Chương 10, tác phẩm Power vs. Force (trang 177-180)
Cuối cùng, mọi người đều thừa nhận rằng chế độ dân chủ là hình thức cai trị ưu việt hơn những hình thức khác. Lời kêu gọi tự do đang ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, nhiều nước từng đàn áp tiếng nói kêu đòi tự do đang học những bài học cần thiết cho quá trình thiết lập tự do. Các nhà sử học thường sử dụng khoa học thông thường hiện nay để tìm cách giải thích những chuỗi sự kiện chính trị bằng quan hệ nhân quả A → B → C; nhưng đấy chỉ là quá trình mở ra liên tục mà chúng ta nhìn thấy của một cái gì đó với sức mạnh bên trong lớn hơn hẳn, đấy là mô thức điểm hút ABC, vốn là xuất phát điểm của quá trình tiến hóa xã hội.
Sức mạnh bên trong của Hoa Kỳ, hoặc bất kỳ chế độ dân chủ nào khác, xuất phát từ những nguyên tắc nền tảng của nó. Do đó, chúng ta có thể tìm cơ sở của sức mạnh bên trong bằng cách kiểm tra những văn kiện như Hiến pháp Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền, Tuyên ngôn Độc lập, và những biểu hiện của tinh thần dân chủ được mọi người thừa nhận trong bài Diễn văn của Tổng thống Abraham Lincoln ở Gettysburg.
Tiến hành hiệu chỉnh nội lực tương đối của từng dòng chữ của những văn kiện này, chúng ta sẽ thấy mô thức điểm hút cao nhất – xuất phát điểm của toàn bộ nội lực của chính phủ Hoa Kỳ là câu sau đây trong Tuyên ngôn Độc lập: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền bất khả tương nhượng, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (điểm hiệu chỉnh 700). Những tình cảm thể hie65mn trong Diễn văn ở Gettysburg, trong đó Abraham Lincoln nhắc nhở chúng ta rằng nước Mỹ được hoài thai trong Tự do và “…hiến dâng cho tuyên bố nói rằng tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng” và “dân tộc này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của Tự do và chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này” (cũng có điểm hiệu chỉnh 700).
Nếu xem xét các hành động và những lời tuyên bố của chính Lincoln trong những năm Nội chiến, chúng ta chắc chắn sẽ thấy rằng ông không hề có lòng thù hận. Ông tỏ ra thương cảm chứ không hề ghét bỏ miền Nam, vì ông hiểu rõ hơn bất kỳ người nào khác rằng đây là trận chiến đấu giữa những người có đạo đức cao hơn và những người có đạo đức thấp hơn. Do đó, ông đại diện cho “chân lý hiển nhiên” mà ông nhắc tới, và cảm thấy tiếc cho cái giá mà ông biết là đất nước phải trả.
Tuyên ngôn Độc lập nói rằng, “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên”- rằng nhân quyền là do tạo hóa ban cho con người và đấy những quyền không thể tương nhượng; nghĩa là, những quyền đó không xuất phát từ mệnh lệnh của lực lượng bên ngoài, cũng không phải do những kẻ cầm quyền tạm thời nào đó ban cho. Chế độ dân chủ công nhận quyền thiêng liêng của những người bị trị, chứ không phải quyền của kẻ cai trị. Nó không phải là một quyền do tước vị, của cải, hoặc ưu thế quân sự mà có, mà là tuyên bố rất sâu sắc về cốt tủy của bản chất người, nó xác định các nguyên tắc nội tại của chính cuộc sống của con người: tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. (Cơ sở nội lực của Mahatma Gandhi có điểm hiệu chỉnh giống hệt với cơ sở nội lực của Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp (Hoa Kì –ND); tất cả, về thực chất, đều nói đến tự do và bình đẳng của tất cả mọi người, được Nội lực của Thần thánh cao cấp hơn ban tặng cho con người).
