Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 26 tháng 7 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thế giới phẫn nộ lên án vụ Myanmar xử tử 4 nhà hoạt động 

    26/7/2022 

    Reuters 

    Nhà vận động dân chủ Myanmar Kyaw Min Yu, được biết đến nhiều hơn với tên Jimmy, cùng vợ và con (ảnh chụp tháng 1/2012). Ông Kyaw Min Yu bị xử tử ngày 25/7 cùng với 3 người khác.

    Nhà vận động dân chủ Myanmar Kyaw Min Yu, được biết đến nhiều hơn với tên Jimmy, cùng vợ và con (ảnh chụp tháng 1/2012). Ông Kyaw Min Yu bị xử tử ngày 25/7 cùng với 3 người khác. 

    Quân đội cầm quyền của Myanmar ngày 25/7 loan báo đã xử tử 4 nhà hoạt động dân chủ với cáo buộc tiếp tay cho ‘các hoạt động khủng bố’, khơi dậy lên án từ cộng đồng quốc tế.

    Bị kết án tử hình trong các phiên tòa bí mật vào tháng 1 và tháng 4, những người đàn ông này bị buộc tội hỗ trợ một phong trào phản kháng dân sự từng chiến đấu chống lại quân đội kể từ cuộc đảo chính năm ngoái và từ cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu trên toàn quốc.

    Trong số những người bị xử tử có nhà vận động dân chủ Kyaw Min Yu, được biết đến nhiều hơn với tên Jimmy, và cựu nghị sĩ kiêm nghệ sĩ hip-hop Phyo Zeya Thaw, đồng minh của nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi. Hai người còn lại bao gồm Hla Myo Aung và Aung Thura Zaw.

    Truyền thông nhà nước cho biết “lệnh trừng phạt đã được thi hành,” nhưng không cho biết khi nào, hoặc bằng phương pháp nào. Các vụ xử tử trước đây ở Myanmar đã được thực hiện bằng cách treo cổ.

    Người đứng đầu nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet gọi đây là một “bước tàn nhẫn và thoái trào” sẽ “chỉ làm cho nước này lún sâu vào cuộc khủng hoảng tự tạo.”

    Hoa Kỳ lên án hành động này và nói rằng mọi chuyện sẽ không còn bình thường nữa đối với nhà cầm quyền quân sự Myanmar.

    Cố vấn về án tử hình thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, Chiara Sangiorgio, nói các vụ xử tử này là “một bước lùi rất lớn” và chính quyền quân sự Myanmar sẽ “không dừng lại ở đó.”

    Quyền Giám đốc khu vực châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Elaine Pearson nói đây là “một hành động cực kỳ tàn ác” nhằm “giảm bớt phong trào biểu tình chống đảo chính.”

    Một đoạn video cho thấy một số người biểu tình đeo mặt nạ hô vang khẩu hiệu và mang theo một biểu ngữ lớn xuống đường ở Yangon với nội dung “Chúng tôi sẽ không bao giờ sợ hãi” trước khi quay đầu bỏ chạy.

    ‘Xử tử dã man’

    Hoa Kỳ ngày 25/7 cho biết sẽ làm việc với các đồng minh trong khu vực để buộc chính quyền quân sự Myanmar phải chịu trách nhiệm và kêu gọi ngừng bạo lực và trả tự do cho tù chính trị.

    Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc nói: “Hoa Kỳ lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất việc chế độ quân sự Miến Điện xử tử dã man các nhà hoạt động dân chủ và các nhà lãnh đạo dân cử”.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong một cuộc họp báo rằng Washington đang xem xét các biện pháp tiếp theo để đáp trả nhà cầm quyền quân sự Myanmar và cho biết thêm rằng “tất cả các giải pháp” đều được tính tới.

    Ông kêu gọi các nước cấm bán thiết bị quân sự cho Myanmar và chớ làm bất cứ điều gì có thể giúp cho họ có uy tín quốc tế.

    Pháp lên án các vụ xử tử này và kêu gọi đối thoại giữa tất cả các bên, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rằng các vụ hành quyết này sẽ cô lập Myanmar hơn nữa.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết xung đột một cách hợp lý trong khuôn khổ hiến pháp của mình.

    Những nước khác kêu gọi các chế tài nhanh chóng.

    Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về nhân quyền Myanmar, Tom Andrews, nói với Reuters rằng Liên hiệp quốc nên “thông qua một nghị quyết mạnh mẽ không chỉ lên án không thôi mà phải có hành động chiến lược rõ ràng, chế tài, chế tài kinh tế và cấm vận vũ khí.”

    Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ Bob Menendez thúc giục Tổng thống Mỹ chế tài Công ty Dầu Khí của Myanmar cùng các công ty khác.

    Nga giảm sâu nguồn cung khí đốt vào châu Âu, đánh bật những hy vọng kinh tế 

    26/7/2022 

    Reuters 

    Trụ sở Gazprom tại Berlin, Đức.

    Trụ sở Gazprom tại Berlin, Đức. 

    Nga sẽ cắt giảm hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, một đòn giáng mạnh vào các quốc gia ủng hộ Kyiv trong lúc có hy vọng hôm 25/7 rằng xuất khẩu ngũ cốc bị chặn của Ukraine sẽ tái tục trong tuần này.

    Bất chấp một cuộc không kích vào cuối tuần, những con tàu đầu tiên từ các cảng Biển Đen của Ukraine có thể ra khơi trong vài ngày tới theo thỏa thuận được đồng ý vào ngày 22/7, Liên hiệp quốc cho biết. Điều này sẽ giúp xoa dịu một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế, mặc dù sự ngờ vực và nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn.

    Chi phí năng lượng tăng vọt và nỗi lo về nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai, hiện đã bước sang tháng thứ sáu, chưa có giải pháp nào trong tầm mắt và đang có tác động vượt ra ngoài biên giới Ukraine.

    Trên tiền tuyến, quân đội Ukraine báo cáo rằng các cuộc pháo kích của Nga tràn lan ở miền đông trong đêm và cho biết quân đội Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Bakhmut, một thành phố trong khu vực công nghiệp Donbas.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng đã cảnh báo phương Tây rằng các chế tài có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng lớn trên toàn cầu.

    Ngày 25/7, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, trích hướng dẫn từ một cơ quan giám sát cho biết dòng khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống còn 33 triệu mét khối mỗi ngày kể từ ngày 27/7.

    Đó là phân nửa dòng chảy hiện tại, vốn đã chỉ bằng 40% công suất bình thường. Trước chiến tranh, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga.

    Điện Kremlin nói vụ gián đoạn khí đốt là kết quả của các vấn đề bảo trì và các chế tài của phương Tây, trong khi Liên hiệp châu Âu cáo buộc Nga sử dụng biện pháp tống tiền năng lượng.

    Đức cho biết họ không thấy có lý do kỹ thuật nào cho đợt giảm nguồn cung mới nhất.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảnh báo rằng Điện Kremlin đang tiến hành một cuộc “chiến tranh khí đốt” chống lại một châu Âu thống nhất

    Các chính trị gia ở châu Âu đã nhiều lần nói rằng Nga có thể cắt khí đốt vào mùa đông này, một bước đi có thể đẩy Đức vào suy thoái và dẫn đến giá cả tăng vọt đối với người tiêu dùng vốn đã phải đối mặt với chi phí năng lượng cao.

    Trong khi đó Moscow vẫn một mực nói rằng họ không nghĩ tới chuyện ngưng hẳn hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

    Không kích

    Với vũ khí phương Tây đang thúc đẩy phía Ukraine, quân Nga đang có những bước tiến chậm nhưng họ được cho là đang sẵn sàng cho một nỗ lực mới ở phía đông.

    Ukraine ngày 25/7 nói các lực lượng của họ đã sử dụng hệ thống rốc-két HIMARS do Mỹ cung cấp để phá hủy 50 kho đạn của Nga kể từ khi nhận vũ khí vào tháng trước.

    Bộ Quốc phòng Nga thì nói rằng lực lượng của họ đã phá hủy một kho đạn cho các hệ thống HIMARS.

    Không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố của cả hai phía.

    Trung Quốc đe dọa hành động quân sự nếu bà Pelosi vẫn đến thăm Đài Loan vào tháng 8 tới

    Quang Nhật

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/ntdvn_gettyimages-1396358980.jpg

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu trong Hội nghị Khí hậu Aspen Ideas hàng năm tại Trung tâm Thế giới Mới vào ngày 09/05/2022 tại Bãi biển Miami, Florida. (Ảnh: Joe Raedle / Getty Images) 

    Trung Quốc cảnh báo Nhà Trắng bằng một giọng điệu hung hăng chưa từng có rằng nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8 tới đây, Bắc Kinh sẽ dùng các biện pháp quân sự để đáp trả. Nhưng 3 xu hướng quốc tế quan trọng đã hình thành và điều này khiến Trung Quốc khó có thể thành công trong việc thâu tóm eo biển hoặc to tiếng phản đối các nỗ lực quốc tế này…

    ĐCSTQ đe dọa đáp trả quân sự nếu Pelosi thăm Đài Loan

    Tờ Financial Times là trang truyền thông đầu tiên tiết lộ vào ngày 19/7 rằng Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có thể thăm Đài Loan vào tháng 8, đây sẽ là một phần quan trọng trong chuyến thăm châu Á của bà.

    Tuy nhiên, vào ngày 23/7, Financial Times dẫn lời 6 người quen thuộc với vấn đề này cho biết Trung Quốc đã công khai cảnh báo Nhà Trắng rằng họ sẽ áp dụng “các biện pháp mạnh mẽ” đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Ngôn ngữ mà Bắc Kinh sử dụng hết sức khắc nghiệt, được cho là khắt khe chưa từng có. Bắc Kinh thậm chí còn nói họ không loại trừ khả năng sẽ phản ứng quân sự để đáp trả chuyến viếng thăm ngoại giao cấp quốc gia này.

    Cho tới nay, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao từ chối bình luận thông tin trên truyền thông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời các câu hỏi của Reuters vào ngày 24/7 vừa qua.

    Tờ Financial Times dẫn các nguồn tin nói rằng Trung Quốc thậm chí có thể cố gắng ngăn máy bay của Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan hoặc thực hiện các hành động quân sự khác để ngăn cuộc viếng thăm ngoại giao này. Bài báo cho biết Trung Quốc có thể sẽ sử dụng máy bay chiến đấu để đánh chặn máy bay quân sự của Pelosi. Nhà Trắng đang đánh giá thực trạng mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.

    Điều đáng nói là bà Pelosi, trong một câu trả lời dành cho một phóng viên vào ngày 21/7, cho biết bà “chưa bao giờ nói về kế hoạch chuyến thăm [Đài Loan] một cách công khai” vì nó liên quan đến “các vấn đề an ninh”. Lần này hành trình của bà đã bị rò rỉ khiến không ai có thể tưởng tượng được hậu quả an ninh của nó.

    Nói về chuyến thăm của Pelosi đến Đài Loan, ông Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) kiêm phát ngôn viên Nhà Trắng, từ chối cho biết liệu Nhà Trắng có can ngăn Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay không. Ông Kirby chỉ nói rằng Nhà Trắng đã cung cấp “bối cảnh, sự kiện và thông tin địa chính trị” và rằng “quyết định cuối cùng là của bà Pelosi”.

    Hãng thông tấn trung ương đưa tin rằng chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, nếu thành công, sẽ là quan chức cấp cao nhất hiện tại của Hoa Kỳ thăm Đài Loan kể từ khi ông Newt Gingrich, Chủ tịch Hạ viện của Đảng Cộng hòa thăm eo biển vào năm 1997.

    Trong khi bà Pelosi có kế hoạch viếng thăm Đài Loan thì Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gấp rút chuẩn bị cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn thảo về các vấn đề của Đài Loan.

    Một số chuyên gia chỉ ra rằng Bắc Kinh tin rằng ông Joe Biden và bà Pelosi đều là thành viên của Đảng Dân chủ, Nhà Trắng nên là người lên kế hoạch cho các chuyến viếng thăm ngoại giao. Tuy nhiên, tại Mỹ, hệ thống lập pháp (Quốc hội) hoàn toàn độc lập với hệ thống hành pháp (Chính quyền), ông Biden không có quyền ngăn cản bà Pelosi tham gia các chuyến viếng thăm như vậy.

    Chính sách ngoại giao năng động đáng ngạc nhiên của Indonesia

    Đối với Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, cuộc gặp với Joko Widodo hôm thứ Ba đánh dấu sự quay trở lại với ngoại giao trực tiếp sau khi ông quyết định tự cô lập bản thân trong đại dịch. (Dù Tập có tham dự một vài cuộc họp trong Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2.) Nhưng đối với Jokowi, biệt danh của Tổng thống Indonesia, đây là sự kiện mới nhất trong một loạt các chuyến thăm gần đây.

    Hoạt động ngoại giao của Jokowi mang một khía cạnh kinh tế quan trọng. Ông đã yêu cầu Vladimir Putin không ngăn chặn xuất khẩu lúa mì của Ukraine, thứ mà Indonesia cần để sản xuất mì ăn liền. Tại Bắc Kinh, ông sẽ vận động hành lang cho một dự án đường sắt cao tốc. Và đầu tư sẽ là mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự khi ông đến Nhật Bản và Hàn Quốc sau đó.

    Tuy nhiên, kỹ năng ngoại giao của Jokowi sẽ đặc biệt được kiểm chứng khi Indonesia tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-20 vào tháng 11 này. Nga là thành viên G-20, nhưng phương Tây đã đe dọa tẩy chay sự kiện này nếu Putin xuất hiện. Vì vậy, Jokowi đã mời Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, cùng tham dự, với hy vọng điều đó có thể xoa dịu phương Tây.

    Viễn cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu

    Dự báo cập nhật về nền kinh tế toàn cầu, dự kiến được IMF công bố vào thứ Ba, sẽ mang những thông điệp ảm đạm. Triển vọng đã dần xấu đi trong năm nay, do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, sự suy yếu kinh tế ở Trung Quốc, và thách thức giảm lạm phát của các ngân hàng trung ương.

    Lần gần nhất IMF công bố Triển vọng Kinh tế Thế giới là vào tháng 4. Khi đó, họ đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 gần một điểm phần trăm, xuống mức 3,6%. Nhưng tăng trưởng thực tế gần như chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo. Thật vậy, những dự báo cập nhật có thể cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ có ‘thành tích tồi tệ’ thứ ba từ năm 2000 tới nay, sau cú sốc covid-19 vào năm 2020, và cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Thời gian vẫn còn nhiều để tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa.

    Triển vọng mùa đông lạnh giá ở châu Âu

    Một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng EU vào thứ Ba có nguy cơ sẽ trở nên ‘băng giá’ bất thường. Nội dung chương trình nghị sự là một kế hoạch về việc EU nên cắt giảm nhu cầu khí đốt như thế nào để có thể vượt qua mùa đông, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Lo ngại càng trở nên sâu sắc hơn vào thứ Hai, khi Nga thông báo rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1, xuống còn 20% công suất.

    Ngày 20/07, Ủy ban châu Âu đề xuất rằng các quốc gia thành viên nên cắt giảm 15% tiêu thụ năng lượng, so với mức trung bình trong 5 năm qua, bắt đầu từ ngày 01/08 cho đến cuối tháng 3. Nhưng một số quốc gia từ chối tuân theo đề xuất. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tự hỏi tại sao họ phải bị trừng phạt vì chính sách năng lượng của các quốc gia khác, đặc biệt là Đức, vốn khiến nhóm nước này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga.

    Nhiều khả năng kết quả sẽ là một thỏa thuận đặt ra mục tiêu cho toàn EU nhưng miễn trừ cho một số thành viên. Phải duy trì quan hệ thân thiện, vì nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, người chiến thắng duy nhất sẽ là Vladimir Putin. Sự sụp đổ của đoàn kết châu Âu chính xác là những gì ông ta mong muốn.

    Bế tắc chính trị tại Bắc Ireland

    Hôm thứ Ba, các thành viên của Nghị viện Bắc Ireland (Northern Ireland Assembly) sẽ cố gắng thành lập chính phủ lần thứ ba kể từ tháng 5, nhưng họ gần như chắc chắn sẽ thất bại.

    Tháng 2, Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) ủng hộ Anh đã hạ bệ chính quyền để phản đối Nghị định thư Bắc Ireland, một phần gây tranh cãi của thỏa thuận Brexit, trong đó thiết lập biên giới thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland để tránh áp đặt một ‘biên giới cứng’ trên đảo Ireland. DUP sau đó đã thua trong cuộc bầu cử vào tháng 5 trước Đảng Sinn Fein, đối thủ theo chủ nghĩa dân tộc. Nhưng từ đó đến nay, DUP đã nhiều lần phủ quyết việc thành lập chính phủ mới.

    Liệu có thể mở khóa bế tắc chính trị này hay không? DUP hy vọng rằng vào tháng 9, Liz Truss sẽ giành được quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ và giữ đúng lời hứa của đảng này là từ bỏ hầu hết các nội dung của nghị định thư. (Đối thủ của bà, Rishi Sunak, công khai ủng hộ lập trường đó trước công chúng, nhưng người ta vẫn cho rằng ông lo sợ xảy ra chiến tranh thương mại với EU.) Dù thế nào đi nữa, đình trệ vẫn sẽ tiếp diễn hàng tháng trời. Và nếu không có chính phủ nào được thành lập vào cuối tháng 10, các cuộc bầu cử mới phải được tổ chức vào tháng 1 năm sau.

    Những người giàu Trung Quốc muốn mang tiền rời khỏi đất nước

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/07/1-12-700x366.jpg

    Ảnh minh hoạ (Ảnh: meeyland.com) 

    Theo số liệu từ Công ty Tư vấn Nhập cư Đầu tư, gần 10.000 người dân có giá trị ròng cao ở Trung Quốc sẽ rời khỏi Trung Quốc, hoặc ít nhất là muốn rời khỏi đất nước, với số tiền mang theo lên tới 48 tỷ USD. Vấn đề lớn nhất đối với một nhóm người như vậy là gì? Liệu ĐCSTQ cho phép họ “rời đi”?

    Giáo sư Chương Thiên Lượng, một nhà phân tích bình luận về các vấn đề thời sự đã đưa ra quan điểm về vấn đề này trên chương trình “Thiên hạ chính luận” của mình.

    Tờ Bloomberg báo cáo rằng khoảng 10.000 cá nhân có giá trị ròng cao đang tích cực chuẩn bị di cư vào năm 2022, chỉ đứng sau Nga với 15.000 người. Nga cũng là nơi có một số lượng lớn các cá nhân có giá trị ròng cao sẵn sàng rời khỏi đất nước, tiếp theo là Ấn Độ, Hồng Kông và Ukraine. 

    Thụy Sĩ là quốc gia mà những người này hướng đến, họ sẵn sàng đến Thụy Sĩ để định cư, đến Israel, đến Singapore, đến Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

    Theo Bloomberg, những cá nhân có giá trị ròng cao này đang sở hữu khối tài sản khoảng 48 tỷ USD, trung bình 4,8 triệu USD một người. GS. Chương Thiên Lượng cho rằng thật ra, đối với một đất nước, thứ quý nhất không phải là tiền mà chính là những người có thể tạo ra tiền và những người tạo ra của cải.

    Sự ra đi của rất nhiều người có giá trị ròng cao thực sự là sự ra đi của những người tạo ra của cải ở Trung Quốc. Đây là một điều rất đáng sợ.

    Trong hai ngày qua, đã có tin tức về việc ngay cả Lang Hàm Bình (Lang Xianping) người từng tâng bốc ĐCSTQ đã cùng gia đình chuyển đến Hồng Kông, điều này cho thấy mọi người bất đắc dĩ ở lại Trung Quốc như thế nào.

    Nhưng việc những người này rời đi cũng không có gì đặc biệt khó khăn, cái khó là tiền của họ chuyển đi như thế nào? Rất khó để chuyển tiền từ Trung Quốc ra nước ngoài.

    Đã từng có ba cách để chuyển tiền ra ngoài:

    Đầu tiên, cách những con kiến​​ chuyển nhà. Một năm đổi một người 50.000 tệ, tìm mười người thì đổi 500.000 tệ một năm, hai ba năm đổi được mấy triệu. Đây là kiểu kiến ​​chuyển nhà ngày xưa. Nhưng bây giờ nó đã bị mắc kẹt bởi ĐCSTQ. Nếu những người khác nhau gửi tiền vào tài khoản của một người, ngân hàng của ĐCSTQ sẽ phát hiện ra.

