Header Ads

  • Breaking News

    Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 4

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GIO-LOC-1-1280x721.png

    Tôi trở về Huế ngày 8-8-1945, vừa lúc có tin máy bay Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Tin này được một số người nghe lén đài BBC và VOA loan truyền một cách mau chóng. Tôi đến từ biệt anh Châu để trở về Hà Nội vì có tin Nhật sắp đầu hàng. Trước tình hình mới, tôi phải về nhận chỉ thị của đảng. Anh Châu cũng đồng ý tôi nên về gấp để gặp anh Nguyễn Ngọc Sơn. Anh Châu dúi vào tay tôi một số tiền nhỏ, bảo là thêm vào lộ phí vì ít ra cũng phải mất hơn mười ngày tôi mới về tới Hà Nội.

    Tôi không muốn nhận vì số tiền cha Huệ cho tôi cũng gần tạm đủ để chi phí tàu, xe nhưng anh Châu ép tôi phải nhận vì đường xá xa xôi, có nhiều bất trắc. Tôi không bao giờ quên được sự giúp đỡ và lòng tốt của anh Châu trong chuyến công tác của tôi ở miền Trung. Anh là đảng viên của cộng sản đệ tứ quốc tế Tờ-rốt-kít (Trotsky) mà tận tâm giúp đỡ tôi như một người em, mặc dù không cùng một đảng. Sau này, tôi được biết khi vừa lên nắm chính quyền, bọn cộng sản đã thủ tiêu hàng chục ngàn đảng viên đệ tứ quốc tế cùng với lãnh tụ Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên. Anh Châu đã cùng chung một số phận.

    Trên đường về Hà Nội, gần một ngàn cây số trên chiếc xe đò cà rịch, cà tàng, chạy bằng than củi, phải ngủ lại bảy đêm ở các hàng quán bên đường, tôi để ý không thấy một hoạt động nào của Mặt trận Việt Minh. Mãi khi đi qua Nghệ An, tôi mới thấy lác đác có một ít cờ đỏ sao vàng ở các làng ven lộ, nhưng từ đó về đến Hà Nội, tuyệt đối không thấy có cờ hay dấu hiệu gì tỏ ra có hoạt động của Việt Minh.

    Vừa từ xe đò bước xuống, tôi tới ngay trụ sở Việt Nam Quốc Dân Hội ở Yên Phụ. Ngôi nhà vắng lặng. Tôi gõ cửa. Không ai ra mở. Tôi chạy đến nhà anh Đồng, rồi nhà anh Hể, người nhà đều nói các anh ấy đi vắng.

    Tôi rất ngỡ ngàng, đoán chừng có điều gì bất trắc xảy ra. Sau này tôi được biết lợi dụng lúc Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, các cơ quan an ninh của Nhật lơ là, bọn cán bộ Việt Minh nằm vùng ở Yên Phụ đã bắt cóc anh Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Thế Nghiệp mang đi cho “mò tôm” tức trói chặt hai anh, buộc thêm mấy cục đá vào người rồi thả xuống sông Hồng Hà. Tôi vừa lo vừa buồn, vì đã mất liên lạc. Nhật đầu hàng. Tình thế thay đổi đột ngột.

    Chủ trương của Việt Nam Quốc Dân Đảng ra sao? Bọn Việt Minh sẽ làm gì? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu mà tôi không giải đáp được. Về sau tôi được biết khi Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng Mỹ và Đồng Minh vô điều kiện, quân đội Nhật được lệnh phải rút về trại, chỉ để một số ít lính canh gác tại một số công thự. Thừa cơ hội này, Mặt Trận Việt Minh đã bắt cóc và thủ tiêu một số người đối lập với chúng ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Trong khi ấy, những lực lượng võ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tấn công Hà Giang, Móng Cái, Đình Lập và một số thị trấn khác ở biên giới Việt-Hoa, buộc Nhật phải rút chạy và giải phóng các tỉnh cùng thị trấn này.

    Về câu hỏi tại Hà Nội, Việt Nam Quốc Dân Đảng có ý định cướp chính quyền không và chủ trương của đảng cộng sản và Mặt Trận Việt Minh ra sao, hơn mười năm sau, tôi được anh Nguyễn Văn Chấn, tức Chấn đen, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị Pháp bắt đi đày ở Côn Đảo, cho biết một số chi tiết. Theo anh Chấn, trước ngày Nhật đầu hàng, anh có liên lạc với anh Chu Bá Phương và một số nhân vật cao cấp khác của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Côn Minh về khả năng cướp chính quyền ở Hà Nội một khi Nhật đầu hàng Đồng Minh. Việc này mới trong vòng thảo luận.

