Header Ads

  • Breaking News

    Tại sao “USS Ronald Reagan” hủy chuyến thăm Việt Nam?

    Tại sao “USS Ronald Reagan” hủy chuyến thăm Việt Nam?

    HKMH USS Ronald Reagan ở Biển Đông hôm 16/10/2019 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ dự kiến đến Việt Nam vào cuối tháng 7 này. Nguồn thạo tin hàng hải từ Việt Nam cho biết, Mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ đến Đà Nẵng trong năm ngày, mang theo 90 máy bay trong đó có nhiều chiếc thuộc loại F/A-18E Super Hornets và các hệ thống tên lửa tinh vi. Thế nhưng giữa tuần trước, cũng nguồn thạo tin ấy, thông báo lại, USS Ronald Reagan phải hủy chuyến thăm Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai, tin về hành trình của hàng không mẫu hạm Mỹ bị đình hoãn. Lần thứ nhất, Mẫu hạm USS Abraham Lincoln có kế hoạch vào Đà Nẵng trước đây hai tháng (đã phát Giấy Mời quan khách và nhà báo) cũng bị postpone (hoãn). USS Ronald Reagan đã ghé vào quân cảng Changi ở Singapore sau 10 ngày hoạt động trên Biển Đông. Thời gian ấy, Mẫu hạm hoạt động ở phía nam Biển Đông. Chuyến thăm Đà Nẵng của nó bị đình hoàn hay hủy bỏ? Chỉ biết, đội tiền trạm của Mỹ đến Đà Nẵng trước đó để chuẩn bị cho chuyến thăm cũng đã rời thành phố này. (1)

    Chuyến thăm gần nhất của một hàng không mẫu hạm Mỹ là khi HKMH USS Theodore và tàu USS Bunker Hill (CG 52) tới Đà Nẵng vào tháng 3/2020. Đây là chuyến thăm thứ hai, nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Bãi Tư Chính. Năm 2018, Mẫu hạm USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ cập cảng Đà Nẵng sau 1975. Trước đó, Việt Nam thường để các mẫu hạm đậu ngoài khơi, giới chức ra thăm các tàu này ngoài khơi xa. Hồi đó, giới phân tích đánh giá, bằng cách chào đón Mẫu hạm USS Carl Vinson vào bên trong cảng Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của nước này, và một trong những địa điểm gần nhất với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam rõ ràng đã gửi đi những thông điệp mạnh mẽ nhất. Còn lần này? Vậy là “quá tam ba bận”. Từ nay đến cuối năm, liệu còn có tin lần thứ ba, về một Mẫu hạm khác của Mỹ (cũng là Mẫu hạm thứ ba) sẽ đến Việt Nam nữa hay không? 

    Ngay tại thời điểm này chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác. Bời vì, chưa hề có một lời giải thích rõ ràng về hai đợt postpone (hoãn) USS Abraham Lincoln và USS Ronald Reagan. Vẫn theo nguồn tin dấu danh tính, việc hai năm một lần, Việt Nam sẽ đón hàng không mẫu hạm Mỹ thăm chính thức là một thỏa thuận quốc phòng định kỳ. Ban đầu, phía Mỹ muốn có các chuyến viếng thăm hàng năm, nhưng phía Việt Nam đề nghị “giãn cách” ra hai năm một lần. Nhưng đến bây giờ thì có vẻ như hai năm một lần cũng đang gặp trắc trở. Trong lần thứ hai khi đến Việt Nam, trên Mẫu hạm USS Theodore, thời điểm đó 5.000 thành viên đều phải xét nghiệm COVID-19 khi cập Cảng Đà Nẵng. Hiện nay, Việt Nam hoàn toàn mở cửa với du khách nước ngoài khi Chính phủ áp dụng chính sách “sống chung với COVID”. Như vậy, việc đình hoãn lần này có thể loại trừ nguyên nhân dịch tễ.