    Thứ hai là thông qua tiền điện tử. Mua bitcoin ở Trung Quốc và bán nó bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, ĐCSTQ cũng đã cấm tất cả các phương thức vận chuyển tiền điện tử và mọi hoạt động khai thác tiền điện tử cũng như giao dịch tiền điện tử đều bị cấm ở Trung Quốc. Vì vậy, con đường này đã bị cắt đứt.

    Thứ ba là hoán đổi. Một số người muốn gửi tiền về Trung Quốc, và nói rằng bạn không cần chuyển tiền, bạn đưa đô la Mỹ cho tôi, và tôi sẽ đưa cho bạn đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay ngày càng ít người muốn chuyển tiền về Trung Quốc.

    Vì vậy, những người này dù muốn rời đi nhưng tiền của họ cũng không thể chuyển ra ngoài. Vì vậy, bây giờ họ đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.

    Núi lửa phun trào, Nhật Bản phát cảnh báo cấp cao nhất

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/nui-lua.jpeg

    Ảnh minh hoạ vụ phun trào núi lửa Sakurajima lúc 12:03 sáng ngày 26/7/2016 ở Tarumizu, Kagoshima, Nhật Bản. (Ảnh: The Asahi Shimbun qua Getty Images) 

    Hàng chục người ở thành phố Kagoshima thuộc tỉnh Sakurajima, tây nam Nhật Bản, đã được lệnh sơ tán sau khi núi lửa Sakurajima phun trào ngày 24/7. Cơ quan thời tiết quốc gia Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo cấp cao nhất đối với núi lửa này.

    Các đoạn phim trên truyền hình đã ghi lại cảnh dung nham nóng đỏ chảy xuống bên sườn núi, cùng những viên đá đỏ rực bắn ra từ những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên từ núi lửa Sakurajima ở tỉnh Kagoshima. Núi lửa này phun trào khoảng sau 20 giờ ngày 24/7 (giờ địa phương).

    Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết vụ phun trào ngày 24/7 đã tạo ra một lượng tro lớn bay xung quanh miệng núi lửa và lan rộng đến khoảng 2,5 km. Các cột khói cũng bay cao tới khoảng 300 mét và hòa vào các đám mây.

    JMA đã nâng cảnh báo đối với núi lửa Sakurajima lên cấp 5, cấp cao nhất, nhằm thúc giục công tác sơ tán. Trước đó, mức cảnh báo chỉ ở cấp độ 3, cấm mọi người đến gần núi lửa này.

    Từ chiều 23 đến ngày 24/7, núi lửa Sakurajima đã phun trào 4 lần, tạo ra cột tro cao tới 1.200 mét.

    “Các khu dân cư của thị trấn Arimura và thị trấn Furusato trong vòng ba km từ miệng núi lửa Sakurajima phải được đặt trong tình trạng cảnh báo cao độ”, ông Tsuyoshi Nakatsuji thuộc Bộ phận quan sát núi lửa của JMA phát biểu.

    Ông Nakatsuji cho biết tuần trước, JMA đã thấy núi lửa Sakurajima phồng lên, báo hiệu sự tích tụ của magma.

    “Nhưng núi lửa vẫn chưa hết phồng lên sau vụ phun trào gần nhất. Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận việc này”, chuyên gia Nakatsuji nói thêm.

    Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki cho biết chưa có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại do vụ phun trào này gây ra.

    “Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị chính phủ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để ngăn ngừa thiệt hại thông qua các biện pháp như sơ tán người dân”, ông Isozaki phát biểu trước báo giới.

    Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho biết họ đang thu thập thông tin về tình hình. Cơ quan Khí tượng từ hôm 18/7 đã ghi nhận được những chuyển động nhỏ của lớp vỏ địa chất cho thấy núi lửa Sakurajima có dấu hiệu hoạt động trở lại.

    Sakurajima là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nhật Bản và được kết nối với bán đảo Osumi thuộc đảo Kyushu phía tây nam đất nước.

    Sakurajima  là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của Nhật Bản và các vụ phun trào ở các cấp độ khác nhau diễn ra thường xuyên. Vào năm 2019, nó phun trào cột tro bụi cao 5,5 km (3,4 dặm).