    Một mặt vì ở Hà Nội, Việt Nam Quốc Dân Đảng thiếu cán bộ, chưa tập trung đủ để có thể cướp chính quyền. Mặt khác những tin tức ở hải ngoại, từ biên giới đưa về rất chậm và không rõ rệt. Việc Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh làm đảo lộn chủ trương và kế hoạch của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại hải ngoại. Từ 1942 do đề nghị của các giới chức quân sự cao cấp Trung Hoa và Đồng Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đặt kế hoạch thành lập và huấn luyện quân đội để tiến vào giải phóng miền Bắc Việt Nam một khi quân Đồng Minh mở cuộc tấn công quân đội Nhật đang chiếm đóng Đông Dương.

    Do đó một tổ chức quân sự hỗn hợp Việt Nam-Trung Hoa được thành lập để lo huấn luyện các cán bộ chỉ huy đạo quân giải phóng tương lai. Cơ quan này được gọi là Giáo Đạo Liên. Tổng thống Tưởng Giới Thạch cử một thiếu tướng người Việt trong quân đội Trung Hoa là Trương Bội Công hợp tác với vị lãnh tụ Cách Mạng Việt Nam tại Trung Hoa, ông Nguyễn Hải Thần, thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, quy tụ các đảng phái đang hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa mà Việt Nam Quốc Dân Đảng là nòng cốt.

    Do sự sơ xuất, không nhận diện được Hồ Chí Minh nên Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đã can thiệp với tướng Trương Phát Khuê để xin tha cho Hồ Chí Minh, lúc ấy đang bị giam vì tình nghi là gián điệp của Nhật. Sau khi được tha, Hồ Chí Minh khi ấy bí danh là Lý Thụy, còn được mời làm ủy viên hậu bổ trong ban chấp hành trung ương của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.

    Trong khi Đồng Minh đang chuẩn bị tấn công quân đội Nhật tại Đông Dương thì Nhật xin đầu hàng vì hai trái bom nguyên tử của Mỹ. Tất nhiên kế hoạch tấn công của Đồng Minh bị bãi bỏ. Việc này làm đảo lộn chủ trương của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ trước vẫn đặt nặng vấn đề cùng với quân Đồng Minh giải phóng miền Bắc. Giải pháp này căn bản là tổ chức quân đội để chiếm đóng và thành lập chính quyền cách mạng tại Bắc Việt và sau đó trên toàn lãnh thổ việt Nam. Nếu không có việc Mỹ thả bom xuống đất Nhật, chắc chắn sẽ không có chuyện Việt Minh “cướp chính quyền” ở Hà Nội ngày 19-8-1945.

    Được đại diện của chính phủ Trung Hoa quốc gia và Mỹ hứa hẹn giúp đỡ phương tiện huấn luyện quân đội nên các lực lượng cách mạng quốc gia Việt Nam ở trên đất Trung Hoa hoàn toàn đặt trọng tâm vào giải pháp quân sự, ít chú trọng đến việc tổ chức và đào tạo cán bộ ở trong nước. Nay giải pháp quân sự không còn nữa, Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng như những đảng quốc gia khác trở nên lúng túng. Thiếu cán bộ, thiếu chuẩn bị cần thiết cho việc sách động quần chúng cướp chính quyền ở Hà Nội.

    Tuy vậy anh Nguyễn Văn Chấn cũng cho biết khoảng một tuần trước ngày 19-8-1945, cộng sản có cử đại diện là Trần Huy Liệu, sau này là Bộ trưởng Tuyên truyền trong chính phủ đầu tiên của Hồ Chí Minh, đến gặp anh Chấn tại nhà riêng, đề nghị Quốc Dân Đảng hợp tác với Mặt Trận Việt Minh cùng cướp chính quyền ở Hà Nội. Theo anh Chấn, Trần Huy Liệu tỏ ra rất coi thường tính mạng của người dân khi anh ta nói:

    -Muốn cướp chính quyền cũng như thành lập chính quyền cách mạng được thành công, chúng ta phải sẵn sàng giết năm trăm ngàn người.

    Anh Chấn nghi hoặc hỏi lại:

    -Chúng ta phải giết năm trăm ngàn người nào?

    Trần Huy Liệu mỉm cười trả lời:

    -Năm trăm ngàn người Việt Nam chứ người nào.

    Như vậy việc Mặt Trận Việt Minh do cộng sản lãnh đạo thủ tiêu, chôn sống hàng trăm ngàn đảng viên Quốc Dân Đảng, Cộng Sản Đệ Tứ và bao nhiêu đảng viên đối lập khác cùng với hàng trăm ngàn tín đồ Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa Giáo… đều đã có dự định từ trước khi Việt Minh cướp chính quyền.

    Nhận thấy việc Trần Huy Liệu đề nghị chỉ nhằm mục đích thăm dò tìm hiểu Việt Nam Quốc Dân Đảng có chủ trương cướp chính quyền không, anh Nguyễn Văn Chấn trả lời nước đôi cho qua chuyện.

    Những ngày ấy, hầu hết dân Hà Nội biết rất mơ hồ về Mặt Trận Việt Minh. Chỉ sau vài vụ ám sát người ta mới bắt đầu bàn tán về tổ chức bí mật này. Điển hình là vụ ám sát cô Nga, em gái bà chủ hàng cà phê, bánh ngọt Thiên Nga sang trọng ở phố Hàng Trống, trông ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Cô Nga, người mảnh mai, nhan sắc dễ coi là tình nhân của một “quan tư” (thiếu tá) Nhật, thuộc cơ quan an ninh Kempeitai.

    Một buổi trưa, khi cô vừa ở nhà hàng cà phê của bà chị, lên xe đạp định đi về phía sở “Cẩm” (đồn cảnh sát thời Pháp) ở đầu phố Hàng Trống thì có hai thanh niên mặc áo sơ-mi trắng cùng đi xe đạp không biết từ đâu phóng tới. Một trong hai người rút súng ngắn bắn ba phát liên tiếp vào đầu và ngực cô Nga, rồi nhanh chóng phóng xe chạy thoát. Không ai rõ tung tích hai thanh niên này, nhưng một đồn mười, mười đồn trăm là Việt Minh ám sát.

    Trước ngày Nhật đảo chánh Pháp, 9-3-1945, rất ít người có súng ngắn. Chỉ có các viên chức người Pháp hay người Việt Pháp hoặc có quốc tịch Pháp mới được cấp giấy phép mua súng ngắn. Nhưng sau khi chính quyền Pháp bị Nhật lật đổ, thì không biết từ đâu, nhiều loại súng ngắn như Map, Saint Etienne và Browning của Anh được bán lậu ở thị trường. Chính tôi cũng mua được một khẩu Browning 762.

    Cho nên việc đoàn viên của Mặt Trận Việt Minh có súng ngắn, gây ra vài vụ ám sát, cũng không có gì là lạ. Tôi được anh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết sau khi Nhật đảo chánh Pháp, có nhiều đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Mông Tự, Khai Viễn là những thị trấn lớn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Hoa, nằm trên đường hỏa xa Hà Nội-Côn Minh, đã bí mật về nước hoạt động.

    Mặt Trận Việt Minh xách động quần chúng “khởi nghĩa”, cướp chính quyền ngày 19-8-1945 tại Hà Nội thật ra chỉ là cướp công của giới công chức lúc ấy đang sôi sục lòng yêu nước. Cuộc biểu tình của công chức là bột phát, không do Việt Minh xách động vì một lẽ dễ hiểu, khi đó tuy Mặt Trận Việt Minh có nhiều cán bộ hơn các đảng cách mạng quốc gia nhưng chưa đủ để tổ chức và điều động một cuộc biểu tình đông đảo trên một trăm ngàn người.

    Ngoài ra bọn cộng sản vẫn còn e ngại phản ứng của quân đội Nhật lúc ấy vẫn canh gác ở các công thự. Hơn nữa Việt Minh vẫn chưa tiên đoán được thái độ của Khâm sai Phan Kế Toại được triều đình Huế ủy nhiệm cai trị miền Bắc Việt Nam, thay thế cho thống sứ Pháp đã bị Nhật bắt giữ. Trong Dinh Khâm sai tuy chỉ có hai tiểu đội lính khố xanh bảo vệ nhưng cũng đủ súng đạn để đánh bại lực lượng võ trang của Việt Minh gồm vài ba khẩu súng lục và vài khẩu súng trường Mousqueton.

