III – ĐÓI
Cái làm chúng tôi khổ cực nhất trong thời gian ở tù là ĐÓI. Đói triền miên. Đói ngày đói đêm. Đói sáng đói chiều. Đói ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Ăn xong bữa ăn, chúng tôi ngẫm nghĩ không biết đã ăn chưa. Nếu chưa ăn sao mình lại rửa chén. Nếu ăn rồi sao bụng vẫn đói thế này.
QUY CHẾ
Theo quy chế, mỗi đầu người chúng tôi được hưởng khẩu phần là 15 ký gạo. Tiền mỗi tháng là 15$ cho lương thực và thực phẩm (tức là gạo cấp phát sẽ tính thành tiền để trừ vào số 15$ nầy). Ngoài ra, mỗi tháng mỗi người còn có 3$ để mua những thứ lặt vặt như khăn mặt, bản chải răng, xà-phòng, kem đánh răng, thuốc lá v.v…
Cộng sản phân biệt hai chữ Lương Thực và Thực Phẩm : Lương thực là thức ăn chính để ăn cho no (chất bột) như gạo, bắp, khoai, sắn, mạch. Còn thực phẩm là thức ăn trong bữa cơm như thịt, cá, rau…Rau cũng được phân biệt rau thường (như rau muống, rau dền…) và rau cao cấp (như cải bắp, su hào…). Khi ăn độn, các loại lương thực nhu bắp, sắn, khoai, mạch, bột mì…đều được quy ra gạo theo những tiêu chuẩn định sẵn. Lâu quá, nay tôi không còn nhớ rõ các tiêu chuẩn nầy. Trước kia, tôi có ghi chép cả, nhất là trong cuộc đấu tranh cuối năm 1978, nhưng sau đó, các tài liệu đã bị tịch thu, và khi về thì tất cả các tài liệu ghi chép và sách in đều bị tịch thu cả, nên nay không còn nhớ chi tiết. Đại khái, bột mì và mạch chỉ được tính ngang với gạo. Sắn thì theo tiêu chuẩn 1 gạo 3 sắn. Ví dụ, mỗi ngày ăn 500g gạo, nếu hôm nào ăn sắn (khoai mì) thì ăn 1,500g sắn. Nhưng vào chi tiết thì còn nhiều rắc rối. Trong cuộc đấu tranh về vấn đề lương thực tại phân trại B, trại số 5 Thanh Hoá, chúng tôi phải đặt nhiều vấn đề (sẽ nói rõ trong mục nói về cuộc đấu tranh này). Chẳng hạn 1,500g sắn nhưng là sắn như thế nào. Ban đầu chúng cân cả những khúc sắn đã thành rễ , toàn là xơ cứng không thể nào ăn được, và cân xong mới lột vỏ . Ai cũng biết vỏ sắn dầy như thế nào và lột xong thì hao như thế nào. Mức độ nở của gạo khi nấu thành cơm là 2,2 đến 2,5. Nấu hấp kiểu cơm thố có thể lên tới 2,7 (tính trọng lượng, ví dụ nấu 200g gạo thì được 440g đến 500g cơm). Khoai sắn nấu không nở, và chất bổ kém, nên phải tính 1 gạo 3 sắn là vì thế. Hồi mới vào tù, chúng tôi chẳng bao giờ biết đến những con số nầy. Dân miền Nam ra miền Bắc, nghe nói chế độ 13 kí, 15 kí, 18 kí, chẳng biết là thế nào. Ở trong Nam có ai để ý là mỗi tháng đã ăn bao nhiêu ký đâu. Trong gia đình, đến bữa ăn cứ xúc gạo nấu, ăn no thì thôi, chứ có ai để ý gạo nở bao nhiệu, mỗi tháng bao nhiêu kí. Nhưng ra đến ngoài Bắc, trong thời gian đói khổ, ai cũng phải tính toán trong đầu từng hột cơm, từng hột gạo. Toán làm bếp cân đi cân lại để gạo theo nhà nước ấn định là như thế nào. Nhưng đó chỉ là quy chế. Phải nắm quy chế mới có thể đặt vấn đề với cán bộ. Quy chế đã chẳng khá gì, thực tế lại còn thê thảm hơn nhiều.
