Một nhân viên sản xuất vi mạch bán dẫn tại nhà máy của Công ty Jiejie Microelectronics ở Nam Thông, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Nếu như ngẫu nhiên mà quý vị không biết gì cả thì chắc hẳn quý vị cũng biết rằng thế giới đang trong tâm điểm của một cơn khủng hoảng về “mọi thứ.” Với tình trạng thiếu hụt xăng dầu và ngũ cốc, sữa công thức cho trẻ em, và các cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, đã đến lúc chúng ta cần thêm chất bán dẫn vào danh sách ngày càng mở rộng và nghe có vẻ chiết trung này. Theo các nhà phân tích của công ty McKinsey, ngành công nghiệp chất bán dẫn chiếm 450 tỷ USD doanh thu trực tiếp thường niên. Con số này gần bằng tổng GDP của New Zealand và Phần Lan gộp lại. Chất bán dẫn là nhịp đập của xã hội hiện đại; không có vật liệu này thì không có máy điện toán xách tay, không có điện thoại, không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không có hệ thống quân sự, không có phương tiện giao thông. Nói cách khác, không có đời sống sinh hoạt.
Ông Pat Gelsinger, giám đốc điều hành của công ty Intel, cho biết các vi mạch bán dẫn đã sụt giảm và sẽ vẫn giảm trong tương lai gần. Ông dự đoán ngành công nghiệp này sẽ chịu đựng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho đến năm 2024. Đây là một tin xấu đối với Hoa Kỳ. Mặc dù chính phủ đương nhiệm đang có kế hoạch mở một loạt các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn mới, nhưng các cơ sở này sẽ không sẵn sàng kịp thời để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Vật cùng tất biến, Hoa Kỳ hiện đang rơi vào tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng.” Hơn nữa, các dự án cơ sở hạ tầng thường mất nhiều thời gian; ở Hoa Kỳ, chúng mất vô cùng nhiều thời gian. Các vi mạch bán dẫn sẽ có, chỉ là không sớm lắm thôi.
Trong khi đó, cách đó 11,500 km, ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng đạt được “sự độc lập về chất bán dẫn.” Với việc các công ty lớn như Baidu, Alibaba, Huawei, và Oppo đều tiến vào thị trường sản xuất vi mạch bán dẫn, Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chất bán dẫn. Đến năm 2024, khi tình trạng thiếu hụt sẽ được giải quyết theo dự kiến, có vẻ như Trung Quốc có thể sẽ kiểm soát một phần lớn thị trường vi mạch bán dẫn toàn cầu. (Điều thú vị là việc Đài Loan là cái nôi của các công ty TSMC và MediaTek, hai trong số những nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất hành tinh, có lẽ giải thích được lý do tại sao Trung Quốc lại ám ảnh với hòn đảo này đến vậy). Khi Hoa Kỳ chật vật để củng cố ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nội địa của mình, thì cường quốc Trung Quốc đã tấn tới phía trước.
Thú vị ở chỗ, trong một nỗ lực duy trì sự phát triển và thống trị ngày càng tăng của mình, ĐCSTQ đã nhắm đến Âu Châu, một khu vực đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực bán dẫn.
Khi nghĩa đến Hà Lan, người ta thường liên tưởng đến một xứ sở với một số thứ khá ngẫu nhiên như: các cối xay gió, những con người thẳng tính, phô mai, những làn đường dành cho xe đạp, và những người nông dân tức giận theo lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nói đến Hà Lan, người ta có lẽ sẽ nghĩ đến các vi mạch bán dẫn nhiều hơn — một thực tế không lọt khỏi tầm mắt của Trung Quốc. Hà Lan là xứ sở của NXP, một trong những nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất ở Âu Châu. Năm 2019, các nhà điều hành NXP thông báo rằng công ty này đã ký một hợp đồng sinh lợi cao với Hawkeye Technology, một công ty Trung Quốc chuyên về radar tự động.