Điều thú vị là, nếu hiệu chỉnh nội lực của trường điểm hút của chế độ thần quyền, chúng ta thấy nó luôn luôn thấp hơn các chế độ dân chủ công nhận Tạo hóa là quyền lực tối thượng. Những người chấp bút Tuyên ngôn Độc lập đã rất khôn khéo khi vạch ra đường phân giới rất rõ ràng giữa tâm linh và tôn giáo. Và họ biết bằng trực giác, chứ không phải bằng lý trí, sự khác biệt rõ ràng giữa sức mạnh của tâm linh và tôn giáo. Tôn giáo, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, thường liên kết với sức mạnh bên ngoài, đôi khi mang tính thảm họa; trong khi các khái niệm tâm linh như lòng trung thành, tự do và hòa bình không tạo ra tranh chấp hoặc xung đột, chứ chưa nói chiến tranh. Tâm linh luôn luôn liên kết với bất bạo động.
Nhưng nếu xem xét việc áp dụng Tuyên ngôn Nhân quyền trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ thấy nội lực của nó trong một số lĩnh vực đã suy giảm. Quyền không bị khám xét và bắt giữ mà không có lý do chính đáng, cũng như không phải chịu những hình phạt tàn nhẫn và khác thường, đều đã bị những thủ đoạn được sử dụng suốt nhiều năm qua bào mòn. Tinh thần của Hiến pháp Hoa Kỳ đã bị lu mờ đến mức người ta thường xuyên đệ trình và thông qua những đạo luật vi hiến một cách trắng trợn mà không có người nào lên tiếng phản đối. Những nhóm người ủng hộ chế độ toàn trị hiện diện ngay trong chính phủ; xã hội chúng ta thường xuyên chịu đựng các chiến thuật của chế độ toàn trị do chính quyền liên bang và địa phương thực hiện - được thể hiện trong việc áp dụng những biện pháp đe dọa mà mọi người đều có thể nhận ra. Đáng tiếc là, chúng ta đã quá quen thuộc với bầu không khí sợ hãi và bạo lực làm cho những người Mỹ ở nước ngoài ngạc nhiên, khi họ thấy rằng ở nhiều nước, chính phủ hay lực lượng cảnh sát thậm chí không hề đe doạ xâm nhập vào đời tư của họ.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là áp dụng các biện pháp thực tế mà không tôn trọng nguyên tắc là đánh mất sức mạnh bên trong vô cùng to lớn. Ví dụ, các công trình nghiên cứu không tìm được kết quả ủng hộ những luận cứ nói rằng tử hình bọn tội phạm sẽ ngăn chặn được tội ác; và mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Hậu quả của việc vi phạm nguyên tắc được thể hiện trong số liệu thống kê tội phạm ở Hoa Kỳ, nơi giết người phổ biến đến mức thậm chí không được đưa lên trang đầu các tờ báo ra hàng ngày.
Vì chúng ta không phân biệt được nguyên tắc với biện pháp, người bình thường không đủ sáng suốt để nhận thức được sự khác biệt giữa chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa yêu nước chân chính, giữa tinh thần Hoa Kì và Tinh thần Hoa Kì, giữa chúa và Chúa, giữa tự do và Tự do. Do đó, “tinh thần Hoa Kì” được những người da trắng thượng đẳng và đám đông thực hiện hình phạt lynch (có điểm hiệu chỉnh 150) sử dụng để biện minh cho hành động của mình, tương tự như những kẻ hiếu chiến từng nhân danh “Chúa” trong suốt chiều dài của lịch sử. Coi tự do như là phóng túng làm cho chúng ta hiểu rằng nhiều người không phân biệt được tự do là phóng túng và Tự do chân chính, như là một nguyên tắc.
Cần phải có kinh nghiệm và khả năng phán đoán, do giáo dục mà ra, thì mới phân biệt được các nguyên tắc và những thứ giả vờ là nguyên tắc. Cần phải tập xét đoán như thế thì mới tồn tại được về mặt đạo đức trong thế giới hiện đại, nói chung; nhưng đây lại là đòi hỏi bắt buộc trong những vùng xám, nơi sự mơ hồ về đạo đức đã được nâng tầm từ tục lệ thành hình thức nghệ thuật, đấy là chính trường và thương trường đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Không có nhận xét nào