Nhân viên làm việc bên trong phòng sạch của nhà sản xuất chất bán dẫn Mỹ SkyWater Technology, nơi sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán, ở Bloomington, Minnesota, hồi tháng 04/2022. (Ảnh: SkyWater Technology/Tư liệu phân phát qua Reuters)
Các khó khăn của chuỗi cung ứng khiến nhiều công ty để mắt đến sản xuất tại Hoa Kỳ hơn
Cách đây không lâu, thì Sherman, Texas, có thể được biết đến rõ nhất như là nơi sinh ra của ông Buck Owens, ngôi sao âm nhạc đồng quê quá cố của miền Tây, hay là quê hương của trường Cao đẳng Austin, một trong những trường cao đẳng lâu đời nhất của tiểu bang này. Tuy nhiên, gần đây hơn, thành phố gần 44,000 dân nằm cách Dallas khoảng 65 dặm về phía bắc này đã có một thứ khác để tự hào: danh tiếng ngày càng tăng như một trung tâm sản xuất công nghệ cao.
Hồi tháng Sáu, nhà sản xuất chất bán dẫn GlobalWafers có trụ sở tại Đài Loan đã công bố các kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) silicon hiện đại, trị giá 5 tỷ USD ở Sherman, vốn đã đánh bại các địa điểm cạnh tranh ở Nam Hàn và Ohio để được đặt cơ sở này. Nhà máy sẽ sản xuất các tấm wafer 300 mm tân tiến — hiện đang được sản xuất ở Á Châu — và có thể hỗ trợ cho 1,500 công việc theo thời gian.
Thông báo của GlobalWafers được đưa ra sau khi Texas Instruments có trụ sở tại Dallas nói rằng họ sẽ xây dựng bốn nhà máy sản xuất chất bán dẫn (hoặc vi mạch bán dẫn) mới ở Sherman, có khả năng đầu tư 30 tỷ USD và sử dụng tới 3,000 nhân viên. Trước khi chọn thành phố ở miền Bắc Texas này, công ty đã xem xét Singapore cho việc đặt các cơ sở sản xuất kể trên, nơi cũng sẽ sản xuất các đĩa bán dẫn 300 mm.
Những tiến triển mới nhất khác xa so với những thập niên trước ở Sherman, khi các nhà máy sản xuất băng phẫu thuật và sản phẩm kính xe hơi ở đó đóng cửa, với một số công việc được chuyển sang các nước khác.
“Chúng tôi đã kinh qua những thăng trầm của mình,” Thị trưởng Sherman David Plyler nói. “Nhưng khi nền kinh tế thay đổi và chúng tôi đã bắt đầu kể câu chuyện của mình, mọi thứ đã thay đổi. Giờ mọi người muốn ở đây.”
Thành công của Sherman trong việc thu hút các nhà máy mới nhấn mạnh cách một số thành phố và thị trấn trên khắp đất nước đang tận hưởng thời kỳ phục hưng sản xuất. Sự phục hưng đó xuất hiện sau khi Hoa Kỳ dành nhiều thập niên chuyển các công việc sản xuất ra ngoại quốc — chủ yếu cho các nhà cung cấp có chi phí thấp hơn ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc. Năm 1990, Hoa Kỳ sản xuất 37% vi mạch bán dẫn máy điện toán trên toàn thế giới, con số này đã giảm xuống còn khoảng 12%. Tuy nhiên, giờ đây, một số hoạt động sản xuất đang quay trở lại Hoa Kỳ, hứa hẹn những công việc mới và cuộc sống mới cho các cộng đồng.
Quá trình quay trở lại sản xuất tại Hoa Kỳ, được gọi là “reshoring”, đã bắt đầu khởi động vào khoảng năm 2010. Nhưng quá trình này lại có thêm tính cấp bách mới sau khi các đợt phong tỏa COVID-19 để lộ ra các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí vận chuyển tăng vọt và các cảng bị đóng cửa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các sản phẩm từ khẩu trang, giấy vệ sinh đến vi mạch bán dẫn máy điện toán, vốn là những thành phần quan trọng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh, máy điện toán đến các thiết bị và xe hơi.
“Quý vị đang có động lực lớn nhất mà chúng ta từng có tại bất kỳ thời điểm nào trong 12 năm mà chúng tôi đang theo dõi,” ông Harry Moser, nhà sáng lập và là chủ tịch của Reshoring Initiative, một tổ chức bất vụ lợi thúc đẩy thông điệp “đưa-sản-xuất-trở-lại-quê nhà”, cho biết. “Trong khi trước đây tôi phải đến các công ty và thuyết phục họ, thì giờ tôi nhận được nhiều cuộc gọi hơn từ các công ty nói rằng, ‘Tôi đã được thông báo rằng chúng tôi phải chuyển công việc của mình ra khỏi Trung Quốc và tìm một nguồn sản xuất tại Hoa Kỳ. Ông có thể giúp tôi tìm nguồn không?’”