LƯƠNG THỰC
Trong khi các nước đều đã tiến đến chỗ ăn thịt, cá, rau và chỉ ăn rất ít chất bột như cơm, bánh mì, thì Cộng sản Việt Nam vẫn không giải quyết nổi vấn đề gạo, dù phải dùng cả sắn, khoai, bắp để quy ra gạo.
Trên nguyên tắc, chúng ấn định cho chúng tôi khẩu phần là 15 ký mỗi tháng. Với những người ăn uống đầy đủ hàng ngày có thịt, cá, có bơ sữa, thì 15 ký mỗi tháng thường là đủ rồi. Nhưng với chúng tôi thì khác. Có lúc chúng tôi chỉ ăn sắn với muối. Thông thường thì ăn sắn hoặc mạch với một chén canh nhỏ, canh rau nấu với muối. Bột ngọt cũng không có mà bỏ vào canh – cán bộ Cộng sản cho biết bột ngọt, mà chúng goi là mì chính, là tiêu chuẩn “bồi dưỡng” rồi đấy -, không dám nói đến tôm, cá, thịt. Ăn như vậy, mà đị làm lao động nặng, thì 15 ký mỗi người chẳng thấm vào đâu. Mà nào có phải 15 kí! và nào có phải là gạo!
Thỉnh thoảng có một bữa cơm. Trong cuộc đấu tranh năm 1978, chúng tôi đem xuống bếp cân thử lại cơm thì tính ra mỗi người, một bữa ăn chính chỉ được từ 350g đến 400g cơm. Mỗi ngày hai bữa ăn chính là 800g. Phần ăn sáng, nếu là ăn cơm, chỉ được nửa chén cơm nhỏ mỗi người, tính ra chỉ độ 50g đến 100g cơm. Trung bình mỗi ngày, nếu là ăn cơm, chúng tôi chỉ được chừng 800g hay khá lắm là 900g cơm, tức là tương ứng với chừng 350g đến 400g gạo. Như vậy tính ra chúng tôi chỉ được ăn khoảng từ 10 đến 12 ký gạo mỗi tháng chứ chẳng bao giờ đủ 15 ký cả.
Nhưng đây, vẫn còn là những tính toán có tính cách lý thuyết. Thực tế thì có mấy khi chúng tôi được ăn cơm đâu. Thời gian ở trại Quảng Ninh, chúng tôi được phát mỗi ngay hai bữa (không có ăn sáng), thường là bánh mì. Trại Quảng Ninh gần Hòn Gay là khu kỹ nghệ, được ưu tiên tiếp tế. Và năm ’77, ’78 các nước tự do có giúp đỡ nhiều bột mì, nên chúng tôi thường được ăn bột mì. Chúng tôi không biết mỗi chiếc bánh được làm bằng bao nhiêu grammes bột mì, nhung chúng tôi thấy là bữa chúng tôi phải ăn có ba cái bánh mới no được, trong khi chỉ được phát một cái.
Lúc đầu, trại Quảng Ninh có lò nướng bánh mì nên chúng tôi được ăn bánh mì nướng. Đến cuối năm 1977, lò nướng bánh mì bị hư, nên chỉ làm bánh bao hấp mà thôi (dĩ nhiên là bánh bao không có nhân). Mùa hè năm ’77 ở Quảng Ninh chúng tôi đã thấy là đói lắm rồi, và ai cũng sút ký ghê gớm. Trước khi đi ở tù, tôi cân được 66 ký lô, đến mùa hè năm ’77 ở Quảng Ninh, tôi chỉ còn 45 kí. Vậy mà khi đến vào Thanh Hóa, chúng tôi thấy trại Quảng Ninh hãy còn khá lắm. Trại số 5 Thanh Hóa mới là tồi tệ. Mùa đông năm 78 tại Thanh Hoá, tôi chỉ còn 40 kí. Ngay hồi ở Quảng Ninh, nhờ đợt tiếp tế nhân dịp 2-9-77, chúng cho gia đình chúng tôi gởi quà ra khá nhiều, phần đông nhận được từ 30 đến 50 ký thức ăn khô nên mới gượng lại được qua năm 78. Nếu không có đợt tiếp tế đó thì một số lớn chúng tôi đã qụy ngay từ cuối năm ’77 tại Quảng Ninh.
