Đi cùng Thánh Giá sang phía Tự Do - Kỷ Niệm 68 Năm Di Cư
Friday, July 18, 2014 – Hiệu đính tháng 7/2022
Trang đầu nhật báo The Los Angeles Times số ra ngày 21 Tháng Bảy, 1954, với bản tin lớn nhất có tựa đề: "Armistice signed ending fighting in Indo-China, Vietnam to be split in 2 Zones." (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Ngày 21 Tháng Bảy, 1954, nhật báo The Los Angeles Times đi tin lớn: "Armistice signed ending fighting in Indo-China, Vietnam to be split in 2 Zones" (Hiệp định đình chiến được ký kết, chấm dứt chiến tranh Ðông Dương, Việt Nam bị chia đôi).
Nhật báo The New York Times cũng đi tin lớn: "Indochina armistice is signed; Vietnam split at 17th parallel; US finds it can "respect" pact" (Hiệp Ðịnh Ðình Chiến đã được ký kết, Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến 17, Hoa Kỳ tôn trọng thỏa thuận.)
Tại Pháp, đài phát thanh Hirondelle của quân đội Pháp vang lên lời loan báo: "Hiệp Ðịnh Ðình Chiến đã được ký kết." Tờ báo của quân đội Pháp cũng đăng nguyên câu ấy trên trang nhất bằng chữ lớn.
Mọi người bàng hoàng dù biết trước thế nào việc này cũng sẽ đến.
Thôi, thế là không còn gì để phải băn khoăn về tình hình đất nước!
Giờ đây, điều khẩn cấp nhất mà nhiều người cần quyết định là ở lại đất Bắc hay đưa gia đình vào Nam. Và nếu đi, thì phải làm gì cho kịp thời hạn. Hà Nội có 80 ngày, Hải Dương có 100 ngày, còn Hải Phòng thì có 300 ngày cho mọi người di tản.
Người muốn di cư vào Nam thường là vì lý do chính trị, kinh tế, hay những kinh nghiệm đau thương từng có với Việt Minh - tức Cộng Sản. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.
Hãm hại người Công Giáo muốn ra đi
Giới tư sản lo gia tài của họ có nguy cơ bị tịch thu. Thành phần trí thức không thích Chủ Nghĩa Cộng Sản. Người theo đạo Công Giáo thấy rằng không thể tiếp tục sống nơi họ không được thờ phượng Chúa.
Cũng có người từng là nạn nhân trực tiếp, hay có người thân bị đấu tố, tài sản bị tước hết trong cuộc cải cách ruộng đất từ năm 1953. Cả những đồng bào Thượng ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, trước đây theo quân đội Pháp chống Việt Minh cũng tràn về Hà Nội để tìm đường vào Nam lánh nạn.
Ký giả Gertrude Samuels, trong bài "Passage to Freedom in Vietnam," đăng trên ấn bản Tháng Sáu, 1955 của The National Geographic, viết về trường hợp của ông Ngô Văn Hội, một người mà ông mô tả là "còm cõi trong chiếc áo rách nát và quần cụt đen," như sau: "Gia đình tôi có nhiều người bị giết, cả vì bom của Pháp lẫn vì bị Việt Minh sát hại. Chúng tôi còn bị cộng sản cấm đi nhà thờ."
Và kết luận: "Ðó là lý do tại sao ông Hộ mang vợ và 7 con đến nhà thờ Hưng Yên, nơi ông cùng nhiều người khác trong cùng xứ đạo, bắt đầu cuộc hành trình hơn 1,600 cây số đi tìm tự do."
Theo ghi chép của ông Ðức Khương, trong tài liệu "Người Công Giáo di cư, khúc quanh lịch sử," Giáo Phận Thái Bình có 80,000 giáo dân cùng hơn 60 linh mục đi theo làn sóng di cư.
Trong khi đó, cũng trong tài liệu này, sổ tay của ông ÐÐK, một người Công Giáo Thái Bình, sau này định cư tại Hố Nai, ghi lại: "Sáng ngày 27 Tháng Bảy 1954, cha Chánh Xứ Ðaminh Ðỗ Ðức Thụ cùng toàn thể dân xứ hiệp dâng Thánh lễ cuối cùng tại nhà thờ nhà xứ Lai Ổn để xin ơn bình an cho cuộc lữ hành. Sau Thánh lễ, cha xứ bùi ngùi lên tiếng từ giã thầy xứ và những giáo dân ở lại, từ giã ngôi thánh đường thân yêu, giã từ quê hương yêu dấu là nơi tổ tiên đang an nghỉ, làm nhiều người mủi lòng và khóc nức nở."
"Ðúng 13 giờ cùng ngày, cha xứ dẫn đoàn chiên lên đường, đoàn người lũ lượt theo nhau, tay xách, nách mang ra đi trong thinh lặng buồn bã. Họ bỏ lại sau lưng tất cả nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên. Hành trang quý nhất họ mang theo là một "niềm tin." Thỉnh thoảng, người ta ngoảnh đầu lại ngắm nhìn làng xã thân yêu mỗi lúc một xa dần, rồi mất hút. Sau ba cây số, qua sông Luộc rồi họ nghỉ đêm tại Phụ Dực. Sáng ngày, một đoàn xe đến chở dân xứ sang An Thổ, nghỉ lại đây một đêm, cha xứ cho giết con ngựa quý của mình đãi giáo dân một bữa tiệc."
"Ngày hôm sau, đoàn xe lại đến chở dân xứ ra Xuân Sơn (Kiến An), nghỉ lại đây 25 ngày tại giáo xứ Liễu Dinh để chờ đón những người trong xứ đi sau. Ở đây, tất cả mọi người đều được chích ngừa và chủng đậu. Ngày thứ 25, xe lại đến chuyển dân xứ ra Hải Phòng tá túc qua đêm. Sáng sớm hôm sau, dưới cơn mưa dầm, đoàn xe tiếp tục chuyển bánh ra bờ biển, sau đó mọi người được hướng dẫn xuống tàu 'há mồm.'"
Ký giả Gertrude Samuels, theo sát cuộc di cư kéo dài gần một năm, cho biết, ở nhiều nơi, cả làng kéo nhau đi, và câu hỏi chung của ông với nhiều người "tại sao lại bỏ hết để đi vào Nam," đã được đáp lại bằng những câu trả lời tương tự:
"Vì chúng tôi muốn sống tự do."
"Vì chúng tôi sợ chủ nghĩa Cộng Sản!"
"Vì muốn con cái chúng tôi được tự do theo Ðạo."
"Vì chúng tôi bị bắt phải bỏ Ðạo."
Nhiều tài liệu, tuy đưa ra những con số khác nhau, đều cho rằng việc cấm Ðạo là nguyên nhân khiến phần lớn người Bắc di cư vào Nam là tín đồ Công Giáo.
Trang đầu nhật báo The New York Times số ra ngày 21 Tháng Bảy, 1954 nói về Hiệp Ðịnh Geneva: "Indochina armistice is signed; Vietnam split at 17th parallel; US finds it can "respect" pact." (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Bác Sĩ Tom Dooley, viết về thời gian phục vụ trên chiến hạm USS Montague trong công tác đưa người di cư vào Nam trong cuốn "Deliver Us From Evil" (Xin Cứu Chúng Con Khỏi Mọi Sự Dữ), xuất bản năm 1961, kể lại một chuyện đàn áp tôn giáo hãi hùng. Ông viết: "Một hôm người ta đưa đến trại tị nạn (ở Hải Phòng) bảy em trai bị thương ở hai tai, máu chảy lênh láng, và một người đàn ông miệng bê bết máu đã ngất xỉu, để xin cấp cứu."
"Tôi đã dùng thuốc trụ sinh, và mọi phương tiện khó khăn lúc đó, để cứu sống những nạn nhân này, nhưng họ vẫn bị tàn tật suốt đời."
"Một người được chứng kiến câu chuyện, sau đó kể cho chúng tôi biết là, hôm đó Việt Minh kéo vào làng, họ đến ngôi trường mà một thầy giáo bị tố cáo là đã lén lút tổ chức những lớp học giáo lý vào buổi tối."
"Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói ra đằng sau."
"Hai người công an đi đến từng đứa trẻ. Một người dùng hai tay nắm chặt lấy đầu đứa bé. Người kia lấy một chiếc đũa bằng tre chọc mạnh sâu vào cả hai đôi tai, máu các em chảy ròng ròng, và cả làng có thể nghe thấy tiếng kêu hét kinh hoàng của những nạn nhân khốn khổ."
"Sau khi đã phải chứng kiến cảnh từng học trò của mình bị chọc hỏng tai, thầy giáo bị trừng phạt bằng một hình phạt nặng nề hơn. Một công an nắm chặt đầu ông, còn người kia banh miệng ông ra, dùng kéo cắt đi chiếc lưỡi đã dám rao giảng những giáo điều đi ngược với chính sách của đảng. Những em học trò này từ nay không thể nghe được lời rao giảng nào nữa, và thầy giáo bị câm thì không còn bao giờ nói được những điều bị cấm."
Bác Sĩ Tom Dooley tâm sự: "Lúc đó tôi mới chỉ là một bác sĩ giải phẫu còn non tay nghề, nhưng đã phải đối phó với nhiều trường hợp mà sách vở nhà trường chưa bao giờ nói đến: chẳng hạn phải làm gì cho trẻ em đã bị chọc đũa vào lỗ tai, cho các bà cụ mà xương cổ vốn đã xốp còn bị đập giập vì báng súng, và cho một linh mục bị đóng đinh vào đầu, vì bị Việt Minh chế nhạo việc chúa Giê Su bị đội vòng gai trên đầu khi chịu chết trên Thánh Giá."
Lập thành trì chống Cộng tại miền Nam
Có nhiều con số khác nhau liên quan đến số người Công Giáo di cư từ Bắc vào Nam.
Theo bản tường trình 14 trang về tình hình người tị nạn ở Bắc Việt của Giám Mục Phạm Ngọc Chi (địa phận Bùi Chu), gửi Bộ Truyền Giáo Roma, tháng 10, 1955, thì trong tổng số 860,206 người di cư vào Nam, có 676,348 giáo dân.
Tác giả Jean Marvier trong cuốn "Les combattants de Dieu" cho rằng 100% người di cư là người Công Giáo.
Theo tác giả Piero Ghedo, trong cuốn "Catholiques et bouddhistes au VietNam," xuất bản năm 1970, thì thống kê của Giám Ðốc Ủy Ban Tị Nạn Sài Gòn cho rằng có tổng số 928,152 người di cư, trong đó 794, 876 là người Công Giáo.
Tác giả Chester Cooper trong "The lost crusade, America in VietNam," đưa ra con số 85% người Bắc di cư là người Công Giáo.
Hai tác giả J. Buttinger trong "VietNam, a dragon embattled," và Bernard Fall trong "Les deux VietNam," cùng đưa ra con số là 65% hay khoảng 650,000 trong 1 triệu người di cư là người Công Giáo.
Dù con số là bao nhiêu, 65%, 78% hay 85%, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của người Công Giáo trong cuộc di cư của gần 1 triệu người Bắc vào Nam cách đây 60 năm.
Và khẳng định mạnh mẽ nhất vai trò then chốt này của người Công Giáo trong việc di cư, không ai khác hơn, lại chính là Việt Minh, thông qua thực tế là họ tìm đủ mọi cách ngăn cản người Công Giáo đồng loạt theo nhau vào Nam vào thời gian ấy.
Tập tài liệu lưu trữ tại Bộ Ngoại Giao Ba Lan, có tên "Tường trình về hoạt động của phái đoàn Công Giáo tại Việt Nam từ ngày 13 Tháng Tư đến ngày 30 Tháng Năm, 1955, Hà Nội," mang chữ ký của Wojciech Ketrzynski, cho chúng ta thêm nhiều chứng cớ về tầm quan trọng của việc người Công Giáo di cư, đối với Việt Minh.
Tập tài liệu nói trên do Tiến Sĩ Trần Thị Liên, tiến sĩ sử học tại Pháp, dịch và phổ biến năm 2005. Ngay từ đầu, tài liệu đã hé lộ cho thấy ngay sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan đã được phía Việt Minh yêu cầu giúp giải quyết vấn đề người Công Giáo ồ ạt di cư vào Nam.
Là một thành viên phái đoàn Công Giáo Ba Lan được Việt Nam mời qua thăm vào mùa Xuân 1955, ông Wojciech Ketrzynski kết luận bản tường trình nói trên bằng câu: "Trong tổng thể các vấn đề chính trị của Việt Nam, yếu tố Công Giáo tuy không giữ vai trò quan yếu nhất, nhưng vì là nhóm tôn giáo có tổ chức, thuần nhất và lớn mạnh nhất, Công Giáo có một trọng lượng nhất định trong cán cân quyền lực chung."
Trước cuộc di cư, dân số miền Bắc khoảng 12 triệu người, so với dân số khoảng 11 triệu người ở miền Nam. Con số 1 triệu người di cư vào Nam, với Việt Minh, vừa là một sự mất mặt, vừa là một đe dọa lớn.
Một mặt họ đàn áp người Công Giáo, vì chống đối họ, mặt khác lại tìm đủ mọi cách để đe dọa, ngăn cản, thậm chí hãm hại người Công Giáo tìm cách di cư vào Nam, vì không thể đứng yên nhìn cán cân quyền lực nghiêng về phía đối phương.
Người Công Giáo di cư còn đóng vai trò lớn vì họ không chỉ đi từng người, từng nhà, mà là đi từng làng một. Việc họ đi theo các vị linh mục, lãnh đạo tinh thần, và chăm lo cho cả đời sống xã hội của họ, là một điều hết sức tự nhiên. Thái độ tôn kính và vâng lời gần như tuyệt đối của con chiên với các cha, các giám mục của cộng đồng người Công Giáo miền Bắc cũng gây một ảnh hưởng lớn trong việc tái định cư và hòa nhập của người Bắc di cư vào xã hội miền Nam.
Nhiều thống kê cho thấy, ngoại trừ Hà Nội là một trong 2 điểm tập trung cho quá trình di cư, giáo phận nào có giám mục chọn ra đi thì số linh mục và giáo dân cũng ra đi đông đảo; ngược lại giáo phận nào mà giám mục chọn ở lại thì số ra đi cũng ít hơn.