Trong khi các loại hình sản xuất khác cũng đang trải qua sự hồi sinh tại Hoa Kỳ — có những kế hoạch cho hơn một chục nhà máy sản xuất pin xe điện mới ở miền Nam và Trung Tây — các nhà máy bán dẫn gần đây đã chiếm vị trí trung tâm, một phần là do Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 280 tỷ USD.
Dự luật lưỡng đảng, đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua hồi tuần trước (25-31/07) và được đưa tới bàn Tổng thống Joe Biden, cung cấp 52 tỷ USD tiền trợ cấp liên bang cho sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước. Cả GlobalWafers và công ty Intel có trụ sở tại California, hãng có kế hoạch xây dựng hai nhà máy bán dẫn lớn ở Quận Licking, Ohio, đã tuyên bố rằng các dự án ở Sherman và Ohio có thể đã không được tiến hành như kế hoạch trừ khi dự luật này thành công. Chính phủ ông Biden đã thúc đẩy dự luật này một phần vì lý do an ninh quốc gia, viện dẫn về sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đối với vi mạch bán dẫn sử dụng công nghệ thấp hơn (“mature” chip), cũng như các mối đe dọa của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan, nơi mà Hoa Kỳ phụ thuộc vào để có các vi mạch bán dẫn tân tiến nhất.
Thuê ngoài giảm xuống
Gần đây nhất là vào những năm 1970, Hoa Kỳ đã có một lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ và thương mại cân bằng. Hoa Kỳ đã có thặng dư thương mại 8.9 tỷ USD vào năm 1975, và việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong tháng Sáu năm 1979 đã tăng lên mức kỷ lục 19.5 triệu. Tuy nhiên, sau đó, cả hai con số này đều giảm. Việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 11.5 triệu trong năm 2010 trước khi phục hồi một chút lên 12.5 triệu vào năm 2021. Và cán cân thương mại xuất nhập cảng đã chìm trong hơn 45 năm, với mức thâm hụt kỷ lục khoảng 860 tỷ USD vào năm 2021.
Cũng đã khoảng bốn thập niên kể từ khi các công ty Hoa Kỳ bắt đầu công việc “thuê sản xuất ngoài” ở ngoại quốc. Bị thu hút bởi chi phí lao động thấp hơn ở Mỹ Latinh và các nước Á Châu như Trung Quốc, các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp bao gồm dệt may, thép, và điện tử đã quyết định chuyển một số hoạt động của họ sang đó, bề ngoài là để duy trì tính cạnh tranh bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, đến năm 2011, một phân tích của Boston Consulting Group đã đặt câu hỏi về chiến lược này. Công ty tư vấn có ảnh hưởng này đã tuyên bố rằng lợi thế về chi phí lao động của Trung Quốc đang nhanh chóng xói mòn và dự đoán rằng vào năm 2015, “sản xuất ở một số khu vực của Hoa Kỳ sẽ tiết kiệm như sản xuất ở Trung Quốc.”
Các công ty như Caterpillar và General Electric đã hiểu được thông điệp này. Ông Moser nói, trong 12 năm qua, tỷ lệ thuê ngoài đã giảm, trong khi tỷ lệ “chuyển sản xuất về nước cộng với đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI)” ở Hoa Kỳ đang tăng nhanh. Ông nói, kết hợp lại, hai nhóm đầu tư sau đã tạo ra kỷ lục 261,000 thông báo tuyển việc làm trong ngành sản xuất hồi năm ngoái (2021), tăng so với 6,000 thông báo trong năm 2010. Điều đó đã nâng tổng số việc làm được công bố do chuyển sản xuất về nước và FDI kể từ năm 2010 lên hơn 1.3 triệu.
Hầu hết các công việc này đều quay trở về từ Á Châu. Ông nói, loại bỏ thâm hụt thương mại bằng cách sản xuất tại Hoa Kỳ những gì hiện đang nhập cảng sẽ dẫn đến việc tăng 40% sản xuất trong nước, tạo ra thêm 5 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Ông Moser cho biết các ứng cử viên tốt nhất cho việc chuyển sản xuất về nước bao gồm các công ty trong các lĩnh vực sản xuất có chi phí vận chuyển hàng hóa cao, nhu cầu không ổn định, thay đổi thiết kế thường xuyên, và các quy trình có thể được tự động hóa. Trong số đó có máy móc, thiết bị giao thông, thiết bị gia dụng, pin điện, chất bán dẫn, thiết bị bảo hộ cá nhân, dược phẩm, và vật liệu đất hiếm. Để giúp các công ty hiểu rõ hơn về lợi ích của việc chuyển sản xuất về nước, tổ chức bất vụ lợi của ông đã phát triển một biện pháp gọi là “Công cụ ước tính Tổng chi phí Sở hữu” (TCO). TCO là một công cụ trực tuyến miễn phí tính toán tổng chi phí “thực” của các sản phẩm thuê ngoài, bao gồm các yếu tố như chi phí chung, bảng cân đối kế toán, chiến lược công ty — và rủi ro.
