Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Thư Cho Con

     


    Tôi không thân thiết chi với Bùi Bảo Trúc và cũng chả mặn mà gì với chuyện văn nghệ/văn gừng nên mãi tới bữa rồi mới (tình cờ) được biết thêm rằng ông không chỉ là một nhà báo, nhà văn mà còn là một nhà thơ hơi nặng tình đất nước:

    Tôi cũng như ông đời biệt xứ
    Trẻ ra đi già vẫn tha hương
    Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
    Tôi đọc thơ ông nát cả hồn …  (“Xa Nhà Đọc Thơ Hạ Tri Trương”)

    Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
    Mấy bức thư đọng lại những năm qua
    Một tấm thiệp báo tin người yêu nhỏ
    Đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa …  (“Gửi Căn Nhà Cũ” )

    Ngoài khuynh hướng hoài hương, Bùi Bảo Trúc còn là một người hoài cổ. Trong hàng chục ngàn Thư Gửi Bạn Ta mà ông viết đều đặn hằng ngày, ròng rã qua mấy thập niên – có hôm – tác giả đã tỏ ý tiếc nuối những Lá Thư đã cũ của Từ Linh & Đoàn Chuẩn:

    Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau
    Phong thư ngào ngạt hương
    Nét bút đa tình lả lơi …

    Tôi sinh sau đẻ muộn nên chưa hề gửi đi (hay nhận được) một phong thư nào lãng mạn và trang trọng tới cỡ đó. Những lá thư nắn nót trên “giấy trắng mực thường” cũng khỏi có luôn:

    Có gì đâu một lá thư
    Giấy trắng như giấy, mực như mực thường
    Cũng chưa một chữ rằng thương
    Mà tôi đọc suốt đêm trường sang mai
    Không nhớ nữa ngắn hay dài
    Hình như tôi đã đọc ngoài trang thơ.
    (“Có Gì Đâu” – Trần Ninh Hồ)

    Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo
    Tình thì buồn như tất cả chia ly
    Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo
    Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.

    (“Tình Thư Thứ Nhất” – Xuân Diệu)

    Tôi bước vào tuổi dậy thì cùng lúc với Bridgestone, Kawasaki, Suzuki, Honda … đang đang tràn ngập khắp miền Nam. Đám choai choai chúng tôi như được chắp cánh, bay lượn tá lả bùng binh, đâu có đứa nào rảnh để thư từ (vớ vẩn) nói chi đến cái dzụ “viết lại trăm lần.” Nghe mà phát mệt!

    Khi đời về chiều thì nhịp sống còn hối hả và bận rộn hơn nữa. Sau máy fax, thiên hạ  email, rồi inbox, và text (liền liền) cho nó lẹ. Chả còn ai đủ bình tâm hay kiên nhẫn ngồi bên bàn viết, hoặc bàn phím để thư từ gì nữa. Ấy thế mà trong những ngày qua, tôi vẫn đọc được đôi ba bức thư (mỗi chữ đều như róc/ từ xương thịt cuộc đời/ từ bi thương phẫn uất …) của mấy ông bố trẻ gửi cho những đứa con thơ.

    Bức thư thứ nhất của ông Nguyễn Lân Thắng, viết hôm 30 tháng 7 năm 2014, gừi cho con gái vừa 2 tuổi – mới được lan truyền rộng rãi trên mạng – sau khi nhân vật bất đồng chính kiến này bị bắt giữ vào hôm 5 tháng 7 vừa qua. Xin ghi lại đôi ba đoạn ngắn:

    Con thương yêu của bố…

    Bố có thể có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận cuộc sống giả dối, tung hô những điều dối trá, tận dụng những quan hệ và lợi thế sẵn có thì sẽ chả thiếu thứ gì. Rồi khi mai này đất nước tan hoang, ta có thể ra nước ngoài sinh sống không cần biết nước Việt ra sao. Rồi con sẽ được sống trong môi trường bình yên với những điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa tốt nhất.

    Nhưng con ơi, không ai chọn được tổ quốc, không ai lựa được gia đình. Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con.

    Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.

    Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố.Bố yêu con rất nhiều, bé Đậu tuyệt vời của bố!

    Bức thư thứ hai của nhà giáo Bùi Văn Thuận, viết hôm 5 tháng 1 năm 2017 (cho con gái đầu lòng mới mở mắt chào đời) và cũng chỉ vừa được phổ biến, sau khi ông bị bắt giữ vào hôm 30/8/2021:

    Con gái à, hôm nay con đã được 3 tháng 18 ngày, con chưa thể đọc những dòng chữ ba viết cho con, nhưng ba vẫn viết ra đây để sau này con có thể đọc, con có thể cho bạn bè con đọc… 

    Khi con ngủ (tối qua con ngủ khá ngoan, con gái ạ), ba mẹ nấu cơm và ăn cơm tối lúc hơn 12h đêm. Mẹ con đói lắm vì con bú nhiều, một lần nữa ba lại muốn khóc. Khi ăn ba và mẹ con đã nói rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện khi đi “làm việc" với an ninh, nhỡ ba không về với hai mẹ con nữa thì sao?

    Ba rất khó lựa chọn, thật sự rất khó con gái ơi! Nếu ba chấp nhận sống vì hai mẹ con con, cúi đầu im lặng để có thể chạy vạy lo toan cho hai mẹ con, thì đến thế hệ con, không biết các con làm sao mà sống được?

    Nhưng nếu ba lựa chọn lên tiếng, lựa chọn đấu tranh cho những quyền và nhu cầu căn bản của con người, thì ba lại là người vô trách nhiệm với hai mẹ con. Nếu ba vì lên tiếng mà bị bắt, bị những kẻ xấu bỏ tù thì hai mẹ con con sẽ sống ra sao?

     

    Đó là một sự lựa chọn rất khó khăn cho ba con gái ơi! Sau khi bàn bạc với mẹ con, ba mẹ đã quyết định: Bình thản đón nhận những gì sẽ đến…

    Quyết định “bình thản” của ông Bùi Văn Thuận khiến tôi nhớ đến thái độ và sự lựa chọn của một tù nhân lương tâm khác, Lê Anh Hùng – theo tường thuật của một nhà báo nước ngoài:

    “Every time Le Anh Hung starts to write he thinks of his three young children. The 38-year-old has already been imprisoned twice for blogging about human rights and corruption from his home in Hanoi and lives half-expecting another fateful knock at the door. And yet “I’m not scared,” he says, “I know what I choose to do is risky but I accept the fight. Cứ mỗi lần cầm bút là Lê Anh Hùng nghĩ đến ba đứa con thơ. Người đàn ông 38 tuổi này đã hai lần vào tù, vì viết blog về nhân quyền và nạn hối lộ, hiện đang sống phấp phỏng trong căn nhà của ông ở Hà Nội. Tuy thế, ông nói, ‘Tôi biết điều mình lựa chọn là nguy hiểm nhưng tôi chấp nhận cuộc đấu tranh này.” (Charlie Campbell. “Internet Censorship Is Taking Root in Southeast Asia.” Time 18 Jul 2013).

    Thái độ quyết liệt và sự lựa chọn can trường của Lê Anh Hùng, cũng như của những tù nhân lương tâm đồng hành, khiến cho vợ con cùng thân nhân của họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi và phiền toái. Nhưng nếu không có sự hy sinh cao cả như thế thì dân Việt biết trông vào đâu để vẫn còn có thể giữ được chút niềm tin về tương lai của dân tộc, và đất nước này!

     

    Không có nhận xét nào