    000_11Y0BZ.jpg

    HKMH USS Carl Vinson ở Đà Nẵng hôm 5/3/2018. AFP 

    Trên bình diện rộng lớn hơn

    Nếu xem xét từ những suy đoán rộng lớn hơn vào thời điểm tình hình Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Á nói chung đang bước vào hồi căng thẳng, chúng ta có thể hình dung phần nào nguyên nhân sâu xa của việc đình hoãn. Một cuộc khủng hoảng Mỹ – Trung đang dần ló dạng xung quanh tuyên bố Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đi thăm Đài Loan vào tháng 8 tới đây. Ngày 19/7, tờ Financial Times tiết lộ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 8 sau khi chuyến thăm dự kiến vào tháng 4 bị hủy bỏ do bà Pelosi mắc COVID. Phản ứng trước tin tức này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cùng ngày tuyên bố Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng “các biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết”. Cựu Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu thời báo Hồ Tích Tiến liên tục đưa ra những lời đe dọa trên Weibo và Twitter về những phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc, bao gồm tuyên bố lập vùng cấm bay ở Đài Loan, triển khai chiến đấu cơ vào không phận Đài Loan hoặc “hộ tống” máy bay chở bà Pelosi. (2)

    Trước thái độ quyết liệt từ phía Trung Quốc, ngày 20/7, trả lời câu hỏi của các phóng viên, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng quân đội Mỹ đánh giá chuyến thăm của bà Pelosi không phải là ý tưởng hay trong lúc này. Trả lời về phát biểu của ông Biden, bà Pelosi không xác nhận về chuyến thăm Đài Loan, nhưng nói rằng bà chưa nói chuyện trực tiếp với ông Biden về vấn đề này. “Có lẽ quân đội lo ngại máy bay của chúng tôi bị Trung Quốc bắn hạ hoặc tương tự thế”. Ngày 21/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tiếp tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về chuyến thăm. Khác với phát biểu trước đó hai ngày của ông Triệu Lập Kiên, lần này ông Vương Văn Bân tăng giọng răn đe: “Chúng tôi đã nói là làm”. Đây là một bước leo thang đe dọa mới trong nấc thang cảnh báo của Trung Quốc. Ngày 22/7, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay các quan chức chính quyền Biden lo ngại Trung Quốc có thể tuyên bố vùng cấm bay ở Đài Loan trước chuyến thăm của bà Pelosi. (3)

    Tuy nhiên, cũng trong ngày 20/7, Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Đài Loan, nói với Epoch Times rằng, ĐCSTQ đã phóng đại quá mức về tin chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi và hiểu sai về hoạt động của một quốc gia dân chủ. Cái mà họ gọi là “đưa ra tín hiệu sai lầm về Đài Loan độc lập”, là một sự hiểu lầm nghiêm trọng. Nhiều năm qua, Mỹ vẫn luôn duy trì “sự mơ hồ về chiến lược”, tức là không cho biết Washington sẽ đưa ra lập trường gì trước cuộc tấn công của Bắc Kinh vào Đài Loan. Dù rằng, gần đây đã có những lời kêu gọi từ giới chính trị Mỹ và Quốc hội Mỹ về việc áp dụng “chiến lược rõ ràng” (tức là Mỹ thể hiện rõ ràng chính sách đáp trả khi ĐCSTQ sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan). Bản thân Tổng thống Biden từng nói rằng nếu Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan. Một số phương tiện truyền thông suy đoán, đó là do “lỡ miệng” và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chấn chỉnh và nhắc lại, chính sách “mơ hồ chiến lược” vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố như thế là nội tình đã có khác. (4)

    Việt Nam e ngại “tên bay đạn lạc”

    Tin tức về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi rộ lên một ngày sau khi Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng ngay lập tức thương vụ bán lô phụ tùng vũ khí trị giá 108 triệu USD cho hòn đảo này. Nhưng dù cho quan hệ Trung Đài có căng thẳng đến mấy, cuộc khẩu chiến Mỹ Trung có dữ dội bao nhiêu, Đài Loan vẫn giương cao ngọn cờ độc lập – tự chủ, tỏ ra không nao núng trước những “đòn gió” của Trung Quốc. Ngay trong tuần qua, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan vẫn chào mừng Đoàn đại biểu Hội đồng Đại Tây Dương (AC) đến thăm. Với sự bùng phát cuộc chiến tranh giữa hai nước Nga – Ukraine, cộng đồng quốc tế càng trở nên cảnh giác, lo ngại và chú ý quan tâm hơn đến mối đe dọa trực tiếp từ chủ nghĩa độc tài mà Đài Loan phải đối mặt. Đoàn đại biểu từ AC của Mỹ gồm ba thành viên do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dẫn đầu cùng với cựu Cố vấn Ngoại giao của Tổng thống Italy Stefano Stefanini và Phó Chủ tịch AC Barry Pavel đến thăm và làm việc tại Đài Bắc từ 18/7 đến 21/7. Trong chuyến thăm này, đoàn đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của nội các Đài Loan và các bộ ngành liên quan. Đồng thời đoàn cũng có các buổi giao lưu tương tác với các tổ chức tư vấn, các think-tank, các doanh nhân… nhằm tìm hiểu những phát triển mới nhất của Đài Loan và trao đổi rộng rãi quan điểm về tình hình an ninh kinh tế – thương mại trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Phát biểu đáng chú ý trong chuyến thăm dịp này là, ông Esper đánh giá chính sách của Mỹ đối với Đài Loan đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, Esper không cho biết phải thay đổi theo hướng nào (5). Theo giới quan sát quốc tế, mỗi khi quan hệ Mỹ Trung căng thẳng, Đài Loan không run sợ, ngược lại, rất biết cách tận dụng những cơ hội ấy để mua sắm thêm vũ khí và công nghệ hiện đại từ Mỹ, công khai bày tỏ sự vững tin vào lập trường của Mỹ. Không dưới một lần, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan tuyên bố, Đài Loan và Hoa Kỳ rất tin cậy lẫn nhau và có các kênh liên lạc thông suốt.  

    Tuy nhiên, trong thời gian mười ngày tới, có khả năng Tổng thống Biden sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Kết quả của cuộc điện đàm này có thể quy định tiếp nhiệt độ của các cuộc khẩu chiến trong tương lai. Ông Biden có vẻ như muốn “hạ nhiệt” cuộc khẩu chiến hiện nay. Một nước lớn như Hoa Kỳ mà Tổng thống nhiều khi cũng phải “diễn” với Trung Quốc. Tổng thống không tiết lộ chính kiến của ông đối với tin liên quan đến chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi. Ông đổ trách nhiệm cho “giới quân sự” trong khi chính cả hành pháp lẫn lập pháp đều “chọc ngoáy” vào vấn đề Đài Loan. Từ đấy có thể thấu cảm với Việt Nam, với thế “trên đe dưới búa” của mình, trong lúc này cũng sợ “tên bay đạn lạc” nên đã tránh đón nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan vào Cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc Ngoại trưởng Mỹ hủy chuyến thăm Việt Nam đã lên kế hoạch từ trước (mồng 9 – 10 tháng 7), nay lại thêm “USS Ronald Reagan”, quan hệ Việt – Mỹ sẽ dậm chân tại chỗ đến bao giờ? (6)

    Tham khảo:

    1. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62074562

    2. https://www.cnbc.com/2022/07/20/china-threatens-strong-measures-if-pelosi-visits-taiwan.html

    3. https://duandang.substack.com/p/227-nguy-co-khung-hoang-eo-bien-ai

    4. https://vietluan.com.au/81474/chuyen-gia-dcstq-phan-ung-thai-qua-va-hieu-sai-ve-viec-ba-pelosi-co-the-tham-dai-loan/

    5. https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=222255 

    6. https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BA%A1i-sao-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-blinken-h%E1%BB%A7y-chuy%E1%BA%BFn-%C4%91i-vi%E1%BB%87t-nam-/6648932.html

    https://www.rfa.org/vietnamese


    Không có nhận xét nào