    Trước 19-8-1945 một ngày, đã có một cuộc biểu tình nhỏ của công chức kéo đến Dinh Khâm sai tức phủ Thống sứ cũ ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm, hô hào khẩu hiệu đòi thành lập chính quyền cách mạng nhưng không đả động gì đến Mặt Trận Việt Minh rồi tự động giải tán. Lính bảo vệ dinh Khâm sai hoàn toàn thụ động, không bắn một phát súng nào. Thấy vậy Việt Minh trở nên bạo dạn hơn, lồng cán bộ vào cuộc biểu tình lớn ngày hôm sau.

    Tuy nhiên cuộc biểu tình này vẫn không do Việt Minh xách động mà vẫn do công chức tự động tổ chức vì lẽ số cán bộ của Việt Minh quá ít nên chỉ làm được một việc là hô khẩu hiệu thôi. Có một chuyện hài hước, khi đoàn biểu tình đã bao vây dinh Khâm sai, số cán bộ Việt Minh kể trên, ngoài việc hô những khẩu hiệu “Khâm sai Phan Kế Toại hãy chuyển giao chính quyền cho Mặt Trận Việt Minh”, “Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh muôn năm”…, thì họ chỉ gào lên hai chữ “Việt Minh”, mục đích làm cho người ở ngoài và bên trong dinh Khâm sai hiểu lầm những người biểu tình đều là đoàn viên của Mặt Trận Việt Minh.

    Trong dinh Khâm sai vẫn không hề có một phản ứng nào. Khoảng gần trưa, tôi thấy có hai ba người trèo qua hàng rào bằng song sắt vào trong rồi hai ba lá cờ đỏ sao vàng bung ra, phủ kín một phần hàng rào. Lúc đó số người leo qua hàng rào đã lên tới hàng chục người. Hai cánh cửa sắt nặng nề từ từ mở ra, những người biểu tình tràn vào như nước lũ.

    Thế là cộng sản cướp được cơ quan đầu não của chính quyền Bảo Đại từ miền Bắc Việt Nam, nhờ “ăn có” vào cuộc biểu tình của giới công chức ở Hà Nội. Sau này tôi được biết trước 19-8-1945, Bộ Tư lệnh của quân đội Nhật Bản đã liên lạc với Khâm sai Phan Kế Toại cho biết tin Mặt Trận Việt Minh do cộng sản lãnh đạo đang mưu toan gây rối loạn tại Hà Nội. Quân đội Nhật tuy đã đầu hàng nhưng vẫn được quân đội Đồng Minh giao cho nhiệm vụ giữ an ninh, trật tự tại Đông Dương để chờ quân Đồng Minh vào tước khí giới.

    Do đó nếu Khâm sai Phan Kế Toại đồng ý, quân đội Nhật sẽ dẹp tan Việt Minh trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Đề nghị này của Nhật đã không được Khâm sai Phan Kế Toại trả lời dứt khoát. Mặt khác, theo tin đồn lúc bấy giờ Khâm sai Phan Kế Toại có một người con rể theo Việt Minh. Anh này đã khuyên bố vợ nên chuyển giao chính quyền cho “cách mạng”, tức Mặt Trận Việt Minh.

    Từ bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi đạp xe về phía nhà “Khai Trí Tiến Đức” (một thứ câu lạc  bộ của mấy ông quan tuần phủ, tổng đốc) trong lòng vừa buồn vừa hoang mang. Việt Minh đã cướp chính quyền, phải làm gì bây giờ, làm sao bắt liên lạc được với tổ chức của các anh Sơn, anh Đôn Lâm. Đang mải mê suy nghĩ, tôi bỗng thấy rất đông người tụ tập ở chỗ rẽ từ bờ hồ vào phố Hàng Trống. Đó là một đoàn biểu tình, ước độ vài trăm người, vừa đi vừa hô vang “Việt Minh… Việt Minh”.

