Header Ads

  • Breaking News

    Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần X

     https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/06/bia_nnctobv-3.jpg?w=189&h=300

    X- TRÊN ĐƯỜNG VỀ NAM

    Chiều ngày 11-1-1980, đội chúng tôi đang trên đường về trại sau giờ lao động khổ sai, thì có một cán bộ đi xe đạp từ phân trại A qua, đến gần chúng tôi và hỏi anh Đội trưởng:

    – Trong đội nầy có ai tên Trần Huỳnh Châu không?

    Đội trưởng Nguyễn Thành Danh trả lời có, và chỉ tôi. Tên cán bộ không nói gì, bảo để về trại sẽ hay. Tôi nghĩ chắc lại có gì rắc rối cho mình đây. 

    Đến cổng trại, trong khi các anh em khác vào trại, tôi được gọi riêng vào gặp cán bộ trực. Tên cán bộ trực hỏi tỉ mỉ về lý lịch của tôi, xong rồi bảo tôi về trại dọn gấp tất cả đồ đạc cá nhân để di chuyển ngay. Tôi bảo chưa ăn cơm chiều, tên cán bộ bảo lãnh phần cơm mang theo để tối ăn. 

    Tôi vào trại gấp rút dọn đồ đạc, chẳng hiểu vì sao phải di chuyển gấp như thế. Anh em tíu tít phụ giúp dọn đồ đạc cho nhanh, chào hỏi vắn tắt, chúc nhau may mắn. 

    Anh Tạo, trước là sinh viên Luật Khoa, Phong trào Quốc gia Cấp Tiến, đến nói nhỏ với tôi :

    – Có thể chúng thả anh đấy, nhưng vì anh thuộc thành phần bị coi là không tiến bộ trong trại nên chúng không công bố. 

    Trước đó đã có vài đợt về, mỗi đợt chừng bốn, năm người và chúng có tuyên bố là cho về. Nhưng chuyện tôi thì chúng chẳng nói năng gì cả. 

    Tôi hấp tấp mang đồ đạc ra cổng, chúng tháo tung tất cả đồ đạc ra kiểm soát rất kỹ. Rồi bảo tôi mang đồ đạc đi bộ sang phân trại A, có một cán bộ đi xe đạp, mang súng hướng dẫn. 

    Sang đến phân trại A thì đã tối, chúng mở cửa một phòng giam tống tôi vào đó. Vừa vào đến phòng giam tôi nghe có tiếng reo của nhiều người “A, Trần Huỳnh Châu”. Trong ánh đèn dầu lờ mờ, tôi nhận ra các anh Nguyễn Hữu Thới, Nguyễn Đình Xướng, Bùi Minh Châu, Bửu Nghi, Nguyễn Bá Quát v.v… Các anh vội lấy nước cho tôi rửa mặt mũi, rồi tôi lấy phần cơm mang từ phân trại C qua, các anh mỗi người đem cho một ít thức ăn, tôi vừa ăn vừa nói chuyện với các anh về tình hình phân trại C. 

    Tối hôm ấy tôi không ngủ được, suốt đêm băn khoăn không biết chúng nó đưa tôi sang đây để làm gì. 

    Sáng hôm sau, chúng gọi tôi lên Bộ Chỉ Huy. Một tên thiếu úy bắt tôi phải bỏ kính cận thị ra rồi mới bắt đầu nói chuyện. Tên nầy nói cả tiếng đồng hồ rồi mới tuyên bố trả tự do cho tôi. Tôi được trở về phòng giam lấy đồ đạc. Lúc ấy các anh trong phòng đã đi lao động cả, chỉ còn một anh trực ở nhà. Tôi nhờ gởi lời chào tất cả anh em, cho biết là tôi đã được thả, rồi mang đồ đạc lên văn phòng Bộ Chỉ Huy. 