Tháng 8 năm 78, sợ Trung Cộng tấn công mà Quảng Ninh là tỉnh biên giới, chúng cho chúng tội vào Thanh Hoá. Mùa đông năm ’78 là thời kỳ đói nhất của chúng tôi. Phân trại B trại số 5 Thanh Hoá là nơi đểu cáng nhất trong vấn đề lương thực. Mấy tháng đầu, còn một ít bột mì, chúng phát cho chúng tôi cục bột luộc. Không có men dậy bột, toán làm bếp chỉ nhồi bột rồi bỏ vào chảo nước sôi mà luộc. Mỗi bữa chúng tôi nhận được cục bột luộc bằng nửa bàn tay, bề dày khoảng hai phân. Đây là khẩu phần bữa ăn chính, ăn để đi làm lao động đấy! Bột mì luộc ăn rất đói nhưng chất bổ còn khá. Hai thứ đáng sợ là sắn (khoai mì) và mạch.
Mạch là một loại hạt trông giống như bo bo, nhưng thực ra không phải bo bo. Có lẽ ở ngoại quốc người ta dùng cho ngựa ăn. Ở phân tại B trại số 5, mạch không sẩy ra, cứ để nguyên vỏ thế mà nấu. Mấy năm trong tù ăn uống thiếu thốn lại không hề được chữa răng, phần lớn đau răng cả, đến bữa cơm ngồi vừa nhai mạch vừa khóc. Mạch nấu cả vỏ cứng quá, không nhai thì không nuốt được, nhai thì đau răng đau nướu không chịu nổi. Dù có nhai kỷ, ăn vào bao nhiêu cũng đi tiêu cả ra bấy nhiêu, vì toàn là chất bã. Có lẽ dạ dày ngựa thì nó tiêu hóa nổi còn dạ dày người, ăn vào bao nhiêu nó tụt đi cả bấy nhiêu. Đi tiêu rất khoái, rất là thông suốt. Nhưng tiêu xong, trong bụng không còn một chút hơi, người không còn khí lực. Ăn mạch, chúng tôi vẫn nói với nhau “thức ăn dành cho súc vật, chúng đem cho mình ăn mà cho ăn đói chứ có phải đủ no đâu.”
Sắn thì ăn vừa đói vừa nặng bụng. Vẫn chẳng bao gìờ đủ no. Bữa ăn chính, đem chia ra mỗi người được vài khúc sắn. Có lúc chúng bắt nấu cả vỏ. Vỏ sắn có chất độc, ông bà tổ tiên chúng ta đã biết từ xưa, nên mỗi lần luộc sắn, ông bà chúng ta đều lột sạch vỏ sắn, có khi còn đem ngâm nước mấy tiếng đồng hồ rồi mới đem luộc. Còn bây giờ, với đám Cộng sản mà miệng vẫn nói “cuộc cách mạng kỷ thuật là then chốt” thì chúng để nguyên vỏ sắn mà luộc, luộc xong nước đỏ lòm, nhiều người đói quá ăn luôn cả vỏ, bị ngộ độc, ói mửa tiêu chảy tùm lum. Chúng tôi kêu ca thì chúng cho lột vỏ mới luộc, nhưng là lột vỏ sau khi cân, nên khẩu phần của chúng tôi lại càng thê thảm.
Mùa thu hoạch sắn, để sắn lâu thì bị hư, nên chúng bắt chúng tôi ăn sắn dài dài. Mùa đông ’78 ở phân trại B trại số 5 Thanh Hóa, thường chúng tôi phải ăn toàn sắn, một tuần chỉ chen vào chừng hai bữa mạch, có khi mười ngày, nửa tháng mới có một bát cơm hoặc bắp.
Lối ăn độn trong trại giam, không phải là nấu cơm trộn với bắp hay trộn với sắn đâu. Sắn cứ luộc nguyên củ rồi đem cả giỏ lên cho từng đội chúng tôi chia nhau. Bữa nào ăn sắn là toàn sắn, ăn mạch là toàn mạch, ăn bắp là toàn bắp. Lâu lắm mới có một bữa cơm, xúc muỗng cơm cho vào miệng, chưa kịp nhai thì như cơm bị dạ dày ở dưới vốn đói quá, hút tụt xuống cổ họng ngay. Muốn kéo dài bữa cơm, để kéo dài sự sung sướng, mà không kéo dài nổi. Chưa gì đã thấy hết cơm rồi. Và anh em lại bảo nhau: ‘‘Sao dường như cơm nó đi đâu mất rồi, nó không ghé lại dạ dày lâu lâu một chút cho mình có cảm tưởng no. Dường như vừa vào miệng nó đã tụt xuống dạ dày, vừa đến dạ dày, nó lại tan biến đi đâu mất.”