Khi đã vào Nam rồi, người Công Giáo lại tiếp tục sống quây quần sinh hoạt với nhau trong những giáo xứ, giáo phận, tạo thành một cộng đồng có bản sắc riêng, và tạo nên những thành trì chống Cộng vững chắc cho miền Nam. (H.G.)
nguoiviet.com
***
Định cư 1 triệu người Bắc trên đất miền Nam
Friday, July 18, 2014
Ðể tránh tình trạng ứ đọng ở các trại tạm trú, các hoạt động định cư được thực hiện song song với hoạt động tiếp cư. Nhiều người ngay sau khi tới miền Nam hoặc sau một thời gian ngắn ở trại tạm trú đã tự lo liệu việc định cư ở những nơi có thân nhân hay bạn bè hoặc ở những vùng lựa chọn thích hợp với khả năng nghề nghiệp của mình. Con số này gồm khoảng 200,000 người hầu hết là gia đình công chức, thương gia và người hành nghề tự do. Ngoài ra còn gia đình các quân nhân di cư tổng số trên 100,000 người. Những người hoàn toàn trông cậy vào chương trình của chính phủ được xếp vào ba loại nghề nghiệp chính: nông nghiệp, ngư nghiệp hay tiểu công nghệ, sau đó được đưa đi định cư ở những địa điểm thích hợp tại các tỉnh miền Nam, miền Trung hay Cao Nguyên Trung Phần.
Tại những nơi này, Nha Ðịnh Cư thiết lập các trại định cư, cất nhà cửa, trường học, trạm y tế và đào giếng nước cho dân trong trại. Qua chương trình viện trợ Mỹ, Pháp và các chính phủ trong thế giới tự do cùng các tổ chức quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, và các cơ quan thiện nguyện từ khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người làm nghề nông, nghề đánh cá hay tiểu công nghệ được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu bò, hạt giống, phân bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản xuất.) Ngoài ra, trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ cấp nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ... Tại mỗi tỉnh có đồng bào di cư, một Ủy Ban Ðịnh Cư tỉnh được thành lập do tỉnh trưởng làm chủ tịch gồm đại diện dân chúng và các cơ quan liên hệ.
Chi phí định cư phần lớn do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, tổng cộng là 56 triệu đô la và khoảng 150 triệu đồng Việt Nam (theo hối suất chính thức hồi đó thì 1 đô-la bằng 35 đồng VN.) Trong số này, ngót 12 triệu đô la là chi phí chuyên chở của tàu Hải Quân Ðặc Nhiệm 90. Số tiền viện trợ còn lại, khoảng 45 triệu đô la, được dùng vào việc định cư tị nạn, gồm mọi sự giúp đỡ từ thời gian ở trại tạm trú đến trại định cư. Chi phí trung bình cho việc định cư là khoảng 80 đô la mỗi đầu người.
Mấy tháng định cư đầu tiên có một số trở ngại do việc lựa chọn địa điểm không thích hợp với khả năng nghề nghiệp của người tị nạn. Chẳng hạn người làm ruộng ở đồng bằng không quen với công việc canh tác và trồng trọt ở miền núi, dân ngư phủ lại đưa đi định cư ở miền đồng ruộng. Nhiều vùng đất bỏ hoang trong tám năm chiến tranh lại nằm trong những khu kháng chiến cũ của Việt Minh. Dân tị nạn gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt với dân chúng địa phương có ít nhiều liên hệ với những cán bộ và binh sĩ cộng sản đã ra Bắc tập kết. Ngoài ra còn có trở ngại về an ninh do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với lực lượng nổi loạn Bình Xuyên hồi Tháng Tư 1955. Kết quả là khoảng 20,000 dân bị mất hết nhà cửa tài sản, trong đó một số là người tị nạn.
Nhờ sự giúp đỡ tài chánh và huấn luyện kỹ thuật của các cơ quan viện trợ, nhất là các chuyên viên U.S.O.M. và phái đoàn cố vấn của Ðại Học Michigan, các dự án mới được thiết lập nhằm bãi bỏ một số trại định cư và chuyển dân tị nạn đến những nơi thích hợp hơn. Một thí dụ là trại định cư ở Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trại này có 224 gia đình nông dân và ngư dân tổng cộng 1,036 người. Rừng Thủ Dầu Một không thích hợp với nghề làm ruộng, lại càng không thích hợp với nghề đánh cá. Những người này được chuyển tới Ba Ngòi, gần vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, 150 gia đình ngư dân được cấp phát phương tiện đóng tàu thuyền và đồ nghề chài lưới và 74 gia đình nông dân được chia đất ở bên trong, được giúp đỡ khẩn hoang và cấp phát phương tiện canh tác. Ðây là bước đầu của giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn kiện toàn định cư. Số dân do chính phủ định cư được phân phối theo tỉ lệ phỏng định 70% về nông nghiệp, 15% ngư nghiệp, 10% tiểu công nghệ và 5% tiểu thương. Tổng cộng có 315 trại định cư với 508,999 dân, phân phối như sau:
NAM PHẦN (14 tỉnh):
Ba Xuyên, 1 trại, 780 người
Phong Dinh, 3 trại, 10,683 người
Kiên Giang (Cái Sắn), 15 trại, 42,145 người
An Giang (*)
Vĩnh Long, 6 trại, 2,803 người
Kiến Hòa, 11 trại, 12,268 người
Ðịnh Tường, 10 trại, 9,036 người
Long An, 9 trại, 14,108 người
Phước Tuy (Bà Rịa), 20 trại, 26,241 người
Ðô thành Sài Gòn, 12 trại, 24,925 người
Gia Ðịnh, 37 trại, 110,339 người
Biên Hòa, 56 trại, 107,947 người
Bình Dương, 12 trại, 16,353 người
Tây Ninh, 14 trại, 15,726 người
Tổng cộng: 206 trại, 393,354 người
TRUNG PHẦN (9 tỉnh Trung Nguyên):
Quảng Trị, 11 trại, 9,251 người
Thừa Thiên, 11 trại, 5,700 người
Ðà Nẵng, 5 trại, 7,917 người
Quảng Nam, 4 trại, 462 người
Bình Ðịnh, 1 trại, 275 người
Khánh Hòa, 6 trại, 4,608 người
Phú Yên, 2 trại, 1,129 người
Ninh Thuận, 1 trại, 312 người
Bình Thuận, 18 trại, 31,430 người
Tổng cộng: 59 trại, 61,094 người
NAM TRUNG PHẦN (5 tỉnh Cao Nguyên):
Ðồng Nai Thượng (Blao), 8 trại, 12,796 người
Ðà Lạt, 18 trại, 15,456 người
La Ngà I và II, 5 trại, 6,770 người
Ban Mê Thuột, 15 trại, 14,725 người
Pleiku, 4 trại, 4,804 người
Tổng cộng: 50 trại, 54,551 người
(*) Số trại và số người định cư ở An Giang không thấy ghi trong nguồn tài liệu của PTUDCTN, “Cuộc Di Cư Lịch Sử tại Việt Nam,” trang 169. Có lẽ các trại này lúc đó đang sáp nhập vào trại Cái Sắn ở giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Ngoài các thành phần kể trên, Nha Ðịnh Cư còn tổ chức những trại riêng biệt ở một số tỉnh miền Trung và Cao Nguyên miền Nam cho đồng bào sắc tộc. Tổng cộng có 14,794 người định cư tại bảy trại, gồm có:
Hai trại người Nùng ở Sông Mao và Phan Rí, tỉnh Bình Thuận.
Ba trại người Mường, một trại ở Biên Hòa, và hai trại ở Pleiku.
Một trại người Mán ở Ban Mê Thuột.
Một trại người Thổ và người Thái ở Trung Nghĩa, Ðà Lạt.
Theo bảng phân phối trên đây, số dân định cư đông nhất là ở Nam Phần, và ngoại trừ vùng thủ đô Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Ðịnh, tỉnh Biên Hòa có nhiều dân định cư nhất nước với đại đa số là người Công Giáo. Chỉ trong vòng một năm, dân số tỉnh Biên Hòa tăng gần gấp đôi, từ 130,000 lên tới 240,000. Quân đội Pháp và Việt đem máy móc tới làm đường sá và khai quang những vùng đất bỏ hoang để giúp dân chúng cất nhà hay trồng trọt. Có tất cả sáu khu định cư trong tỉnh Biên Hòa gồm Hố Nai, Gia Kiệm, Tân Uyên, Phước Lý, Tân Mai và Bến Cỏ. Khu lớn nhất là Hố Nai gồm bảy làng chia theo thành phần dân di cư từ các tỉnh ở miền Bắc, xếp thứ tự theo số dân từ đông nhất đến ít nhất: Hải Phòng (20,000), Thái Bình (11,050) Bùi Chu (6,000), Bắc Ninh (4,000), Thanh Tâm (3,250), Thanh Hóa (2,858). Với khả năng tổ chức và điều hành của hệ thống Công Giáo, tinh thần kỷ luật và siêng năng của trên 50,000 giáo dân, Hố Nai đã tận dụng được các chương trình giúp đỡ và sớm vượt qua được những trở ngại lớn lúc ban đầu để trở thành khu định cư hoàn toàn tự túc với đủ mọi ngành nghề.
Sau việc cất nhà, đào giếng và tổ chức bộ máy hành chánh trong các trại định cư, PTUDCTN bắt đầu cung cấp các phương tiện nghề nghiệp cho dân chúng. Riêng về nông nghiệp, nông dân được cấp phát đất hoang để làm vườn hay làm ruộng. Chỉ trong vòng một năm, 23 trại định cư tại 5 tỉnh miền Nam đã được chính quyền ký nghị định thiết lập thành làng xã địa phương. Cũng chỉ trong năm đầu tiên, công việc khẩn hoang tại các trại đã đạt được kết quả như sau:
NAM PHẦN:
Diện tích đã khẩn hoang: 30,565 ha
Diện tích đã cấy lúa: 21,057 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 7,973 ha
TRUNG PHẦN:
Diện tích đã khẩn hoang: 3,630 ha
Diện tích đã cấy lúa: 1,750 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 1,870 ha
CAO NGUYÊN:
Diện tích đã khẩn hoang: 3,996 ha
Diện tích đã cấy lúa: 823 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 3,100 ha
Trong số các trại định cư, có nhiều trại như Cái Sắn, La Ngà, Ban Mê Thuột, Pleiku được thành lập theo chương trình đặc biệt nhằm tái canh vùng Cái Sắn (Kiên Giang) và khai thác cao nguyên miền Nam. Các Bộ Cải Cách Ðiền Ðịa, Canh Nông, Công Chánh, Xã Hội hợp tác chặt chẽ với PTUDCTN để hoạch định và thực hiện các dự án kiện toàn định cư về kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế và xã hội.
Cái Sắn, được thành lập ngày 21 tháng 12, 1955, là thí điểm kiện toàn định cư lớn nhất, trong vòng hai năm, đã đem lại cho 7,500 gia đình gồm trên 42,000 người một đời sống hoàn toàn tự túc. Nhờ các cơ quan ngoại viện cung cấp vật liệu xây cất và nông cụ cần thiết, trong năm đầu tiên đã có trên 13,000 căn nhà được dựng lên và 12,000 ha (trong số trên 100,000 ha ruộng đất bỏ hoang) được khai khẩn và trở thành vườn ruộng phì nhiêu. Các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là tổ chức Thanh Thương Hội Quốc Tế, giúp đỡ tổ chức và điều hành các trạm y tế, nhà bảo sanh, thành lập các phòng thông tin và trụ sở sinh hoạt cộng đồng.
Công trình quan trọng nhất ở Cái Sắn là việc chính quyền và dân tị nạn với máy móc và dụng cụ viện trợ đã hợp lực đào được 17 con kinh dẫn nước từ sông Tân Hiệp vào các khu tiếp giáp với đồng ruộng và nơi cư trú của dân chúng, mỗi con kinh rộng 8 mét và dài trung bình 12 km, không những cần thiết cho việc trồng trọt mà còn là những tuyến giao thông, thương mại và chuyên chở bằng thuyền bè giữa các địa điểm trong trại với bên ngoài. Nhờ sự sinh hoạt tấp nập trên những con kinh này, Cái Sắn đã thay đổi hẳn đời sống kinh tế địa phương, gia tăng lợi tức và công ăn việc làm. Tỉnh Kiên Giang nhờ đó cũng có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi.
Những trại định cư của gần 15,000 đồng bào sắc tộc tại cao nguyên Nam Trung Phần tập trung trong vùng Ðà Lạt, Pleiku, Ban Mê Thuột cũng được hưởng chương trình đặc biệt. Cơ quan viện trợ USOM (United States Operations Mission) lập dự án khai khẩn đất đai, làm đường, xây trường học, bệnh xá, cung cấp cho dân định cư vật liệu làm nhà và nông cụ, nông phẩm để trồng trọt. Ðến cuối năm 1957 dân chúng đã có thể tự túc nhờ sản xuất nông phẩm cung cấp cho thị trường địa phương. Chỉ riêng một làng đã có khả năng sản xuất mỗi tháng được 24 tấn rau đủ loại.
(Trích từ “Việt Nam 1945 - 1995, Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử”)
Lê Xuân Khoa
nguoiviet.com
***
Thuở ban đầu Nam - Bắc gặp nhau
Friday, July 18, 2014
Lần đầu gặp người miền Nam
Tôi còn nhớ máy bay cargo chở chúng tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc khoảng 9, 10 giờ một đêm mưa tầm tã, Từ đó chúng tôi được đưa đến trại Liêu Tây chờ định cư. Thú thật lúc đó tôi không để ý gì đến khung cảnh chung quanh, vì đang chìm ngập trong tâm trạng hoảng sợ của một cô gái 16 tuổi mồ côi mẹ, chợt nhận biết từ đây mình không còn ở trong mái nhà quen thuộc, không còn anh, không còn bố, là hai người thân duy nhất bên cạnh. Các thiếu nữ 16 tuổi thời nay thì trưởng thành lắm rồi, nhưng thời đó, chúng tôi hiền và khờ khạo lắm, từ trước đến giờ chưa bao giờ đi máy bay, chưa bao giờ ra khỏi nhà một mình. Mới hôm trước, ba cha con chúng tôi còn chuẩn bị hành lý vào Nam, thì đùng một cái người anh quyết định ở lại đi vào bưng, còn bố thì đưa tôi ra phi trường, đẩy tôi vào dòng người đang lên máy bay, rồi bảo, “Con đi trước đi, bố ở lại tìm anh, sẽ gặp con trước hạn 300 ngày.” Miền Nam trong thời gian đầu tiên với tôi đồng nghĩa với buồn bã và lo sợ.