    Các nhà quản lý hạt nhân hôm Chủ nhật (26/7) cho biết không có bất thường nào được phát hiện tại nhà máy nguyên tử Sendai, nằm cách núi lửa khoảng 50 km (31 dặm).

    NHK cho biết hầu hết thành phố Kagoshima nằm bên kia vịnh nhưng một số khu dân cư cách miệng núi lửa khoảng 3 km (1,9 dặm) có thể được lệnh sơ tán tùy theo tình hình.

    Theo truyền thông địa phương, thành phố ven biển Sakurajima đã ra lệnh cho người dân sơ tán khỏi quận Arimura và một phần của quận Furusato, nơi sinh sống của 51 người.

    Núi lửa Sakurajima thường xuyên phun ra khói và tro bụi, và là một địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch.

    EU nhất trí cắt giảm dùng khí đốt do lo ngại nguồn cung từ Nga

    Các nước EU đã đồng ý nên tự nguyện giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng Tám đến tháng Ba

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Các nước đã đồng ý nên tự nguyện giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng 8/2022 đến tháng 03/2023.

    Các nước thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU) đã tổ chức họp vào thứ Ba 26/07, đồng ý nên tự nguyện giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng tháng 8/2022 đến tháng 03/2023.

    "Đây không phải là Nhiệm vụ bất khả thi!", quan chức CH Czech, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU viết trên Twitter.

    Các kế hoạch dự thảo của hội nghị bộ trưởng EU mà BBC đọc được cho thấy thỏa thuận đạt được không mạnh như từng đề xuất, với việc sử dụng khí đốt sẽ được cắt giảm theo hình thức tự nguyện.

     “Trong một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh cung cấp năng lượng cho EU, các nước thành viên hôm nay đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% trong mùa đông này,” EU cho biết.

    "Mục đích của việc cắt giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa đông để chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt có thể xảy ra từ Nga, nước đang liên tục sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm vũ khí."

    Thỏa thuận nêu rõ việc giảm nhu cầu khí đốt sẽ trở thành bắt buộc nếu "Cảnh báo của Liên minh" được công bố khi an ninh nguồn cung đạt đến mức khủng hoảng.

    “EU đoàn kết và thống nhất,” Jozef Síkela, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Czech, cho biết.

    "Quyết định hôm nay đã cho thấy rõ ràng các nước thành viên sẽ đứng vững trước bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm chia rẽ EU bằng cách sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm vũ khí".

     

    Đường ống khí đốt đặt ở lòng biển Baltic, từ Nga chạy thẳng sang Đức, bỏ qua các nước Đông Âu từng gây chia rẽ tại EU.

    Chụp lại hình ảnh, 

    Đường ống khí đốt đặt ở lòng biển Baltic, từ Nga chạy thẳng sang Đức, bỏ qua các nước Đông Âu từng gây chia rẽ tại EU. 

    Có chuẩn bị nhưng không còn nhiều thời gian

    Từ khi Nga xâm lược Ukraine, Nga đã cắt nguồn cung cấp cho một số quốc gia nhỏ từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. 

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết việc cắt đứt khí đốt toàn châu Âu là một "kịch bản có thể xảy ra". 

    "Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí", bà nói. "Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, châu Âu cần phải sẵn sàng." 

    Như dự kiến, các nước thành viên EU đã bỏ phiếu về kế hoạch phân phối khí đốt tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng vào ngày 26/7.

    Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 cũng đã ngừng hoạt động để bảo trì từ ngày 11/7.  

    Sang ngày 24/07, lượng khí Nga bán vào Đức đã phục hồi nhưng chỉ còn 20% mức bình thường, khiến Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói "không thể nào tin được vào lời của Putin".

    Phía Nga đổ lỗi cho 'vấn đề kỹ thuật' là nguyên nhân dung tích khí đốt giảm trong đường ống Nord Stream 1, mỗi năm vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt cho Liên hiệp châu Âu.

    Điều EU lo ngại là khí đốt từ Nga giảm nhanh trong khi các nguồn từ Hoa Kỳ, Bắc Phi, Trung Á và Trung Đông không mua về kịp hoặc giá cao hơn nhiều so với giá của Nga, khiến kinh tế và sinh hoạt các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng vào mùa đông năm nay.


    Không có nhận xét nào