Header Ads

  • Breaking News

    Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 6

     HGBT

    16 tháng 8, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GIO-LOC-1-1280x721.png

    Trước đây tôi đã từng nhiều lần được nghe kể chuyện cán bộ Việt Minh nhắm rượu với tim gan của đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng nên trong bài Tiến Quân Ca đã có câu “thề ăn gan, uống máu quân thù”. Sứ mạng đình chiến của chúng tôi đã bắt đầu bằng một màn man rợ ngoài sức tưởng tượng. Mãi gần tối, người đại diện Việt Minh mặc áo cánh trắng mới trở lại. Bây giờ tôi được biết anh ta là Chúc. Chúc lấy tay ra hiệu cho hai chúng tôi đi theo anh và nói:

    -Hai anh đi cùng tôi lên Trà Cổ nghỉ ngơi.

    Vừa đói vừa mệt chúng tôi chẳng có một chút gì lót lòng trừ một bát xôi ăn tại trụ sở thị bộ lúc sáng sớm, anh Khải và tôi uể oải khoác ba lô đi theo hắn. Anh Khải hỏi:

    -Có xa không anh?

    -Cũng không xa lắm. Nếu chúng ta đi mau thì chỉ hơn một tiếng là tới nơi. 

    Chúc trả lời mà không ngoảnh lại. Quả thật hắn đi khá mau, bỏ xa chúng tôi đến vài chục thước. Chân hắn đi giày vải Bata, một của hiếm vào thời đó, chỉ cán bộ Việt Minh mới có. Tay đeo đồng hồ Wyler, dấu hiệu của kẻ có quyền và có tiền mà cũng là “mốt” của cán bộ. Tôi nghĩ chắc hắn ta đã ních đầy một bụng ở Trà Cổ trước khi trở lại gặp chúng tôi ở Mũi Ngọc nên mới đi khỏe như thế. Tôi khẽ nói với anh Khải về nhận xét của tôi. Anh Khải trợn mắt nói nhỏ:

    -Trước lúc đến Mũi Ngọc, tôi liếc mắt vào khoang trong, thấy hai đứa ăn bánh giò với nhau mà có thèm mời chúng mình một miếng đâu.

    Lác đác vài mái nhà tranh hiện ra, ánh đèn dầu leo loét vì trời đã tối hẳn. Chúc dừng lại trước một ngôi nhà lợp tranh tương đối lớn hơn các nhà khác ở kế bên. Cửa chỉ khép hờ. Hắn đẩy cửa mời chúng tôi vào. Ánh đèn “Hoa Kỳ” vàng vọt cho thấy trong nhà không một bóng người. Đây là một căn nhà tranh vách đất, ba gian. Ở gian giữa có một cái bàn cũ bằng gỗ mộc và hai cái ghế đẩu khập khiễng. Gian bên trái có một bộ ván, ngoài bắc thường gọi là cái phản, đã ngả màu nửa vàng nửa xám. Không đợi mời, chúng tôi ngồi phịch xuống ghế, lấy tay áo quẹt mồ hôi đang nhỏ giọt trên má, trên cổ. Người đại diện Tổng Bộ Việt Minh cũng ngồi xuống phản. Tôi hỏi:

    -Đêm nay chúng tôi sẽ ngủ ở đâu?

    Hắn trả lời, từ giọng nói đến thái độ của hắn bỗng trở nên lạnh lùng khác trước:

    -Các anh sẽ ăn và ngủ tại đây, không được ra khỏi nhà này, trong khi chờ chúng tôi sắp xếp mọi việc.

    Tôi bực hỏi lại:

    -Sứ mạng của các anh cũng như của chúng tôi là ra đây truyền đạt lệnh đình chiến cho quân đội hai bên. Chúng tôi không thể trì hoãn.

    Anh Khải nói thêm:

    Mong anh nhớ rằng chúng tôi là những sứ giả hòa bình có thẩm quyền và đối xử với chúng tôi theo đúng sứ mạng của chúng tôi. Chúc suy nghĩ giây lát rồi dịu giọng trở lại:

    -Trước tiên tôi phải liên lạc với bộ tư lệnh mặt trận của Vệ Quốc Đoàn rồi mới thu xếp cho hai anh gặp gỡ đại diện của cả hai bên. Việc ấy đòi hỏi thời gian không thể trong một vài ngày mà làm được. Vậy các anh chịu khó chờ đợi.

    Nói xong hắn gật đầu chào chúng tôi và bước ra cửa. Vừa mệt vừa đói chúng tôi nằm lăn ra bộ ván. Độ nửa giờ sau, một thanh niên rụt rè mở cửa ngó vào. Hắn quay ra, lát sau bưng vào một cái mâm gỗ sứt sẹo, trên có một liễn cơm, liễn là thứ thố lớn, và một đĩa rau muống với một bát canh bầu. Đấy là bữa cơm của Việt Minh thết phái đoàn đình chiến! Tuy thế vì đói bụng, hai chúng tôi cũng ăn rất ngon miệng. Sau này do sự tình cờ, tôi được thấy bữa ăn của anh đại diện Tổng Bộ Việt Minh mặc quân phục cùng đi với Chúc. Không những đủ thịt heo, thịt gà luộc mà còn có cả rượu Văn Điển, một thứ rượu giống như rượu đế.

    Đêm hôm ấy, tuy rất mệt hai chúng tôi cũng thao thức không ngủ được. Chúng tôi đã thấy rõ thái độ bất nhất của Tổng Bộ Việt Minh qua hai đại diện của chúng. Hai anh em ngao ngán. Sứ mạng của Trung Ương giao phó liệu còn hy vọng nào thi hành được không. Cuộc chiến hiện nay ra sao? Bọn “Vẹm” đã tiến đến đâu? Chúng đã vào được thành Móng Cái chưa? Anh em Quốc Dân Quân hiện ra sao? Có tổn thất nặng nề không? Anh Vi Văn Lưu và bộ tư lệnh hiện nay ở đâu?

    Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu chúng tôi mà không có câu trả lời. Còn chúng tôi, Việt Minh sẽ đối xử với chúng tôi ra sao? Chúng đã coi chúng tôi là tù binh của chúng chưa? Vừa thì thầm nói chuyện, chúng tôi vừa lấy tay đập muỗi liên tiếp vì ngủ không có màn. Chúng tôi cố gắng nghe xem có tiếng súng vọng về không. Nhưng tất cả chỉ là sự yên lặng ngoài trừ tiếng ếch nhái kêu ì ộp ở các thửa ruộng quanh ngôi nhà tranh.

    Chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi thức dậy thì ánh nắng ban mai đã luồn qua những kẽ hở của các tấm liếp tre dùng làm cánh cửa sổ. Tôi ngồi nhỏm dậy nhìn ra cửa sổ thấy có ba, bốn trẻ mục đồng đang cưỡi trâu trên con đường đất quanh co. Xa xa vài ngôi nhà tranh ẩn hiện sau những hàng rào cây khúc tần. Tuyệt đối không thấy bóng dáng bộ đội Việt Minh hay du kích. Sau khi ra sân vục cái gáo dừa vào vại nước ở trước sân dội lên đầu cho mát, chúng tôi lấy tay rửa mặt qua loa rồi vào nhà, vừa lúc người thanh niên hôm qua đẩy tấm liếp bước vào. Tay anh bưng một liễn cháo và một đĩa cà bát muối. Tôi mỉm cười hỏi anh ta:

    -Phiền anh quá nhỉ. Anh Chúc đâu?

    Anh ta không trả lời. Tôi nhắc lại:

    -Anh có biết anh Chúc hiện giờ ở đâu không?

    Anh thanh niên lắc đầu một cái, nói cụt lủn:

    -Tôi không biết.