Chỉ có sắn là có vẻ ghé lại trong ruột khá lâu.
Ăn sắn cả tuần, dạ dày tuy vẫn đói mà ruột thì lại cứ nằng nặng, trì trì. Đi tiêu xong, thấy ruột vẫn cứ nằng nặng. Nhưng vẫn đói và vẫn mong phát sắn nhiều một chút – đàng nào cũng phải ăn sắn thì vẫn mong cho có sắn đủ no -, nhưng vẫn không bao giờ được phát nhiều, không bao giờ được ăn no, trừ ra ba bữa Tết. Ôi, sao một năm lại chỉ có một lần Tết. Mà Tết Cộng sản nó chỉ cho ăn đến mùng hai thôi. Mùng ba lại phải lao động, và ăn bình thường, nghĩa là ăn đói rồi!
HỤI CƠM, HỤI SẮN
Đói quá, chúng tôi cứ loay hoay tính toán cách ăn. Ông bà ta có nói ”khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Vậy phải tìm cách ăn thế nào cho “khéo”.
Ở Quảng Ninh, chúng phát hai bữa ăn, có người chia làm bốn bữa. Hai cái bánh mì, mỗi lần chỉ ăn nửa cái thôi. Nửa cái lúc sáng thức dậy, nửa cái buổi trưa, nửa cái buổi chiều, nửa cái trước khi đi ngủ. Trước khi đi ngủ, ăn nửa cái bánh mì là để cho bụng đỡ cồn cào, dễ ngủ. Nhưng rồi thấy không ổn, vì lúc ăn đã chẳng ra gì mà rồi lúc nào cũng đói. Bèn thay đổi cách ăn. Mỗi bữa ăn, ăn ba phần tư cái bánh mì. Góp lại hai cái một phần tư mỗi bữa. Thì có được nửa cái bánh mì ăn sáng. Ăn kiểu nầy thì tối đi ngủ rất khó vì chưa ngủ được bụng đã đói cồn cào, nằm trăn trở tưởng tượng củ sắn củ khoai mà thở dài.
Lại có người chủ trương nó phát lúc nào ăn lúc ấy. Đại diện cho môn phái nầy là anh Trạng Khanh Hưng, trước là Trung tá. Anh Hưng chủ trương rằng lúc nào cũng đói thì bất cứ lúc nào nó phát cái gì là cho hết vào bụng ngay, càng sớm càng tốt, không cần tính toán gì cả. Vì thế khi nó phát canh trước thì anh cầm chén canh húp luôn, hết sạch. Rồi đến khi phát bánh mì, hay cơm, hay mạch, anh chỉ ăn trơn như thế. Anh bảo một chén canh tí-tẻo như thế thì ra cái gì mà đợi ăn với bánh mì. Cứ húp luôn cho nó tiện việc. Đói thế này thì cơm lạt ăn mấy tô cũng hết, cần gì thức ăn. Ăn kiểu này khỏi phải cất để dành nhưng buổi sáng rất đói. Nhất là sáng mùa đông xứ Bắc, trời rét căm căm, thức dậy không ăn sáng đi chân đất làm lao động cho tới trưa. Đó là ở trại Quảng Ninh.
Trại Thanh Hóa thì có phát ăn sáng nhưng lại trừ vào phần ăn trưa và ăn tối.
Rốt cuộc ăn kiểu nào cũng đói. Hôm nay đói, ngày mai cũng đói. Tháng giêng đói, tháng hai cũng đói. Năm ’77 đói, ’78 cũng đói. Chao ôi, đói liên miên như thế mới có thể biết được cái đói nó khổ sở như thế nào, nó dằn vặt con người như thế nào.
Chúng tôi lại “phát huy sáng kiến” về cách ăn. Chúng tôi bày ra trò hụi cơm, hụi sắn. Thời gian sau đợt đấu tranh tại trại số 5 Thanh Hóa, sang đầu năm ’79, có lúc chúng cho ăn liên tiếp được hai tuần lễ cơm trắng, buổi sáng ăn sắn. Tuy khẩu phần không gia tăng, nhưng được ăn cơm liên tiếp hai tuần là chuyện hi hữu ắm. Khẩu phần không gia tăng nên chúng tôi vẫn đói. Để đánh lừa dạ dày, chúng tôi chơi hụi cơm, hụi sắn.