Theo ông Moser, những rủi ro như đại dịch COVID-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine chỉ là muối bỏ bể so với nguy cơ Trung Quốc “tách rời”, mà ngày nay đang bủa vây các công ty như thanh gươm Damocles treo trên đầu.
“Tôi nói với các công ty rằng, “Hãy tìm ra những công việc mà quý vị có thể mang trở lại quê nhà hiện nay, và đưa những việc làm ấy về nước ngay — hoặc nếu quý vị không còn lựa chọn nào khác, thì hãy mang những việc làm đó đến Mexico,” ông nói. “Bởi vì nếu mọi chuyện vỡ lở và chẳng có thứ gì được nhập từ Trung Quốc cho bất cứ ai, thì quý vị sẽ là một trong 30,000 công ty cố gắng tìm một xưởng đúc hoặc một cửa hàng máy móc, và rồi quý vị sẽ chẳng tìm được đâu.”
Ông Hitendra Chaturvedi, một giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Arizona State University, đồng tình rằng Mexico là một địa điểm thay thế tốt cho các công ty Mỹ đang rút lui khỏi Trung Quốc. Ông cho biết “chuyển sản xuất về gần quê nhà”, được gọi là “nearshoring”, từ Trung Quốc về Mexico — cũng như về Mỹ Latinh và Canada — sẽ giúp nguồn cung dễ tiếp cận hơn. Và sản xuất ở Mexico rẻ hơn khoảng 20% so với ở Trung Quốc.
Bên cạnh việc xem xét những lợi thế của việc chuyển sản xuất về gần quê nhà, ông Chaturvedi đề nghị một cách tiếp cận mang tính nhắm thẳng hơn đối với chính việc chuyển sản xuất về nước.
“Chúng ta không nên áp dụng cách tiếp cận hàng loạt đối với vấn đề này,” ông nói. “Quý vị không muốn các công việc may vá có mức lương thấp quay trở lại Hoa Kỳ. Quý vị muốn có các công việc lương cao. Tôi muốn chúng ta tập trung vào các lĩnh vực mà chúng ta muốn phát triển trong nước một cách có chiến lược.”
‘Chỉ mới bắt đầu’
Về phần mình, Sherman đã thu hút hai cơ sở vi mạch bán dẫn mới với các ưu đãi như giảm thuế, trong trường hợp của Texas Instruments, và một gói ưu đãi gồm tiền mặt, đất đai giá rẻ, và các khoản ưu đãi khác cho GlobalWafers. Công ty có trụ sở tại Đài Loan này cũng nhận được khoản tài trợ 15 triệu USD từ Quỹ Doanh nghiệp Texas, quỹ “chốt giao dịch” của tiểu bang này, và đủ điều kiện để được hưởng nhiều ưu đãi hơn theo Đạo luật CHIPS. Các khoản trợ cấp CHIPS cũng sẽ mang lại lợi ích cho các dự án tại Sherman của Texas Instruments (cũng như các kế hoạch của công ty Samsung có trụ sở tại Nam Hàn để xây dựng nhiều nhà máy bán dẫn ở khu vực Austin).
Ông Plyler cho biết thành phố của ông cũng quảng bá về lực lượng lao động dồi dào, nguồn cung cấp nước dồi dào, cách tiếp cận “thân thiện với doanh nghiệp”, và nền kinh tế đa dạng của mình. Trong số các nhà tuyển dụng hàng đầu của thành phố này có Tyson Foods, công ty nước giải khát Sunny Delight, và II-VI, một công ty quang học công nghệ cao và là nhà cung cấp của hãng Apple.
“Chúng tôi đã giải quyết rất nhiều rắc rối ở ngoài Tòa Thị Chính cho các nhà phát triển dự án và những người muốn đến và bắt đầu một công việc kinh doanh,” ông nói. “Chúng tôi hướng dẫn họ quá trình để được cấp phép, đôi khi theo cách nhanh chóng. Làm cho quá trình đó trở nên dễ dàng là một bước tiến dài trong chặng đường giúp đưa một số dự án này vào hoạt động.”
Dallas Business Journal đưa tin cho biết do thành công của Sherman, nên các thị trấn nhỏ hơn xung quanh thành phố này đang trong quá trình chuẩn bị để cung cấp cho các nhân viên của Texas Instruments và GlobalWafers nơi ở mới, đồng thời các cơ sở công nghiệp cho các nhà cung cấp và nhà phân phối công nghệ cao “đang thực sự mọc lên” trong khu vực.
“Chúng tôi đang mong đợi rất nhiều doanh nghiệp tham gia,” ông Plyler nói. “Chúng tôi đang mong đợi rất nhiều nhà hàng mới, rất nhiều cải tiến về chất lượng cuộc sống. Tôi nghĩ chúng tôi chỉ mới bắt đầu.”
Nhật Thăng biên dịch
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào