Việt Nam và nhiều nước đã ngay lập tức có phản ứng sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, và trước các cuộc tập trận trả đũa quy mô lớn của Trung Quốc.
Trong khi đó, bàn về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan, ông Sean King, chuyên gia của công ty tư vấn Park Strategies ở New York, Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt:
"Miễn là Đài Bắc không gây ra bất kỳ xung đột nào với đại lục, tôi tin tưởng rằng Washington sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công ở đại lục."
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Trung Quốc tiếp tục mở các cuộc tập trận - lớn nhất từ trước đến nay xung quanh Đài Loan.
Năm cuộc tập trận lớn 'chưa từng có' mà Trung Quốc đang tiến hành tại các vùng biển quanh Đài Loan được cho là phản ứng chính của Bắc Kinh đối với chuyến thăm, mặc dù nước này cũng đã ngăn chặn một số hoạt động thương mại với hòn đảo này.
Các cuộc tập trận sẽ diễn ra ở các tuyến đường thủy đông đúc và sẽ bao gồm bắn đạn thật tầm xa, Bắc Kinh cho biết.
Phản ứng của Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam đã lập tức yêu cầu các hãng hàng không trong nước điều chỉnh hướng bay của các đường bay qua khu vực không phận Đài Loan.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, trước thông tin Trung Quốc thông báo tập trận ở các khu vực gần Đài Loan từ ngày 4 đến 7/8, Cục đã họp khẩn với các hãng hàng không triển khai thác chuyến bay quốc tế gồm Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet để triển khai phương án bay đảm bảo an toàn.
Cụ thể, chiều 3/8, ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không cho biết việc Trung Quốc tập trận gần Đài Loan ảnh hưởng tới các đường bay từ Việt Nam đi Mỹ (do Vietnam Airlines khai thác thường lệ), đường bay từ Việt Nam đến Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ với khoảng 60 chuyến bay bị ảnh hưởng. Trong đó, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng 36 chuyến, Vietjet có 22 chuyến và Bamboo Airways có 12 chuyến.
Để đảm bảo an toàn, các hãng hàng không sẽ điều chỉnh đường bay, tránh khu vực tập trận theo nguyên tắc: không bay qua, không bay gần, không chọn sân bay dự bị gần khu vực tập trận.
Việc điều chỉnh các đường bay né vùng tập trận của Trung Quốc sẽ khiến quãng đường bay có thể xa hơn, thời gian bay dài hơn, tốn kém chi phí hơn vì tốn nhiều nhiên liệu trong bối cảnh giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng liên tục từ đầu năm 2022, Tuổi Trẻ đưa tin.
Chụp lại hình ảnh,
Các khu vực gần sát Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố tập trận
Ngoài việc điều chỉnh đường bay tránh vùng tập trận của Trung Quốc, Việt Nam còn lên tiếng về tình hình eo biển Đài Loan, điểm nóng leo thang căng thẳng khi bà Nancy Pelosi vẫn nhất quyết đáp xuống Đài Bắc tối 2/8 bất chấp các cảnh báo từ Trung Quốc.
Hôm 3/8, phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói về tình hình eo biển Đài Loan:
"Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách 'Một Trung Quốc' và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới."
Phản ứng của ASEAN và các nước khác
Khối ASEAN ra thông cáo ngày 4/8, cảnh báo nguy cơ Đài Loan 'tính toán sai lầm', sẵn sàng giúp đỡ các bên đối thoại một cách hòa bình.
"ASEAN kêu gọi sự kiềm chế tới đa, kiểm soát các hành động khiêu khích và duy trì các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiệp ước thân thiện và hợp tác TAC (Treaty of Amity and Cooperation),"
Thông cáo còn tái khẳng định sự ủng hộ và tôn trọng của các thành viên của ASEAN đối với chính sách Một Trung Quốc. Đồng thời, khối này sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tạo điều kiện cho các bên đối thoại hòa bình.
Riêng Campuchia hôm 3/8 đã lên tiếng nước này "giữ vững một cách nhất quán và kiên quyết chính sách Một Trung Quốc". Nhưng khác với Việt Nam, Campuchia còn nêu rõ họ coi các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là chuyện nội bộ và thuộc các quyền chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc."
Nguồn hình ảnh, MFAIC/Chụp lại hình ảnh,
Campuchia ra thông báo giữ vững chính sách Một Trung Quốc
Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, đang có mặt tại Phnom Penh để đàm phán với ASEAN, đã lên án phản ứng của Trung Quốc, theo The Straits Times.
"Không có lý do nào để biện minh việc dùng chuyến thăm làm lý do cho hoạt động quân sự gây hấn ở eo biển Đài Loan," ông tweet.
ASEAN đang bị chia rẽ giữa các quốc gia có quan hệ thân thiết với Trung Quốc, như Myanmar, Campuchia, Lào, và những quốc gia khác cảnh giác hơn với Bắc Kinh và sự lấn lướt ngày càng tăng của nước này.
