Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc với tham vọng bá quyền ở lục địa đen
19/7/2022
Nguyễn Huỳnh/ VNTB
Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ các ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang lôi kéo các nước châu Phi vào ‘bẫy nợ’ bằng những khoản vay khổng lồ.
Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc cho châu Phi những khoản vay lớn xuất phát từ “lợi ích chung”, không phải chiến lược để đổi lại các nhượng bộ về mặt ngoại giao và thương mại. “Đó không phải là sự thật. Đây là một câu chuyện được tạo ra bởi những người không muốn thấy sự phát triển ở châu Phi. Nếu có bất kỳ cái bẫy nào thì đó là nghèo đói và kém phát triển”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói.
Các ngân hàng phát triển Trung Quốc đã “rót” 23 tỉ USD tài chính cho các dự án hạ tầng ở khu vực châu Phi hạ Sahara trong giai đoạn 2007-2020. Cụ thể, từ năm 2007-2020, hai ngân hàng China Eximbank và China Development Bank đã cung cấp khoảng 23 tỉ USD về hỗ trợ tài chính. Con số này cao gấp đôi so với tổng số tiền các ngân hàng tương tự tại Mỹ, Đức, Nhật Bản và Pháp hỗ trợ khu vực này ước chỉ khoảng 9,1 tỉ USD.
Tin tức cũng cho hay các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng thâu tóm thêm đất ở nước ngoài để phục vụ nhu cầu nội địa, xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước này. Mua đất ở nước khác giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung tài nguyên trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu trở nên eo hẹp.
Theo Viện nghiên cứu chính sách công của doanh nghiệp Mỹ (AEIPPR), doanh nghiệp Trung Quốc đã mua nhiều mỏ khoáng sản. Điển hình, Công ty China Minmetals đã đầu tư 280 triệu USD vào quốc gia Tanzania ở phía nam châu Phi hồi năm 2019. Hãng China Non-Ferrous Metal Mining cũng rót 730 triệu USD vào hoạt động khai thác mỏ ở Guinea trong năm 2020.
Các khoản đầu tư trên được cho là nhằm tăng nguồn cung khoáng sản cho quá trình sản xuất pin năng lượng và xe điện, trong số nhiều mặt hàng khác.
Jacob Zuma, cựu Tổng thống Nam Phi, thành viên của Đảng cộng sản Nam Phi – quốc gia giàu nhất châu lục, đã từng cảnh báo tại Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi lần thứ 5 tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2012, tức chục năm về trước, rằng, “Mẫu hình thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc là không bền vững về dài hạn. Trải nghiệm kinh tế trong quá khứ của châu Phi với châu Âu chỉ ra rằng cần phải thận trọng khi bước vào mối quan hệ đối tác với các nền kinh tế khác”.
Đối mặt với các chỉ trích ‘ngoại giao bẫy nợ’, Bắc Kinh đã chuyển sang khuyến khích các công ty đầu tư vào châu Phi theo hình thức đối tác công – tư. Bên cho vay và bảo hiểm cho vay vẫn là các ngân hàng, công ty Trung Quốc.
Đường cao tốc 4 làn đường trên cao tại thủ đo Nairobi của Kenya là một trong những dự án mới nhất của Trung Quốc tại nước này. Được xây dựng bởi Tổng công ty cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, con đường dài 27km và trị giá 600 triệu USD được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe tại Nairobi.
Tổng công ty cầu đường Trung Quốc sẽ thu hồi vốn bằng việc thu phí sử dụng đường cao tốc trong vòng 27 năm. Việc chuyển đổi hình thức sang đầu tư đối tác công tư (PPP) dường như là một sự miễn cưỡng bởi Bắc Kinh từ lâu chỉ thích mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước.
Nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tất cả các khoản nợ mà nhà nước châu Phi đã vay của công ty Trung Quốc sẽ do chính người dân của họ chi trả. Điều này có thể góp phần giảm thâm hụt ngân sách, bớt áp lực trả nợ cho các nhà nước đang ngập trong nợ Trung Quốc và uy tín quá tệ không thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Hiện tại, bà Hứa Kính Hồ – đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề châu Phi – đang có chuyến công du 8 quốc gia. Chuyến thăm “lục địa đen” của bà Hứa diễn ra vài ngày sau khi nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Zimbabwe và Mozambique. Ông Dương Khiết Trì hiện là ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
WHO tuyên bố đợt bùng phát chủng virus mới
(Ảnh minh họa: Mauro Rodrigues/Shutterstock)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một đợt bùng phát chủng virus mới sau khi Ghana ghi nhận các ca tử vong đầu tiên do nhiễm loại virus có tên Marburg. Đây là lần đầu tiên virus gây chết người giống Ebola được phát hiện ở quốc gia Tây Phi và là lần thứ 2 nó xuất hiện trong khu vực.
Cụ thể, WHO cho biết rằng các mẫu máu xét nghiệm của 2 người tử vong tại vùng Ashanti phía Nam Ghana dương tính với chủng virus Marburg. Cả 2 bệnh nhân đều có các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn và tử vong trong vòng một ngày sau khi nhập viện hồi cuối tháng 6 vừa qua. Một bệnh nhân 26 tuổi, người còn lại 51 tuổi.
Hiện ít nhất 90 người khác tiếp xúc với 2 bệnh nhân đã được nhận diện và chịu sự theo dõi của giới chức y tế địa phương cũng như WHO. Cơ quan y tế toàn cầu cho hay rằng họ cũng đang hỗ trợ Ghana, cũng cấp thiết bị bảo hộ, tăng cường giám sát dịch bệnh, xét nghiệm, truy tìm những người tiếp xúc và nâng cao nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và nguy hiểm của căn bệnh này.
“Giới chức y tế đã phản ứng nhanh chóng, bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều này là cần thiết bởi nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đang chuẩn bị thêm nguồn lực để ứng phó”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, tuyên bố.
Virus Marburg được WHO mô tả là một bệnh sốt xuất huyết do virus có khả năng lây nhiễm cao tương tự như virus Ebola gây ra. Bệnh có thể được truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh như dơi ăn quả và lây lan trong cộng đồng khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của bệnh nhân hoặc virus trên bề mặt, vật liệu.
Bệnh khởi phát đột ngột, với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và cơ thể khó chịu. Nhiều bệnh nhân có thể bị xuất huyết nặng bên trong hoặc bên ngoài trong vòng 7 ngày sau khi nhiễm virus.
“Do đó, người dân tránh những hang động có dơi sinh sống và nấu chín kỹ tất cả các sản phẩm thịt trước khi ăn”, cơ quan y tế Ghana khuyến cáo.
Trong khi tỷ lệ tử vong của loại bệnh bệnh đã dao động từ 24% đến 88% tùy thuộc vào chủng virus trong các đợt bùng phát trước đây, hiện vẫn chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị kháng virus chính thức cho căn bệnh này. Các bác sĩ chỉ có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc hỗ trợ như bù nước bằng đường uống hoặc truyền dịch tĩnh mạch, điều trị theo triệu chứng để tăng khả năng sống sót của bệnh nhân.
WHO cho biết rằng đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên ghi nhận tại Đức vào năm 1967. Kể từ thời điểm đó, các đợt bùng phát tiếp theo và ca bệnh lẻ tẻ đã được ghi nhận ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Đợt bùng phát dịch bệnh khiến cho nhiều người tử vong nhất cho đến nay là ở Angola vào năm 2005, khi trên 200 người thiệt mạng sau khi mắc bệnh.
Phan Anh
Cái nóng chết người ở Châu Âu
Vào thứ Ba này, nhiệt độ ở một số vùng của Anh có thể đạt mức kỷ lục 400C. Tình hình còn tồi tệ hơn ở nhiều khu vực khác của châu Âu, nơi một đợt nắng nóng gay gắt đã gây ra những đám cháy rừng lớn ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các khu vực miền Trung và miền Nam của Mỹ cũng đang phải chịu đựng một mùa hè vô cùng nóng nực. Tuần trước, các thành phố ở miền đông và miền nam Trung Quốc cũng chứng kiến nhiệt độ tăng cao bất thường.
Các đợt nắng nóng đang trở nên thường xuyên hơn, và tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Chúng cũng có nhiều khả năng xảy ra đồng thời ở nhiều quốc gia. Điều này có thể là do mọi nơi đều đang nóng lên: mỗi mức tăng rất nhỏ của sự ấm lên toàn cầu đều khiến tình trạng nhiệt độ tăng đột biến trở nên cực đoan hơn. Hoặc có thể là do biến đổi khí hậu đang làm thay đổi dòng tia (jet steam) – cái tên được đặt cho các luồng không khí xuyên qua tầng cao của bầu khí quyển – bất chấp mối liên hệ chưa rõ ràng giữa chúng. Dù thế nào đi chăng nữa, ngày càng có nhiều người đang phải vật lộn với nhiệt độ cao mà không được chuẩn bị trước. Hàng ngàn người sẽ chết.