Nữ tài tử Kiều Chinh
Lúc mới di cư vào Sài Gòn tôi là một sinh viên 20 tuổi. Cảm nhận đầu tiên là sự thanh bình và thịnh vượng của miền Nam so với cái điêu tàn đổ nát vì chiến tranh của miền Bắc. Lúc đó sinh viên vào Nam được chính phủ chăm sóc khá chu đáo, nên tôi cảm thấy lạc quan với tương lai. Nhìn xung quanh thì thấy rõ hơn là người miền Nam tính tình dễ dãi và có lồi sinh hoạt rất lè phè, tiêu xài thoải mái, không cần kiệm như người Bắc. Sau này mới hiểu là vì đời sống ở đây không khó khăn như ngoài Bắc.
Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm
Ồ, lúc đó tôi mới có 7 tuổi. Không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ là vui lắm vì lúc đó gia đình ở một trại tạm trú gần Sở Thú, và đang từ đời sống rất trật tự, quy củ, tự nhiên như được sổ lồng. Lúc đó sáu, bảy anh chị em chúng tôi cứ kéo nhau đi chơi suốt ngày, mà thường là vào Sở Thú. Chưa bao giờ được đi Sở Thú nhiều như thế, nên với chúng tôi lúc đó Sài Gòn là một chỗ thần tiên. Tiếc thay thời gian đó cũng không lâu, chỉ được vài tháng...
Luật Sư Phan Huy Ðạt
Nhắc đến những ngày mới vào Nam, tôi chỉ nhớ nhận xét đầu tiên là sao đường ở đây nhiều cứt ngựa thế, cứ ra đường là toàn thấy cứt ngựa. Dĩ nhiên đó là nhận xét của cậu bé 8 tuổi. Hình như gia đình tôi lúc đó ở trại tạm trú Phú Thọ. Sau khi ra khỏi trại rồi, đi học thì chỉ nhớ hay vật nhau với mấy thằng bạn cùng trường. Hễ tụi nó cứ: “ê, ê, thằng Bắc kỳ ăn cá rô cây” là tụi tôi tức lắm, sau mấy hôm im lặng không biết nói gì, một hôm tôi bỗng xuất khẩu thành thơ, nói lại: “Còn tụi mày Nam kỳ thì ăn mì khô cứt ngựa.” Thế là cả đám nhào vào vật nhau ra đất.
Bác Sĩ Minh Bùi
Lúc mới vào Nam gia đình tôi định cư ở gần đường Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Lúc đó tôi vừa lập gia đình nên quan tâm lớn nhất là làm sao kiếm việc làm để ổn định đời sống. Ðiều tôi nhớ nhất là thấy người miền Nam sung sướng và có lối sống hồn nhiên quá. Ở gần nhà tôi có gia đình người đạp xích lô. Buổi sáng ông chồng chở cả vợ lẫn con ra đầu chợ ăn sáng, chở con đi học, rồi chở vợ về, buổi trưa về mua cơm chở về cho vợ ăn rồi ngủ trưa xong mới đạp xe tiếp. Buổi tối lại về đón vợ con chở đi ăn tối. Ra chợ thì nếu mình mua cái gì một đồng mà đưa giấy hai đồng thì người bán hàng xé tiền ra làm đôi, đưa lại một nửa. Rất thoải mái!
Bà Phạm Thị Hậu
Lần đầu thấy người miền Bắc
Tôi còn nhớ buổi phát thanh cuối cùng của Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội trước khi từ giã đất Bắc để vào Nam, nghe xong lòng tôi buồn như muốn khóc. Thế rồi một ngày đầu Thu năm ấy, thành phố Hội An nhỏ bé và cổ kính của chúng tôi bắt đầu đón tiếp người Bắc di cư, mấy cái lều lớn được dựng lên trong khu vực sân quần vợt đầy ắp người ở. Niên khóa mới 1954-1955 trường Trần Quý Cáp chúng tôi có thêm một số bạn học mới nói tiếng Bắc, trong đó có những “cô em Bắc Kỳ nho nhỏ” rất duyên dáng. Và, một tiệm phở được khai trương một cách tạm bợ ở một con đường gần chợ. Tiêm phở này tôi cho là nét văn hóa ẩm thực Bắc Kỳ đầu tiên xuất hiện một cách rõ rệt tại thành phố Hội An.
Nhà văn Phạm Xuân Ðài
Lúc người miền Bắc di cư vào Nam tôi vừa lên trung học, ở một trường trung học gần Gia Ðịnh. Trường toàn học trò người Bắc. Nhận xét đầu tiên của tôi là họ học rất giỏi và rất chịu khó, lại rất tằn tiện. Ở gần trường có một quán bán thức ăn, nhưng buổi trưa thấy bạn bè người Bắc toàn ăn cơm gia đình gói cho. Họ không xài tiền. Tôi cũng nhớ mình ngưỡng mộ tài ăn nói khéo léo của người Bắc, nhất là giọng nói của các cô gái Bắc, nghe thật ngọt ngào. Còn nữa, người Bắc rất mộ đạo, gần trường có một cái nhà thờ, giờ ra chơi nào cũng thấy họ rủ nhau vào nhà thờ cầu nguyện...
Ký giả Kiều Mỹ Duyên
Tôi ở miền Trung, nhà ở gần một nhà thờ. Cuối năm 1954, một buổi sáng Chủ Nhật, tự nhiên có một đoàn người rất đông, ăn mặc rất lạ lùng đi ngang qua nhà tôi. Cha tôi giải thích đó là người Bắc di cư, họ rất sùng đạo nên chắc kéo nhau đến nhà thờ cầu nguyện. Và phì cười khi tôi hỏi, “Bắc ở đâu, người Bắc có phải là người Việt không?” Cha tôi bảo họ là đồng bào của mình, họ bỏ nhà cửa vào đây vì không muốn sống chung với cộng sản, và được đưa đến đây định cư. Lúc đó tính tò mò của đứa trẻ khoảng 12, 13 tuổi khiến tôi tìm cớ đến nhà thờ gần giờ tan lễ để lén nhìn những “người Việt lạ lùng” này. Họ ăn mặc lạ quá. Phụ nữ đa số người nào cũng bịt khăn trên đầu, có người vấn khăn, và đặc biệt là răng của người già đen như than khiến tôi sờ sợ. Tiếng nói của họ nghe cũng được, nhưng sau này nghe thêm thì tôi lại thấy thích cách phát âm giọng Bắc.
Ông Nguyễn Văn Nam
Với tôi, kỷ niệm với người Bắc di cư gắn liền với mấy cọng rau muống. Hồi mấy người Bắc vào Nam, nhà tôi ở Biên Hòa. Tôi nhớ lúc đó giữa họ với người Việt mình có một cái gì thật xa lạ. Một hôm thấy mấy bà mặc quần áo lạ lùng này đi vào các xóm tìm mua rau muống, tôi để ý thì biết họ mang về bán lại cho mấy người Bắc khác mua về ăn. Rau muống miền Nam hồi đó mọc hoang ở ruộng, người ta hái về băm ra trộn cám cho heo ăn, nên tụi tôi thấy lạ lắm. Nhưng họ thích ăn thì kệ. Từ từ, các ruộng rau muống trong vùng đều được người Bắc đến mua sạch, và tụi tôi đặt cho họ cái tên là “dân rau muống.” Lâu dần tôi thấy người Bắc bắt đầu đào ao thả cá, và thả luôn rau muống ở ao. Rau muống ở ao lớn và dài cọng ăn mềm hơn. Ðến khi một bà người Bắc hàng xóm gần nhà mang qua cho má tôi một thố canh bún, tụi tôi ăn thử mới biết mê cái món này, mê luôn mấy cọng rau muống.
Bà Trần Thị Huệ
Thú thật, hồi mới gặp mấy người Bắc di cư tôi không mấy thiện cảm. Mấy bà lớn tuổi răng đen thui, quấn khăn kín mít trên đầu, còn mấy ông thì đi đâu cũng mang theo cái điếu cầy, hút thuốc kêu sòng sọc. Nói năng thì khách sáo, giữ kẽ. Ở trường, gặp mấy cô em Bắc Kỳ, thì dù xinh đẹp tới mấy tụi tôi cũng đứng cho thật xa, nhìn mặt thôi cũng biết là khó tính, và cái tính (không) xài tiền của dân Bắc thì khỏi nói. Vậy mà tôi có người bạn thân là ông Bắc Kỳ di cư hồi nào không hay, mà còn lấy cô em gái của bạn mình làm vợ. Giờ tôi nói còn bị lây giọng Bắc nữa mới chết...
Ông Hoàng Văn Lượng
nguoiviet.com
***
Ngày tôi rời Hà Nội 60 năm trước - Kỷ Niệm 60 Năm Di Cư
Friday, July 18, 2014
Hà Nội những ngày Tháng Tám, 1954 là khoảng thời gian mọi người đều bối rối, tất bật, và hoang mang với những gì sắp xảy đến. Còn tôi, người viết bài này, khi ấy còn là một chú bé mới lớn, đủ để biết được nhiều chuyện nhưng chưa thể cảm nhận và suy nghĩ về nhiều việc khác.
Ngã 5 trung tâm thành phố từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Hàng Ðào không còn nhộn nhịp sau ngày Hiệp Ðịnh Geneva 20 Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Tôi nhớ rằng hiệp định đình chiến ký kết ngày 20 Tháng Bảy ở Geneva không được đón mừng như sự khởi đầu của một giai đoạn hòa bình. Từ nhiều năm, tiếng "đại bác đêm đêm vọng về thành phố" đã là chuyện bình thường không làm mấy ai quan tâm lo lắng. Hệ thống đồn bót do quân đội Liên Hiệp Pháp thành lập làm vòng đai bảo vệ vùng đồng bằng sông Hồng, có thông lệ bắn yểm trợ lẫn cho nhau bằng ít phát trọng pháo vu vơ ngay cả khi không bị tấn công, mà chỉ nhằm mục đích răn đe đối phương hay tạo sự an tâm cho đơn vị bạn.
Giữa đất nước chiến tranh, Hà Nội là một hậu phương hoàn toàn thanh bình. Thời kỳ ấy hiếm có những cuộc đột kích vào thành phố hay nổ bom khủng bố. Chiến tranh chỉ xuất hiện gián tiếp bằng những đơn vị quân đội trở về hậu cứ nghỉ ngơi sau một chiến dịch dài. Lúc đó cái làm cho người dân e ngại là những chú "Tây say," lính Lê Dương uống rượu đi lang thang phá phách trên đường phố. Tuy nhiên chuyện ấy chỉ xảy ra ở một số khu vực gần các doanh trại và tình trạng gây rối loạn ít khi lên tới mức độ trầm trọng.
Ðối với đám học sinh nhỏ chúng tôi thì chiến tranh là những hình ảnh lạ mắt, có thể là hấp dẫn như phim chiếu bóng. Buổi nào có giờ nghỉ học tình cờ, chúng tôi thường kéo nhau ra chơi ngoài bờ sông và từ trên đê cao thỉnh thoảng nhìn thấy máy bay thả lính nhảy dù xuống bãi tập ở phía xa bên kia sông Hồng.
Cảnh tiêu điều của Chợ Hôm, chợ lớn thứ nhì của Hà Nội sau chợ Ðồng Xuân. (Hình: Hà Tường Cát)
Trong mấy tháng đầu năm 1954, tôi theo dõi được trận Ðiện Biên Phủ qua những chiếc máy bay. Những máy bay vận tải DC-3 Dakota của quân đội Pháp, sau này gọi là C-47, lên xuống phi trường quân sự Bạch Mai đều đặn hàng ngày lượn vòng trên phía Nam thành phố và bay qua nhà tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi cũng quen để phân biệt được ngay cả các máy bay chiến đấu F6F Hellcat của hải quân và F8F Bearcat của Không Quân, thoạt nhìn rất giống nhau.
Bay cao hơn ngang qua không phận Hà Nội là những chiếc máy bay oanh tạc B-26 của Không Quân Pháp và sau đó một vài chiếc PB4Y-2 Privateer của Hải Quân Mỹ cất cánh từ phi trường Cát Bi, Hải Phòng.
Cũng là lần đầu tiên những chiếc "máy bay hai mình" Flying Box Car của Mỹ (C-119 của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa sau này) chở hàng thả dù xuống Ðiên Biên Phủ tiếp tế cho quân đội Pháp, thường xuyên bay ngang bầu trời Hà Nội mỗi ngày. Ngoài ra đám bạn học chúng tôi cũng thường rủ nhau đến bãi đất trống trước bệnh viện quân sự Ðồn Thủy để nhìn thấy tận mắt những chiếc trực thăng tải thương từ Ðiện Biên Phủ trở về khi cứ điểm này chưa bị siết chặt vòng vây.
Bằng sự tò mò ham thích về các loại máy bay như thế, việc di cư vào miền Nam bằng đường bay được coi như một cơ hội vô cùng thú vị, chứ ở tuổi thiếu niên tôi chưa thể hiểu hay có quan tâm thắc mắc gì về tương lai. Có điều tôi không khỏi có nhiều lưu luyến với những nơi chốn, với nếp sinh hoạt đã quen và một số bạn bè thân ở lại miền Bắc. Thứ tình cảm ấy là do tuy còn bé, tôi đã có nhiều kỷ niệm về Hà Nội hơn những người cùng lứa tuổi. Là con một trong gia đình nên ông bố tôi đi đâu cũng dắt theo, chỉ dẫn tỉ mỉ về thành phố Hà Nội và làng mạc phụ cận, từ Nghĩa Ðô trong các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài thời tiền chiến cho tới làng Vòng nổi tiếng về làm cốm, Trại hàng hoa Ngọc Hà hay làng Nhật Tân chuyên trồng cành đào bán ngày Tết...
Thời gian ấy nhiều người vẫn tin rằng di cư vào Nam chỉ là một cuộc ra đi tạm thời, hai năm sau có tổng tuyển cử sẽ có thể trở về bình thường. Nhưng bố tôi bảo rằng sẽ còn lâu lắm hay không bao giờ trở về nữa.
Tôi chẳng thắc mắc vì sao ông tin như vậy, và bây giờ chắc chắn hiểu rằng ông không thể nào mường tượng rằng tôi sẽ còn phiêu bạt xa hơn rất nhiều nữa.
Những ngày trước khi rời Hà Nội, tôi thường xách chiếc Kodak 6x9, kiểu máy chụp hình kéo ra như chiếc đàn phong cầm, đi chơi khắp thành phố để cố ghi lại những kỷ niệm. Ðó là những hình ảnh qua cặp mắt của một thiếu niên, nghĩa là rất trẻ con, không có trình độ diễn tả được những nét tiêu biểu trong sinh hoạt của một thành phố đang biến chuyển.
Chợ Trời ở đường Hồ Xuân Hương gần hồ Thuyền Quang, nơi dân chúng chuẩn bị di cư bán đi các đồ đạc trong nhà, là khu vực đông đảo nhất Hà Nội vào Tháng Tám, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Thành phố đông đúc hơn do dân chúng từ các tỉnh đồng bằng đổ về tìm đường di cư, nhưng sinh hoạt ở những khu phố buôn bán thì sút giảm không còn vẻ rộn rã thường ngày. Nơi tập trung nhộn nhịp nhất là khu vực gần hồ Thiền Quang phía Nam thành phố, một khu nhà dân, không có những cửa hàng thương mại nhưng có hè phố rộng. Nơi đây trở thành Chợ Trời (dân Bắc gọi là Chợ Giời) có lẽ là đầu tiên ở Hà Nội.
Khác với chợ trời năm 1975 ở Sài Gòn, dân Hà Nội 1954 không có nhiều thứ đồ gia dụng nên hầu hết những món đem ra bán là đồ gỗ, bàn ghế, giường tủ và cả bàn thờ.
Tôi rời bỏ miền Bắc ngày 30 Tháng Tám, 1954, 40 ngày sau Hiệp Ðịnh Geneve và hãy còn thời gian hai tháng để ai muốn ra đi hay ở lại được quyền tự do chọn lựa. Bố tôi nói là đừng nên đi trễ quá, có thể gặp khó khăn và không giải thích gì thêm. Hầu hết những gia đình định di cư vào Nam đều giữ kín ý định cho đến ngày ra đi. Trái lại gia đình tôi thì không làm được điều ấy. Trong khoảng một tháng trước ngày đi, nhà tôi trở thành chỗ tạm trú của nhiều người quen từ Nam Ðịnh, Ninh Bình, Phát Diệm lên Hà Nội tìm đường ra đi.
Ðến lúc ấy tôi mới dần dần hiểu ra rằng bố tôi là người có nhiều liên hệ với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, chẳng biết là đảng viên hay thế nào, vì ông không bao giờ cho biết. Ông nói với con đủ mọi chuyện nhưng trước sau không bao giờ nói chuyện gì liên quan đến chính trị. Sau này khi tôi trưởng thành và ông đã già yếu cũng không khi nào ông tỏ ra thắc mắc với sinh hoạt của tôi và luôn luôn đồng ý về tất các việc gì tôi làm. Ðó là điều khiến tôi rất thân và quý mến ông bố mình.
Buổi tối trước ngày đi, gia đình tôi thuê một chiếc xe "ba gác," kiểu như xe bò bánh gỗ nhưng do người kéo, chất đầy hành lý, đi đến nơi tập trung ở một trường tư thục nhỏ ngay giữa trung tâm thành phố. Tôi nhớ đã làm một việc dại dột là khi mọi người còn đang bận rộn thu dọn nơi tạm trú qua đêm thì lén ra ngoài và đi bộ chừng hơn một cây số trở về để nhìn lại căn nhà cũ.
Bà mẹ tôi chửi mắng nặng nề khi thấy tôi về sau khoảng một giờ vắng mặt đâu mất khiến mọi người đều sợ tôi "bị người ta bắt thì sao." Như thường lệ, ông bố tôi bình thản can thiệp, nói rằng việc qua rồi không có gì lo lắng nữa. Nhưng nghĩ lại tôi mới cảm thấy hơi sợ, không phải vì cho rằng có ai muốn bắt mình, nhưng nhớ lại cảnh đường phố vắng lặng dù mới là chập tối, các nhà đều đóng cửa sớm, sinh hoạt khác hẳn bình thường trước kia.
Chúng tôi lên máy bay từ phi trường Gia Lâm và bay ngang thành phố thân thiết một lần chót cho tới gần 40 năm sau mới có lần thấy lại. Ðó là một máy bay vận tải C-46 hai động cơ cánh quạt chở được trên 50 người, nghĩa là gần gấp đôi loại C-47 quen biết hơn với mọi người. Thân máy bay ghi tên hiệu CAT (Civil Air Transport) có vẻ như một máy bay hàng không dân dụng, thật ra hầu hết sứ mạng của nó là những hoạt động bí mật. Ðây là kiểu máy bay gắn bó với chiến tranh Việt Nam sau này, thường không sơn chữ số và dấu hiệu gì trên thân, thi hành những phi vụ thả dù biệt kích, đồ tiếp liệu hoặc chuyên chở hàng hóa và nhân viên cho các cơ quan dân sự hay tình báo Hoa Kỳ.
Bố tôi (quần áo trắng đội mũ) đứng chờ danh sách di cư vào Nam tại sở học chính Bắc Việt, Hà Nội, cuối Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Qua khung cửa sổ máy bay là hình ảnh của những nơi sẽ trở thành rất thân thuộc với tôi trong hơn 30 năm kế tiếp, từ bờ biển, sông ngòi, núi rừng Trường Sơn cho đến các chiếc tàu biển trên dòng sông uốn cong bên thành phố Sài Gòn có những nhà mái ngói đỏ.
Tuy nhiên khác nhạc sĩ Vũ Thành và nhiều người ở thế hệ ông chỉ có "Giấc Mơ Hồi Hương," sau này tôi có thể trở lại nơi cũ dù trong những hoàn cảnh và điều kiện khác với mong ước. Ðiều tình cờ chua chát là tôi trở về gần quê cũ, 23 năm sau cũng đúng vào ngày 30 Tháng Tám, trên đoàn xe chở "tù cải tạo" xuất phát từ trại T-20 đi ngược quốc lộ 1 về hướng Bắc.
Lần thứ nhất tôi thực sự trở lại Hà Nội là năm 1989 khi làm việc trong văn phòng của một nhóm tư vấn đầu tư ở Sài Gòn, và được cử đi thương lượng cho một hãng Pháp có dự án mua lại các xe điện cũ ở Hà Nội để thay thế bằng xe bus. Năm ấy thành phố chưa thay đổi nhiều ngoại trừ một số cư xá mới xây cất cho cán bộ công nhân và những "chuồng cọp" trên các tầng lầu. Trong thời chiến tranh, dân Hà Nội ở những căn hộ do chính quyền phân phối cấp phát, tìm cách tăng diện tích bằng cách lấn ra ngoài các bao lơn được quây xung quanh bằng lưới sắt và họ đặt cho cái tên là "chuồng cọp." Chưa phát triển theo đường lối kinh tế tư bản nên thành phố năm ấy còn sạch sẽ vì chẳng có nhiều hàng hóa tiêu dùng và rác.
Nhưng tới năm 2010 khi Hà Nội kỷ niệm "1000 năm Thăng Long" thì nhiều cảnh vật đã hoàn toàn khác. Ðường phố đầy người và xe cộ, nhất là xe máy hai bánh, hàng quán mọc lên vô trật tự khắp nơi và những nét cổ xưa chỉ còn rải rác len lỏi ở một đôi chỗ. Giống như Sài Gòn, Hà Nội có rất nhiều quán cà phê từ hạng sang trọng và đẹp cho đến những quán nằm trong các ngõ phố hay trên tầng lầu hiểm hóc. Ðó là nơi hấp dẫn du khách tò mò và người như tôi, muốn trao đổi tìm hiểu những khía cạnh sinh hoạt của người mới và người cũ.
Một buổi tối vào Cà Phê Giảng, tên quen thuộc của dân Hà Nội ngày xưa, bây giờ không còn là căn nhà nhỏ bé ở phố Cầu Gỗ mà là cửa hàng ba tầng lầu gần hồ Hoàn Kiếm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một nhóm sinh viên vừa mãn giờ học về. Họ không còn cắn hạt hướng dương bỏ rác đầy sàn mà phần lớn đều bận bịu với máy điện thoại di động trong tay. Tình cờ một cô bé nhận xét: "Bác nói tiếng Hà Nội chuẩn lắm." Tôi bật cười hỏi lại theo em thế nào là chuẩn? Ðúng là có một thời gian người dân miền Nam, trong đó có tôi, cảm thấy thứ tiếng của dân "Bắc Kỳ 75" rất khó nghe. Nhưng rồi tôi thành thật giải thích với họ: "Chẳng có thứ tiếng Hà Nội nào là chuẩn. Thời vua Lý Thái Tổ 1000 năm xưa khác, thời Tây trước 1954 khác và sau này khác. Không có người Hà Nội truyền thống đâu, hầu hết họ là người từ những nơi khác đến thành phố làm việc ở mỗi thời kỳ của lịch sử. Như thế tôi coi giọng Hà Nội ngày nay không giống tôi mới là Hà Nội chuẩn."
Tôi hiểu nhiều người sẽ không đồng ý với tôi về suy nghĩ ấy. Nhưng thời gian đem đến mọi thay đổi và muốn hay không muốn, phải chấp nhận thực tế là nói chuyện 60 năm cũ thì được, chứ người ta không thể trở lại với sinh hoạt của 60 năm hay 1000 năm trước. (HC)
Hà Tường Cát
nguoiviet.com
***
Tổ chức di cư và định cư 1954
Friday, July 18, 2014
Trẻ em Việt Nam tị nạn xin các thủ thủy cho kẹo, trong hành trình trên đường từ Hải Phòng vào Sài Gòn, Ðông Dương, trên tàu USS Bayfield vào khoảng Tháng Chín năm 1954. (Hình: US Navy Department)
Việc chuyên chở do Pháp và Hoa Kỳ phụ trách, còn tiếp đón và định cư là trách nhiệm của Quốc Gia Việt Nam với sự viện trợ tài chánh và vật liệu của Pháp, Hoa Kỳ cùng một số chính phủ và tổ chức tư nhân ngoại quốc. Trước khi tìm hiểu chi tiết của mỗi loại hoạt động, ta cũng nên biết cơ cấu điều hành và phối trí các hoạt động trong suốt quá trình di cư và định cư của dân tị nạn 1954.
Do việc Pháp bỏ rơi Bùi Chu và Phát Diệm vào Tháng Sáu 1954, một số linh mục và giáo dân đã bỏ chạy về vùng Hà Nội, Hải Phòng. Chính phủ Ngô Ðình Diệm khi đó vừa được thành lập đã cấp tốc giao cho Bộ Xã Hội và Y Tế phối hợp với các Bộ Thanh Niên, Công Chánh, Thông Tin, Canh Nông và Kinh Tế để tổ chức công cuộc di cư và định cư tị nạn. Sở Di Cư thuộc Bộ Xã Hội và Y Tế được đặc biệt thành lập để phối hợp các hoạt động tiếp đón, chuyên chở, cổ động cứu trợ, và định cư tị nạn. Chuyến tàu chở dân di cư đầu tiên là chiếc tàu Anna Salen của Thụy Ðiển, rời cửa biển Bắc Việt ngày 17 Tháng Bảy, 1954, ba ngày trước Hiệp Ðịnh Genève, và cập bến Sài Gòn ngày 21 Tháng Bảy với trên 2,000 người tị nạn.
Trước tình hình gia tăng lũy tiến số dân tị nạn, ngày 17 Tháng Chín, 1954, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn (PTUDCTN), ngang hàng với một Bộ trong Nội Các. Thành phần gồm có:
Ngô Ngọc Ðối: Tổng Ủy Trưởng
Nguyễn Ngọc An: Ðổng Lý Văn Phòng
Nguyễn Lưu Viên: Tổng Ủy Phó
Nguyễn Thanh Diệu: Giám Ðốc Ðịnh Cư
Lê Văn Trà: Giám Ðốc Tài Chánh
Nguyễn Văn Trụ: Tổng Thanh Tra
Hoàng Văn Thận: Kỹ Sư Công Chánh
Ðỗ Trọng Chu: Công Cán Ủy Viên
Trần Phước Lộc: Chánh Sở Tiếp Cư
Nguyễn Công Phú: Chánh Sở Chuyển Vận
Ðỗ Ðức Trí: Thông Dịch Viên
Trung Tá Bùi Văn Hai: Sĩ quan liên lạc của Quân Ðội QGVN
Sau ông Ngô Ngọc Ðối còn có hai tổng ủy trưởng khác là Bác Sĩ Phạm Ngọc Huyến và ông Bùi Văn Lương. Ông Lương là người tại chức lâu hơn cả (từ Tháng Chín 1955 đến khi hết nhiệm vụ khoảng cuối năm 1957). Nhiệm vụ của PTUDCTN là phối trí với các cơ quan hữu trách của Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề chuyên chở bằng phi cơ và đường thủy, và đảm nhiệm công cuộc tiếp đón, cứu trợ và định cư tị nạn. Bên cạnh PTUDCTN có các văn phòng liên lạc quân sự và tôn giáo, văn phòng an ninh để phối hợp với các cơ quan liên hệ. Trụ sở trung ương PTUDCTN đặt ở miền Nam với các Nha Ðại diện tại Bắc Phần, Trung Phần và Cao Nguyên.
Sau thời hạn di cư chấm dứt ngày 19 Tháng Năm, 1955, Nha Ðại Diện tại Bắc Phần đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ. Các Sở Chuyển Vận và Tiếp Cư được sáp nhập vào Nha Ðịnh Cư để tập trung vào công cuộc kiện toàn định cư ở miền dưới vĩ tuyến 17. Một Ủy Ban Ðịnh Cư cũng được thiết lập tại mỗi tỉnh do tỉnh trưởng làm chủ tịch với các cơ quan trách nhiệm địa phương.
