21/8/2022
1) Mỹ đổ thêm dầu vào lửa
Thượng Nghị Sĩ Ed Markey chụp hình chung với nữ Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan ngày 11/08/2022
Sau cơn giận chưa nguôi của Bắc Kinh trước chuyện bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi viếng thăm Đài Loan. Những hành động hùng hổ của Bắc Kinh trả đũa tập trận bao vây quanh đảo Đài Loan vừa ngưng ngày 10/08, thì chiều cùng ngày, ông Kurt Campbell, điều phối Ấn Độ-Thái Bình Dương tuyên bố với báo chí thế giới rằng“Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với Đài Loan nhiều hơn nữa, cương quyết đẩy lùi sự khiêu khích của Trung Cộng đối với Đài Loan, tàu chiến của Mỹ sẽ qua eo biển Đài Loan trong tuần tới….”
Chưa đủ, ngày hôm sau 11/08, một phái đoàn gồm Thượng Nghị Sĩ Ed Markey (D. Massachusetts), Dân Biểu John Garamendi và Alan Lowenthal (D. California), Dân Biểu Don Beyer (D. Virginia) và nữ Dân Biểu Aumua Radewagen (R. Samoa) đến thăm Đài Loan. Đặc biệt chuyến đi này do TNS Markey trong vai trò Chủ Tịch Tiểu Ban Quan Hệ Đối Ngoại Thượng Viện Đông Á, Thái Bình Dương dẫn đầu.
Theo Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act) Hiến Pháp Mỹ trao cho Quốc Hội một vai trò quan trọng trong việc quyết định phương cách Mỹ đối phó với tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan. Chuyến thăm của bà chủ tịch Hạ Viện xác định Quốc Hội Mỹ ủng hộ Đài Loan chứ không nói kiểu nước đôi.
Nếu nắm rõ vấn đề phân quyền ở Mỹ, thì đây là cách phối hợp nhịp nhàng có tính toán kỹ lưỡng của Washington giữa hai ngành Hành Pháp và Lập Pháp. Ông Kurt Campbell thuộc hành pháp phụ trách châu Á – Thái Bình Dương và TNS Ed Markey ngành lập pháp cũng phụ trách châu Á Thái Bình Dương cùng đến Đài Loan khai triển công tác trong nhiệm vụ của mình nhằm thực hiện Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan sâu sắc và chắc chắn hơn.
Bắc kinh lại một lần nữa rất “tức giận”, nên hùng hổ lên tiếng hăm dọa “đừng đùa với lửa…” và tuyên bố “tiếp tục tập trận quanh Đài Loan”. Đồng thời dùng ngoại giao sói lang, nhưng lần này “sói lang” không dám đánh thẳng vào Washington mà nói theo cách tránh đối đầu là “Một số chính trị gia Hoa Kỳ, thông đồng với các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan, thách thức nguyên tắc One China, vốn nằm ngoài chiều sâu của họ và chắc chắn sẽ thất bại”.
Thường thì Mỹ khá thận trọng khi gây ra một việc gì có thể xẩy ra chiến tranh – Tại sao ở Đài Loan, lúc này Mỹ đi những bước đi khá táo bạo? Có thể vì một trong những lý do sau đây?
– Mỹ không thể để Đài Loan mất về tay Trung Cộng vì đây là trung tâm làm chip điện tử bán dẫn tối tân nhất của thế giới hiện nay. Tương lai thế giới gắn liền với chip bán dẫn.
– Mỹ thấy Trung Cộng và Nga sẽ gắn chặt với nhau cạnh tranh vị thế của Mỹ, để lâu nguy hiểm cho Mỹ nên tìm cách ngăn chặn càng sớm càng tốt.
– Mỹ dùng chiến lược để Trung Cộng bận rộn ở Đài Loan, không còn đầu óc đâu để nghĩ đến chuyện xâm lược các đảo dọc theo “Vành Đai, Con Đường” trên vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.
– Hoa Kỳ đã quan sát kỹ càng cuộc tập trận vừa rồi của Trung Cộng về hợp đồng binh chủng, vũ khí, và khả năng còn kém về mọi mặt. Cho nên nếu có chiến tranh lúc này thì Mỹ hoàn toàn nắm ưu thế.
– Mỹ đã thấy nguy cơ Trung Cộng tấn công Đài Loan rất gần nên tạo ra tình huống để lấy cớ ngăn chặn.
2) Nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia của Ukraine bớt lo sợ
Nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia ở Ukraine
Chiến tranh Ukraine gần 6 tháng trôi qua, nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia ở Ukraine là sự đe dọa to lớn đối với thế giới, nhất là các nước châu Âu. Xung quanh khu nhà máy điện nguyên tử quân Nga và Ukraine say sưa nã đạn pháo mà chẳng một chút do dự nào cả. Chỉ cần một sai sót nhỏ khi chấm tọa độ pháo binh thì cả châu Âu bị chìm trong chất phóng xạ nguyên tử!
Trước nguy cơ nguyên tử, hôm qua (19/08/2022) TT Pháp Macron đã điện thoại cho Putin, sau một giờ rưỡi đồng hồ nói chuyện qua điện thoại thì Điện Kremlin đưa tin kết quả cuộc điện đàm về nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia ở Ukraine giữa TT Macron và Putin đã “nêu rõ tầm quan trọng của việc cử một phái đoàn của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) tới càng sớm càng tốt, để kiểm soát tình hình tại chỗ”. Điện Kremlin nói thêm là cuộc điện đàm này được thực hiện theo yêu cầu của tổng thống Pháp Macron và phái đoàn IAEA có thể đi đến kiểm tra nhà máy điện nguyên tử qua những phần đất của Ukraine.
Thế giới thở phào nhẹ nhõm về chất phóng xạ nguyên tử rình rập mấy tuần nay, hy vọng khu nhà máy điện nguyên tử này sẽ phi quân sự hóa để tránh rủi ro cho nhân loại.
3) Philippines hủy hợp đồng mua máy bay Nga để mua trực thăng của Mỹ (1)
Máy bay trực thăng CH-47 Chinook của Mỹ sẽ bán cho Philippines
Qua cuộc chiến ở Ukraine, Philippines đã thấy hiệu năng phi cơ của Nga không tối tân và không được bảo đảm bằng Mỹ nên Philippines đã hủy hợp đồng mua 16 chiếc trực thăng M17 của Nga với giá 322 triệu USD và đã đặt tiền cọc là 48.2 triệu USD. Theo đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, ông Jose Romualdez cho biết lý do hủy hợp đồng là Philippines lo ngại về các lệnh trừng phạt có thể xảy ra của Mỹ và phương Tây, ngăn cản việc chuyển tiền nhanh chóng qua ngân hàng đối với những thu nhập mà người lao động Philippines gửi về từ Mỹ và các nước Tây phương khác.
Philippines lại mua trực thăng chở quân CH-47 Chinook của Mỹ tốt hơn nhiều so với M17 của Nga với giá 322 triệu USD bằng giá của Nga.
Philippines đang muốn đòi lại tiền đặt cọc từ chính phủ Nga vì cuộc hủy hợp đồng này có lý do chính đáng. Nhưng Nga bây giờ có tiền đâu để trả cho Philippines cho nên việc đòi hỏi của Philippines đến tết Congo cũng chưa có..
Đó là bề mặt, bề trái của sự việc này. Philippines là nước đồng minh với Mỹ hai bên đã ký “hiệp ước bất tương xâm” từ năm 1951. Đến thời Tổng Thống Duterte thì Philippines bắt tay thân thiện với Trung Cộng. Tổng Thống hiện nay là Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. con của cựu TT Marcos có mối thâm thù với Mỹ nên khi mới trúng cử đã phone cho Tập Cận Bình để tâm sự. Việc Philippines mua trực thăng CH-47 của Mỹ chỉ là hâm nóng chứ chưa nồng ấm như xưa!
Tình hình ngoại giao của Mỹ-Philippines lên xuống khó lường. Dù rằng chiến lược an ninh của Mỹ xem Philippines là một địa chiến lược của vòng an ninh số một của Mỹ, nhưng nay Philippines có ý định thân Trung Cộng do đó Mỹ cần xét lại trước khi quá muộn.
4) Bà Aung San Suu Kyi ở tù đến năm 94 tuổi!
Bà Aung San Suu Kyi trước tòa hôm 15/08/2022
Nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện đứng đầu là tướng Min Aung Hlaing vừa mới kết án thêm 6 năm tù bà Aung San Suu Kyi vào thứ Hai tuần rồi (15/08/2022) bà bị cáo buộc tội tham nhũng. Trước đây vào năm 2021 bà bị phe quân phiệt kết án 11 năm tù vì nhiều cáo buộc như vi phạm đạo luật bí mật chính thức, gian lận bầu cử. Như vậy cho đến nay bà bị tổng cộng 17 năm tù.