Putin và Erdogan gặp nhau ở Iran
Tổng thống hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại Iran vào thứ Ba để thảo luận về cuộc chiến ở Syria. Cả ba quốc gia đều tham gia vào cuộc xung đột này và đều muốn nó kết thúc. Vladimir Putin của Nga và Ebrahim Raisi của Iran, những người ủng hộ chính phủ Syria, sẽ là chỗ dựa vững chắc cho nhau. Vai trò của Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, có phần phức tạp hơn: Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria, dù họ thường tìm kiếm sự đồng ý của Nga để tiến hành các cuộc tấn công vũ trang chống lại lực lượng nổi dậy người Kurd ở miền bắc của đất nước. Erdogan hiện đang lên kế hoạch cho một chiến dịch kiểu như vậy, nhưng lần này Nga và Iran muốn ông dừng lại.
Các nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận về Ukraine, nơi mối quan hệ của họ cũng rối ren không kém. Thổ Nhĩ Kỳ đã bán máy bay không người lái cho Ukraine, trong khi Iran được cho là có kế hoạch hỗ trợ vũ trang cho Nga. Erdogan hy vọng sẽ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách tạo ra một hành lang hải quân an toàn cho việc xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, khi mà người Nga đã phong tỏa các cảng của Ukraine. Tại Tehran, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ thuyết phục được Putin đồng ý với một thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với bộ ba căng thẳng này, điều đó sẽ không dễ dàng.
Các thách thức tại Diễn đàn An ninh Aspen
Giới tinh hoa chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ sẽ tụ họp tại Colorado vào thứ Ba để tham dự Diễn đàn An ninh Aspen, một cuộc thảo luận kéo dài bốn ngày về tình trạng ảm đạm của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Danh sách những người tham dự bao gồm Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Joe Biden, và William Burns, người đứng đầu CIA. Nhiều điều đã thay đổi kể từ cuộc họp trực tuyến của họ vào năm ngoái, khi Taliban chưa cai trị Afghanistan, Nga chưa xâm lược Ukraine, và lạm phát chưa tăng vọt.
Những thách thức mới này đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng chẳng có câu trả lời rõ ràng. Mỹ có thể giúp đẩy lui cuộc xâm lược của Nga hay không? Liệu nước này có thể chống lại Trung Quốc ở châu Á? Liệu nền kinh tế Mỹ có thể phát triển trong bối cảnh chiến tranh, covid, giá năng lượng tăng vọt? Liệu nước Mỹ có thể hồi sinh nền dân chủ của chính mình khi trong nước còn phân cực? Đánh bại Nga có thể mang lại sự tự tin mới. Nhưng một cuộc chiến kéo dài đang là viễn cảnh chực chờ ở Ukraine, và sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, Quốc hội Mỹ có thể sẽ chán việc phải cung cấp vũ khí và viện trợ trị giá hàng chục tỷ đô la. Các chuyên gia Aspen đang phải đương đầu với những thách thức cực kỳ khó khăn.
Tổng thống Nam Hàn cam kết duy trì giá trị tự do dân chủ vào Ngày Hiến Pháp
Aldgra Fredly
Các vũ công trong trang phục truyền thống của Nam Hàn biểu diễn trên sân khấu tại một hoạt động hòa nhạc thưởng thức trong xe hơi tại Seoul. Sự kiện được cơ quan quản lý di sản văn hóa Nam Hàn tổ chức vào ngày 17/07/2020. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Hôm Chủ Nhật (17/07), Tổng thống Nam Hàn cho biết rằng chính phủ của ông sẽ nỗ lực duy trì các giá trị hiến pháp của tự do dân chủ, khi ông nhớ lại cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ năm 1980 ở Gwangju, nơi hàng trăm thường dân đã bị chính phủ quân sự sát hại.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã có bài diễn văn vào Ngày Hiến pháp quốc gia, trích dẫn chuyến thăm của ông đến thành phố Tây Nam Gwangju hồi năm ngoái để phản ánh tinh thần của phong trào ủng hộ dân chủ năm 1980 ở đó.
Ông Yoon viết trong một bài đăng trên Facebook: “Giá trị phổ quát của tự do và dân chủ, được khôi phục thông qua tinh thần của cuộc nổi dậy Gwangju, tương đương với tinh thần của hiến pháp.”
Ông Yoon cho biết cuộc nổi dậy đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị hiến định của Nam Hàn về tự do dân chủ, nhân quyền, và pháp quyền để đạt được sự thịnh vượng và phát triển của quốc gia.
Ông nhận xét: “Chúng tôi sẽ bảo vệ tinh thần của Hiến Pháp cùng với những con người vĩ đại đó.”
Gwangju là trung tâm của cuộc nổi dậy chống thiết quân luật của Nam Hàn, vốn được áp đặt sau cuộc đảo chính quân sự do nhà độc tài quân sự quá cố Chun Doo-hwan dẫn đầu vào năm 1979. Hàng trăm người đã thiệt mạng và mất tích trong phong trào này.
Cựu Tổng thống Nam Hàn Chun Doo-Hwan (Giữa) bị cơ quan công tố bắt giữ tại nhà một người họ hàng ở Hapchon, Nam Hàn, cách Seoul khoảng 200 dặm (321 km) về phía nam vào ngày 03/12/1995. Sau đó, ông Chun đã bị đưa đến nhà tù Anyang ở Seoul để giam giữ với tội danh cầm đầu một cuộc đảo chính quân sự năm 1979. (Ảnh: Kim Jae-Hwan/AFP/Getty Images)
Ông Chun bị kết án tử hình vào năm 1996 vì tội tham nhũng và phản quốc, nhưng bản án được giảm xuống tù chung thân và sau đó được giảm nhẹ. Năm ngoái, ông qua đời ở tuổi 90 vì căn bệnh ung thư máu.
Nhiều năm sau vụ thảm sát này, nhiều chi tiết vẫn chưa được xác nhận, bao gồm cả việc ai đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào những người biểu tình. Nhiều nạn nhân vẫn chưa xác định được danh tính.
Lễ nhậm chức của ông Yoon
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol nói chuyện trong một bữa tiệc tối nhậm chức tại một khách sạn, sau lễ nhậm chức tại văn phòng tân tổng thống ở Seoul, Nam Hàn, hôm 10/05/2022. (Ảnh: Jeon Heon-Kyun/Pool qua Getty Images)
Ông Yoon đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nam Hàn hôm 10/05. Nhà lãnh đạo theo phái bảo tồn truyền thống của Đảng Sức Mạnh Nhân Dân này đã vận động một nền tảng chống tham nhũng và tạo ra một sân chơi kinh tế bình đẳng hơn.
Ông cam kết sẽ theo đuổi một cam kết an ninh mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn, nói rằng một cuộc tấn công phủ đầu có thể là cần thiết nếu Bắc Hàn cho thấy những dấu hiệu sắp xảy ra một cuộc tấn công. Ông Yoon cũng hứa sẽ tăng cường khả năng răn đe của Nam Hàn.
Myanmar hợp tác quân sự và năng lượng hạt nhân với Nga giữa các lệnh trừng phạt
Xuân Hoa
Quân đội Myanmar đã bao vây, bắn và ném các chất nổ vào người biểu tình ở thị trấn Bago, khiến ít nhất 82 người thiệt mạng. (Ảnh: Getty Images)
Chế độ quân sự của Myanmar đang thúc đẩy hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và công nghệ quân sự khi mà cả hai quốc gia đều phải chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng từ phương Tây.
Thống Tướng Myanmar Min Aung Hlaing đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương với chính phủ Nga trong chuyến công du kéo dài một tuần tới Moscow, đánh dấu chuyến thăm thứ hai của ông tới Nga kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền vào năm ngoái.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Min Aung Hlaing đã đến Nga vào ngày 11/07 và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Theo hãng tin Tass của Nga, cả hai bên đã “bàn lại kế hoạch sử dụng hiệu quả tối đa tiềm năng hiện có để tăng cường hợp tác quân sự và quân sự – kỹ thuật trên tinh thần đối tác chiến lược”.
Thỏa thuận Rosatom
Trong chuyến đi tới Nga, ông Min Aung Hlaing cũng ký thỏa thuận với công ty năng lượng nhà nước Nga Rosatom để hợp tác đào tạo và phát triển kỹ năng trong ngành năng lượng hạt nhân ở Myanmar.
Tập đoàn Rosatom cho biết trong một tuyên bố rằng các biên bản ghi nhớ với Myanmar “tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển hợp tác hơn nữa trong các dự án thiết thực”.
Bộ Thông tin Myanmar cho biết ông Min Aung Hlaing đã gặp ông Alexander Beglov, người đứng đầu chính quyền St.Petersburg, vào ngày 14/07 để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế và giáo dục.
Thống Tướng Myanmar cũng đến thăm các trường đại học và cơ sở công nghệ quân sự của Nga, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông có gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.