Vì phần lớn dân tị nạn 1954 là người Công Giáo (khoảng 70% trên tổng số tị nạn) nên song song với PTUDCTN của chính phủ còn có một tổ chức cứu trợ tư nhân do Giám Mục Phạm Ngọc Chi điều khiển, lấy tên là "Ủy Ban Hỗ Trợ Ðịnh Cư"(UBHTÐC), hoạt động từ 1 Tháng Chín, 1954. Ðáp lời kêu gọi của UBHTÐC, nhiều tổ chức Công Giáo trên thế giới đã nhiệt thành gửi tiền và phẩm vật cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ này cùng với sự trợ lực của chính phủ, UBHTÐC đã giúp thiết lập được trên 300 trại định cư, xây cất hàng trăm nhà thờ và trường học, cung cấp các dịch vụ cho người tị nạn không phân biệt tôn giáo. Sau hơn hai năm hoạt động, UBHTÐC gây được cơ sở vững chãi cho các trại định cư. Ngay cả sau khi ủy ban đã chính thức giải tán vào cuối năm 1957, các linh mục trưởng trại cùng nhiều cán bộ vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình văn hóa, giáo dục và phát triển xã hội trong các trại.
Tàu USS Bayfield neo tại Sài Gòn để đưa dân tỵ nạn xuống đất liền sau hành trình từ Hải Phòng, Tháng Chín 1954. (Hình: US Navy Department)
Như trên đã nói, ngoài Phủ Tổng Ủy và UBHTÐC, công cuộc định cư ngót một triệu người tị nạn được thực hiện thành công cũng là nhờ có các cơ quan ngoại viện và tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt là chính phủ Pháp, Mỹ và cơ quan Cứu Trợ Công Giáo Hoa Kỳ.
Công cuộc chuyên chở bằng đường hàng không và đường thủy lúc đầu do chính phủ Pháp đảm nhiệm như đã cam kết tại Hội Nghị Genève. Một Ủy Ban Chuyển Vận Việt-Pháp được thành lập ngày 21 Tháng Bảy để phối trí công tác này. Cầu hàng không Hà Nội-Sài Gòn bắt đầu hoạt động mạnh mẽ với sự huy động các phi cơ quân sự và dân sự. Các tàu Hải Quân Pháp cũng được sử dụng đến mức tối đa. Tuy nhiên, vì số người di cư gia tăng quá nhanh, vượt hẳn ước lượng và khả năng tiếp nhận của nhà chức trách Pháp, chính phủ Quốc Gia Việt Nam phải kêu gọi sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Do chỉ thị của Tổng Thống Eisenhower, Ðệ Thất Hạm Ðội thành lập đoàn Hải Quân Ðặc Nhiệm 90 (Navy Task Force 90) gồm 41 chiếc tàu đủ loại do thiếu tướng hải quân Lorenzo Sabin chỉ huy để giúp việc chuyên chở người tị nạn Việt Nam. Ðoàn tàu đặc nhiệm này có khả năng chở 100,000 người mỗi tháng. Con tàu lớn nhất là tàu Marine Serpent chở được 6,200 người. Chuyến đầu tiên là tàu U.S.S. Menard chở 2,100 người cập bến Sài Gòn ngày 16 Tháng Tám, 1954. Chuyến cuối cùng của đoàn Ðặc nhiệm 90 là tàu General A.W. Brewster chở 1,900 binh sĩ Liên Hiệp Pháp và 520 người tị nạn tới Sài Gòn ngày 15 Tháng Năm, 1955.
Việc chuyên chở vào Sài Gòn bằng đường hàng không được thực hiện từ các phi trường Gia Lâm và Bạch Mai ở Hà Nội hoặc phi trường Cát Bi ở Hải Phòng bắt đầu từ ngày 4 Tháng Tám. Cầu không vận dài nhất thế giới (khoảng 1,200 km đường chim bay) hoạt động với sự tham gia của các công ty được thuê mướn hay trưng dụng gồm có: Air-France, Air Vietnam, Aigle Azur, Air Outre-mer, Autrex, CAT, Cosara, và UAT. Hầu hết các máy bay đều được tháo gỡ hết ghế để chở được tối đa số hành khách, trung bình mỗi ngày là 2,000 người. Phi trường Tân Sơn Nhất trong một ngày hoạt động tối đa ghi được con số 4,226 người tới. Cứ mỗi sáu phút lại có một phi cơ hạ cánh, biến sân bay Tân Sơn Nhất thành phi trường bận rộn nhất thế giới hồi đó. Tổng cộng có 4,280 chuyến bay và có một tai nạn đã xảy ra ngày 15 Tháng Tám khi chiếc Bristol hai động cơ chở 47 người tị nạn và phi hành đoàn bốn người bị rớt ở Lào cách Sài Gòn 300 km. Chỉ có một phụ nữ với đứa con nhỏ và ba nhân viên phi hành sống sót.
Những người đi bằng đường thủy được đưa xuống Hải Phòng bằng xe lửa và di chuyển vào Nam bằng tàu của hải quân Pháp hay Hoa Kỳ. Ðoàn tàu đặc nhiệm 90 của Mỹ thả neo ở cửa sông Hồng để nhận người tị nạn do các tàu nhỏ của Pháp chở tới. Một số ít tàu của Anh, Trung Hoa và Ba Lan cũng tham dự vào việc chuyên chở người tị nạn. Nhiều người ở các tỉnh xa không thể tới Hà Nội hay Hải Phòng phải di chuyển bằng phương tiện riêng. Vì vào ngày chót của thời hạn di cư (19 Tháng Năm, 1955) vẫn còn một số người chưa được chuyên chở, Pháp yêu cầu Hà Nội gia hạn ba tháng và được chấp thuận.
Theo thống kê của PTUDCTN, tổng số dân rời bỏ miền Bắc vào Nam là 875,478 người, trong số đó 871,533 đi trước ngày 19 Tháng Năm và 3,945 người đi trong thời gian gia hạn. Nếu tính thêm số người vượt tuyến sau khi hết hạn, khoảng 76,000 người đi bằng thuyền hay đường bộ (xuyên rừng qua Lào), tổng số tị nạn lên tới gần 950,000 người.
Trong số 871,533 người đi đúng kỳ hạn có 213,635 người được Pháp chở bằng máy bay (4,280 chuyến), số còn lại gồm có 555,037 người được chở bằng tàu thủy và 102,681 người đi bằng phương tiện riêng.
Số 555,037 người đi bằng đường thủy chia ra như sau:
Pháp: 237,000 người (338 chuyến)
Mỹ: 316,000 người (109 chuyến)
Anh, Trung Hoa và Ba Lan: 2,000 người (8 chuyến)
Số 3,945 người đi trong thời kỳ gia hạn cũng được chở bằng đường thủy, trên chín chuyến tàu cuối cùng sau đây:
Djiring, ngày 2 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 500 người
Nam Việt, ngày 6 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 70 người
Gascogne, ngày 8 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 818 người
St. Michel, ngày 16 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 700 người
Espérance, ngày 27 Tháng Bảy, 55, chuyên chở 787 người
Durand, ngày 7 Tháng Tám, 55, chuyên chở 12 người
Phong Châu, ngày 6 Tháng Tám, 55, chuyên chở 286 người
Hương Khánh, ngày 16 Tháng Tám, 55, chuyên chở 310 người
Hải Phòng, ngày 19 Tháng Tám, 55, chuyên chở 462 người
Công cuộc tiếp cư bắt đầu từ việc tiếp nhận dân di cư vào những trại tạm trú ở Hà Nội, Hải Phòng, làm thủ tục di chuyển bằng máy bay hay tàu thủy, cho đến việc thu xếp nơi ăn chốn ở và tiếp tế vật dụng cần thiết cho mỗi gia đình khi mới đặt chân lên Sài Gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang. Những hoạt động này diễn ra liên tiếp không kể ngày đêm từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của thời hạn di cư. Sau khi Hà Nội và Hải Dương được chuyển giao cho Việt Minh vào cuối Tháng Mười, trung tâm tiếp cư Hải Phòng càng trở nên đông đúc và bận rộn. Tất cả trường học và một số lớn công sở được biến thành trại tạm trú cũng không đủ cho người tị nạn tạm trú. Nha Ðại Diện PTUDC tại Bắc Phần phải cho dựng lên hàng ngàn chiếc lều vải ở hai trú khu vùng ngoại ô, mỗi nơi chứa được khoảng 15,000 người, đủ cho các đợt người đến và đi liên tiếp.
Ngoài ra còn một trú khu khác chứa được 12,000 người ở cách Hải Phòng bảy cây số do Bác Sĩ Tom Dooley dựng lên và quản trị hoàn toàn riêng biệt.
Khi tới các sân bay hay bến cảng Sài Gòn hay Vũng Tàu, đồng bào được các nhân viên tiếp cư đưa lên xe đến các trạm tiếp cư hay tạm trú. Trường đua ngựa Phú Thọ, Nhà Hát Thành Phố và một số trường học trong thời gian nghỉ Hè được dùng làm nơi tiếp đón trước khi phân phối người tị nạn tới các trại tạm trú. Tại đây, họ được Sở Tiếp Cư cung cấp các phẩm vật cần dùng và tiền tiếp tế cho mỗi người. Có tất cả 20 trại tạm trú trong vùng Sài Gòn, Gia Ðịnh, và một trại ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Sau ngày cuối thời hạn di cư, các trạm tạm trú còn hoạt động thêm một tháng, tới ngày 17 Tháng Chín, 1955 mới chấm dứt.
(Trích từ "Việt Nam 1945-1995, Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử")
Lê Xuân Khoa
nguoiviet.com
***
Như mưa thấm đất
Friday, July 18, 2014
Gia đình chúng tôi tới Tân Sơn Nhất vào một buổi chiều cuối Tháng Tám năm 1954. Phi cảng Tân Sơn Nhứt đông nghẹt; tính trung bình mỗi 6 phút một là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới. Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213,635 người (Wikepidia).
Hình bìa ấn bản Tháng Sáu, 1955 của tạp chí National Geographic, với phóng sự có tên "Passage to Freedom in Vietnam" của ký giả Gertrude Samuels. (Hình: Người Việt)
Thử tưởng tượng ngần ấy con người với hành lý trút xuống sân bay, sau đó được phân tán, trú ngụ tạm mấy ngày trong những lều vải, trước khi tìm được nơi chốn cư trú lâu dài.
Cha mẹ, vợ chồng, con cái chen chúc trong đám đông đó. Thất lạc nhưng rồi cũng tìm ra nhau.
Hành lý cá nhân mới là một chuyện khó lòng kiểm soát. Có người di tản với gánh nặng ngàn cân trong lòng nhưng hành trang nhẹ hẫng, chỉ là một cái túi vải trên vai. Có người đem theo tối đa những gì họ có thể đem được. Trên một khoảng đất rộng mấy trăm thước vuông: va-li, thùng giấy, thùng gỗ, bao tải, túi vải, đủ các cỡ lớn, nhỏ, vuông, tròn, dài, ngắn, được tháo đổ xuống. Mọi người tự tìm hành lý của mình. Tôi và em tôi còn nhỏ, mọi việc đều do mẹ tôi và anh chị lớn hơn lo.
Mẹ tôi tìm mãi vẫn thấy thiếu bốn cái thùng sữa đựng quần áo của chúng tôi. Ði tới đi lui cả ngày xem ai có lấy nhầm sẽ đem trả. Ðến tối cả nhà lại kéo nhau ra bãi thả đồ đạc để tìm mấy cái thùng sữa của nhà mình.
Vẫn chẳng thấy cái nào cả chỉ có mấy cái bao vải bố, loại bao đựng một tạ gạo nằm chơ vơ còn lại. Mẹ tôi bảo:
- Thử xem trong này có gì mà người ta không lấy, lại lấy cái thùng của mình.
Cả nhà xúm lại, mở ra, bên trong toàn là sách cũ. Cả ba cái bao to tướng chất đầy sách. Cái bao đầu tiên mẹ tôi lôi ra được cuốn Tam Quốc Chí, mẹ nói:
- Mang về lều đọc, họ lấy quần áo của mình, vứt lại ba cái bao này, không ai nhận thì mình nhận vậy.
Thế là ba bao sách to bằng ba bao gạo được cả nhà hì hục kéo về lều. Sáng hôm sau mẹ tôi lên Phòng Ðiều Hành báo cáo về bốn thùng quần áo thất lạc và ba bao sách kéo về lều. Cho đến khi gia đình chúng tôi xuất trại, bốn thùng quần áo vẫn ở trong tình trạng mất luôn và ba bao tải sách vẫn vô thừa nhận.
Từ đó ba bao tải sách di tản cùng chúng tôi qua những ngôi nhà ở tạm, ở nhờ, ở thuê. Từ trung tâm thành phố đến ngoại ô. Ba bao sách đương nhiên được coi như hành lý cần thiết được mang vác theo. Hữu ích lắm, cả năm sau, người lớn, trẻ con trong nhà cho đến cả chị giúp việc, cũng thấy được hưởng những cuốn sách đó. Có cuốn còn rất mới, nhưng có cuốn rất cũ, giấy ố vàng, mỏng mảnh, dễ rách. Như cha mẹ tôi thì tối tối đọc lại Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Ðông Chu Liệt Quốc, Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Gia Huấn Ca (Các cụ chắc biết mấy truyện này lâu rồi). Tôi thì sáng trưa chiều gì cũng có một cuốn cầm tay, quên cả ăn.
Giữa những năm ở tuổi tóc chưa dài tới lưng, tôi đã đọc không biết bao nhiêu cuốn sách: Sách của Tự Lực Văn Ðoàn, của Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng; Sách dịch như: Tâm Hồn Cao Thượng, Những Kẻ Khốn Cùng...
Thơ Nguyễn Bính thì tôi thuộc nằm lòng không thiếu bài nào. Tôi thuộc cả tập Ðồi Thông Hai Mộ nữa. (Một số sách vẫn được giữ lại cả mấy năm sau).
Cả ngày cứ ê a đọc: Anh Ðinh Lăng giờ đây đâu nhỉ/Anh của em yêu quý nhất đời. Rồi: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.
