II – NHỮNG NGƯỜI PHỤC QUỐC BỊ ĐÀY RA BẮC
Tháng 4 năm 1977 trại chúng tôi đón tiếp một số khách mới, từ Miền Nam ra. Tối hôm ấy, khoảng 8 giờ, chúng tôi thấy khoảng mười chiếc xe đò chạy vào sân trại. Trước đó, một số tù hình sự đã được di chuyển đến nơi khác để có phòng trống.
Sân trại được thắp đèn sáng lên. Chúng tôi leo lên sập, nhìn qua cửa sổ để quan sát. Nhìn thấy từng cặp đeo “đồng hồ Seiko” từ trên xe bước xuống, chúng tôi biết đây là những người đồng cảnh ngộ với chúng tôi rồi. Ở trong tù, lúc nào chúng tôi cũng muốn gặp người mới đến để hỏi xem có tin tức gì bên ngoài không. Tin tức bên ngoài cũng cần thiết cho chúng tôi sống như là cơm nước. Nhưng tối hôm ấy, chúng tôi không được tin tức gì vì anh em mới đến được dọn vào các buồng khác. Trưa hôm sau, chúng tôi hỏi nhỏ mấy người làm bếp lúc đưa cơm thì được biết đó là những người trong Nam mới ra. Sự ngăn cách các buồng giam làm chúng tôi chưa hỏi gì thêm được. Nhưng đến đêm hôm sau, chúng tôi nghe tiếng hát đồng ca bài “Việt Nam Việt Nam” từ bên phòng giam của những người mới ra, vọng lại. Phía chúng tôi tuy cũng có hát nhạc Miền Nam cũ, nhưng thường chỉ hát nhỏ với nhau thôi, không dám hát lớn. Nay nghe những người mới ra hùng dũng hát lớn như thế, chúng tôi khoái lắm. Nhưng vẫn chưa nói chuyện với nhau được.
Phải đợi đến một đêm Văn nghệ sau đó vài tuần, mới có cơ hội nói chuyện nhiều. Khi ra sân trại (sân nầy vẫn nằm trong vòng rào), chúng đã ngăn cách từng buồng phải ngồi riêng rẽ, cấm liên lạc nói chuyện với nhau. Nhất là số mới ra, lại ngồi hẳn ra một khu riêng biệt. Nhưng rồi chúng tôi cũng liên lạc với nhau được bằng cách nháy nhau đi tiểu. Vào đi tiểu nói chuyện lâu quá sợ chúng để ý thì kéo nhau về chỗ ngồi, cứ làm như là hai người ở cùng buồng. Nói chuyện đủ rồi thì một người lại đứng lên đi tiểu, khi trở ra về chỗ đúng của mình, là xong. Nhưng cũng không phải dễ. Đêm tối lờ mờ, bọn cán bộ không nhận mặt được nhưng còn bọn ”antenne” (bọn làm tay sai dòm ngó anh em báo cáo với cán bộ). Chúng nó dòm ngó dữ lắm.
Những tin tức chúng tôi nhận được đêm hôm đó thật vui. Bây giờ nghĩ lại, chúng tôi thấy là mình cũng chỉ lạc quan tếu. Theo những tin tức đêm hôm đó anh em Phục Quốc trong Nam ra nói thì chúng tôi tưởng như có thể chiếm lại Miền Nam trong vòng vài tháng nữa thôi. Anh em say sưa nói về những hoạt động của Phục Quốc ở Miền Tây, ở Nha Trang, ở Sàigòn v.v….. Tôi đã gặp những em học sinh còn trẻ hăng hái nói về phong trào chống Cộng trong học sinh, sinh viên Sàigòn. Tôi nghe các em nói, thấy khí thế hăng hái của các em mà xấu hổ cho đám chúng tôi. Phía chúng tôi đại đa số là công chức, quân đội, cảnh sát, tình báo, là những thành phần đã từng có chức quyền khi trước, vậy mà khi đi ở tù chẳng tỏ ra có chí khí gì, phần lớn vẫn giữ tinh thần công chức thụ động và ngoan ngoãn, một số thì rất tồi bại. Tôi cũng biết là trong trại tù Cộng sản không dễ gì chống đối, nếu chống đối thì cái chết coi như cầm chắc trong tay; tuy nhiên chúng ta vẫn có thể giữ vững tư cách con người, tu luyện ý chí bất khuất mà chúng không thể làm gì được. Hoặc ít ra thì đa số chúng tôi cũng phải có những nhận định sâu sắc về Cộng sản , nuôi ý chí đấu tranh để sẵn sàng hoạt động khi có cơ hội: Nhưng phải nhận rằng đa số chúng tôi không được như vậy đâu.
Tôi có gặp 2 em học sinh thấy còn ít tuổi quá, tôi hỏi vì sao hai em lại bị bắt và đưa ra đến ngoài nầy. Hai em hãnh diện trả lời: ‘‘Chúng cháu xử tử Hồ Chí Minh”. Tôi hỏi xử tử như thế nào. Hai em kể lại:
“Hôm đó chúng cháu đang học tại trường, gặp giờ nghỉ vì không có giáo sư, thấy bức ảnh HCM treo trong lớp đáng ghét quá; chúng cháu gỡ ra để trên bàn rồi lập phiên tòa để xử tội. Cháu làm Chánh án, thằng nầy làm Biện lý, một thằng nữa làm Luật sư. Biện lý buộc tội HCM, Luật sư biện hộ. Cuối cùng, cháu tuyên án Hồ Chí Minh phạm tội phản quốc, phải xử tử. Thế là chúng cháu xé nát ảnh Hồ Chí Minh để thi hành án tử hình. Ông Hiệu trưởng nghe chuyện, chạy đi báo Công an đến bắt chúng cháu. Sau một thời gian ở trại Lê Văn Duyệt Gia Định, hai đứa chúng cháu (Chánh án và Biện lý) bị đưa ra Bắc, còn thằng đóng vai Luật sư thì đuợc tiếp tục ở tù trong Nam”
Thành phần Phục Quốc đưa ra trại Quảng Ninh chuyến đó gồm, phần lớn là học sinh, sinh viên. Về tôn giáo, tôi biết có 5 Linh mục Công giáo, và một số Thượng toạ, Đại đức Phật giáo. Giới trẻ trong số nầy, dù đang ở trong trại tù Bắc Việt, vẫn giữ được khí thế. Trong phòng giam, anh em vẫn tổ chức các nhóm sinh hoạt mỗi đêm, đàm luận tình hình, giữ vững tư tưởng chống Cộng, ca hát những bản nhạc Miền Nam cũ. Anh em hát ca những bản nhạc chống Cộng như bản Cờ Bay (ca ngợi Quân lực VNCH chiếm lại Cổ thành Quảng Trị), bản Trên Đầu Súng, v.v… Cán bộ trại giam ít khi muốn vào các phòng giam của anh em Phục Quốc vì anh em hay nói xiêng xỏ hoặc hỏi những câu mà cán bộ không trả lời được. Ví dụ trên phòng giam nào cũng có đề “Trật tự, Vệ sinh, Văn minh, Lịch sự”. Khi cán bộ vào, anh em chỉ khẩu hiệu nầy và hỏi cán bộ:
– Chúng tôi không được cấp phát xà-phòng, bàn chải răng, kem đánh răng, vậy phải làm sao để “Văn minh, Vệ sinh” đây?
Cán bộ trại giam chỉ còn biết lẩn đi, vì biết rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Miền Bắc cái gì cũng thiếu, trên nguyên tắc thì trại giam có cấp phát những thứ ấy, nhưng trong thực tế thì một ống kem đánh răng nhỏ cả năm mới được phát một lần, làm sao dùng đủ. Anh em Phục Quốc mới được đưa ra Bắc, mấy tháng liền không được cấp phát gì cả, mà chúng không giải quyết được. Anh em cứ làm như ngay tình, thắc mắc:
– Hồi chúng tôi ở trong Nam, được học tập, được biết qua sách báo, rằng chế độ xã hội chủ nghĩa là ưu việt, là hơn hẳn, và Miền Bắc đã thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa trên 20 năm nay rồi, chắc chắn là kinh tế rất tốt đẹp, cái gì cũng có, đây chắc là cán bộ ăn chận của chúng tôi đấy.
Người khác giả vờ đả lại:
– Không đâu, cán bộ là con người xã hội chủ nghĩa, ta là con người ưu việt, đâu có ăn chận bao giờ.
– Thế thì tại sao xã hội chủ nghĩa là nhân đạo, kinh tế, xã hội chủ nghĩa là tốt đẹp, cán bộ xã hội chủ nghĩa là trong sạch, mà chúng ta lại phải cải tạo một cách đói khổ, dơ bẩn, thiếu thốn thế này?
– Thội bạn ơi, đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.
Cứ thế, kẻ tung người hứng, cán bộ Cộng sản đành phải lẩn đi vì không sao đối đáp nổi. Nhưng tất nhiên, không phải chúng để yên như thế. Về sau, chúng tách những anh em này ra, đem vào trại Cẩm Thủy (Thanh Hóa), và đàn áp dã man.
LỄ PHẬT ĐẢN NĂM 1977
Hồi mới đến trại Quảng Ninh, tôi ở phòng số 3, sau qua, phòng số 6, rồi phòng số 4, cuối cùng là số 2 trước khi chuyển trại vào Thanh Hóa. Ngày Phật Đản năm 1977, tôi ở phòng số 4. Phòng nầy chứa khoảng 70 người, do anh Nguyễn Phi Thăng (trước là Thiếu tá Cảnh sát), làm Buồng trưởng. Kế cận phòng nầy là một phòng nhỏ dùng làm Trạm xá, để cho các người bệnh trong trại đến nằm, dưới sự trông nom của bác sĩ Văn văn Của (cựu Đại tá Đô trưởng Sàigòn ). Tuy là có bác sĩ của ta trông nom nhưng chẳng có thuốc men gì, bác sĩ Của thường chỉ chữa bệnh bằng châm cứu. Phòng nầy chỉ đủ chỗ cho chừng 5 người bệnh.
Gần ngày Phật Đản có một vị Đại đức sang trạm xá nằm chữa bệnh. Tôi rất tiếc là, qua mấy năm, tôi đã quên tên vị Đại đức nầy, chỉ nhớ là người Miền Trung. Vị Đại đức nầy còn giữ được một bộ áo cà sa, mõ, và một bức ảnh Đức Phật cỡ nhỏ. Trạm xá với phòng số 4 coi như một phòng vì được phát cơm canh chung. Chỉ đến tối mới khóa cửa riêng, không liên lạc được với nhau. Phòng số 4 chúng tôi lúc đó có Bùi Tường Huân và Hoàng Xuân Hào (cựu Nghị sĩ) vốn là Phật giáo, cùng với tôi bàn nhau tổ chức lễ Phật Đản đơn giản trong phòng giam, nhân dịp có vị Đại đức đAng nằm ở Trạm xá. Chúng tôi nói nhỏ với một số người, nhưng phần lớn đều tỏ vẻ ngại ngùng vì sợ bị báo cáo. Nội quy trại giam ghi rõ là cấm sinh hoạt tôn giáo, cấm giảng đạo, cấm tuyên truyên tôn giáo. Đến ngày lễ Phật Đản, ngoài 3 chúng tôi, có được thêm 2 người dự. Tất cả là 5 người, với vị Đại đức là 6. Chúng tôi tổ chức vào buổi trưa, tại phòng ngoài của Trạm xá. Tiếng mõ , tiếng kinh buổi trưa hôm ấy đã ghi vào lòng chúng tôi một kỷ niệm êm đềm. Tôi không hẳn là người Phật giáo – tôi tin có Thượng Đế, thờ cúng ông bà, yêu cảnh chùa và yêu cảnh nhà thờ. Tiếng mõ tiếng kinh trong trại giam Cộng sản quả thật là chuyện hi hữu. Anh Buồng trưởng Nguyễn Phi Thăng nằm trong phòng số 4 chắc có nghe tiếng kinh tiếng mõ, nhưng giả vờ ngủ để khỏi phải báo cáo sự việc cho cán bộ.
Bác sĩ Của nằm ngay phòng trong của Trạm xá, chắc cũng giả vờ ngủ. Niệm kinh xong, vị Đại đức giảng một bài giảng ngắn cho chúng tôi đại ý cho rằng với quan niệm Sắc – Không của Phật giáo thì dù ở tù hay ở ngoài cũng chẳng có cái gì ràng buộc ta được. Chúng tôi chúc nhau nhân ngày Phật Đản rồi sau đó Đại đức tâm sự với chúng tôi rằng, nếu tình hình thay đổi, Cộng sản sụp đổ, Đại đức ước mong có cơ hội lập một ngôi chùa trên vùng núi đồi nầy để ở laị đây trụ trì cho đến mãn đời. Buổi lễ Phật Đản chỉ đơn sơ có thế. Nhưng đó là buổi lễ Phật Đản ghi khắc sâu đậm nhất trong lòng tôi. Bài kinh, bài kệ đều rất ngắn, không có cơm chay, không có chè, chẳng có trái cây, chỉ có hình Đức Phật, một tấm hình thật nhỏ, ba cành hoa thật nhỏ mà chúng tôi hái được đâu đó phía sau buồng giam cầm, trong một chiếc lọ thật nhỏ nguyên là lọ thuốc Tribevit. Có thế thôi, nhưng trong lòng chúng tôi đều thấy lâng lâng, nhẹ nhàng thanh thóat, và trong cuộc đời sắc sắc không không nầy, lý thuyết Mác Xít và gông cùm Cộng sản như có đấy mà như không có, đã không ràng buộc nổi chúng tôi, không vấn vương nổi chúng tôi, mà ngược lại, còn làm chúng tôi thấy thương hại cho những người Cộng sản mê mụội không sao có thể hiểu được những kẻ đang ở trong trại giam của chúng lại hình dung thấy một kiểng chùa trên núi đồi xã Thống Nhất huyện Hoành Bồ sẽ thay thế trại giam.
NGÀY QUÂN LỰC 19- 6-1977
Sáng 19-6-1977, chúng tôi thức dậy, thì nghe từ phía phòng giam Phục Quốc tiếng hô “Nghiêm! Chào cờ!”, rồi nghe hát Quốc ca của chúng ta “Này công dân ơi…”. Tôi cùng anh Nguyễn Ngọc Xuân (trước là Thiếu tá Quận trưởng Hoài An , Bình Định), nhìn nhau bồi hồi cảm động.
Hôm sau chíng tôi được biết là anh em Phục Quốc đã tổ chúc chào cờ, tưởng niệm chiến sĩ Quân lực VNCH, rồi có một bài nói về ý nghĩa ngày Quân Lực. Theo anh em Phục Quốc nói lại thì ngày Quân Lực được xem như ngày Quốc Khánh, vì lẽ có nhiều nhóm Phục Quốc, nhất là nhóm Công giáo, không đồng ý ngày Quốc Khánh là 1-11.
Hôm đó nghe bên Phục Quốc hát Quốc ca kỷ niệm ngày Quân Lực, anh em chúng tôi thuộc các phòng số 6, số 5 ném bánh kẹo và thuốc lá sang phòng số 7 là một trong những phòng giam anh em Phục Quốc. Bánh kẹo, và thuốc lá trong trại giam Cộng sản là nhữg thứ còn quý hơn vàng. Ném sang tặng nhau như thế là cử chỉ bày tỏ sự quý mến đến mức tột bực rồi đấy. Phòng số 4 chúng tôi ở xa, không thể ném bánh kẹo sang được, chỉ biết nghe Quốc ca và nhìn nhau bồi hồi cảm động, và khâm phục lòng dũng cảm của anh em Phục Quốc.
Sau vụ này, Cục Trại Giam (thuộc Bộ Nội Vụ, Hà-nội xuống giải quyết. Chúng chọn lựa một số ít trong hàng ngũ Phục Quốc để lại Quảng Ninh. Còn phần lớn anh em Phục Quốc cùng với một số ít chọn trong thành phần phía chúng tôi, được di chuyển vào Thanh Hóạ, trại Cẩm Thủy, thư từ gọi đề số 90A (về sau chúng tôi cũng vào Thanh Hóa nhưng ở trại số 5, thư từ gởi đề 50A).
Năm vị Linh mục Công giáo ở lại Quảng Ninh, nhưng ở biệt giam trong phòng kỷ luật. Phòng số 4 chúng tôi hai người ra đi là anh Bùi Tường Huân và anh Trịnh Tiếu. Anh Nguyễn Vạng Thọ cũng ra đi trong đợt nầy .
Lúc đó là mùa hè năm 1977.
Sau nầy, chúng tôi nghe những người đã ở trại Cẩm Thủy kể lại là anh em Phục Quốc vào đến trại nầy vẫn tiếp tục đấu tranh nhưng bị đàn áp dã man, chúng phân tán, giam kỷ luật, cùm chân, bỏ đói. Về sau, anh em đành phải chịu làm khổ sai và kép kín tâm tư để sống còn chờ qua cơn đàn áp.
https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16
Không có nhận xét nào