Header Ads

  • Breaking News

    Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần XI. Hết

    June 16, 2021 by Lê Thy 

    https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/06/bia_nnctobv-3.jpg?w=189&h=300

    XI- MỘT VÀI CẢM NGHĨ

    Cơn ác mộng của tôi đã qua. Nhưng tôi đã phải rời bỏ quê hương, và dân tộc Việt Nam hãy còn sống trong nô lệ, những bạn bè thân thiết của tôi vẫn còn ở trong những trại khổ sai đểu cáng ở Miền Bắc và Miền Nam. 

    Thế mà vừa đến được trại tị nạn, tôi có ngay cái cảm tưởng là đa số chúng ta đã quá bội bạc với những người còn ở lại. Mọi người chỉ trông thư, trông tiền, trông ngày đi định cư, nôn nao bàn tán hàng ngày về những tin tức định cư mà tâm tư dành cho những người còn ỏ tù tại Việt Nam thì dường như chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ trong lòng. Anh em còn ở trong tù từng phút từng giây mong đợi ở những người bên ngoài. Chiến dịch nhân quyền mà hồi ở tù chúng tôi biết được qua những bài báo chống đối Cộng sản, và qua những tin tức rất hạn chế nghe được, đã an ủi chúng tôi rất nhiều. “Thế giới chưa quên chúng ta” – chúng tôi đã nói với nhau như vậy khi nói đến chiến dịch nhân quyền. Nhưng chỉ chiến dịch nhân quyền chưa đủ. Kẻ lì lợm như Cộng sản, nhất là Cộng sản Việt Nam, phải chịu những đòn nặng nề hơn, cụ thể hơn, mới mong có sự thay đổi. 

    Chúng ta, những người chống Cộng, dù đã thua trận phải bỏ nước ra đi, vẫn còn chia rẽ, nghi kỵ nhau, đổ trách nhiệm cho nhau. 

    Tôi nghĩ bây giờ không phải là lúc ngồi chửi nhau. Trong hoàn cảnh mất nước, mỗi người chúng ta đều phải tự nhận trách nhiệm của mình. Người lãnh đạo phải nhận trách nhiệm đã lãnh đạo tồi tệ và đã không thành tín với dân chúng. Người đối lập phải nhận trách nhiêm đã phá rối trật tự, làm hại tinh thần chiến đấu chống Cộng. Tưởng ta phải nhận trách nhiệm đã chỉ huy kém, đã tham nhũng. Công chức, cán bộ phải nhận trách nhiệm đã ươn hèn, tham nhũng. Ký giả xách bị gậy đi biểu tình phải nhận trách nhiệm đã gây dư luận rã rời trong lúc nước sắp mất. . 

    Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với những trẻ em đã rơi xuống biển trong cuộc di tản 1975, những thương binh Việt Nam Cộng Hòa bị đuổi khỏi các bệnh viện trong ngày sụp đổ, những người con gái bị hải tặc hiếp dâm trong khi đi tị nạn, những người hiện còn ở trong các trại tù. 

    Tôi nghĩ đến những người Biệt Kích đã ra đi công tác tại Miền Bắc từ thời bác sĩ Tuyến, họ nghe Tổng Thống Diệm bị lật đổ, họ nghe đảo chính, chỉnh lý liên tiếp ở Miền Nam, cho đến lúc nghe tin Dương văn Minh đầu hàng Cộng sản , và nay họ vẫn còn tiếp tục ở tù. Những người đã ra lệnh cho họ đi công tác, và những cố vấn Mỹ của chương trình nầy, nay ở đâu?

    Trong một chế độ bất ổn, mọi người chống đối nhau, thanh toán nhau, rồi kéo nhau chạy ra ngoại quốc, kẻ ở Pháp, người ở Mỹ, hoặc tiếp tục chửi nhau, hoặc im lặng sống trong những ngôi nhà tiện nghi, để lại các viên chức xã ấp cho Cộng sản về thanh toán, để lại các phế binh cụt cả hai chân bò đi ăn xin ngoài đường, để lại những người khí tiết bắn vào đầu tự tử, để lại những người anh em ở trong các trại khổ sai không biết bao giờ thoát được ra.