Trong nhà có ai cần hỏi câu gì về chữ nghĩa thơ văn là có tôi "hướng dẫn" ngay.
Chị giúp việc nhà tôi thì mỗi lần nhóm bếp là xé ngay một quyển sách, không cần biết sách mới hay cũ, Tây, Tàu hay Việt gì cả. Có lần tôi xuống bếp gặp chị đang xé tập truyện ngắn mỏng của Thạch Lam, tôi hốt hoảng giật ra khỏi tay chị thì cuốn sách đã bị thần hỏa thiêu hết một nửa rồi, đành ngậm ngùi đưa trả lại chị, vì giữ cũng chẳng làm gì được nữa.
Mấy anh chị em tôi, chỉ có tôi là người mê sách, thích chạm tay vào chữ từ hồi còn rất bé, nên tôi được hưởng hết những lợi lộc từ ba cái bao gạo đựng sách di tản vào nhà tôi, Các anh chị, chỉ cầm lên, bỏ xuống, hoặc họa hoằn lắm mới đọc một nửa quyển. Người thứ hai được lợi là chị giúp việc nhà, cứ vớ đại quyển nào mong mỏng dễ xé giấy làm mồi nhóm bếp là chị xé. Chị còn kéo hẳn một bao vào trong bếp cho tiện tay.
Trái: Mỗi người di cư đều mang theo một hình tượng nào đó về niềm tin tôn giáo của họ. Niềm tin này cho họ sức mạnh trên đường trốn chạy. Phải: Nấu ăn kiểu miền Bắc Việt Nam, mắt chim, cánh dơi, đầu cá, tất cả nấu thành một loại nước lèo để ăn bún. (Hình Người Việt, chụp từ cuốn "Deliver Us From Evil" của Bác Sĩ Tom Dooley)
Nhờ có ba bao tải sách đó mà tôi đã được thấm vào tâm hồn tuổi thơ của mình những tinh túy của văn chương sách vở. Nó thấm một cách tự nhiên, như mưa rơi xuống mặt đất và lúc đó bé quá tôi nào có biết mình được lợi lộc như vậy.
Những tinh tế trong văn chương của Nhất Linh, lãng mạn dịu dàng của Thạch Lam đến nổi loạn của Vũ Trọng Phụng. Những cuốn sách mà những đứa trẻ ở tuổi tôi lúc đó không có cơ hội được đọc.
Tôi học được sự giáo dục về lòng nhân ái, tấm lòng cao cả của người nghèo và đạo đức trong Tâm Hồn Cao Thượng, do Hà Mai Anh dịch; chuyện người đàn ông ăn cắp một mẩu bánh mì cho cháu bị 19 năm tù, rồi bị theo dõi suốt một đời cho đến chết trong Những Kẻ Khốn Cùng, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch.
Bâng khuâng, thương xót hay cảm động, hồi hộp, phân biệt giữa xấu và tốt, tôi cũng điều được hưởng từ tuổi thơ qua văn chương.
Tất cả lần lượt chất vào tâm hồn tôi như người ta xếp những món nữ trang quý giá vào một cái hộp bí mật, rồi cất đi. Tôi không hề biết tâm hồn tôi chính là cái hộp quý đó cho đến khi trưởng thành, được học, được thầy giáo dạy văn chương. Tôi mới biết là mình may mắn được đọc những áng văn chương đó trước tuổi.
Càng lớn tuổi tôi càng hiểu: văn chương là một phần đời sống của mình, không tách rời ra được.
Sáu mươi năm rồi, mỗi lần nhớ lại những ngày đầu tản cư. Mỗi buổi trưa, đi học về, lục một cuốn sách trong cái bao tải đó, kiếm một chỗ vắng người ngồi đọc. Chao ôi là thích!
Những thế giới kỳ bí mở tung từng cánh cửa bằng giấy cho một cô bé lên 10.
Tôi cám ơn biết bao, người nào đó đã để lại ba cái bao tải sách đó trên bãi hành lý của cả mấy trăm gia đình, mà chỉ có nhà tôi kéo về.
Mưa đã thấm xuống đất, đất mềm mại, đất hiền hòa và đất cho những hạt giống nẩy mầm, sinh hoa kết trái.
Trần Mộng Tú
nguoiviet.com
***
Đi lại 'Hành Trình Sang Phía Tự Do'
Friday, July 18, 2014
Hà Nội những ngày cuối năm 1954 im lìm, ảm đạm giữa mùa Ðông lạnh giá.
Hà Nội những ngày ấy đã vắng hẳn một lớp người; thay vào đó là sự xuất hiện của những khuôn mặt lạ - đầu đội nón cối làm bằng nan tre, chân mang dép "Bình Trị Thiên."
Bốn thủy thủ của chiến hạm USS Bayfield cầm biểu ngữ đón chào người dân di cư lên tàu vào Nam tại Hải Phòng, 3 Tháng Chín, 1954. (Hình: US Navy Department)
Không còn những tiếng guốc reo vui, người Hà Nội giờ đây rón rén rỉ tai nhau về những "chính sách" mới được ban hành. "Cán bộ" ngập tràn đường phố, nhìn mọi người với cặp mắt soi mói, dò xét. Chiếc áo dài duyên dáng và khăn san thướt tha của thiếu nữ Hà Nội cùng những khuôn mặt tươi cười đột nhiên biến mất, thay vào đó là một loạt phụ nữ trong đồng phục mới, áo sơ mi, quần đen, và nét mặt đăm chiêu khép kín.
Lịch sử đã sang trang!
"Hành Trình Tới Tự Do"
Chỉ trước đó không lâu, trên một chiến hạm ở đâu đó phía Tây Thái Bình Dương, Ðô Ðốc Lorenzo S. Sabin của Hải Quân Hoa Kỳ nhận một mệnh lệnh bất ngờ: Chỉ huy Lực Lượng Ðặc Nhiệm 90, thi hành "Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do" - Operation Passage to Freedom.
Một thủy thủy đỡ hộ quang gánh cho một người đàn bà di cư đang lên chiến hạm USS Bayfield để được đưa vào Sài Gòn, 3 Tháng Chín, 1954, tại Hải Phòng. (Hình: US Navy Department)
Ðô Ðốc Sabin không có nhiều thời gian chuẩn bị, Hành Trình Tới Tự Do bắt đầu từ ngày 8 Tháng Tám, 1954, với nhiệm vụ: Vận chuyển an toàn nhất, nhanh nhất, và nhiều nhất số người Việt Nam muốn di cư vào miền Nam.
Phản ứng tức thời, Ðô Ðốc Sabin yêu cầu sự hỗ trợ của tình báo Hoa Kỳ (lúc đó chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam) và tình báo Pháp (vốn không còn thiết tha lắm trong việc hỗ trợ người Mỹ) để tìm hiểu tối đa về một đất nước mà trước đó ông không hề dính líu.
Tin tình báo cho biết, dù đã ký Hiệp Ðịnh Geneve, Việt Minh không muốn đồng bào miền Bắc bỏ đi, và sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn cản. Tin tức nói rằng, Việt Minh có thể sẽ đặt mìn ngầm gần các cảng nơi người di cư sẽ được Hoa Kỳ đưa lên tàu chở vào Sài Gòn; quan trọng hơn, quân đội Trung Cộng rất có thể sẽ giúp người cộng sản cản trở đoàn người di cư.
Theo Ronald B. Frankum, tác giả cuốn "Operation Passage to Freedom, The US Navy in Vietnam, 1954-1955," chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, Ðô Ðốc Sabin đã soạn xong chương trình hành động và chỉ thị dài hơn một trăm trang, phân phối ngay cho các đơn vị liên quan để mọi nơi bắt đầu thi hành.
Ở miền Bắc, Hải Phòng được cho là cảng lý tưởng để đón người di cư. Ðơn Vị Kiểm Soát (Control Unit) được lệnh nghiên cứu lòng biển và bãi biển gần nơi Hoa Kỳ sẽ cho neo tàu "há mồm" đón đoàn người di cư. Ở miền Nam, họ được lệnh rà soát và phá mìn gần sông Bạch Ðằng, nơi các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ cập bến, đổ người xuống lòng thành phố Sài Gòn.
Trên khắp Biển Ðông, thuyền trưởng của hơn 110 chiến hạm lớn nhỏ nhận lệnh khẩn cấp: Trong thời gian ngắn nhất, tự lo liệu để điều chỉnh tàu của mình thành tàu chuyên chở, có khả năng vận chuyển và săn sóc sức khỏe cho hàng ngàn người, chuẩn bị cho một nhiệm vụ bí mật mang tên gọi "Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do."
Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do của Hải Quân Hoa Kỳ được hoạch định chu đáo đến nỗi, mỗi một chiếc tàu đến Hải Phòng đều phải có đầy đủ nhân viên y tế, và phải có ít nhất một người nói lưu loát tiếng Việt, thêm một người nói lưu loát tiếng Pháp. Tất cả thủy thủ đoàn được dặn dò kỹ lưỡng, phải đối xử tử tế ân cần với người di cư, để "làm nổi bật lòng nhân đạo của quân đội Hoa Kỳ trước sự tàn ác của cộng sản."
Từ chiến hạm USS Montague đang lênh đênh ở Philippines, một bác sĩ quân y viết trong hồi ký: "Chúng tôi được lệnh phải đến Hải Phòng, Việt Nam, vào ngày 12 Tháng Tám, cắm sào ở đó, chờ nhận chỉ thị về Chiến Dịch Hành Trình Tự Do, và được dặn đây là một công tác mật, không được tiết lộ. Việc giữ bí mật thật ra không khó, vì chẳng một ai biết tí gì về chiến dịch này, càng không biết mình phải đưa ai đi tìm tự do, đi từ đâu, và tại sao."
Hồi ký của Bác Sĩ Tom Dooley, "Deliver Us From Evil" ố "Xin Cứu Chúng Con Khỏi Mọi Sự Dữ" - xuất bản năm 1961, viết rằng, tuy chưa nhận chỉ thị, Thuyền Trưởng William Cox xem ra hiểu rất rõ mình sẽ phải làm gì. Ông ra lệnh cho thủy thủ đoàn, trong vòng vài ngày phải biến USS Montague thành tàu chở người, và phải chứa được 2,000 hành khách, con số được lệnh trên đưa xuống, tính theo sức chứa của tàu.
USS Montague dài 460 feet, có 5 kho chứa hàng lớn, mỗi kho cao 3 tầng. Các kho này dùng để chứa xe vận tải, bình chứa nhiên liệu, và những loại xe khác dùng cho việc đổ bộ, vì thế không có lỗ thông hơi.
Trong vòng một tuần lễ, toàn bộ thủy thủ đoàn bận rộn với tiếng búa, tiếng cưa và tiếng người chỉ huy. Tất cả mọi tài sáng tạo của thủy thủ đoàn được vận dụng vào việc tạo môi trường thoải mái nhất cho "hành khách."
Tuyên Úy Hải Quân Hoa Kỳ, Francis J. Fitzpatrick, giúp phiên dịch cho một phụ nữ di cư trên tàu USS Bayfield, trong cuộc hành trình từ Hải Phòng vào Sài Gòn, Tháng Chín, 1954. (Hình: US Navy Department)
Bác Sĩ Tom Dooley hài hước: "Tác phẩm đặc sắc nhất của Thuyền Trưởng Cox là hệ thống nhà vệ sinh: những thùng chứa dầu được chẻ dọc làm đôi, hai đầu hàn lại với nhau, trên đó là chỗ ngồi bằng gỗ với những lỗ tròn được khoét cho vừa mông người ngồi. Sau khi chỗ ngồi được cắt xong, ông thuyền trưởng đi một vòng kiểm soát, và ra lệnh nhân viên dùng giấy nhám làm cho mịn để người ngồi khỏi bị dằm đâm vào.
Nếu lúc đó ông biết kiểu ngồi xổm khi đi đại tiện của người Á Ðông thì có lẽ đã không nhọc công như thế."
USS Montague đến vịnh Hạ Long vào ngày 14 Tháng Tám, 1954. Vài chiếc tàu khác thả neo cùng ngày. Sáng sớm 15 Tháng Tám, có năm chiến hạm xếp hàng. USS Montague đứng đầu, và USS Menard đứng vị trí thứ 5. Với bảng hiệu sẵn sàng, chúng tôi hồi hộp chờ đón đoàn người di cư đầu tiên bước chân lên tàu.
Vượt thoát
Trên nguyên tắc, Hiệp Ðịnh Geneve quy định rằng mọi người được tự do chọn thể chế nơi mình sẽ sinh sống, và bất cứ ai muốn di cư vào Nam sẽ được ung dung ra đi cho đến hết đến Tháng Năm, 1955.
Trên thực tế, khắp các nẻo đường, nhất là những thành phố nhỏ, nơi không có sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế, Việt Minh luôn lén lút tìm cách ngăn cản, ruồng bắt người muốn ra đi, khiến họ phải liều chết tìm đường lẩn trốn.
Ðể tránh bị dòm ngó, theo dõi và ngăn cản, rất nhiều gia đình phải chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ mà đi. Chẳng hạn, trong trường hợp mình, nhà văn Mặc Giao kể lại trong bài viết "Cuộc Trốn Chạy của Gia Ðình Tôi:" "Gia đình tôi phải đi Hải Phòng làm hai đợt. Ðợt đầu bố tôi dẫn tôi và hai em trai đi theo. Mẹ tôi, chị họ tôi và hai em nhỏ phải đợi đi đợt sau. Chúng tôi đi xe hàng lên Hà Nội rồi từ đó đi xe hỏa xuống Hải Phòng. Hà Nội đã được Việt Minh tiếp thu từ tháng 10. Muốn đi Hải Phòng phải có giấy phép vì là đi vào vùng địch còn kiểm soát."
Ông kể lại cảnh người di cư bị trấn lột tại ranh giới giữa hai vùng kiểm soát: "Ðịa điểm ranh giới giữa hai vùng kiểm soát là ga Ðỗ Xá thuộc tỉnh Hải Dương trên quốc lộ số 5. Tại ga này, trước khi sang vùng địch kiểm soát, mọi hành khách đều bị lục xét tỉ mỉ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị lột quần áo để khám xem có dấu vàng và tiền Ðông Dương Ngân Hàng trong người hay không. Vàng và tiền Ðông Dương bị tịch thu hết. Nhiều người khi bị lột hết vàng và tiền đã khóc lóc quay về, không dám đi Nam khi chỉ có hai bàn tay trắng."
