Tín đồ Cao Đài chính truyền 1926 bị chính quyền VN đàn áp khốc liệt, nhiều người bị bắt giữ, lên án tù rất nặng, có người bị tử hình.
Qua câu chuyện của Chánh Trị Sự đạo Cao Đài Nguyễn Xuân Mai, người từ Việt Nam sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đang diễn ra tại Thủ Đô Washington, Hoa Kỳ, chúng ta thấy trên một góc độ nào đó, cách đối xử của chính quyền VN về sự xuất cảnh của tín đồ đạo Cao Đài 1926 có phần phải thay đổi vì áp lực ngoại giao trên họ.
Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 2022, diễn ra ngay tại Thủ Đô Hoa Kỳ, với sự tham dự của đại biểu hàng chục quốc gia, dù không, hay có chính sách đàn áp tôn giáo như Việt Nam. Chánh Trị Sự Nguyễn Xuân Mai (người đứng thứ 3 từ bên phải) thấy cần phải đem tiếng nói của người đồng đạo đang bị nhà cầm quyền Việt Nam trực tiếp, hay gián tiếp qua tay chi phái giả danh Cao Đài 1997, đàn áp đến công luận thế giới.
Điều kiện được cấp visa nhập cảnh Hoa Kỳ không dễ. Nhiều người đã du lịch quanh thế giới như đi chợ, nhưng vào được Mỹ vẫn chỉ là ước mơ, dù hàng năm lượng khách du lịch vào Mỹ thuộc hạng đông nhất thế giới. Với những người đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, công bằng bị chính quyền VN ghi tên vào sổ đen, chuyện đi Mỹ của họ là chuyện mò trăng dưới nước.
May mắn quá khứ dấn thân cho sự đấu tranh cho tự do tôn giáo của bà khiến những giới chức bênh vực cho TDTG thế giới nể phục. Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, ông Sam Brownback, người có vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh kỳ này, đã gửi thư mời bà đến Hoa Kỳ tham dự. Thư mời của ông đại sứ dễ dàng cho toà Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn phỏng vấn và cấp visa cho bà sau khi có vài ba câu hỏi lấy lệ. Nhưng những người giúp đỡ bà không muốn bà ra đi mãi phải trốn tránh như những lần trước.
Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai đã phải trốn tránh nhiều lần để có thể đến dự các hội nghị về tự do tôn giáo diễn ra tại Thái Lan, Phi Luật Tân và Singapore và mỗi lần trở về nước bà đều phải đối mặt với chính quyền. Lần cuối cùng gần đây nhất, năm 2015, bà từ hội nghị tại Thái Lan trở về, 12 người từ bộ công an đã kéo đến nhà chất vấn, hạch sách làm khó dễ chị đủ điều. Những lần đi trước trong vùng đông Nam Á, nơi nước trong khối ASEAN không cần visa nhập cảnh, dù bà có passport, đều bị bắt trở lại khi đến cửa khẩu. Bị bắt, được thả ra, bà lại trốn cho đến khi vào được hội nghị để có cơ hội nói lên tình hình chính quyền VN đàn áp tôn giáo nói chung, và đạo Cao Đài chánh truyền 1926 nói riêng.
Bà Chánh Trị Sự Xuân Mai kể cho người viết bài này rằng, khi bà nhận được thư mời của Đại sứ Sam Brownback, ông Gaetan W. Damberg – Ott, Tuỳ Viên Chính Trị tại lãnh Sự Quán Hoa Kỳ Sài Gòn đã gọi điện thoại cho bà. Sau khi Toà Tổng Lãnh Sự cấp visa, ông Gaetan lại gọi và cho bà biết ông sẽ hỗ trợ bà có thể xuất cảnh một cách công khai, không phải trốn tránh. Ông mong lần ra đi công khai của bà này sẽ vô hiệu hoá những lần cấm xuất cảnh bằng miệng, không giấy tờ, của nhà cầm quyền VN từ trước đến nay đối với bà.
Quả thật, ra đến phi trường Tân Sơn Nhất, công an hải quan sau khi xem giấy tờ của bà, cười hỏi, ”Chị có biết tại sao những lần trước chị không được xuất cảnh không?” Bà Mai cũng chỉ cười đáp lại,” Tôi không biết”.
Sáng ngày 28 tháng 6, bà Xuân Mai đã nói chuyện trong Bộ Ngoại Giao với ông Đại sứ Tôn Giáo Thế Giới Toàn Cầu Rashad Hussain trong khi nhiều người thuộc 36 quốc gia trên thế giới diễu hành trên đường phố Thủ Đô Hoa Kỳ, hô vang tên của những tù nhân tôn giáo và nhận chữ ký ủng hộ sự đòi hỏi các quốc gia, trong đó có VN, phải trả tự do cho những người bị chính quyền bắt tù vì đấu tranh cho tự do tôn giáo.
Ngày 29 Bà Xuân Mai đã đọc báo cáo trước hội nghị về tình trạng đạo Cao Đài, và tố giác sự đàn áp của chính quyền với đạo Cao Đài chân truyền 1926.
Bản báo cáo nội dung như sau.
Tôi là Nguyễn Xuân Mai, Chánh trị sự tại Hương đạo Tân Hạnh, Tộc đạo Châu Thành, Châu đạo Vĩnh Long, Việt nam.
Trước hết tôi xin cảm ơn Ban tổ chức đã cho phép tôi được chia sẻ cùng quý vị một số suy nghĩ về vấn nạn của Đạo Cao Đài 1926.
Kính thưa quý vị;
Hiện nay, tín đồ Cao Đài muốn hành đạo chỉ có 2 chọn lựa: (1) tuân phục chi phái do nhà nước Việt Nam dựng lên năm 1997; (2) duy trì tính độc lập nhưng phải thường xuyên đối phó các biện pháp khống chế của nhà nước và sự bách hại từ Chi Phái 1997. Bất luận chọn lựa nào thì vẫn là mất quyền tự do tôn giáo hay niềm tin theo đúng Điều 18 của Công Ước Quốc Tế.
Hiện trạng này là hậu quả trực tiếp của chính sách diệt Đạo Cao Đài đã được nhà nước Việt Nam thực hiện qua 2 biện pháp:
Xoá bỏ Hội Thánh Đạo Cao Đài và cưỡng chiếm các cơ sở tôn giáo của Đạo Cao Đài qua “bản án Cao Đài” của Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh, Quyết Nghị ngày 13/12/1978 của Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh, Quyết Định 124 của Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh ngày 04/06/1980, và quyết định xoá bỏ Hội Thánh của Đạo Cao Đài năm 1983.
Dựng lên một chi phái Cao Đài mới vào năm 1997 để vừa làm công cụ đàn áp tín đồ Cao Đài vừa che mắt quốc tế; nhà nước bàn giao các cơ sở tôn giáo bao gồm Toà Thánh Tây Ninh, Đền Thờ Phật Mẫu, v.v. Với sự hỗ trợ của công an và các cơ quan chính quyền, Chi Phái 1997 đã cưỡng chiếm hầu hết trên 300 thánh thất của Đạo Cao Đài và ép tín đồ Cao Đài phải tuân phục họ.
Chi phái 1997
Chi Phái 1997 được nhà nước Việt Nam công nhận năm 1997 như một “chi phái” Cao Đài dưới tên chính thức là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh” (10 chữ đơn), khác với Đạo Cao Đài có tên chính thức là “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” (3 chữ kép). Năm 2002, chi phái này được nhà nước Việt Nam cho phép đổi tên thành “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh)” (12 chữ đơn) để nhiều người lầm tưởng rằng đó là Đạo Cao Đài.
Từ năm 2007, Chi Phái 1997 thay đổi hiến chương, thêm phần “Hành Đạo Ở Nước Ngoài” để mở đường thành lập văn phòng đại diện ở hải ngoại. Chi Phái 1997 nhận xét tầm quan trọng của việc vươn ra hải ngoại: Đó là việc đồng đạo hải ngoại đã bắt đầu tự động trở về phục tùng Hội Thánh. Vào năm 2011, Chi Phái 1997 lập Uỷ Ban Đại Diện Hải Ngoại và đăng ký “Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại” như một tổ chức tôn giáo ở Hoa Kỳ rồi năm 2014 dùng nó để đăng ký làm thương hiệu riêng lấy danh chung của Đạo Cao Đài.
Dùng Chi Phái 1997 làm công cụ diệt Đạo Cao Đài, nhà nước Việt Nam đã che mắt được bao gồm Liên Hợp Quốc, các chính quyền dân chủ, và các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như công luận trên thế giới. Quốc tế ngộ nhận rằng tôn giáo Cao Đài được cởi trói khi thấy các cuộc lễ lạt quy tụ hàng trăm nghìn tín đồ tại Toà Thánh Tây Ninh, khi viếng thăm các thánh thất Cao Đài, hoặc khi tiếp xúc với các chức sắc của Chi Phái 1997. Họ hiểu lầm rằng các hành vi của Chi Phái 1997 nhằm khống chế tín đồ Cao Đài là mâu thuẫn nội bộ tôn giáo.
Khi bị Chi Phái 1997 cho người đánh chiếm thánh thất tín đồ Cao Đài ở nhiều nơi kháng cự lại thì bị hành hung bởi người của Chi Phái 1997 và bị hăm doạ hoặc bắt bớ bởi công an địa phương. Từ những năm đầu của thập niên 20 cho đến nay, tín đồ Cao Đài 1926 lui về hành đạo tại tư gia nhưng Chi Phái 1997 và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu và đàn áp họ. Chi Phái 1997 đã thực hiện một cách có hệ thống các hành vi đàn áp, đánh đập tín đồ Cao Đài 1926 lúc họ thực hiện nghi thức thờ phượng, lễ lạy tại tư gia hay các vụ đánh chiếm cơ sở thờ tư trong sự chứng kiến cuả công an địa phương.
Nỗ lực tự bảo vệ của tín đồ Cao Đài chơn truyền
Từ năm 2015, nhiều cộng đồng Cao Đài gửi người tham gia các khoá huấn luyện về cách ứng xử, sử dụng luật pháp đối phó với các hành vi côn đồ, đàn áp và sách nhiễu đồng đạo. Đã gửi 86 bản báo cáo vi phạm của Chi Phái 1997 cùng các cấp chính quyền và công an địa phương, thực hiện truyền thông để phổ biến thông tin và tìm cách liên lạc với các tổ chức quốc tế để can thiệp kịp thời các vấn nạn đàn áp hay sách nhiễu. Nhờ vậy, tín đồ Cao Đài ở nhiều nơi đã đẩy lùi phần lớn các toan tính của Chi Phái 1997 nhằm chiếm thánh thất hoặc quấy phá việc hành đạo liên hương của đồng đạo. Đồng thời, dưới áp lực quốc tế và trước nguy cơ bị tố giác, công an địa phương giảm dần sự xuất hiện chung với các đám người hung hãn của Chi Phái 1997. Năm 2018, nhiều tín đồ Cao Đài trong và ngoài nước đã cùng nhau thực hiện kế hoạch làm rõ bản chất của Chi Phái 1997 không là Đạo Cao Đài mà là công cụ do Đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam dựng lên để khống chế tín đồ Đạo Cao Đài bảo thủ chơn truyền và đồng thời che mắt quốc tế. Kế hoạch này bao gồm:
Dùng luật pháp Việt Nam để cảnh cáo Chi Phái 1997 về các hành vi phạm luật, như tố giác và yêu cầu điều tra tội phạm hoặc khởi kiện các cá nhân thuộc Chi Phái 1997 và một số giới chức chính quyền. Hiện tại một số tín đồ Cao Đài 1926 đang có một số vụ kiện dân sự và hành chánh đối với người của Chi Phái 1997 và giới chức chính quyền.
Đánh bại ý đồ đánh cắp căn cước Đạo Cao Đài:
Từ tháng 6 năm 2018, thông tin về nguồn gốc và vai trò của Chi Phái 1997 và các hành vi vi phạm nhân quyền có tính hệ thống của tổ chức này đã được tổng hợp thành tài liệu để giúp tín đồ Cao Đài trong và ngoài nước phân biệt chi phái này với Đạo Cao Đài. Đến cuối năm 2021, nhiều video đã được phát hành với cùng mục tiêu. Kết quả là ngày càng đông các tín đồ Cao Đài bỏ Chi Phái 1997 sau khi nhận ra sự khác biệt. Ngoài ra, tín đồ Cao Đài không gọi Thánh danh đối với Chức Sắc tự bắt banh phong của Chi Phái 1997 (ví dụ: gọi ông Nguyễn Thành Tám, người đứng đầu Chi Phái 1997, không gọi là Đầu Sư Thượng Tám Thanh). Tín đồ Cao Đài không dùng mẫu sớ cầu đạo do ông Nguyễn Thành Tám ký chứng nhận, tiếp tục lập và bổ sung sổ bộ đạo Cao Đài.