    Từ đó trở đi, chúng tôi toàn ăn cháo. Sau này tôi mới biết làng Trà Cổ có quá ít ruộng sản xuất không đủ gạo ăn, nên có tục chỉ khi nào người dân Trà Cổ lên thuyền về Hải Phòng, Hà Nội mang chén bát sứ về bán thì mới nấu cơm ăn ở trên thuyền. Khi trở về họ cũng chỉ ăn cơm lúc sắp lên bến thôi, còn sau đó toàn ăn cháo cho đỡ tốn gạo. Ngoài ra những ngày giỗ chạp hay Tết nhất họ cũng ăn cơm.

    Được cái tuy là cháo nhưng nấu rất đặc nên ăn cũng không đói, cộng thêm với khoai lang, sắn, hay ngô. Vì thiếu đất để làm nông, dân Trà Cổ sinh sống chính yếu bằng công nghệ là bát đĩa sành, sứ. Nổi tiếng nhất là các lò bát Bá Khì, Sìu Phóng. Nhờ công nghệ này, dân Trà Cổ giàu có dần lên, trong làng đã có rất nhiều nhà gạch hai tầng. Do đó có nhiều nhà giàu quanh năm ăn cơm và tục ăn cháo thay cơm dần dần cũng giảm đi.

    Một tuần rồi mười ngày trôi qua, chúng tôi vẫn không thấy hai người đại diện của tổng Bộ Việt Minh trở lại. Lúc đầu chúng tôi cũng e ngại, chỉ quanh quẩn ở nhà. Sau không thấy ai nói gì, hai chúng tôi dần dần đi chơi lang thang, tản bộ ra các xóm gần nhà. Gọi là xóm nhưng cũng chỉ lẻ tẻ năm, bảy ngôi nhà tranh lụp xụp.

    Một hôm anh Khải và tôi đang đứng chơi trước cửa nhà, bỗng thấy một cô gái mặc áo cánh trắng, quần đen, có vẻ như nữ cán bộ đi ngang qua, đầu đội một cái mâm đầy ắp thức ăn-toàn là thịt gà và thịt lợn luộc lòng đào chưa chín hẳn. Trên mâm còn có cả một chai rượu trắng nữa. Có lẽ lầm chúng tôi là cán bộ Việt Minh, cô mỉm cười:

    -Chào các đồng chí. Các đồng chí đã ăn cơm chiều chưa?

    Tôi cũng chào lại và hỏi:

    -Đồng chí mang mâm cơm đi đâu đấy?

    -À, đồng chí cấp dưỡng bảo tôi mang phần “tiểu táo” này đến cho hai đồng chí ở Hà Nội vừa mới ra. Ca nô của hai đồng chí ấy vẫn còn đậu ở Mũi Ngọc đấy. 

    Thì ra đó là bữa cơm hằng ngày của hai Tổng Bộ Việt Minh trong phái đoàn “đình chiến.” Họ không ăn cháo như dân địa phương! Lâu ngày bắt chuyện được với vài bác nông dân ở gần nhà, chúng tôi mới biết mặt trận còn các chỗ chúng tôi ở gần hai mươi cây số. Bởi thế chúng tôi không nghe thấy tiếng súng nhỏ được vì cả hai bên đều không có đại bác. Chúng tôi cũng được biết viên chỉ huy cao cấp nhất ở đây là “đại tá” Võ An Khang. Ông là tư lệnh chiến khu Đông Triều, Hải Dương. Trước đó chiến khu Đông Triều của Việt Minh là do Nguyễn Bình chỉ huy. Nhưng Nguyễn Bình được Hồ Chí Minh điều động vào Nam, nên Khang lên thay.