Cảnh Việt Minh tìm cách ngăn cản người di cư ở các nhà ga cũng được Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức viết lại trong bài "Từ Bắc Kỳ Di Cư tới Tỵ Nạn Chính Trị," phổ biến Tháng Tư, 2004: "Ngày ngồi trên xe lửa từ Hải Dương xuống Hải Phòng tôi mới thực vất vả, và chứng kiến nhiều bi hài kịch. Tàu đậu ở nhiều ga dọc theo đường số 5 để lấy thêm khách, mà hầu hết là xuống Hải Phòng để vào Nam bằng tàu biển há mồm. Cán bộ địa phương được tung ra để gây trở ngại cho người di cư. Thôi thì họ khóc lóc, níu kéo ở lại, ngăn cản người ta lên tầu. Cũng có những người lớn tiếng chửi mắng "đi liếm chân đế quốc, đi làm Việt gian cho giặc Pháp." Rồi lôi kéo đồ đạc đánh đập cho bõ ghét.
Nhưng những người may mắn cũng đã vượt thoát được đến Hải Phòng.
Bác Sĩ Tom Dooley kể lại trong hồi ký của mình, rằng ông cùng nhiều thủy thủ khác "hết sức sửng sốt khi đón đoàn người di cư đầu tiên." "Một 'tàu đổ bộ xe tăng' của Pháp đang từ từ đến gần. Nhìn vào trong, tôi giật mình hãi hùng: hơn 1,000 người đứng dúm vào nhau trên boong, chồng chất lên nhau như gà vịt trong một cái chuồng chật hẹp. Họ ướt mèm, say sóng và ngất ngư vì nắng. Họ câm nín vì sợ hãi, con nít ngồi chen chúc giữa lòng người lớn."
"Tàu Pháp đến cạnh tàu chúng tôi, một chiếc cầu thang được thả xuống boong. Người ta bảo người di cư bước lên, tôi thấy họ do dự vì sợ hãi. Sau này hỏi ra mới biết là họ đã bị tuyên truyền rằng người Mỹ man rợ và vô nhân đạo, rằng người Mỹ sẽ mang họ ra khơi để xô hết xuống biển."
Bác Sĩ Dooley kể tiếp: "Một cụ già, có lẽ là đoàn trưởng, phản ứng trước. Cụ đứng dậy một cách khó khăn. Cụ đội nón lá và cầm một cái điếu cày. Tay kia, cụ ôm chặt một khung hình đức Mẹ Maria đã sứt mẻ. Hiển nhiên đây là hai thứ rất quý giá, và có lẽ là tài sản duy nhất cụ mang theo. Cụ bước đi vài bước đầu, rất quả quyết, nhưng sau khi nhìn qua khe thang xuống mặt biển, cụ khựng lại, chân như bị đóng băng. Khi ngước lên, nét mặt nhăn nheo của cụ tỏ lộ biết bao nhiêu điều: Ðói lả, sợ hãi trước biển cả mênh mông, và hoảng sợ với tương lai bất định trước mắt. Lưng cụ còng xuống như đã phải chịu đựng một gánh nặng lâu đời, khi cụ lo lắng ngả nón ra, trên đầu cụ có từng đám chốc lở. Xương cụ giơ ra, một hình ảnh thảm hại mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trên đời. Việt Nam là thế này ư?"
Thế rồi, đoàn người ngập ngừng bước theo, lên boong: "Trên những con thuyền chỉ chở tối đa 25 người, đêm nay chúng tôi chất cả hàng trăm người. Thuyền chúng tôi lặng lẽ rời bờ, hướng về biển Ðông, im lặng như màn đêm. Chuyến đi kéo dài năm ngày năm đêm. Không thể đốt lửa vì củi quá ướt, chúng tôi buộc phải ăn cơm sống. Trà thì bị ngập nước biển không còn uống được nữa. Không ai uống nước trong suốt mấy ngày, nhiều trẻ con và phụ nữ chết lả vì đói và khát."
Một thủy thủ trên chiến hạm USS Bayfield chia nước uống cho dân di cư trong cuộc hành trình từ Hải Phòng vào Sài Gòn, Tháng Chín, 1954. (Hình: US Navy Department)
Ký giả Gertrude Samuels viết trong phóng sự đặc biệt trên tạp chí National Geographic xuất bản Tháng Sáu, 1955, rằng, "Bệnh sốt rét và tình trạng suy yếu sức khỏe nói chung đã khiến nhiều người thiệt mạng. Tình trạng sức khỏe của nhiều người Việt Nam khi lên đến tàu há mồm của Mỹ được mô tả là thảm hại. Nhiều người đã phải liều mạng vượt những chặng đường dài rất nguy hiểm và gian nan để đến được trung tâm tiếp cư."
Trên tàu há mồm
Với người di cư, lên đến được tàu há mồm là đã vượt được hơn 2/3 chặng đường gian khổ. Với nhiều thủy thủ Hoa Kỳ phục vụ trong những chiếc tàu này, tham gia chiến dịch Passage to Freedom là một "kinh nghiệm nhớ đời."
Thủy thủ Warren Carara, phục vụ trên chiến hạm USS Skagit, kể lại: "Tôi còn nhớ mãi cái nóng kinh khủng, những con người đói lả, mùi hôi nồng nặc của khu nhà vệ sinh, và mỗi chuyến ra Hải Phòng hay vào Sài Gòn là một kinh nghiệm mới tinh khôi. Tôi nhớ đã dẫn mấy em bé trai vào nhà tắm, giúp các em tắm rửa, rồi thưởng cho các kẹo chewing gum sau khi tắm xong. Chưa thấy chewing gum bao giờ, có em nhai cả giấy."
"Nhưng nhớ nhất là khi tôi giúp một bà cụ với đôi quang gánh và hai thúng rất nặng leo lên tàu. Cụ chắc không nặng tới 36 ký, trong khi đó tôi nặng 84 ký và tự hào là mình rất lực sĩ. Nhưng đến lúc tôi cúi xuống tìm cách nâng đôi gánh lên cho cụ và xiểng liểng vì quá nặng thì mới bị... quê mặt. Dĩ nhiên hôm đó tôi bị các bạn cười cho một trận quá xá."
Một người di cư trên USS Skagit năm xưa, ký tên là Henry Ðỗ, viết: "Tôi không thể quên được giây phút đầu tiên bước lên một chiếc tàu Mỹ để vào Nam. Một thủy thủ cho tôi viên kẹo. Lúc ấy, tôi không cám ơn được bằng tiếng Anh. Trời ơi! Sao mà ngon thế. Viên kẹo ngon nhất trần đời. Hai mươi mốt năm sau, giây phút cảm động là khi tôi nhìn thấy lại viên kẹo ấy ở... đất Mỹ. Giờ đây tôi tha hồ ăn kẹo, nhưng tôi không ăn nhiều. Tôi ăn lại viên kẹo ấy chỉ vì muốn nhớ đến người thủy thủ và chiếc tàu đã đưa tôi và gia đình đến vùng đất tự do."
Ký giả Gertrude Samuels kể lại cảnh chiến hạm USS Mountrail đón người ở Hải Phòng: "Gần tàu, những biểu ngữ lớn đón chào đoàn người di cư bằng 3 thứ tiếng: "Good luck on your passage to freedom." Chúc bạn may mắn trên đường tìm tự do. Thiện nguyện viên trao cho mỗi gia đình một gói quà đón mừng, gồm xà phòng, khăn tắm, kem đánh răng và những hộp sữa có dòng chữ 'Món quà từ người dân Hoa Kỳ đến người dân Việt Nam.' Nhưng chẳng ai có vẻ để ý đến biểu ngữ, họ nhận món quà mà không phản ứng gì, như thể những gì xảy ra trong thời gian qua đã làm họ mất hết cảm xúc."
Bác Sĩ Tom Dooley, với ngòi bút tỉ mỉ của người viết nhật ký, ghi lại từng chi tiết hành trình vào Sài Gòn của chiến hạm USS Montague: "Nhiều người trong số họ mang trên vai quang gánh bằng tre với hai chiếc thúng lớn chứa đầy đồ. Toàn bộ tài sản của họ được chứa trong quang gánh ấy. Thường là một ít quần áo, bát ăn cơm, đũa, một vài bức tượng, hay hình ảnh tôn giáo. Nhiều người sợ đến nỗi không giám nhìn thẳng vào mặt chúng tôi. Có người vừa gánh quang gánh vừa cõng con trên lưng, ngay cả trẻ em cũng đứa lớn bồng đứa bé. Trẻ em trông thật hồn nhiên, nhưng cũng thoáng nét sợ hãi."
"Hiểu được hành trình nguy hiểm và khó khăn họ vừa vượt qua, chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy chẳng ai cười. Già trẻ theo nhau leo cầu thang, rồi lọt thỏm vào bụng khổng lồ của chiến hạm với những gánh hành lý tội nghiệp. Khó mà diễn tả được nỗi ấm lòng, khi vài giờ đồng hồ sau, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy được lác đác những nụ cười e thẹn, trước tiên là ở trẻ em, rồi sau đó cả những người lớn tuổi. Dường như hành khách của USS Montague đang bắt đầu bình tâm."
"Chúng tôi báo cho nhà bếp biết họ hân hạnh được nấu cơm cho hơn 2,000 hành khách. Một số thanh niên Việt Nam trông khỏe mạnh và tươm tất được chọn để phụ dọn thức ăn. Chúng tôi dự định chỉ phục vụ ngày hai bữa ăn, nhưng bữa ăn nọ dính vào bữa kia, thành thử hàng người đứng chờ lấy phần ăn dài liên tục suốt ngày."
"Thoạt tiên nhà bếp nấu cơm theo kiểu Mỹ, tức là cơm rời từng hạt, nhưng hơi ngượng khi thấy không người Việt Nam nào thích ăn cơm nấu như vậy. Chúng tôi nhanh chóng mời một hai người Việt vào bếp phụ nấu cơm, và từ những bữa ăn sau đó, họ ăn một cách thích thú, và sau khi no nê, còn nắm thành từng nắm bỏ vào túi xách, để dành."
Cái nóng như thiêu đốt của Việt Nam, cộng thêm số lượng người quá lớn trên tàu, gây nên nhiều cảnh thương tâm trên hành trình đi về phương Nam.
Người di cư lên tàu há mồm tại Hải Phòng để được đưa vào Nam theo chiến dịch 'Passage to Freedom' của Hải Quân Hoa Kỳ năm 1954. (Hình: US Navy Department)
Bác Sĩ Dooley kể: "Cái nóng làm chúng tôi khó thở, và mùi hôi xông lên nồng nặc. Mọi người ói mửa khắp nơi trên tàu. Không ai biết dùng hệ thống nhà vệ sinh mà Thuyền Trưởng Cox đã khổ công sáng chế. Kéo tôi qua một bên, Thuyền Trưởng Cox chỉ vào những nhóm người đang ngồi xổm thay vì đặt mông vào những vòng tròn mà ông đã bắt các thủ thủy cắt đóng, và dùng giấy nhám làm cho nhẵn. Quên mất cấp bậc của mình, tôi bật lên cười ngặt nghẽo. Ðó là thói quen của họ, chúng tôi không thể làm gì được."
"Tôi săn sóc bệnh nhân gần như đằng đẵng suốt ngày. Chẳng bao lâu, tôi tuyển mộ được vài em trẻ tuổi giúp mình, và sau một vài chỉ dẫn đơn giản, các em đã trở thành những phụ tá đắc lực, nhanh nhẹn trong việc phát thuốc, lau vết thương, thậm chí cả bôi thuốc đỏ vào đúng chỗ."
Sự khác biệt văn hóa cũng là một vấn đề của chuyến hải hành. Vẫn theo Bác Sĩ Dooley, "thuyền đi chưa được bao lâu, một binh sĩ hải quân cho tôi biết ở khu thứ 5 (kho chứa thứ 5) có một em bé sắp chết, hình như vì bị dịch tả. Em qua đời trước khi tôi kịp xác định đúng là em bị dịch tả. Ðể giữ an toàn cho mọi người, chúng tôi quyết định cử hành thủy táng ngay lập tức, và quyết định này suýt nữa khiến hành khách trên tàu nổi loạn. Thân nhân của bé thi nhau đòi nhảy xuống biển theo xác con em. Phải mất ba bốn người thủ thủy lực lưỡng mới giữ họ lại được. Tôi nhờ người thuyết phục họ uống trà, và chỉ vài phút sau họ ngủ gục thanh bình trên boong tàu. Tôi đã lén bỏ vào trà của họ một ít thuốc an thần."
"Ðể cuộc hành trình bớt phần tẻ nhạt, chúng tôi tổ chức cuộc thi hoa hậu, rồi thuyền trưởng chọn một bà di cư làm "Hoa Hậu của Hành Trình Tự Do." Hoa hậu được mặc áo choàng trắng lấy từ phòng y tế, đội vương miện do các chàng trai trong toán kỹ thuật sáng chế, ngồi trên ngai vàng do toán thợ mộc đóng, và được nhà bếp tặng thêm một phần trái cây. Tất cả những ưu đãi này làm hoa hậu đẹp lòng, và hoa hậu thưởng chúng tôi bằng nụ cười tươi, khoe hàm răng đen nhánh và đôi môi đỏ rực vì vôi ăn trầu."
"Sau vài ngày thì hầu như các em đều bu lấy các thủ thủy trẻ và nhìn mọi việc làm với những đôi mắt vừa tò mò vừa thích thú và những tràng cười giòn giã. Nếu quên đi hoàn cảnh của các em, chúng tôi ngỡ đã có lúc thoáng thấy hạnh phúc trên những khuôn mặt non trẻ. Tại sao không nhỉ? Cả đời các em chưa bao giờ được những người thủ thủy to lớn mặt đỏ gay vì nắng, ra sức cưng chiều."
"Rồi tự nhiên có một hiện tượng lạ, bánh mì, kẹo, nước ngọt không biết ở đâu xuất hiện. Hóa ra các thủ thủy thi nhau vào nhà kho xin thực phẩm để săn sóc các em của mình. Hình ảnh một người thủ thủy nổi tiếng là nóng tính và cộc cằn đang bồng một đứa bé khoảng bốn năm tuổi, tung em lên không cho em cười ngặt nghẽo, rồi đút một cây kẹo Baby Ruth vào cái miệng đầy răng sún của em, khiến tôi xúc động. Tình người vượt được mọi biên giới."
"Mỗi buổi sáng sớm trong hành trình ba ngày của chúng tôi, một vị linh mục làm lễ, và tự nhiên nhìn cảnh những người tị nạn đáng thương quỳ gối làm dấu, cầu nguyện rồi cất tiếng hát để cám ơn Thiên Chúa của họ, tôi chảy nước mắt. Chúa của họ có lẽ lúc này đang bận rộn ở đâu nên mới để họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn này. Nhưng niềm tin tôn giáo mãnh liệt của họ làm chúng tôi thấy mình nhỏ bé trước thượng đế."
Cập bến tự do
"Gần trưa của ngày thứ ba lênh đênh trên biển, chúng tôi đã đến sông Sài Gòn. Vài giờ sau, USS Montague cập bến."
"Chia tay thủ thủy đoàn đã chinh phục được cảm tình của họ chỉ trong hành trình ba ngày ngắn ngủi, đoàn người tị nạn mệt mỏi nhưng có vẻ tỉnh táo hơn trước đây, líu ríu theo chân nhau xuống thuyền. Chúng tôi lại giúp đưa quang gánh và thúng mủng của họ xuống. Nhiều bà mẹ chuyền con xuống trước. Nhưng đa số các trẻ em ôm chặt lấy người thủ thủy ưa thích của mình đến giây phút cuối cùng. Chúng tôi chờ cho hành khách tị nạn được phái đoàn giúp định cư đến đón rồi mới chuẩn bị quay tàu trở lại hướng Hải Phòng. Hành trình ba ngày vừa đủ thời gian cần thiết để thủy thủ đoàn tổng vệ sinh tàu trước khi đón loạt hành khách thứ hai."
Bác Sĩ Tom Dooley săn sóc các người tị nạn trong một trại tị nạn tại Hải Phòng, 1954. (Hình Người Việt, chụp từ cuốn "Deliver Us From Evil" của Bác Sĩ Tom Dooley)
"Hơn 2,000 hành khách đầu tiên của USS Montague đã đến bờ tự do. Giây phút lịch sử này, của đời họ, và của Việt Nam, chỉ có đám thủ thủy chúng tôi và bờ sông Sài Gòn chứng kiến."
Ngày 13 Tháng Năm, 1955, thành phố Hải Phòng bị Việt Minh tiếp thu. Khi những người lính Pháp cuối cùng rời vịnh Hạ Long ngày 22 Tháng Năm, 1955, Việt Minh hoàn toàn làm chủ miền Bắc.
Ðó cũng là thời điểm chấm dứt thời hạn 300 ngày mà người miền Bắc có thể tự do vào Nam. (H.G.)
Hà Giang
nguoiviet.com
***
Tân nhạc Việt Nam sau di cư và trước di tản
Friday, July 18, 2014Người Việt lãng mạn của chúng ta thường bị giằng xé với hai giấc mơ tương phản.
Sống tại vùng chật hẹp với giang hồ sông nước là sự cách trở, chúng ta mơ chân trời xa lạ “như lũ chim quyết tung trời mây”... Và dù có gặp “biển hồ mênh mông không nơi ngừng cánh tránh gió táp,” chúng ta vẫn “thề quyết ra đi từ đây.” Nhạc sĩ Lâm Tuyền ghi lại cho tiềm thức chung cái giấc mơ đó.
Thế rồi, khi đã toại lòng với “bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà, nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời,” thì cũng chính tâm hồn lãng mạn ấy hát khúc ngày về. Giấc mơ hồi hương là phần tương phản của cái chí tung hoành đi tìm đất lạ.
Nếu đọc lại nhiều bài viết của Vũ Hoàng Chương thì có thể mường tượng ra giấc mơ giang hồ đó. Nó trải rộng trong hồn thơ chứ vẫn thu hẹp vào khoảnh đất nhỏ xíu. Từ Nam Ðịnh đến Hà Nội đã là một phiêu lưu. Lên tới núi rừng Việt Bắc thì đấy là cõi bạt ngàn!...
Quỳnh Giao nhắc lại Lâm Tuyền hay Vũ Hoàng Chương vì nhớ tuổi ấu thơ thao thức của mình khi sắp được đi Vũng Tầu! Lên tới Ðà Lạt thì đã tựa như vào Thiên Thai trong cổ tích....
Thế rồi một biến cố đã giập giấc mơ vào thực tại. Với nhiều người thì đấy là cơn ác mộng.
Hiệp định Genève năm 1954 chia đất nước ra hai vùng giới tuyến làm nhiều người phải giang hồ thật! Phong trào di cư từ Bắc vào Nam là biến cố lớn lao nhất thế kỷ, cho đến ngày có cuộc di tản năm 1975 và sau đó.
Nền tân nhạc cải cách Việt Nam xuất phát đầu tiên từ trong Nam vào quãng 1938-1940. Rồi bùng phát và trưởng thành là ở ngoài Bắc trong thời kỳ 1945-1954. Ðấy là giai đoạn hào hùng mà lãng mạn với rất nhiều ca khúc trữ tình. Rồi cuộc di cư 54 là một giao động lớn trong thế giới tân nhạc ấy.....
Chúng ta có những nhà soạn nhạc đã thành danh ở miền Bắc. Phần lớn trong số này cũng là nhạc công, là nhạc sĩ trình diễn chuyên nghiệp với một hay nhiều nhạc cụ. Những người vào Nam từ trước chỉ là một thiểu số hiếm hoi. Sớm nhất thì có Lê Thương từ năm 1941, trễ hơn chục năm thì có Phạm Duy và Phạm Ðình Chương trong “gia đình Thăng Long.”
Phong trào di cư từ 1954 mới xô đẩy đa số còn lại vào Nam và làm thay đổi không khí tân nhạc.
Các nhạc sĩ tên tuổi từ miền Bắc có Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Ngọc Bích, Hoàng Trọng và Vũ Thành. Những nhạc sĩ kế tiếp nổi danh như cồn ở trong Nam thì có Ðan Thọ, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Cung Tiến. Phải gõ chữ vân vân vì nhiều lắm. Những người còn ở lại miền Bắc, như Văn Cao, Hoàng Giác, Hoàng Phú, Tô Vũ hay Ðoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý thì hết viết... như cũ.
Nhớ lại chuyện 60 năm trước, chúng ta tự hỏi là lớp nhạc sĩ di cư đã sáng tác những gì sau đó?
Trong mọi cơn chấn động bàng hoàng, con người chúng ta chỉ là lũ trẻ thơ. Hãy nhìn bầy trẻ khi chúng hãi sợ, hoặc gặp điều phật ý mà khó hiểu. Có những đứa thì hờn lẫy giẫy giụa, nhưng cũng có đứa lặng người không thể gào khóc. Còn gào thét là còn tin rằng ai đó sẽ phải lo cho mình, chứ nếu lặng người nín thinh thì đấy là lúc đứa trẻ bần thần tuyệt vọng nhất. Sau cơn chấn động như 1954 hay 1975, chúng ta đều lặng người trong tê tái.
Nhưng các nhạc sĩ của chúng ta lại khác bầy trẻ. Họ không nín lặng mà khóc bằng nhạc.
Cảm hứng viết nhạc hoài hương có sẵn trong tâm khảm đã từ biến cố 54 đưa tới nhiều ca khúc về cố hương. Không kể những bài đã có từ trước như “Ôi Quê Xưa” của Dương Thiệu Tước, “Tình Hoài Hương” của Phạm Duy hay “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, chúng ta nhớ lại “Khóc Biệt Kinh Kỳ” và “Bên Bờ Ðại Dương” của Hoàng Trọng, “Xa Quê Hương” của Ðan Thọ, “Bóng Quê Xưa” của Nhật Bằng và “Tìm Về Bến Xưa” hay “Thanh Bình Ca” của Nguyễn Hiền, v.v....
Ðan Thọ và Nguyễn Hiền là hai nhạc sĩ có nhiều tác phẩm về nỗi hoài niệm quê hương đã mất kể từ thời 54.
Ngày nay, Ðan Thọ vẫn còn và có lẽ không quên sự thổn thức của 60 năm trước.
Ngồi nhớ và nghe lại thì sau biến cố Genève 54, các nhạc sĩ của chúng ta còn bị giằng xé theo một cách khác. Nhiều người vẫn tin vào một ngày trở về.
“Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành là tác phẩm đẹp nhất của đề tài này. Ngoài lời một được gợi lên từ một bài thơ, lời hai của chính tác giả trong điệp khúc có âm điệu khải hoàn ca: “ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang” vì đấy là lúc giấc mơ đã thành, là “cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương.”...
Người khác thì khám phá và hát mừng sự bao la choáng ngợp của miền đất mới.
Vào Nam từ trước, Phạm Ðình Chương sớm ngợi ca miền Nam đôn hậu từ hình ảnh Cửu Long của trường ca Hội Trùng Dương. Rồi qua năm 1955, ông chấm nơi này là “Ðất Lành” và hát về mối tình Nam-Bắc một nhà: “Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa. Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mâu. Ðồi nương thương sức cần lao, se duyên Nam Bắc ngọt ngào tình yêu”...
Cũng trong dòng nhạc đó, trường ca “Con Ðường Cái Quan” do Phạm Duy thai nghén từ năm 54 tại Paris và hoàn thành về sau ở trong Nam đã có những giai điệu “tốt tươi” nhất - chữ “tốt tươi” là của ông - là từ đoạn 16 trở về sau, khi chàng lữ khách mơ giấc hải hồ vào tới trong Nam!
Trong số nhạc sĩ di cư, Hoàng Trọng nổi danh từ đất Nam Ðịnh với nhiều ca khúc luyến nhớ. Sau khi vào Nam, từ “Mộng Ngày Hồi Hương” năm 1956, ông hòa vào niềm vui mới qua bài “Ðẹp Mùa Yên Vui” sáng tác năm 1958 với lời từ của Hồ Ðình Phương: “Miền Nam mưa nắng giao hòa, Câu hát câu hò say trời quê đẹp như gấm hoa...”
Sự giằng xé dễ hiểu mà đáng thương của người viết nhạc diễn tả tâm tình day dứt của chúng ta giữa cái cũ đã mất và cái mới đã thành đời sống thật.
Ngồi hát lại trong tâm tưởng, “Con Ðường Cái Quan” đã từ đoạn Cửu Long Giang mà hò “Về Miền Nam” và dẫn tới đoạn kết là “Ðường Ði Ðã Tới.” “Về Miền Nam” cũng là tên ca khúc của Trọng Khương. Chúng ta không đi nữa mà về. Thâm tâm hát mừng như vậy thật, chứ không vì sự tuyên truyền của loại nhạc cổ động, mà dẫu gì thì hai miền vẫn chung một đất nước.
Rồi thời gian và sự tự do của miền Nam hàn gắn tất cả và dẫn tân nhạc qua một thế giới khác lạ.
Sau khi đất nước chia đôi, trong số đông đảo các nhạc sĩ và ca sĩ di cư vào Nam có nhiều nhạc công cự phách. Nhạc khúc mới và cách trình diễn tân kỳ thổi gió mới vào nhạc qua đài phát thanh, phần phụ diễn văn nghệ của phim chiếu bóng rồi đại nhạc hội và phòng trà hay khiêu vũ trường...
Khác bộ môn văn chương là nơi mà lối viết của dân miền Nam làm phong thái chân phương của nhà văn miền Bắc trở thành sống động hơn, với những đối thoại rất gần với thực tế ngoài đời, bộ môn tân nhạc ở miền Nam lại tiếp nhận tính chất trang nhã nhiều khi cầu kỳ của ca nhạc sĩ di cư từ miền Bắc. Nghệ sĩ di cư như Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Anh Ngọc cùng các ban nhạc và lối hòa âm đã thật sự làm tân nhạc miền Nam đổi khác. Từ đó, các nhạc sĩ trong Nam không còn viết như trước nữa, nhiều ca sĩ cũng trình bày theo giọng Bắc.
Sau đấy còn có sự đóng góp của đông đảo thi sĩ di cư từ miền Bắc, và cả các nhà thơ tòng quân nhập ngũ, khiến nghệ thuật phổ thơ vào nhạc còn đem lại một phong thái khác hẳn cái thời mà chúng ta gọi là “tiền chiến.”
Cũng từ đấy, người nghe khó phân biệt được sáng tác Y Vân, Nguyễn Văn Ðông, Lê Dinh, Minh Kỳ hay Lam Phương với ca khúc của nhạc sĩ di cư đất Bắc. Nếu có khác thì đấy là giữa thể loại ca khúc của thành phố thanh bình, có men rượu, khói thuốc và cả một chút Paris, với nhạc chân quê hay nhạc của người lính thời chiến.
Cho đến khi Nam Bắc thật sự là một nhà, và khi nền tân nhạc hết phân biệt hậu phương hay tiền tuyến thì chúng ta gặp cuộc đổi đời thứ hai, biến cố 1975. Lần này cũng vẫn phong ba giông tố, nhưng không là một nơi chốn mới của quê hương mà là một sự giã biệt bi thảm hơn. Sang năm, chúng ta sẽ viết lại chuyện này....
***
Từ nhiều tháng nay, người viết ngồi dưỡng bệnh bằng nhạc, cho đến khi tòa soạn Người Việt yêu cầu một bài đặc biệt về tân nhạc trong và sau biến cố 54.
Không vì “yêu sách” của tờ báo mà vì yêu nhạc, Quỳnh Giao cố gõ lại trí nhớ mà gửi độc giả bài này, với một kết luận là sự tri ân của một người đã nghe và hát: “Nền tân nhạc Việt Nam có nhiều tác phẩm nghệ thuật nhất, và đáng nhớ nhất vì còn được hát ngày nay, là ở miền Nam, trong giai đoạn 1954-1975. Trước đấy thì chưa có và sau đó thì không còn...”
Quỳnh Giao
Không có nhận xét nào