Nhóm ăn của chúng tôi có năm người. Mỗi bữa, mỗi người xúc một muỗng cơm trong phần cơm của mình để sang phần cơm của người “hốt hụi”. Mỗi bữa có bốn người bớt chút cơm nhưng có một người thêm đưoc bốn muỗng cơm. Chao ôi bốn muỗng, nhìn ca cơm đầy hơn mỗi ngày, trong lòng sung sướng làm sao! Nhưng bữa khác lại phải trả nợ.
Còn hụi sắn thì thường chơi trong vòng ba người thôi. Một hụi gồm những người láng giềng, nằm kế tôi là nhóm ba người gồm Nguyễn Xuân Liêm (trước từng làm Tổng Giám đốc Công vụ), Trần Ngọc Diên (trước là Sứ thần Ngoại giao ở Washington D.C.), và Khổng Vĩnh Thành (trước là Chủ Tịch Hội đồng Thị xã Đà Lạt). Mỗi người luân phiên nhịn hai bữa sáng thì có một bữa sáng “huy hoàng” ăn cả ba phần. Bữa sáng có ba phần sắn tuy không no, nhung thế cũng sung sướng lắm rồi. Nhưng hai bữa sáng kia thì nằm co nhịn đói, uống nước lã.
Chao ơi, ông bà ta nói “khéo ăn thì no” mà sao sống với Cộng sản, tính toán trăm phương nghìn cách để thực hiện chữ “‘khéo ăn” vẫn cứ đói. Ông bà ta hồi trưóc có ngờ đâu Cộng sản nó lại ấn định khẩu phần ăn tồi tệ đến thế. Ngày xưa, tuy kinh tế còn lạc hậu, ông bà ta dù có thiếu thốn cũng có thể “khéo ăn thì no”. Đến khi cái thứ Cộng sản nắm chính quyền, miệng nói giải phóng, nói sản xuất, nói tiến bộ, nói của cải dư dùng, mà sao, phải ăn thức ăn của súc vật mà vẫn thiếu, và thiếu quá, thiếu đến nổi chúng tôi có tính toán cách ăn như thế nào thì chung quy vẫn đói, đói triền miên, đói kinh hoàng, nếu không có gia đình gởi thêm thực phẩm thì chắc chắn hầu hết chúng tôi đã gục ngã trong cái trại khổ sai Miền Bắc rồi.
THỰC PHẨM
Tôi dùng chữ thực phẩm theo nghĩa Cộng sản dùng, tức là những thức ăn để ăn với cơm (hay với sắn, mạch, bánh mì…)
Tùy theo mùa rau, có rau gì ăn rau nấy. Mùa hè ăn rau muống, mùa đông ăn rau cải. Khi thiếu hụt thì ăn muối. Canh sắn, canh khoai lang được coi như “huy hoàng” lắm, vì có tác dụng đỡ đói một chút. Canh toàn rau với muối. Sáng rau muống nước muối, chiều nước muối rau muống.
Rau là của tù nhân trồng. Thu hoạch rau đem về nhà bếp, đem cân rồi tính thành tiền.Tiền ấy là gì? Đó là tiền 15$ hằng tháng của mỗi tù nhân, dùng để trả tiền rau đó. Cho nên nhà nước Cộng sản , tiếng là quy định mỗi tháng chi tiêu cho một tù nhân 15$, nhưng không phải chi tiêu gì. Tiền đó để mua rau, mua sắn. Mà rau, sắn, cả lúa gạo nữa, cũng đều do tù nhân trồng trọt làm ra. Ngoài ra tù nhân lại còn đập đá, sản xuất đá dăm, đá ong, đục gạch, làm lò rèn v.v… Tiền bán những thứ nầy được bao nhiêu, không tên tù nào được biết. Trước kia ngay cả số tiền 15$ hằng tháng, chúng tôi cũng đâu có biết. Đấu tranh, hỏi mãi mới được “bật mí” ra. Thì hóa ra, tiền 15$ chỉ là động tác kế toán mà thôi, chứ không phải nhà nước chi tiêu cho tù nhân. Hơn nữa, nó lại có tác dụng có giới hạn số lượng thực phẩm. Có lúc mấy đội trồng rau trồng có kết quả nhiều, thì trái lại, gọi người ngoài, gọi các đơn vị quân đội đến, bán bớt đi. Cán bộ giải thích rằng tiêu chuẩn chỉ có 15$ mỗi tháng không đủ tiền mua hết số rau về nhà bếp. Ấy thế, mình sản xuất ra là sản xuất cho nhà nước, còn tiêu chuẩn ăn do nhà nước ấn định là việc khác.