Mỹ và châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine và chống lại chính phủ Myanmar vì cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi vào đầu năm ngoái.
Bất chấp các lệnh trừng phạt chống lại Myanmar, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp cho quân đội Myanmar các máy bay chiến đấu. Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ quân sự Myanmar đã sử dụng các máy bay MiG-29 và Yak-130 của Nga cũng như các máy bay F-7 và K-8 của Trung Quốc để nhắm vào dân thường.
Đại sứ Vương quốc Anh bị ‘đuổi’ khỏi Myanmar
Ông Pete Vowles, người đứng đầu Đại sứ quán Anh tại Myanmar, cho biết vào ngày 13/07 rằng ông “buộc phải rời bỏ” Myanmar. Tuy nhiên, ông “vui mừng” vì chính phủ Anh đã không chịu thua áp lực từ phía Myanmar và không hợp pháp hóa cuộc đảo chính tàn bạo của họ.
“Tôi biết những người tuyệt vời, mạnh mẽ và tận tụy này [ý chỉ các nhân viên trong Đại sứ quán Anh tại Myanmar] sẽ tiếp tục đứng lên và làm tất cả những gì có thể cho người dân Myanmar, những người không muốn gì hơn là hòa bình, tự do và công lý”, ông Vowles viết trên Twitter.
Mặc dù được bổ nhiệm làm Đại sứ vào tháng 7 năm ngoái, ông Vowles đã không xuất trình giấy chứng nhận của ông cho Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) do quân đội điều hành, bất chấp phía Myanmar nhiều lần yêu cầu. Để đối phó với tình hình, London đã hạ cấp chức danh của ông Vowles từ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền sang đại biện lâm thời của Đại sứ quán Anh tại Myanmar. Chính quyền Myanmar sau đó đã áp dụng các hạn chế đối với thị thực của ông Vowles.
Ít nhất 1.600 người đã thiệt mạng và hơn 12.500 người bị giam giữ, trong khi 440.000 người khác phải di dời kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền ở Myanmar, theo Liên Hợp Quốc.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet hồi tháng 3 cho biết chính quyền Myanmar đã thể hiện “sự coi thường thô bạo đối với tính mạng con người” bằng cách tiến hành nhiều cuộc không kích vào các khu vực dân cư đông đúc và cố tình nhắm vào dân thường.
Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh của Raytheon
19/7/2022
Vũ khí siêu thanh của Mỹ.
Hoa Kỳ thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh của công ty Raytheon có khả năng đạt tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh, đây là vụ thử thành công thứ ba của loại vũ khí đó kể từ 2013, Ngũ Giác Đài cho biết trong một tuyên bố ngày 18/7.
Chương trình phát triển Khái niệm vũ khí siêu thanh HAWC được điều hành bởi Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, hay còn gọi là DARPA. Cả hai công ty Raytheon và Lockheed Martin đều đang cạnh tranh để được hợp đồng cuối cùng.
Các võ khí này dùng không khí thu được từ bầu khí quyển để đạt được sức đẩy bền vững.
Đã có bốn cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh kiểu này kể từ tháng 9 năm ngoái. Sản phẩm của Raytheon đã thành công cả hai lần, và Lockheed đã có một lần thử nghiệm thành công và một lần thất bại.
Ông Wes Kremer, chủ tịch đơn vị Kinh doanh Phi đạn và Phòng vệ của Raytheon, nói: “Việc nâng cao khả năng siêu thanh của đất nước chúng ta là một mệnh lệnh quan trọng của quốc gia và đây là một bước tiến quan trọng.”
Thành công này đánh dấu lần thử nghiệm thành công thứ ba trong một chuỗi vũ khí siêu thanh trong các chương trình phát triển khác nhau của Hoa Kỳ.
Những cuộc thử nghiệm thành công diễn ra sau chuyến bay thử nghiệm thất bại ngày 29 tháng 6 năm ngoái với một loại vũ khí siêu thanh khác, Common Hypersonic Glide Body, tại Cơ sở Phóng Tên lửa Thái Bình Dương ở Hawaii.
Hoa Kỳ và các đối thủ toàn cầu đang tăng tốc độ chế tạo vũ khí siêu thanh - thế hệ vũ khí tiếp theo cướp đi thời gian phản ứng và cơ chế đánh bại truyền thống của đối thủ.
Vũ khí siêu thanh di chuyển trong tầng khí quyển với tốc độ hơn 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6.200 km một giờ.
Không có nhận xét nào