    Chuyến ấy chúng tôi về có ba người: một anh bên Z6 (khu sĩ quan) là Thiếu tá Không quân Chữ Quán Anh, một anh bên khu tù địa phương Miền Bắc (anh này năm 1954 đưa vợ con vào Nam rồi trở ra Bắc hoạt động đến năm 1964 bị bắt về tội gián điệp), và tôi. Các đợt trước chúng có cho ăn một bữa thịt trước khi về, nhưng đợt của ba chúng tôi thì chỉ có bữa ăn sáng gồm cơm trắng với canh rau thôi. Mỗi người chúng tôi chỉ ăn được chén cơm nhỏ vì trong lòng quá bồn chồn. 

    Chúng cho xe chở chúng tôi về Thanh Hóa, có Công An đi theo ra đến ga xe lửa giữ chỗ lấy vé cho chúng tôi xong mới chia tay. 

    Trại có cấp cho mỗi người 50$ nhưng phải tự túc mua vé. Giá vé xe lửa Thanh Hóa về đến Sàigòn là 45$, chỉ có chỗ ngồi, không có giường nằm. Tiền lưu ký của chúng tôi được trả lại đủ, nhờ vậy tôi có 250$ trong túi, không ngại gì về chi phí ăn uống dọc đường . 

    Lấy vé xe lửa xong thì mới khoảng l1 giờ sáng mà đến 7 giờ tối xe lửa từ Hà Nội mới vào đến Thanh Hóa. Chúng tôi, vào một tiệm phở gần nhà ga xe lửa để thưởng thức lại món phở mà gần 5 năm qua chẳng bao giờ được nhìn thấy. 

    Tiệm phở là một tiệm quốc doanh. Phải mua vé trước rồi mới vào lấy phở. Muỗng, đũa, nước mắm, mình phải tự đi tìm lấy. Có ớt nhưng không có chanh. Ăn xong đi tìm tăm nhưng không có. Mỗi tô phở giá 2$ (800$ tiền cũ). Tô phở chẳng ra gì, nhưng sau mấy năm mới được ăn phở, bụng đang đói lại mừng được về, tôi làm một hơi hết ba tô. Hỏi tiệm có rượu không, họ lắc đầu. Tôi ra ngoài đường, đến một sập bán nuớc chè, kêu rượu. Tôi làm luôn hai ly rượu đế, kéo một hơi thuốc lào và thấy rằng dù sao thì được thả cũng khóai hơn là ở tù, tuy biết rằng mình vẫn còn như cá nằm trên thớt. 

    Chúng tôi trở lại nhà ga, nhờ anh bạn đồng hành giữ đồ đạc, còn tôi với Chữ Quán Anh thì đi một vòng xem thị xã Thanh Hóa. Thành phố gồm toàn những nhà cửa cũ kỹ, tiều tụy. Không có một tiệm ăn, tiệm buôn nào ra hồn. Dọc lề đường, chỉ có những quán bán nước chè. Đường sá trong thành phố không được tu bổ, hư hỏng nhiều. Có một rạp hát mới xây cất trông sang trọng nổi bật hẳn trong đám nhà cửa cũ kỹ. Chắc là rạp hát nầy cũng là nơi tổ chức các cuộc hội họp lớn trong tỉnh. Cộng sản thường chê các xã hội tư bản là có sự cách biệt giữa thành thị và thôn quê. Nay các nước Tây phương đã đem tiện nghi đến cho thôn quê. Ngược lại trong xã hội Cộng sản Bắc Việt thì có sự cách biệt ngay giữa thành thị. 

    Rạp hát mới xây ở Thanh Hóa đứng cô đơn, trơ trẻn trong một thị trấn nghèo nàn, cũng giống như đường dây điện cao thế giăng ở thôn quê đói rách. 