Ăn thì vẫn đói, sản xuất thì phải cho nhiều để ban Giám thị tổng kết, báo cáo lên Cục Trại Giam rằng trại đã làm lợi cho nhà nước bao nhiêu tiền. Một mặt thì nhà nước vẫn kể công rằng phải chi cho mỗi người một tháng 15$! Ơn Bác ơn Đảng mới có mà ăn đấy! Đảng cho ăn mức nào thì ăn mức ấy, chỉ có thể sụt xuống, chứ không thể tăng lên. Khi nào thiếu rau, ăn muối, thì bảo là “tại các anh lao động kém, không đủ rau”. Nhưng khi sản xuất nhiều thì nhà nước đem bán đi, vì “không thể ăn quá tiêu chuẩn được”. Mà tiêu chuẩn có phải nhiều nhặng gì cho cam. Mỗi người chỉ có một chén canh rau với muối.
Thế mà đói quá, ăn chén canh rau với muối cũng thấy ngon lạ lùng. Ỏ nhà, nếu vợ nấu canh rau muống bỏ muối thôi, không có chút bột ngọt, không có chút thịt cá, và ăn với khoai mì, thì chắc người chồng nào cũng cự nự vợ. Trước ngày sụp đổ 30-4-75, chỗ góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ, Sàigòn , có người bán khoai mì hấp, rắc dừa, lá dứa thơm phức, mua 50$ (tiền cũ) về ăn no không hết, mà có ai mua đâu. Nay đi ở tù xứ Bắc Việt, Cộng sản nó cho ăn canh rau nấu muối, ăn với khoai mì, mà sao ngồi ăn thấy ngon đến mê mẩn. Ăn cái gì cũng ngon, chỉ có thiếu lượng chứ không ai cần đến phẩm chất. Đọc sách báo của Cộng sản , chúng luôn luôn tự đề cao, rằng chế độ xã hội chủ nghĩa là ưu việt, là hơn hẳn. Quá đúng, chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Mác Xít – Lê Nin Nít, ăn khoai sắn mới thấy ngon đến thế. Khoai lang, khoai mì, canh rau nấu muối là những thứ mà trong chế độ tự do chẳng ai thèm ăn thì trong chế độ Cộng sản , người ta ăn thấy ngon đến mê mẩn. Hơn hẳn là thế đấy!
Hồi ở phòng số 4 trại Quảng Ninh, mùa hè năm ’77, chúng tôi có trồng riêng cho đội trên miếng đất nhỏ phía sau phòng giam mấy cây ớt, mấy cây cà chua. Vì canh nhà bếp phát ít quá, thỉnh thoảng có người bứt vài nhánh đọt ớt đem nấu canh, thấy ăn được. Còn mấy cây cà chua, vì không ra trái, đội quyết định nhổ đi để lấy chỗ trồng ớt. Tôi cùng với Lê Thanh Châu (trước là Tổng Giám đốc Khai Hoang Lập Ấp), Tranh Chánh Nhựt (Chủ tịch đảng Dân chủ, quận bộ Bình Chánh) và Nguyễn Ngọc Xuân (Thiếu Tá) bàn nhau lấy lá và đọt cà chua nấu canh. Nấu xong, chúng tôi múc được mỗi người một lon guigoz và hân hoan nói với nhau rằng hôm nay được bữa canh ăn no. Nhưng đến khi ăn được phân nửa, chúng tôi đứa nào cũng thấy buôn nôn, đau đầu. Bèn thôi không dám ăn tiếp. Thế mà cũng khó chịu trong người cả ngày hôm ấy. Sau đọc trong một cuốn sách Đông-y, mới biết rằng lá ớt thì ăn được và có thể trị lải kim, còn lá cà chua thì có chất độc, ăn nhiều bị ngộ độc nguy hiểm.