Dùng luật pháp Hoa Kỳ để đẩy lùi kế hoạch lũng đoạn cộng đồng Cao Đài ở hải ngoại.
Điều này mặc nhiên khẳng định Chi Phái 1997 khác với Đạo Cao Đài cho nên không có quyền sở hữu danh xưng của tôn giáo này. Đồng thời, phái đoàn Cao Đài đã từng dự Hội nghị Tôn giáo và Niềm tin ở các nước vùng Đông Nam Á như: Thái Lan 2015, Đông-ti-mo 2016, Đài Loan 2016, Phi-lip-pin 2017, Thái Lan 2018-2019, tại Hoa Kỳ 2018-2019, IRF SUMMIT 2021 lần 1 tại Hoa Kỳ.
Từ năm 2021, tại Việt Nam với nổ lực nhờ quốc tế can thiệp để ngăn chặn sự đàn áp của Chi Phái 1997, phái đoàn Cao Đài đã gặp gỡ nhiều lần với lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, tùy viên đại sứ Anh quốc tại Tây Ninh.
Phục Hồi Hội Thánh
Mặc dù tình trạng đàn áp đối với người Cao Đài 1926 có giảm trong vài gần đây tại một số địa phương, nhưng tự do tôn giáo cuả người Cao Đài 1926 vẫn không được tôn trọng và bảo đảm và có thể bị cấm cản, sách nhiễu hay đàn áp bất cứ lúc nào, trường hợp đang xảy ra tại Bến Cầu, Tây Ninh hay tại Mỹ Phước Tây, Tiền Giang là những ví dụ điển hình. Cộng đồng người Cao Đài 1926 hiểu rõ tầm mức quan trọng của việc phục hồi quyền hành chánh tôn giáo nhằm bảo vệ niềm tin cuả người Đạo Cao Đài.
Những điều cần thực hiện trong thời gian vài năm tới:
Tiếp tục xây dựng và phát triển nội lực cuả cộng đồng Cao Đài 1926 tại địa phương: kiến thức và kỹ năng về nhân quyền, quyền tự do tôn giáo, về luật pháp Việt nam, tiếp cận với chính quyền rất cần thiết để nâng cao khả năng tự bảo vệ chính mình.
Giành lại quyền sử dụng các thánh thất đã bị cưỡng chiếm và đang bị chiếm dụng: nghiên cứu và cứu xét các biện pháp pháp lý nhằm đòi lại quyền sử dụng các cơ sở tôn giáo này vốn dĩ là của người Cao Đài 1926.
Đẩy mạnh các chương trình truyền thông về bản chất cuả Chi Phái 1997 nhằm giúp người Cao đài hiểu rõ hơn về vai trò của tổ chức này, đặc biệt là thế hệ trẻ Cao Đài 1926. Hương đạo tại các địa phương vận động, giúp đỡ tín đồ Cao Đài rời bỏ Chi Phái 1997 và trở lại với Cao Đài 1926.
Duy trì và phát triển quan hệ với các tổ chức nhân quyền quốc tế và với chính quyền các nước nhằm nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp nếu cần thiết trong việc công đồng Cao Đài 1926 thực hiện sứ mạng phục hồi quyền hành chánh tôn giáo.
Cộng đồng tín đồ Cao Đài 1926 đang bước vào một giai đoạn mới trong tiến trình phục hồi cơ đạo. Có thể, những ngược đãi, sách nhiễu, đàn áp trong tương lai cũng không khác lắm với những gì cộng đồng Cao Đài đã trải nghiệm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự khác biệt với trước đây là người Cao Đài 1926 không còn đơn lẻ nhưng là một cộng đồng lớn hơn, biết tổ chức từ trong nước ra đến hải ngoại, biết cách làm việc theo kế hoạch, có nhiều bạn bè trong và ngoài nước hơn trước đây, có nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ các nước biết đến sự đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và niềm tin của người đạo Cao Đài 1926…
Tôi mong rằng những hỗ trợ, giúp đỡ của cá nhân và tổ chức cho cộng đồng Cao Đài trong thời gian trước đây sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Hy vọng sẽ có nhiều cơ hội làm việc cùng quý vị trong tương lai và sẽ nỗ lực phục hồi cơ đạo Cao Đài.
Cám ơn sự quan tâm của quý vị đến vấn đề của cộng đồng Cao Đài 1926. Xin cám ơn quý vị đã theo dõi phần ý kiến của tôi.
Xin cám ơn
Không có nhận xét nào