    Năm 1975, Miền Bắc chiếm Miền Nam luôn miệng chê Miền Nam là “phồn vinh giả tạo”. Nay tôi nhìn tận mắt thấy cái nghèo đói thực sự của Miền Bắc bên cạnh một vài công tác xây dựng có tính cách tuyên truyền nhưng chỉ có tác dụng làm nổi bật thêm sự nghèo đói thực sự của toàn dân. Nó còn tệ hại hơn là phồn vinh giả tao. Nó còn lố bịch hơn là “trưởng giả học làm sang”. Nó là một thứ chính quyền học làm sang trọng một xã hội đói rách. Đáng lẽ phải đặt ưu tiên làm sao cho dân chúng có nhà cửa khang trang trước, thì chế độ tự mệnh danh là “nhân dân” ấy để mặc cho dân chúng sống trong những ngôi nhà tiều tụy, để dồn tiền xây cất một vài công trình chỉ có tính cách chưng bảnh với người ta. 

    Trở lại nha ga xe lửa, chúng tôi thấy những người chờ xe nằm ngồi ngổn ngang trong ga và đầy cả sân ga. Chúng tôi hỏi thì mọi người cho biết rằng hầu như ngày nào cũng có người chờ xe như thế. Quang cảnh nhà ga trông lôi thôi như cảnh chạy loạn trong chiến tranh. Thế mà tình trạng lôi thôi như thế mọi người vẫn thấy là bình thường. Người dân ở Miền Bắc đã quá quen với cảnh chờ đợi, cảnh vác chiếu ra sân ga, ra bến xe nằm chờ chực nên chẳng ai thắc mắc nữa. 

    Khoảng bảy giờ rưỡi tối, xe lửa đến. Đây là chuyến tàu Thống Nhất. Chúng tôi lên xe tối 12-1, theo chương trình thì sẽ đến Sàigòn sáng 15-1. Toa xe lửa của một nước Đông Âu đóng, trông cũng được. Chúng tôi lấy chỗ ngồi. Khi xe huýt còi chạy, chúng tôi nhìn nhau, cảm động bảo nhau “chúng ta thực sự bắt đầu đi về Sàigòn rồi đây”. 

    Sáng hôm sau xe đến Đồng Hới. Chúng tôi thấy xe ngừng lâu, xuống kiếm cháo ăn sáng rồi hỏi những người bán hàng mới biết là ga Đồng Hới. Không còn nhà ga. Chỉ là một bãi đất trống. Những người bán thức ăn đều ngồi dưới đất. 

    Gần trưa thì xe qua cầu sông Bến Hải. Khoảng ba giờ chiều, xe đến Huế. Khi xe sắp qua cầu Bạch Hổ, chúng tôi đứng sẵn ở cửa toa xe, chuẩn bị nhìn lại thành phố Huế. Xe qua cầu, chúng tôi nhìn thấy chiếc cầu xây sau Tết Mậu Thân bắc qua sông Hương ngang chỗ Phu Văn Lâu, xa nữa là cầu Trường Tiền. Dòng sông Hương vẫn êm đềm chảy, thành phố vẫn là thành phố Huế, nhưng trên cột cờ Phu Văn Lâu lại có lá cờ đỏ sao vàng, trông thật đáng giận. 

    Xe đến ga Huế, chúng tôi nhảy xuống định tìm một tô bún bò giò heo gần 5 năm mong nhớ mà không thấy gánh bún nào trông được cả. 