    Họ đang tiến về “Sở Cẩm” Hàng Trống, tức Sở cảnh sát ở phố Hàng Trống. Đi đầu là hai người cầm cờ đỏ sao vàng, sau lưng hai người này có hai thanh niên cầm súng lục ở tư thế cánh tay giơ cao ngang ngực, khuỳnh ra, làm chỗ tựa cho tay phải gác khẩu súng lục, trông rất tức cười. Giữa đám biểu tình có một chiếc xe hơi, hiệu Citroen, màu đen chạy rất chậm. Nằm bò trên mui xe có một người nằm ôm một khẩu súng săn hai nòng chĩa về phía trước.

    Đoàn biểu tình cách Sở cảnh sát độ năm mươi thước thì dừng lại. Ba người trong đám biểu tình, hai trai một gái, bước nhanh tới cửa Sở cảnh sát. Một trong ba người, kẹp vào nách một lá cờ đỏ sao vàng đã được xếp gọn ghẽ. Trước đó cửa chính của sở cảnh sát đã đóng lại và người cảnh sát đứng gác ở trên thềm đã rút vào bên trong. Thường ngày vẫn có một chiếc xe hơi màu xanh đậm, hình như của một sĩ quan Nhật đậu trước sở cảnh sát. Nay không thấy chiếc xe ấy đâu.

    Khi bọn ba người bước lên thềm, tự nhiên hai cánh cửa nặng nề của sở cảnh sát mở ra và bọn người này nhanh nhẹn đi vào bên trong. Khoảng năm phút sau, từ bao lơn trên lầu sở cảnh sát bỗng nhiên có một lá cờ đỏ sao vàng từ từ rủ xuống. Lá cờ “quẻ ly” của chính phủ Trần Trọng Kim đã biến mất. Một số người trong đoàn biểu tình, nhảy dựng lên, miệng la cuồng nhiệt “Mặt Trận Việt Minh muôn năm”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Minh, Việt Minh”. Đám đông cũng bắt chước hô theo. Người thanh niên cầm súng lục chĩa súng lên trời bắn liền hai phát.

    Mọi người tranh nhau chạy vào sở cảnh sát Hàng Trống mà không gặp một sự kháng cự nào. Chắc chắn Việt Minh đã cử người vào gặp chỉ huy của sở cảnh sát từ trước để thuyết phục người này giao sở cảnh sát cho Việt Minh. Cũng có thể Khâm sai Phan Kế Toại đã chỉ thị cho các cơ quan cảnh sát và các trại lính bảo an không được chống lại Việt Minh. Tuy nhiên tại thị xã Hà Đông, cách Hà Nội mười hai cây số, bọn cán bộ Việt Minh đã gặp phải sự kháng cự của lính bảo an dưới quyền chỉ huy của viên chánh quản bảo an binh là Ông Quản Dưỡng.

    Khi một số người mang cờ đỏ sao vàng định tiến vào trại lính, bảo an binh nổ súng bắn. Hai người chết tại chỗ. Viện binh của Việt Minh kéo tới gồm sáu, bảy thanh niên võ trang vài khẩu súng hai nòng, vẫn bị đạn từ trong bắn ra, phải bỏ chạy. Độ một giờ sau, bọn Việt Minh huy động vài trăm đồng bào, phần lớn là phụ nữ, leo qua hàng rào sắt vào trong sân trại lính bảo an thì tiếng súng thưa dần rồi im bặt.

    Việt Minh đã chiếm được trại. Ông Quản Dưỡng hạ lệnh cho lính dưới quyền ông không được bắn nữa vì sợ đạn trúng vào đồng bào. Ngay chiều hôm ấy Ông Quản Dưỡng bị Việt Minh trói chặt đưa ra xử tại “tòa án nhân dân” thiết lập ở sân vận động thị xã Hà Đông. Ông bị tuyên án tử hình và bị bắn tại chỗ.

    Mặt Trận Việt Minh với một số đoàn viên không nhiều lắm và vài ba khẩu súng cổ lỗ sĩ đã chiếm được chính quyền tại Hà Nội một cách dễ dàng. Bất cứ ai đã sống vào thời kỳ 1945 đều thấy rõ lòng yêu nước cao độ của dân ta, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả sinh mạng để đổi lấy nền độc lập cho đất nước. Trong bối cảnh lịch sử vô cùng thuận lợi đó, Mặt Trận Việt Minh do cộng sản lãnh đạo đã dễ dàng thành công trong việc cướp chính quyền.

    CÒN TIẾP


    Không có nhận xét nào