Nói cho đúng, lâu lâu cũng có một bữa thịt. Cả trại cả ngàn tù (kể cả tù hình sự), làm một con heo chừng bảy, tám mươi kí. Đó là heo sống. Làm thịt ra thì được chừng 40, 50 ký thịt, tính ra mỗi người được 50 grammes. Xương và lòng bỏ vào nấu canh, thịt thì đem kho. Chao ôi, buổi sáng ra đi làm lao động khổ sai mà thấy nhà bếp đi bắt con lợn về, là cả buổi lao động chỉ mơ tưởng miếng thịt lợn. Mỗi người được một miếng thịt kho nhỏ chụt, ngồi ngậm mãi mới dám cắn một miếng nhỏ, chỉ sợ nó hết. Nhưng cũng như cơm, nó hết quá nhanh chóng. Mới cho vào miệng, nó đã tụt vào cổ họng rồi tan biến mất tiêu. Thế là hết bữa thịt, và lại bắt đầu mơ tưởng thịt.
Khoảng cách thời gian giữa hai bữa thịt là tùy mỗi giai đoạn. Hồi mới ra Quảng Ninh, tuần nào cũng có. Qua năm ’77, suốt mấy tháng hè, chỉ được ăn bữa thịt 1 tháng 5 (Lễ Lao Động), rồi ăn chay mải cho đến bữa thịt 2 tháng 9 (Quốc khánh Cộng sản Bắc Việt), tính ra đến bốn tháng. Thời gian ở Thanh Hóa thì chừng một tháng một lần, có khi hai tháng một lần. Sau cuộc đấu tranh cuối năm ’78, qua năm ’79 một mặt chúng đàn áp, giam kỷ luật, cùm chân, bắt lao động nặng hơn, nhưng cũng có cho ăn thịt khá hơn, có khi mỗi tháng được hai lần.
Hơn ba năm trong trại giam ở Bắc Viêt, tôi được ăn trứng bốn lần, mỗi lần mỗi người một quả trứng vịt luộc. Cầm quả trứng vịt luộc trong tay, cứ hít nó mải mà không dám ăn, vì thấy quý quá. Trứng vịt ở Miền Bắc nhỏ hơn trứng gà Mỹ trong Nam. Ở cái xứ đói thì vịt cũng đâu có gì mà ăn, làm sao đẻ trứng lớn cho được.
Mỗi lần ăn trứng, ăn thịt, số tiền 15$ dành cho lương thực và thực phẩm lại bị hụt đi vì cán bộ bảo là mua ở các hợp tác xã không có, phải mua ngoài theo giá tự do (tức là giá chợ đen). Tiền hụt thì lại phải bớt rau đi, dù có trồng rau được nhiều cũng phải ăn muối để khỏi quá tiêu chuẩn.
3$ TIÊU VẶT và TIỀN LƯU KÝ
Mỗi tháng chúng tôi có được ngân khoản 3$ mỗi người để mua những thứ lặt vặt cần dùng. Tuy nhiên không phải ai muốn mua gì thì mua. Tiền do trại quản lý, mỗi tháng trại thấy thứ gì mua được thì mua để cấp phát. Thường được cấp phát nhất là thuốc lào. Người không hút cũng được cấp, như thế gọi là “phân phối công bằng xã hội chủ nghĩa”. Thỉnh thoảng có cấp bột giặt. Lâu lâu có phát mỗi người 200g đường. Tiêu chuẩn đường là mỗi tháng 200g đấy, nhưng không bao giờ chúng tôi được nhận đủ. Hồi ở Quảng Ninh, mỗi tháng có cho ăn một lần chè ngọt, cũng có tháng không có. Và mỗi lần nấu chè, tính theo mức độ ngọt của chè, chúng tôi ước lượng mỗi người chỉ được độ 50 đến 100g đường. Thỉnh thoảng, chúng tôi có nấu chè bằng đường của gia đình gởi ra nên chúng tôi có kinh nghiệm trong việc tính toán số đường. Vào đến Thanh Hóa, không có ăn chè, nhưng vài ba tháng có phát đường một lần. Trước cuộc đấu tranh năm ’78 thì số đường phát ra thiếu rất nhiều, vài ba tháng mới phát mỗi người được 100 đến 150g. Qua năm ’79, sau cuộc đấu tranh, trung bình chừng ba tháng chúng tôi được phát mỗi lần khoảng từ 200 đến 300g mỗi người. Tưởng nên nhắc lại rằng, trước kia, tại các Trung Tâm Cải Huấn của ta, buổi sáng, thường ăn cháo với đường, nên không ai bị thiếu chất ngọt.