Nhưng không quốc gia ASEAN nào chính thức công nhận Đài Loan và không quốc gia nào tỏ ra muốn ủng hộ Đài Bắc chống lại Trung Quốc.
Cũng trong ngày 3/8, Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển xung quanh Đài Loan.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Matsuno Hirokazu, cho biết Tokyo đã bày tỏ quan ngại tới Bắc Kinh về kế hoạch bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan của Trung Quốc, vì khu vực bị ảnh hưởng chồng lấn với Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản (EEZ).
Ông Hirokazu cho biết hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan không chỉ quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản mà còn đối với sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Ông nói thêm rằng Chính phủ Nhật Bản nhất quán trong quan điểm rằng vấn đề Đài Loan cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.
Hàn Quốc cũng kêu gọi đối thoại để duy trì hòa bình khu vực. "Lập trường của chính phủ chúng tôi là duy trì đối thoại chặt chẽ với các bên liên quan ... trên cơ sở hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua đối thoại và hợp tác là quan trọng," The Guardian dẫn nguồn tin từ văn phòng tổng thống.
The Washington Post trích lời Thủ tướng Úc, Anthony Albanese, cho biết nước này sẽ "tiếp tục làm việc với các đối tác để thúc đẩy hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết EU có "Chính sách Một Trung Quốc rõ ràng", công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, đồng thời theo đuổi "quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ với Đài Loan".
EU khẳng định họ quan tâm đến việc giữ gìn hòa bình và hiện trạng ở eo biển Đài Loan và nói "căng thẳng nên được giải quyết thông qua đổi thoại. Cần duy trì các kênh liên lạc phù hợp để giảm rủi ro cho việc tính toán sai lầm."
Trong khi đó, Nga đã gọi chuyến thăm của bà Pelosi là một "hành động khiêu khích rõ ràng", nói thêm rằng Trung Quốc có quyền hành động để "bảo vệ chủ quyền của mình"
Còn Bắc Hàn đã chỉ trích cái mà họ gọi là "sự can thiệp không cẩn trọng" của Mỹ vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, theo Reuters.
Trung Quốc có đánh Đài Loan?
Trả lời BBC News Tiếng Việt sáng 3/8, ông Sean King, chuyên gia của công ty tư vấn Park Strategies ở New York, Hoa Kỳ, cho rằng khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi là không cao.
Ông King phân tích: "Đối với bất kỳ cơ hội chiến tranh thực sự nào, Bắc Kinh nói rằng lằn ranh đỏ của họ đối với Đài Loan là một tuyên bố chính thức về nền độc lập của Đài Loan."
Tuy nhiên, hồi tháng 1/2020, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói với BBC "rằng Đài Bắc không cần tuyên bố độc lập vì đất nước của bà đã độc lập với tên gọi Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan).
"Như đã được đề cập trong hội thảo trên web Carnegie Endowment for International Peace gần đây, cuộc đổ bộ thành công cuối cùng trong thời chiến là cuộc đổ bộ của Tướng Mỹ Douglas MacArthur xuống Incheon trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950.
"Vượt qua eo biển Đài Loan rộng 160 km, thường là eo biển gồ ghề sẽ là một điều khó nhằn đối với các lực lượng Trung Quốc đại lục. Sau đó, sẽ là một sự đòi hỏi khó khăn hơn để họ chiếm và giữ Đài Loan," ông King nhận xét.
Theo ông King, lực lượng Trung Quốc phải chiến đấu với các lực lượng quân sự của Đài Loan và có khả năng là sự can thiệp của Hoa Kỳ với sự hỗ "có thể" của Nhật Bản tại các căn cứ của Hoa Kỳ ở Nhật Bản.
"Do đó, tôi không nghĩ sẽ có một cuộc xâm lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ sớm xảy ra, mặc dù Đài Loan và các nước bạn bè của họ nên luôn cảnh giác," ông King kết luận.
Theo ông Sean King, thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục "nắn gân" Đài Loan bằng những màn đe doạ như đã làm trong hơn 70 năm qua.
"Nhưng cân bằng lại, người Đài Loan nên cảm thấy tự tin hơn sau chuyến đi của mình. Đài Loan là một mắc xích quan trọng trong Chuỗi Đảo Đầu tiên và là một nền dân chủ tự nhiên đại diện cho mọi thứ mà Mỹ nên hỗ trợ. Đây cũng là đối tác thương mại lớn thứ mười của Mỹ.
"Miễn là Đài Bắc không gây ra bất kỳ xung đột nào với đại lục, tôi tin tưởng rằng Washington sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công ở đại lục. Đài Loan đơn giản là quá quan trọng để có kết cục tệ hại nào," ông King nhận định.
Không có nhận xét nào