    Lại một buổi sáng, tôi đi lang thang ở ngoài ruộng cách nhà độ vài trăm thước. Đồng ruộng khô cằn, không thấy ai ngoài ruộng vài trừ vài ba đứa trẻ chăn trâu. Tự nhiên từ ngoài xa có bốn người mang súng trường xăm xăm tiến thẳng đến chỗ tôi. Tôi nhận ra ba người là du kích mặc thường phục và một người là bộ đội chính quy. Đến trước mặt tôi độ chừng hơn mười thước, người bộ đội hô một khẩu lệnh và cả bốn người lập tức nằm xuống, bốn khẩu súng chĩa thẳng về phía tôi. Chúng ở tư thế sắp nổ súng!

    Tôi bàng hoàng đứng khựng lại một giây, không biết phải làm gì. Chúng sắp bắn chết tôi chăng? Một nỗi kinh hoàng thoáng qua làm tôi lạnh xương sống nhưng tôi bình tĩnh trở lại ngay. Tôi tự nhủ nếu chúng nó định giết mình thì bỏ chạy cũng không thoát chết được. Tôi thản nhiên tiếp tục bước đến bốn họng súng đang chĩa về phía tôi. Chúng vẫn hờm súng nằm yên, không nhúc nhích.

    Khi tôi còn cách bốn tay này độ năm thước, bỗng nhiên chúng đứng phắt dậy, quay ngoắt trở lại, bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Đến tận bây giờ tôi suy nghĩ không hiểu chúng định làm gì mà có hành động kỳ lạ như vậy. Có lẽ đây là một đòn khủng bố tinh thần của Việt Minh mà cũng có thể chúng muốn thử tôi. Nếu tôi bỏ chạy thì sẽ làm trò cười cho chúng. Hoặc giả chúng đe dọa để chúng tôi không bỏ đi quá xa chỗ chúng tôi ở, e chúng tôi chạy trốn chăng?

    Một hôm anh Khải bảo tôi:

    -Nếu vài bữa nữa mà không thấy động tĩnh gì thì chắc chắn chúng mình bị chúng nó bắt giữ rồi. Chả lẽ chúng mình ngồi yên để cho chúng nó cho đi mò tôm hay sao (mò tôm là tiếng lóng của Việt Minh chỉ việc bắt người trói lại, buộc theo mấy cục đá to rồi ném xuống sông.) Hôm qua tôi đã quan sát địa thế vùng này. Tôi lên một cái gò, nhìn xa xa thấy biển và nhìn về phía Mũi Ngọc, tôi thấy có một xóm chài nhỏ cách Mũi Ngọc độ một cây số. Chờ đến khuya chúng ta theo đường ruộng ra xóm chài đó, điều đình với ngư dân, nhờ họ lấy thuyền nhỏ chở mình về Quảng Yên là thoát.

    Tôi lo ngại nói:

    -Công an của Vẹm đi tuần tra luôn luôn. Khó thoát khỏi sự kiểm soát của chúng. Dù cho chúng ta có đến được xóm chài, chắc gì dân họ giúp chúng ta hay họ lại đi tố cáo thì nguy to.

    Anh Khải bảo:

    -Tôi đã tính cả rồi. Mỗi bữa ăn sáng chúng ta sẽ để dành và củ khoai. Sau khi ra khỏi nhà này chúng ta đi một quãng rồi lại nấp trong các bụi ở ven đường, quan sát thật kỹ rồi mới đi tiếp. Có thể phải mất một đêm và nửa ngày hôm sau, chúng ta mới đến được xóm chài dù xóm đó chỉ cách đây chừng năm hay sáu cây số. Đói chúng ta có khoai ăn, đề phòng phải ẩn úp lâu hơn nữa. Còn đối với dân chài chúng ta sẽ mua chuộc họ bằng vàng. Hôm ở Hải Phòng đi, tôi có mang theo ba chỉ vàng để phòng bất trắc.

    Vừa nói anh vừa móc ở cạp quần ra ba cái nhẫn vàng cho tôi xem. Tôi nói:

    -Được lắm, anh lo xa hơn tôi nhiều. Nhất định tối nay bọn mình sẽ trốn đi.

    CÒN TIẾP


    Không có nhận xét nào