Bà Suu Kyi sinh năm 1945 năm nay 77 tuổi. Thêm 17 năm tù, vị chi là 94 tuổi mới ra khỏi tù. Không biết lúc đó bà còn sống không?!
Hoạt động chính trị của bà Suu Kyi rất long đong lên voi xuống chó.
Vốn sinh ra trong một gia đình cách mạng có người cha là tướng Aung San, anh hùng quân cách mạng Miến Điện chiến đấu giành độc lập từ tay thực dân Anh. Ông bị ám sát chết lúc bà mới lên 2 tuổi.
Cuộc đời của bà sống ở Ấn Độ, Anh Quốc và Hoa Kỳ đến năm 27 tuổi thì kết hôn với Michael Aris người Anh và sống tại Luân Đôn.
Năm 1988 trở về Rangoon thủ đô Miến Điện để nuôi mẹ bị bệnh, đó là cơ duyên để bà làm cách mạng đấu tranh tự do dân chủ cho Miến Điện.
Năm 1988, Bà thành lập Liên Minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và làm Chủ Tịch NLD
Lúc đó Miến Điện bị cai trị bởi tập đoàn độc tài quân phiệt, cấm bà hoạt động và bà bị ở tù tại gia. Nhưng bà Suu Kyi vẫn tiếp tục đi khắp nơi phát triển, cổ động người dân về phong trào tự do, dân chủ.
Năm 1991 bà nhận được giải Nobel Hòa Bình, năm 2000 bà được thả tự do.
Năm 2015 Đảng NLD thắng cử, nhưng bà không được ra ứng cử tổng thống vì chồng và hai con của bà mang quốc tịch Anh. Bà phải ở trong bóng tối vai trò quân sư cho tổng thống và giữ chức cố vấn quốc gia Myanmar.
Cuối năm 2020 một cuộc bầu cử dân chủ, đảng NLD của bà thắng lớn thì vào ngày 1/02/2021 phe quân đội Miến Điện do tướng Min Aung Hlaing đứng đầu vu oan đảng của bà là gian lận bầu cử và bất ngờ làm cuộc đảo chánh quân sự trong đêm. Bà cùng các vị lãnh đạo NLD bị bắt vào tù. Từ đó đến nay phe quân phiệt cáo buộc bà nhiều lần đến 17 năm tù.
Miến Điện giờ đây đang nằm dưới sự cai trị của tập đoàn độc tài quân phiệt, được sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Cộng và Nga trên mặt ngoại giao và kinh tế. Mỹ và các nước tây phương thì chỉ dùng hình thức lên án, vi phạm nhân quyền, cấm vận kinh tế để trừng phạt Miến Điện. Những điều đó không đủ làm cho tập đoàn quân phiệt Miến Điện nao núng, trái lại chúng còn nói năng khiếm nhã “Mỹ và tây Phương chuyên môn dùng những trò đó xưa rồi”.
5) Trung Cộng đưa quân sang Nga tập trận?
Binh lính và xe tăng của Trung Cộng chuẩn bị lên đường sang Nga tập trận
Theo tin Reuters: Hôm thứ Tư ngày 24/08/2022 Bắc Kinh sẽ đưa quân đội tới Nga để tham gia cuộc tập trận chung Vostok (Đông) từ ngày 30/08 đến ngày 5/09. Trong khi Nga đang gây ra một cuộc chiến phức tạp và tốn kém ở Ukraine.
Việc Trung Cộng đưa quân sang Nga trong tình hình này gây nhiều nghi ngờ rằng Bắc Kinh đưa quân đến giúp đỡ cho Nga đang cần quân chiến đấu ở Ukraine.
Dù Trung Cộng tuyên bố cuộc tập trận chung là ” không liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực hiện nay”. Tuy nhiên “tình ngay lý gian”, biết đâu Trung Cộng nói chỉ đưa 5000 binh lính, xe tăng và máy bay tập trận nhưng thực tế đem 50,000 lính và nhiều xe tăng và máy bay thì ai mà biết được!
Bắc kinh còn cho biết: ” Mục đích là làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị và thiết thực với quân đội các nước tham gia, nâng cao mức độ hợp đồng tác chiến giữa các bên, và tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh khác nhau”.
Rõ ràng là Trung Cộng và Nga càng ngày càng có những hành động gắn bó hơn để thực hiện lời nói của Tập và Putin trước đây là “hợp tác không giới hạn”.
Lê Thành Nhân biên soạn
(1)https://www.defensenews.com/global/asia-pacific/2022/08/15/philippines-eyes-us-helicopters-after-scrapping-russian-deal/
Không có nhận xét nào