    Buổi trưa chúng tôi đã ăn một dĩa cơm ở toa hàng ăn. Cách phục vụ của toa hàng ăn thật là buồn cười. Trông bề ngoài, thấy toa hàng ăn cũng được lắm. Nhưng mới đến chín giờ sáng, toa hàng ăn hãy còn khóa cửa, không ai vào được. Trong đêm, tôi cứ mong trời sáng để lên toa hàng ăn ngồi uống một cốc cà-phê. Hồi trước tôi hay đi xe lửa Sàigòn – Nha Trang- Đà Nẵng trong những năm xe lửa còn chạy được. Điều thích thú nhất của tôi khi đi xe lửa là sáng sớm lên toa hàng ăn ngồi uống cà-phê nhìn ra phong cảnh bên ngoài. Tôi vẫn tưởng toa hàng ăn cũng kiểu như ngày xưa, không ngờ buổi sáng lên xuống mấy lần cửa toa vẫn khóa kín. Hỏi ra mới biết rằng toa hàng ăn chỉ bán buổi trưa và chiều, đến tối thì nhân viên toa hàng ăn khóa cửa để ở riêng với nhau trong toa. ngủ cho đến sáng, mới tà tà thức dậy nấu cơm rồi đến trưa mới bán. Khoảng 10 giờ, nhân viên toa hàng ăn mới đi các toa, bán vé ăn cơm trưa. Muốn ăn phải mua vé trước. Mỗi vé là một đĩa cơm. Tuy mua vé rồi, nếu đến chậm vẫn có thể hết cơm. Có vé trong tay rồi mới lên toa hàng ăn xếp hàng để đợi lãnh dĩa cơm của mình. Lãnh xong lại ra tự đi kiếm muỗng đũa và nước mắm. Ăn hết đĩa cơm mới thấy rằng phải ăn ba đĩa mới no. Nhưng toa hàng ăn đã hết cơm. Chẳng phải là vì khách ăn đông đâu. Những người thường đi xe lửa họ chỉ chờ đến các ga xuống mua thức ăn chứ chẳng mấy ai ăn ở toa hàng ăn. Nhưng cơm đã hết vì nhân viên toa hàng ăn chỉ nấu rất ít. Họ làm cho nhà nước mà. Toa hàng ăn là một thứ của hàng quốc doanh. Khi xếp hàng lãnh dĩa cơm, tôi thoáng nghe có người nói “xã hội chủ nghĩa xếp hàng cả ngày”.

    Xe rời ga Huế, đến Phú Bài, tôi thấy phi trường Phú Bài trống trải, vắng lặng. Vào đến Đà Nẵng thì trời đã tối. Chúng tôi xuống ga Đà Nẵng kiếm cơm ăn. Cửa hàng quốc doanh tại ga Đà Nẵng lại còn phải xếp hàng, chen lấn vất vã hơn trên toa hàng ăn nữa. Tôi đứng ở sân ga Đà Nẵng, không nhìn thấy một người nào quen, dù Quảng Nam Đà Nẵng là quê hương tôi. 

    Sáng hôm sau, xe đến Diêu Trì. Chúng tôi nhảy xuống, ngồi dưới đất ăn cháo của mấy bà bán hàng rong, đỡ phải xếp hàng. 

    Khi xe đến Đèo Cả, sắp vào hầm, tôi nhìn thấy Hòn Vọng Phu trên núi. Tôi sực nhớ đến bức thư của vợ tối viết sau khi thăm tôi ở Thanh Hóa về, hồi tháng bảy năm 1979: 

    “Em đi trên xe lửa, nhìn thấy Hòn Vọng Phu gục đầu hướng về phương Bắc trông chồng, lòng nao nao muốn khóc. Nhưng em không cúi đầu như người vọng phu hóa đá. Em vẫn ngẩng cao đầu…” 

    Tôi nghĩ đến những vất vả nhọc nhằn cả vật chất lẫn tinh thần mà vợ tôi phải chịu đựng trong gần 5 năm, suốt thời gian tôi ở tù. Sau công ơn của Đấng Sinh Thành, là công ơn của vợ. Tôi còn sống được mà về như thế nầy là nhờ vợ. Không có thức ăn và thuốc men của vợ gởi ra thì tôi đã bỏ xác ở Quảng Ninh hoặc Thanh Hoá rồi. Vợ tôi vẫn ngẩng cao đầu dù tôi đang ở tù. Ngẩng cao đầu vì chẳng có gì phải xấu hổ dù tuyên truyền Cộng sản có gọi chúng tôi là “ngụy”. Ngẩng cao đầu vì dân chúng vẫn thương mến gia đình những người chế độ cũ. Ngẩng cao đầu để đủ sức chạy ngược chạy xuôi nuôi con, nuôi chồng và giúp đỡ cả bà con họ hàng hai bên. Ngẩng cao đầu để chống đỡ áp lực bắt đi vùng kinh tế mới. Tuy ngẩng cao đầu như vậy, vợ tôi đã phải khóc nhiều lần, đứa em tôi đã cho tôi biết như thế, vì nhiều lúc quá cơ cực đắng cay. Nay tôi trở về, chẳng có cái vinh quang của người chinh phu về, chỉ có sự vui mừng lúc đoàn tụ, nhưng là sự vui mừng rất hạn chế trong khi thân mình, dân tộc mình còn sống dưới ách Cộng sản. 

    Xe lửa đến Nha Trang vào khoảng hai giờ chiều. 

    Tôi đã sống ở Nha Trang từ năm 1953 đến 1956, khi còn là một học sinh trường Trung Học Võ Tánh, Nha,Trang, thành phố xinh đẹp với những kỷ niệm buổi thiếu thời.. Tôi bước xuống sân ga, và cũng như ở Đà Nẵng, không nhìn thấy một người nào quen cả. Những người bạn cũ của tôi đâu cả rồi… Quả là chế độ Cộng sản đã thay đổi hẳn lớp người. Tôi nhìn lên nhà thờ Nha Trang. Ngôi nhà thờ vẫn đó, kỷ niệm đêm Noël 1955 vẫn còn bồi hồi trong lòng tôi, nhưng những người chung quanh tôi ở sân ga Nha Trang nay toàn là người lạ. 

    Xe rời ga Nha Trang, tôi mở cửa sổ nhìn ra ngoài và suýt nữa bị một viên đá ném vào người. Đây là một hiện tượng kỳ lạ: xe lửa bị ném đá. Không phải chỉ ở Nha Trang. Xe đã bị ném đá nhiều lần ở các tỉnh Miền Bắc lẫn Miền Nam, và nhân viên Cục Đường Sắt đã quen thuôc với việc nầy nên thưòng xuyên nhắc nhở hành khách phải đóng cửa sổ lại, và đóng bằng cửa gỗ chứ không phải cửa kính, để đá khỏi bị ném vào toa xe hoặc làm vỡ cửa kính. Trẻ con đứng dọc theo đường xe lửa vừa reo hò vừa ném đá, sự việc diễn ra nhiều lần trong thời gian lâu rồi mà không thấy chính quyền giải quyết gì cả. 

    Tại các nước tự do, người ta có tự do chê bai Tông thống, chê bai chế độ, nhưng người ta giữ rất kỹ kỷ luật đi đường, kỷ luật làm việc. Còn trong chế độ Cộng sản Việt Nam, người ta chỉ giữ rất kỹ việc hoan hô Bác và Đảng, còn trẻ con ném đá lên xe lửa dường như là việc không đáng chú ý. Khi về đến Sàigòn , tôi nghe có người nói rằng việc ném đá này bắt nguồn từ khi khánh thành việc tái lập đường sắt Bắc Nam nhân dịp Đại Hội Đảng Kỳ IV. Các đoàn xe lửa đã cắm cờ đỏ sao vàng, trên xe toàn là cán bộ đội nón cối nên các trẻ em không ưa, rủ nhau ném đá, thành thói quen ném đá mãi đến bây giờ, và lại phát triển ra cả các tỉnh Miền Bắc nữa. 

