Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Chùa Xưa Người Cũ



    Tôi không có duyên lắm với những người phụ nữ cầm bút, đặc biệt là những cô hay những bà làm thơ, kể cả Bà Huyện Thanh Quan. Vấn đề hoàn toàn chả phải vì lý do cá nhân, hay tư riêng gì ráo. Điều không may chỉ vì tôi gặp nữ sỹ hơi quá sớm, thế thôi!

    Thuở ấy, thuở mười ba mười bốn, tôi mới bước chân vào trung học mà đã giáp mặt với nàng thơ rồi. Có hôm, tôi vừa hối hả rời sân bóng đá (chạy vào phòng học) mồ hôi chưa kịp ráo lưng, đã nghe vị thầy phụ trách môn Việt Văn trầm giọng đọc bài Thăng Long Hoài Cổ :

    Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
    Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
    Nước còn chau mặt với tang thương…

    Tôi vừa cắm cúi ghi chép, vừa khuých tay thằng ngồi cạnh :

    – Cuộc hý trường là cuộc gì vậy cà?
    – Không biết.
    – Thăng Long ở đâu?
    – Không biết luôn.

    Thằng bạn chung bàn của những ngày xưa thân ái đã xa xôi và phôi pha ấy (nay) chả hiểu đã lưu lạc phương nào, sống chết ra sao? Còn tôi, sau cái cuộc hý trường (1975) thì lâm vào cảnh đời tha phương cầu thực và tha hương cho mãi đến bây giờ. Chiều qua, ở một góc trời xa, tôi tình cờ đọc lại một truyện ngắn (“Mái Chùa Xưa”) của Võ Hồng và mới chợt hiểu (thấm thía) thế nào là nỗi niềm hoài cổ :

    Làng tôi có ba ấp, mỗi ấp có một ngôi chùa. Tôi ở ấp Quảng Đức, lên năm tuổi đã biết tên chùa là Châu Lâm…, đã thấy ông thầy chùa đầu tiên trong đời, thỉnh thoảng đi về trên con đường xuyên qua xóm.

    Ngoại trừ cái áo nâu dài mặc đi ra đường là tươm tất, còn khi ở chùa thì thầy mặc áo vải thô vạt hồ màu xám có nhiều mụn vá nơi vai hoặc nơi cùi chỏ. Cái vạt áo nhọn làm cho dáng thầy từ mảnh mai trở nên gầy gò… Đi ra đường thì thầy mang guốc sơn, còn ở chùa thì mang guốc bằng gỗ cây sầu đông tự thầy đẽo lấy. Quai guốc là một mảnh da trâu cứng.

    Một cảnh chùa nghèo nàn như vậy không thể ban phát lợi lộc vật chất cho ai hết, nhưng nhờ đó mà nó trở nên thân mật với mọi người. Ai muốn ghé chơi chùa cũng được, ghé vào giờ nào cũng được, cửa Tam quan gần như không bao giờ đóng. Nhà chùa không phải coi chừng kẻ trộm cắp vì chẳng có chi đáng để trộm cắp…

    Trải qua cuộc chiến giằng co, ấp Quảng Đức của tôi đã thành bãi chiến trường. Đồng bào bỏ nhà cửa ruộng vườn lũ lượt gồng gánh ra đi. Ngôi chùa xưa chắc còn tịch liêu tàn phế hơn xưa, những con chim chào mào chìa vôi chắc cứ ngang nhiên làm tổ ngay ở chái sau, hiên trước.

    Cuối cùng “cuộc chiến giằng co” rồi cũng đến lúc kết thúc, hoà bình được tái lập. Chùa chiền nhiều nơi được trùng tu với qui mô lớn, đạt kỷ lục thế giới bởi những quần thể tu viện mênh mông và những pho tượng phật khổng lồ. Đây đều là những công trình tập thể, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều thành phần xã hội – theo nhận xét của T.S. Nguyễn Xuân Diện :

    “Để tạo thành được những Chùa Bái Đính, Chùa Ba Vàng, Chùa Tam Chúc, Chùa Yên Tử như hiện nay, phải hội đủ ba mặt: Chức sắc Phật giáo + Chính quyền huyện đến tỉnh sở tại + Đại gia. Thiếu một trong ba thì không thể nào vẽ ra được các khu kinh doanh như vậy.”

    Sau khi đã “vẽ” xong “các khu kinh doanh như vậy” thì vấn đề kế tiếp là điều hành, quản lý. Đây là giai đoạn cần sự “can thiệp” của Chính Quyền Trung Ương và Bộ Nội Vụ, với những ban ngành “có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để ‘yểm’ Hội Phật Giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc.”

    Phương thức tổ chức này được nhập khẩu (nguyên con) từ nước bạn Trung Hoa Vỹ Đại :

    “Tất cả các nhóm tôn giáo dựa trên đức tin ở Trung Quốc, bao gồm 41 viện nghiên cứu Phật giáo trên toàn quốc, đều được Ban Tôn giáo Chính phủ [State Administration of Religious Affairs] giám sát.” (“The decline and fall of Chinese Buddhism: how modern politics and fast money corrupted an ancient religion.” South China Morning Post, Sep. 21, 2018 translated by Hoàng Kim Bảo).

    Chỉ có điều hơi khác là ta “can thiệp” rất vụng về và “giám sát” quá sống sượng nên đã gây rất nhiều điều tiếng :

    Từ Thức: “Qua cửa BOT của chùa VN ngày nay, người ta bước vào thế giới ma quái của oan hồn, của ‘vong’ ngất nghểu, ra rả đòi tiền như nặc nô đòi nợ.”

    Nguyễn Văn Tuấn: “Thuở đời nay nhà sư đã xuất gia mà ăn thịt chó, uống tiết canh, hút thuốc lào, uống rượu Tây, say xỉn bí tỉ. Đó không phải là nhà sư nữa (chưa nói đến bậc chân tu), mà là dân ‘giang hồ’ rồi.”

    Đặng Văn Sinh: “Có những hòa thượng vốn là nhân viên công lực hàm cấp cao tót vời, khoác áo cà sa trụ trì ở những chùa lớn theo dõi nhất cử nhất động của giới tăng ni phật tử.”

    Mạnh Kim : “Những gì đang diễn ra khiến diện mạo Phật giáo ngày càng bi thảm là kết quả của chính sách ‘nhuộm đỏ’ Phật giáo, trong lớp áo ‘Đạo pháp và Dân tộc’ ra đời từ đầu thập niên 1980.”

    Vương Trí Nhàn: “Ngày Phật đản… Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận.”

    Những vị sư “có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng nào đó” – đôi lúc – vẫn tưởng rằng mình đang ở giữa mặt trận nên đã phát biểu như một chiến sĩ (thực thụ) khiến công luận không khỏi bàng hoàng: “Chúng ta phải quyết tâm xây dựng quân đội nước ta mạnh như là quân đội của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.”


    Ảnh: vietnamnet

    Bây giờ thì còn tìm đâu ra một ngôi chùa nhỏ bé, nghèo nàn nhưng thân thiết như chùa Châu Lâm trong ký ức tuổi thơ của Võ Hồng :

    “Ai muốn ghé chơi chùa cũng được, ghé vào giờ nào cũng được, cửa Tam quan gần như không bao giờ đóng. Nhà chùa không phải coi chừng kẻ trộm cắp vì chẳng có chi đáng để trộm… Sự liên hệ giữa dân xóm và nhà chùa là một liên hệ tinh thần, dầu không sâu đậm thiết tha nhưng mà lúc nào cũng sẵn sàng hiện diện. Khi có niềm đau nỗi buồn quá sức giải quyết của người thì về chùa để tìm sự an ủi và hy vọng. Nhà có tang mời thầy tụng kinh siêu độ, nhà có người đau ốm trầm kha mời thầy tụng kinh cầu an.

    Mười năm một lần, ban trị sự Ấp tổ chức đàn tràng mời thầy hành lễ, làm chay múa lục cúng suốt ba ngày đêm để cầu an cho dân chúng cả Ấp. Người lớn trẻ con, thanh niên thiếu nữ dập dìu tới dự, áo quần tươm tất mặt mày tươi vui khiến tôi nghĩ rằng đây vừa là lễ Tạ Ơn cho mười năm đã qua vừa là Lễ Cầu An cho mười năm sẽ tới. Cỗ bàn dọn ra, ai có mặt cũng được mời ngồi và cầm đũa thọ trai, không phân biệt kẻ lớn người nhỏ kẻ sang người hèn. Y như trong những ngày lễ lớn làm chay ở chùa vậy.”

    Những vị tu sĩ “mặc áo vải thô vạt hồ màu xám có nhiều mụn vá nơi vai hoặc nơi cùi chỏ, mang guốc bằng gỗ cây sầu đông tự thầy đẽo lấy” cũng đều đã biệt tăm/biệt tích. Những người muôn năm cũ/ Hồn bây giờ ở đâu?

    Không có nhận xét nào