Tiền riêng của chúng tôi do gia đình gởi ra thì chúng tôi không được giữ mà phải nộp lưu ký. Ban Tài chánh của trại có cấp cho mỗi người một phiếu lưu ký có ghi số tiền gởi. Đồng hồ, nhẫn, và các thứ quý vật cũng phải gởi lưu ký. Quần áo riêng của mình cũng phải đóng dấu, sơn chữ vào. Mục đích của các biện pháp nầy là để chúng tôi có trốn trại thì tiền bạc không có, quần áo rõ ràng là thằng tù, không thể giả dạng thường dân mà di chuyển được.
Trên nguyên tắc, chúng tôi có thể xin rút tiền lưu ký để mua những thứ cần dùng. Nhưng thực tế thì không mấy khi chúng tôi được rút tiền. Một năm chỉ được rút tiền một hai lần. Tất nhiên chúng tôi chỉ được nhận hàng thôi. Chúng tôi luôn luôn xin mua thức ăn: đường, mít, khoai lang, khoai mì, bánh kẹo… mua giùm chúng tôi, vì đi mua như thế (luôn luôn mua gía chợ đen) cũng có được tý chút. Nhưng quả thật Miền Bắc không có gì để mua, mặc dầu chúng tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ giá mua mắc mỏ như thế nào. Và các trại giam dầu ở vùng núi rừng hẻo lánh, xe cộ di chuyển rất là thiếu thốn, nên càng chẳng có gì để mua. Hơn ba năm ở Miền Bắc tôi tiêu chưa đến 100$, đó là đã trả tiền giùm cho nhiều anh em không có tiền trong những đợt cho mua hàng. Tiền riêng cho cá nhân tôi thì chỉ độ $50. Tiền có đấy, mà đành chịu đói khi gia đình không gởi quà ra được .
Mùa đông năm ’78, tôi chỉ còn 40 kí, (so với trước khi vào tù là 66 kí) đúng là da bọc xương (tôi cao 1.70 m). Những người nhỏ nhắn, ăn ít thì còn đỡ sụt kí. Những người cao to như anh Nguyễn Đình Xương chẳng hạn (trước là Tổng Quản trị Phủ Tổng Thống), nay chỉ còn da bọc lấy xương, trông thật thê thảm. Nhưng phía chúng tôi vẫn còn khá hơn phía tù hình sự. Tù hình sự, mà gia đình họ cũng đói kém vì đời sống xã hội Miền Bắc là đói kém, chẳng thể nhận được quà của gia đình khá nhiều như chúng tôi, nên hầu hết đều gầy đói thảm thương. Tôi đã thấy trong bệnh xá phân trại B trại số 5 Thanh Hóa những người tù hình sự trông như những bộ xương bò sang khu chúng tôi tìm kiếm vỏ khoai trong các đống rác. Nhưng vỏ khoai cũng chẳng mấy khi kiếm được. Chỉ có những ông già bên phía chúng tôi mà suốt đời chẳng bao giờ ăn khoai cả vỏ, và nhất định “giấy rách vẫn giữ lấy lề” mới có đủ can đảm bóc vỏ khoai cho vào đống rác. Còn hầu hết chúng tôi đều ăn khoai cả vỏ. Bụng không có chút hơi, người không còn khí lực, một chút vỏ khoai cũng qúy giá vô ngần. Cộng sản chê tư bản là dùng tiền bạc để mua chuộc sai khiến con người. Nhưng dù sao thì tư bản có dùng tiền bạc cũng là để dẫn dụ những người đã ăn no rồi mà còn thích rượu ngon gái đẹp nhà lầu xe hơi. Còn Cộng sản thì nắm ngay bao tử con người, để cho người ta đói đến mức cái vỏ khoai cũng qúy, muốn có cái vỏ khoai để ăn cũng phải chịu cho Bác và Đảng sai khiến, và phải luôn miệng “ơn Bác ơn Đảng” để được ăn khoai sắn cả vỏ mà bụng vẫn luôn luôn đói, người vẫn luôn luôn gầy, đời sống vẫn luôn luôn là nô lệ thôi.
https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16
Không có nhận xét nào