Hà Lan bị kẹp giữa Bỉ và Đức, hai quốc gia khác cũng cung cấp vi mạch bán dẫn cho Trung Quốc. Năm 2019, Trung tâm Vi điện tử Liên trường (IMEC), có trụ sở chính tại Leuven, Bỉ, thông báo rằng họ đang xây dựng một cơ sở nghiên cứu mới tại Khu Công nghệ cao Quốc gia Vô Tích, gần thành phố Thượng Hải. Bên cạnh việc nghiên cứu và tạo ra chất bán dẫn, IMEC còn tập trung vào các hệ thống vi mô, truyền thông không dây, và điện tử sinh học.
Nói đến sản xuất vi mạch bán dẫn, Infineon Technologies, một công ty của Đức, có lẽ là công ty quan trọng nhất ở Âu Châu.
Một nhà máy sản xuất vi mạch bộ nhớ của AG Infineon Technologies ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 23/09/2004. (Ảnh: Wu Niu/Bloomberg qua Getty Images)
Hơn một thập niên trước, Infineon đã mở một cơ sở rất lớn tại Khu vực Phát triển Kinh tế và Công nghệ Bắc Kinh. Kể từ đó, mối quan hệ của công ty này với Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Năm ngoái, như tờ Hoa Nam Tảo Báo (South China Morning Post) đã đưa tin, các thành viên của Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán sâu rộng với Infineon, Intel, và STMicroelectronics, một nhà sản xuất chất bán dẫn đa quốc gia Pháp-Ý, với hy vọng tạo điều kiện cho việc “đầu tư chất bán dẫn xuyên biên giới.” Giống như Infineon, STMicroelectronics là một công ty có tầm ảnh hưởng thực sự. Với một nhà máy khổng lồ ở Thẩm Quyến, Thung lũng Silicon của Trung Quốc, nhà sản xuất Âu Châu này đang thúc đẩy sự thống trị dựa trên công nghệ của Trung Quốc.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ?
Mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc không tham gia vào chiến tranh truyền thống, nhưng lại đang tham gia vào một cuộc chiến về ý tưởng, thương mại, và công nghệ. Ở cả ba cấp độ, Trung Quốc dường như đang giành chiến thắng. Trong một nỗ lực ngăn chặn đối thủ lớn nhất của mình đạt được động lực tăng trưởng mạnh hơn nữa về vi mạch bán dẫn, chính phủ Tổng thống Biden đã tìm cách ngăn cản các đối tác Âu Châu tạo điều kiện cho Trung Quốc. Tuy nhiên, một lần nữa, tất cả những điều này đều nói lên sự tuyệt vọng, là một biện pháp phản ứng đã quá muộn trong cả một thập niên.
Như tác giả David P. Goldman gần đây đã lưu ý, “Nỗ lực muộn màng của chính phủ Tổng thống Biden nhằm trấn áp ngành bán dẫn của Trung Quốc dường như đã phản tác dụng.” Ông ấy nói đúng. Năm ngoái (2021), Trung Quốc đã sản xuất vi mạch hơn 33% so với năm 2020. Hơn nữa, bằng cách hợp tác chiến lược với các nhà sản xuất lớn của Âu Châu và chủ động tập trung vào ý tưởng “độc lập về chất bán dẫn” nói trên, ĐCSTQ đã “tìm ra các công nghệ giải pháp vượt qua tài sản trí tuệ (IP) đang dần lỗi thời của Hoa Kỳ mà Hoa Thịnh Đốn đã cấm vận,” ông Goldman nói thêm.
Khiến cho các vấn đề phức tạp hơn, bất chấp lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang tìm cách sản xuất các vi mạch bán dẫn có kích thước 7-nanomet. Điều thú vị là những vi mạch bán dẫn này dường như là một “bản sao y hệt” của những vi mạch bán dẫn do TSMC, công ty Đài Loan nói trên, sản xuất. Chúng tôi được biết, những vi mạch bán dẫn này có thể sẽ được sử dụng để cải tiến quân đội của Trung Quốc. ĐCSTQ nhận thấy họ đang bị dồn vào chân tường và dường như đã phản ứng một cách rất quyết liệt. Trong ván bài có tỷ lệ cược cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc này, có khả năng Trung Quốc sẽ là bên nắm giữ tất cả các vi mạch bán dẫn.
* Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Khánh Ngọc biên dịch
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào