Header Ads

  • Breaking News

    Sandrine Teyssonneyre – Thái Bình Dương: Mặc cho những nghi ngại, Trung Quốc quyết dấn thân




    Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị [Wang Yi] sau cuộc họp báo với Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama ở Suva, thủ đô Fiji, ngày 30 tháng 5 năm 2022. (Nguồn: Japan Times)


    Ngoại trưởng Trung Quốc đã kết thúc chuyến thăm kéo dài 10 ngày đến tám quốc gia Thái Bình Dương vào ngày 4 tháng 6. Một chuyến công du nhằm ghi dấu ấn của Trung Quốc trong khu vực, trong khi sự rạn nứt giữa các nền dân chủ tự do và trục Bắc Kinh-Mátxcơva đang ngày càng rõ nét ở châu Âu và châu Á. Nếu khu vực còn hoài nghi trước lời đề nghị của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn là bậc thầy trong trò chơi kiên trì.

    Với việc liên minh Aukus giữa Australia, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đang tiến triển kể từ tháng 9 năm 2021, đã có nhiều phỏng đoán về việc [Thủ tướng Australia] Anthony Albanese, thuộc Công Đảng Australia, đắc cử vào ngày 21 tháng 5 sẽ làm thay đổi chính sách của Australia trong khu vực. Trong khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga chưa tìm thấy lối thoát, và Tổng thống Mỹ chơi trò từ ngữ bằng cách nói bóng gió về việc bảo vệ Đài Loan trước một cuộc xâm lược tương tự, Trung Quốc đã không đợi chính quyền mới ở Canbera đặt nền móng cho hành động của họ ở Thái Bình Dương, khi phái Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thực hiện chuyến công du đến tám quốc đảo.

    Về mặt chiến lược, các quần đảo nằm trong chuyến viếng thăm tạo thành một chuỗi rào chắn bổ sung cho các quần đảo bao quanh không gian Trung Quốc ở Biển Đông và ngoài khơi Nhật Bản, tất cả đều nhằm từ chối việc Trung Quốc tiếp cận vùng biển [mare nostrum] của Mỹ. Papua New Guinea (PNG) tạo thành điểm cực bắc của rào chắn thứ nhất, bao gồm New Caledonia, và rào chắn thứ hai, bao gồm các quần đảo Solomon, Vanuatu và toàn bộ New Zealand. Các rào chắn này tạo thành một thánh địa bảo vệ lục địa Australia, được neo chặt vào Hoa Kỳ bởi liên minh Aukus. Vấn đề nên hay không nên công nhận Đài Loan cũng là một rạn nứt mới được Trung Quốc xuất khẩu trong khu vực. Đối với hợp tác Nam-Nam, nó liên quan đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tự cho là một nước đang phát triển, điều này không thuyết phục được bất kỳ ai, nhưng tác động đến sự nhạy cảm của các quần đảo Thái Bình Dương đối với với lịch sử thuộc địa.

    LÁNG GIỀNG GẦN

    Ở bên kia tỉnh Tây Papua, thuộc Indonesia, PNG là một nước độc lập khỏi Australia từ năm 1975, sau khi từng bị Đức và Anh cai trị. Tuy nhiên, các mối liên hệ, đặc biệt là về an ninh, vẫn mong manh với vùng đất mà người thổ dân có thể đã đặt chân lên hòn đảo này từ 50.000 năm trước. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra mức GDP bình quân đầu người [của PNG] gần 2.800 đô-la Mỹ vào năm 2020. PNG, giàu khoáng sản, trong đó có vàng, và hydrocacbon, chủ yếu là một nước xuất khẩu nguyên liệu thô; Australia, Trung Quốc và Nhật Bản là ba đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Viện trợ song phương của Australia đã lên tới mức dưới 500 triệu đô-la Úc trong giai đoạn 2022-23. Vị trí chiến lược quan trọng, giàu nguồn nguyên liệu thô, chiến lược chứng minh sự hiện diện của họ trước Bộ tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ), tất cả đều là động lực của Trung Quốc đối với PNG.

    Điểm dừng chân cuối của Vương Nghị, là Papua New Guinea, đảo quốc đang trong quá trình tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia, để bầu ra thủ tướng tiếp theo. Do đó, các nhà quan sát địa phương cho rằng chuyến viếng thăm của Vương Nghị đã chọn thời điểm không tốt, để đưa PNG hội nhập vào một mối quan hệ lớn mới với Trung Quốc. Vào năm 2019, đảo Bougainville, gần với quần đảo Solomon về mặt địa lý, đã bỏ phiếu 98% ủng hộ nền độc lập. Hoa Kỳ đã cấp 2 triệu đô-la còn thiếu để tài trợ cho cuộc trưng cầu dân ý, khiến Trung Quốc bị loại khỏi cuộc chơi. Cuộc xung đột kéo dài hai mươi năm giữa Papua New Guinea và Bougainville, tập trung vào việc quản lý tài nguyên khoáng sản, đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người.

    Đông Timor, nước tuyên bố độc lập khỏi Bồ Đào Nha từ năm 1975, đã tự giải phóng, vào năm 2002, khỏi ba thập kỷ cai trị bạo lực của Indonesia nhờ một tiến trình tự quyết của Liên hợp quốc. Hòn đảo này, giàu gỗ đàn hương trước đây, đã mất nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận với Australia nhằm khai thác dầu ở vùng Biển Timor, nguồn cung cấp chính của GDP nước này. Thu nhập bình quân đầu người [của Đông Timor] là 1.450 đô-la vào năm 2020. Các thỏa thuận với Trung Quốc bao gồm các lãnh vực nông nghiệp, viện trợ y tế và xây dựng một bệnh viện.

    CHIẾN ĐẤU VÌ BẮC KINH?

    Quần đảo Solomon mở rộng chuỗi rào chắn thứ hai từ chối sự tiếp cận [của Trung Quốc], đến tận miền nam New Zealand thông qua các quần đảo Banks và Vanuatu. Một trong những nước kém phát triển nhất (LDCs, least developed countries) hiếm hoi trong khu vực, quần đảo Solomon có GDP bình quân đầu người là 2.250 đô-la vào năm 2020 và nhận được 174 triệu đô-la Úc tiền viện trợ song phương trong cùng thời kỳ. Australia, với GDP bình quân đầu người đạt 52.000 đô-la, cho đến nay là nguồn nhập khẩu chính của quần đảo. Ngược lại, Trung Quốc nhập 65% xuất khẩu gỗ, hải sản, dầu cọ và các nguyên liệu thô khác của quần đảo. Là nơi diễn ra Trận chiến huyền thoại Guadalcanal, quần đảo Solomon đã tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh từ năm 1978, nhưng vẫn theo chế độ quân chủ lập hiến mà nữ hoàng Elizabeth II là quốc vương.

    Chính một hiệp ước hỗ trợ quân sự, cho phép quân đội Australia được triển khai tại thủ đô Honiara vào tháng 11 năm ngoái, khi bạo loạn nổ ra, yêu cầu Thủ tướng bị chê bai phải từ chức, trong bối cảnh cáo buộc tham nhũng, vì đã cắt đứt quan hệ 36 năm với Đài Loan vì lợi ích của Bắc Kinh. Hơn nữa, bạo lực đã chuyển yêu sách sang ủng hộ sự phục hồi lãnh thổ, do tỉnh Malaita nói riêng đã nổi lên chống lại khuynh hướng thân Trung Quốc của chính quyền trung ương, làm cho Solomons trở thành quần đảo đầu tiên ở khu vực Thái Bình Dương đấu tranh trên vấn đề tương lai của Trung Quốc trong khu vực.


    Kurt Campbell (1957-)


    Nếu các quan điểm bị chia rẽ, thì đó là một phần do sức nặng của lịch sử. Những người ủng hộ chủ quyền Solomon nhớ lại cái giá cống nạp nặng nề về con người, vào thế kỷ XIX, cho giới chủ trồng rừng Australia khi giới này áp dụng chính sách tuyển dụng bạo lực bằng lao động cưỡng bức, chính sách black-birding [người da đen di trú]. Do đó, vào ngày 29 tháng 4, Thủ tướng [Solomon] đã xác nhận việc ký một “hiệp ước an ninh” với Trung Quốc, mà phía Hoa Kỳ đã đáp trả ngay lập tức bằng chuyến viếng thăm của người đứng đầu Vụ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Kurt Campbell, tới Honiara. Ngay cả New Zealand vốn khoan hoà cũng đã nhắc nhở đối tác Solomon rằng vấn đề an ninh khu vực phải được thảo luận trước khi có bất kỳ hành động đơn phương nào.

    Nước BẠN VANUATU

    Chế độ quản lí Pháp-Anh của quần đảo New Hebrides đã trở thành đảo quốc Vanuatu vào năm 1980. Sự cạnh tranh Trung-Úc đã được neo chặt trong chính sách chính trị địa phương, và Trung Quốc đã chứng tỏ sự hào phóng của họ bằng nhiều công trình xây dựng, trong đó có có một số công trình có vẻ như được sử dụng vì mục đích quân sự. GDP bình quân đầu người của Vanuatu là 2.870 đô-la vào năm 2020, có nguồn gốc từ xuất khẩu thủy sản và các nguyên liệu thô tự nhiên khác sang Thái Lan và Nhật Bản, trong khi Trung Quốc là nguồn nhập khẩu hàng đầu, đứng trước cả Australia. Viện trợ của Australia cho năm tài chính 2022-23 được dự kiến là 46 triệu đô-la Úc, một con số hứa hẹn một cuộc đua thuận lợi cho Trung Quốc, được thể hiện qua một thỏa thuận mới giữa Vanuatu và Trung Quốc về việc mở rộng một đường băng trên đảo Santo, cho phép các máy bay viện trợ nhân đạo hạ cánh.

    Vào cuối tháng 5, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, Vanuatu ước tính chi phí đối phó là 1,2 tỷ đô-la. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu không nằm cụ thể trong nội dung năm điểm được coi là mỏ neo của mối quan hệ hợp tác “tin cậy” được củng cố giữa hai quốc gia, bao gồm trao đổi ngôn ngữ và sự gắn bó của Vanuatu với sáng kiến các “Con đường Tơ lụa Mới”.

    LỜI GỌI TỪ BIỂN KHƠI

    Ở Fiji, Trung Quốc đang hiện diện trên một lãnh thổ Anglo-Saxon. Quan hệ thương mại và viện trợ song phương tại thuộc địa cũ của Anh này, toàn bộ độc lập từ năm 1970 và là trụ sở của Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương, là những dấu vết để lại của quá khứ. GDP bình quân đầu người trên 5.000 đô-la vào năm 2020 đặt quần đảo này vào vị trí cuối trong số các nước có thu nhập trung bình cao của Ngân hàng Thế giới. Cho đến nay, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất, tiếp theo là Australia. Fiji xuất khẩu nước đóng chai, hải sản, đường mía và vàng. Trung Quốc chiếm ít hơn 4% các mặt hàng xuất khẩu của đảo quốc này. Trong năm 2022-23, viện trợ của Australia sẽ lên tới 40 triệu đô-la Úc. Sydney cũng đã cử nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của họ đến Fiji vài ngày trước khi Vương Nghị đến, đồng thời chỉ trích chính quyền tiền nhiệm của Úc đã “buông thả” các quần đảo ở Thái Bình Dương. Về phía Fiji, người dân địa phương bị chia rẽ về lợi ích của việc đầu tư của Trung Quốc, ở một nước mà có cộng đồng Hoa kiều sinh sống, mặc dù ít ảnh hưởng hơn so với cộng đồng Ấn kiều.

    Nhưng vào ngày 30 tháng 5, Vương Nghị đã không thuyết phục được mười người đồng cấp ở khu vực Thái Bình Dương, trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, đoàn kết với một “tầm nhìn chung” vì sự phát triển của khu vực. Là nước luôn rất đậm phong cách Anh Quốc, Fiji vừa ký một dự án do Hoa Kỳ và Bộ tứ [Quad] khởi động vào ngày 23 tháng 5 tại Tokyo: khối kinh tế có tên là Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đề xuất của Trung Quốc bao gồm các lãnh vực từ thương mại và an ninh mạng đến hải quan và công nghệ, chưa kể đến các lãnh vực y tế và khí hậu. Để trì hoãn, các quốc gia trong khu vực đã tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào giữa họ với nhau đều cần được thông qua tại Diễn đàn.

    Ở phía đông bắc Fiji, ở vĩ độ của quần đảo Wallis và Futuna, quần đảo Tây Samoa, độc lập từ năm 1962, được quản lý bởi một thỏa thuận ba bên giữa Đức, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cho đến năm 1919, khi New Zealand trở thành cường quốc được ủy nhiệm. Về phía quần đảo Đông Samoa, họ vẫn thuộc Mỹ, mặc dù công dân họ không tham gia vào các cuộc bầu cử của lục địa. GDP bình quân đầu người của Tây Samoa là hơn 4.000 đô-la vào năm 2020. Viện trợ của Australia sẽ lên tới 27 triệu đô-la Úc trong năm 2022-23. Hàng hóa xuất khẩu của Tây Samoa trước tiên sẽ đến Đông Samoa, đảo quốc láng giềng thân Mỹ, tiếp theo là New Zealand, Hoa Kỳ và Australia. Hàng hóa nhập khẩu đến từ New Zealand, Singapore và Trung Quốc. Một phần ba hàng xuất khẩu là xe bọc thép được lắp ráp trong nước, còn các sản phẩm nông nghiệp thì bị bỏ xa phía sau. Thế nên, bằng việc ký kết một thỏa thuận với quần đảo Samoa về hợp tác kinh tế và kỹ thuật, một trung tâm văn hóa và một “công viên hữu nghị”, Trung Quốc đang tiến tới cọ xát rất gần với sự hiện diện của Mỹ.

    Ở phía nam, chế độ quân chủ lập hiến Tonga đã tuyên bố độc lập từ năm 1970 và là thành viên của Khối thịnh vượng chung. GDP bình quân đầu người của nước này đạt gần 5.000 đô-la và viện trợ của Australia sẽ là 20 triệu đô-la Úc cho năm 2022-23. Tonga chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản sang Hoa Kỳ, New Zealand, Australia và Hàn Quốc, trong đó Trung Quốc hầu như không có mặt trong thương mại của họ vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Tonga nợ Bắc Kinh hai phần ba số nợ, đặc biệt là do việc tái thiết mạng lưới đường bộ. Đã có nhiều thỏa thuận hợp tác mới về thủy sản, kinh tế xanh và cảnh sát đã được ký kết trong chuyến viếng thăm của Trung Quốc.

    3.000 KILOMET CHỖ TÀU BIỂN ĐẬU TIỀM NĂNG

    Quần đảo Kiribati, phân tán rộng khắp theo chiều ngang và hình thành nên quần đảo Gilbert trước đây, là quần đảo nghèo nhất trong khu vực với GDP bình quân đầu người là 1.650 đô-la vào năm 2020. Australia chỉ phân bổ khoản viện trợ hơn 24 triệu đô-la Úc cho năm 2022-23. Quần đảo Kiribati (phát âm là “Kiribass”) đã tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh từ năm 1979, quần đảo Ellice trước đây được tách ra để hình thành nên đảo quốc Tuvalu ngày nay.

    Quần đảo nằm ngay phía tây quần đảo Marquesas và phía nam Hawaii bao gồm 33 đảo san hô với rất ít đất liền. Vùng biển giàu tài nguyên cá là một hứa hẹn đánh bắt cá thần kỳ cho Bắc Kinh, bởi vì chỉ có 11% trên diện tích ba triệu rưỡi km2 này được bảo vệ. Về phía chính quyền, họ đang đàm phán mua đất ở các khu vực xung quanh để di chuyển người dân vốn bị bao quanh bởi nước biển. Nếu Trung Quốc coi Kiribati là một địa điểm lý tưởng để phát triển các đường băng máy bay trên các đảo nhỏ được san lấp, như họ đã làm ở Biển Đông, thì quần đảo Kiribati, vốn đã thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc vào năm 2019, đang phải suy nghĩ lại…

    ĐỐI ĐẦU

    New Caledonia đã bầu lại Emmanuel Macron với hơn 61% số phiếu, không nằm trong danh sách chuyến công du châu Đại Dương này, trong khi các đảng phái tại địa phương đang chuẩn bị cho lần thảo luận thứ n về quy chế tương lai sau cuộc trưng cầu dân ý lần thứ ba về quyền tự quyết vào ngày 12 tháng 12. Các cuộc thảo luận gai góc này, bắt đầu thành hình sau cuộc bầu cử lập pháp, sẽ được Bộ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ hải ngoại mới, Yaël Braun-Pivet, khuấy động, do người tiền nhiệm đã để lại những kỷ niệm mạnh mẽ. Vào thời điểm hiện tại, các bên ủng hộ độc lập đang hướng về phía Ủy ban phi thực dân hóa của Liên hợp quốc, để cố gắng tìm kiếm sự hậu thuẫn và đặt lại vấn đề về kết quả cuộc trưng cầu dân ý lần thứ ba, sau khi đã bị Hội đồng Nhà nước Pháp bác bỏ. Trong chừng mực mà đôi lúc Trung Quốc được giương lên như con ngoáo ộp, thì chính Trung Quốc đành phải giới hạn ở vai trò là nước mua niken. Vương Nghị cũng không đến Polynesia, nơi các dự án đầy tham vọng đang bị sa lầy trong vũng bùn các tác động của môi trường.

    Các cường quốc phương Tây, đã từng đặt chân trong khu vực từ thế kỷ XVI, phải xoay sở như thế nào khi chứng kiến sự hiện diện của họ bị tranh cãi trong vòng chưa đầy hai thập kỷ? Trong số các nhân tố lý giải tiềm năng, cần lưu ý rằng không phải lúc nào họ cũng có hành động phối hợp, và về mặt này những phát triển của năm 2021, mang tính thiên định. Họ cũng đã không coi trọng đúng mức mối đe dọa về biến đổi khí hậu, đã thất bại trong việc đề xuất toàn bộ khu vực tham gia một dự án đa phương dài hạn nhằm tạo ra một Châu Đại Dương xanh. Thỏa thuận Paris [về biến đổi khí hậu], đến rất muộn vào năm 2015, đã bị Hoa Kỳ bác bỏ một năm sau đó. Các định chế trong khu vực là các diễn đàn thảo luận hơn là hành động chung. Và hành động của phương Tây quá dễ trở thành nạn nhân của nhiều điều bất ngờ trong các cuộc bầu cử, rõ ràng nhất là chính sách di cư do biến đổi khí hậu của Australia. Chính sách hạt nhân hóa do Aukus lên kế hoạch đi ngược lại với Hiệp ước Rarotonga năm 1985.


    Charles Edel


    Trong một bài báo gần đây, tờ New York Times đã lưu ý không nên nhầm lẫn các lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương với một ảnh hưởng thực sự, và đã đưa ra nhiều ví dụ về sự bám rễ của Trung Quốc trong khu vực. Người ta chỉ có thể ngạc nhiên về tính thiếu liên tục trong chính sách của Mỹ trong một đại dương mà họ đã mất cả thế kỷ XIX để chinh phục, cụ thể bằng cách loại bỏ sự hiện diện của Tây Ban Nha khỏi khu vực. Như Charles Edel đã viết cho tờ Foreign Affairs, “khu vực chiến lược rộng lớn này đã bị bỏ quên đáng kể trong những thập kỷ gần đây” khi Hoa Kỳ bị chi phối ở những nơi khác. Giữa Iraq và biến đổi khí hậu, vấn đề Iraq chiếm ưu thế, khẳng định việc người Mỹ chỉ tham gia vào khu vực trong thời kỳ chiến tranh. Về mặt này, việc hoãn gia hạn “Hiệp ước” an ninh với các đảo quốc Micronesia và Palau là điều đáng ngạc nhiên từ một cường quốc có ngân sách quân sự khoảng 800 tỷ đô-la. Các đảo quốc Châu Đại Dương đang mong đợi một điều gì đó khác, khi được mời tham dự hội nghị của Liên hợp quốc về tài trợ cho phát triển ở Monterrey, Mexico vào tháng 3 năm 2002.

    Ở khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc và các nước dân chủ phương Tây đang là đối thủ với nhau theo đúng nghĩa từ nguyên của thuật ngữ này: họ chia sẻ chung các vùng biển. Dưới vỏ bọc của trò chơi đa cực, Trung Quốc chắc chắn hy vọng sẽ “đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Thái Bình Dương”. Về phía các nước dân chủ phương Tây, họ có ý định duy trì sự nổi trội của họ trong lịch sử trên một không gian bao la, nhưng tham vọng này lại thiếu các phương cách thực thi rõ ràng. Những lời cáo buộc Trung Quốc như là “mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới” sẽ không đủ sức để giành chiến thắng trong trò chơi. Vẫn còn một giải pháp tệ nhất: một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc trong khi Tập Cận Bình đang nắm quyền, dẫn đến một sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho “hòn đảo nổi loạn”, dù có hay không sự can thiệp của Mỹ, một mối liên hệ giữa các đấu trường châu Âu và châu Á của cuộc xung đột, và nguy cơ leo thang một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Về vấn đề này, các bên chủ chốt đáng lý nên rõ ràng hơn.

    Tác giả Sandrine Teyssonneyre, ở Nouméa

    Thông tin về Tác giả






    Sandrine Teyssonneyre





    Sandrine Teyssonneyre, tốt nghiệp Trường Quan hệ Công và Quốc tế thuộc Đại học Columbia, có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngoại giao đa phương, tư vấn và giảng dạy về quan hệ quốc tế. Trong số những cuốn sách được xuất bản, bà là tác giả cuốn “The United Nations and Business: A Partnership Recovered [Liên hợp quốc và doanh nghiệp: Một quan hệ đối tác được phục hồi].” Bà đã tư vấn cho các cơ quan của Liên hợp quốc và các doanh nghiệp về việc mở rộng hoạt động lâu dài ở các nước mới nổi và các nước đang phát triển.

    Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch


    Không có nhận xét nào