm của mình!
Đã nhiều năm, thiết tưởng từ thời bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2020, đến chiến tranh Ukraine người Việt hải ngoại chú tâm cho chuyện “thiên hạ sự” quá nhiều, quên chuyện đấu tranh của chính mình. Tiếc thay!
Với chiến tranh Ukraine, điều quan trọng là khi nào chiến tranh Nga-Ukraine chấm dứt. Nếu chiến tranh kéo dài, trực tiếp ảnh hưởng đến người dân châu Âu sợ lạnh và dân châu Phi sợ đói. Ngoài ra, những nơi khác chỉ ảnh hưởng gián tiếp ít nhiều. Dù bị ảnh hưởng ít hay nhiều chúng ta nên suy nghĩ kết cuộc của nó, chứ không thể bị thu hút vào tin tức hằng ngày, làm mờ tâm trí chúng ta!
Quan trọng nhất là cuộc chiến Nga-Ukraine khi nào chấm dứt?
Hiện thì chiến tranh chưa có lối thoát, hai nước đều còn hăng say đánh nhau, phía Ukraine đòi chiếm lại Crimea. TT Zelensky hôm 20 tháng 8 khi tiếp TT Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Guterres tại Kyiv có tuyên bố “không một áp lực nào từ ngoài ảnh hưởng đến sự quyết định của Ukraine và họ sẽ chiến đấu cho đến cùng”. Còn Nga đang điều quân xuống miền Nam để giải vây thành phố Kherson và bắn hỏa tiễn tầm xa vào thành phố Odessa. Hôm 20/08 có tin Nga có những đoàn tàu lửa kéo nhiều toa dài chở đầy hỏa tiễn S300/S400 đến biên giới Nga-Ukraine… Qua những hành động của hai bên thấy tình hình chiến sự Nga-Ukraine có vẻ phức tạp và sôi động hơn trong những ngày tới nhất là ngày lễ Độc Lập của Ukraine 24 tháng 8 tới đây.
Tuy vậy, cuộc chiến nào cũng phải có hồi kết – Chúng ta thử tìm xem cuộc chiến Ukraine có những hồi kết như thế nào?
1) Trường hợp thứ nhất:
Ai có thể chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine?
Chiến tranh sẽ kéo dài, đánh tới hơi thở cuối cùng, bên nào hết hơi thì thua, như Đệ II thế chiến đã kết thúc bởi sự kiệt sức của Phe Trục (Đức, Nhật, Ý) buộc Hitler phải tự tử, Nhật phải đầu hàng! Nếu lâm vào trường hợp này thì gọi là “bế tắc chiến tranh” – Thế mà, nhiều cuộc chiến trên thế giới thường kết thúc trong hoàn cảnh bế tắc này.
Hiện trong đầu óc Putin là phải chiến thắng. Dù không chiếm toàn bộ nước Ukraine, nhưng phải đạt những mục đích mình muốn. Còn Zelensky muốn bảo vệ trọn vẹn Ukraine, thậm chí muốn chiếm lại những những phần đất Crimea bị Nga chiếm cách đây 8 năm. Nếu cả hai bên đều cương quyết đánh nhau tới cùng thì chiến tranh còn kéo dài chưa biết lúc nào kết thúc.
Trường hợp này xảy ra, thì cuộc chiến Nga-Ukraine không kết thúc trong mùa Thu này (thường kéo dài đến tháng 11). Chiến sự Ukraine tạm lắng xuống trong mùa Đông do khí hậu khắc nghiệt, bộ binh và thiếp giáp không thể di chuyển chiến đấu trong băng tuyết, quân hai bên tạm nghỉ mệt để tái phối trí lực lượng. Nhưng những dàn hỏa tiễn và trọng pháo tầm xa, dàn phóng Himars thì rót đều đặn, dân Ukraine ở thành phố chết dài dài, các kho đạn của Nga bị Himars bắn trúng bốc cháy khắp nơi. Hai bên chuẩn bị cho cuộc chiến khốc liệt hơn bằng bộ binh và thiết giáp vào đầu mùa Xuân năm tới.
Trong trường hợp “bế tắc”. Hai bên còn có khả năng theo đuổi cuộc chiến không?
Có nhiều nguồn tin cho rằng Nga đã hết đạn, hết vũ khí, hết xe tăng… phải dùng xe tăng đời cũ đưa vào chiến trường. Nghe tin rất phấn khởi, tưởng Nga đã cạn kiệt tiềm lực nên rút quân về. Sự thật không phải như vậy.
Chúng ta không phủ nhận Nga tấn công Ukraine đã bị hao binh, tổn tướng và mất vũ khí không nhỏ. Theo tin của CIA và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết là lính Nga bị chết và bị thương ở chiến trường Ukraine từ 60,000 – 80,000, như vậy gần 50% quân số ban đầu (150,000) bị loại khỏi vòng chiến trong vòng 6 tháng. Nga tử trận 12/20 tướng chỉ huy trên chiến trường Ukraine, cấp tá chết lên đến hàng trăm. Khí tài quân sự, theo Oryx (1), một trang website chuyên theo dõi tổn thất thiết bị quân sự trên thế giới, Nga đã mất tổng cộng hơn 5,150 khí tài, trong số đó có khoảng 939 xe tăng (dữ liệu vào tuần thứ 2 tháng 8/2022). Đó là những gì mà mà Putin bị tiêu hao khi thực hiện cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Cũng theo Oryx thì hiện Nga có 900,000 quân (chưa tính quân trừ bị), 12,000 khí tài, hàng trăm tướng tại chức. Thì số tổn thất của quân Nga ở Ukraine trong sáu tháng qua khoảng 10%. Nếu nói hao tổn 10% tiềm lực chiến tranh mà Nga đầu hàng cuộc chiến thì không thuyết phục. Với tự ái của Putin, với tự hào nước Nga là cường quốc quân sự thứ 2 trên thế giới, Nga có thể kéo dài cuộc chiến đến khi đạt mục tiêu, dù phải trả trả giá khá đắc.
Còn về phía Ukraine thì sao?
Ukraine thuộc hạng liều mạng cứu nước, từ ngày 24/02 chỉ có khoảng 125,000 trang bị vũ khí cũ của Nga, không chuẩn bị chu đáo khi lâm trận chiến lớn nên bị 150,000 quân Nga đánh chiếm nhiều thành phố và tấn công vào thủ đô Kyiv. Tin từ Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết quân Ukraine mất vào khoảng 9,000 binh sĩ (không rõ số thương binh) trong 6 tháng qua.
Tuy vậy, thanh niên nam, nữ Ukraine rất quật cường, họ tình nguyện xung phong ra chiến trường để bảo vệ tổ quốc không một chút tính toán. Nhìn cảnh người chồng đưa vợ con ra sân ga đi tị nạn, rồi một mình mãnh bước trở về Ukraine ra chiến trường đánh giặc, khác nào hình ảnh của Kinh Kha. Hàng vạn binh sĩ Ukraine được các nước NATO huấn luyện đang trên đường trở về với khả năng xử dụng vũ khí Mỹ và NATO thành thạo.
Liên Hiệp châu Âu (EU) hứa sẽ viện trợ cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Quốc Hội Mỹ đã chuẩn chi 40 tỉ USD và viện trợ pháo Himars nên Ukraine đã chuyển từ thế thủ sang thế công trên ở một số chiến trận. Quân Ukraine càng ngày càng đông, dù có nhiều tân binh không kinh nghiệm chiến trường nhưng họ chiến đấu hăng say với tin thần “bảo vệ đất nước và lý tưởng tự do dân chủ” tuyệt vời. Số binh sĩ của Ukraine ngoài chiến trường hiện nay lên đến 196,600 quân và quân dự bị là 900,000. Trường hợp tổng động viên từ 16-49 tuổi, quân số Ukraine lên đến 6,970,035 quân (2).
Hòa Bình chưa thấy ló dạng, hai bên đang tăng cường chuẩn bị cho những trận thư hùng. Nga dám đổ vào chiến trường nhiều hơn và Ukraine sẵn sàng đánh đến cùng với viện trợ tài lực từ khối NATO.
Trường hợp thứ 2: Nga chiếm một số phần đất đạt mục tiêu rồi thiết lập đàm phán ngừng chiến:
Nga chiếm thành phố Kharkiv (Đông Bắc) Thành phố Odessa (Đông Nam) và đòi lấy luôn miền Đông sông Dnepr – chừa thủ đô Kyiv (ảnh LTN)
Putin ít nhất phải chiếm được vùng Donbass và cố chiếm miền Nam Ukraine để kiểm soát toàn bộ biển Hắc Hải (Biển Đen).
Như vậy thì các lực lượng Nga từ đây đến hết mùa Thu, tức vào cuối tháng 11 năm nay không những phải chiếm các thành phố Sloviansk, Kramatorsk, và Bakhmut trong tỉnh Donetsk mà còn phải bung ra chiếm toàn bộ vùng Donbass rộng lớn. Rồi tập trung quân chiếm thành phố Kharkiv, lớn thứ hai ở vùng Đông bắc Ukraine, là trung tâm hành chính của tỉnh Kharkiv. Cũng là thành phố có kiến trúc đẹp nhất Đông Âu, mang giá trị lịch sử quan trọng của nước Ukraine.
Đây là vị trí chiến lược mà Ukraine xem như báu vật nên rất khó đánh chiếm. Trong lịch sử chiến tranh Ukraine, thời Đệ II thế chiến, quân Đức muốn chiếm được thành phố Kharkiv phải điều động hằng trăm sư đoàn, thì nay Nga muốn chiếm thành phố này không thể làm khác đi được.
Chiến thuật của Nga đánh Kharkiv họ dùng chiến thuật như ở Severodonetsk trước đây bằng cách đổ bộ nhiều lực lượng bộ binh và xe tăng bao vây đánh chiếm từng vòng từ ngoài đến trung tâm thành phố, đồng thời chừa một lối thoát an toàn để cho Ukraine rút đi chứ không “dồn vào chân tường”. Mặt khác bình địa thành phố bằng pháo binh và hỏa tiễn tầm xa… Cuối cùng Nga cắm cờ chiến thắng trên thành phố hoang tàn đổ nát.
Thành phố Kharkiv nằm phía Đông bắc Ukraine cách biên giới Nga-Ukraine chừng 50 km (31 miles) trong tầm pháo và hỏa tiễn tầm ngắn từ đất Nga bắn vào. Vì vậy, có nhiều lợi thế cho Nga.
Về phía Ukraine cũng có những lợi thế, thành phố Kharkiv nhiều dinh thự chắc chắn rất có lợi cho phòng thủ. Vì là thành phố chiến lược quan trọng, Ukraine sẽ điều động rất nhiều binh đoàn tinh nhuệ thiện chiến để giữ vị trí quan trọng này!
Theo các nhà quân sự thì Nga muốn chiếm Kharkiv phải điều động thêm 100,000 quân hoặc có thể gấp đôi. Như vậy thì Putin phải thay đổi khẩu hiệu từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” sang “chiến tranh” để hợp lý điều động thêm quân vào chiến trường Ukraine. Sự thay đổi này có thể gặp rủi ro chính trị cho Putin!
Thành phố Kharkiv là cổ máy tiêu hao binh lực, mà cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề nếu Ukraine quyết định bảo vệ nó (chắc chắn Ukraine sẽ bảo vệ). Như vậy, nhiều binh sĩ thiện chiến của Ukraine phải tập trung bảo vệ chiến trường Kharkiv, mặt khác Ukraine phải giữ chừng 40,000 quân để phòng thủ mặt biên giới Tây Bắc đề phòng quân Belarus đang ngày đêm rình rập đe dọa tấn công!
Trong tình trạng như vậy, Ukraine không đủ quân để phòng thủ miền Nam, quân Nga sẽ lợi dụng đánh chiếm những thành phố ở miền Nam Ukraine đặc biệt là thành phố Odessa. Đánh chiếm Odessa lúc này không mấy khó khăn vì họ đã quen dùng chiến thuật bao vây tiêu diệt và quân tinh nhuệ của Ukraine đang bận rộn chiến đấu ở những chiến trường quan trọng khác.
Nếu Nga chiếm được Kharkiv (thành phố quan trọng ở Đông Bắc) và Odessa (thành phố quan trọng ở Đông Nam). Trên cơ bản Nga đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine ở phía đông bờ sông Dnepr – dòng sông chạy từ Bắc xuống Nam Ukraine.
Lúc đó, Putin thực hiện một cuộc dàn xếp đàm phán đình chiến với Ukraine, tuyên bố rằng Moscow sẽ giữ tất cả lãnh thổ miền Đông mà họ đã chiếm được cho đến sông Dnepr; Ukraine giữ quyền kiểm soát thủ đô Kyiv và tất cả lãnh thổ miền tây Ukraine.
Nếu Tổng thống Zelensky vẫn từ chối không ngồi vào bàn hội nghị, Putin sẽ phải đối diện với một số lựa chọn phức tạp, có thể điều tổng lực quân đội một lần nữa đánh vào chiếm thủ đô Kyiv. Như vậy thì Ukraine chiếm lại các phần lãnh thổ đã mất rất khó mà ông Zelensky tuyên bố “chiến tranh Nga-Ukraine mở đầu ở Crimea thì nó sẽ kết thúc ở Crimea”.
Đó là những trường hợp có thể xảy ra trong chiến tranh Ukraine. Những núi tin tức hằng ngày về Ukraine nằm trong nội dung hai trường hợp đó. Không biết có bàn tay thần lực nào có thể thay đổi cuộc chiến nằm trong hai trường hợp trên hay không cho đến giờ này chưa thấy bóng dáng.
Ngày 22 tháng 8 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhan@vietquoc.org)
Chú thích:
(1) https://www.oryxspioenkop.com/2022/02/attack-on-europe-documenting-equipment.html
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Armed_Forces_of_Ukraine#Russian_invasion_of_Ukraine
Không có nhận xét nào