    Tôi nghĩ đến những người Đồng Minh đã cùng chúng ta chiến đấu bảo vệ Tự do, và khi chúng ta mất nước thì họ vẫn là siêu cường; và liệu chúng ta vẫn nên cám ơn rằng dù sao thì họ cũng đã đổ mau và đổ tiền để giúp chúng ta bảo vệ Việt Nam Công Hòa, hay là trách họ rằng đã bỏ rơi một tiền đồn Thế giới Tự Do, trong chiến lược toàn cầu của họ? 

    Tôi nghĩ đến những em bé Miền Bắc mà tôi đã gặp đi bắt cá mò tôm trong những ngày đông tháng giá, áo quần không có. Tôi nghĩ đến những bà già Miền Bắc suốt đời đói khổ làm lụng vất vả phải luôn miệng nhớ ơn Bác ơn Đảng trong khi thân thể chẳng còn ra được dáng người. 

    Tôi nghĩ đến những người bị đuổi đi vùng kinh tế mới, sống không nổi, trở về thành phố cũ, vợ con nheo nhóc nằm trên lề đường giữa mùa mưa gió. 

    Chế độ Cộng sản thực ra chẳng có gì mạnh. Lý thuyết Cộng sản đã tỏ rõ là không tưởng trong lý thuyết và sai lầm trong thực tế. Cộng sản chỉ nắm chính quyền bằng những kỷ thuật chính quyền của Lénine, chứ không phải nhờ lý thuyết của Marx. Kinh tế Việt Nam bây giờ ngày càng xuống dốc nhưng những kẻ cầm quyền giáo điều. Hết đổ lỗi cho đế quốc thực dân đến đổ lỗi cho thiên tai, chứ họ chẳng bao giờ chịu nhận là chính họ đã sai lầm về đường lối căn bản. 

    Thực tế là hơn ba mươi năm nay, Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt dân tộc Việt Nạm phải chiến đấu cho công cuộc bành trướng của Nga Sô để khoảng mười triệu người đã phải bỏ mình, và áp dụng một đường lối sai lầm làm cho mọi người ngày càng nghèo khổ đói rách. Cộng sản Việt Nam tự cho rằng trong mấy mươi năm nay họ đã làm được hai cuộc cách mạng: cuộc cách mang giải phóng dân tộc, và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Kết quả của cái gọi là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chỉ là để dâng cảng Cam Ranh cho Nga và tàu chiến Nga có thể vào vịnh Thái Lan. Kết quả của cái gọi là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ là mọi người đều phải đi làm thuê cho nhà nước trong tình trạng đói rách, bần cùng. 

    Trước khi vượt biên, tôi nghe có người nói chuyện rằng trong một phiên họp, Võ văn Kiệt, Bí thư Thành bộ Sàigòn, có nói “cần phải chấm dứt tình trạng phi lý là trong khi một bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện mổ dạ dày con người để vá lại thì chỉ được trả có mấy hào (tính theo số lương mà bệnh viện phát cho), còn một anh sửa xe đạp ngoài lề đường vá một cái ruột xe đạp thì ăn đến mấy đồng.” Tôi không biết câu chuyện có thật không, nhưng nếu quả Võ văn Kiệt có nói như thế thì các bác sĩ chẳng có gì đáng mừng, nhưng những người sửa xe đạp thì rất đáng lo, bởi vì Cộng sản xưa nay vẫn chỉ một cách giải quyết đối với các trường hợp bất bình đẵng là dành cho tất cả mọi người đều nghèo xuống chứ không phải là nâng người nghèo lên đâu.

    Tình trạng dân chúng chống đối ngày càng công khai, sự chia rẽ trong nội bộ đang vì vấn đề Trung quốc, nạn tham nhũng lan tràn, quân sự sa lầy, kinh tế lụn bại… mỗi yếu tố đều khiến cho ta thấy sự sụp đổ của chế độ Cộng sản đã được báo trước. Nhưng không phải cứ thế rồi tự nó sụp đổ. Phải có người hoạt động lật đổ nó. 

    Tôi nghĩ rằng việc lật đổ chế độ Cộng sản Việt Nam không phải là việc khó. Nếu chung ta làm không được thì đó là tại chúng ta quá kém chứ không phải là tại việc khó. Tất nhiên chúng ta không thể lật đổ chúng bằng tay không, trong khi chúng được Nga sô viện trợ mỗi ngày ba triệu dollars. Nhưng chúng ta cũng chẳng thể ngồi chờ cho các cường quốc dọn dẹp ngôi đình Đông Dương, dọn mâm cỗ sẵn để cho chúng ta giành nhau đóng vai Tiên Chỉ. 

    Tôi cho rằng cái khó đối với chúng ta là làm sao xây dựng lại nước Việt Nam sau khi Cộng sản sụp đổ. Hàng ngũ chúng ta dường như lúc nào cũng bê bối. Quần chúng Miền Nam hiện giờ rất tốt, họ đã biết cái tự do bê bối ngày trước và biết tính cách nô lệ của chế độ Cộng sản hiện nay. Nhưng nếu tình hình nầy kéo dài năm, mười năm nữa thì không biết lớp thanh niên sau nầy sẽ như thế nào. 

    Còn quần chúng Miền Bắc, sau mấy mươi năm sống dưới chế độ Cộng sản, họ đã quen với lối làm việc mà hiệu năng kinh tế rất kém, tôi e rằng sau nầy dù có đường hướng tự do họ cũng chậm chạp trong công cuộc phát triển kinh tế vì thiếu sáng kiến, thiếu khả năng kỷ thuật, và có thể ngã về con đường tự do vô kỷ luật.

    Trong hoàn cảnh như vậy, những người lãnh đạọ, những cấp chỉ huy và cả bộ máy chính quyền phải có chính sách đúng, chấp hành đúng, kỹ thuật cao, mới có thể đem lại trật tự xã hội và thúc đẩy, phát triển kinh tế. Không chuẩn bị sẵn đường lối chính sách và hàng ngũ cán bộ thì dù thời cơ có đến, chúng ta cũng chỉ là những kẻ ăn hại nữa mà thôi. 

    Trên chuyến xe lửa từ Thanh Hoá về Saigon, tháng chạp năm Kỷ Mùi, khi xe qua cầu Bạch Hổ, tôi nhìn thành phố Huế, nhìn cột cờ Phu Văn Lâu bên ngoài Thành Nội và nghĩ đến những biến chuyển của đất nước kể từ năm 1945. Cột cờ Phu Văn Lâu với lá cờ Long Tỉnh thời Pháp thuộc, lá cờ Quẻ Ly thời Nhật, lá cờ đỏ sao vàng khi vua Bảo Đại thoái vị, rồi lá cờ vàng ba sọc đỏ của Quốc Gia Việt Nam, của Việt Nam Cộng Hòa… Phu Văn Lâu cũng là nơi mà năm 1964, Mac Namara Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã hô lớn “Việt Nam muôn năm“. 

    Tôi chợt nhớ câu thơ của Vũ Hoàng Chương: 

    Ta còn để lại gì không
    Kìa non đá lở nầy sông cát bồi… 

    Và lại nhớ đến câu hát trong bài Tâm Ca của Phạm Duy: · 

    “… để lại cho em hèn kém của anh”. 

    Nhưng trên dòng sông Hương u buồn như đọan đầu ở thể nhạc mineur của bản Tâm Ca, từ đáy lòng, tôi vẫn nghe dội lên tiếng sóng đâu đây, rộn rã như điệp khúc đã chuyển qua majeur của bản nhạc: 

    “Xin nhận lời tranh đấu…
    Cho niềm kiêu hãnh vươn lên.” 

    Khởi sự tại trại Tỵ-nạn Songkla, Thái-lan.
    Viết xong tại trại Tỵ-nạn Galang, Indonesia.
    ngày 9-11-1980 

    Trần Huỳnh Châu 

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16


    Không có nhận xét nào