    Khoảng ba, bốn giờ khuya thì xe đến Rừng Lá, khi xe đi lên một đoạn đường dốc, tôi thấy một đám người rất đông đang làm củi trong rừng. Lợi dụng xe lên dốc chạy chậm, họ nhảy lên xe giật đồ đạc của hành khách, vừa giật vừa cười đùa với nhau. Trong khi đó, một nhóm người quăng củi lên các toa khác để chở về Sàigòn, chắc là chở lậu về. Thế mà nhân viên Cục Đường Sắt vẫn ngồi nói chuyện với nhau như thường. Về sau tôi mới biết chuyện xảy ra rất thường, chuyến xe nào cũng vậy, chẳng có gì lạ cả. Chuyến tàu Thống Nhất thế nầy còn là khá. Các chuyến tàu chợ, chạy đoạn đường ngắn, bọn cướp giật còn lên các toa xe soát xét, rờ rẫm từng người, kể cả đàn bà con gái. Nhân viên Công An Cộng sản thật đông nhưng chúng chỉ để ý đến việc đàn áp chính trị, còn các tệ nạn xã hội thì chúng giải quyết rất kém. 

    Từ Long Khánh trở đi, đầu máy xe lửa bị hư, xe chạy rất chậm, mỗi khi lên dốc chạy không nổi. Vì vậy đáng lẽ xe đến ga Bình Triệu lúc sáng sớm thì mãi trưa mới đến. Lúc xe chạy ngang vùng Suối Lồ Ồ tôi nhìn thấy Nghĩa trang Quân Đội, và ngậm ngùi cho những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hy sinh vì Tổ Quốc. Ga Bình Triệu không có xây cất gì, quang cảnh lôi thôi, dơ bẩn, trông rất là tạm bợ. 

    Khi về đến nhà, tôi định dành cho vợ tôi sự ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, nhưng không được. Tôi vừa bước xuống xe, cả xóm đã reo ầm lên. Mọi người đổ xô đến hỏi thăm tíu tít, kêu cửa nhà tôi rầm lên. Hàng xóm láng giềng vẫn là của tôi, nhân dân vẫn là của ta. Cảm tình nồng nhiệt của đồng bào , vẫn dành cho những người chế độ cũ, dù rằng chế độ cũ trước đây có rất nhiều khuyết điểm. 

    Sàigòn bây giờ đầy những trụ sở Công An. Mỗi phường có một trụ sở Công An. Số phường nay nhiều hơn trước, vì Cộng sản chia một phường cũ thành nhiều phường để việc kiểm soát được chặt chẽ. Tất cả các cây xăng đều đóng cửa nhưng xăng lậu bán từng chai, góc đường nào cũng có. Sự lưu thông trong thành phố còn có được là nhờ xăng lậu, xăng ăn cắp. Mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, làm một vòng các đường phố, thấy dân đi vùng kinh tế mới bỏ trốn về Sàigòn , không có nhà ở (vì nhà cũ đã bị tịch thu) nằm la liệt trên các lề đường. Tôi ước tính có khoảng 100,000 người sống trên lề đường kiểu này. 

    Đề tài hàng ngày của mọi người là đánh số đề và vượt biên. Dân chúng Sàigòn chửi Cộng sản mạnh bạo hơn là sự tưởng tượng của chúng tôi trong tù. Người ta kể chuyện ở những vùng mật khu của Cộng sản ngày trước, vùng “thành đồng đất thép” của chúng, những “bà mẹ chiến sĩ” ngày nay tâm sự với nhau: “trước kia chúng nó núp dưới hầm bí mật, mình giả vờ làm bụng có chửa để đem thức ăn, đem tài liệu về cho chúng. Bây giờ có chính quyền rồi chúng bóc lột dân như thế, kìm kẹp dân như thế, mong sao cho Việt Nam Cộng Hòa trở lại, chúng mà núp dưới hầm bí mật thì mình nấu nước sôi mà đổ vào hầm.”

    Lòng dân như thế nhưng không thấy có người nào, có tổ chức nào lãnh đạo chống Cộng. Đành phải tính chuyện vượt biên, dù biết rằng vượt biên rất nguy hiểm, và có may mắn đến được bến bờ Tự Do thì cũng sẽ còn nhiều vấn đề, còn nhiều ưu tư. 

    Sau gần 5 năm ở tù, về ở Sàigòn được 3 tháng, tôi lại lên đường. 

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06


    Không có nhận xét nào