Võ Thái Hà tổng hợp
Hội nghị cấp ngoại trưởng G20: Căng thẳng vì chiến tranh Ukraina
Ảnh minh họa : Một phiên họp G20 tại Jakarta, Indonesia, ngày 17/02/2022. AP - Mast Irham
Cùng tham dự hội nghị G20 tổ chức tại Bali-Indonesia trong hai ngày 07 và 08/07/2022, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ không dự trù đối thoại song phương. Chiến tranh Ukraina, trọng tâm của hội nghị, làm lu mờ hai hồ sơ lớn là khủng hoảng về lương thực và năng lượng.
Từ khi Matxcơva xâm chiếm Ukraina, đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Serguei Lavrov đối diện với các đồng nhiệm phương Tây, đó là những quốc gia tố cáo Nga « phạm tội ác chiến tranh ».
Theo AFP, vài giờ trước khi các bên ngồi vào bàn họp, một quan chức Mỹ xin được giấu tên báo trước G20 « hoàn toàn không thể đưa ra một tuyên bố chung về Ukraina ». Không một buổi làm việc nào được dự trù giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga. Dù vậy Washington chờ đợi G20 đề xuất một số sáng kiến để giải quyết vấn đề khan hiếm lượng thực đe dọa đẩy một phần nhân loại vào cảnh đói kém và trên vấn đề khủng hoảng về năng lượng.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, trong cương vị chủ tịch luân phiên nhóm G7, cũng mạnh mẽ cho rằng, G20 phải có lập trường cứng rắn với Matxcơva, không thể làm như « không có chuyện gì xảy ra » trong lúc mà Matxcơva đã xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền. G7 cũng sẽ phối hợp để có « chung một tiếng nói » về hồ sơ Ukraina.
Tuy nhiên đến nay nhiều thành viên của G20 không lên án tổng thống Vladimir Putin xâm chiếm Ukraina và cũng không đứng về phía Âu, Mỹ để ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Nhiều quốc gia không tán đồng việc đòi loại Nga ra khỏi G20. Trong số này, có Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil. Indonesia trong cương vị chủ tịch luân phiên của G20 đã cố gắng đóng vai trò hòa giải, mời cả tổng thống Vladimir Putin lẫn đồng cấp Ukraina, Volodymyr Zelensky, dự thượng đỉnh Bali vào mùa thu năm nay.
Bên lề cuộc họp G20 hôm nay và ngày mai, ngoại trưởng Mỹ dự trù nhiều buổi làm việc với các đồng cấp. Mọi chú ý hướng về cuộc họp song phương giữa ngoại trưởng Blinken với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, rồi với hai đồng minh châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối thoại Washington – Bắc Kinh xoáy vào vế kinh tế và an ninh. Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc họp của ông Blinken với các đồng cấp Nhật, Hàn.
Ông Boris Johnson từ chức Thủ tướng Anh
07/7/2022
Ông Boris Johnson đứng ở phía trước số 10 phố Downing.
Ông Boris Johnson cho biết hôm thứ Năm 7/7 rằng ông từ chức thủ tướng Anh, thuận theo lời kêu gọi từ các bộ trưởng và các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ của ông.
"Quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo mới cần bắt đầu ngay bây giờ", ông Johnson nói tại cửa tòa nhà số 10 phố Downing, tức trụ sở của chính phủ Vương quốc Anh.
"Và hôm nay tôi đã bổ nhiệm một nội các - bao gồm cả tôi - sẽ làm việc cho đến khi có một nhà lãnh đạo mới", vẫn lời tuyên bố của ông Johnson.
Chỉ trừ một số đồng minh ít ỏi, còn hầu hết những người khác đã rời bỏ ông Johnson sau khi vụ bê bối gần đây nhất trong một loạt các vụ bê bối đã làm họ không còn sẵn lòng ủng hộ ông nữa.
Đảng Bảo thủ giờ đây sẽ phải bầu ra một nhà lãnh đạo mới, một quá trình có thể mất khoảng hai tháng.
Phát biểu tại số 10 phố Downing, ông Johnson cảm ơn hàng triệu người đã bầu cho đảng Bảo thủ. Đồng thời, ông bày tỏ lòng tự hào về thành tựu mà chính phủ của ông đạt được, trong đó có việc rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu, còn gọi là Brexit, đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19, phân phối vắc xin nhanh nhất châu Âu, thoát khỏi tình trạng phong tỏa nhanh nhất, và trong một vài tháng qua đã đi đầu trong khối phương Tây chống lại cuộc xâm lược của ông Putin ở Ukraine.
Ông Johnson có tính cách sôi nổi lên nắm quyền gần 3 năm trước, hứa hẹn sẽ đưa Vương quốc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu và giải cứu đất nước khỏi những mâu thuẫn sau cuộc trưng cầu Brexit năm 2016.
Kể từ đó, một số đảng viên Bảo thủ đã nhiệt tình ủng hộ nhân vật là cựu nhà báo và thị trưởng London, trong khi những người khác, tuy còn dè dặt, ủng hộ ông vì ông có thể vận động được các nhóm cử tri thường không mặn mà với đảng.
Điều đó đã được chứng minh trong cuộc bầu cử tháng 12/2019. Nhưng phương pháp làm việc quá táo bạo và thường khá rối ren của chính quyền của ông và một loạt vụ bê bối đã làm nhiều nhà lập pháp cùng đảng với ông mất hết thiện chí, trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông không còn được công chúng yêu thích nữa.
Cuộc khủng hoảng gần đây nổ ra sau khi nhà lập pháp Chris Pincher, người có chân trong chính phủ và phụ trách một số vấn đề tôn giáo, bị buộc phải nghỉ việc vì có những cáo buộc là ông ta sờ soạng đàn ông trong một câu lạc bộ khép kín.
Ông Johnson đã phải xin lỗi sau khi nổi lên thông tin là chính ông đã từng được thông báo rằng ông Pincher có quá khứ bị khiếu nại về hành vi tình dục sai trái trước khi ông Johnson ra quyết định bổ nhiệm. Vị thủ tướng nói rằng ông đã quên mất.
Vụ này tiếp nối vào nhiều tháng đã xảy ra các vụ bê bối và sai lầm khác, bao gồm một báo cáo tai hại về các bữa tiệc rượu tại văn phòng và tư dinh của ông Johnson ở phố Downing vi phạm các quy tắc nghiêm ngặt về cách ly COVID-19, cũng như việc ông Johnson bị cảnh sát phạt vì một cuộc tụ tập nhân sinh nhật lần thứ 56 của ông.
Ngoài ra, ông còn bị ảnh hưởng vì có các cú quay 180 độ về chính sách, biện hộ sai lầm cho một nhà lập pháp đã vi phạm quy định về vận động hành lang, và bị chỉ trích là ông đã không làm hết mình để giải quyết lạm phát.
(Reuters)
Nga thu về 24 tỷ USD nhờ bán dầu cho Trung Quốc, Ấn Độ trong 3 tháng
Nga đã thu về 24 tỷ USD từ việc bán năng lượng cho Trung Quốc và Ấn Độ chỉ trong 3 tháng sau cuộc xâm lược vào Ukraine. Giá dầu thô neo cao phần nào đang hạn chế nỗ lực trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu đối với Moscow.
Giá dầu thô neo cao, Trung Quốc và Ấn Độ bất chấp lệnh trừng phạt vẫn tăng mua dầu từ Nga. (Ảnh minh họa: PX Media/Shutterstock)
Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã chi 18,9 tỷ USD cho dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga chỉ trong 3 tháng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu hải quan mới nhất cho thấy.
Trong khi đó, Ấn Độ đã bỏ ra 5,1 tỷ USD để mua năng lượng từ Nga cùng thời điểm trên, gấp hơn 5 lần giá trị của một năm trước. Tổng cộng hai quốc gia đã tăng mua thêm 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
“Trung Quốc về cơ bản đã mua mọi thứ mà Nga có thể xuất khẩu thông qua các đường ống và cảng Thái Bình Dương”, Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.
Được biết, Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và có các đường ống chuyên dụng cho dầu khí Siberia. Ngay cả khi mức tiêu thụ năng lượng của nước này đã bị hạn chế trong nửa đầu năm 2022 – một phần do các đợt phong tỏa COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán). Tuy vậy, Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn cho năng lượng của Nga do giá cả hấp dẫn.
Còn Ấn Độ là người mua chủ yếu các hàng hóa của Nga ra khỏi Đại Tây Dương mà các quốc gia châu Âu không muốn mua.
Sự gia tăng chi tiêu của Ấn Độ sau chiến tranh Nga-Ukraine đã kịch tính hơn nhiều, vì nước này không có chung biên giới trên bộ với Nga và các cảng của nước này thường ở quá xa để vận chuyển tiết kiệm chi phí. Nước này đã chi 8,8 tỷ USD cho nhập khẩu dầu mỏ và than đá từ ngày 24/2 đến ngày 30/6, nhiều hơn số tiền này đã bỏ ra cho tất cả hàng hóa của Nga trong cả năm 2021, theo một quan chức Bộ Thương mại, người đã yêu cầu giấu tên vì dữ liệu không được công khai. Người phát ngôn Bộ Thương mại Ấn Độ không bình luận.
Ngoài những bước nhảy vọt về dầu mỏ và than đá, Ấn Độ cũng nhập khẩu ba lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu, so với một lô trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg.
“Trong quá khứ, Ấn Độ đã lấy rất ít dầu của Nga, nhưng cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh cấm vận dầu có nguồn gốc từ Nga của Liên minh châu Âu đã dẫn đến sự tái cân bằng trong các dòng chảy thương mại dầu mỏ”, Wei Cheong Ho, một nhà phân tích của Rystad Energy, cho biết trong một ghi chú nghiên cứu vào tháng trước.
Nga có mối quan hệ thương mại lâu dài với Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với việc giảm giá mạnh và đang chấp nhận thanh toán bằng nội tệ để giúp giữ cho dòng chảy thương mại đến các quốc gia này mạnh mẽ trong năm nay.
Đợt giảm giá dầu Nga khó có thể kết thúc sớm, với giá năng lượng toàn cầu cao hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái. Trên cơ sở khối lượng, nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng chậm trong tháng 6, trong khi Ấn Độ có thể có động lực để thúc đẩy mua hàng hơn nữa trong những tháng tới khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga có hiệu lực, ông Myllyvirta nhận định.
Đức Minh dịch, theo Bloomberg
Việt Nam - Nga thảo luận về thúc đẩy quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”
Hôm qua, 06/07/2022, trong cuộc hội đàm tại Hà Nội nhân chuyến viếng thăm Việt Nam, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã thảo luận với đồng nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn về các biện pháp thúc đẩy quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước. Theo báo chí chính thức của Việt Nam, ông Serguei Lavrov và ông Bùi Thanh Sơn cũng đã xem xét việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo của Việt Nam và Nga.
Theo trang mạng Asia Times hôm nay, 07/07, trong cuộc hội đàm với bộ trưởng Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn hôm qua, ông Lavrov đã đánh giá cao việc Việt Nam không tham gia vào các biện pháp trừng phạt quốc tế mà ông xem là “không chính đáng”. Ngoại trưởng Nga nhân dịp này chỉ trích phương Tây và chính phủ Ukraina, xem việc phương Tây yểm trợ Ukraina là hành động bảo trợ cho “chủ nghĩa khủng bố nhà nước”. Ông Lavrov thậm chí còn kêu gọi toàn bộ các quốc gia trên thế giới nên “tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó, ngoại trưởng Lavrov đã tuyên bố Nga “luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực và mong muốn củng cố hơn nữa hợp tác với Việt Nam”. Về phần thủ tướng Phạm Minh Chính Việt Nam, ông khẳng định chính phủ Việt Nam “luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, mong muốn làm sâu sắc và hiệu quả hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực”.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong cuộc hội kiến với thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Lavrov đã “chia sẻ lập trường của Nga về Ukraina”, nhưng hãng tin chính thức của Việt Nam không nói rõ lập trường đó là như thế nào. Đáp lại, ông Phạm Minh Chính cũng không nhắc lại lập trường của Việt Nam về chiến tranh Ukraina, mà chỉ cám ơn Nga “đã tích cực hỗ trợ sơ tán người Việt Nam tại Ukraina thời gian qua”.
Cũng ngày hôm qua, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ngoại trưởng Nga Lavrov.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một quan chức cao cấp Nga kể từ khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina ngày 24/02. Theo nhận định của trang mạng Asia Times hôm nay, 07/07, việc ông Lavrov được gặp cả ba nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao, chính phủ và đảng của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai đồng minh từ thời Chiến tranh lạnh vẫn rất chặt chẽ trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Tình báo Anh-Mỹ báo động mối đe dọa từ Trung Quốc
Bình Phương
6 tháng 7, 2022
Chiến lược của Trung Quốc là lấy lòng các nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương để hỗ trợ các chương trình nghị sự được che giấu của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại TQ Gary Locke (trái) và cựu Thống đốc California Jerry Brown (phải) trong một chuyến viếng thăm và ký kết hợp tác với TQ ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh Andy Wong-Pool/Getty Images,
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) Christopher Wray đã cùng với người đồng cấp Anh, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Nội địa MI5 Ken McCallum, đưa ra cảnh báo rõ ràng về mối đe dọa an ninh quốc gia đối với phương Tây từ Trung Quốc, trong lúc các quan chức tình báo ở Washington đã công bố một báo cáo về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ảnh hưởng đến chính trị cấp bang và địa phương ở Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo chung lần đầu tiên giữa người đứng đầu FBI và MI5 tại London hôm nay thứ Tư 6 tháng Bảy, ông Wray đã nêu ra khả năng Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc xâm lược Đài Loan; ông lưu ý Bắc Kinh đang thực hiện các bước để bảo vệ nền kinh tế khỏi các lệnh trừng phạt có thể có sau một hành động quân sự như vậy.
“Trong thế giới của chúng tôi, chúng tôi gọi kiểu hành vi đó là ‘manh mối’,” ông Wray nói và thêm rằng nếu một cuộc xâm lược sẽ xảy ra, “nó sẽ là một trong những sự gián đoạn kinh doanh khủng khiếp nhất mà thế giới từng chứng kiến.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận của đài NBC News.
Tổng giám đốc MI5 Ken McCallum nhắc lại quan điểm mà Wray và các chính trị gia lưỡng đảng của Hoa Kỳ đưa ra trong những năm gần đây – rằng niềm hy vọng lâu dài về sự tiến bộ của Trung Quốc đã bị tiêu tan bởi hành vi của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. “Quan niệm phổ biến của phương Tây rằng sự thịnh vượng ngày càng tăng và tăng cường kết nối với phương Tây sẽ tự động dẫn Trung Quốc đến tự do chính trị đã chứng tỏ là sai lầm. Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm đến hệ thống dân chủ, truyền thông và luật pháp của chúng ta nhưng đáng buồn là họ không nhắm mô phỏng chúng mà để lợi dụng chúng cho lợi ích của họ,” ông McCallum nói.
Cả hai quan chức tình báo đều khẳng định những lo ngại trước đây của họ về hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc, thông qua việc tấn công mạng điện toán và sử dụng điệp viên con người. Họ khẳng định Trung Quốc đang sử dụng các hành vi đe dọa, bắt nạt và sức mạnh kinh tế để chiếm hữu tài sản trí tuệ của phương Tây trong một chiến lược được thiết kế tỉ mỉ, không phải để giao thương hòa bình với Mỹ và châu Âu mà để trở thành cường quốc thống trị thế giới thay thế phương Tây.
“Thách thức thay đổi cuộc chơi nhiều nhất mà chúng tôi phải đối mặt đến từ một đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng độc tài đang gây áp lực bí mật trên toàn cầu. Điều này nghe có vẻ trừu tượng, nhưng nó là thực và nó gây bức xúc. Chúng ta cần nói về nó. Chúng ta cần phải hành động”, ông McCallum nói.
Còn theo ông Wray, “Chính phủ Trung Quốc đặt ra mối đe dọa trầm trọng cho các doanh nghiệp phương Tây mà ngay cả những người kinh doanh sành sỏi cũng không nhận ra.”
McCallum cho biết, cơ quan MI5 của Anh đang thực hiện số cuộc điều tra liên quan đến Trung Quốc nhiều gấp 7 lần so với bốn năm trước. Còn ông Wray nói cứ sau mỗi 12 tiếng đồng hồ, FBI lại phải mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc.
Không lâu sau khi hai quan chức họp báo tại London, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ trực thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đã công bố công khai một bản tin về nỗ lực rộng lớn của Trung Quốc nhằm ảnh hưởng đến các quan chức chính quyền địa phương tại Hoa Kỳ.
“Một số mục tiêu của các hoạt động gây ảnh hưởng của [chính phủ Trung Quốc] tại Hoa Kỳ là mở rộng sự ủng hộ các lợi ích của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương, đồng thời sử dụng các mối quan hệ này để gây áp lực buộc Washington đưa ra các chính sách thân thiện hơn với Bắc Kinh… Các nhà lãnh đạo ở cấp tiểu bang, địa phương, bộ lạc và lãnh thổ của Hoa Kỳ có nguy cơ bị thao túng để hỗ trợ các chương trình nghị sự được che giấu của [chính phủ Trung Quốc]”, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo Trung Quốc sử dụng các thủ đoạn như cung cấp các chuyến du lịch miễn phí [tới Trung Quốc] cho các quan chức tiểu bang và địa phương, khai thác quan hệ đối tác giữa các thành phố và đưa ra miếng mồi nhử là đầu tư kinh tế cho các địa phương đang gặp khó khăn miễn là họ ủng hộ lợi ích của Bắc Kinh. “Hồi tháng Mười Một, Đại sứ quán Trung Quốc đã cảnh báo các công ty Hoa Kỳ rằng nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh ở Trung Quốc họ cần phải chống lại các dự luật trong Quốc Hội mà Trung Quốc không thích”, ông Wray cho biết. Việc Trung Quốc nỗ lực chiếm cảm tình của chính quyền cấp tiểu bang và địa phương Hoa Kỳ được biết là do các chính trị gia lưỡng đảng ở Washington đã ngày càng trở nên thù địch với Bắc Kinh.
Báo cáo cho biết, một nghiên cứu năm 2019 do một trường đại học Trung Quốc và một tổ chức tư vấn của đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện đã phân tích và xếp hạng 50 thống đốc tiểu bang của Hoa Kỳ dựa trên thái độ của họ đối với Trung Quốc là “thân thiện”, “cứng rắn” hay “mơ hồ”. Nghiên cứu cũng bao gồm độ tuổi, giới tính, đảng phái chính trị, lịch sử làm việc và trạng thái của họ theo quy mô kinh tế, vị trí địa lý và mức độ thương mại với Trung Quốc.
Indonesia xoay sở ngoại giao trong khuôn khổ G20
Ngoại trưởng của các nước G20 đã tập trung tại Bali vào thứ Năm, một thời điểm ngoại giao tích cực bất thường đối với nước chủ nhà Indonesia. Tổng thống Joko Widodo, biệt danh là Jokowi, gần đây đã đến thăm những người đồng cấp ở cả Ukraine và Nga trong một “sứ mệnh hòa bình” nhằm xoa dịu trạng thiếu hụt trên thị trường ngũ cốc toàn cầu.
Indonesia đã đưa ra ba ưu tiên của mình trong năm họ giữ ghế chủ tịch luân phiên của G20: “kiến trúc y tế toàn cầu” (nghĩa là sự chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai); “chuyển đổi kỹ thuật số” (đặc biệt là về tài chính); và “chuyển đổi năng lượng bền vững.” Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Jokowi, các cuộc họp G20 năm nay sẽ phải tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine.
Sang tháng 11, Bali sẽ là nơi tiếp đón các nhà lãnh đạo G20. Vladimir Putin, Tổng thống Nga, sẽ tham dự, và Jokowi cũng đã mời Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, dù Ukraine không phải là thành viên của nhóm này. Ngay cả khi ở hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, người ta vẫn sẽ khó tránh khỏi việc nói về chiến tranh.
Australia lại ngập trong lũ lụt
Một khu vực áp suất thấp đang tàn phá New South Wales, bang đông dân nhất của Australia. Lượng mưa đổ xuống Sydney trong bốn ngày qua còn cao hơn tổng lượng mưa tại London suốt một năm. Ít nhất một người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải sơ tán vì sông vỡ bờ. Một số thị trấn đang phải chống chọi với lũ lụt khi mưa từ Sydney di chuyển về phía bắc.
Các công dân phải chịu cảnh lũ lụt sẽ được cứu trợ vào thứ Năm tới, dưới hình thức trợ cấp thảm họa liên bang. Chính phủ Lao động mới, do Anthony Albanese lãnh đạo, sẽ cấp 1.000 AUD (680 USD) cho bất kỳ ai có nhà bị ngập do nước dâng. Nhưng khoản tiền đó chẳng thấm vào đâu. Và việc xây dựng lại nhà cửa ngày càng trở nên khó hơn. Lũ lụt đang tấn công Australia ngày càng dữ dội; một số vùng trũng ở phía tây Sydney đã bị nhấn chìm dưới nước bốn lần trong 18 tháng qua. Khi nước rút dần, người dân sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: rời đi hoặc chuẩn bị cho những trận ngập lụt lớn hơn nữa.
Nhiệt độ cực cao trong cuộc hành hương đến Mecca
Vào thứ Năm, khoảng 1 triệu người hành hương sẽ bắt đầu Haj (lễ hành hương) hàng năm đến Mecca ở Ả Rập Xê Út, một nghi lễ tôn giáo mà mọi người Hồi giáo có đủ tài chính và vật chất phải hoàn thành ít nhất một lần trong đời. Đây là lần đầu tiên chính phủ Ả Rập Saudi cho phép những người hành hương nước ngoài tham gia Haj, kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Nhưng việc đặt chỗ tại điểm hành hương, được thực hiện bằng xổ số, đã diễn ra rất hỗn loạn. Và những người đến được Mecca sẽ phải đối mặt với nhiệt độ trên 400C, mức nhiệt có thể tàn phá cơ thể con người. Như thường lệ, khi Haj rơi vào mùa hè (ngày lễ chính thức còn tùy thuộc vào âm lịch), những người hành hương sẽ được phun nước và di chuyển qua các hành lang rộng lớn có điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, các mô hình khí hậu cho thấy rằng, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,50C so với nhiệt độ ở thời kỳ tiền công nghiệp, khả năng nhiệt độ tăng đến mức gây chết người trong thời điểm diễn ra Haj sẽ cao hơn gấp 5 lần. Còn mức chênh lệch 20C sẽ làm tăng rủi ro lên gấp 10 lần. Nghi lễ tôn giáo này đang ngày càng trở nên nguy hiểm.
TQ: Tây An phong tỏa do bùng phát biến thể Omicron BA.5.2, người dân tháo chạy
Đợt bùng phát biến thể Omicron nhánh BA.5.2 tại Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Tây An tạm thời bị phong tỏa trong 7 ngày khiến làn sóng tháo chạy tại ga tàu đã xảy ra (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video).
Tình hình dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) ở Tây An tỉnh Thiểm Tây – Trung Quốc lại bùng phát. Ngày 6/7 cơ quan chức năng tỉnh Thiểm Tây đã xác nhận những ca dương tính nhiễm biến thể Omicron nhánh BA.5.2, dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp nên sẽ tạm thời phong tỏa trong 7 ngày kể từ ngày 6/7. Cộng đồng mạng Trung Quốc lại truyền tin có làn sóng người tháo chạy khỏi Tây An sau khi biết thông tin.
Theo dữ liệu từ trang web Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Thiểm Tây: ngày 3/7, Tây An đã có thêm 3 trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng; ngày 4/7, lại có thêm 7 trường hợp với 2 trường hợp không có triệu chứng; vào ngày 5/7, có thêm 1 trường hợp mới (bị nhẹ) và 10 ca nhiễm không triệu chứng. Như vậy trong 3 ngày liên tiếp, Tây An có thêm 23 trường hợp dương tính mới.
Theo một thông tin vào ngày 6/7 trên trang web của tỉnh Thiểm Tây, hầu hết các ca dương tính với axit nucleic được tìm thấy trong đợt dịch hiện tại ở Tây An đều liên quan đến khu phân phối và giao dịch tài nguyên tái tạo Đại Phong Thượng (Bảo tàng nghệ thuật tái tạo Đại Phong Thượng).
Theo nguồn tin, khu này là khu buôn bán tài nguyên tái tạo lớn nhất ở tỉnh Thiểm Tây, bao gồm nhiều lĩnh vực và có tình hình nhân sự phức tạp; hầu hết các trường hợp được phát hiện là nhân viên thu hồi đồ phế thải, nhóm người này hoạt động trên phạm vi rộng và tiếp xúc với nhiều người. Theo dõi dấu vết hoạt động của người nhiễm cho thấy liên quan đến nhiều nơi đông người như nhà hàng, siêu thị, khu cộng đồng dân cư, chợ buôn bán lớn, khu dịch vụ tốc độ cao…
Kể từ ngày 2/7, tổng cộng khoảng 27,7 triệu người đã lấy mẫu trên toàn thành phố. Tính đến 12:00 ngày 5/7, thành phố Tây An đã xác định được 1.464 người tiếp xúc gần và 3.219 người tiếp xúc gần thứ cấp, tất cả đều đã được cách ly.
Nguồn tin cho biết rằng chủng lây nhiễm của những người dương tính đều là nhánh BA.5.2 của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, họ cũng nhấn mạnh rằng virus này đến từ nước ngoài và hiện chưa làm rõ được nguồn gốc.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), nhánh BA.5.2 của biến thể Omicron bùng phát ở Tây An là ổ dịch đầu tiên được biết đến ở Trung Quốc do nhánh BA.5 gây ra. Hiện nay Tây An đã tạm thực hiện phong tỏa 7 ngày tại các địa điểm công cộng, theo đó từ 0:00 giờ ngày 6/7 các địa điểm hoạt động công cộng ở toàn Tây An phải đóng cửa trong 1 tuần.
Theo tin tức Tuyên Thành (Newsxc), tính đến 6 giờ ngày 6/7, Tây An tỉnh Thiểm Tây đã chỉ định 9 vùng nguy cơ cao liên quan Khu phân phối và giao dịch tài nguyên tái tạo Đại Phong Thượng cùng 10 vùng nguy cơ cao liên quan đến làng Tam Ích, đường Đại Triệu, quận Trường An, thành phố Tây An.
Cộng đồng mạng Trung Quốc có thông tin cho rằng trào lưu tháo chạy đang xuất hiện trở lại ở Tây An. Sau khi người dân nghe thông tin về việc phong tỏa tạm thời 7 ngày, đêm hôm đó rất nhiều người đã chạy đến nhà ga tàu điện khiến nhà ga chật cứng người. Một số cư dân mạng nói: “Đêm qua, tàu điện ngầm đầy sinh viên đại học xách vali”, “Cách tuyệt vời để thúc đẩy du lịch”, “Trước đây cơ quan chức năng tuyên bố Thượng Hải sẽ bị phong tỏa trong 4 ngày, nhưng cuối cùng đã phong tỏa 2 tháng. Lần này nếu tuyên bố 7 ngày thì e rằng cũng ít nhất phải 2 tháng”…
Lý Mộc Tử, Vision Times
Không có nhận xét nào