Nguồn: Elisabeth Braw, “China Is Stealing Taiwan’s Sand”, Foreign Policy, 11/07/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Một nguồn tài nguyên quý giá đang trở thành mặt trận mới của ‘chiến tranh vùng xám.’
Vào cuối tháng 4, Cục Cảnh sát Biển Đài Loan đã nhận được một tuần phòng hạm mới, đặt tên là Tân Trúc (Hsinchu). Với trọng lượng 4.000 tấn, nó là một con quái vật khổng lồ và ngay lập tức được biên chế vào đội tàu Bắc Thái Bình Dương của Đài Loan, để bảo vệ một trong những tài nguyên biển quý giá nhất của quốc đảo: cát. Trung Quốc đang tăng cường nạo vét cát ở vùng biển quanh quần đảo. Đó là một hoạt động tinh vi nhằm khai thác nguồn cát mà Bắc Kinh rất cần – đồng thời khiến Đài Loan phải gánh chịu những chi phí lớn và suy thoái biển.
“Tân Trúc là tuần phòng hạm thứ hai trong số bốn tuần phòng hạm dự kiến thuộc Cục Cảnh sát Biển Đài Loan, được trang bị ba vòi rồng áp suất cao có thể bắn vào các mục tiêu cách xa tới 120 mét,” Taiwan News đưa tin. Vào khoảng thời gian tàu Tân Trúc cập cảng, Cục Cảnh sát Biển Đài Loan cũng đã nhận được chiếc thứ 4 và thứ 5 trong tổng số 12 tàu tuần tra xa bờ trong kế hoạch của họ. Chỉ riêng các tuần phòng hạm đã tiêu tốn của Đài Loan gần 400 triệu USD.
Cục Cảnh sát Biển Đài Loan cần thêm tàu mới vì trong vài năm qua, quần đảo Mã Tổ – vùng lãnh thổ Đài Loan gần với bờ biển Trung Quốc – đã thường xuyên phải đón ‘khách không mời.’ Nhóm này chính là các tàu chở theo máy xúc, với thủy thủ đoàn đi vào tận vùng biển ngoài khơi quần đảo – nghĩa là lãnh hải Đài Loan – để lấy trộm cát. Vào năm 2020, Đài Loan đã trục xuất gần 4.000 tàu hút cát và tàu vận chuyển cát của Trung Quốc ra khỏi vùng biển của mình – tăng vọt 560% so với năm 2019, theo Reuters.
“Trung Quốc đang thiếu một lượng lớn cát để xây dựng các tòa nhà chọc trời ở nhiều thành phố,” Susumu Takai, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh Nhật Bản, nói với FP. “Kết quả là Trung Quốc đang nạo vét một lượng lớn cát biển trên các đảo Đài Loan nằm dọc theo bờ biển Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc tuyên bố rằng Đài Loan là một phần của nước mình, họ tin rằng họ chỉ đang nạo vét cát biển gần bờ biển của chính họ.” Đài Loan chẳng thể làm được gì nhiều, ngoài việc cử các tàu tuần duyên đuổi các tàu hút cát đi – nhưng lúc đó thì những tàu này đã có thể lấy được ít nhất cũng một ít cát ra khỏi đáy biển.
“Sau nước, cát là nguồn tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên thế giới,” theo Vander Velpen, nhân viên phân tích dữ liệu về ngành công nghiệp cát tại Cơ sở Dữ liệu Thông tin Tài nguyên Toàn cầu ở Geneva, cơ quan thuộc chương trình hợp tác giữa Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), chính phủ Thụy Sĩ, và Đại học Geneva. “Mỗi năm, thế giới xây dựng một bức tường cát cao tương đương 27 mét và rộng 27 mét, trải dài theo toàn bộ đường xích đạo.” Khối lượng đó tương đương 50 tỷ tấn cát mỗi năm.
Phần lớn cát đang được sử dụng bởi Trung Quốc, quốc gia mà tốc độ phát triển nhanh chóng của nó để trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa lớn được hỗ trợ bởi cát. Theo dữ liệu từ Mạng lưới Thông tin Tổng hợp toàn cầu, gần 40% tổng lượng cát được sử dụng chỉ bởi một mình Trung Quốc. Xin nhắc lại: Cát được sử dụng trong bê tông, thủy tinh, và nhựa đường – và ngày càng được sử dụng phổ biến trong lấn biển, một phần quan trọng của việc mở rộng cơ sở hạ tầng ở Hong Kong và các thành phố khác. Cát sa mạc không phù hợp cho các mục đích này – vì nó quá mịn và không kết dính. Thay vào đó, xây dựng cần cát từ sông, bờ biển, và mỏ đá.
“Trong bốn năm qua, người Trung Quốc đã sử dụng nhiều cát và sỏi hơn người Mỹ trong cả một thế kỷ,” Vander Velpen chỉ ra. Sự bùng nổ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong 30 năm qua cần – và vẫn cần – hàng tấn bê tông. Đúng hơn là hàng tỷ tấn: Sản lượng xi măng toàn cầu đã tăng từ 1,39 tỷ tấn năm 1995 lên 4,4 tỷ tấn vào năm 2021, và nguyên nhân chủ yếu đến từ các đường cao tốc, sân bay, và siêu đô thị mới của Trung Quốc.
Tất nhiên, Bắc Kinh không lấy phần lớn cát từ Đài Loan – họ nạo vét rất nhiều tại quê nhà, Hồ Bà Dương của nước này là mỏ cát lớn nhất thế giới, và họ cũng nhập khẩu lượng cát trị giá hàng trăm triệu đô la từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, quấy rối Đài Loan để lấy cát là một chiến thắng kép. Họ vừa lấy đi một nguồn tài nguyên cần thiết, vừa tạo thêm gánh nặng cho Đài Bắc, buộc Đài Loan phải chuyển hướng các nguồn lực tài chính và quân sự quan trọng cho lực lượng bảo vệ bờ biển của mình. Thực tế, hành động hút trộm cát của Trung Quốc đối với Đài Loan là một ví dụ điển hình cho chiến tranh vùng xám: không mang tính chất quân sự, và không đủ quy mô để kích động phản ứng quân sự của quốc gia bị nhắm mục tiêu, nhưng vẫn rất có hại.
Cát đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Trong tháng này, một công ty Phần Lan đã đi tiên phong tạo ra hệ thống lưu trữ năng lượng chạy bằng cát. Sử dụng năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, các hệ thống lưu trữ như vậy có thể giúp xoa dịu nhu cầu chuyển đổi cấp bách sang năng lượng tái tạo của thế giới.
Tuy nhiên, thế giới không có nguồn cung cát vô hạn, và thiên nhiên cũng cần đến nó. “Những công trình xây dựng này có nghĩa là ở nhiều địa điểm, chúng ta đang khai thác nhiều cát và sỏi hơn những gì được bổ sung bằng các quá trình tự nhiên,” Vander Velpen nói. “Các cộng đồng đối mặt với tình trạng khan hiếm cát sẽ phải chống chọi với tình trạng xói lở bờ biển, suy giảm đa dạng sinh thái, và lũ lụt.” Trong một báo cáo mới, UNEP cảnh báo rằng việc khai thác cát quá mức đang gây hại cho môi trường.
Thật vậy, Trung Quốc đã tự làm hại môi trường của mình bằng việc khai thác cát. Ngay từ năm 2008, những lo ngại như vậy đã khiến chính quyền Trung Quốc nỗ lực cấm khai thác cát ở Hồ Bà Dương. Lệnh cấm không mấy hiệu quả, và Hồ Bà Dương quan trọng đã bị tàn phá về mặt sinh thái. Các nhà khoa học Trung Quốc đã cảnh báo rằng bản thân Sông Dương Tử cũng đang gặp nguy hiểm do khai thác cát. Quần đảo Mã Tổ đặc biệt dễ bị tổn thương. “Những hòn đảo này không có bờ cát, tài nguyên sinh vật thì đang cạn kiệt dần, và ngư dân dường như đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn,” Takai chỉ ra.
Làm tổn hại đến môi trường biển của nước khác phần nào là ‘đặc sản’ của Trung Quốc: Đội tàu đánh cá xa bờ của nước này được chính phủ trợ cấp đi vòng quanh thế giới, neo đậu ở vùng biển của các nước khác và đánh bắt quá mức, không chỉ làm cạn kiệt nguồn cá mà còn gây suy thoái môi trường biển. Tổ chức Công lý Môi trường lưu ý trong một báo cáo mới rằng, “kéo lưới rà đáy, một phương thức đánh bắt phổ biến mà các tàu đánh cá Trung Quốc sử dụng, có những tác động sinh thái đáng kể, bao gồm làm tăng khả năng bắt phải các loài phụ, phá hủy môi trường sống, và tăng phát thải carbon.”
Những nhà quan sát Đài Loan thường theo dõi các hoạt động của Trung Quốc để tìm dấu hiệu xâm lược quân sự. Nhưng họ cũng nên giám sát các tàu hút cát vì chúng đang gây hại theo cách riêng của mình. Đài Loan hy vọng rằng tàu Tân Trúc và các tàu tuần duyên mới khác sẽ khiến những kẻ hút trộm phải sợ hãi. Nhưng mỗi khi các ‘thợ đào’ này xuất hiện, chúng lại gây thêm phiền toái và suy thoái môi trường. Ta có thể gọi chúng là phiên bản trên biển của ‘những người lính xanh nhỏ bé’ của Nga – một phiên bản thông minh hơn.
*Elisabeth Braw là một nhà bình luận của Foreign Policy và là thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nơi bà tập trung vào việc phòng thủ trước những thách thức an ninh quốc gia đang nổi lên, chẳng hạn như các mối đe dọa hỗn hợp và vùng xám. Bà cũng là thành viên của Ủy ban Phòng bị Quốc gia của Anh.
https://nghiencuuquocte.org/2022/08/04
Không có nhận xét nào